Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

 

I.          NGUỒN GỐC MẪU ẢNH

Năm 1597, có lệnh bắt đạo trên đất Nhật rất gắt gao. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng thu được của người công giáo một mẫu ảnh: người có trái tim trước ngực ! Ông cầm mẫu ảnh, coi qua rồi vất vào sọt rác.  Sau nghĩ lại, ông tự nhủ mẫu ảnh lạ này hẳn có ý nghĩa gì đây. Ông để lại trên bàn và suy nghĩ.

 

Sau một đêm suy nghĩ, gần sáng, quan đại thần mới ngộ ra và khoan khoái ghi dưới tấm ảnh mấy chữ : ”Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” (người có trái tim ở bên ngoài, bên trong lại không có trái tim). Rồi ông kính cẩn đặt mẫu ảnh trên bàn làm việc.

Một người bạn đến chơi thấy vậy hỏi: “bạn lại thích ảnh tượng  của bọn tà đạo rồi sao?”

Quan đại thần trả lời: “Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng, nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích mẫu ảnh này. Phải chăng đây là bức ảnh nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo?  Ông bạn thử nghĩ coi : đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì hữu tâm, còn đối với bản thân mình thì vô tâm. Cho nên họ mới vẽ trái tim lộ ra bên ngoài.  Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình  mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời. Còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ.  Đem hết trái tim ra  để giúp đời giúp người. Nội dung mẫu ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cả bài học từ bi của Phật, khoan dung hơn đức nhân của Khổng Tử, cao siêu hơn cái vô ngã của Lão, mạnh hơn cái dũng của thần đạo Nhật bản. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm tới tư lợi, thì quả là điều ngay chính của thiên hạ”.

 (x. http://www.memaria.org/default.aspx?LangID=0&tabId=470&ArticleID=59859).

 

II. NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA THÁNH LỄ

Phụng Vụ Hội Thánh vào những thế kỷ đầu, chưa có hướng dẫn về việc tôn thờThánh Tâm Chúa Giêsu. Việc đạo đức này chỉ do các tu sĩ dòng Thánh Augustinô, Biển Đức, Đaminh, Phanxicô, hướng vào việc tôn thờ Năm Dấu Thánh Chúa Giêsu: Các dấu đinh ở hai tay, hai chân Chúa và dấu lưỡi đòng thâu qua cạnh sườn đến trái tim “máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34).

Ngày 16-06-1675, trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh, Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Margaret Mary Alacoque (1647-1690) dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, Người yêu cầu thánh nữ xin Giáo Quyền cho thiết lập một ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu vào Thứ Sáu trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh, để đền tạ những sự xúc phạm của con người đối với hy tế của Chúa Giêsu. Đến năm 1765, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mới chính thức được cử hành ở Pháp. Năm 1856, ĐGH Piô IX truyền cử hành một cách trang trọng trong khắp Hội Thánh và đưa vào lịch Phụng Vụ chung. Các ĐGH sau này, đều có những giáo huấn khuyến khích tín hữu tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Các ngài xác tín đây là một phương thế đạo đức tuyệt hảo nhất và mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cao trọng cho các tín hữu, là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới. Vì việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu dẫn đưa con người tới Chúa Ba Ngôi nhờ sự kết hợp với Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Như thế, Hội Thánh khi chấp nhận và khuyến khích tín hữu cử hành việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu :

– là mong muốn tín hữu quy hướng con người mình lên một Tình Yêu của mọi tình yêu – Tình Yêu chịu đóng đinh và chết cho người mình yêu;

– là để kêu mời tín hữu đang mệt nhọc và bị áp bức đến cùng Thánh Tâm Chúa Giêsu để được bổ sức; và nhất là qua việc học cùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, để con tim tín hữu được đổi mới nên hiền hậu khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11,28-29).

Hôm nay cũng là ngày thánh hóa các Linh mục của Chúa. Cùng một tâm tình với các Linh Mục, chúng ta tha thiết dâng lên Chúa Giêsu lời nguyện để cầu cho các Linh Mục: “O bone Iesu, fac ut sim sacerdos secundum cor tuum” : “Lạy Chúa Giêsu nhân lành, xin cho con trở thành Linh mục như lòng Chúa ước mong. Amen”.

 

DẪN NHẬP VÀ THỐNG HỐI

 

Cùng với ĐTC Phanxico, chúng ta xác tín : Thánh Tâm Chúa Giêsu diễn tả tột đỉnh tình yêu và lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa đối với con người. Thánh Tâm Chúa Giêsu là suối nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới, là một sức mạnh trao ban sự sống, làm cho con người sống lại! Lòng xót thương này là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, là thái độ của Thiên Chúa tiếp xúc với sự khốn cùng của con người, với sự nghèo nàn của chúng ta, với khổ đau và sự âu lo của chúng ta.

ĐTC mời gọi chúng ta hãy học biết sống khiêm nhường và thương xót đối với tha nhân. Vì Thiên Chúa luôn luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, chúng ta đừng quên điều này, Người luôn luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, Người chờ đợi chúng ta với lòng thương xót. Chúng ta đừng sợ đến gần Người! Người có một con tim thương xót! Nếu chúng ta cho Người thấy các vết thương nội tâm của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Người là lòng thương xót tinh tuyền. Chúng ta hãy đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu! (Chúa Nhật, ngày 09-06-2013).

            Trong tâm tình tín thác vào Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa và thành tâm thống hối :    

 

Lạy Chúa, Thánh Tâm Chúa Giêsu là hiện thân của Tình Yêu Chúa tự nguyện tặng ban cho con người, không biên giới, không kỳ thị chủng tộc màu da, ngôn ngữ hay giai cấp. Trong cuộc sống, chúng con đã khoanh vùng chọn lựa đối tượng để yêu thương, so đo, tính toán, khi phục vụ.

Lạy Chúa, Thánh Tâm Chúa Giêsu là mục đích duy nhất mà con người phải đạt tới. Trong cuộc sống, chúng con đã khoanh vùng chọn lựa đối tượng để yêu thương, so đo, tính toán, khi phục vụ.

Lạy Chúa, Thánh Tâm Chúa Giêsu là Dấu Chỉ quy hướng mọi người hướng lên để trở thành con Chúa và làm anh chị em với nhau. Trong cuộc sống, chúng con đã khoanh vùng chọn lựa đối tượng để yêu thương, so đo, tính toán, khi phục vụ.

 

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU – B

(Hs 11,1.3-4.8c-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37)

 

I.          Truyện kể : Trong giấc mơ, một chàng trai thấy mình đứng giữa phố chợ và tuyên bố trái tim mình đẹp nhất vì nó chẳng có tì vết hay rạn nứt nào. Một cụ già xuất hiện và nói rằng : trái tim tôi đẹp hơn trái tim của cậu. Chàng trai và mọi người ngắm trái tim của cụ già đầy vết sẹo và những rãnh khuyết đang đập mạnh … Chàng trai khẳng định trái tim mình trơn bóng, còn trái tim của cụ già chỉ như là một trái tim được  chắp vá bằng nhiều mảnh.

Cụ già nói: – Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người tôi yêu… Tôi lấy một phần trái tim mình trao cho họ, thường họ cũng trao một phần tim của họ để tôi ráp vào. Nhưng những phần tim chẳng hoàn toàn giống nhau: cha mẹ trao cho tôi phần lớn hơn tôi trao cho các ngài… Các phần tim không bằng nhau, nên chúng tạo ra những nếp sần sùi, nhưng tôi lại luôn yêu mến những nếp sần sùi đó. Thỉnh thoảng tôi trao phần tim của mình, nhưng không nhận được gì nên trái tim có nhiều vết khuyết. Nhưng tôi lại hạnh phúc hơn vì có những khe rãnh trong trái tim mình để đón nhận nhiều người khác…

Những giọt nước mắt lăn dài trên má, chàng trai bước tới, lấy một phần trái tim mình trao cho cụ già. Cụ già cũng lấy một phần trái tim đầy vết sẹo trao cho chàng trai. Những phần trái tim của một già một trẻ, tuy chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp, tạo nên những đường lởm chởm trên trái tim của chàng trai và của cụ già. Chàng trai và mọi người thấy trái tim của chàng không còn hoàn hảo như trước, nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết… (st)

 

II.         Trái tim biểu tượng cho trung tâm và tình yêu của con người sống động. Thời Chúa Giêsu, người Rôma đô hộ nước Do Thái, khi tử hình một ai, người Rôma để xác chết của nạn nhân bên ngoài cho đến khi tan biến. Còn người Do thái lại chôn cất nạn nhân, sau khi kiểm chứng để biết chắc nạn nhân đã chết. Người ta cũng kiểm chứng cái chết của Chúa Giêsu.

Chúng ta lưu ý vài điểm :

Một. Quân lính không đánh giập ống chân Chúa Giêsu. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19, 32-34). Điều này xác định Người đã chết, chết thực sự. Thánh sử Marco đặc biệt nhấn mạnh sự kiện này (x. Mc 15, 42-47). Biến cố mai táng (x. Ga 19, 38-42) được kể lại, chính là để củng cố thêm biến cố này.

Cái chết của Người minh chứng Lịch Sử Cứu Độ ghi trong toàn bộ Kinh Thánh đã hoàn thành. Lịch Sử Cứu Độ này là : Chúa Cha quyết định nâng loài người lên tham dự sự sống thần linh trong Chúa Con, và qui tụ những ai tin Chúa Giêsu họp thành một Hội Thánh” (x. LG 2; GLHTCG, 759; Ep 1,5.9-10).

Như như hạt lúa mì (x. Ga 12, 24), Chúa Giêsu chết, nhưng không phải là hết. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,16), Tình Yêu Thiên Chúa mạnh hơn sự chết (x. Rm 8,31-39), Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống, nếu không Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa (x. Lc 20,28). Và Người kinh qua cái chết để đi vào đời sống mới, và đem lại sức sống mới cho muôn người. Người đã tắt thở, để ban “Thần Khí” (x. Ga 19,30). Thần Khí sẽ làm phát sinh hoa trái từ Cây Thánh Giá và dẫn chúng ta vào trong tất cả sự thật của Chúa Giêsu (x. 1 Ga 5, 6-8).

Máu Người đổ ra cũng minh chứng về Mầu Nhiệm Nhập Thể: Con Thiên Chúa thực sự làm người và đã chết. Lưỡi đòng người lính đâm vào cạnh sườn là để xác định chắc chắn Người đã chết. Biến cố này nói lên những điều Kinh Thánh  loan báo về Người nay đã “hoàn tất” (x.Ga 19,30). Các thánh Giáo Phụ giải thích :

+ Máu tượng trưng cho Bí Tích Thánh Thể, cho sự sống, cho Thánh Thần.

+ Nước tượng trưng cho Bí Tích Rửa Tội, cho sự thanh tẩy tội lỗi.

       + Như bà Eva được tạo thành từ cạnh sườn ông Adam, Hội Thánh cũng được phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu.

 Hai. Thánh Gioan nói là ngài đã xem thấy “việc này”, ngài “làm chứng” để mọi người tin (x. Ga 19, 35). Sự kiện này minh chứng : Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa đến xóa bỏ tội trần gian (x. Ga 1,29); Người là con chiên dùng trong lễ Vượt Qua không tì tích, không một khúc xương nào bị đánh gẫy (x. Xh 12,46, Ds 9,12).

Chính trong một hình hài “giống như thân xác tội lỗi” (Rm 8, 3), Người “đồng hóa mình với tội” (x. 2 Cr 5, 21; Gl 3, 13), Người để chúng ta nhìn thấy những điều thật hữu hình cụ thể, đập vào mắt chúng ta những gì chúng ta đã làm cho Người. Và, nhất là chúng ta vẫn còn đang xúc phạm đến Người, qua chi thể của Người, là những con người bất hạnh, cô thân cô thế đời nay …

 

III. Trên thập giá, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Một lời khẩn cầu nhắc lại giáo huấn Người đã dạy các môn đệ khi Người sinh tiền : “chúng con hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng con” (x. Mt 5,43-44). Những lời nói sau cùng một đời người, chính là lời trăn trối. Lời trăn trối đầy linh thiêng.

Cạnh sườn Người rộng mở, là để tuôn tràn Tình Yêu Thiên Chúa đến từng người. Trái Tim của Người đầy ‘vết sẹo’ càng làm cho Trái Tim ấy đẹp hơn, sinh ích lợi hơn cho bao người trần thế. Bởi vậy, khi chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta đừng quên lời của Người đang tha thiết mời gọi chúng ta “hãy đến với Ta” (x. Mt 11,28).

Đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu để học lại bài học Người không kết tội chúng ta để chúng ta cũng không kết tội nhau. Vì : – Kết tội tự nó là điều dữ. Tội ở nơi người kết tội, chứ không phải ở nơi người bị kết tội. – Và cho dù mình và người khác đáng bị kết tội, thì nơi cuộc Thương Khó, Người đã mang hết tội lỗi của loài người vào mình rồi với lòng bao dung : “Trong Chúa Giêsu, không còn lên án nữa” (Rm 8, 1). Nên Thánh Tâm Chúa Giêsu như “dấu chỉ” mời gọi chúng ta nhớ lại lời của ông Giuse nói với các anh của mình trong sách Sáng Thế: “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 19-20).

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn nắn chúng con và các Linh Mục của Chúa, nên hiền lành và khiêm nhường như Thánh Tâm Chúa. Amen. Alleluia.

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI