Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ CHÚA THĂNG THIÊN – C (Lc 24, 46-53)

I.      Thiên Chúa tỏ Lòng Thương Xót của Người qua Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người là Chúa Giêsu (MV,1). Chúa Giêsu đến trần gian ‘cắm lều giữa con người’, để đồng lao cộng khổ với con, giáo huấn, chữa lành bệnh tật, loan báo Tin Mừng Nước Trời, và nhất là yêu con người đến cùng bằng cái chết trên thập giá và sống lại vinh quang. Giờ đây, Chúa Giêsu lên trời.
 
 II.     Bốn mươi ngày sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã hiện diện với các Tông Đồ qua thân xác phục sinh của Người. Nay, đã đến lúc Chúa Phục Sinh kết thúc việc hiện ra với các Tông Đồ và trở về với Đấng đã sai Người. Khung cảnh biến cố Chúa Giêsu lên trời xảy ra gần Bêtania và được thánh sử Luca mô tả như một buổi cử hành phụng vụ. 
Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác con người (nhân tính), để chỉ còn lại thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha để bầu cử cho con người. Nghĩa là, Chúa Giêsu không còn là người mang hai bản tính (thiên tính và nhân tính), nhưng hoàn toàn là Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Người trở về với Chúa Cha, và dấu chỉ giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời.
Với tư cách là Con Đầu Lòng của nhân loại mới, Chúa Giêsu đi trước dọn chỗ cho nhân loại, “để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3). Sự kiện lên trời của Chúa Giêsu là biến cố kết thúc giai đoạn cứu độ loài người trong Ngôi Vị Thiên Chúa Ngôi Hai Nhập Thể. Giờ đây, Người mở ra sứ mệnh mới ‘bên hữu Chúa Cha’ (x. Dt 9,24) và là một bảo đảm chắc chắn cho số phận tương lai của chúng ta, nơi Người luôn mãi là trạng sư bầu cử cho chúng ta (x. 1 Ga 2,1).
        Chúa Giêsu là Đầu của Hội Thánh để thu hợp mọi phần tử nhân loại về một mối, làm thành một cuộc Vượt Qua Mới tiến về quê trời.  Người trao cho Hội Thánh sứ mệnh tiếp tục công việc thu hợp ấy qua việc loan giảng Tin Mừng. Trong Tin Mừng Luca, Giê ru sa lem là khởi điểm cuộc Xuất Hành của Chúa Giêsu để về với Chúa Cha (x. Lc 9,51).  Do đó, Người cũng truyền cho các Tông Đồ và Hội Thánh phải lấy Giêrusalem như điểm xuất phát loan giảng Tin Mừng cứu độ. Đã nhiều lần Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải làm chứng nhân cho Người và cho Tin Mừng, nghĩa là chứng nhân cho cuộc tử nạn và sống lại của Người (x. Mt 10,18; 24,14).          
Trong bối cảnh Chúa Giêsu lên trời vinh hiển, Người dạy các Tông Đồ phải nhân danh Người mà loan giảng Tin Mừng cho muôn dân (x. Lc 24,46-47).  Nội dung việc loan giảng là nói về Đấng Kitô và sứ mệnh của Người (Kerygma) : (1) Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; (2) Người chịu khổ hình là để gánh tội cho nhân loại. Nếu họ ăn năn và tin vào Ngài, tội sẽ được tha và họ được cứu độ.
Và theo ĐTC Phaolô VI, con người ngày nay sẽ nhận ra được lời chứng của các Kitô hữu, khi “chính với phẩm cách và đời sống mình, mà Hội Thánh sẽ phúc âm hóa thế giới. Nói cách khác, bằng sự ‘chứng tá’ sống động về lòng trung thành của mình với Chúa Giêsu là chứng tá về sự khó nghèo và siêu thoát, về sự tự do khi đối đầu với các quyền lực trần gian. Tóm lại, là chứng tá của sự thánh thiện” (TH Evangelii nuntiandi, 41).
        Đứng trước cảnh chia ly Thầy – Trò, thánh Luca tường thuật các môn đệ “lòng đầy hân hoan”. Các môn đệ “lòng đầy hân hoan” vì:
 
1)- Với cái nhìn đức tin, các ông hiểu rằng, mặc dù không còn trong tầm mắt của các ông, Chúa Giêsu luôn luôn ở lại với các ông. Người không bỏ rơi các ông, và trong vinh quang của Chúa Cha, Người nâng đỡ các ông, hướng dẫn các ông và cầu bầu cho các ông.
       
2)- Hy vọng sẽ được lên trời với Chúa Giêsu là đích điểm của cuộc đời con người. Nếu các ông đã xem thấy tỏ tường lúc Chúa lên trời, các ông không còn chút nghi ngờ về niềm hy vọng này. Các ông tin chắc sẽ cùng được hưởng hạnh phúc với Người trên trời.
 
3)- Hy vọng sắp được hưởng quyền năng của Chúa Thánh Thần: Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ trước cuộc Thương Khó, và cắt nghĩa rõ ràng vai trò của Thánh Thần (x. Ga 14,16-17; 16,7-9). Giờ đây Người lặp lại lời hứa đó và cho các ông biết điều đó sắp xảy ra.
 
 
III.     Cùng với ĐTC Phanxico, chúng ta xác tín việc Chúa Lên Trời không biểu thị sự vắng mặt của Chúa Giêsu, nhưng nói cho chúng ta biết rằng Người vẫn còn sống và ở giữa chúng ta bằng một cách thế mới. Người không còn ở một nơi cụ thể trên thế gian như trước khi Lên Trời. Giờ đây Người ở trong quyền lực của Thiên Chúa, trong sự hiện diện ở mọi không gian và thời gian, gần gũi mỗi người chúng ta. Chúng ta không bao giờ bị cô đơn trong cuộc sống của mình: Chúa Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh hướng dẫn chúng ta; có rất nhiều anh chị em cùng với chúng ta sống đức tin của họ hàng ngày trong thinh lặng và âm thầm, trong cuộc sống gia đình và làm việc của họ, trong những vấn đề và những khó khăn của họ, trong niềm vui và hy vọng của họ, và mang đến cho thế gian quyền lực của tình yêu Thiên Chúa, trong Đức Chúa Giêsu Kitô đã Sống Lại và Lên Trời, Đấng Bầu Cử cho chúng ta (17.04.2013).

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI