LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU – A
(Đnl 7,6-11; 1 Ga 4,7-16; Mt 11,25-30)
I. Khi nói về Tình Cha, người Việt diễn tả bằng một trong những câu ca dao : “Đố ai biết lúa mấy cây, / Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng, / Đố ai quét sạch lá rừng, / Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây…” Còn Jack Baxter nói : “Trên đời này có bao nhiêu chiếc lá thì bằng vậy lần người cha yêu con”. Tình Cha hải hà bao la, không thể cân đo đong đếm, nên người ta chỉ dùng ‘hình ảnh’ để sánh ví phần nào. Tình yêu của người Cha trần thế, con người còn không “cân, đo, đong, đếm’ được, phương chi Tình yêu của Cha trên trời dành cho con người. Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm về ‘mối Tình’ này.
II. BĐ I, Sách Đệ Nhị Luật ghi lại tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Do Thái. Khởi đầu, họ không phải là một dân tộc hùng mạnh, một dân dễ dạy dễ thương, nhưng Thiên Chúa đã chọn họ “làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người” (Đnl 7,6; x. Xh 19,5). Lý do Người chọn họ làm “sở hữu”, chỉ do Người “đã đem lòng quyến luyến họ, vì họ là dân nhỏ nhất trong các dân” (x. Đnl 7,7).
Thiên Chúa tôn trọng họ một cách bình đẳng, giống như cách hành xử của hai người bạn nghĩa thiết quý mến nhau (x. St 18,1-33). Người đã lập Giao Ước với ông Abraham (x. St 17,5-10), và nhắc lại Giao Ước đó với ông Môsê (x. Xh 19,3-8). Sách Đệ Nhị Luật thuật lại: Chính là vì yêu thương họ, và để giữ lời thề hứa với cha ông họ, mà Người đã ra tay uy quyền giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ (x. Đnl 7,8).
Giao ước nào cũng cần có sự trung thành. Theo quy luật con người, nếu một bên vi phạm bất cứ điều nào đã ký kết, giao ước sẽ trở nên vô hiệu. Đọc lại lịch sử của dân tộc Do Thái, Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Người đã hứa, còn phía họ lại luôn có những phản bội bất trung. Sách Đệ Nhị Luật minh chứng: “Thiên Chúa của anh em, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người” (Đnl 7,9).
Những điều này được thánh Gioan làm sáng tỏ hơn trong BĐ II. Theo thánh Gioan :
(1) Thiên Chúa sáng tạo con người “giống hình ảnh” của Người (St 1,26; 5,1-3). Con người giống Thiên Chúa nhất ở đức tính con người biết yêu thương. Thánh Gioan xác tín: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8).
(2) Cách Thiên Chúa biểu lộ Tình Yêu biểu lộ tuyệt vời nhất, là Người ban Con Một của Người đến trần gian “làm của lễ đền tội” (x. 1 Ga 4, 9-10), để chúng ta “được sống” (x. Ga 3,16), cùng được bảo tồn và phát triển tràn đầy (x. Ga 10,10).
(3) Thánh Gioan kêu gọi “nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (x. 1 Ga 4,11). Tính hỗ tương này đã được nhấn mạnh bởi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu dạy : “Như Thầy yêu mến anh em thế nào, anh em cũng phải yêu mến nhau như vậy” (Ga 13,34), “anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Nhưng vì ích kỷ, con người không thể yêu thương tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu thương con người “đến cùng” (x. Ga 13,1), không thể đáp ứng những đòi hỏi của Chúa Giêsu (x. Mt 5) là yêu thương cả kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho những người bách hại (x. ĐTC Benedicto XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est, § 10-11).
Và, nhất là, như thánh Phaolô khẳng định, tình yêu của Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của con người (x. Ep 3,14-20). Nên Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh và so sánh giữa kẻ khôn ngoan thông thái với người bé mọn, và Ngài mời gọi mọi người “hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Vì thái độ kiêu hãnh sinh nghi ngờ của kẻ khôn ngoan thông thái, sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ. Còn thái độ khiêm nhường của người đơn sơ bé mọn, sẽ giúp họ mở lòng ra đón nhận những mặc khải của Ngài để hiểu biết về tình yêu Thiên Chúa.
III. Nên, chìa khóa để khám phá ra Tình Yêu của Thiên Chúa, chính là hai đức tính hiền hậu và khiêm nhường. Một chút phản tỉnh, sẽ thấy lại mình là ai như thánh Phaolô nói : “khi anh chị em được Chúa kêu gọi, thì trong anh chị em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái” (1 Cr 1, 26). Một chút phân định, sẽ cảm nghiệm như thánh Phaolô : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Rm 5,5), và “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8,39), vì chúng ta là “những người được Thiên Chúa yêu thương”(Rm 1,7).
Nhờ phản tỉnh và phân định như thế, khi chúng ta tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta lại càng chìm ngập trong Lòng Chúa Thương Xót, được Chúa Giêsu diễn tả bằng Thánh Tâm rực lửa yêu mến của Chúa. Đó là chúng ta đáp lại điều Chúa Giêsu “muốn kêu gọi tâm trí chúng ta chiêm ngắm và tôn kính mầu nhiệm Tình Yêu Rất Thương Xót của Thiên Chúa dành cho loài người” (ĐTC Pio XII, Thông Điệp Haurietis Aquas, 1956). Điều mà năm 1678 Chúa Giêsu mặc khải cho thánh nữ Magarita Maria Alacoque (1647-1690).
Hôm nay cũng là ngày “thánh hóa các Linh Mục”. Thánh Gioan Maria Vianey nói : “Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa ban cho loài người” (x. GLHTCG, 1589). Chúng ta cầu nguyện cho các Linh Mục mãi mãi là những “Mục Tử như lòng Chúa mong muốn” (x. Gr 3,15).
Hiệp lời với ĐTC Phanxico, chúng ta cầu xin Chúa ban cho các mục tử luôn có “mùi của chiên, mùi này phải được người ta cảm nhận” (Thứ Năm Tuần Thánh 2013). Những “mục tử, đặc biệt phải có lòng thương xót, nếu các ngài không có lòng thương xót thì các ngài nên xin Giám Mục của mình về làm việc bàn giấy và đừng bao giờ bén mảng đến tòa giải tội, tôi van xin các ngài” (Nhà nguyện Marta, ngày 10-09-2015).
Và hiệp lời với Mẹ Thánh Teresa Calcutta, chúng ta cầu xin Chúa ban cho các mục tử luôn nhớ lời Mẹ Thánh mời gọi : “Hỡi Linh Mục của Thiên Chúa, xin Cha dâng Thánh Lễ này như Thánh Lễ mở tay, như Thánh Lễ sau cùng, và như Thánh Lễ duy nhất chỉ có một lần mà thôi trong đời” (lời này, được Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta viết trước bàn mặc áo lễ trong phòng thánh).