Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA 2017

LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA-A
(1 Cr 10, 16-17; Ga 6, 51-58)
 
I.          Giai thoại : Mười mấy năm qua, anh Đặng Hữu Nghị (39 tuổi), quê ở Huế. Anh vừa làm cha vừa làm mẹ chăm sóc hai con nhỏ bị bại não. Anh bươn chải khắp nơi, làm nhiều nghề để có tiền nuôi hai con. Anh tự tay bón từng muỗng cơm, pha sữa, tắm giặt, thay tã cho con, hát ru con ngủ, chơi đùa cùng con. Anh cho biết: được chăm sóc hai con là một niềm hạnh phúc! (x. Thứ Sáu, 12/05/2017  http://congan.com.vn).
 
Giai thoại này, ít là cho chúng ta nhận định : Chỉ những con người có trái tim ngập tràn yêu thương mới có những sáng kiến kỳ diệu dành cho người mình yêu thương. Tình yêu thương của một người cha dành cho một người con, thật đáng trân trọng. Ngày hôm nay, Ngày Tôn Vinh Người Cha trần thế của mình, là người con, chúng ta đừng quên dành một sự trân trọng tri ân Người Cha của mình !
 
Còn tình yêu thương của một Vị Thiên Chúa là Cha, đã trao Con Một của mình cho loài người (x. Ga 3,16), để người Con Một đó nên Ơn Cứu Chuộc và Ân Sủng (x. Ga 1,14.16) cho loài người chúng ta, chúng ta dành cho Người lời tôn vinh nào đây ?
 
 
II.         Có lẽ lời tôn vinh hợp lý hợp tình nhất cho lúc này, là mượn lại tâm tình trong Ca Tiếp Liên của Đại Lễ hôm nay: “Hỡi Sion, hãy ngợi khen Ðấng cứu độ ngươi, Ðấng lãnh đạo và mục tử của ngươi, với những bài ca vãn và những khúc thánh ca! Ngươi có sức chừng nào, hãy ngợi khen chừng đó, vì Người vĩ đại hơn mọi lời khen ngợi, và ngươi cũng không đủ sức ngợi khen Người” (cc.1-2).
 
Tình Yêu Thương của Chúa Cha là Sự Sống Thiên Chúa được thông ban cho con người. Sự sống này được Chúa Giêsu diễn tả là “bánh hằng sống”. Ngài khẳng định :  “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. (Ga 6,51.54).  Chúa Giêsu nhắc lại : Bánh bởi trời ban cho dân Chúa trong sa mạc chỉ nhằm mục đích “cứu đói” và duy trì sự sống thể chất.  Đó là dấu chỉ nói lên lòng yêu thương của Thiên Chúa chăm sóc dân riêng Người trong cơn cùng khốn. Còn Chúa Giêsu là “bánh hằng sống từ trời xuống”, được Chúa Cha sai đến để khi chúng ta lãnh nhận thì sẽ được “sống lại trong ngày sau hết” và “được sống đời đời”. 
 
Thịt và máu là những yếu tố căn bản của sự sống con người. Nên Chúa Giêsu mời gọi chúng ta lãnh nhận Ngài với toàn diện con người của Ngài. Ngài đã cho chúng ta biết sứ mệnh của Ngài:  Ngài tự trời mà xuống để thi hành thánh ý Chúa Cha, tức là đem đến cho chúng ta giáo huấn của Chúa Cha và sự sống. “Ăn thịt và uống máu” Chúa Giêsu, là kiểu nói Bí Tích để diễn tả việc chúng ta tiếp nhận Ngài như thế nào. Chúng ta để cho Chúa Giêsu toàn diện đi vào tất cả con người của chúng ta, kết hiệp với chúng ta và lưu chuyển sự sống Thiên Chúa của Người sang chúng ta.  Đó là cách Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Emmanuel). 
 
Trong Tin Mừng thứ IV, thánh Gioan khai triển khía cạnh Nhập Thể, trình bày việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta qua sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Ngôi Lời.  Người đã ở giữa cộng đồng nhân loại, hòa nhập với con người, để đồng cảm với con người. Thánh nhân dẫn chúng ta tới Bí Tích Thánh Thể. Ngài không trình thuật biến cố Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể, nhưng thay vào đó, ngài lại cho chúng ta một diễn từ vô cùng phong phú về Bí Tích Thánh Thể (chương 6), để giúp chúng ta đi tới tận cùng ý nghĩa của việc “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thánh Gioan nhắc lại nhiều lần câu nói của Chúa Giêsu:  “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sống, được sống lại trong ngày sau hết và được sống muôn đời”.  Lập lại như thế, thánh nhân muốn nói lên tầm quan trọng của việc tiếp nhận Chúa Giêsu toàn diện : “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (x. Rm 8,29).  Chúa Giêsu “ở lại” với chúng ta thế nào, qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng “ở lại” với Ngài như vậy khi chúng ta nhận lãnh “Thịt và Máu” Người.
 Nên, thánh Phaolô, trong hai câu vắn tắt, thánh nhân nói lên hai chiều kích của việc Hội Thánh cử hành Thánh Thể:
 
1)- kết hiệp với Chúa Giêsu : Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã lấy phần quan trọng của nghi thức Vượt Qua mà áp dụng cho chính Ngài. Ngài muốn thay thế những dấu chỉ cứu độ ấy bằng chính Thân Mình và Máu Ngài để thiết lập một cuộc Vượt Qua Mới. Do đó, như dân Do thái xưa muốn được cứu độ cần phải kết hiệp với Thiên Chúa qua biến cố Vượt Qua thế nào, thì cũng vậy, Kitô hữu ngày nay phải kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc Vượt Qua Mới là Bí Tích Thánh Thể để tham dự vào Giao Ước Mới và được cứu độ.
 
2)- kết hiệp với nhau :     Mục đích của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể là để Kitô hữu được “dự phần” vào Mình và Máu Chúa Giêsu, là được kết hiệp với Người. Thánh nhân muốn nhấn mạnh đến lý tưởng hiệp nhất, một lý tưởng Kitô hữu cần phải thực hiện qua việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể.  Mỗi Kitô hữu là một tạo vật độc đáo của Thiên Chúa, một phần tử đặc biệt của Hội Thánh.  Chúng ta “tuy nhiều người”, nhưng “chia sẻ cùng một Bánh” là Thánh Thể, trong cuộc hành trình cùng nhau tiến về nhà Cha. Chúng ta là những cá nhân khác nhau, nhưng chỉ có một tấm Bánh và một chén Rượu. Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu là nguyên lý kết hiệp mọi chi thể lại với nhau trong Huyền Thể Người.
 
III.          Thánh lễ không phải là kỷ niệm hay tái diễn nhưng là hiện tại hóa cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu để cứu mọi người ở mọi thời. Điều này có nghĩa là mỗi khi cử hành Thánh lễ thì chính Chúa Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật đang chịu chết và sống lại trước mắt chúng ta để cứu chúng ta. Thánh Lễ là quà tặng thần linh cao trọng Thiên Chúa ban cho con người, ban cách toàn diện, để biểu lộ Lòng Chúa Thương Xót, như thánh FranÇois De Sales nói.
Nên, khi ngỏ lời với Hiệp Hội Thánh Thể, ĐTC Piô X nói : Có nhiều con đường lên Thiên Đàng: 1- Đường Ngây thơ vô tội. Đường này dành cho các trẻ nhỏ. 2- Đường Ăn chay đánh tội. Ta thường khiếp sợ con đường này. 3-Đường đau khổ. Khi gặp đau khổ, người ta cầu xin để tránh thoát. 4- Vậy chỉ còn con đường dễ dàng nhất, chắc chắn nhất, vắn tắt nhất, để lên Thiên đàng, đó là đường Bí Tích Thánh Thể. Thánh Thể chính là đường ngắn nhất, chắc chắn nhất để vào Thiên đàng.
 
            Thánh Pierre Julien Eymard cảm nghiệm : “Bí tích Thánh Thể là bằng chứng tối cao về tình yêu của Chúa Giêsu. Quả vậy, ngay cả trên Thiên Đàng cũng chẳng có sự gì hơn thế được nữa. Đứa trẻ vừa được mẹ hôn cũng chẳng sung sướng hơn linh hồn trung tín được chuyện vãn cùng Chúa Giêsu trong Thánh Thể”. Vì đó, ngài khuyên : “Bạn rước Thánh Thể để trở nên thánh, chứ không phải vì bạn đã là thánh rồi mới rước Thánh Thể”.
 
            Ước mong mọi người luôn đến với Thánh Thể Chúa Giêsu.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI