Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT I-A MÙA CHAY (BÀI ĐỌC II : Rm 5,12-19)

I.          Con người là đối tượng của công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu. Trong lịch sử cứu độ, cám dỗ và tội lỗi là những gì đã làm cho con người mất đi căn tính mình là “con Thiên Chúa”. Nhờ có Chúa Giêsu, dù nguyên tổ Ađam và con người sa ngã do cám dỗ, cũng đã được tha thứ tội lỗi và được phúc lành. Đầu Mùa Chay, Giáo Hội muốn đề cập tới vấn đề tội lỗi, để chúng ta biết nhìn nhận tình trạng tội lỗi mình mà đáp lời gọi của Chúa, là thống hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15). Đồng thời, Giáo Hội muốn trình bày khởi đầu lịch sử cứu rỗi để dần dần đưa chúng ta tới cử hành Mầu nhiệm Phục Sinh là tột đỉnh của Phụng Vụ.
 
II.         Ở phần hai chương 5 thư Roma, thánh Phaolô trình bày một so sánh quan trọng giữa nguyên tổ Ađam và Chúa Giêsu. Điểm chính là : “vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (c.18).
       “Một người duy nhất đã sa ngã”, đó là nguyên tổ Ađam. Nguyên tổ Ađam đã không vâng lời Thiên Chúa, ăn trái Cây Sự Sống mà Thiên Chúa đã cấm trong Vườn Ðịa Đàng (x. St 3,1-24). Hành động bất tuân của nguyên tổ đã gây nên hậu quả là con cháu cũng đồng bị án. Nhưng “nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính”, đó là Chúa Giêsu, nên Chúa Giêsu được gọi là Ađam-Mới. Hành động công chính của Ađam-Mới, Ðấng đã vâng lời Chúa Cha suốt cuộc đời và nhất là trong Vườn Dầu, vâng lời cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2,6-11), đã giải án và phục hồi sự sống cho mọi người.
          Mục đích của so sánh là để làm nổi bật lên dung nhan Chúa Giêsu và Lòng Chúa Thương Xót dành cho con người tội lỗi. Nơi nguyên tổ Ađam và nơi Chúa Giêsu có sự đối chọi giữa sự chết và sự sống, giữa Lề Luật và ân sủng, giữa tội lỗi và ơn được nên công chính. Thánh Phaolô cho thấy rõ ràng :
Phần I của Bài Đọc (cc. 12-14) đề cập tới nguyên tổ Ađam, hành động của nguyên tổ, hậu quả của hành động ấy là sự chết, và sự hiện diện của Lề Luật giúp người ta nhận ra mình yếu đuối chứ không ngăn chặn được quyền lực của tội lỗi.
Phần II của bài đọc (cc. 15-19) nói về Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nêu lên việc làm của nguyên tổ Ađam cùng với hậu quả, rồi ngay sau đó khẳng định một thực tại đối nghịch của ân sủng Thiên Chúa. So sánh nào cũng đưa tới kết luận: ân sủng Thiên Chúa dồi dào hơn cả hậu quả tác hại do sự sa ngã của nguyên tổ Ađam (cc. 15.20).
       Giáo lý trên của thánh Phaolô trình bày về tội nguyên tổ và ơn công chính hóa giúp chúng ta nhận ra điều này: tình trạng tội lỗi của mọi người trong nguyên tổ Ađam đối nghịch với tình trạng đầy ân sủng của mọi người trong Chúa Giêsu. Nguyên tổ Ađam và Chúa Giêsu là hai vị nguyên tổ của hai thứ nhân loại: nhân loại tội lỗi và nhân loại được cứu chuộc. Cuộc sống chúng ta thuộc về một trong hai thứ nhân loại ấy. Nếu chúng ta vẫn còn ở trong nguyên tổ Ađam, tức là trong con người tội lỗi, thì chúng ta sống trong tội lỗi và sự chết, làm nô lệ cho những dục vọng và ước muốn xấu xa. Nếu chúng ta ở trong Chúa Giêsu, chúng ta sống trong ân sủng và của Chúa Thánh Thần (Thư Roma, chương 5, nói về đời sống này); chúng ta không còn làm nô lệ cho dục vọng và ước muốn xấu nữa, vì quyền lực của Thần Khí Chúa Giêsu hoạt động trong chúng ta và giúp chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa.
        
III.        Đây là một chương trình sống Mùa Chay. Giữa hai chọn lựa, sống trong nguyên tổ Ađam và sống trong Chúa Giêsu, chúng ta phải dứt khoát chọn một, vì không ai làm tôi hai chủ (x. Lc 16,13). Chọn Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu chính thực là Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót (x.MV,1), là “Đấng Bảo Trợ cho tội nhân trước tôn nhan Chúa Cha” (x.1 Ga 2,1), và nhất là“từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Ân sủng và sự thật, chỉ nhờ Chúa Giêsu mà có” (x.Ga 1,16-17).
Đồng thời, qua BĐ này, thánh Phaolô cũng muốn đề cao quyền lực của tình yêu Thiên Chúa, sự phong phú của ân sủng. Nên ân sủng nói ở đây không là ân sủng theo nhu cầu của con người, nhưng ân sủng này được hiểu theo chính giá trị của ân sủng là chính Chúa Giêsu, Đấng là Ân Sủng. Tâm tình xứng hợp nhất, như thánh Phaolô nói, đó là : Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! (Rm 7,25).
 
Bài đọc thêm :  
CON NGƯỜI SA NGÃ (trích sách Giáo Lý cho bạn trẻ – YOUCAT nn.67-70).
 
