Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Đạo và Lời (Hiếu Liêm)

 

 

 

 

HUYỀN NHIỆM ĐẠO TRONG LÃO GIÁO

VÀ MẦU NHIỆM LỜI TRONG GIOAN

 Vinhsơn Liêm Nguyễn Hồng Thanh

 

Dàn Bài

* DẪN NHẬP MỞ ĐƯỜNG

 I. NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA ĐẠO VÀ LỜI

1/   Khái Niệm Về Đạo

a)  Nghĩa Nguyên Thủy Của Từ Đạo Nói Chung

b)  Lão Tử và Nguồn Cội Phương Nam Của ĐẠO

2/   Khái niệm LỜI (Logos)

a) Theo Quan Niệm Do Thái và Hy Lạp

b)  Cảm Thức Của Gioan Về LỜI

II. ĐẠO TRONG LÃO VÀ LỜI TRONG GIOAN

1/ Đạo Trong Lão

a)  Đạo Thường Vô Vi – Vô Danh

b) Trở Lại Cái Động Của Đạo

c) Tính Chất Huyền Của Đạo (Bất biến, trường tồn)

2/ Lời Trong Gioan

a) Lời Tuyệt Đối là Alpha và Omega

b) Lời Tạo Dựng

c) Lời Nhập Thể

III.   NHỊP CẦU GẶP GỠ: ĐIỂM HẸN

1/ Tính Chất Huyền của Đạo, Tuyệt Đối của Lời

2/ Luật Phản Phục của Đạo, Sự Sáng Tạo của Lời

3/ Đạo Vô Danh, Lời Tự Hạ (Kénosis)

 * THAY LỜI KẾT: Lời Hay Đạo?

  • DẪN NHẬP MỞ ĐƯỜNG

Triết lý Trung Hoa có câu: “Nơi nào không có đường, đi mãi sẽ thành đường”.

Trong Tin Mừng Chúa Giêsu cũng dạy: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa thì được mở cho” (Mt 7, 1-3).

Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, khai mở một con đường không phải là dễ. Vì người đi trước mở đường bao giờ cũng gặp phải hiểm nguy, trắc trở, gian nan cần phải đón nhận và can đảm vượt qua. Có những đại lộ trải rộng thênh thang, trơn tru bằng phẳng đưa người ta đến đích điểm của mình, nhưng cũng có những con đường gập gềnh sỏi đá dẫn người ta đi vào ngõ cụt; có những con đường đưa ta vào biển rộng mênh mông, và cũng có con đường dẫn ta về với Huyền Nhiệm bao la. Huyền nhiệm vẫn còn đó, chân lý luôn sáng tỏ, chiếu soi mọi người, nhưng lòng người lại hay sợ gian khổ và khó khăn:

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi,

Nhưng khó vì lòng người ngại núi, e sông” (Nguyễn Thái Học).

Vẫn biết rằng, làm công việc nghiên cứu, suy tư triết học hay thần học không phải là dễ. Nhất là đối với tôi, một người “đang tầm sư học đạo”, đang lần mò và tập tễnh bước đi. Hơn nữa, lại đụng đến hai Khái Niệm, hai “Huyền Nhiệm” lớn của hai nền văn hóa ở hai thời và hai nơi khác nhau: ĐẠO và LỜI có gì chung giữa hai quan niệm ấy, có sự gặp gỡ, hẹn hò gì giữa hai nền văn hoá ấy? Dẫu biết rằng, một bên là ĐẠO tự nhiên, còn bên kia là LỜI (Đạo) mặc khải; nhưng chắc chắn rằng, Đạo mặc khải không bao giờ nghịch với Đạo Tự nhiên, vì cả hai đều có chung một nguồn gốc. Tin tưởng như thế, nên tôi vững tâm đi tìm những điểm hẹn, những cuộc gặp giỡ giao thoa ấy. Dù có thiển cận, thiếu sót, vấp váp hay cả sai lầm đi nữa, tôi vẫn hy vọng rằng mình sẽ được học hỏi và chỉ dạy thêm. Hơn nữa, tôi xác tín vào Đấng “ là đường là sự thật và là chân lý” (Ga 14, 6) luôn ở phía trước tôi và mời gọi tôi dấn thân bước tới không ngừng.

Để đi sâu vào nội dung đề tài, thiết tưởng ta nên tìm hiểu qua cảm thức về ĐẠO và LỜI của hai nền văn hóa ấy.

 

 I.    NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA ĐẠO VÀ LỜI

1/ Khái Niệm Về Đạo

a) Nghĩa Nguyên Thủy Của Từ Đạo

Trong dòng tư tưởng truyền thống của triết lý Trung Hoa, Đạo là một phạm trù căn bản nhất. Ngay từ thời nhà An, nhà Chu, chữ Đạo đã tìm thấy trong Kim Văn: văn tự đúc nổi khắc trên kim loại. Trong Kinh Dịch cũng có nhiều chỗ nói về Đạo, chẳng hạn Quẻ “Tiểu Súc” có ghi: “phúc tự đạo, hà kỳ cữu cát” (quay lại đạo của mình đâu phải là điều dữ mà là điều lành).

Theo nguyên nghĩa, Đạo là con đường, phát triển thành quy luật. Như trong Thuyết Văn có ghi: “nhất đạt vị chi đạo”, nghĩa là những con đường thẳng, có chí hướng nhất định, nối liền với một điểm nhất định.

Nhưng qua dòng thời gian, với sự biến thiên của xã hội cùng với sự phát triển của tư duy và ngôn ngữ của con người, hàm nghĩa của từ Đạo dần dần được mở rộng, phong phú hơn với nhiều nghĩa bóng khác nhau:

1/ Đạo là con đường có chí hướng xác định, là đường mà người qua lại tất phải qua. Do đó, nghĩa bóng là sự vận động biến đổi của sự vật, tức là tính quy luật của vạn vật.

2/ Đạo là đường có đặc điểm luôn luôn nắn thẳng, kéo dài mãi. Mọi người cần phải đi thẳng theo con đường đó mới có thể tới đích điểm của mình, nếu không sẽ bị sai lạc. Do đó, nghĩa bóng là phương hướng, nguyên tắc mà mọi người phải tuân theo.

3/ Đạo là con đường nối liền điểm xuất phát và đích cuối cùng có cự ly nhất định. Muốn đạt mục đích, phải đi qua lộ trình đó. Do đó, nghĩa bóng là quá trình vận động và biến đổi của sự vật.

4/ Đường thì thông thoáng, không có chướng ngại, nên có nghĩa bóng là sự thông đạt mọi việc của con người trong xã hội.

5/ Đường dùng để đi, đi đường gọi là hành. Dẫn dắt người ta đi đúng đường lối thì gọi là đạo. Nên có nghĩa bóng là sự dẫn dắt đạo lý.

Đó là ý nghĩa nguyên thủy của từ Đạo, trong đó đã hàm chứa những nhân tố tiềm ẩn nhiều nghĩa bóng. Cùng với đà tiến của xã hội và nhận thức của con người, hàm nghĩa của Đạo cũng dần dần phát triển và phong phú thêm. Để rồi, từ một khái niệm của danh từ, Đạo đã phát triển thành một khái niệm triết học, hơn thế nữa trở thành một trong những phạm trù triết học quan trọng và cơ bản nhất trong nền triết lý Trung Hoa.1

b) Lão Tử và Nguồn Cội Phương Nam Của ĐẠO

* Lão Tử là người sáng lập ra Đạo gia, chính ông là người đầu tiên đã đưa Đạo lên thành một bản thể tối cao, siêu việt vượt ra ngoài những nghĩa thông thường của truyền thống. Cái hay của Lão tử là đã biến phạm trù Đạo trở thành tuyệt đối, vô vi và huyền diệu vô cùng.

Đọc Đạo Đức Kinh ta sẽ cảm thấy, cảm thức của Lão về Đạo thật sâu, thật xa, vượt mọi khả năng suy tư hiểu biết hay khái niệm của ngôn từ. Chính Ong cũng không biết diễn tả Đạo như thế nào: Đạo vốn không sinh không diệt, không tăng không giảm, nên cũng không thể gọi cũng không thể đặt tên: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo; Danh khả Danh phi thường Danh” (ĐĐK, 1). Đạo không có hình thể, nên cũng không thể nắm bắt hoặc tư ghì. Đạo là cái mà mọi vật từ đó được sinh ra; là mẹ của muôn loài muôn vật; là bản nguyên, nguồn gốc của mọi loài trong trời đất (ch.1). Tuy nhiên, Đạo cũng rất tự nhiên, gần gũi, đầy tràn trong trời đất muôn vật, như là mẹ, là nước, là con, là cái… là tứ thời bát tiết xoay vần của thiên nhiên… Bản chất của Đạo thì huyền diệu vô cùng. Công dụng của Đạo thì rất lớn, Đạo đã có từ khi trời đất, vũ trụ được hình thành và nhờ “Đạo”, do “Đạo” mà vũ trụ vạn vật mới có (ch. 21).

Cái hay của Lão không phải ở chỗ tạo ra một từ mới, Ong vẫn dùng từ cũ (Đạo) nhưng lại diễn đạt và chuyển tải một ý mới, biến Đạo trở thành bản thể tuyệt đối siêu việt, vô vi, linh động và nhiệm mầu… không thể giải thích Nó bằng ngôn ngữ được, mà chỉ có thể hiểu một cách thấp thoáng mập mờ: “Thấp thoáng mập mờ mà bên trong có hình tượng” (ch. 21). Lão Tử không xác định “Đạo” là hữu ngã hay vô ngã, là một hay là hai đối với vũ trụ vạn vật. Ông viết: “ở trên không sáng, ở dưới không tối, thâm viễn bất tuyệt, không thể gọi tên, nó lại trở về cõi vô vật. Cho nên bảo là cái hình trạng không có hình trạng, cái vật thể không có vật thể. Nó thấp thoáng, mập mờ. Đón Nó thì không thấy đầu, theo Nó thì không thấy đuôi” (ch. 14).

* Nhiều người đã cho rằng, Đạo huyền bí, vô vi này có nguồn cội từ miền đất nông nghiệp Phương Nam mà Lão Tử là người đại diện. Nơi Ong là sự tổng hợp, hội tụ, giao duyên tất cả cái tinh hoa của truyền thống tinh thần quý báu của vùng đất nông Nghiệp Phương Nam ấy.

Phương Nam là vùng đất Nam Hoa từ sông Dương Tử đổ xuống, một vùng đất phủ tràn phù sa sông Mã và sông Hồng. Đó là vùng đất xa xưa của giống dân Đông Nam Á cổ, trong đó có tộc Bách Việt sống định cư, định canh thành những thôn làng với nghề trồng lúa nước. Đây cũng là vùng đất Phương Nam mưa thuận gió hòa: đất trời, sông nước mênh mông, núi rừng, đồng ruộng, bờ tre, lũy trúc, vườn rau… quanh năm phủ một màu xanh bát ngát… Chính vì vậy mà người Phương Nam nông nghiệp trồng lúa nước thật hiếu hòa, đơn sơ vui vẻ, giản dị, êm đềm, hồn nhiên, chất phác và phóng khoáng, khề khà… Họ sống hòa mình với thiên nhiên sông nước, hòa vào trong cõi thâm sâu huyền diệu của trời đất mênh mông, thiên nhiên, trời đất, vạn vật và con người như hòa quyện vào nhau: “thiên địa vạn vật nhất thể”. Bởi đó, người Phương Nam không thích sống gò bó, cũng không ưa những thứ khuôn khổ giáo điều của lý trí minh bạch như người Phương Bắc; trái lại họ nhấn mạnh đến một thứ trực giác huyền đồng có vẻ như đầy nữ tính để cảm nghiệm những lẽ huyền vi trong thiên nhiên vũ trụ nhiệm mầu, trong từng tiết điệu nhịp nhàng của tứ thời bát tiết… Bởi lẽ, đất Phương Nam chính là vùng đất của tự do, của tình trời, tình đất và tình người, của trực giác huyền bí nông dân, của sự hòa điệu và đầy chất nữ tính chân chất mà thiết tha nồng nàn tình nghĩa…

Lão Tử chính là con người đặc biệt của vùng đất Phương Nam ấy, nơi Ong là một sự tổng hợp sâu xa và hòa điệu tất cả những tinh hoa của vùng đất Phương nam phù sa ấy, để rồi kết duyên lại trong một chữ “Đạo” huyền bí, vô vi và siêu việt. Công lao của ông là đã trình bày thành học thuyết dòng tư tưởng triết lý nông nghiệp Phương Nam, đó là: triết lý âm dương và tinh thần sống hòa nhập với tự nhiên trời mây sông nước… Ong đã tiếp nhận sức sống tâm linh thăm thẳm của nền văn hóa, văn minh nông nghiệp trồng lúa nước Phương Nam, ngược lại với Khổng Tử là người đại diện cho nền văn minh du mục Phương Bắc. Vì thế, không phải ngẫu nhiên khi mà Khổng Tử được hình dung như một ông quan Phương Bắc mũ cao áo dài, thì Lão Tử lại giống như một ông già Phương Nam chất phác, chân đất, cưỡi trâu trên đồng lúa ngút ngàn xanh thẳm2.

Thật vậy, đọc Đạo Đức Kinh của Lão Tử, ta sẽ tìm thấy bao nhiêu chất Phương Nam diệu huyền, thăm thẳm ở trong đó. Điều đó muốn nói lên rằng, khi tiếp cận với Đạo của Lão Tử, ta cũng cần phải tiếp cận một cách từ từ, lai rai với một vô thức hay trực giác Phương Nam trong đáy sâu thăm thẳm của lòng mình, thì may ra, một ngày nào đó ta mới cảm được cái Đạo vô vi huyền bí của Lão Tử mới Huyền diệu làm sao: “Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn” (ch. 1).

2/ Khái Niệm LỜI (Logos)

a) Theo Quan Niệm Do Thái và hy Lạp

–            Theo quan niệm Do Thái: Người Sêmit cổ xưa quan niệm về Lời (Dabar) khác với chúng ta ngày nay. Với óc thực tiễn, họ không thể hiểu Lời như là một phương tiện để chuyển thông tư tưởng, hoặc âm thanh; trái lại, Lời theo người Do thái là một lực hoạt động, một thực tại sống động trong suốt dòng lịch sử của họ. Ngay từ khởi thủy, Thiên Chúa dùng Lời để sáng tạo vũ trụ (x. St 1, 1-31), để thiết lập Dân Israel, và để hướng dẫn lịch sử Dân được tuyển chọn. Israel là một dân tộc đang lắng nghe Lời (x. Đnl 6, 4-8), và là Dân mà Thiên Chúa đã ngỏ Lời với (x. Đnl 4, 10-13).

Các ngôn sứ đã có một quan niệm rất rộng rãi về Lời: Lời vừa là một hoạt động giải thoát, vừa là lời hướng dẫn lịch sử, vừa là lời Giáo huấn về luân lý, vừa là lời hứa, lời giao ước của Thiên Chúa và cũng chính là Lời mặc khải của Thiên Chúa. Ngôn sứ Giêrêmia đã được Thiên Chúa đặt Lời của Người vào miệng: “để nhổ và lật đổ, để hủy diệt và để phá, để xây và để trồng” (Gr 1,10).

Trong nền văn chương Khôn Ngoan của Do Thái, Lời còn được đồng hóa, hay nhân cách hóa với Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Chẳng nhạn như trong sách Khôn Ngoan, vua Salomon đã cầu xin Thiên Chúa ban khôn ngoan cho mình (Kn 9,1-18), hay trong sách Châm Ngôn, Đức khôn ngoan tự giới thiệu những tước hiệu của mình như sau: “Thiên Chúa sinh ta trước muôn đời, mọi vật chưa có, từ muôn kiếp, trước thủy nguyên, đất chưa thụ tạo, chưa nguồn nước, chưa có vực sâu, thế mà ta vẫn có từ lâu” (Cn 8, 22-24). Tất cả những tư tưởng nói về Đức khôn ngoan trong Cn, 8, 23-36; Kn 9, 1-18; Hc 24, 1-22, đều gặp thấy trong Tin Mừng Gioan như ta sẽ thấy sau này.

Còn trong thế giới Do Thái kiều tại Alexandria, tác giả Philon (+ 40 sau CN) đã sử dụng từ Logos khoảng 1300 lần. Theo ông, Logos là trung gian giữa Thiên Chúa siêu việt và vũ trụ, là Dụng cụ của Người trong công cuộc tạo thành, là phương thế Chúa dùng để Mặc khải, Logos còn là Thượng tế là trạng sư của thế giới bên cạnh Thiên Chúa… là trưởng tử của Thiên Chúa, hình ảnh của Thiên Chúa tối cao3.

Tóm lại, Lời (Dabar) theo quan niệm của người Do thái vừa có nghĩa là Lời nói, vừa có nghĩa là một thực thể sống động, quyền năng xuất phát từ Thiên Chúa. Lời ấy được phán ra thì không thể nào trở về mà không có hiệu quả (x. Is 55, 8-11). Cũng giống như sự khôn ngoan là nguyên ủy trong công cuộc tạo thành, hiện diện khi Thiên Chúa Tạo thành vũ trụ, là ánh sáng và là sự sống cho nhân loại… vì thế, Lời trong Cựu ước cũng rất gần với Lời của Gioan rồi.

–              Đối Với Người Hy lạp

Nếu người Do Thái quan niệm Logos là một nguyên lý sống động, thực tiễn thì người Hy Lạp lại quan niệm Logos như một nguyên lý siêu hình trừu tượng.

Trong triết học Hy lạp, Logos có lẽ là một hạn từ rất khó dịch và là một từ căn bản của tinh thần triết lý Hy lạp. Theo các triết gia, nó là hình thức căn bản của sự hiểu biết, là mục đích của hành động và tư tưởng, là nẻo đường dẫn đến chân lý4

Có lẽ Héraclite (khoảng 500 trước CN) là người đầu tiên trong thế giới Hy lạp đã nói đến Logos. Theo ông, logos là thực thể vĩnh hằng ở khắp mọi nơi, nhập vào lửa và là nhân tố nguyên thủy. Con người không hiểu được logos vĩnh hằng và chỉ sống theo sự khôn ngoan riêng của mình. Phái khắc kỷ Hy lạp lại quan niệm rằng, Logos là nguyên lý thần linh nằm trong lòng vũ trụ, thực hiện sự duy nhất của vũ trụ. Logos như linh hồn của vũ trụ thấm nhập vào mọi sự. Logos ở trong con người dưới hình thức lý trí.5

Gần đây, K. Jaspers (1883-1969), một triết gia thuộc trào lưu hiện sinh cũng nói về Logos như sau: “Logos là gì, điều đó không thể dịch ra bằng một danh từ nào khác hay định nghĩa nó bằng một khái niệm được. Logos có thể có nghĩa là: lời nói, diễn từ, nội dung của diễn từ, ý nghĩa hay lý tính, chân lý hay định luật, hoặc là chính hữu thể. Không thể định nghĩa được, nhưng theo Héraclite, Logos đồng thời là tất cả các nghĩa trên”6.

Như vậy, ngay từ thời thương cổ, Logos đã được hiểu và giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau, vừa mang tính bất định vừa vô cùng khả định, nó là sự thống nhất của những đối lập; là lý tính là định luật của vũ trụ, là cái hợp lý và là sự tất yếu của tư tưởng. Logos là một nguyên lý linh động, biến dịch và biến dịch là điều cần thiết cho sự sống.

b) Cảm thức của Gioan Về Lời (Logos)

Trong Tân ước chỉ một mình Gioan sử dụng Từ Logos (Ngôi Lời) và chỉ dùng có 6 lần theo bản văn Hy Lạp (4 lần trong Lời Tựa Tin Mừng (1, 1.14), một lần trong 1Ga 1, 1 và một lần trong Khải Huyền 19, 13). Mặc dù thánh Gioan rất gần gũi với văn hóa Hy lạp, và văn chương Hy lạp đã đi vào nền văn hóa Do thái, nhưng chắc chắn, thánh Gioan không hoàn toàn sử dụng từ Logos theo triết lý Hy lạp. Logos trong Gioan là một “từ” thật đặc biệt. Không những Gioan đã tổng hợp hài hòa hai dòng tư tưởng truyền thống của Cựu Ước và triết lý Hy lạp để rồi kết tinh lại thành một khái niệm Lời của riêng mình, mà ngài còn đem tất cả cái phong phú của mặc khải đặt vào từ Logos, đưa Logos đến cực điểm siêu hình cao nhất, biến Logos thành Ngôi Lời của Thiên Chúa. Một khái niệm cao sâu, siêu việt, huyền bí vượt ra ngoài suy tư lý trí của con người…

Logos trong Gioan không còn là Logos vô bản thể, vô ngôi vị, hay phiếm thần… của nền triết lý Hy lạp nữa; Logos trong Gioan cũng không chỉ là một hữu thể nào đó giữa Thiên Chúa và thụ tạo như của Philon mà là chính Ngôi Lời Thiên Chúa, Con Một của Thiên Chúa, đã có đời đời ở nơi Thiên Chúa, xuất phát từ Thiên Chúa và kết hợp với Thiên Chúa trong mọi hành động sáng tạo và lời nói của Người, nhưng nay đã mặc lấy xác phàm ở giữa chúng ta. Nói đúng hơn, Logos trong Gioan vừa là Chúa (Ga1, 1), vừa là người: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta (1, 14). Đó chính là mầu nhiệm Lời mà Gioan muốn mặc khải cho chúng ta, và nếu không nhờ mặc khải, chúng ta sẽ không thể hiểu thấu và hiểu đúng Lời của Gioan.

Tài năng của nhà thần học thi sĩ huyền bí này là ở chỗ đã thu thập tất cả mọi truyền thống trên để rồi thích ứng vào dung mạo của Đức Giêsu. Tất cả những hình ảnh đã được nói về Lời trước đây đều trở thành hiện thực nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là: Lời sung mãn của Chúa Cha đã được Cựu Ước tiên báo, là Lời tạo thành của Thiên Chúa, là sự khôn ngoan được nhân cách hóa, là lề luật trao ban sự sống, là đường, là ánh sáng cho thế gian, là Lời mặc khải của Cha, là ân sủng, ân ban cho nhân loại và là Lời cứu độ cho thế gian…7

Tóm lại, muốn tiếp cận với Đạo của Lão và Lời trong Gioan, cần phải lơi lỏng ra cái thứ ngôn ngữ lý luận rõ ràng, khuôn nếp, giáo điều, bỏ đi cái khao khát muốn ôm ghì một mớ tri thức về Đạo hay về Lời. Trái lại, nên tiếp cận với một tâm hồn của trẻ thơ ngu ngơ dại dột, như những bác nông dân “hai lúa” hồn nhiên chất phác ngồi trên lưng trâu, dưới gốc tre làng, trên ruộng lúa xanh, giữa trời lồng lộng…. để mà chiêm ngưỡng. Nói khác đi là mở rộng hồn ra, chìm sâu vào trong huyền nhiệm bằng tâm hồn chiêm niệm yêu mến, bằng trực giác Phương Nam thăm thẳm nơi ánh mắt và điệu ru của mẹ… trong cuộn khói lam chiều, trong cánh diều cao tít, trong vũ trụ bao la, trong sự mở rộng đầy tràn của thiên nhiên xanh thẳm, bất tận đang chuyển dịch không ngừng, trong sự huyền vi diệu vợi của Đạo và Lời. Và sau đây chúng ta sẽ có dịp thực hành tinh thần chiêm niệm và trực giác Phương Nam “hai lúa” của mình để chìm sâu trong Huyền nhiệm Đạo và Lời.

 II. ĐẠO TRONG LÃO VÀ LỜI TRONG GIOAN

1/ Đạo Trong Lão

Như đã nói ở trên, Đạo trong Lão rất huyền vi, siêu việt, phong phú, lung linh, sâu thẳm vô cùng và cũng không kém phần phức tạp, chúng ta không thể hiểu hết, cũng không thể diễn tả trong một vài trang sách là đủ. Vì thế, chúng ta chỉ dừng lại một vài điểm chính yếu và quan trọng theo thiển ý cá nhân thôi.

a) Đạo Thường Vô Vi – Vô Danh

Triết lý Tây phương thường bắt đầu bằng cái “có” (to be), và coi cái “hữu” như là nền tảng của mọi suy tư hiểu biết cũng như hành động và cứu cánh của con người. Thế nhưng, Lão Tử lại lấy cái “vô danh”, vô ngã, chân không để khởi đầu học thuyết của mình. Có thể nói, triết lý của Lão Tử là triết lý “vô”: vô vi, vô ngôn, vô sắc, vô thanh, vô hình tượng. nếu nói theo nhà Phật thì là “sắc sắc không không”, cũng có thể nói là vô ngôn luận, hay tuyệt đối luận.

Đạo Theo Lão không chỉ đơn thuần với những nghĩa thông thường của truyền thống, mà còn được coi như là bản nguyên, nguồn gốc của vũ trụ, là mẹ của muôn loài, là nguyên lý trong trời đất. Đạo đó huyền diệu vô cùng, vĩnh cửu và bất biến, công dụng thì vô biên, không thể suy tư nắm bắt được. Do đó, cũng không thể gọi hay đặt tên, không thể luận bàn. Chính Lão tử cũng không biết Đạo là gì, như Ong đã thú nhận điều đó ngay từ đầu Sách: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh. Vô Danh thiên địa chi thủy, Hữu Danh vạn vật chi mẫu” (ch. 1).

Thông thường, khi muốn bàn luận vấn đề gì, ta phải biết rõ về nó hay ít ra cũng biết mặt hoặc đặt tên; thế nhưng ở đây Đạo lại vô danh, không tên gọi, cũng chẳng có hình thể. Trời có tên trời, đất có tên đất, sông núi và mọi vật trên đời đều có tên để phân biệt, con người cũng có danh để gọi, riêng Đạo lại hư vô, không danh tướng, nhưng lại là cái mà mọi vật hữu danh từ đó mà sinh ra : “Vật trong thiên hạ từ có mà sinh ra; có lại từ không mà sinh ra” (ch 40). Ngay cả khi ta gọi nó là Đạo thì đó cũng không phải là cái danh như con chó, con mèo hay cỏ cây hoa lá. Nói đúng hơn, Đao không có những thuộc tính để xác định hay đặt tên. Do đó, cái Danh như vậy không phải là Danh thường (ch. 1). Tuy nhiên, Đạo vẫn có đó, từ xưa đến nay tên nó không mất… nhưng ta không biết được trạng thái của nó (ch. 21). Đạo có đó, nhưng lại mất hút hư vô, vượt trên mọi danh tướng, hình thù, cũng có nghĩa là siêu việt, không ai có thể nắm bắt hoặc tư ghì, nên mới: “tạm gọi nó là Đạo và gượng gọi là Lớn” (ch. 25).

Đạo vô vi, vô danh không phải là không có, nhưng là có không giới hạn, không đồng hóa với bất cứ cái gì, vượt lên trên tất cả không gian, thời gian, trên mọi khái niệm thấy biết của con người. Đạo có đó, nhưng không phải là hữu, cũng chẳng phải là vô, giống như chân trời vô định, xa tít tắp, càng tiến tới thì nó lại càng lùi xa, càng muốn lại gần thì nó càng cách xa thăm thẳm… không thể chiếm hữu được, chỉ có thể cảm bằng trực giác chứ không thể diễn tả bằng lời. Giống như cái khoảng không giữa trời đất, như cái “ống bễ” của thợ rèn, tuy trống không mà vô tận, “càng chuyển động, hơi lại càng ra” (ch. 5), tuy trống không nhưng đổ mãi không đầy, dùng hoài không hết, lấy mãi không vơi, linh hoạt vô cùng.

Chính vì vậy mà ta hiểu tại sao Lão Tử lại nói rất nhiều về Đạo, gần bảy chục lần, rải khắp các chương (81 chương) trong Đạo Đức Kinh, nhưng lại không xác định nó là gì cả, chỉ có thể nói khi thì thế này, khi thì thế nọ, nhưng cũng chẳng phải là thế đó… Có lẽ, Lão Tử cảm tới đâu viết tới đó, nên không viết theo một hệ thống hay logique nào cả. Có lúc Ong đưa ta đến gần tới Đạo, nhưng lúc khác ta lại có cảm giác như lùi xa, mù mịt… Vì không thể gọi cũng không thể đặt tên, nên Lão Tử đã phải dùng nhiều kiểu nói khác nhau để diễn tả như: “Đạo khả Đạo phi thường đạo, Danh khả Danh phi thường Danh” (ch. 1); ở chương 32 Ong nói “Đạo vĩnh viễn không có tên, chất phác, tuy ẩn vi mà thiên hạ không ai coi thường nó được”. Ơ nơi khác ông lại nói: “Đạo thường vô vi, nhi vô bất vi”, hay :“đại tượng vô hình, đạo ẩn vô danh” (ch. 41). Ở chỗ khác thì ông lại bảo: Đạo vô sắc, vô thanh, vô hình, không thể giảng giải được, nhưng nó đầy khắp vũ trụ: “Nó thấp thoáng, mập mờ. Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi” (ch. 21), nên: “ta không biết được nó là con ai; có lẽ có trước thượng đế” (ch. 4). Thế nên: càng nói nhiều về Đạo lại càng khốn cùng, chi bằng giữ sự hư tĩnh (ch. 5).

Tóm lại, Đạo vô vi vượt lên trên tất cả, không là hữu, cũng chẳng là vô. Đạo là tất cả, nhưng cũng không là gì cả. Là hữu là vô, là cỏ cây hoa lá, là cha là mẹ, là thiên nhiên vạn vật, là đồng ruộng núi rừng, là nắng là mưa, là sương là gió, là cát bụi, là nước nổi mây trôi… là ẩn là hiện, là mập mờ thấp thoáng… nhưng rồi cuối cùng cũng không là gì cả, vô vi, huyền diệu, chuyển dịch vô cùng, đó chính là tính chất Huyền của Đạo mà ta sẽ tìm hiểu sau đây.

   b) Tính Chất Huyền của Đạo (bất biến, trường tồn)

Khi diễn tả về Đạo, ngoài chữ “Thường” (thường hằng bất biến) ra, Lão Tử còn dùng chữ “Đại” (ch. 43) để chỉ về bản thể của Đạo. Nhưng thực ra, Đạo không có hình tượng, không giống chi cả, mênh mông, huyền nhiệm vô cùng, vượt lên trên tất cả: “Nhìn không thấy gọi là Di, nghe không thấy gọi là Hi, nắm không được gọi là Vi. Ba cái đó truy đến cùng cũng không biết được gì, chỉ thấy trộn lộn làm một mà thôi. Ơ trên không sáng, ở dưới không tối, thâm viễn bất tuyệt, không thể gọi tên, nó lại trở về cõi vô vật, cho nên bảo là cái trạng không có hình trạng, cái tượng không có vật thể” (ch. 14). Đạo thật bao la, thăm thẳm, thâm viễn, tối tăm, mập mờ thấp thoáng: “Nó thâm viễn, tối tăm mà bên trong có cái tinh túy” (ch. 21).

Những kiểu nói trên đây, cho ta cái cảm tưởng Đạo là cái gì đó âm u, hỗn độn, mịt mờ, thực thực, hư hư, huyền nhiệm lạ lùng không thể hiểu được. Bảo là có cũng không được, bảo là không cũng không xong, không phải là tối cũng không phải là sáng, chỉ có thể nói là “mập mờ thấp thoáng” (ch. 21), tựa như có, lại tựa như không, ở giữa có và không, giữa sáng và tối, giữa cái khoảng không bao la vời vợi của trời đất, đó chính là cái huyền bí, hư không: “Thi vị Huyền tẫn, Huyền tẫn chi môn” của Đạo (ch. 6).

“Huyền”, nghĩa gốc là đen tối, nghĩa bóng là cái gì huyền vi sâu kín. Đen tối nên không còn phân biệt được đâu là có đâu là không, đâu là sáng đâu là tối, nó đạt đến chỗ “huyền đồng”, “như nhất”, hòa hợp làm một “tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” (ch. 4), không còn sự khác nhau, không phân biệt nữa, chỉ là một chữ “Huyền” duy nhất. Đã “huyền” rồi lại thêm “huyền”, đó chính là chỗ ảo diệu vô cùng của vạn vật trong vũ trụ, đó mới chính thật là Đạo.

Tính chất Huyền của Đạo là ở chỗ, nó độc lập tuyệt đối, vượt trên mọi hình tướng, có trước muôn loài muôn vật, không có đồng loại, “thấp thoáng mập mờ”, vừa ở chỗ này, vừa ở chỗ khác đi khắp không ngừng, lan tràn hết: “Nhìn không đủ thấy, lắng không đủ nghe, dùng nó không hết” (ch. 35). Con người không thể nắm bắt, hay đụng chạm đến được, vì Nó vượt lên trên mọi hình thể, “sắc sắc không không”, có truy cứu đến cùng cũng không thể hiểu thấu. Nó tồn tại một cách linh động, siêu cảm giác: “ Ở trên không sáng, ở dưới không tối, thâm viễn bất tuyệt, không thể gọi tên, nó lại trở về cõi vô vật” (ch. 14).

Đạo thật huyền bí, giống như một vật gì đó còn e ấp, kín đáo, chìm khuất trong cái u hoài xa thẳm, mênh mông, hỗn độn, nhưng bên trong lại chứa đựng cái tinh hoa, hoàn mỹ, thiện toàn. Đạo mờ mờ, ảo ảo như sóng biển nhấp nhô, như chân trời vô tận, biến hóa khôn lường, lúc ẩn lúc hiện, di chuyển rộng khắp, lại không có hình dáng gì rõ rệt, khiến ta có cảm giác như là không có. Nhưng sự tồn tại của Đạo là xác thực, vĩnh hằng, trường cửu, bất biến: “từ xưa đến nay, Đạo tồn tại hoài, nó sáng tạo vạn vật” (ch. 21). Cứ nhìn xem cái dụng của Đạo trong trời đất ta biết chắc là có Đạo, đó chính là cái Huyền của Đạo.

Tính chất Huyền vi, tuyệt đối của Đạo còn ở chỗ, Đạo là một thể thống nhất giữa có và không, giữa sáng và tối, giữa âm và dương, giữa những cái mâu thuẫn và đối lập… Có và không cùng xuất hiện, nhưng lại khác tên gọi: cái Không, là khởi thủy của trời đất; cái Có, là mẹ muôn vật. Tuy khác nhau nhưng cùng một nguồn gốc và đeo dính lấy nhau, hợp thành một khối không thể tách rời và cả hai đều huyền diệu: “thử lưỡng giả đồng, xuất nhi dị danh. Đồng vị chi Huyền.” (ch. 1). Có và không, âm và dương cùng “đồng” thời với nhau (thử lưỡng giả đồng), không cái nào trước cái nào, cả hai cùng là điều kiện của nhau, hễ có cái này là có cái kia và ngược lại. Đó là sự tồn tại u uẩn, thực thực hư hư của Đạo: “thi vị huyền tẫn, huyền tẫn chi môn” (ch. 6). Đạo huyền diệu lung linh vô cùng, là mẹ của nhiệm mầu, là cửa của huyền bí, là chỗ ra vào biến hóa của vạn vật, khiến cho Đạo đã Huyền lại càng thêm Huyền hoặc: “huyền chi hựu huyền”. Đây là điểm then chốt của cái học Huyền Đồng mà sau này Trang Tử sẽ khải diễn rộng ra trong thiên Tề Vật Luận.

Cái Huyền của Đạo còn được thể hiện trong “luật phản phục”, Lão Tử gọi là “trở lại cái động của đạo” mà ta sẽ bàn đến sau đây.

c) Trở Lại Cái Động Của Đạo – Luật Phản Phục

Một trong những định luật căn bản chi phối sự thay đổi vận hành của trời đất muôn vật là “luật phản phục” mà Lão Tử gọi là: “Trở lại cái động của đạo” (Luật vận hành của Đạo là trở về gốc) (ch. 40). Trong chương 25 Lão Tử cũng nói, vật “càng đi xa thì càng trở lại”. Nghĩa là, một vật khi đã phát triển đến cực điểm rồi thì sẽ quay trở lại để tạo thành những tính chất tương phản: “vật cùng tắc biến, vật biến tắc phản”. Đạo không chỉ là bản nguyên, nguồn gốc của vạn vật, mà còn là quy luật sinh thành, biến hóa của sự vật. Vạn vật luôn luôn ở trạng thái biến động, sự vận động ấy luôn tuân theo những quy luật tất yếu của Đạo, đó là tự nhiên nhưng nghiêm ngặt, không sự vật nào ở ngoài quy luật đó, kể cả trời đất lẫn quỷ thần: “người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên” (ch. 25).

Vạn vật do Đạo mà sinh ra, do Đức mà lớn lên. Đức là thể hiện của Đạo. Đức nuôi dưỡng vạn vật (ch. 51). Tuy nhiên sự trưởng thành đó cũng phải theo luật phản phục, tức là trở về với Đao: “Đức huyền diệu sâu thẳm vô cùng, cùng với vạn vật trở về gốc, rồi sau mới đạt được sự thuận tự nhiên” (ch. 65). Vì thế, nhìn “xem vạn vật sinh trưởng ta biết được quy luật phản phục” (ch. 16). Vạn vật dù thiên hình, vạn trạng, cũng chỉ là sự biểu hiện khác nhau của một cái duy nhất là Đạo.

Theo Lão Tử, toàn thể vũ trụ tạo thành bị chi phối bởi hai luật căn bản là luật quân bình và luật phản phục. Luật quân bình luôn giữ cho sự vận động được thăng bằng theo trật tự điều hòa của tự nhiên, không thái quá cũng không bất cập, như Lão Tử nói: “Cái gì khuyết thì lại toàn; cái gì cong thì lại ngay; cái gì sâu thì lại đầy, cái gì cũ thì lại mới, ít thì lại được, nhiều thì lại mê” (ch. 25). Còn luật phản phục giúp cho vạn vật, chuyển dịch, biến hóa nối tiếp nhau theo một vòng tuần hoàn đều đặn, nhịp nhàng, liên thu, bất tận cũng giống như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông luân chuyển không ngừng, như một người tình chung thủy, cứ đến hẹn lại về. Thật nhịp nhàng, ra đi rồi lại trở về nguồn cội: “Vạn vật cùng đều sinh ra; ta lại thấy nó trở về gốc, ôi! mọi vật trùng trùng, đều trở về cội rễ của nó” (ch. 16).

Đạo sinh ra vạn vật, nhưng đồng thời cũng tồn tại trong trời đất muôn loài, đó là tính năng động, nhập thể, biến hóa không ngừng của Đạo. Vì thế, Đạo vừa duy nhất vừa thiên hình vạn trạng, vừa bất biến, vừa chuyển dịch không ngừng. Sự vận động ngược chiều này của Đạo được thể hiện ra qua hai hình thái:

Một là sự tuần hoàn lập đi lập lại không ngừng, Đạo cũng như toàn thể tạo thành do Đạo sinh ra đều vận động tuần hoàn lập đi lập lại. Bản thân của Đạo cũng luôn luôn một đi một về, ra đi rồi lại trở về theo vòng tròn bất tận. Vạn vật cũng thế, luôn thể hiện sự vận động ngược chiều của Đạo. Từ Đạo mà sinh ra, trưởng thành, lớn lên đến cực điểm rồi lại quay trở về hư vô, tức là trở về với Đạo:“Phản giả đạo chi động; nhược giả đạo chi dụng. Thiên địa vật sanh ư hữu; hữu sanh ư vô” (ch. 40). Hai là chuyển hóa lẫn nhau, bất cứ vật nào cũng đều là một thể thống nhất giữa hai mặt đối lập, xung khắc nhưng lại dựa vào nhau, bao hàm lẫn nhau như hữu và vô, như âm với dương: “vạn vật cõng âm và ôm dương” (ch. 42). Mặc dù đối nghịch nhau nhưng lại thu hút nhau, kết hiệp với nhau để sinh thành và chuyển hóa lẫn nhau không thể tách rời, giống như hai cực của cục nam châm vậy: “Có với không cùng sanh, Khó và Dễ cùng thành, Cao và thấp cùng chiều, giọng và tiếng cùng họa, Trước và Sau cùng theo” (ch. 2). Nhờ sự chuyển hóa kết hợp hài hòa với nhau như vậy mà vạn vật được sinh tồn và phát triển.

Vì thế, đối với Đạo, mọi vật đều ngang nhau, không phân biệt, tốt xấu, ngắn dài, cao thấp, có không, thiện ác, tối sáng… Vì: “họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ nấp của họa, ai biết được cứu cánh ra sao? Họa phúc không có gì nhất định, chính có thể biến thành tà, thiện có thể trở thành ác” (ch. 58). Tất cả đều tùy thời mà biến hóa, từ không mà sinh ra, lúc đầu còn nhỏ yếu và còn thiếu “bất túc”, sau mới trưởng thành, lớn lên và sung mãn hơn “hữu dư”. Nhưng khi đã phát triển đến cực điểm rồi thì lại nhỏ dần, yếu đi và lại trở về với hư không, tức là về với Đạo, để rồi lại bắt đầu một chu kỳ vận hành mới. Ơ đây, ta gặp lại tư tưởng trong Kinh Thánh: ‘từ bụi đất con người sẽ trở về bụi đất” (St 3, 19), đó cũng chính là cảm nghiệm của ông Gióp: “sinh ra trần truồng từ lòng mẹ, tôi trở về trong lòng mẹ cũng trần truồng” (Go 1, 21). Sự vận động ngược chiều của đạo cũng chính là quy luật của tự nhiên: trời đất bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu; cao thì hạ xuống, thấp thì đưa lên; dài thì bớt đi, ngắn thì thêm vào: “Thiên chi đạo tồn hữu dư nhi bỉ bất túc” (ch. 77). Đó là quy luật tuần hoàn trong trời đất, hết đêm rồi lại ngày, hết nắng rồi lại mưa, sanh rồi lại tử… nói khôi hài theo tục ngữ Việt Nam là: “lên voi xuống chó không ngừng”.

Tóm lại, tính vô vi, huyền nhiệm và sự vận động ngược chiều của Đạo đi ngược lại truyền thống của người đương thời, lật ngược các giá trị đạo đức, luân lý của Nho gia, vì thế khó được người đời chấp nhận. Lão Tử cũng đã cảm nghiệm trước điều đó khi viết: “Lời của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, thế mà thiên hạ không hay hiểu, không hay làm” (ch.70).

2/ Lời Trong Gioan (Ga 1, 1-18)

Mới đọc qua Lời Tựa Tin Mừng Gioan, ta có cảm tưởng như đụng phải một thứ ngôn ngữ xa lạ, huyền bí, khó hiểu. Chính Origène, nhà chú giải thời danh cũng đã thú nhận như sau: ‘không ai có thể hiểu được ý nghĩa của Tin Mừng Gioan nếu đã không tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu, và đã không nhận Đức Maria làm Mẹ từ nơi Ngài”. Điều đó nói lên rằng, bất cứ ai muốn tiếp cận với Lời, trước hết người đó phải là môn đệ của Đức Giêsu, được Đức Giêsu yêu mến, đồng thời cũng yêu mến Ngài và đón nhận Lời Ngài. Vì thế, khi tiếp cận với Ngôi Lời Nhập thể, thiết tưởng ta không nên truy nguyên về ngôn ngữ nhiều, vì ngôn ngữ thì chật hẹp mà Mầu Nhiệm thì lại rộng lớn mênh mông và phong phú vô cùng, nếu cứ loay hoay trong ngôn ngữ, chúng ta sẽ không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của khái niệm và ngôn từ. Trái lại, nên có thái độ dè dặt khiêm tốn; nói đúng hơn là mở rộng hồn ra để đón nhận Huyền Nhiệm bằng tinh thần chiêm niệm và yêu mến như Gioan, nhất là để cho Thần khí Chúa dẫn đưa chúng ta chìm sâu vào trong Huyền Nhiệm của Ngôi Lời. Do đó, ở đây không có cao vọng đi vào chú giải bản văn, đó là việc làm quá chuyên môn, bản thân không đủ khả năng thực hiện điều đó, nhưng chỉ muốn gợi lên một vài điểm thần học mà Gioan muốn mặc khải cho chúng ta, để từ đó tìm ra một vài nối kết, giao lưu giữa Đạo và Lời, như ta sẽ đề cập đến ở phần sau.

a) Lời Tuyệt đối là Alpha và Omega

Qua Lời Tựa này (nhiều tác giả gọi là Thánh Ca dẫn nhập, vì được viết theo lối thi ca), thánh Gioan mặc khải cho chúng ta biết nguồn gốc mầu nhiệm của Đức Giêsu. Ngài chính là Ngôi Lời đã có từ trước muôn đời, hiện hữu trước muôn loài muôn vật, Ngài tự hữu, hằng hữu, là Alpha và Omêga, khởi thủy và cùng đích của mọi loài. Gioan đã trở ngược lên đến tận lúc khởi đầu, cái khởi đầu bày tỏ mầu nhiệm về con người Đức Giêsu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Từ nơi vĩnh cửu, Ngôi Lời đã đi vào thời gian, khi “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Ga 1, 1.14).

Như vậy, thánh Gioan đã khởi đầu Tin Mừng của mình từ “đỉnh cao”, từ thượng nguồn, từ nơi ở của Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu”, nghĩa là trước khi tất cả mọi sự được bắt đầu, tại nguồn mà chỉ có thể nói là nguồn, như một mạch suối tuôn trào: ”vẫn có Ngôi Lời”. Chữ “Vẫn” (đã) ở đây gợi cho ta ý tưởng là ngôi Lời đã có và đã hằng hữu tự thủa nào rồi, và “Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa”, hơn thế nữa, “Ngôi Lời” chính “là Thiên Chúa”. Đó là những lời nóng bỏng làm cháy bừng con tim chúng ta và mời gọi mỗi người hãy phủ phục xuống mà thờ lạy, chiêm ngưỡng như ông Môsê trước bụi gai bốc cháy     (Xh 3, 1-3). Chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng, lắng nghe để cho các lời ấy vang vọng trong tâm lòng chúng ta mãi mãi, để rồi như Gioan mở rộng tâm hồn ra mà đón nhận và để cho chính ánh sáng mặc khải của Ngôi Lời soi sáng đôi mắt tâm hồn chúng ta8 .

“Lúc khởi đầu”, ngay câu mở đầu, tác giả đã ca ngơi sự vĩnh hằng của Ngôi Lời bằng việc gợi lại trình thuật Sáng Tạo. Sách Sáng Thế cũng mở đầu bằng câu: “Lúc khởi đầu”, đây là sự trùng lập có dụng ý của Gioan. Trong công trình Sáng Tạo, Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất muôn vật bằng Lời quyền năng của Ngài, thì hôm nay, Lời vĩnh cửu ấy đã nhập thể làm người, sống giữa loài người. Ngôi Lời không thuộc lãnh vực thụ tạo, nên cũng không phải được dựng nên; trái lại, trước khi tạo vật được dựng nên, Ngôi Lời đã hiện hữu, hằng hữu, tự hữu trường cửu tự đời đời, ngoài thời gian, vượt không gian và thời gian.

Nếu Mathêu đã mở đầu Tin Mừng của mình bằng việc truy nguyên Gia phả nhân loại của Đức Giê su lên đến Abraham, và Luca cũng truy nguyên gia phả Đức Giêsu lên tới tận Adam, thì Gioan lại muốn tuyên xưng gia phả thần linh của Đức Giêsu. Ong muốn nhấn mạnh rằng, trước khi Đức Giêsu ngôi Lời của Thiên Chúa mang gia phả nhân loại, thì Ngài đã là Ngôi Lời và là Thiên Chúa từ muôn thủa, là Alpha và Omega, đầu hết và cuối hết. Qua đó Gioan cũng nhấn mạnh thêm rằng, Ngôi Lời là tiếng nói cuối cùng của Thiên chúa và là sự biểu thị, mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa, vì Ngôi Lời là Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa Vô hình.

“Đã có ngôi Lời”, ở đây Gioan đã dùng thì quá khứ vị hoàn (đã) để cố ý nói rằng, Ngôi Lời đã hiện hữu từ đời đời trong cõi vĩnh hằng, một sự hiện hữu kéo dài vô tận, không bị giới hạn trong thời gian, không có khởi đầu, không có kết thúc. Sự hiện hữu vĩnh cửu của Ngôi Lời còn được xác định rõ ràng hơn khi Gioan lấy lại kiểu nói: “Ta là Đấng Hằng Hữu” trong Xuất hành 3, 13-14 để đặt vào miệng Đức Giêsu trong cuộc đối thoại với người Do Thái: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu” (8, 28), ở chỗ khác Đức Giêsu còn khẳng định mạnh mẽ hơn: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (8, 58). Đó chính là những lời xác quyết minh bạch về sự tiền hữu của Đức giêsu.

“Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa”, tức là hướng về Chúa Cha, ở trong Chúa Cha. Ơ đây, Gioan đã mặc khải cho ta mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Gioan phân biệt Chúa Cha, Chúa Con (Ngôi Lời) là hai Ngôi khác nhau nhưng Ngôi Lời luôn hướng về Chúa Cha, ở gần Cha, và ở trong Cha, hiện diện một cách mật thiết như hai người yêu luôn hướng về nhau. Tư tưởng này còn được Gioan lập lại nhiều lần qua kiểu nói “Thầy ở trong Chúa Cha, Chúa Cha ở trong Thầy” (14, 10), hay “Thầy và Cha là một”, “ai thấy Thầy là thấy Cha” (14, 9). Như vậy, Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa cũng chính là Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa, đã có từ trước muôn đời cùng với Thiên Chúa, đã sáng tạo ra muôn loài muôn vật.

b) Lời Tạo Dựng

Sau khi nói về sự hiện hữu thường hằng bất biến và về mối tương quan của Ngôi Lời với Chúa Cha, tác giả nói đến vai trò sáng tạo của ngôi Lời, đó cũng chính là mối tương quan của Ngôi Lời với tạo vật:

“Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành”. Ngôi Lời đã có từ trước muôn đời, trước khi có thời gian, còn vạn vật được sáng tạo trong thời gian, chính nhờ Ngôi Lời mà vũ trụ vạn vật được tạo thành. Như vậy, Ngôi Lời được đặt ở đây như là Đấng Trung Gian, nhưng cũng là Chúa tể của công trình sáng tạo, bởi vì mọi sự nhờ Người mà có. Nếu trong Cựu Ước Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ vạn vật nhờ Lời quyền năng (x. St 1, 3; Tv 33, 6-9; Is 40, 26; 48,3), và nhờ đức khôn ngoan của Người (Cn 8, 27-31), thì ở đây, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ nhờ Ngôi Lời. Ngài sáng tạo vạn vật từ hư vô, từ không mà ra có. Một sự sáng tạo tuyệt đối, chứ không phải theo nghĩa thông thường như kiểu con người chế tạo từ cái này ra cái kia, cũng không phải như ta nói một người nào đó có óc sáng tạo. Gioan còn sử dụng hình thức phủ định từ để nhấn mạnh hành động sáng tạo của Ngôi Lời, nếu: “không có Người thì chẳng có gì được tạo thành”. Không những tạo dựng nên sự vật mà Ngôi Lời còn là sự sống cho vạn vật, là ánh sáng cho thế gian: ‘điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống”, nghĩa là tất cả mọi sự được dựng nên, được hiện hữu trên đời đều đến lãnh nhận sự sống ở nơi Người. Đó là sự sống, là ánh sáng vĩnh cửu cho nhân loại mà ông Gioan đã thấy, đã phát hiện ra và đã làm chứng để mọi người nhờ ông mà tin (1, 6-7).

Ngôi Lời đã tự bộc lộ, tự diễn tả mình ra bằng hoạt động tạo dựng của mình, “xem quả thì biết cây”, nhìn công trình tạo dựng, biết Đấng Tạo hóa. Không một thực tại nào trong trần gian này bị loại ra khỏi hoạt động sáng tạo của Ngôi lời, mầu nhiệm của Ngôi Lời không cạn kiệt đi trong quan hệ với Cha và tạo vật. Chính nhờ Ngôi Lời mà Chúa Cha đã gọi thế giới ra khỏi hư vô, về nơi hiện hữu đầy tràn yêu thương. Đây là sự sáng tạo trong tương quan gần gũi, yêu thương chứ không phải là một sự sáng chế lạnh lùng vô danh của thời Cựu Ước. Đây cũng chính là sự phong phú trong công trình sáng Tạo, chính trong trọng tâm mầu nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa mà công cuộc tạo dựng được bắt nguồn, một công trình “tình yêu” Thiên Chúa dành cho tạo vật, đặc biệt là con người. Chính Ngôi Lời là tình yêu của Thiên Chúa đã đến tái tạo lại thế gian để rồi quy hướng chúng ta về với tình yêu Thiên Chúa, như chính Người luôn hướng về Thiên Chúa. Toàn thể vũ trụ là một công trình chan hòa tình yêu và sự sống của ngôi Lời, được bao trùm bằng ánh sáng của ngôi Lời mà bóng tối không bao giờ triệt hạ được (1, 4-5). Nhờ đó, vũ trụ tạo thành và lịch sử nhân loại mới trở nên đối tượng để chiêm ngưỡng, và cũng chính nhờ chiêm ngưỡng công trình tạo dựng mà ta có thể nhận ra hoạt động sáng tạo và sự hiện diện của Ngôi Lời9.

Bởi vì, Ngôi Lời đã Nhập thể làm người, chia sẻ kiếp người, sống như mọi người chúng ta. Ngôi Lời vừa là Đấng Tạo Hóa quyền năng, vừa là tạo vật hữu hạn; vừa là Chúa nhưng cũng là người. Đó chính là mầu nhiệm vượt khỏi lý trí con người, là một thách đố cho sự khôn ngoan và triết lý của nhân loại.

c) Lời Nhập Thể

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (1, 14). Đây là một câu tổng hợp có một không hai đầy nhựa Kinh Thánh, Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể đã tóm lược và hoàn thành tất cả tiến triển lịch sử mặc khải thần linh trong Cựu Ước. Chỉ một vài hàng, Gioan đã tóm tắt cuộc phiêu lưu của Ngôi Lời trong tư cách là một con người: “Ngôi Lời đã làm người”. Từ nơi Thiên Chúa, Ngôi Lời đã du hành đến với con người, trở thành người phàm trong kiếp phàm nhân, đó là điều không thể tin được, nhưng đó lại là sự thật hiển nhiên. Chính Đức Giêsu đã nhiều lần khẳng định lại điều đó khi nói rằng: Ngài từ Cha mà đến, tất cả những gì làm nên bản thân Ngài cũng như những gì Ngài làm đều do Cha Ngài ban cho, Ngài nói những lời nhận được từ Cha, bởi vì, Ngài và Cha là một               (x. 12, 44-45.49; 14,10). Chính trong con người Giêsu, Ngôi lời Nhập thể, Thiên Chúa đã dính líu với con ngươi, liên lụy với con người, “cắm lều” ở giữa chúng ta và đã đánh liều với cả những khước từ của chúng ta: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp” (1, 11).

Ngôi Lời cư ngụ giữa loài người không phải là chuyện giả bộ hay bịa đặt, cũng không giống như chuyện tiên giáng trần hay bụt hóa thân… Ngôi Lời đã làm người thật sự, đó là một sự thật hiển nhiên, dù phi lý. Vì từ sau câu 14, từ ngữ Ngôi Lời (Logos) biến mất khỏi Tin Mừng Gioan, chỉ còn lại con người Giêsu làng Nazareth, và Gioan luôn thích thú khi nhấn mạnh đến nhân tính của Người trong suốt Tin Mừng của mình: “Họ đã đến chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy” (1, 39), “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (2, 5), hãy đến mà xem “có một người” đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm     (4, 29), xưa nay chưa từng có người nào nói năng như người này (7, 46)…10.

Trong Kinh Thánh “Sarx” là thịt, thịt không phải chỉ có xác mà còn chỉ cả hồn nữa, tức là toàn thể con người. Con người chưa hẳn là xấu, nhưng là vật mỏng dòn yếu đuối và hay chết. Ngôi Lời đã đến làm người trong thân phận yếu đuối mong manh ấy, Người đã vượt qua một khoảng cách vô biên giữa thần khí và xác thịt để kết hợp làm một trong thân phận người của con người Giêsu. Tuy nhiên, Ngôi Lời làm người, không có nghĩa là Ngôi Lời không còn là Thiên Chúa nữa, Ngài vẫn là Thiên Chúa sau khi Nhập thể trong thân xác con người, để rồi: ai tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt, người ấy thuộc về Thiên Chúa (x. 1Ga 4, 2)11.

“Và Người đã ở giữa chúng ta”. Câu này gợi lên cả một lịch sử giáo lý, nếu Israel là một dân tộc lắng nghe Lời, thì Thiên Chúa của Israel là một Thiên Chúa hiện diện ở (cắm lều) giữa dân Người (Xh 25, 8; 29, 42-46; Lv 26, 11; IS 35,32). Ơ đây, thánh Gioan đã gợi lại sự kiện xưa kia trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê làm cho Ngài một cái Lều để Ngài đến ngự đến với mây trời và vinh quang trên đường đi từ Ai-cập đến Đất hứa. Vì Ngài đã hứa cùng Môsê là sẽ cùng với dân đi về Đất hứa, sự hiện diện của Ngài trong Lều sẽ là bằng chứng cho lời hứa ấy (x. Xh 33, 6-11; 40, 34). Chữ “ở” hay “cắm lều” mà Gioan dùng vừa gợi nhắc đến “nhà ở” (Trướng Tao Phùng) của Thiên Chúa trong Lều của người Do thái, vừa gợi nhớ đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong đền thờ Giêrusalem (1V 8, 10-13), cũng như sự hiện diện của Người trong lề luật của Môsê dưới hình thức của sự khôn ngoan (Hc 24, 8-12; Br 36, 44). Nhưng khi Ngôi Lời Nhập Thể thì sự hiện diện hình bóng xưa kia trong Cựu Ước mà lịch sử chờ mong, bây giờ được thực hiện tròn đầy viên mãn nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Giờ đây, Thiên Chúa hiện diện gần gũi, thân tình giữa dân Người, Người hiện diện bằng chính bản thân và một cách hữu hình chứ không phải là hình bóng vô hình xưa kia12.

