Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT (Ga 20, 19-31)

 

I. Trong tiếng Việt, có một cụm từ bao hàm hai hành động, hành động này lại là hệ luận của hành động kia. Đó là cụm từ “yêu chiều” = “yêu thương chiều chuộng”.Ngôn ngữ con người nói thế nhưng không làm được hoàn toàn như thế. Còn Thiên Chúa là “Cha giàu Lòng Thương Xót” đã làm điều đó, như ngôn sứ Giêrêmia nói : “Cha đã yêu thương con bằng một tình yêu muôn thuở; Cha đã chiều chuộng lôi cuốn con bằng Lòng Thương Xót của Cha” (Gr 31, 3). Và Chúa Giêsu, là “Dung Nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha” (Tông chiếu Misericordiae Vultus,1) đã “đến trần gian để con người được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) tấm Lòng Thương Xót đó.

II. Chúa Giêsu bày tỏ Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người, là “yêu đến tận cùng” (Ga 13,1) và lấy hành vi “tự hủy” (x. Pl 2,6-11) để minh chứng “không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Nhưng, “Chúa đã sống lại – Alleluia”. Chúa Phục Sinh. Alleluia.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói đến việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu không nỡ lòng nào để các môn đệ của Ngài phải ở ẩn trong nhà “vì sợ người Do thái”. Tâm trạng này cần phải được trấn an, nên Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho các con”. Và để các môn đệ biết chắc chắn đây là Thầy Giêsu, “Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài”.           

Ông Tôma gọi là Ðiđymô, không có mặt khi Chúa Giêsu hiện đến. Có các môn đệ khác đã nói với ông : “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Dù lời nói này diễn tả việc “thấy” kèm theo sự hiểu biết thật sự, nhưng có lẽ tâm trạng của các môn đệ không tỏa ra được sự xác tín cần phải có đi đôi với lời khẳng định trên, nên ông Tôma đã nói lại với các ông kia rằng : “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có ông Tôma ở với các ông. Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu lại yêu chiều các môn đệ, và đặc biệt Ngài “yêu chiều” ông Tôma. Nên dù ông Tôma đã có nói một lời có ý khẳng định rằng ông không tin, hoặc để ông tin, thì Chúa Giêsu cũng phải hiện ra với ông, như đã hiện ra với các môn đệ kia. Chúa Giêsu đã yêu chiều ông, Ngài đã mời ông làm như ông đã, để có thể tin.

Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu đã chinh phục ông Tôma. Thái độ yêu chiều của Ngài đã làm ông Tôma tâm phục khẩu phục. Ông Tôma đã thốt lên “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28) : Đây vừa là một lời tôn vinh vừa là một lời tuyên xưng đức tin chưa ai làm. “Chúa của con” hướng đến Chúa Giêsu của lịch sử, còn “Thiên Chúa của con” mang tính thần học về bản thân Ngài. Tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Chúa”, bà Maria Magdala và các môn đệ đều đã làm (Ga 20,18.25). Nhưng tuyên xưng vị “Chúa” này là “Thiên Chúa”, chỉ có ông Tôma mới tuyên xưng ở đây.

Trong Mầu Nhiệm Phục Sinh, Chúa Giêsu mời gọi con người đón nhận Ngài bằng con tim chứ không bằng lý trí, hay bằng những đụng chạm của giác quan bên ngoài có thể kiểm chứng được. Đây là mầu nhiệm chứ không phải là vấn đề cần giải quyết. Vì, lời tuyên xưng của ông Tôma nói lên hai khía cạnh:  (1) Về phía Chúa Giêsu, chỉ ra hai danh hiệu quan trọng nhất của Người:  Chúa và Thiên Chúa.  Chúa Giêsu là Chúa, Đấng có chủ quyền trên mọi tạo vật và sẽ quy tụ muôn loài muôn vật để đưa về với Đấng Sáng Tạo. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, điều mà Tin Mừng Gioan đã nêu ra ngay trong câu đầu tiên sách Tin Mừng của ngài, “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).  (2) Về phía ông Tôma, biểu lộ mối quan hệ giữa ông với Chúa.  Không phải chỉ là Chúa như một Đấng xa lạ, nhưng là “Chúa của con”, “Thiên Chúa của con”. 

Qua sự kiện trên, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha được tỏ ra nơi một Vị Giêsu luôn luôn ‘yêu chiều’. Thậy vậy, Thiên Chúa Cha đã sai Con Một Người đến thế gian để thi hành kế hoạch cứu rỗi Người đã tiền định từ muôn thuở. Đó là lý do Thiên Chúa bày tỏ Lòng Thương Xót.Lòng Thương Xót đó, được thực hiện do chính Con Một bởi Người sai đến trần gian. Khẳng định “được Chúa Cha sai đến”, thường lập đi lập lại trong Tin Mừng Gioan. 

Chúa Giêsu, Đấng được sai xuống từ trời, trước hết để tỏ ra cho nhân loại biết Tình Yêu của Thiên Chúa :  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17). Việc Chúa Cha sai Chúa Giêsu đến trần gian, là một cuộc sai đi vượt thời gian và không gian. 

Từ vĩnh cửu, Ngôi Lời Nhập Thể đã đi vào thời gian của nhân loại (x. Kn 18,14-15). “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh –Tv 39,8-9–  đã chép về con” (Dt 10,5).

Từ vô biên, Ngôi Lời đã đến giam mình trong một không gian nhỏ bé là thân xác một con người, tại làng Nazareth, thuộc miền Galilê, cách hồ Ghênêsarét khoảng 30 cây số về phía tây, một làng nhỏ không có gì quan trọng (x. Ga 1,46); trong Cựu Ước, làng này không bao giờ được nói đến.

Từ quyền năng siêu phàm, Thiên Chúa đã trở thành một tạo vật yếu đuối, cần nương tựa vào người khác, vì Ngôi Lời đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2,7) của địa vị Thiên Chúa để mặc lấy thân phận tôi đòi loài người. Lúc nào tôn ý của Chúa Cha cũng là trên hết, là lương thực của Ngài (Ga 4,34), chỉ làm điều gì Chúa Cha làm (Ga 5,19), chỉ nói những gì Chúa Cha muốn nói (Ga 8,28), yêu mến như Chúa Cha yêu mến (Ga 15,9). 

            Con người Giêsu rất “vĩ đại uy quyền” nhưng cũng rất “gần gũi bình dị” như thế đó. Nên “toàn dân đến với Ngài” (Ga 8,2). Ngài đã “yêu – chiều” ông Tôma, cũng như với nhiều nhiều người khác mà thánh sử Gioan viết “còn nhiều dấu lạ khác nữa không được ghi chép trong sách này”.

        III.      Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi biết tin vào Lòng Thương Xót của Chúa” (Nhật Ký, số 300). Và ĐTC Phanxico khẳng định : “Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là Lòng Thương Xót. Tất cả  các  hoạt  động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng Lòng Thương Xót. Tình yêu thương xót (yêu) và đồng cảm (chiều) chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội. Giáo Hội ‘vô cùng khao khát  trao ban lòng thương xót’ (MV, 10). Con người sống và giúp nhau vượt qua khổ đau không bởi lòng thương hại, nhưng bởi Lòng Thương Xót. Theo gương Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đã có một Tình yêu thương xót (yêu) và đồng cảm (chiều) chúng ta cũng yêu thương và chiều chuộng nhau như thế. Alleluia.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI