Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – SUY NIỆM GIÁNG SINH: TÌNH YÊU GIÁNG THẾ

TÌNH YÊU GIÁNG THẾ

 I. “Một Hài Nhi đã chào đời để cứu chúng ta” (Is 9,5). Hài Nhi ấy chính là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, là vị Thiên Chúa hòa mình vào trong lịch sử nhân loại và cư ngụ giữa chúng ta để trở nên Đấng Cứu Thế. Giáo Hội đã trào dâng đức tin và tung hô chúc tụng rằng : “Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta” (đáp ca Lễ Đêm – x. Lc 2,11).

 II. Ngôn sứ Isaia loan báo Hài Nhi là “Chúa hùng dũng”, “Thủ Lĩnh bình an”, “Cha vạn thuở”, “Cố Vấn kỳ diệu”… thế nhưng lại chào đời trong một hang đá, được “bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7). Hài Nhi là Con Thiên Chúa đó. Con Thiên Chúa làm người sinh nơi hang súc vật, không một chút hào quang, không một chút quyền lực, chỉ là một Hài Nhi như bao hài nhi khác. Hài Nhi là Đấng siêu việt nay chịu giới hạn bởi thời gian; là Đấng Tuyệt Đối lại mang một thân xác hữu hạn. Đúng như ca dao người Việt Nam đã nói : “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

Tuy nhiên, máng cỏ kia lại là ‘dấu chỉ”, là “dấu hiệu”.  Thiên thần Chúa đã bảo các mục đồng rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một Tin Mừng đặc biệt, đó cũng là Tin Mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một Hài Nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 1, 10-12). Máng cỏ giờ đây là dấu chỉ Tình Yêu, một Tình Yêu mặc khải sự hiệp thông : Cha đã bung mở Trái Tim giàu lòng thương xót ra bằng cách ban Con Một xuống thế làm người. Con là ‘dung nhan lòng thương xót của Cha’ đã bung mở Trái Tim ra bằng cách vâng phục thánh ý Cha. Thánh Thần cũng bung mở Trái Tim ra bằng cách tác động nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.

Máng cỏ, điểm đến của Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Một Tình Yêu khiêm nhường chờ đợi và đồng cảm, khiêm nhường đồng cảm đến nỗi “Ngôi Lời đã đến nhà của Ngài, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Một Tình Yêu là Lời Toàn Năng của Thiên Chúa, nhưng vẫn âm thầm cúi xuống với con người như Sách Khôn Ngoan đã có lời: “Trong khi màn thinh lặng êm ru gói cả vạn vật và đêm nhẹ bước chạy được nửa đường, Lời Toàn Năng của Chúa đã rời ngai trời xuống thế” (18,14). Tưởng chừng như một Tình Yêu đơn phương.

Đức khiêm nhường đó, Lời toàn năng của Thiên Chúa đó, đã làm cho Vị Thiên Chúa giàu sang trở nên nghèo hèn để con người trở nên giàu có (x. 2 Cr 8,9). Sự giàu có này đưa con người ra khỏi bóng tối, mà người đời vẫn sánh ví sự nghèo hèn lầm than khổ cực như ở trong bóng tối, “đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). Vì Ngài chính là Ánh Sáng chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9).

Vào thế kỷ IV, lễ Chúa Giáng Sinh được cử hành vào thời điểm mà thiên nhiên –cách riêng mặt trời– bắt đầu lại chu kỳ của nó. Thời ấy, người ta gán sự bắt đầu của “Mặt Trời Công Chính” [“Mặt Trời Công Chính mang theo các tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3, 19); (x. Lumen Fidei, 1)]. Thời điểm Ngôi Lời Thiên Chúa giáng sinh, quen gọi là ‘Đêm Thánh”. Cuộc giáng sinh của Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Ngài đồng hành với chúng ta trên con đường chúng ta đi về với Ngài, Ngài cảm nghiệm niềm vui nỗi buồn của chúng ta, đồng cảm với cuộc sống và cái chết của chúng ta.

 

III.        Thiên Chúa đã sáng tạo con người như hình ảnh Ngài (x. St 1,26), nghĩa là cho chúng ta có lý trí, tâm tình và ý chí tự do để chúng ta có thể yêu thương và đón nhận tình thương, “con người không thể sống mà không có tình yêu thương” (Redemptor Hominis, 10). Thiên Chúa cũng dùng các “dấu chỉ, dấu hiệu” để thiết lập và hàn gắn tương quan yêu thương với con người chúng ta. Ngài đã cho con người sống trong tương quan yêu thương mật thiết với Ngài, và chỉ trong tương quan này con người mới tìm được hạnh phúc đích thực và viên mãn. Nên, “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Ngài đã từ trời xuống thế” (Kinh Tin Kính CĐ  Nicӕa Constantinopolis).

Thật vậy, Thiên Chúa đã “hóa thành xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14) là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là “Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót” (VM,1), là “Tin Mừng cho toàn dân” (x. Lc 2,10-12), là Đấng thực hiện kế hoạch “quy tụ muôn dân trong Nước vĩnh cửu của Người” (x. Is 2,1-5), để mọi người được hạnh phúc.

Bởi thế, mừng kính kỷ niệm ngày giáng sinh của “Hài Nhi Giêsu” không chỉ là đón nhận và yêu mến Vị Thiên Chúa làm người, mà còn chính là đón nhận và yêu thương con người với niềm tin ‘làm gì cho anh em là làm cho chính Chúa’ (x. Mt 25,40). Vì Hài Nhi Giêsu đã giáng sinh một cách khiêm nhường và âm thầm giữa chúng ta là để “ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Và Hài Nhi Giêsu đã đem bình an xuống trần gian, con người chỉ đón nhận được bình an đó với ‘lòng thành’, như các thiên thần đã hát lên trong đêm Hài Nhi Giêsu giáng sinh : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Glória in excélsis Deo, et in terra pax homínibus bonæ voluntátis – Lc 2,14).

            Xin Chúa Hài Nhi Giêsu là lời chúc của Đan Viện gởi đến anh chị em, để anh chị em có được Mùa Giáng Sinh an bình hạnh phúc khi anh chị em thành tâm thiện chí đồng cảm và chia sẻ cuộc sống với nhau.

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI