Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 7-A TN – Mt 5, 38-48

I. Chuyện tình Romeo và Julietta đã được nhiều văn nghệ sĩ viết lên những khúc thi ca, âm nhạc, những vở kịch… ca tụng tình yêu của họ. Tại sao người ta lại quan tâm nhiều như thế ? – Vì đôi bạn trẻ Romeo Julietta là nạn nhân của sự thù hận giữa hai gia tộc, làm cho họ không đến được với nhau.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong một bài hát có ca từ này : Kẻ thù tôi đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai ?

Nhiều cuộc xung đột trên thế giới được giải quyết theo kiểu “mắt đổi mắt răng đền răng”, tức giải quyết bằng chiến tranh, trả thù, báo oán và đã đưa đến hậu quả vô cùng bi đát. Chiến tranh càng leo thang, văn minh chết chóc càng bành trướng, con người càng khổ đau.

II. Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nâng nền luân lý nhân loại lên một tầm cao mới. Chúa Giêsu muốn khai trương một nền văn minh tình thương. Chúa Giêsu đề xuất một giải pháp tối ưu cho mọi tranh chấp xung đột giữa người với người, đó là: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” và “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 39.44).

Trước lời dạy nầy, có người cho là nhu nhược, là hèn nhát, là yếu đuối; người khác lại nhận thấy đây là giải pháp tối ưu, để giải quyết mọi xung đột và đem lại an hòa. Chúng ta lưu ý mấy điểm :

 

1 – Theo bản tính hư hèn yếu đuối thì dù sao đi nữa, việc yêu kẻ thù luôn gây cho ta nhức nhối khó chịu vì nó đi ngược lại tình cảm thông thường. Nó đòi hỏi ta phải có một sự cố gắng không ngừng. Để thực hiện luật yêu thương này, Chúa Giêsu đơn cử ra hai việc thực hành:

a)“Hãy làm lành cho những kẻ ghét các con”. 

        Ở đây muốn nói: Tình yêu thương tha nhân không chỉ là không giận hờn, không báo oán, nhưng phải tỏ ra bằng hành động cụ thể qua những cử chỉ rõ ràng, là những việc lành như: giao tiếp, giúp đỡ, bác ái, cầu nguyện … Chúng ta dễ rơi vào kiểu tiêu cực : tránh xa người mình không thích, và cũng mong họ đừng đụng chạm gì đến mình. Và đừng quên rằng, việc này sẽ rơi vào vô thức, ngủ yên đó, nhưng bất chợt thức giấc, thì… ‘tính nào tật đó’, không ai lường được hậu quả xấu.

b) “Và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ”.

        Đây là thái độ biểu lộ tình yêu tha nhân cách tích cực: lấy điều lành đền đáp lại điều dữ. Ta có bổn phận phải thương yêu bạn hữu. Song chỉ yêu bạn thì đâu có gì đáng thưởng. Vì cho được thưởng đời đời thì nhân đức phải bắt nguồn từ suối siêu nhiên. Vì thế, các nhà tu đức nói :

         – Làm sự dữ để trả ơn lành là ma quỉ.

         – Làm sự lành để trả ơn lành là nhân loại.

         – Làm sự lành để trả sự dữ là Thiên Chúa. 

          Vậy người Kitô hữu không được đứng ở chỗ nhân loại, mà phải tiến xa hơn đến chỗ Thiên Chúa. Như thế mới xứng đáng là con cái Chúa, Đấng làm ơn lành cho kẻ ghét Ngài.

 

2 – Chúng ta là dân Israel Mới, nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở thành dân thánh của Thiên Chúa. Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng khuyên bảo chúng ta: “Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). 

Chúng ta biết chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện, tốt lành vô cùng, chúng ta không thể trọn hảo như Ngài được. Nhưng chúng ta phải nên trọn lành như ý Ngài muốn, theo mẫu gương thánh thiện của Ngài, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ.

Vì vậy, Chúa Giêsu khuyên ta phải trọn lành bằng cách yêu thương thù địch cũng như yêu thương bạn bè, đừng ăn miếng trả miếng, đừng sống theo nguyên tắc: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” (Tục ngữ). Tình thương trọn lành không nên phân biệt đối tượng và không có ranh giới.

 

III.        Khi gặp bão táp cuồng phong, những cây cổ thụ cao lớn cứng cáp dùng sự cứng rắn mạnh mẽ của mình để kháng cự lại bão tố. Hậu quả là chúng bị gảy cành, trốc gốc. Trong khi đó, những rặng tre, những cây lau sậy không hề kháng cự lại bão tố, nhưng dùng sự mềm dẻo của mình để uốn theo chiều gió nên chúng được an toàn. Sau cơn bão táp cuồng phong, loài cỏ là loài thực vật mọc trước tiên. Chúng ta lưu ý hiện tượng này, để thêm một tia sáng, giúp chúng ta tìm ra sứ điệp Chúa Giêsu gởi cho chúng ta hôm nay.

Sứ điệp ấy là lòng khiêm nhường và hiền dịu nhân từ mà Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta : “Các con hãy mang lấy ách của Thầy, và hãy học với tôi Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Thầy êm ái, và gánh Thầy nhẹ nhàng.” (Mt 11,29-30). Và học tập không ngừng, vì “chúng con hãy nên hoàn thiện, như Cha chúng con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). 

 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI