Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ CHÚA BA NGÔI (BÀI 2)

LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI (Ga 3,16-18)
 
I.          “Thiên Chúa là tình yêu” (x. 1 Ga 4,8.16). Thánh Augustinô nói: “Nếu bạn hiểu tình yêu, bạn sẽ hiểu Thiên Chúa Ba Ngôi”. Con người không thể hiểu được Tình Yêu, như có nhà thơ đã trăn trở: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu / Có nghĩa gì đâu một buổi chiều / Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, / Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…” (Xuân Diệu – Vì sao). Nhà thơ khác đề nghị : “Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều,/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo./ Để nghe tơ liễu run trong gió,/ Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử – Đà Lạt trăng mờ). Và Trời lý giải : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
 
II.         Thời Cựu Ước, ông Môsê được Thiên Chúa trao cho sứ mệnh dẫn đưa dân Israel ra khỏi đất Ai Cập và đến Đất Hứa. Ông lo sợ Thiên Chúa sẽ tiêu diệt Israel vì họ luôn bướng bỉnh. Thiên Chúa đã mặc khải cho ông biết Người là : “Thiên Chúa nhân hậu và thương xót, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Nên, dù cho Israel phạm nhiều lỗi làm mất lòng Người và đáng bị Người loại bỏ, nhưng qua lời chuyển cầu của ông Môsê, Người vẫn tỏ lòng nhân hậu thương xót với Israel và không chấp tội họ (x. Xh 32,1-6). Người không vì lỗi lầm của họ mà Người rút lại lời hứa với tổ tiên của họ, là cho họ được làm dân của Người. 
 
Thời Tân Ước, Vị Thiên Chúa Tình Yêu đã đi vào thời gian của con người và đụng chạm không gian của con người bằng cách ‘nhập thể’ Tình Yêu ấy trong người Con Một là Chúa Giêsu (x. Ga 1,14). Chúa Giêsu trở nên Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót con người, làm nên ‘Nhịp Cầu’ (x. Ga 14,16) chuyển tải ‘bí mật yêu thương’ trong cung lòng Chúa Cha đến con người (x. Ga 17,10), trong quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35). Thánh Phaolô gọi thiên ý nhiệm mầu này là “kế hoạch yêu thương” (x. Ep 1,3-14).
 
Trong kế hoạch này, Chúa Cha tiền định (mời gọi) con người làm con của Người và sống trong mối ân nghĩa với Người. Người luôn yêu thương con người, Người để con người được tự do muốn đáp lại hay không tùy ý, nên Người mời gọi con người. Người bày tỏ nỗi lòng :  “Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?  Cho dù người mẹ đó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Diễn tả Tình Yêu đó, Người ban Con Một của Người là Chúa Giêsu cho chúng ta.
 
Chúa Cha ban Con Một cho con người, không phải để kết án, nhưng để cứu độ con người. Chúa Giêsu trở nên Trạng Sư của con người (x. 1 Ga 2,1). Chúa Giêsu Trạng Sư có năng lực “biện hộ” cho con người từ một kẻ có tội ‘đỏ như son cũng trắng như tuyết’, ‘thẵm tựa vải điều cũng hóa trắng như bông’ (x. Is 1,18). Chúa Giêsu Trạng Sư chỉ đòi tội nhân đáp ứng (cộng tác) với Ngài bằng một điều, một điều cơ bản tiên quyết, đó là “tin” vào Ngài (x. Ga 3,18).
 
“Tin vào Con Một” để hiểu và đón nhận Tình Yêu Thiên Chúa.  Tin để đón nhận lời giảng và lối sống của Con Một Giêsu, nhờ đó cuộc sống của con người sẽ biến đổi dần dần nên giống với Ngài. Tin như thế, không phải là hành động của lý trí, nhưng là của con tim biết mở rộng để đón nhận Chúa Thánh Thần là Đấng mà Ngài hứa ban làm Đấng Bảo Trợ cho con người.
 
Sau 50 ngày từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu đã gởi Chúa Thánh Thần từ trời xuống trên các tông đồ. Chúa Thánh Thần biến đổi các ông từ những con người đang co cụm  sợ hãi trở thành những chứng nhân can đảm cho Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện diện. Chúa Thánh Thần hoạt động trong các Bí Tích và làm cho Kinh Thánh trở nên sống động với con người (x. YOUCAT, 118-119).    
 
         Chúa Thánh Thần là nguyên lý phát sinh sự sống, hiệp nhất mọi chi thể khác nhau lại thành một Huyền Thể Dân Mới của Thiên Chúa, là Hội Thánh. Chúa Giêsu Phục Sinh là nguồn mạch ban Chúa Thánh Thần. Ai tin vào Chúa Giêsu mới lãnh nhận được đầy tràn ân sủng Chúa Thánh Thần của Người. Một sự đầy tràn đến ngỡ ngàng kinh ngạc cho người nhận, cũng như cho những người chứng kiến (x. Cv 2,1-11).
 
             III.       Hình ảnh Thiên Chúa Yêu Thương đã được nói đến trong Cựu Ước thì nay được biểu lộ rõ ràng hoàn toàn trong Tân Ước (Ga 3,16).  Nhờ Chúa Giêsu mặc khải, con người biết về Thiên Chúa Ba Ngôi.  Chúa Giêsu Thiên Chúa Ngôi Hai là Ân Sủng (x. Ga 1,14.16).  Thiên Chúa Ngôi Cha “yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Ga 3,16). Thiên Chúa Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp thông, là Đấng Bảo Trợ (x. Ga 14,16).
Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu. Dấu Thánh Giá là lời kinh ‘nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’ tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu Phép Rửa Tội. Mừng đại lễ hôm nay, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, bằng thật ý thức với tất cả lòng yêu mến và kính trọng, khi chúng ta làm dấu Thánh Giá.
 
            Mỗi khi chúng con ‘làm dấu Thánh Giá’, chúng con xin Ba Ngôi Thiên Chúa thánh hóa lý trí, tâm tình và ý chí của chúng con. Mỗi khi chúng con ‘làm dấu Thánh Giá’, chúng con cũng tha thiết xin Ba Ngôi Thiên Chúa dạy chúng con biết thương yêu hiệp nhất, để chúng con biết đồng cảm quan tâm tới nhau. Vì như thánh Gioan dạy: khi chúng con “yêu thương nhau, là chúng con biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (x. 1 Ga 4,7-8).

Bài viết liên quan

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI