HẠNH PHÚC CỦA CÁC THÁNH
Mt 5,1-12a
Thông thường, người ta mong được giàu sang chứ không ai muốn mình nghèo khó; người ta mong được vui sướng chứ không ai muốn mình phải sầu khổ; người ta mong được tự do chứ không ai muốn mình bị bách hại; người ta mong được đề cao, được tán dương chứ không ai muốn mình bị sỉ vả và bị vu khống. Vậy mà Đức Giêsu gọi những người nghèo khó, sầu khổ, bị bách hại, bị sỉ vả, bị vu khống là người có phúc. Vậy đâu là phúc qua những thứ loài người không mong, không muốn ấy? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta thử tìm hiểu một mối phúc tiêu biểu, mối phúc thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Theo quan niệm thông thường, sống nghèo khó là sống trong tình cảnh thiếu thốn. Nên tự nhiên không ai muốn nghèo khó. Bởi vì cái nghèo thường kéo theo cái khổ. Cái nghèo sinh ra khốn khổ, túng quẫn. Cuộc sống nghèo khổ đồng nghĩa với cuộc sống bị thiếu những phương tiện cần thiết để sống và phát triển.
Nghèo khó như thế liên hệ trực tiếp đến sự bất hạnh. Bởi vì vậy, hầu như ai cũng muốn có một cuộc sống ít nhất không giàu sang thì cũng đủ những phương tiện sống cần thiết.
Nếu nghèo khó làm cho người ta phải khốn khó và túng quẫn thì nghèo khó chỉ đem lại bất hạnh. Vậy nghèo khó Chúa gọi là phúc phải được hiểu thế nào? Theo chú thích của cuốn Kinh Thánh Tân Ước do nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, thì nghèo khó không phải là thiếu thốn mà là “tin và được tái sinh.” Như vậy thay vì nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” ta có thể nói cách khác với nghĩa tương đương: “Phúc thay ai có lòng tin và được tái sinh, vì Nước Trời là của họ.” Chúng ta dễ thấy người tin và người được tái sinh là người có hạnh phúc thật.
Quả vậy, tin và được tái sinh, hay tin và được rửa tội là điều kiện cần thiết để được vào Nước Trời. Mà vào nước Trời là được sống trong hạnh phúc thật. Đức Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mc 16,15-16 đã sai các môn đệ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng để “ai tin và chịu phép rửa thì được cứu rỗi.” Và Chúa cũng đã nói với ông Nicôđêmô trong Tin Mừng Ga 3,3: “Thật tôi bảo thật ông, không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi ơn trên.” Sinh lại là được tái sinh hay được rửa tội.
Thế thì ai là người có phúc vì đã tin và được tái sinh, phải chăng là các môn đệ và những người nghe Chúa ngày xưa? Thưa không chỉ có họ mà thôi, mà tất cả mọi người, trong đó có chúng ta. Bởi vì Chúa không nói phúc thay anh em, ám chỉ những người đang nghe Chúa lúc bấy giờ, mà Chúa nói phúc thay ai. Ai hay bất cứ ai, thuộc thời đại nào, ở đâu cũng đều có phúc nếu họ có lòng tin và được tái sinh.
Hôm nay chúng ta mừng kính tất cả các thánh nam nữ. Họ là những người đang được hưởng phúc bên Chúa. Nếu nhìn lui lại, trước kia khi còn sống ở trần gian, họ cũng là những con người đã tin và được tái sinh, dù bất cứ cách nào.
Chúng ta cũng biết không phải tất cả mọi người đã tuyên xưng vào Đức Giêsu, đã chịu phép rửa thì sau khi chết đương nhiên sẽ trở thành thánh cả đâu. Những người được gọi là thánh, họ đã chứng minh niềm tin và sự tái sinh của họ bằng việc làm. Hay nói cách khác, chỉ những ai sống đức tin và đòi hỏi của phép rửa thì mới trở thành thánh. Thánh Giacôbê trong thư của ngài 2,17 khẳng định rằng: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” Người có đức đin đã bị chết thì cũng giống nghư người không có đức tin. Người lãnh nhận bí tích thánh tẩy mà không sống những đòi hỏi của bí tích ấy, thì họ không hơn gì người không lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Và như thế họ không có điều kiện để trở thành thánh. Ngược lại những ai tin và sống theo đức tin, thì người ấy là người có phúc như các thánh.
Mừng kính các thánh không phải là dịp để ca ngợi các ngài. Bởi vì chúng ta có ca ngợi hay không ca ngợi các ngài, thì không vì thế mà các ngài được thêm hay bớt hạnh phúc trong Nước Trời. Mục đích chúng ta mừng kính các ngài trước hết là để tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội nhiều vị thánh như những vì sao sáng phản chiếu vinh quang, tình yêu Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa vì hạnh phúc của các ngài là động lực thúc đẩy chúng ta hướng tới sự hoàn thiện ngay trong những ngày sống của mình. Mục đích kế tiếp là để chiêm ngưỡng và noi gương bắt chước các ngài. Các ngài khi ở trần gian cũng trải qua bao nỗi gian truân, thăng trầm của kiếp người. Các ngài đã sống mối phúc nghèo khó được diễn tả qua đức tin. Các ngài đã đi trên con đường các mối phúc do Đức Giêsu vạch ra và đã tới đích hạnh phúc trong Nước Trời.
Lễ các thánh cũng là lời mời gọi mọi người nên thánh. Các thánh đã can đảm và trung thành đi con đường tám mối phúc Chúa vạch ra. Đó là con đường thánh giá, chông gai chẳng mấy ai thích theo. Các thánh biết đi con đường tới hạnh phúc Nước Trời là đường lội ngược dòng, dám buông bỏ những gì thế gian tìm kiếm. Có điều người kiên gan sẽ nói và sống như thánh Augustinô “Ông kia bà nọ nên thánh, tại sao tôi lại không ?
M. Bosco, Phước Sơn