Thứ năm, 10 Tháng mười, 2024

CÁC BÀI CHIA SẺ TIN MỪNG TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN, 2018 (Lm. Hiền Lâm)

 

 

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN, NĂM BHình ảnh có liên quan

 

THỨ HAI TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

 

THỨ SÁU TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

09-11: Cung hiến Đền thờ Laterano, Lễ kính

 

THỨ BẢY TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

 

 Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

 

CHÚA NHẬT TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN, năm B 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 12,28b-34

Khi ấy, có một người trong các kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? ” Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! ” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

 

II. SUY NIỆM

“MẾN CHÚA – YÊU NGƯỜI”

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc một tiến sĩ luật của Do Thái đến hỏi Chúa Giêsu về điều răn quan trọng nhất. Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp về giới răn nào trong thập điều, nhưng đưa ra hai điều gồm tóm tất cả mọi lề luật. Đó là mến Chúa và yêu người.

Thập điều được Chúa ban cho Môisen trên núi Sinai tóm gọn lại trong hai điều (mười răn ấy tóm lại hai điều này mà chớ…) là 3 điều trước tập chú về việc MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ và 7 điều sau nói đến bổn phận YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH TA VẬY.
Chúa Giêsu không chỉ gồm tóm thập điều thành hai điều căn bản mà còn nâng giới luật yêu thương lên tầm quan trọng ngang hàng với việc kính Chúa:

 

1. Yêu mến Thiên Chúa HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN và HẾT TRÍ KHÔN.

– Hết lòng: Nghĩa là với cả cái tâm của mình, với cả trái tim của mình, với cả ý chí và tự do.

– Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong cầu nguyện tâm sự với Chúa, tham dự Thánh Lễ và các Giờ Kinh cùng những bổn phận trong bổn đạo.

– Hết trí khôn: Với cả tri thức và ý thức trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.

Như vậy, tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa.

 

2. Yêu thương kẻ khác NHƯ CHÍNH MÌNH ngươi.

– Yêu như chính mình là gì? Trong Cựu Ước, sách Tobia đã nói tới nhưng còn mang vẻ tiêu cực là: “Những gì con KHÔNG MUỐN kẻ khác làm cho mình, thì cũng ĐỪNG LÀM điều đó cho người ta” (Tb 4, 14), nhưng sang Tân Ước, Chúa Giêsu dạy theo hướng tích cực: “Điều con MUỐN người khác làm cho mình thì HÃY LÀM cho người ta” (Mt 7, 12 // Lc 6,31).

– Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, mới thực sự nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu là agapê – vượt lên trên mọi so đo tính toán, chứ không như eros (chiếm hữu) hay philia (có qua có lại) theo cách phân tích của người Hy Lạp.

–  Tình yêu không phải chỉ thương ở trong lòng hay là nói nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm (1Ga 3, 18). Làm sao ta có thể hiến mạng sống mình vì anh em, nếu như không tập từ những cái nho nhỏ như: mong muốn người khác được hạnh phúc, vui, sướng, “được sống và sống dồi dào hơn”. Vui với họ, buồn cùng họ. Chia sẻ từng miếng cơm, từng tấm áo, từng lời động viên, an ủi, cũng như không nói hành nói xấu người khác,… Làm được những điều nhỏ nhoi như thế, thì ta đã yêu thương họ cách chân thành, và khi cần thì cũng có thể hiến mạng sống vì họ (x. 1Ga 3, 17).

–  Thánh Bênađô nói: Mức độ của yêu thương là yêu thương không mức độ” và thánh Augustino cũng dạy: “Bạn hãy cứ yêu đi rồi làm gì hãy làm”. Nghĩa là lòng thương xót, yêu thương và bác ái chúng ta không đạt ra cho nó một giới hạn, nhưng là hãy làm những gì chúng ta có thể làm được, và dù làm việc lành gì đi nữa, mà trong việc làm đó không có sự yêu mến thì cũng vô ích mà thôi.

 

Tóm lại: Mến Chúa và yêu người là hai tương quan của một nhân vị, vừa mang chiều kích tôn giáo vừa mang chiều kích xã hội. Con người sống tương quan hàng dọc với Thiên Chúa và tương quan hàng ngang với tha nhân. Kitô hữu sống mầu nhiệm đức ái bao gồm hai chiều kích này không thể tách rời nhau: Không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người, chính thánh Gioan Tông Đồ cũng đã khẳng định điều đó.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn thấy Chúa hiện diện nơi mọi người chúng con gặp gỡ, để khi thực thi đức bác ái yêu thương với đồng loại, chúng con biết rằng, chúng con đang làm vì lòng yêu mến Chúa và có sức cứu độ các linh hồn. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 14,12-14

Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

 

II. SUY NIỆM

Chúa Giêsu dạy: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”. 

 

Người dân Sài thành thường nói vui với nhau rằng, Bắc có 4 mùa xuân hạ thu đông, thì Nam có 3 mùa là mùa nắng mùa mưa và “mùa cưới”. Đứa nào có chút máu mặt, thấy có vẻ “nhiều gạo” thì bị mời cho sạt nghiệp luôn.

 

Thật sự mà nói, thường thì mọi người chúng ta làm cái gì cho nhau cũng muốn có qua có lại, thậm chí tham lam theo kiểu “thả con tép để bắt con tôm, thả con săn sắt bắt con cá rô” hoặc: “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Tự bản chất chúng ta cho thấy có một sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, khi dọn tiệc, chúng ta vẫn ưu tiên mời người giàu, và nếu đang lúc dùng bữa, gặp người giàu chúng ta vẫn dễ dàng mời họ hơn thấy một người ăn mày đi qua…

 

Điều này cũng chẳng mới mẻ gì, cái việc “thấy sang bắt quàng làm họ”, nó có từ thởi ngày xửa ngày xưa. Thánh Giacôbê Tông Đồ cũng đã nói lên thực trạng này của người đương thời: Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư. Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói: “Đứng đó! ” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây! “, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?… Nếu anh em đối xử thiên tư, thì anh em phạm một tội và bị Lề Luật kết án là kẻ vi phạm” (x. Gc 2,1-9).

 

Nói tóm lại, chúng ta bỏ ra thì luôn muốn thu lại, thậm chí muốn thu lại hơn gấp nhiều lần, chứ ít ai trong chúng ta có được một lòng quảng đại chia sẻ cho những người nghèo khó. Chúng ta vẫn lấy tiêu chuẩn “công bằng kiểu làm ăn kinh tế” để đối xử với nhau, thì điều này chúng ta là Kitô hữu cũng chẳng hơn gì, vì người ngoại họ cũng làm được hơn cả chúng ta, bởi làm việc lành mà được đáp lại, nghĩa là đã được thưởng công rồi, nên chẳng còn công phúc gì trước mặt Thiên Chúa nữa cả…

 

Tin Chúa, theo Chúa là đem cả cuộc đời mình hiến thân phục vụ anh em như một chuyện đương nhiên, không đòi hỏi được đền ơn, đáp nghĩa, được biểu dương hay khen thưởng. Tin Chúa, theo Chúa không để chi lo cho phận riêng mình cách ích kỷ, không chạy theo lợi lộc, không tìm thăng quan tiến chức, nhưng để phục vụ mọi người như lẽ sống đời mình. Thái độ phục vụ không kể công, không vụ lợi là một yếu tố quan trọng đối với đời sống cộng đồng Giáo Hội cũng như xã hội. Sự đòi hỏi người khác biết ơn và đền ơn, đó là hành động của ước muốn thống trị và là bước đầu đưa tới thống trị trên người khác. Muốn cho tương quan trong cộng đồng xã hội mãi mãi trong sáng là tương quan huynh đệ, Chúa Giêsu đã dạy cách phục vụ không vụ lợi, không kể công. 

 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống quảng đại với hết mọi người, biết cho đi mà không tính toán hay mong chờ phần thưởng đời này, để tất cả mọi việc chúng con làm hầu cho vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN 

 

I. BÀI TIN MỪNG Lc 14, 15-24

Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa! “ Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn. Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu. Người khác nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu. Người khác nói: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.

 “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây. Đầy tớ nói: “Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ. Ông chủ bảo người đầy tớ: “Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.”

 

 II. SUY NIỆM

Hôm nay, Chúa Giêsu ví Nước Trời giống như một bữa tiệc. Ban đầu Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ mời gọi dân Do Thái vào hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô là đón nhận Tin Mừng để được sống đời đời, nhưng họ đã khước từ; rồi đến các Tông Đồ cũng được sai trước hết phải rao giảng cho dân Do Thái, nhưng chính họ đã từ chối (họ đã không xứng đáng dự tiệc cưới). Cuối cùng, Tin Mừng đã được loan giảng cho bất kỳ ai khắp năm châu bốn bể (khắp mọi ngả đường không phân biệt giàu nghèo tàn tật) mời gọi vào Hội Thánh của Chúa và hưởng Nước Trời. 

 

Các ví von trong dụ ngôn rất hay về 3 trường hợp:

– “Tôi mới tậu đất cần đi thăm, tôi xin kiếu”: Một ẩn dụ về vướng bận của cải vật chất. Tin Mừng được rao giảng cho chúng ta, Lời Chúa mời gọi chúng ta trở về với Giáo Hội, nhưng chúng ta vì vướng bận chuyện đất đai nhà cửa, tài sản bóp nghẹt đức tin. Chọn của cải tiền tài hơn chọn Chúa.

– “Tôi mới mua bò nên cần đi thử, tôi xin kiếu”: Một ẩn dụ về vướng bận nghề nghiệp. Nghề nghiệp và các phương tiện chi phối mọi suy nghĩ của chúng ta, không còn chỗ dành cho Chúa. Nghe theo đòi hỏi của Tin Mừng là không gian lận và bon chen, hoặc trở về với Chúa và với Hội Thánh sẽ có thể làm chúng ta mất đi những cơ hội nghề nghiệp, nên chúng ta đã nhắm mắt đưa chân theo nghề hơn theo Chúa.

– “Tôi mới cưới vợ nên “vợ không cho đi”… Một ẩn dụ về vướng bận tình cảm, thú vui xác thịt. Tình cảm, đặc biệt là tình cảm trai gái lấn át hết cả lý trí, tình yêu chân thành và luân lý. Buông mình theo xác thịt, yêu vội, sống thử, hoặc sống hôn nhân bất hợp pháp… để rồi coi thường luật luân lý. Chọn tình đời hơn tình Chúa.

 

Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mên công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được nhà thờ thì chỉ còn ngủ…

Ba thái độ của những người được kể trong dụ ngôn cũng là ba thái độ đã và đang xảy ra với mọi người chúng ta ngày hôm nay. Không ít người xin kiếu hoặc chần chừ trước lời Chúa mời gọi. Kiếu vì ham mê của cải hơn là chọn Chúa, kiếu vì bận rộn công việc không còn giờ cho Chúa, kiếu vì tình yêu dành cho thế gian, cho thú vui, cho đam mên nhục dục hơn là tình yêu Chúa; chần chừ là ỷ lại chờ đến giờ chót của cuộc đời rồi mới theo Chúa và trở về với Hội Thánh, nhưng nào có ai biết trước được đời mình.

Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở. 

Qua việc ám chỉ dân Do Thái tự phụ là những người biết Thiên Chúa trước, nhưng rồi chính họ lại tự đánh mất cơ hội nhận ra Tin Mừng nơi Người. Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỉ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa. Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện, nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được, nghĩa là lắm khi chúng con giữ đạo mà vẫn bon chen và ham mên công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ… Xin cho chúng con khi nghe Lời Chúa nhắn nhủ qua dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, biết ý thức và sửa mình, để biết ưu tiên cho việc Chúa là trên hết mà năng đến với bàn tiệc thánh mỗi ngày, là bảo chứng cho bữa tiệc đời đời trong Nước Chúa mai sau. Amen

 

 

THỨ TƯ TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 14, 25-33

Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:

“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

 

II. SUY NIỆM

Để theo Chúa, chúng ta sẽ bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Đức Giê-su đòi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên và thậm chí trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khoát chọn Chúa và bước theo Người 

Lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay khẳng định sự chọn lựa dứt khoát ấy. Chúa mời gọi vượt qua mọi ràng buộc cá nhân để sống tương quan với Chúa bằng các tương quan đức ái với tha nhân. Chúng ta dừng lại suy niệm ở 2 điểm chính:

 

1. Thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn

Chúa Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi quyết liệt và dứt khoát: 

“Ai đến với tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi”. 

Phải chăng Chúa Giêsu đặt ra một điều kiện của Chúa quá khó?

Sở dĩ Ngài đưa ra điều kiện như vậy để nói lên một sự dứt khoát chứ không phải nửa vời. Người không khuyến khích việc vô ơn bất hiếu với cha mẹ, hoặc phải sống vô tâm vô tình với người thân, nhưng là Người muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên chọn Chúa là trên hết và Người đòi hỏi sự so sánh hơn kém khi phải chọn lựa. Nếu phải chọn lựa giữa Đức Giêsu với cha mẹ và người thân, thì những người quyết tâm theo Chúa phải dám chọn Chúa Giêsu là gia nghiệp. Bỏ cha, bỏ mẹ, vợ con, anh em là bỏ những cái gì ngoài mình, nhưng Chúa còn đòi hỏi hơn nữa là dám bỏ cả mạng sống nếu phải làm chứng cho Chúa.

Thời bách hại mà các thánh tử đạo đã thực hiện trọn vẹn theo nghĩa chặt đã qua, nhưng ngày hôm nay, chính mỗi Kitô hữu cũng vẫn luôn phải đứng trước một chọn lựa: một bên là chọn Chúa và một bên là chọn những thứ thuộc vật chất. Nếu để ý một chút, chúng ta dễ nhận thấy, hiện chúng ta đang ưu tiên dành cho bên nào hơn.

Điều khó từ bỏ hơn cả là “bỏ mình”, nghĩa là bỏ chính cái tôi ngầm ý hay minh nhiên tham vọng địa vị và lợi lộc cho mình, muốn biến mình làm trung tâm và làm cho sự hướng thiện không còn chỗ đứng trong tâm hồn của mình nữa.

Chúa không đòi chúng ta phải vác thập giá của Chúa, cũng không buộc chúng ta phải vác thập giá của anh em, mà Chúa muốn chúng ta vác thập giá của chính mình. Thập giá của mình là những hoàn cảnh, những khó khăn, những giới hạn của riêng mình, là trách nhiệm trong bậc sống của mình.

Từ bỏ không phải một lần là đủ, mà nó sẽ là một cuộc chiến liên tục trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta luôn bị cám dỗ tìm kiếm hơn là từ bỏ, thu tích, giữ chặt những gì chúng ta có, hơn là cho đi, chúng ta còn bị cản trở, níu kéo bởi bao nhiêu thứ tình cảm khiến chúng ta chưa sẵn sàng để theo Chúa.

 

2. Cân nhắc suy nghĩ trước khi lựa chọn

Theo Chúa và trở thành môn đệ của Ngài không phải là một sự ngẫu hứng nhất thời, hay một quyết định nông nổi, mà phải là một quyết định có suy nghĩ, cân nhắc và dứt khoát giống như một người dự định xây nhà, xây tháp thì phải biết đánh giá và tình toàn kinh phí cùng với khả năng tài chánh, để khi đã quyết định rồi thì phải thực hiện cho bằng được, không để dang dở, cũng không để thất bại. Hay một người đi thi thì cũng phải biết lượng sức mình liệu có đạt không mới đăng ký thi, chứ không phải phó mặc cho may mắn mà chính mình không vất vả cố gắng đèn sách…

Là môn đệ của Đức Kitô, mang danh là Kitô hữu, nhưng nhiều người lại ngại ngùng với lời mời gọi thập giá, nhiều người muốn tìm kiếm một Đức Giêsu dễ dãi không đòi hỏi, không điều kiện, không thập giá, và sẽ không bao giờ có thể có một Đức Giêsu như thế, trái lại khi đã chấp nhận làm học trò của chúa Giêsu là phải chấp nhận dành cho Chúa mọi sự ưu tiên tuyệt đối, là dám hy sinh và sống chết vì Đức Kitô.

Những ai chọn bước theo đời tu, họ phải suy xét kỹ và cầu nguyện xin ơn soi sáng, để xem mình có đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của Chúa qua linh đạo của các dòng hay tu hội. 
Còn mọi Kitô hữu, đứng trước một chọn lựa, mà lương tâm và lề luật cho ta biết điều chúng ta sắp làm là không đẹp lòng Chúa, chúng ta có dám từ bỏ không, dù điều đó sẽ làm đẹp lòng cha mẹ, vợ con, anh chị và có lợi cho danh vọng chúng ta, nhưng lại có hại cho linh hồn?

Riêng các bạn trẻ, Chúa mời gọi các bạn từ bỏ sự lôi kéo mời chào hấp dẫn hào nhoáng giả tạo mà xã hội đang bày ra để làm lạc hướng các bạn, hãy can đảm từ bỏ lối sống dễ dãi buông thả của người trẻ, để biết sống có kỷ luật đối với bản thân, có trách nhiệm với chính mình và với gia đình và với quê hương giáo xứ.

 

Lạy Chúa Giêsu, bước đường theo Chúa đòi hỏi chúng con một sự chọn lựa dứt khoát là chỉ chọn Chúa và sống tương quan với Ngài bằng tương quan đức ái với tha nhân. Xin cho chúng con biết từ bỏ những vướng bận làm cản trở việc chúng con đến với Chúa, để chúng con luôn được thanh thoát và trung kiên theo Chúa đến cùng. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 15,1-10

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

“Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất. Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

 

II. SUY NIỆM

Chủ đề chính của bài Tin Mừng hôm nay là Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, đi tìm và đón nhận tội nhân trở về.

Trái ngược với cái nhìn loại trừ của các kinh sư Do Thái, khi họ bàn tán xầm xì với nhau về việc Chúa Giêsu đã đón nhận và đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi, Chúa Giêsu trả lời các kinh sư bằng loạt dụ ngôn: Con chiên lạc, đồng bạc mất, và người cha nhân hậu (người con phung phá).

Chỉ có Tin Mừng Luca mới có loạt dụ ngôn đặc biệt này, tác giả đã trình bày sự “lạc lối” của con người theo từng cấp độ khác nhau.

– Con chiên lạc: Đây là một sự lạc lối không có chủ ý bỏ đàn và bỏ mục tử mà đi, nhưng vì nó đam mê tìm hoa thơm cỏ lạ nước mát suối ngon, để rồi dần dần bị lạc đàn xa chủ mà không tìm được hướng đi lối về… bơ vơ. Ám chỉ hình ảnh con người dù ban đầu không bỏ Chúa hay bỏ đạo và không sa lầy vào tội, nhưng vì đam mê của cải, thế tục và đi tìm những thứ mới lạ, đắm mình trong những sở thích cho thân xác… để rồi đánh mất Chúa và lạc lối lúc nào không hay.

– Đồng bạc mất: Người phụ nữ Do Thái có chồng thì có 1 chuỗi xâu 10 đồng bạc mang ở cổ, khi mất đi một đồng, phần thì bị thiếu không mang được, phần thì do không còn bằng chứng để chứng minh mình đã có chồng và khí tiết với chồng, nên cần phải tìm cho thấy đồng bạc mất. Ở đây, có ý nói, đồng bạc trong một xâu chuỗi bị mất, là bị đứt dây liên kết, tách lìa hoàn toàn với xâu chuỗi và rời khỏi cổ chủ hoàn toàn. Nghĩa là, hình ảnh một người hoàn toàn cắt đứt với Giáo Hội và xa lìa khỏi sự cưu mang của Chúa.

– Người con phung phá: Là một người con quyết ra đi có chủ ý, dù không từ nhận cha mình, không cắt đứt với anh mình, nhưng nó muốn bỏ nhà cha và xa anh em để ra đi khẳng định mình bằng những gì mình mang theo (dù đó là của cha cho), muốn tự lập và tự do thoải mải ngoài luân thường đạo lý. Đây là mẫu người dù không từ chối Chúa và Hội Thánh, nhưng muốn tự mình giải thoát, tin vào khả năng mình (mặc dù khả năng đó là do Chúa ban), muốn vượt ra ngoài giáo huấn Tin Mừng và lề luật Hội Thánh để được tự do phóng khoáng và giữ “đạo tại tâm”.

 

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ nói đến hai dụ ngôn trên là “con chiên lạc” và “đồng bạc mất”, nên chúng ta chỉ dừng lại suy niệm về hai dụ ngôn này:

– Hình ảnh con chiên lạc như đã nói trên là vì nó lạc bước không có chủ ý, mà do đam mê cỏ ngon suối ngọt mà nó bị lạc, nên nó vẫn muốn tìm về, nhưng nó không tìm được đường về, hoặc bị sa xuống hố, hay đang bị cầm giữ, nên chủ nó mới đi tìm về, cho nó được nhập lại đàn và băng bó chữa trị cho nó. Cũng thế, không ít người trong chúng ta cũng lạc lối bơ vơ trong những đam mê, sa lầy trong tội lỗi, bị mọi thứ thế gian che khuất không tìm thấy lối trở về nẻo chính đường ngay. Chúa vẫn đã, đang và sẽ mãi đi tìm chúng ta để chữa lành và đưa về với Hội Thánh. Đó là điều làm cho chúng ta an tâm và ngoan ngoãn cho Chúa đưa về.

– Hình ảnh đồng bạc mất, nói lên một hành động đã cắt “đứt” mối dây tương quan trong Hội Thánh và “rời khỏi cổ” là sự ôm ấp của Chúa; đồng bạc có thể đang nằm trong xó tối hay bị người ta chà đạp lên… Chúng ta đừng thất vọng, Chúa sẽ đi tìm chúng ta, dù chúng ta đã xa lìa Giáo Hội, nhưng Chúa vẫn không bỏ ta, Giáo Hội vẫn mở rộng cửa đón chờ.

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt nói lên tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, đi tìm, chữa lành và đón nhận tội nhân trở về. Nếu lúc này còn những ai đang lạc bước trong tội, chúng ta đừng tuyệt vọng, hãy tin tưởng vào Chúa và đưa tay cho Người dắt về. Cả triều thần thiên quốc và Hội Thánh vui mừng vì chúng ta bỏ đường lối xấu mà cải thiện đời sống.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa, biết học nơi Chúa cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người, để chúng con không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa. Amen

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN 

Ngày 09/11CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATERANO

 

I. BÀI TIN MỪNG: Ga 2,13-22 

 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? ” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? ” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

 

II. SUY NIỆM

Hôm nay kỷ niệm cung hiến Thánh Đường Gioan Latran là thánh đường rất cổ xưa và là thánh đường mẹ trong Giáo Hội Công Giáo. Phụng Vụ cho đọc bài Tin Mừng thánh Gioan kể về việc Chúa Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem, Người đã nổi giận xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta biết tôn trọng nơi thánh, đồng thời tôn trọng thân xác và tâm hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa ngự:

 

1. Đừng biến Nhà Cha Ta thành nơi chợ búa.

Đền thờ Giêrusalem được nói đến đây là đền thờ thứ ba được vua Hêrôđê Cả xây dựng (đền thờ đầu tiên do vua Salômon, đền thờ thứ hai thời Esdra-Nơkhemia đã bị tàn phá) có ba phần bao gồm Nơi Cực Thánh, Nơi Thánh và Sân Chư Dân. Hằng năm, các dịp lễ lớn, người Do-thái từ khắp nơi về dự lễ, có cả những kiều bào và dân các thành khác. 

Xung quanh đền thờ, người ta đã lập các kios đổi tiền, buôn bán chiên bò và bồ câu, nhằm đáp ứng nhu cầu những người từ xa về dự lễ khỏi phải mang theo những thứ cồng kềnh. Họ đổi ngoại tệ để nạp thuế đền thờ, đổi tiền lẻ để dâng cúng; người giàu thì mua chiên hay bò, người nghèo thì mua chim gáy hoặc bồ câu để dâng lễ.

Giới tư tế đã nhân cơ hội chiếm dụng cả khuôn viên Chư Dân để lập ra các dịch vụ cho dòng tộc buôn bán trục lợi, làm cho nơi trang nghiêm thành ra chợ búa, nháo nhác tiếng dê kêu bò rống, la lối tranh cãi và có cả quân bảo kê móc túi…

Chúa Giêsu nhìn thấy cảnh lộn xộn của quân buôn và ô uế của súc vật, vì lòng nhiệt thành, Người đã xua đuổi chúng và nói: “Đừng biến nhà Cha Ta thành chợ búa”.

Sự kiện này là bài học cho chúng ta, chúng ta ý thức đền thờ là nơi thánh không? Chúng ta có những chiếm dụng trái phép của thánh không? Chúng ta đã thật sự giữ trang nghiêm khi bước vào nhà thờ? Chúng ta có dành riêng nơi thánh để chỉ làm việc thờ phượng Chúa, hay là dễ dàng dùng nhà thờ để tổ chức những sinh hoạt khác không thích hợp?

 

2. Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa ngự.

Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. 
Khi Chúa Giêsu nói rằng: “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Tin Mừng giải thích rằng Chúa muốn ám chỉ về thân xác của Người bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh. 

Và cũng từ những chứng từ này, mà trong Bài Đọc II, thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô đã nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”
Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta vẫn tuyên xưng điều đó. 

Chúng ta hãy lo trang hoàng đền thờ chúng ta bằng các nhân đức việc lành để xứng đáng cho Thiên Chúa ngự. Chứ đừng để cho “thần tài” ngự hoặc “súc vật” làm ô uế như người Do-thái xưa đã làm cho Giêrusalem.

Lại nữa, như lời thánh Phaolô dạy, không ai có quyền phá huỷ thân xác mình hay thân xác kẻ khác. Tự huỷ hoại thân xác mình hay làm hại người khác đều là tội giết người.
Cuối cùng, vì lòng nhiệt thành với Chúa, chúng ta không sợ kẻ giết thân xác mình, vì xác tín rằng, đền thờ thân xác chúng ta sẽ được Chúa xây dựng lại trong ngày chung thẩm.

 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức trang nghiêm mỗi khi bước vào nhà thờ, ý thức sự hiện diện của Chúa để sốt sắng cử hành phụng vụ thánh. Xin cũng cho chúng con biết quý trọng thân xác và tâm hồn mình là đền thờ của Chúa Ba Ngôi hiển ngự, để chúng con luôn giữ mình trong sạch và biết trang hoàng đền thờ tâm hồn bằng những nhân đức thánh thiện. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 16, 9-15

“Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su tiếp tục mời gọi mọi người biết lo cho tương lai vĩnh cửu, khi biết dùng những của cải đời này sao cho ích lợi cho kho tàng mai sau trong nơi vĩnh cửu, để không bị nô lệ cho những của cải thế gian, nhưng biết chọn Chúa là chủ đời mình.

 

1. Lo cho tương lai vĩnh cửu

Xem lại lịch sử Tàu, ta cũng có câu chuyện Mạnh Thường Quân rất giàu có, ngày kia ông sai Phùng Hoan đi về Ấp Tiết thu nợ và dặn ông mua cái gì đó về làm quà. Khi đến nơi thấy dân ấp Tiết nhiều người nghèo không có tiền trả nợ Phùng Hoan đã tha hết nợ và về bẩm báo với Mạnh Thường Quân rằng đã mua được cái mà Mạnh Thường Quân còn thiếu là Ân Nghĩa. Mạnh Thường Quân bỏ qua nhưng cảm thấy không vui, nhưng sau này, khi mất chức quan, ông về quê thì được cả làng Ấp Tiết ra nghênh đón, bấy giờ ông mới nhớ lại và thầm cám ơn Phùng Hoan.

 

Sự khôn ngoan của chúng ta không phải hệ tại ở sự giàu sang thành đạt, mà là biết dùng những gì mình có chuẩn bị thật tốt cho ngày cuối cùng của mình, vì dù được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng có ích gì. 

Người khôn ngoan là người biết làm giàu ân sủng trước mặt Thiên Chúa và làm giàu tình anh em.

Ngay từ bây giờ, đừng chỉ lo xây cất sắm sửa cho riêng mình, mà còn phải lo sắm sửa cho ngôi nhà của mỗi người ở thế giới mai sau.

Đừng chần chừ đợi đến ngày mai sẽ sắp xếp lại cuộc sống, đừng khất đến hôm sau mới yêu thương, mà hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, từ lúc này, vì có thể ngày mai ta sẽ không còn cơ hội nữa.

 

2. Không làm tôi hai chủ

Dù trong địa vị nào, con người vẫn muốn “bắt cá hai tay”, Chúa cũng muốn mà “xa hoa” cũng muốn. Thật ra, tiền của không có gì là xấu mà là rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng nó sẽ xấu khi ta trở thành nô lệ chúng, để rồi vì tiền mà ta không ngại bất cứ thủ đoạn nào phạm đến Chúa và tha nhân. Nhất là vì lo chạy theo tiền bạc mà quên hết việc đạo đức rồi dần dần tiền của lấn át dần Thiên Chúa, ngự trị trong tâm hồn ta thay cho Thiên Chúa.

Sứ điệp trung tâm của đoạn Tin Mừng: “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ” Chỉ có một chủ chứ không có hai chủ. Ai làm đầy tớ cho tiền bạc, người ấy đương nhiên không có quyền làm ông chủ; người ấy mang trên mình cái ách nô lệ này. Quả thật, đồng tiền đúng ra không có quyền, nó là tên nô lệ bất chính…Sự giầu có không sinh ra với chúng ta, không theo chúng ta đến cùng đích của cuộc đời. Chỉ có Đức Kitô, ở với chúng ta vì Người là sự sống trường tồn, là người chủ duy nhất đưa chúng ta đến hạnh phúc viên mãn.

 

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết dùng những của cải đời này sao cho ích lợi cho kho tàng mai sau trong nơi vĩnh cửu, để không bị nô lệ cho những của cải thế gian, nhưng biết chọn Chúa là chủ đời mình. Amen.

 

Lm. Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XXVI, Thường Niên B (Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48) Nối vòng tay lớn

Chúa Nhật XXVI, Thường Niên B (Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48) Nối Vòng Tay Lớn Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Cha Anthony De...

Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47-48: Giáo huấn của Chúa Giêsu

      GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU (Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48) M. Pet. Dũng Nguyễn Đình Khi, Phước Lý Bài Tin Mừng của Mác-cô hôm nay khá...

Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Tinh thần phục vụ

  TINH THẦN PHỤC VỤ (Mc 9,30-37) Hữu Quỳnh, Phước Lý Chúa Nhật tuần trước chúng ta được nghe thánh sử Marcô trình thuật lại câu chuyện Chúa...

Chúa Nhật XXIV Thường Niên C (Xh 32,7-11.13-14; Lc 15,1-32): Niềm vui hoán cải

Chúa Nhật XXIV Thường Niên C (Xh 32,7-11.13-14; Lc 15,1-32) Niềm Vui Hoán Cải Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ Lời Chúa tuần này toát...

Chúa Nhật XXIV TN, B, Mc 8,27-35: Mức độ biết Đức Giêsu

  MỨC ĐỘ BIẾT ĐỨC GIÊSU (Mc 8,27-35) M. Bosco, PS     “Đức Giêsu là ai?” là câu hỏi được đặt ra suốt 20 thế kỷ nay...

Chúa Nhật XXIII, Thường Niên B (Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37) Xin Chữa Con theo Cách Của Chúa

Chúa Nhật XXIII, Thường Niên B (Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37) XIN CHỮA CON THEO CÁCH CỦA CHÚA Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Một cô...

Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria

QUÀ SINH NHẬT (Mt 1,18-23) M. Clara, Phước Thiên Nếu có dịp đi dự tiệc sinh nhật ai đó, chúng ta thường không đến tay không nhưng...

Chúa Nhật XXII TN, B, Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Canh tân tâm hồn

    CANH TÂN TÂM HỒN (Mc 7,1-8a.14-15.21-23) M. Gioan Nguyễn An, Vĩnh Phước Tin Mừng Chúa Nhật XXII thường niên, Năm B hôm nay là những lời giáo...

Chúa Nhật XXII TN, B, Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Lời Sống

  LỜI SỐNG (Mc 7,1-8a.14-15.21-23) M. Augustino, Phước Hải Ngôn ngữ đã xuất hiện từ khi con người xuất hiện trên mặt đất này. Ngôn ngữ giúp con...

Chúa Nhật XXI TN, B: Còn sống là còn chọn lựa

  CÒN SỐNG LÀ CÒN CHỌN LỰA (Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69) Jos. ĐB, Phước Vĩnh Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã suy diễn câu nói...

Chúa Nhật XXI TN, B: “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống.”

"BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI, VÌ THẦY CÓ LỜI BAN SỰ SỐNG" (Ga 6,54a.60-69) Thầy Phêrô Kim-Ngôn Nguyễn Bảo Duy, Phước Hiệp Trích đoạn Tin mừng...

Lễ thánh Bernardo: Thánh Bernardo – Muối và Ánh sáng trong Giáo Hội

    THÁNH BERNARDO – MUỐI VÀ ÁNH SÁNG TRONG GIÁO HỘI (Mt 5,13-19) M. Anselmo Nguyễn Minh Quang, An Phước Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu 5,13-19, Chúa...