LỄ CHÚA GIÁNG SINH
I. Mỗi độ Giáng Sinh về, Hội Thánh lại long trọng cho chúng ta nghe lời sứ thần loan báo xưa : “Hỡi anh em, anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (x. Lc 2,8-12).
Chúng ta vui mừng, vì “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9,5).
Chúng ta chúc mừng nhau. Tạ ơn Chúa. Alleluia.
II. Đấng Cứu Thế chúng ta có nguồn gốc thần linh uy hùng như thế đó, nhưng dấu chỉ để nhận ra Người lại chỉ là “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Một Đấng Cứu Thế đơn sơ khó nghèo tột cùng như thế, thảo nào : “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 10-12).
Thánh Gioan làm chứng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Thánh nhân xác tín : “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1), “gánh vác quyền bính trên vai”, nên “nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành (Ga 1,3).
Theo Sách Sáng Thế, khởi đầu đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm (x. St 1, 1-2), nghĩa là tất cả còn ở trong tình trạng hỗn mang tăm tối. Thiên Chúa đã dùng “Lời” để sáng tạo, Thiên Chúa nói : “Hãy có Ánh Sáng” (St 1, 3) (có khoảng mươi lần công thức : ‘Thiên Chúa nói’). Nhờ công trình sáng tạo đầu tiên, chính là Ánh Sáng; và từ Ánh Sáng phát sinh mọi sự, và nhất là Sự Sống, “ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4).
“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Một Ngôi Vị của Thiên Chúa đã được sinh ra và ở giữa chúng ta, để nhờ Người chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa và hưởng trọn lời hứa cứu độ. Ngài đã đến thế gian từ cung lòng Thiên Chúa Cha, và từ nay sự hiện diện của Ngôi Lời Nhập Thể là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại, lệ thuộc vào không gian và thời gian. Đó là một vị Thiên Chúa đã xuống thế mang thân phận con người, một con người sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một dân tộc và một nền văn hóa riêng như mỗi người chúng ta.
Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể tái tạo sự sống cho nhân loại, nối kết con người với Thiên Chúa và con người với con người. Nhờ đó, Ngôi Lời Nhập Thể là niềm vui, là niềm hạnh phúc của con người đang khao khát chờ mong. Ngôi Lời Nhập Thể là Đấng vĩnh hằng Emmanuel trong hình dạng một Hài Nhi Giêsu đã và đang sinh ra trong nhiều môi trường, trong nhiều thời gian khác nhau ở giữa chúng ta …
Ngôi Lời Nhập Thể chính là Chúa Giêsu. Chúng ta cùng chiêm ngắm Đấng vì Yêu mà trở thành xác phàm như chúng ta. Chúng ta :
– 1). Chiêm ngắm Ngôi Lời trong máng cỏ. Em bé Giêsu đang nằm trong máng cỏ : là chính Đấng sáng tạo đất trời, Đấng mà muôn dân trông đợi; và cũng đang giang rộng tay đợi trông chờ đón mỗi chúng ta.
– 2). Chiêm ngắm Ngôi Lời nơi Thánh Thể. Một Thiên Chúa làm người nằm trong máng cỏ kia, cũng là Thiên Chúa ngự trên bàn thờ trong Bí Tích Thánh Thể, để trở thành tình yêu dâng hiến và chia sẻ. Ngài không chỉ dâng hiến Thiên Chúa Cha, mà còn dâng hiến và chia sẻ cho mọi người, để mọi người ‘được sống dồi dào’ (x. Ga 10,10).
– 3). Chiêm ngắm Ngôi Lời nơi Thánh Thể đã được chia sẻ, chính là chiêm ngắm Ngôi Lời nhập thể trong anh chị em mình. Vì “chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một Thân Thể” (1 Cr 10, 17).
III. Thay lời kết, nhân dịp Đại Lễ mừng Chúa Giáng Sinh, mời bạn suy nghĩ 3 câu chuyện sau :
1. Một mục sư sống cùng với vợ con trong một căn nhà rất nghèo. Họ đã có với nhau 14 mặt con. Ngày kia người vợ phát hiện bà đang mang thai đứa con thứ 15. Họ có nên bỏ đứa con này không, khi mà gia cảnh đã quá bần cùng và túng thiếu ?
2. Một người đàn ông da trắng cưỡng hiếp một bé gái da đen 13 tuổi, khiến cô bé mang thai. Cô có nên để đứa bé được chào đời, hay là không ?
3. Một thiếu nữ mang thai từ khi còn rất trẻ. Cô chưa từng kết hôn, và vị hôn phu của cô cũng không phải là cha đứa trẻ này. Cô có nên giữ lại đứa bé hay không?
Bạn biết không ? Nếu bạn đồng ý để họ “điều hòa kinh nguyệt – nạo phá thai”, vậy là :
– Trong chuyện thứ I, bạn đã để mất John Wesley, một trong những nhà thuyết giáo, mục sư, và nhà thần học vĩ đại nhất của thế kỷ XIX.
– Trong chuyện thứ II, bạn đã đánh mất Ethel Waters, ca sĩ gốc Phi hát nhạc blues, jazz và phúc âm được người Mỹ yêu mến.
– Trong chuyện thứ III, bạn và tôi không có ngày Đại Lễ hôm nay, vì thế giới đã mất đi một bậc thánh nhân – Đấng Cứu Thế Chúa Giêsu.
Xin Chúa Cứu Thế Giêsu, Đấng vì yêu thương nhân loại, đã từ trời cao xuống thế làm người, “nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không phạm tội” (Dt 4,15), thánh hóa và ban cho chúng ta một trái tim biết động lòng trắc ẩn, và một tấm lòng biết quan tâm đồng cảm hiến dâng cho tha nhân, để chúng ta có một cái nhìn xót thương trước mỗi mảnh đời. Nhờ đó, chúng ta xứng đáng được hợp lời với ca đoàn thiên quốc hát mừng Ngôi Lời Nhập Thể: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.