Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT I MÙA CHAY C (Lc 4, 1-13)

CHÚA THÁNH THẦN

ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ THẮNG CƠN CÁM DỖ

 

          Trong thư gửi tín hữu Rôma (5,12-21), khi so sánh vai trò của cụ tổ Ađam và Chúa Giêsu, thánh Phaolô cho thấy cụ tổ Ađam và Chúa Giêsu, cả hai đều đã chịu cám dỗ, nhưng kết quả hai vị đã thua thắng khác nhau. Trong Lc 4,1-13, thánh Luca cho biết điều kiện tiên quyết Chúa Giêsu có để thắng cơn cám dỗ.

 

            Được trình bày qua những khung cảnh khác nhau, nhưng mục đích và bản chất cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn không hề thay đổi : đó là ma quỷ xúi giục cụ tổ Ađam và Chúa Giêsu đừng làm “con Thiên Chúa”. Nói cách khác, là ma quỷ xúi giục các ngài đừng tuân phục và đừng thi hành những gì Thiên Chúa muốn. Ma quỷ cám dỗ con người hãy theo ý riêng mình để ‘ăn trái cấm’, hoặc cứ theo kế hoạch riêng của mình để ‘làm phép lạ’ lòe thiên hạ và trục lợi cho cá nhân mình. Chung quy bản chất của hai cám dỗ đều là ma quỷ không muốn các ngài tuân phục thánh ý của Thiên Chúa; là ma quỷ bày ra sự cầu tiến để cám dỗ các ngài đánh mất mục đích và bản chất của mình là “con Thiên Chúa”. 

Bí quyết Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ, được thánh sử Luca bật mí:  “Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về, và được Thánh Thần dẫn vào hoang địa” (Lc 4,1). Thánh sử nhấn mạnh cho chúng ta thấy rằng ‘Chúa Giêsu không tự động đi vào hoang địa’, nhưng Chúa Giêsu là một người “được đầy Thánh Thần” và “được Thánh Thần dẫn vào hoang địa”.  Vai trò của Thánh Thần đã rõ ràng trong chiến thắng của Chúa Giêsu trước cám dỗ : “đầy Thánh Thần” và “để cho Thánh Thần dẫn mình đi”. 

Khi chúng ta “được đầy Thánh Thần” có nghĩa là chúng ta có khả năng nhận ra những gì thuộc về Thiên Chúa, ý muốn và kế hoạch của Người là gì, phương cách thi hành theo ý Người phải làm như thế nào…  Và “được Thánh Thần dẫn đi” có nghĩa là chúng ta hành động theo đúng hướng và đúng cách của Thiên Chúa, không để cho tham vọng của chúng ta lèo lái công việc chúng ta làm.  Nên, đứng trước một cám dỗ, bại hay thắng là do mình có biết đặt ý muốn của Thiên Chúa lên trên ý riêng của mình hay không.  Khiêm nhượng hoặc kiêu căng sẽ quyết định phần thắng bại.  Cụ tổ  Ađam muốn “trở nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”:  Sự kiêu căng đã quật ngã cụ tổ Ađam và nhân loại (St 3).  Còn Chúa Giêsu muốn “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”: Sự khiêm nhượng đó đã đưa Chúa Giêsu đến sự phục sinh và vinh hiển (Pl 2,6-11).

           

            Chính Thánh Thần đã làm cho chúng ta thành nghĩa tử của Thiên Chúa, để ta có thể gọi Thiên Chúa là “Abba!  Cha ơi!” (Rm 8,15).  Được đầy Thánh Thần, ta mới có khả năng làm con Thiên Chúa và được Thánh Thần dẫn đi vào cuộc sống chứng nhân cho Chúa Giêsu. Nên khi cám dỗ Chúa Giêsu, ma quỷ mở đầu với lời:  “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì ông hãy…” Điều này nói lên : Thử thách mục đích và bản chất con người là một thử thách chung của loài người.  Mỗi người có một cám dỗ về mục đích và bản chất của mình, tùy theo địa vị :  Cha mẹ bị cám dỗ ‘áo mặc sao qua khỏi đầu ?’;  con cái bị cám dỗ ‘thời đại mới, phương pháp mới’. Linh mục cũng dễ ‘bắt chước cơn giận thánh của Chúa Giêsu !’.

Nếu chúng ta xác tín rằng:  “Thiên Chúa bao giờ cũng là Đấng hiện diện, gần gũi, quan phòng, thánh thiện và đầy lòng thương xót” (Tông chiếu Misericordiae Vultus, 6), “Ngài muốn điều tốt cho con người, muốn thấy con người hạnh phúc, vui tươi và an bình” (MV, 9) thì ta đã bắt đầu thắng cám dỗ rồi.  Nhưng đây mới chỉ là hướng ‘bảo tồn’, hướng ‘phát triển’ là “Cha yêu thương thế nào thì con cái cũng phải yêu thương như vậy. Chúa Cha là Đấng thương xót chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi phải thương xót nhau” (MV, 9). Sự tha thứ là đường dẫn Thánh Thần đi vào cõi lòng mỗi người, là cảm nghiệm Lòng Chúa Thương Xót.

“Được đầy Thánh Thần” và “được Thánh Thần dẫn đi”, Chúa Giêsu đã kinh qua nhiều lần “ban đêm, đi đến nơi thanh vắng” để gặp gỡ Chúa Cha, trân trọng kế hoạch của Chúa Cha từng giây từng phút trong cuộc đời Người. Người lấy việc “được Thánh Thần dẫn đi” hoặc “thi hành ý Cha” như là nguồn lương thực cho sức sống của Người (Ga 4,34). Theo gương đó, chúng ta theo lời mời gọi của ĐTC Phanxicô : “để có thể sống lòng xót thương, trước tiên chúng ta cần biết lắng nghe Lời Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là phải tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, để suy niệm chính Lời đang muốn nói với chúng ta. Đó là cách thức để chúng ta có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Thiên Chúa và biến lòng thương xót ấy thành nếp sống riêng của chúng ta” (MV, 13).

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI