I. Dường như tâm lý chung của con người là thích trổi vượt hơn người, nên thích tò mò chuyện người khác, và cách dễ nhất là tò mò soi mói chuyện người khác để tự thấy mình hay hơn người ta. Nhưng rất tiếc :
Chân mình những lấm bùn nhơ,
Lại cầm bó đuốc đi quơ chân người.
II. Tin Mừng Luca từ chương 9 đến chương 19, như là “giáo trình đào tạo tu đức” riêng của trường Thầy Giêsu, Dung Nhan của Lòng Chúa Thương Xót (Tông Chiếu Misericordiae Vultus, 1). Ngài dùng lời giảng dạy và gương sáng để uốn nắn tâm hồn môn sinh nên giống như tâm hồn nhân ái thương xót của Ngài (x. Mt 11,29). Thống hối là đề tài được Chúa Giêsu lập đi lập lại trong Tin Mừng.
Một nhóm người đến kể cho Chúa nghe chuyện thời sự về tổng trấn Philatô giết một số người Galilê. Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, ta biết chắc những người kể chuyện đã đưa ra lý do: vì những người bị giết là những người tội lỗi nên bị Chúa phạt như vậy. Chúa Giêsu đã nắm lấy ngay cơ hội ấy để dạy cho họ bài học thống hối.
Trước hết Chúa Giêsu nói thẳng tới tình trạng tội lỗi của chính họ, và nhắc nhở họ : “Nếu các ông không thống hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Khi thống hối là quay lưng lại với tội lỗi để tiến về hướng Tin Mừng và tinh thần của Thiên Chúa. Do đó, thống hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15) là một việc có hai động tác: bỏ những giá trị thế gian để thay thế bằng những giá trị Tin Mừng, bỏ lối sống của thế gian để thay thế bằng lối sống của Chúa Giêsu.
Tin Mừng của Chúa Giêsu được gieo vào tâm hồn dân chúng như “cây vả trồng trong vườn nho”. Nhưng rất tiếc, “đã ba năm nay, tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy”, nghĩa là Tin Mừng vẫn không sinh hoa kết trái nơi nhiều người. Tại sao vậy? Là vì họ không thống hối, không thay đổi, vẫn khư khư giữ đầy lòng họ những “sỏi đá, bụi gai”, để không còn chỗ cho Lời Chúa hoạt động.
III. Với người Do Thái, cây vả không có mấy giá trị kinh tế, nên thường được trồng vào những chỗ ít quan trọng hơn. Ở đây, “cây vả này lại được trồng trong vườn nho’, đồng nghĩa người chủ vườn rất trân quý ‘cây vả’. ‘Cây vả’ là con người, chủ vườn là chính Thiên Chúa. Điều này nói lên Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã dành cho con người, “lòng thương xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta” (MV,2).
“Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài. Vì thế, trong một lời nguyện nhập lễ rất cổ xưa, phụng vụ đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, Chúa thể hiện quyền năng của Chúa cách tỏ tường nhất khi Chúa tha thứ và xót thương…” (MV,6).
Bởi vậy, chúng ta quyết tâm thống hối (metanoia) nghĩa là thay đổi não trạng của chúng ta cho hợp với não trạng của Chúa Giêsu, Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Cụ thể: không xét đoán nhau và sẵn lòng tha thứ cho nhau. Vì “chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua. Có những lúc dường như thật khó để thứ tha. Nhưng tha thứ là một khí cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để tìm được sự thanh thản cho tâm hồn. Giải tỏa những hờn ghét, giận dữ, bạo lực và trả thù là những điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc” (MV,10).