Như vậy, sau thời gian chờ đợi lâu dài, cuối cùng niềm hy vọng đã được lấp đầy. Đấng Tạo hóa muôn dân mong đợi đã đích thân đến ở nơi tạo vật, Đấng là ánh sáng đã chiếu tỏa vinh quang giữa dân Người, Đấng mà con người không thể xem thấy mà vẫn sống (Xh 33, 20) thì nay đã đến ở giữa loài người, để từ nay con người có thể thấy Người, nghe tiếng Người, ở bên Người và ở trong Người mà không phải run sợ như dân Do Thái xưa kia dưới chân núi Xinai (x. Xh 19, 16-25). Từ nay, nơi ánh mắt Đức Giêsu con người có thể nhận ra sự quan tâm và tình thương của Thiên Chúa, từ nơi miệng Đức Giêsu, họ sẽ nhận được ơn tha thứ và chữa lành, từ đôi bàn tay Đức Giêsu con người sẽ nhận được biết bao ân huệ tốt lành của Thiên Chúa, và nhất là từ nơi con người Giêsu con người sẽ được nhận biết Thiên Chúa, vì Ngài chính là Lời mặc khải cuối cùng và trọn vẹn nhất của Cha: “ai xem thấy Người là thấy Chúa Cha” (14, 9)13.

Tóm lại, qua mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Chúa Giêsu đã trở nên Bí tích tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Trong Người, tình yêu của Thiên Chúa đã tỏ hiện trong chiều kích lịch sử, và trở nên hữu hình, vì Người chính là Tình Yêu nhập thể. Trong Người chúng ta sẽ cảm nghiệm được thế nào là tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Bởi vì, Đức Giêsu đã đi vào lịch sử của nhân loại, đã tác động và ghi dấu ấn tình yêu Thiên Chúa trên đời sống con người, đem lại cho nhân loại một khởi đầu mới, và trang sử tình yêu lại bắt đầu… Qua cái chết đau thương và sự phục sinh vinh hiển của mình, Đức Giêsu đã nối trời với đất, tình Chúa với tình người, để từ nay con người có thể đáp lại tình yêu và lời mời gọi của Thiên Chúa.

III. NHỊP CẦU GẶP GỠ: ĐIỂM HẸN

Như đã nói trong lời mở, Đạo của Lão là Đạo tự nhiên, còn Lời Trong Gioan là Lời mặc khải, do đó, khác nhau là điều đương nhiên. Tuy nhiên, khác nhau không có nghĩa là đối nghịch. Khác nhau cũng không có nghĩa là không có gì chung để gặp gỡ. Trái lại có nhiều đểm hẹn để ta tìm về, để bắc một nhịp cầu hạnh ngộ, nối kết đôi bên. Hy vọng rằng nhịp cầu ấy sẽ đưa ta vào những miền đất mênh mông, thăm thẳm và huyền diệu của hai “nền văn hóa”, hai “tôn giáo” khác nhau.

Khi nói về những nhịp cầu gặp gỡ, yêu thương, tôi nhớ ngay đến những cảm nhận thật hay, thật rung động, mượt mà, tha thiết trong từng “ca từ” và trong từng “tiết điệu” của nhạc sĩ Ý Vũ qua ca khúc “Nhịp Cầu” như sau:

“Có những nhịp cầu là đường đưa ta đi,

Giúp em đến trường, giúp mẹ đến chợ quê

Giúp cho tây sang đông, nối liền đôi bờ sông.

Những nhịp cầu thơ mộng và bao thân thương,

Từ hai hướng đôi nơi hẹn hò,

Nhịp cầu nối bao nhiêu chuyện trò,

Hết chia lìa, ta gặp người ta mong chờ…”.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta tạm gác lại những nhịp cầu hò hẹn, chuyện trò, bè bạn… trong cuộc sống đời thường, để nối một “nhịp cầu huyền nhiệm” giữa “hai huyền nhiệm”: Đạo và Lời. Nhịp cầu thứ nhất là: Đạo Huyền và Lời Tuyệt Đối. Nhịp cầu thứ hai là: Đạo Phản Phục và Lời Sáng Tạo. Nhịp cầu thứ ba là: Đạo Vô Danh và Lời Tự Hạ.

1/ Tính Chất Huyền của Đạo, tính Tuyệt Đối của Lời

Trong đáy sâu thăm thẳm của tâm hồn, con người luôn khao khát Tuyệt Đối, hướng về Đấng Siêu Việt như là mục tiêu tối hậu của đời mình. Và mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có cảm thức riêng về Thực Tại Tối Hậu. Đấng Tuyệt Đối ấy có thể là có ngã vị, cũng có thể là không. Theo quan niệm bình dân, người Việt Nam cảm nhận về Đấng Tuyệt Đối như là Trời, là Tiên, là Phật hay Bụt thần… Lão Tử cảm nhận cái Huyền Nhiệm Tuyệt Đối ấy là Đạo. Còn Gioan lại cảm nhận Thiên Chúa Tuyệt Đối của mình qua Ngôi Lời. Phải chăng đây chính là sự hòa điệu về Đấng Tuyệt Đối giữa hai tôn giáo và hai nền văn hóa khác nhau?

Thật ra, Tính chất Huyền của Đạo và tính Tuyệt Đối của Lời là hai kiểu nói khác nhau, nhưng chỉ là một nhịp cầu, một nội dung duy nhất đó là tính “tuyệt đối” của Đạo và Lời. Đạo và Lời đều tuyệt đối, huyền nhiệm thường hằng bất biến, có trước trời đất muôn vật, là nguồn gốc sinh ra muôn vật muôn loài. Tuyệt đối nghĩa là có thể cảm, nhưng không thể hiểu thấu, cũng không thể luận bàn, thâm viễn vô cùng, vượt trên lý trí và ngôn ngữ của con người. Không ai có thể thấy hoặc biết Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm” (x. 1Tm 6,16). Thiên Chúa là Đấng ẩn mình, không ai có thể tự mình vươn tới được, không trí khôn nào có thể tự mình đạt tới được, nếu Người không nói bằng cách này hay cách khác (x. Dt 1, 1-3). Cũng vậy, Đạo Tuyệt Đối, “mập mờ thấp thoáng”, không có hình tượng, không thể nói được, cũng không thể đặt tên hay giới hạn vào một cái gì. Chỉ có thể nói đó là một Thực Tại Tối Hậu, vượt qua mọi quan niệm thấy biết của con người. Đây cũng là khuynh hướng chung của các tôn giáo Đông Phương khi suy tư về Thực Tại Tối Hậu chỉ xác định đó là “Thực Tại Tối Hâụ”, chứ không xác định rõ rệt Thực Tại Tối Hậu ấy là cái gì: mập mở thấp thoáng, không có hình trạng nào. Trái lại, Lời của Gioan lại được xác định rõ ràng: Lời là ánh sáng vĩnh cửu cho thế gian, là chân lý, là đường, sự thật và là sự sống, nhờ Người mà chúng ta nhận được hết thảy ơn này đến ơn khác, qua Người chúng ta được nhận biết Cha và trở về cùng Cha (x. Ga 1, 5.9.16.18; 14, 6-7).

Tuy nhiên, tính tuyệt đối của Đạo và Lời khác nhau ở chỗ: Lời tuyệt đối, toàn năng nhưng lại giới hạn trong cái hữu hạn của con người; thường hằng bất biến, nhưng lại đi vào thời gian; siêu việt, bất khả tri, nhưng lại có mối tương quan gần gũi với con người và tạo vật, con người có thể đến gần và cảm nghiệm được mối tương quan thân thiết ấy. Đó chính là sự nghịch thường của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Ngôi Lời quyền năng, vô hạn, vượt trên tất cả nhưng lại giới hạn trong thân xác mong manh của một con người. Còn Đạo cũng tuyệt đối như Lời, nhưng lại không có mối tương quan gần gũi yêu thương với vạn vật và dường như “vô tình” với vạn vật (ch. 5). Đạo cũng ở trong vạn vật, nhưng lại không nhập thể làm người. Có thể nói Đạo giống như nguyên lý tự nhiên của trời đất, vận hành một cách vô tình, theo quy luật bất biến, dầu vẫn thi ân giáng phúc cho vạn vật, nhưng lại không có mối tương quan ngã vị thiết thân với con người và vạn vật.

Có thể nói, Đạo Huyền Nhiệm cũng giống như Thiên Chúa tuyệt đối, vô hình Trong Cựu Ước. Đó là một Thiên Chúa siêu việt, tách biệt khỏi con người, con người không thể đến gần Ngài, cũng không thể “nhìn thấy Ngài mà vẫn sống” (Xh 33, 7). Thế nhưng qua Gioan, Thiên Chúa tuyệt đối ấy đã hóa thân làm người, trong con nguời Giêsu. Nhờ Đức Giêsu, mối quan hệ giữa con người với Đấng Tuyệt Đối đã trở nên gần gũi, thân thương, không còn cách biệt. Đức Giêsu đã làm cho mối liên hệ này xuống thấp và cụ thể hơn như là mối quan hệ thiêng liêng giữa người với người. Bằng chứng là Ngài đã ăn uống, làm bạn với hết mọi hạng người kể cả những người tội lỗi, thu thuế và gái điếm (x. Ga 8,1-11; Mt 9, 9-13)… Nhưng với điều kiện là nhưng tương giao ấy phải luôn luôn mang tính Bí tích. Bí tích vừa rất thật, rất cụ thể, nhưng cũng là dấu chỉ cho một điều gì đó ẩn dấu sâu kín và huyền nhiệm hơn: “Ngôi Lời đã trở thành người phàm”.

Như vậy, Đạo Huyền của Lão Tử dù đã rất gần với “Đấng Hằng Hữu” trong Cựu Ước, nhưng chưa đưa chúng ta đến gần với Ngôi Lời Thiên Chúa của Gioan. Có thể nói Đạo tuyệt đối của Lão Tử mới chỉ là Đạo của tự nhiên, phải đợi đến Ngôi Lời của Gioan mới làm cho chúng ta được hoàn toàn thỏa mãn. Vì Ngôi Lời dù Tuyệt Đối, siêu việt, cao vời nhưng lại có mối tương quan thân thiết với con người, như hai người bạn thân tình     (Ga 15, 15), một mối tương quan rất bình thường, rất người như mọi người. Lời tuyệt đối, cao vời khôn ví, nhưng cũng là một “ai đó” để cho tôi được kết giao, được đối thoại và hiện diện ở bên Ngài và ở trong Ngài. Đó chính là cái Huyền nhiệm ẩn dấu từ đời đời mà Gioan đã mặc khải cho mỗi người chúng ta.

2/ Luật Phản Phục của Đạo, sự Sáng Tạo của Lời

Trong phần trước chúng ta đã phân tích nhiều về luật phản phục của Đạo cũng như sự sáng tạo của Ngôi Lời, qua đó chúng ta nhận ra rằng giữa Đạo và Lời có một cuộc giao lưu kỳ thú. Vũ trụ vạn vật được sáng tạo bởi Ngôi Lời và nhờ Ngôi Lời… Hơn nữa, Ngôi Lời còn là sự sống cho muôn loài muôn vật, mọi sự đều phát xuất từ Ngôi Lời và quy hướng về Ngôi Lời, hay nói khác đi, Ngôi Lời là nguồn cội để từ đó vạn vật ra đi và trở về…. Thì cũng vậy, Đạo là chỗ ra đi và trở về của vạn vật, là nguồn gốc, căn nguyên phát sinh ra vạn vật. Ta cũng có thể nói như Gioan rằng: không có Đạo thì không có gì được thành sự. Đạo sinh ra, nuôi dưỡng và chuyển hóa vạn vật.

Cái động của Đạo không phải là đi ra ngoài mà là trở vào trong, về lại gốc rễ cội nguồn, trở về với hư không. Vì thế, hành động theo Đạo thì luôn nghịch với quan niệm của con người. Theo Đạo là luôn ẩn mình đi, không tranh giành: “bất tranh nhi thiện thắng”, chọn chỗ thấp: “nhu thắng cương, nhược thắng cường” (ch. 78), không kể công, không ham danh lợi, dấu mình ra sau (ch. 7. 8), nhất là thích cái mềm yếu, vì yếu mềm là cái dụng của Đạo. Toàn là những câu nói ngược đời, tuy nhiên những nguyên lý nghịch thuờng này sẽ không còn xa lạ và nghịch lý nữa, nếu chúng ta đã được nghe những lời sau đây của Đức Giêsu: “Chồn có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu” (Mt 8, 20), “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 26-27), ai muốn vào nước trời thì hãy trở nên như trẻ nhỏ (Mt 18, 3; 19, 14), “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 25). Vì “những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20, 16).

Sự chuyển động ngược chiều của Đạo cũng giống như nước, không gì mềm bằng nó, nhưng cũng không gì thắng được nó. Nước ở chỗ thấp nhưng thâm nhập được tất cả; không tranh giành, nhưng làm lợi cho tất cả (ch. 8. 66. 78). Không gì nhu nhược bằng nước, nhưng nó rộng lớn sâu thẳm khó lường, lớn vô bờ, rộng vô cùng, rút chỗ đầy tràn, bù chỗ trũng, làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở, làm phong phú cho đời mà không bao giờ cạn kiệt, thi ân phúc mà không phí phạm… Nước cắt không đứt, đâm không đau, đốt không cháy, nó cứ trôi chảy hoài mà không hề hao tổn, sắc bén hơn kim thạch, mạnh mẽ nhất thiên hạ, xem như vô hình nhưng lại bao quát tất cả. Nước là nguồn phát sinh sự sống, là chỗ ra đi và trở về của vạn vật 14. Ơ đây ta thấy Lão Tử đã phát huy tác dụng tối đa cái trực giác “nông nghiệp Phương Nam“ của mình khi dùng hình ảnh “Nước” để diễn tả về Đạo. Ông đã kinh nghiệm được sự cần thiết không thể thiếu của nước, cũng như cái lợi ích và công dụng vô cùng phong phú, linh hoạt của nó trong đời sống hàng ngày của người nông dân trồng lúa nước. Đối với người nông dân, không có nước thì cũng chẳng có gì hết, không có mùa màng, không có sinh sôi nảy nở, cũng chẳng còn sự sống nữa. Thật là kỳ diệu, ở đây ta thấy có sự gặp gỡ đầy bất ngờ và thú vị, nếu Lão Tử đã dùng hình ảnh Nước để diễn tả Đạo lý của mình, thì Đức Kitô (Kitô giáo) cũng đã dùng Nước làm biểu tượng của Bí Tích Thanh Tẩy (Mt 28, 18-20). Nước tái sinh, Nước rửa sạch, Nước đem lại sự sống mới và phúc lành cho người kitô hữu. Chính Đức Giêsu cũng đã nhận sự sống mới ấy khi dìm mình trong dòng sông Gio-đan qua phép rửa của ông Gioan (Mt 4, 13-17; Lc 4,1-13). Ở đây, ta cũng nhận ra một sự trùng hợp khác, cả Lão Tử cũng như Đức Giêsu đều vận dụng những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày để diễn tả đạo lý của mình. Trong các bài giáo lý của mình Đức Giêsu cũng đã sử dụng những hình ảnh quen thuộc của người nông dân như: dụ ngôn người gieo giống (Mt 13, 3-9), dụ ngôn cỏ lùng (13, 24-30), dụ ngôn hạt cải (13, 31-32).

Tuy nhiên, sự chuyển dịch ra đi và trở về của Đạo, xét cho cùng cũng chỉ là quy luật tự nhiên trong trời đất. Dù nó huyền diệu vô biên, công dụng khôn lường nhưng quy Luật của Đạo vẫn chưa đưa tôi trở về với Đấng Tuyệt Đối là cứu cánh và cùng đích của đời tôi. Luật Phản Phục của Đạo chỉ là sự sinh, diệt tự nhiên của trời đất. Mọi vật sinh ra từ Đạo, ra đi, lớn lên, chết đi rồi lại trở về với Đạo một cách tự nhiên, chứ chưa phải một động lực, hay suối nguồn hạnh phúc viên mãn hằng thôi thúc con người khát mong tìm kiếm và trở về như Ngôi Lời của Gioan, một Thiên Chúa mà Augustino cũng như mỗi người chúng ta luôn khát khao đến độ: không bao giờ được nghỉ an cho đến khi nào được trở về với Ngài. Bởi vì, Ngài chính là khởi nguyên và cùng đích tối hậu của con người, là cội nguồn sự sống và hạnh phúc trào dâng, ngoài Ngài ra, không có gì có thể làm cho con người được thỏa mãn. Đó cũng chính là điểm khác nhau giữa Lời và Đạo, dù Đạo rất gần với Lời, nhưng Ngôi Lời luôn luôn trổi vượt trên Đạo.

3/ Đạo Vô Vi, Lời Tự Hạ (Kénosis)

Đạo cũng như Lời, đều chọn đường lối khiêm nhu, tự hạ, trở thành vô vi trống rỗng, xóa mình ra không, không màng chi đến vinh quang danh dự…. Theo Lão Tử, Bậc thánh nhân là người sống theo Đạo, theo Đạo là trở về với tự nhiên, thuần phác. Vì thế, Lão Tử chủ trương một lối sống “vô danh” và cai trị bằng “vô vi”, bất bạo động. Đây là điểm rất gần với con đường “tự hủy” của Ngôi Lời nhập thể, quên mình đi, xóa mình ra không, không thấy mình, xả thân, không làm theo ý riêng mình mà làm theo “Đạo”, thi hành theo “ý Cha”, nhường nhịn, khiêm cung, chọn chỗ thấp, không tranh dành, không cậy công…

Chính vì vậy mà Lão Tử đã đề ra thuật trị nước bằng Vô Vi. Vô là không, Vi là làm, theo nghĩa đen thì không làm gì cả. Nhưng theo Lão Tử, Vô Vi là không làm theo ý muốn của bản ngã, của cái tôi ích kỷ của mình, mà làm theo đường lối của Đạo. Nghĩa là trở về với bản tính tự nhiên, bỏ hết những gì trái với tự nhiên, đưa cuộc sống và xã hội con người trở về với trạng thái tự nhiên nguyên thủy, không ham muốn, không tư dục, cũng không cần đến pháp luật nữa (ch. 38)… để cho mọi người làm một cách tự nhiên, sống theo Đạo một cách tự nhiên. Không liều lĩnh can dự vào bất cứ việc gì, mà để cho trăm họ thuận theo tự nhiên, để cho vạn vật tự lớn lên mà không làm chủ. Vậy nên, “thánh nhân lấy vô vi mà xử sự, dùng bất ngôn mà chỉ giáo, để cho vạn vật sinh trưởng mà không xen vào” (ch. 2), làm mà không cậy công, thành công mà không ở lại” (ch. 10). Theo chính sách vô vi, tuy không làm gì nhưng: “mọi việc đều trị” (ch. 3), “Không ra khỏi cửa mà biết được thiên hạ… Cho nên thánh nhân không đi mà biết, không nhìn mà thấy rõ, không làm mà nên” (ch. 47).

Vô vi trong đời sống cá nhân là: tỏ lòng giản dị, giữ tính tự nhiên, ít riêng tư, không tham dục, lấy nhu thắng cương; không tranh đua, nên cũng không ai thắng nổi mình; thánh nhân bỏ mình ra sau mà thành ra thân mình ở trước, bỏ thân mình ra ngoài mà thành ra thân mình còn mãi (ch. 7)… Những tư tưởng này rất thâm thúy và rất gần với những lời “tự hủy” của Đức Giêsu: “Ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 24-25). Bởi vì: “ nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).

Đối Với xã hội, Lão Tử đã đưa ra thuật trị nước bằng đường lối “vô vi”, không cưỡng chế, không áp đặt, để cho mọi vật thuận theo tự nhiên, hợp với trời đất, như trẻ thơ khi sinh ra, với cái tâm bình thường. Một quốc gia lý tưởng theo Lão Tử là: nước nhỏ, dân ít, không dùng đến binh khí, không đi xa … các nước láng giềng gần gũi có thể trông thấy nhau, nước này có thể nghe được tiếng gà, tiếng chó của nước kia, nhân dân các nước đến già và chết cũng không qua lại với nhau (ch. 80). Vì thế, muốn cai trị một dân nước yên ổn thì cũng giống như: “kho một nồi cá nhỏ”. Cá nhỏ nên để yên không cạo vảy, không cắt bỏ ruột. Khi kho cá không khuấy đảo, cạo, cắt vì khuấy đảo dễ làm cá nát (ch. 60). Cũng vậy, Đức Giêsu đã đưa ra những chuẩn mực thời danh để ứng xử trong xã hội: “trong các con, ai muốn làm lớn thì hãy phục vụ anh em mình” (Mt 20, 26). Không những phục vụ mà còn yêu thương, thậm chí hy sinh cả mạng sống mình vì tha nhân: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Chính Đức Giêsu đã làm gương trước khi cúi mình rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 1-14). Bởi vì: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Đó là tinh thần yêu thương, dấn thân phục vụ, biết xóa mình đi trong công việc, nhưng không mong đền đáp, khi làm xong việc rồi thì coi mình chỉ là “đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10).

Tuy nhiên, sự “tự hủy tuyệt đối” của Ngôi Lời là ở chỗ, Ngôi Lời là Thiên Chúa nhưng đã khước từ mọi vinh quang danh dự dành cho mình, tự hủy mình ra không khi đón nhận thân phận làm người, sống kiếp phàm nhân như con người trần thế, đó là điều cao quý nhất mà Gioan cũng như Phaolô muốn mặc khải cho chúng ta (Pl 2,6-11), đó cũng là điều khác biệt và trổi vượt lên trên cái Đạo Vô Vi của Lão Tử. Không những nhập thể làm người, mà Ngôi lời còn đi cho đến tận cùng con đường “tự hủy” qua cái chết và sự phục sinh của Ngài…

Vâng, Ngôi Lời Nhập Thể, (Tự Hủy) là món quà cao quý nhất Thiên Chúa đã trao ban cho con người. Khi tặng ban Con Một cho trần gian, Thiên Chúa không còn gì cao quý hơn để trao ban nữa. Thật vậy, nếu Ngôi Lời cứ ở trên nơi cao tít, không nhập thể làm người, không ngụp lặn sâu trong cõi đời trần thế thì Kitô giáo cũng chẳng hơn gì cái Đạo vô vi của Lão Tử, hay cái Đạo xa lạ của thời Cựu Ước, với một Thiên Chúa cao vời không thể đến gần, cũng không thể hiểu thấu. Nhưng Con Thiên Chúa đã làm người, Ngôi Lời đã nhập thể vào đời trong cõi phàm phu tục tửu của con người để “con người được trở thành Thiên Chúa” (Irénée). Ngôi Lời đã tự hủy mình ra không để cho con người được gần gụi với Ngài, ở bên ngài và sống trong Ngài. Thiên Chúa Cao vời đã trở nên, bình thường, tầm thường trước mắt người thế, cũng ăn cũng uống, cũng vui buồn, giận giữ như con người, thậm chí còn bị người đời coi là “tay bợm nhậu”, là bạn của “phường thu thuế” và “gái điếm”. Vâng đó chính là cái nghịch thường, cái tầm thường nhưng cao quý nhất cho con người. Có như vậy, những bác nông dân quê mùa, những thuyền chài lưới dốt nát, những tay thu thuế và gái điếm, những lão ăn mày, những tên trộm cướp mới được đến gần Ngài và được làm môn đệ của Ngài (x. Ga 1, 35-51; 8, 1-11; Mt 4, 18-22; 9, 9-13; Lc 23, 39-43). Cũng chính vì sự nhập thể đến tận cùng, “tận kỳ tính” như thế mà biết bao bà mẹ quê nghèo chân bùn tay lấm, biết bao người vợ lam lũ khổ đau vất vả cả đời trên mảnh đất cày, “đưa lưng cho trời, bán bụng cho đất” mới được sống hân hoan trong niềm vui của ơn cứu độ. Dầu họ chẳng biết và cũng chẳng hiểu gì về mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, nhưng với một trực giác tâm linh thăm thẳm, với một đức tin chân thành, chất phác của người nông dân, họ lại được sống đầy tràn trong Ngôi Lời nhập thể. Nói chính xác hơn là ngôi Lời đã đến, đã hiện diện đầy tràn trong trời đất, ở ngay trong lòng, trong tim họ.