67.        Tội là gì ?
–  Tội là hoàn toàn từ bỏ Thiên Chúa, từ chối không đón nhận Tình yêu Thiên Chúa, khinh thường không giữ giới răn của Thiên Chúa.
–     Tội còn hơn là một thái độ lầm lỡ, và cũng không phải chỉ là một yếu đuối tâm lý. Thực ra mọi từ bỏ hoặc phá hủy điều gì là tốt, xét cho cùng đều là bỏ tốt để chọn xấu, loại bỏ Thiên Chúa vậy. Trong kích thước sâu xa và kinh khủng nhất, tội là xa lìa Thiên Chúa, xa lìa nguồn sống. Vì thế, chết là hậu quả tất nhiên do tội lỗi. Chỉ nhờ Chúa Giêsu ta mới hiểu được kích thước không thể đo được của tội, vì muốn liên đới với loài người đã phạm tội bỏ Chúa, Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì các hậu quả của tội nơi chính thân xác Người. Người đã phải gánh lấy sức mạnh gây chết của tội, để nó không làm hại ta. Đó là tất cả ý nghĩa của cứu chuộc”. [224-237, 315-318, 348-468]
 
“Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).
            “Điều xấu hơn không phải là phạm tội ác mà là đã không làm những điều tốt mà mình có thể làm. Chính tội bỏ sót không làm chẳng qua là tội không yêu mến, và thường không ai xưng thú tội đó” (Léon Bloy, 1846-1917, văn sĩ Pháp).
 
68.        Tội Tổ tông truyền là gì ? Tội Tổ tông Ađam Evà có liên hệ gì với chúng ta ?
–  Theo nghĩa hẹp, tội là một lỗi liên can đến trách nhiệm cá nhân mỗi người. Khi nói “Tội Tổ tông truyền” không có ý nói đến tội của cá nhân nhưng muốn đề cập đến tình trạng thê thảm mà mỗi người khi vừa được sinh ra thì đã vướng mắc rồi, dù họ chưa hề tự ý phạm một tội nào, nhưng do tổ tông truyền lại. Việc truyền lại này vẫn còn là một mầu nhiệm không thể hiểu trọn vẹn. [388-389, 402-404]
 
Con rắn đối đáp lại với bà “ngày nào bà ăn trái đó mắt bà sẽ mở ra và bà sẽ nên như những Thiên Chúa” (St 3, 4-5).
            “Trong sa ngã của Adam và Eva ta phải hiểu rằng mọi người chúng ta đều mang trong mình cái giọt nọc độc của lối suy nghĩ được minh họa bằng các hình ảnh trong sách Sáng thế….Con người không tin ở Thiên Chúa. Bị lời lẽ của ma quỷ cám dỗ, họ nuôi nghi ngờ…Thiên Chúa là người cạnh tranh muốn hạn chế tự do của ta và ta sẽ chỉ là con người đầy đủ khi loại bỏ Chúa ra. Con người không muốn đón nhận sự hiện hữu của mình và đời sống sung mãn của mình từ Thiên Chúa…Hành động như vậy họ tin vào sự dối trá hơn là sự thật, và như thế họ nhận chìm đời sống mình vào hư không và vào cái chết” (Đức Bênêđictô XVI, 8-12-2005).
            “Một thái độ luân lý trong thế giới chỉ có thể có và đáng khuyến khích khi mà người ta đảm nhận những bẩn thỉu của cuộc đời, đảm nhận trách nhiệm tập thể trong cái chết và tội lỗi. Tóm lại, là đảm nhận toán bộ tội tổ tông truyền và dứt khoát từ bỏ việc chỉ thấy lỗi nơi những người khác” (Herman Hesse, 1877-1962, văn sĩ Đức)
 
69.        Vì mắc tội Tổ tông, chúng ta có bị bó buộc phải phạm tội không ?
–  Không. Con người dù bị tổn thương nặng bởi tội Tổ tông, và có khuynh hướng nghiêng chiều về tội lỗi, nhưng với ơn Chúa giúp, con người có thể làm điều tốt. [405]
–     Không khi nào bị bó buộc phải phạm tội. Nhưng thực ra, ta không ngừng phạm tội được là vì ta yếu đuối, không hiểu biết, nên dễ sa chước cám dỗ. Bị bó buộc phải phạm tội thì không có tội, vì chỉ có tội khi ta tự ý phạm.
 
70.        Thiên Chúa kéo chúng ta ra khỏi vòng xoáy của sự dữ thế nào ?
–  Thiên Chúa không đành nhìn con người dần dần hủy hoại mình và những gì chung quanh mình, do hiệu ứng dây chuyền của tội lỗi. Người gửi đến cho ta Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu rỗi và Đấng Chuộc tội, Người cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi. [410-412, 420-421]
–     “Không ai có thể giúp tôi”. Câu này xuất phát từ kinh nghiệm loài người nhưng không đúng nữa. Bất cứ nơi đâu mà con người vì tội lỗi của mình đã phiêu lưu vào, Thiên Chúa Cha đã sai Con của Người đến. Hậu quả của tội lỗi là cái chết (Rm 6,23). Nhưng hậu quả của tội lỗi cũng là sự liên đới kỳ diệu của Thiên Chúa với ta, Người sai Chúa Giêsu đến với ta như người bạn và Đấng cứu độ. Vì thế, có thể nói tội tổ tông là “tội hồng phúc”: “Ôi tội hồng phúc, tội đã đem lại Đấng cứu độ như thế” (Phụng Vụ Đêm Thánh Phục Sinh).
 
Một trong những lý do khiến tôi trở thành Kitô giáo: đó là một tôn giáo không do con người sáng chế ra” (C.S Lewis).
Khi bàn tay Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, Người đã đóng đinh cả tội lỗi ta vào thập giá nữa” (Thánh Bernard de Clairvaux).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI