CHÚA NHẬT 6-B TN
THỐNG HỐI
Vòng đời con người, ai cũng kinh qua bệnh tật về thể lý hoặc tinh thần. Các thứ bệnh đều cần được chữa lành. Chúa Giêsu, Vị Lương Y giàu Lòng Thương Xót, đầy quyền năng đã vào cuộc đời để chữa lành bệnh tật chúng ta (x. Mc 1,41); và còn gởi cả Mẹ của Ngài để săn sóc chúng ta (x. Ga 19,26-27 – Ngày QT Bệnh Nhân thứ 26). Chúng ta đến với Chúa (x. Ga 14,5), hân hoan reo vui trong Chúa vì được thứ tha (x. Tv 31,11), “để tôn vinh Chúa trong mọi sự” (1 Cr 10,31; Luật Biển Đức 57,9).
+ Lạy Chúa, bệnh tật thể lý, chúng con biết tìm thầy chạy thuốc; nhưng bệnh tật tâm hồn là tội lỗi, chúng con chỉ được chữa lành khi “xưng ra không che giấu cùng Chúa điều gian ác của chúng con” (Tv 31,5).
Xin Chúa thương xót chúng con.
+ Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn động lòng thương xót những ai kêu cầu Chúa chữa lành, dù những tật bệnh đó gây lụy phiền cho Chúa, nhưng chúng con lại không vững mạnh tin vào Chúa (x. Mc 1, 41).
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
+ Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con làm mọi sự để tôn vinh Chúa, nhưng chúng con lại sống chưa làm hài lòng, và chưa biết tìm điều lợi ích cho mọi người trong mọi sự theo gương Chúa (x. 1 Cr 10, 31 – 11, 1
Xin Chúa thương xót chúng con.
Lv 13, 1-2. 44-46; 1 Cr 10, 31 – 11, 1; Mc 1, 40-45
I. “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 126, 5). Ai trong chúng ta đã bỏ công sức đầu tư vào một việc nào, lại không cảm thấy hãnh diện sau khi hoàn thành tốt công việc đó. Có được kết quả và hài lòng về mình, không là xấu. Chỉ xấu khi con người tự mãn kiêu căng, cho là chỉ tự sức mình mà có những kết quả này, và không ai có thể làm được như mình.
II. Bàn về “những anh em thạo nghề trong Đan Viện”, Cha Thánh Biển Đức mời anh em hành nghề với tất cả lòng khiêm tốn; còn về giá cả, đừng để tật xấu hà tiện lẻn vào, nhưng luôn luôn bán hạ giá hơn người đời một chút, để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh (x. Thánh Luật Biển Đức, chương 57).
Tự mãn kiêu căng là căn bệnh trầm trọng nhất của linh hồn, vì đó là căn bệnh của Con Rắn xưa. Tính tự mãn kiêu căng lợi dụng tất cả để phình to lên, và sau cùng sẽ nhận chìm hết những gì là tốt đẹp và lành mạnh trong chúng ta, sẽ làm ô nhiễm luôn điều tốt nhất nơi tâm hồn chúng ta. Tự mãn kiêu căng tưởng mình làm lợi cho Đan Viện, là một mối nguy thực sự, nên Cha Thánh Biển Đức bảo phải cất đi cái cớ làm cho nó bùng lên : cho nghỉ việc.
Để xem mình có rơi vào thói tự mãn kiêu căng hay không, Cha Thánh Biển Đức dạy xét xem mình có nghĩ đã làm lợi gì cho Đan Viện không. Mối nguy rình rập người thạo nghề, chính là tự mãn kiêu căng. Vì tự bản chất, Đan Sĩ là người đón nhận. Đan Sĩ là người tới Đan Viện để tìm ơn cứu độ, là người sống trong tư thế một kẻ nghèo, một kẻ đi xin. Khi nghĩ mình có cái gì, khi tưởng mình làm lợi được cái gì, Đan Sĩ liền bỏ mất phẩm tính cơ bản của Đan Sĩ, Đan Sĩ đi trệch lạc khỏi con đường đích thực của ơn gọi đan tu. Đó là lý do tại sao Cha Thánh Biển Đức nhắc nhở chúng ta : vào Đan Viện là “để tôn vinh Thiên Chúa trong mọi sự” (x. Nữ Xitô Phước Hải, Trên Đường Tự Do, năm 2012, ch. 57).
Điều Cha Thánh Biển Đức nói trên, chính thánh Phaolô đã khuyên dạy các tín hữu ở Corintô xưa. Thánh nhân khuyên dạy nhiều điều, chúng ta có thể qui về điểm chính, là “nguyên tắc luân lý cơ bản tuyệt vời và thực tế” : “Để tôn vinh Thiên Chúa trong mọi sự” (x. 1 Cr 10,31). Vì :
MỘT. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, Kitô hữu chính thức trở thành con cái của Thiên Chúa. Bổn phận của con là làm cho mọi người nhận ra Cha mình là Thiên Chúa nhân từ và yêu thương, để ai cũng tin vào Thiên Chúa : Thiên Chúa được tôn vinh (x. Kinh Lạy Cha).
HAI. Kitô hữu là con cái trong Hội Thánh. Bổn phận của những người trong Hội Thánh là làm mọi sự cho mọi người, để họ cũng tin vào Thiên Chúa. Họ được bình an hạnh phúc là ơn Cứu Độ : Thiên Chúa được tôn vinh. (x. Lumen Gentium, 9).
Tôn vinh Thiên Chúa, bằng cách :
MỘT. Kitô hữu dù ở môi trường hay ở hoàn cảnh nào, không gây gương xấu cho bất cứ ai, không tìm ích lợi cho riêng mình. Nhưng luôn làm gương tốt trong mọi hoàn cảnh, cố gắng làm đẹp lòng mọi người. Chúng ta tôn vinh Chúa trong tất cả những gì thuộc chính cuộc sống cá nhân chúng ta.
HAI. Kitô hữu có một gương mẫu toàn hảo tuyệt vời là Chúa Giêsu. Hàng hàng lớp lớp bậc tiền bối đã theo Mẫu Gương Giêsu. Kitô hữu soi gương người đi trước, như soi gương thánh Phaolô sẵn sàng quên mình để sống cho tha nhân, cố gắng giúp cho người khác được hạnh phúc, nhất là giúp họ đạt được phần rỗi đời đời.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hiện thân gương “quên mình để sống cho tha nhân”, khi có người phong cùi đến quì xuống van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Chúa Giêsu động lòng xót thương và đưa tay chạm đến anh, lập tức chứng phong cùi biến mất và anh được lành bệnh (x. Mc 1, 40-45), mặc dù Chúa Giêsu vẫn biết có những luật cấm liên hệ tới loại bệnh này (x. Lv 13, 1-2. 44-46).
Chúa Giêsu đã mang vào mình những thương tích của nhân loại để nhân loại được chữa lành và Người tự nguyện nhận lấy cái chết để nhân loại được sống. Chân lý ấy đã được thể hiện đầy đủ qua sự kiện trên. Chúa Giêsu đã biểu lộ hình ảnh của “Chúa Cha là Đấng quặn đau” (Lc 6,36) trước nỗi thống khổ của kẻ khác. Lề luật không cho người ta đụng chạm vào người bệnh phong. Nhưng lòng thương xót của Chúa Giêsu đã vượt trên lề luật, nên Người đã giơ tay đụng vào anh. Người muốn mang lấy bệnh phong của anh. Người muốn mặc vào mình thân phận tội lỗi của nhân loại (x. Is 53) : Nên người bệnh phong được lành sạch và tái nhập vào cộng đồng nhân loại; còn Chúa Giêsu, Đấng chữa lành, lại bị loại ra khỏi cộng đồng ấy và “phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành” (x. Mc 1,45).
III. Người bệnh phong đến gặp Chúa Giêsu, quỳ xuống van xin : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Chúa Giêsu động lòng xót thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi !”. Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch (x. Mc 1, 40-42). Chúng ta chỉ được khỏi bệnh và sạch tội, khi biết đến với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Xin Đức Maria giúp các bệnh nhân biết sống nỗi khổ đau của họ trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu, và xin Mẹ trợ giúp những người đang chăm sóc các bệnh nhân” (ĐTC Phanxicô, SĐ QTBN 7, năm 2018, lần thứ 26).