I. Người đời quen nói : “Sau cơn mưa trời lại sáng! Sau nỗi đau sẽ lại là hạnh phúc !”. Lời nói này, chẳng những thật đúng trong bối cảnh Tin Mừng hôm nay, mà còn diễn tả thêm tình yêu thương thì chiều chuộng của Chúa Giêsu. Lòng Chúa Thương Xót lại tỏa sáng đem an vui cho các môn đệ.
II. Chúa đã sống lại. Alleluia. Việc loan giảng Tin Mừng “Chúa đã sống lại” là bổn phận tiên quyết của các Tông đồ sau khi Chúa sống lại. Tin Mừng hôm nay không chỉ nói lên niềm vui Phục Sinh đầy tràn tình thương huynh đệ và hiệp nhất giữa thầy trò. Tin Mừng hôm nay còn đặc biệt diễn tả Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, được biểu lộ qua những chăm sóc yêu thương chiều chuộng về mọi nhu của họ.
Sau cái chết của Thầy Giêsu, bao mộng ước được thành công hầu khanh tướng trong ‘Chính Phủ’ Thầy Giêsu cũng chết theo, các môn đệ càng chán nản, nên chỉ muốn quay trở về với công việc lưới cá. Dù suốt một đêm họ vất vả buông lưới mà không bắt được con cá nào, đang chán nản và đói mệt, Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu không để môn đệ bơ vơ đơn chiếc và chìm ngập trong chán nản; và Lòng Thương Xót đó đã thúc bách Ngài đến giữa các môn đệ thân yêu. Với mẻ lưới đầy cá, Ngài kêu gọi các môn đệ “đừng sợ”, nhưng đặt tất cả tin tưởng vào Ngài, và nhắc nhở họ về sứ mệnh đã được trao “đánh lưới người” (x. Lc 5,1-10).
“Có thực mới vực được đạo, có đạo mới tạo nên gạo”. Chúa Giêsu, “Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa” (Tông Huấn Misericordiae Vultus, 1), Ngài đã dọn sẵn cá nướng và bánh thơm. Ngài còn muốn các môn đệ “đem ít cá mới bắt được tới” để góp phần vào “bữa ăn”.
Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, lại được diễn tả rõ nét hơn khi Ngài chiều theo cách tuyên xưng tình yêu của ông Phêrô. Ông Phêrô đã tuyên xưng đức tin (Mc 8,27-30), nhưng chưa đủ. Hôm nay, ông còn phải tuyên xưng tình yêu nữa. Việc chăn dắt đàn chiên của Chúa Giêsu, Ngài cần ông Phêrô có một trái tim nồng cháy mới cáng đáng nổi công việc chăn dắt này. Nếu không có tình yêu, mục tử chỉ là kẻ làm thuê, “nên khi thấy sói đến sẽ bỏ chiên mà chạy” (Ga 10,12).
Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu dành cho ông Phêrô càng tỏa sáng hơn qua việc Ngài yêu chiều ông Phêrô. Ngài hỏi ông Phêrô 3 lần. Nếu chỉ nghe qua bản văn tiếng Việt, tưởng chừng như Ngài lặp lại ba lần cùng một nội dung câu hỏi, như theo truyền thống Do Thái là để cho hiểu rằng ông Phêrô đã được chính thức và đúng thể thức trao nhiệm vụ chăn dắt tất cả đàn chiên của Ngài. Nhưng khi đọc lại trong bản văn tiếng Hy Lạp, ba câu hỏi Chúa đặt ra cho ông Phêrô và những câu trả lời thánh nhân thưa lại, có một sắc thái ngữ nghĩa rất tinh tế giữa hai động từ Hy Lạp:
– “agapao” diễn tả một tình yêu cho đến mức sẵn sàng chết cho người mình yêu, một tình yêu không giới hạn, không dè sẻn, trọn vẹn và vô điều kiện;
– “phileo” diễn tả tình bằng hữu, dịu dàng nhưng không bao trùm cả cuộc sống.
Lần đầu, Chúa Giêsu hỏi ông Phêrô: “con có yêu mến (agapas me) Thầy không”, nghĩa là yêu mến với tình yêu trọn vẹn và vô điều kiện không? Nếu chưa trải nghiệm sự phản bội, có lẽ thánh nhân đáp ngay: “Con yêu mến Thầy (agapô se)” vô điều kiện! Bây giờ, khi đã nếm cảm nỗi đau buồn vì thất trung, đã sống tấn bi kịch về sự yếu đuối của mình, thánh nhân chỉ dám khiêm tốn trả lời: “Thưa Thầy, con thương mến Thầy (philô se)”, nghĩa là “con thương mến Thầy bằng tình yêu con người hèn nhát của con”. Hai lần đầu, Chúa hỏi cùng một kiểu cách : “con có yêu mến (agapas me) Thầy không” ? Ông Phêrô cũng chỉ trả lời theo cung cách riêng của mình là : “Thưa Thầy, con thương mến Thầy (philô se)”.
Đến lần thứ ba, Chúa Giêsu chiều ông Phêrô và tế nhị hỏi: “Phileis me?”, “con có thương mến Thầy không?”. Ông Phêrô hạnh phúc thưa với Ngài bằng thứ tình yêu hèn nhát của mình, vì đó là thứ tình yêu duy nhất ông có thể bày tỏ, nhưng ông cũng buồn vì thấy Thầy đã phải hỏi ông như vậy. Thế là ông trả lời: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết rõ con thương mến Thầy (philô se)”.
Chúa Giêsu yêu thương nên chiều chuộng. Chúa Giêsu yêu chiều ông Phêrô nên đã thích ứng với ông Phêrô. Chính sự thích ứng này đã làm phát sinh niềm hy vọng và tin tưởng nơi ông Phêrô, sau khi ông đã phải đau khổ vì phản bội, để ông còn có thể bước theo Thầy Giêsu.
III. Hành vi thân thiện trong bữa ăn, và hành vi tha thứ một cách tế nhị của Chúa Giêsu dành cho ông Phêrô đã chối Ngài, là một gương mẫu để mọi người sống với nhau và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Và nhất là con người “không bao giờ thất vọng về Lòng Chúa Thương Xót” (RB 4,74).