CHÚA NHẬT – LỄ THĂNGTHIÊN – B
Cv ,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20
DẪN NHẬP VÀ THỐNG HỐI
Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Nhờ sự sống lại này mà Hội Thánh từng bước khám phá ra những điều kỳ diệu trong Phụng Vụ Mầu Nhiệm Vượt Qua. Và hôm nay, trước khi lên trời, Chúa Giêsu chính thức trao cho Hội Thánh một lệnh truyền, là : “ra đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân cao quý này, chúng ta thành tâm thống hối :
+ Lạy Chúa, sứ mệnh Chúa Giêsu trao cho các tông đồ trước khi về trời, cũng là sứ mệnh của Kitô hữu. Hiệp nhất là yếu tố cần thiết cho sự phát huy sứ mệnh này. Chúa Thánh Thần là Đấng tác thành và bảo tồn sự hiệp nhất của Hội Thánh. Nhưng chúng con chưa ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh.
+ Lạy Chúa, Chúa Thánh Thần làm cho Hội thánh nên “một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người” (Ep 4,3-5). Nhưng chúng con chưa ý thức được giá trị của mình trong Hội Thánh.
+ Lạy Chúa, qua Chúa Thánh Thần, chúng con là chứng nhân sự hiện diện của Chúa Giêsu đang hoạt động trong Hội Thánh. Nhưng chúng con chưa ý thức vinh dự được đóng góp phần mình trong Hội Thánh.
SUY NIỆM
I. Như một thi sĩ nào đó đã viết : “Ai ra đi, không từng bịn rịn, rời yêu thương, dễ mấy ai vui”. Thầy Giêsu làm sao không bịn rịn và vui được khi Người một lần nữa sắp rời xa trò. Biết sắp “được rước lên trời” (Cv 1,2), thời gian vàng này, như thời khắc trăn trối, Người nói về Nước Thiên Chúa mà suốt ba năm loan giảng và thi hành sứ vụ cứu độ (x. Lc 4,18-21), Người đã thiết lập Nước Thiên Chúa tại trần gian. Và nhất là để Người trân trọng giới thiệu về Chúa Thánh Thần cho các tông đồ.
II. Hai điểm Chúa Giêsu trân trọng giới thiệu về Chúa Thánh Thần cho các tông đồ :
– Một. Chúa Giêsu loan báo: các tông đồ sắp “chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần”. Chúa Thánh Thần, Đấng ngự đến ‘thay đổi bộ mặt trái đất” sẽ biến đổi toàn diện các tông đồ, như đã xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-13).
– Hai. Qua điều thắc mắc của các tông đồ về việc “khôi phục vương quốc Israel”, Chúa Giêsu chỉ cho các ông một Israel-Mới mà “thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt”. Trong vương quốc Israel-Mới, bổn phận của các ông là “sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần” để ra đi “làm chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Israel-Mới này, chính là Hội Thánh trên khắp thế gian này.
Nhờ biến cố Thăng Thiên, Chúa Giêsu mở ra một thời đại mới trong công cuộc cứu độ của Người và sự hợp tác của Chúa Thánh Thần. Thời đại mới này, là công việc của Chúa Thánh Thần, và cũng là sứ vụ được sai đi của các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu. Cả hai việc này, đều chung sức xây dựng và phát triển Hội Thánh Chúa Giêsu ở trần gian.
Sứ mệnh Chúa Giêsu trao cho các tông đồ trước khi về trời cũng là sứ mệnh của Kitô hữu mọi thời mọi nơi. Các Kitô hữu muốn chu toàn sứ vụ này, cần đón nhận và ở trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đem lại cho Hội Thánh. Chúa Thánh Thần là Đấng tạo nên và duy trì sự hiệp nhất của Hội Thánh. Hiệp nhất là yếu tố cần thiết cho sự phát huy Hội Thánh. Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh thành “một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người” (Ep 4,3-5). Sự hiện diện của Chúa Giêsu lan tỏa, năng động hơn cả những ngày Người còn tại thế, nhờ “sứ vụ của Chúa Thánh Thần”.
Tình yêu của Chúa Giêsu tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu mở rộng ra để ôm lấy Dân Chúa và toàn thể loài người. Người muốn dùng chúng ta để đến gần hơn với dân yêu dấu của Người và với tất cả những ai thành tâm tìm kiếm Người (x. Evangelii Gaudium, số 268). Trong lệnh truyền của Người: “Hãy đi ra”, mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi loan giảng Tin Mừng bằng chứng tá đời sống của mình. Một cách đặc biệt, những người sống đời thánh hiến được mời gọi lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng kêu gọi họ đi ra các vùng ngoại biên, đến với những người mà chưa được nghe loan giảng Tin Mừng.
Hội Thánh là một Thân Thể Huyền Nhiệm (Huyền Thể) Chúa Giêsu, nên mỗi Kitô hữu, đều có “sứ vụ” qua những công tác khác nhau trong Hội Thánh. Tất cả mọi chi thể tạo nên một vòng tròn hiệp nhất bởi nhiều dấu chấm, một vòng tròn khép kín bao bọc cả vũ trụ càn khôn. Mỗi Kitô hữu là một dấu chấm rất nhỏ, nhưng thiếu dấu chấm này, vòng tròn không được khép kín. Nên, không ai là không cần thiết cho việc xây dựng và phát triển Hội Thánh, ai ai cũng cần đem hết năng lực để xây dựng và phát triển Hội Thánh là Huyền Thể Chúa Giêsu.
Mục tiêu của việc xây dựng và phát triển Hội Thánh là để “tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Chúa Giêsu” (Ep 4,13). Có hai bước trong mục tiêu này: Một. Chúng ta phải đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa. Hai. Nhờ bước một, chúng ta đạt tới tình trạng trưởng thành theo tầm vóc viên mãn của Chúa Giêsu.
Xây dựng và phát triển Hội Thánh là xây dựng và phát triển chính bản thân chúng ta, để chúng ta đạt tới tầm vóc Chúa Giêsu muốn thấy ở nơi chúng ta trong ngày Người trở lại phán xét. Chúng ta “nên hoàn hảo” như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo (Mt 5,48), là do việc xây dựng và phát triển Hội Thánh, mà mỗi chúng ta là một chi thể trong Huyền Thể này (x. Ep 4,1-2).
Trong bầu khí trang trọng của biến cố Thăng Thiên (x. Mc 16, 9-20 – lẽ ra tin mừng Maccô đã kết thúc ở Mc 16,8), Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến bổn phận được sai đi để giúp cho người ta “tin và chịu phép rửa” (x. Mc 16, 15-16). Có ba điểm quan trọng trong mệnh lệnh này: 1)- đi khắp nơi không trừ chỗ nào, 2)- loan báo Tin Mừng, 3)- loan báo cho mọi người không trừ ai. Mệnh lệnh này được Người cho thấy : với đức tin đích thực, không có gì là không làm được (x. Mc 16,17-18). Và thánh sử Máccô cũng để lại một hình ảnh tuyệt vời về Hội Thánh sơ khai : các Tông đồ hăng say thi hành sứ vụ, và nhất là “có Chúa cùng hoạt động với các ông” (Mc 16,20).
III. Chúa Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Trước khi rời bỏ trần gian, Người không để chúng ta trong cảnh “mồ côi”, nhưng “ở lại” với chúng ta trong quyền năng Chúa Thánh Thần, để giúp chúng ta chu toàn sứ mệnh loan giảng Tin Mừng.
Chiều kích loan giảng Tin Mừng thuộc về chính bản chất của Hội Thánh, đồng thời cũng nằm trong bản chất của mọi hình thức của đời sống thánh hiến. Truyền giáo là thành phần của “ngữ pháp” đức tin, một cái gì thiết yếu đối với những ai lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần, Đấng đang thì thầm với mình “Hãy đến” và “Hãy đi ra”. Những người theo Chúa Giêsu can đảm dấn thân trong sứ vụ loan giảng Tin Mừng, đừng quên rằng Chúa Giêsu đang “cùng đi với họ, nói với họ, hít thở với họ, làm việc với họ. Họ cảm nhận được Chúa Giêsu sống với họ giữa công cuộc truyền giáo” (Evangelii Gaudium, 266).
Tuy nhiên, có một bài học chúng ta dễ quên : Đó là trước khi “làm chứng” phải biết “lắng nghe lời chứng” (x. Mc 16,14). Vì Chúa Giêsu đã khiển trách các tông đồ đã không tin và cứng lòng đối với lời chứng của các chứng nhân. Như thế, Đấng Phục Sinh rất coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau. Trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Như, các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đấng Phục Sinh trước : chứng từ của bà Maria Magdala, chứng từ của hai môn đệ từ Emmaus trở về (x. Mc 16, 9-13).
Mẹ Maria Trinh Vương, nhận tin từ sứ thần Gabriel, vội vã lên đường loan báo Tin Mừng (x. Lc 1,26-56). Theo gương Mẹ Maria Trinh Vương, chúng ta trước khi lên đường loan báo Tin Mừng, mỗi chúng ta đừng quên suy gẫm Kinh Thánh, chiêm ngắm và rước Thánh Thể Chúa Giêsu. Tháng Năm, Tháng Hoa : Hội Thánh dành riêng tôn vinh Mẹ Maria Trinh Vương bằng Hoa Mân Côi, chúng ta dành ít thời gian tôn vinh Mẹ bằng Chuỗi Kinh Mân Côi, đặc biệt trong ngày Chúa Nhật thứ hai của Tháng Năm (13.05.2018): NGÀY CỦA MẸ.
Ave Maria: con kính chào Mẹ Đầy Ơn Phước. Ave Các Bà Mẹ Trần Gian, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Thiên Quốc là Mẹ chúng con (x. Ga 19,25-27), xin Chúa ban muôn phúc lành cho Quý Mẹ thân yêu thay lời chúc mừng và cảm ơn của chúng con gởi Quý Mẹ rất thương yêu.
———————————————
SỨ ĐIỆP NGÀY TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI NĂM 2018
“Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32).
Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình
Anh chị em thân mến,
Truyền thông là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta và là một cách thiết yếu để trải nghiệm tình bằng hữu. Được tạo ra giống hình ảnh Đấng Tạo Hóa, chúng ta có thể bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là chân, thiện, mỹ. Chúng ta có thể mô tả kinh nghiệm của chính mình và thế giới xung quanh chúng ta, và do đó, tạo ra ký ức lịch sử và sự hiểu biết về các sự kiện. Nhưng, khi chúng ta chiều theo thói kiêu ngạo và tính ích kỷ của mình, chúng ta cũng có thể bóp méo cách thế chúng ta sử dụng khả năng giao tiếp của chúng ta. Điều này có thể được nhìn thấy ngay từ những thời kỳ sơ khai, trong các câu chuyện Kinh thánh như câu chuyện Cain và Abel và chuyện tháp Babel (xem Sáng thế ký 4: 4-16, 11: 1-9). Khả năng bóp méo sự thật là triệu chứng nói lên tình trạng của chúng ta, trong cả hai chiều kích cá nhân và cộng đồng. Trái lại, khi chúng ta trung tín với kế hoạch của Thiên Chúa, truyền thông trở thành một biểu hiện cho thấy rõ sự tìm kiếm chân lý có trách nhiệm và ý chí theo đuổi điều thiện của chúng ta.
Ngày nay, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng các kỹ thuật truyền thông và các hệ thống kỹ thuật số, chúng ta đang chứng kiến sự lan rộng của cái được gọi là “tin giả”. Điều này đòi hỏi một sự suy tư, và đó là lý do tại sao trong Sứ điệp Truyền thông Thế giới này, tôi đã quyết định trở lại vấn đề về chân lý, là điều đã được đề cập đến bởi các vị tiền nhiệm của tôi bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong sứ điệp năm 1972 của ngài, với chủ đề là: “Truyền thông Xã hội phục vụ Chân Lý”. Bằng cách này, tôi muốn đóng góp vào dấn thân chung của chúng ta nhằm ngăn chặn sự lan rộng của tin giả và tái khám phá phẩm giá của báo chí và trách nhiệm cá nhân của các nhà báo trong việc truyền đạt sự thật.
1. Tính “thất thiệt” của tin giả là gì?
Thuật ngữ “tin giả” đã là đối tượng của các cuộc thảo luận và tranh luận sôi nổi. Nói chung, nó liên quan đến sự lan rộng việc thông tin sai lạc trên mạng hoặc trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Nó liên quan đến những thông tin sai lệch dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Người ta truyền bá tin giả để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể, ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và phục vụ cho những lợi ích về kinh tế.
Hiệu quả của tin giả phụ thuộc trước hết là vào khả năng bắt chước các tin tức thực sự, đến mức xem ra có vẻ hợp lý. Thứ nữa, cái thông tin này tuy giả nhưng trở nên đáng tin nếu nó “nắm bắt” được sự chú ý của người dân bằng cách đánh trúng các thành kiến và những định kiến xã hội, và khai thác được những cảm xúc bộc phát như lo lắng, căm hờn, tức giận và thất vọng. Khả năng truyền bá những tin giả này thường dựa vào việc lèo lái các mạng xã hội và các phương thức hoạt động của chúng. Những câu chuyện thất thiệt có thể lan truyền nhanh đến nỗi ngay cả những lời phủ nhận có thẩm quyền đi nữa cũng không thể hạn chế được những thiệt hại.
Khó khăn trong việc vạch trần và loại bỏ tin giả cũng do thực tế là nhiều người thường chỉ tương tác trong các môi trường kỹ thuật số với những người hợp ý với mình, trong các môi trường như thế, thường không có chỗ cho các quan điểm và ý kiến khác nhau. Thông tin sai lạc, do vậy, phát triển mạnh khi không có sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác có khả năng thách thức một cách hiệu quả các định kiến và tạo ra các cuộc đối thoại xây dựng; thay vào đó, nó có nguy cơ làm cho người ta trở thành những kẻ vô tình đồng lõa trong việc truyền bá những ý tưởng sai lệch và vô căn cứ. Bi kịch của thông tin sai lạc là nó làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, tới mức mô tả họ như ma quỷ và nung nấu lòng căm thù họ. Tin giả là một dấu chỉ cho những thái độ thiếu khoan dung và quá nhạy cảm, và chỉ dẫn đến việc truyền bá sự kiêu căng và lòng thù hận. Đó là kết quả cuối cùng của sự thất thiệt.
2. Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra tin giả mạo?
Không ai trong chúng ta có thể cảm thấy được miễn trừ khỏi trách nhiệm chống lại những sự giả trá này. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì những thông tin sai lệch thường dựa trên những luận điệu cố ý gây hiểu nhầm một cách quanh co và xảo quyệt, và đôi khi còn sử dụng cả các cơ chế tâm lý tinh vi. Các nỗ lực đáng khen đang được thực hiện để hình thành các chương trình giáo dục nhằm giúp người dân lý giải và đánh giá thông tin được cung cấp bởi các phương tiện truyền thông và dạy họ tham gia tích cực vào việc vạch trần sự giả dối thay vì vô tình góp phần làm lan rộng những thông tin sai lệch. Cũng đáng khen ngợi đó là những sáng kiến về cơ chế và luật pháp nhằm phát triển các quy định giúp kiềm chế hiện tượng này, đó là chưa kể các công trình đang được thực hiện bởi các công ty công nghệ và truyền thông trong việc đưa ra các tiêu chí mới nhằm xác minh các đặc điểm nhận dạng cá nhân ẩn nấp sau hàng triệu hồ sơ kỹ thuật số.
Tuy nhiên, việc ngăn ngừa và xác định cách thức hoạt động của thông tin sai lệch cũng đòi hỏi một quá trình phân định sâu sắc và thận trọng. Chúng ta cần phải vạch trần cái gọi là “những chiến thuật của con rắn” được sử dụng bởi những kẻ cải trang để tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ tại nơi nào. Đây là chiến lược được sử dụng bởi “con rắn quỷ quyệt” trong Sách Sáng thế ký, đó là đứa đã tung ra những tin giả trước nhất (Sáng thế ký 3: 1-15), khởi đầu lịch sử bi thảm của tội lỗi con người, bắt đầu với cảnh huynh đệ tương tàn đầu tiên (xem Sáng thế ký 4) và dẫn đến cơ man những sự ác khác chống lại Thiên Chúa, người lân cận, xã hội và thiên nhiên. Chiến lược của “Cha đẻ những lời dối trá” ranh mãnh này (Ga 8:44) là bắt chước chính xác cái hình thức dụ dỗ tinh quái và nguy hiểm đó để lẻn vào con tim con người với những lý lẽ vừa giả dối vừa quyến rũ.
Trong trình thuật về tội lỗi đầu tiên, tên cám dỗ tiếp cận người phụ nữ bằng cách giả vờ là bạn của cô, chỉ quan tâm đến phúc lợi của cô, và bắt đầu bằng cách nói điều gì đó chỉ có một phần là thật: “Thiên Chúa thực sự nói rằng ông bà không được ăn trái của bất kỳ cây nào trong vườn này sao?”(Sáng thế ký 3: 1). Trên thực tế, Thiên Chúa không bao giờ nói ông Adong không được ăn trái của bất kỳ cây nào, nhưng chỉ là trái từ một cái cây: “trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn” (Sáng thế ký 2:17). Người đàn bà sửa sai con rắn, nhưng lại để cho mình bị thua trước sự khiêu khích của nó: “Trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.’” (Sáng thế ký 3: 2). Câu trả lời của cô bao hàm những ý tưởng vụ luật và tiêu cực; sau khi lắng nghe đứa lừa dối và để bản thân mình chịu thua trước phiên bản của nó về các sự kiện, người phụ nữ bị lừa. Vì vậy, cô chú ý đến lời trấn an của nó: “Ông bà sẽ không chết đâu!” (Sáng thế ký 3: 4).
“Sự hủy diệt” của tên cám dỗ khoác lên chút sắc màu của sự thật: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” (Sáng thế ký 3: 5). Mệnh lệnh hiền phụ của Thiên Chúa là vì lợi ích của họ, đã bị làm mất uy tín bởi sự cám dỗ hấp dẫn của kẻ thù: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt” (Sáng 3: 6). Câu truyện Kinh thánh này mang lại một yếu tố thiết yếu cho suy luận của chúng ta: chẳng hề có những thông tin sai lạc mà lại vô hại; trái lại, tin vào sự giả dối có thể có những hậu quả thảm khốc. Ngay cả một sự méo mó chút đỉnh sự thật cũng có thể có những hệ quả nguy hiểm.
Điều nguy hiểm là lòng tham của chúng ta. Tin giả thường lan truyền nhanh chóng đến nỗi khó có thể dừng lại, không phải vì cảm thức muốn được chia sẻ, là điều truyền cảm hứng cho các phương tiện truyền thông xã hội, mà bởi vì nó hấp dẫn lòng tham không đáy rất dễ bùng lên trong lòng người. Những mục tiêu kinh tế và lèo lái gây ra tin giả bắt nguồn từ lòng khao khát quyền lực, ham muốn sở hữu và lạc thú, mà chung cuộc biến chúng ta trở thành nạn nhân của một cái gì đó bi thảm hơn nữa: đó là sức mạnh lừa đảo của cái ác di chuyển từ lời nói láo này đến lời lừa dối khác nhằm cướp đi sự tự do nội tâm của chúng ta. Đó là lý do vì sao giáo dục chân lý có nghĩa là dạy cho mọi người biết cách phân định, đánh giá và hiểu rõ những ham muốn và khuynh hướng sâu xa nhất của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất đi nhận thức về điều thiện để rồi chiều theo mọi cám dỗ.
3. “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32)
Sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối có thể làm đen tối cuộc sống nội tâm của chúng ta. Quan sát của Dostoevsky thật là chí lý: “Những người nói dối chính mình và lắng nghe những lời nói dối của chính họ đến một lúc nào đó sẽ hết còn phân biệt nổi đâu là sự thật trong họ, hoặc xung quanh họ, và như vậy họ mất tất cả lòng tự trọng và sự tôn trọng đối với người khác. Và khi không còn được ai tôn trọng, họ không còn biết yêu, và khi không có tình yêu, để lấp đầy chính mình và quên đi, họ lao vào những đam mê và những lạc thú tầm thường và chìm sâu trong thú tính giữa những thấp hèn của họ, tất cả đều do liên tục dối trá với người và với mình mà ra” (Anh em nhà Karamazov, II, 2).
Vậy làm thế nào để chúng ta tự bảo vệ mình? Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho vi khuẩn giả dối là sự thanh lọc trong chân lý. Trong Kitô giáo, chân lý không chỉ là một thực tại nhận thức [chú thích của người dịch conceptual reality để phân biệt với physical reality – thực tại thể lý] liên quan đến cách thức chúng ta đánh giá sự vật, xác định xem chúng là đúng hay sai. Sự thật không chỉ mang ra ánh sáng những thứ được che giấu, “vạch ra thực tại”, như thuật ngữ Hy Lạp xưa là aletheia (từ chữ “a-lethès”, “không ẩn dấu”) mà còn có thể làm chúng ta tin. Sự thật liên quan đến toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Trong Kinh Thánh, nó có nghĩa là sự ủng hộ, sự vững chắc và tin cậy, như được ám chỉ bởi từ gốc ‘aman’, là nguồn gốc của thành ngữ phụng vụ Amen của chúng ta. Sự thật là cái gì bạn có thể dựa vào, để không bị rơi. Theo ý nghĩa tương quan này, Đấng duy nhất thực sự đáng tin cậy và tín thác – Đấng mà chúng ta có thể tin tưởng chính là Thiên Chúa hằng sống. Vì thế, Chúa Giêsu mới nói: “Ta là sự thật” (Ga 14: 6). Chúng ta khám phá và tái khám phá sự thật khi chúng ta trải nghiệm điều này trong lòng mình với niềm trung thành và tin tưởng vào Đấng yêu thương chúng ta. Chỉ điều này thôi mới có thể giải phóng chúng ta: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32).
Tự do khỏi sự giả trá và tìm kiếm mối quan hệ là hai thành phần không thể thiếu nếu những lời nói và cử chỉ của chúng ta là đúng, chân thực và đáng tin cậy. Để phân biệt sự thật, chúng ta cần phải phân định mọi thứ khuyến khích sự hiệp thông và cổ vũ điều thiện với bất cứ điều gì có xu hướng cô lập, chia rẽ và chống đối. Sự thật, do đó, không thực sự được nắm bắt dù cho nó không bị áp đặt bởi một cá nhân nào. Sự thật cần phải xuất phát từ các mối quan hệ tự do giữa con người với nhau, từ việc lắng nghe lẫn nhau. Chúng ta cũng không bao giờ có thể ngừng tìm kiếm sự thật, bởi vì sự giả dối luôn luôn có thể len vào, ngay cả khi chúng ta nói ra những điều đúng. Một lý luận cho dù không ai bắt bẻ vào đâu được, và hoàn toàn dựa trên những sự kiện không thể phủ nhận, nhưng nếu nó được dùng để làm tổn thương người khác và làm mất uy tín của người đó trước mắt người khác, thì bất kể nó có vẻ đúng đến đâu đi nữa, nó cũng không phải là đúng. Chúng ta có thể nhận ra tính chân thực của những lời phát biểu qua hoa trái của chúng: liệu chúng có gây tranh cãi, chia rẽ, làm nhụt chí; hay chúng thúc đẩy sự suy tư trưởng thành và được thông tin đầy đủ, dẫn đến sự đối thoại xây dựng và những thành quả tích cực.
4. Hòa bình là những tin chân thực
Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho sự giả dối không phải là những chiến lược, nhưng là con người: những người không tham lam nhưng sẵn sàng lắng nghe, những người nỗ lực tham gia vào cuộc đối thoại chân thành để sự thật có thể nổi lên; và những người bị thu hút bởi sự thiện và chịu trách nhiệm về cách họ sử dụng ngôn ngữ. Nếu trách nhiệm là câu trả lời cho sự lan rộng của tin giả, thì một trách nhiệm nặng nề đặt trên vai những người mà công việc của họ là cung cấp thông tin, cụ thể là các nhà báo, những người bảo vệ tin tức. Trong thế giới ngày nay, công việc của họ, trong mọi khía cạnh, không chỉ là một nghề kiếm ăn; đó là một sứ mệnh. Giữa những cạnh tranh ác liệt và chạy đua ráo riết, họ phải nhớ rằng trái tim của thông tin không phải là tốc độ tường trình hay tác động của nó đối với độc giả, mà là những con người. Thông báo cho người khác có nghĩa là đào tạo người khác; nó có nghĩa là động chạm đến cuộc sống của người dân. Đó là lý do tại sao việc bảo đảm tính chính xác của các nguồn tin và bảo vệ việc truyền thông là những phương tiện thực sự để quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin và mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.
Như thế, tôi muốn mời gọi tất cả mọi người cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình. Khi nói như thế, tôi không có ý muốn nói đến loại hình báo chí đầy mật ngọt và từ chối thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề nghiêm trọng; hay loại hình báo chí chỉ đầy cảm tính. Ngược lại, tôi muốn nói đến một nền báo chí trung thực trong đó chống lại những giả dối, những thứ khẩu hiệu nghe thật kêu, và các tiêu đề giật gân. Một nền báo chí do dân tạo ra và vì dân, một nền báo chí phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có tiếng nói- và họ là đa số trong thế giới của chúng ta. Một nền báo chí ít tập trung vào các tin tức giật gân và tập chú nhiều hơn vào việc tìm ra các nguyên nhân cơ bản của các cuộc xung đột, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn và góp phần giải quyết bằng cách thiết lập các quy trình đạo đức. Một nền báo chí dấn thân vào việc chỉ ra những lựa chọn khác hơn là sự leo thang các trận chiến la hét và bạo lực bằng lời nói.
Để đạt được mục đích này, lấy cảm hứng từ một lời cầu của Thánh Phanxicô, chúng ta có thể hướng về Đấng Chân Lý với lời nguyện cá nhân sau:
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa.
Giúp chúng con nhận ra sự ác len lỏi trong thứ truyền thông không kiến tạo sự hiệp thông.
Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.
Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.
Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.
nơi có tiếng la hét, xin làm cho chúng con biết lắng nghe;
nơi có hoang mang, xin cho chúng con gợi hứng cho hài hòa;
nơi có mơ hồ, xin cho chúng con biết mang lại sự minh bạch;
nơi có sự loại trừ, hãy để chúng con mang đến tình đoàn kết;
nơi có chủ nghĩa kích động, xin cho chúng con biết dùng sự tỉnh táo;
nơi hời hợt, xin cho chúng con nêu lên những câu hỏi thực sự;
nơi có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức niềm tin;
nơi có hận thù, xin cho chúng con mang lại niềm tôn trọng;
nơi có sự giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật.
Amen.
Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2018
+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đ. M. An dịch
http://ductinjesus.com/toan-van-su-diep-ngay-truyen-thong-gioi-nam-2018/