I. Nhóm Kinh Sư và Biệt Phái tự đắc về thành tích giữ Lề Luật của mình. Họ không ngại nhân danh Lề Luật để tố cáo những người phạm Luật. Họ hả hê như say men chiến thắng khi đem đến trước mặt Chúa Giêsu một phạm nhân.
II. Hôm ấy, Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, thì có nhóm Kinh Sư và Biệt Phái dẫn đến trước mặt Ngài một thiếu phụ mà họ cho là họ ‘bắt quả tang’ phạm tội ngoại tình. Luật Môsê truyền ném đá giết chết những kẻ ngoại tình. Nhưng vào thời Chúa Giêsu, quyền xử tử đã bị tước khỏi người Do thái, chỉ tổng trấn Rôma, đại diện hoàng đế tại Giêrusalem mới có quyền này.
Ở đây họ không chỉ nhằm tố cáo người thiếu phụ, nhưng chủ yếu để gài bẫy bắt lỗi chính Chúa Giêsu. Nếu Ngài tuyên bố là phải ném đá người thiếu phụ, họ sẽ tố cáo với quan tổng trấn là Ngài đã phạm pháp; còn nếu như Ngài tuyên bố là tha bổng thì điều đó có nghĩa là Ngài không tôn trọng Luật Môsê. Ngài dường như không chú ý tới lời tố cáo của họ. Ngài cúi xuống lấy tay viết trên cát.
Thời gian Chúa Giêsu cúi xuống lấy tay viết trên cát, một thời gian thinh lặng thánh. Thời gian thinh lặng thánh của Lòng Chúa Thương Xót đang chờ đợi để thương xót con người. Lẽ ra nhóm Kinh Sư và Biệt Phái xưa kia, và cả chúng ta hôm nay, phải biết dùng thời gian thinh lặng thánh này để tự vấn lương tâm như có lần Ngài đã giảng dạy: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,3).
Nhóm Kinh Sư và Biệt Phái cứ một mực lên án, nên Ngài phải nói với họ : Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá người này trước đi. Vì Lề Luật quy định chứng nhân phải ném đá kẻ có tội đầu tiên. Mà chỉ có Thiên Chúa, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6,6), mới thấy rõ ai tội lỗi hơn ai.
Vừa nghe lời Chúa Giêsu nói, tâm trạng nhóm Kinh Sư và Biệt Phái này có lẽ đúng như câu tục ngữ Việt Nam “chưa đánh được người mặt đỏ như vang; đánh được người mặt vàng như nghệ”. Quả là “gậy ông đập lưng ông”. Nhóm Kinh Sư và Biệt Phái này vội vàng “đào vi thượng sách”: họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.
Như vậy, Chúa Giêsu cho thấy Lề Luật còn nhân từ và công bằng hơn con người đã tưởng. Lề Luật chỉ là phương thế để thực thi ý định Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài không vi phạm luật Môsê nhưng dựa vào Lề Luật ấy, Ngài mời gọi con người hãy trả bị cáo về cho toà án lương tâm của mỗi người, vì việc xét đoán là việc của Thiên Chúa (x. Mt 7,1-2). Lòng Thương Xót của Thiên Chúa lại càng rực sáng lên, như thánh Augustino nhận xét về kết thúc câu truyện: “Chỉ còn lại hai: con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót”.
III. Trong dụ ngôn người cha nhân từ hiền hậu, người con thứ đi hoang là đối tượng của lòng nhân từ hiền hậu thế nào, trong câu truyện này, người thiếu phụ bị kết án vì ngoại tình cũng là đối tượng lòng nhân từ hiền hậu của Chúa Giêsu như vậy. Như vậy, mọi người đều cần đến lòng nhân từ hiền hậu của Thiên Chúa, mọi người đều cần đến Lòng Chúa Thương Xót.
“Để có thể sống Lòng Chúa Thương Xót, trước tiên chúng ta cần biết lắng nghe Lời Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là phải tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, để suy niệm chính Lời đang muốn nói với chúng ta” (Tông Chiếu Misericordiae vultus, 13). Vâng, sự thinh lặng rất cần thiết, “Ta sẽ quyến rũ ngươi vào nơi thanh vắng tĩnh mịch, để cùng ngươi thủ thỉ tâm tình” (Hs 2,16). Sa mạc nội tâm, cõi thinh lặng thánh, chính là nơi con ngươi nhận ra mình là ai rõ nhất, để biết mình cần đến Lòng Chúa Thương Xót đến mức độ nào. “Đó là cách thức để chúng ta có thể chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và biến Lòng Thương Xót ấy thành nếp sống riêng của chúng ta” (MV,13)