Nếu không có Ngôi Lời nhập thể, làm sao những con người bệnh tật, nghèo đói, những người “khố rách áo ôm”, những con người tội lỗi bị xã hội bỏ rơi phải sống “vô gia cư” trên trái đất … có thể cảm nhận được những niềm vui, hạnh phúc trong cõi đời ô trọc và bể khổ trần ai này. Vâng Ngôi Lời đã nhập Thể, Giêsu đã hủy mình để chìm sâu vào tất cả mọi thực tại trần gian, cả trong cái thánh thiêng cũng như những gì xấu xa tội lỗi nhất của cõi người, đồng hành với tất cả những con người cùng khốn, để rồi người nâng tất cả trần gian lên bậc thánh thiêng (Ga 12, 32). Nhờ đó mà những người nông dân quê mùa chất phác, những người đau khổ tột cùng, những con người tội lỗi nhất… cứ an tâm, hồn nhiên mà vui sống vì họ vững tin rằng, ơn cứu độ của Giêsu đã ngập tràn trong trời đất, vì Giêsu không bỏ rơi họ, ngay cả khi họ đang sống ngập chìm trong tội lỗi… Vâng! Ngôi Lời đến là để “cứu chữa những gì đang hư đi” (Ga 3, 16-17; Mt 18,11).

Đây chính là đỉnh cao của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, và cũng là điểm son của Kitô giáo làm cho Kitô giáo trở thành một tôn giáo trổi vượt hơn mọi tôn giáo khác. Mặc dù Đạo của Lão Tử cũng thật cao sâu, lung linh, huyền diệu, và cũng thăm thẳm đầy tràn trong trời đất, nhưng vẫn không thể sánh bì với Ngôi Lời của Gioan.

Qua những điểm trình bày trên, ta thấy Đạo và Lời rất gần gũi với nhau, có nhưng điểm hẹn, những cuộc giao lưu thật kỳ thú, nhưng cũng còn nhiều điểm khác biệt. Chúng ta có thể tạm nêu ra một vài điểm tương đồng và dị biệt qua bảng đối chiếu sau đây:

“Đạo” Theo Lão Tử                              “Lời” Trong Gioan

–  Không thể xác định rõ ràng.                   – Được định thức chi tiết, rõ ràng   nhờ măc khải.

–   Sinh ra vạn vật.                                      – Tạo dựng nên vạn vật.

–   Nuôi dưỡng vạn vật.                              –   Là nguồn sự sống của vạn vật.

–   Dường như “Vô ngã”.                            – Hữu ngã, có bản vị.

–   Siêu việt thiện ác.                                   – Toàn thiện.

–   Vô tình với vạn vật.                                 – Yêu thương các Tạo vật.

–   Ở trong vạn vật.                                      – Nhập thể làm người.

–   Là “cái” để vạn vật ra đi  và trở về.         – Là trung gian giữa Thiên Chúa  và tạo vật.

 

* THAY LỜI KẾT: Lời Hay Đạo?

Mặc dù chưa được mặc khải, chưa biết Chúa Kitô, song trực giác của Lão Tử về Đạo thật phong phú, sâu xa, linh diệu vô cùng rất gần với lối diễn tả của Gioan về Ngôi Lời, đó là điều rất lạ. Nếu Lão Tử được biết Đức Giêsu và mặc khải của Ngài thì đạo lý của ông sẽ đi đến đâu? Có thể coi, Đạo của Lão là một bước đi trước để dọn đường cho Ngôi Lời đến nhập thể vào đời chăng?

Vào khoảng thập niên 50 (1949), tại Trung Hoa tác giả Ngô–Kinh–Hùng (John Wu) đã mạnh dạn dùng chữ Đạo của Lão – Trang để dịch từ Logos của Gioan mà chỉ Ngôi Lời Nhập Thể. Ông đã được Đức Giáo Hoàng Pio XII chấp thuận và tán dương, có thể nói đây là một vinh dự lớn cho Lão Tử nói riêng và nền triết lý Đông Phương nói chung. Sau đây xin trích dẫn bản dịch Hán văn của Tác giả Ngô–Kinh–Hùng đặt song song với bản dịch tiếng Pháp của trường Kinh Thánh Giêrusalem:

Thái sơ hữu Đạo,             Au commencement le Verbe était.

Dự Thiên Chúa Giai.       Et le Verbe était avec Dieu.

Đạo tức Thiên Chúa,       Et le Verbe était Dieu.

Tự thủy dự Giai.              Il était au commencement avec Dieu.

Thiên địa vạn hữu,           Tout fut par Lui.

Tư đạo dĩ thành.

Đạo nhĩ lục hợp,              Il était dans le monde,

Đế tạo càn khôn.              Et le monde fut par Lui.

Đạo thành nhân thân.   Et le Verbe s’est fait chair.

Cư ngã tề trung.               Et Il a habité parmi nous.15

Mặc dù chúng ta không chủ trương theo dịch giả Ngô-Kinh-Hùng, nhưng phải nhìn nhận rằng đây là một cố gắng lớn trong quá trình hội nhập văn hóa của tác giả và là bài học để chúng ta noi theo. Đó cũng là điều mà Công Đồng Vat. II lên tiếng mời gọi con cái mình: “Giáo Hội ngày càng ý thức hơn về vai trò của mình là được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời khác nhau” (Gs, 58). Mỗi nền văn hóa đều có giá trị riêng mà chúng ta cần phải yêu mến và quý trọng nó. Văn hóa là gia sản tinh thần quý báu, là tinh hoa của một dân tộc được kết tinh lại từ kinh nghiệm truyền thống ngàn đời của cha ông. Do đó, dân tộc nào cũng tự hào về nền văn hóa của mình, và phải tự hào như thế thì mới dám ngẩng đầu lên, sánh vai cùng các dân tộc khác, cụ thể là dân tộc Việt Nam ta cũng đã và đang tự hào về ”bốn ngàn năm văn hiến” của mình. Trong bối cảnh đó, Giáo hội Việt Nam cũng phải hội nhập đức tin và sứ điệp của mình vào lòng dân tộc, nghĩa là phải biết sống và diễn tả đức tin bằng chính ngôn ngữ và văn hóa của mình, có như vậy Lời Chúa Kitô mới hội nhập và bén rễ sâu vào trong bản sắc văn hóa của dân tộc và trong mỗi tâm hồn người dân Việt.

Điều đó đòi hỏi mỗi người kitô hữu, nhất là tu sĩ chúng ta phải có một nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao trong việc học hỏi, nghiên cứu sâu xa về bản sắc văn hóa dân tộc mình, cũng như phải thấm nhuần tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô thì chúng ta mới có thể diễn tả đức tin và sứ điệp Tin Mừng cho đúng và phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc. Bài viết trên đây cũng chỉ là một cố gắng nho nhỏ trong quá trình hội nhập đó. Bởi vì, chúng ta không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Đạo gia trong nền văn hóa dân tộc cũng như trong lối sống của một số người. Đối với người tu sĩ chúng ta trong xã hội hôm nay, sống được như Lão Tử cũng đã là bậc thánh hiền hiền rồi. Chúng ta còn vinh hạnh hơn lão Tử là được biết Chúa Kitô và được nghe tiếng Người mời gọi chúng ta dấn thân bước theo chân Người, đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà Lão Tử chưa được diễm phúc đón nhận.

Để kết thúc xin mạn phép đặt bài thơ để diễn tả nhịp cầu gặp gỡ giao lưu giữa Đạo và Lời như sau:

Mầu nhiệm Đạo lung linh huyền diệu

Thật gần gũi nhưng cũng cao sâu

Mênh mông trôi chảy giữa dòng đời

Như nguồn suối không bao giờ cạn

Đạo là gì không thể đặt tên

Nhưng hiện diện ở trong trời đất

Đạo sinh ra muôn vật muôn loài

Và nuôi dưỡng bảo toàn vạn vật.

 

Cũng như mầu nhiệm của Ngôi Lời

Hiện diện đời đời nơi Thiên Chúa

Không khởi đầu, không có thời gian

Nhưng nay đã mặc lấy xác phàm

Sống chung với con người dương thế

Lời sống động lung linh huyền diệu

Lời tác sinh muôn vật muôn loài

Lời là Chúa nhưng cũng là người.

 

Đạo có đó và Lời hiện diện

Nhưng không thể nắm bắt, đặt tên

Vượt trên mọi khái niệm, ngôn từ

Không thế này, chẳng là thế nọ

Có thể cảm, không thể nói ra

Nằm sâu ở trong lòng vạn vật

Là chỗ để tạo vật quay về

Là nguồn cho sự sống phát sinh.

 

  Tài Liệu Tham khảo

  1. Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử – Đạo Đức Kinh, Nhà Xuất Bản Văn Hóa, 1998.
  2. Nguyễn Duy Cần, Lão Tử – Đạo Đức Kinh, Nhà Xuất Bản Văn Học, 1995.
  3. Nguyễn Tôn Nhan, Lão Tử – Đạo Đức Kinh, Nhà Xuất Bản Văn Học, 1998.
  4. Trương Lập Văn, ĐẠO Triết Học Phương Đông, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1998.
  5. Phùng Hữu Lan, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, Nxb Thanh Niên (Bản Dịch Của Nguyễn Văn Dương, 1998).
  6. Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Lịch Sử Triết Học, Nxb Giáo Dục, 1998.
  7. Nguyễn Chính Kết, Suy Tư Về Thực Tại Tối Hậu, 1998.
  8. Kinh Thánh Tân Ước, Nhóm Phiên Dịch CGKPV, Tòa TGM Tp. Hồ Chí Minh, 1995.
  9. Hoàng Đắc Anh, Dẫn Nhập và Chú Giải Tin Mừng Theo Thánh Gioan, Sàigòn, 1999.
  10. Alain Marchadour, Tin mừng Gioan- Chú Giải Mục Vụ, 1992
  11. Thiện Cẩm, Tiếng Hát Mỗi Dòng Sông, Sàigòn, 1999.
  12. Trương Văn Huế, Ở Trong Hội Thánh và Huyền Thể Chúa Kitô, quyển I, Sàigòn, 1962.
  13. Lucien Daloz, Chúng Ta Đã Được Nhìn Thấy Vinh Quang Của Người, Desclée De Brouwer, 1989.
  14. Donatien Mollat Sj, Suy Niệm Theo Bản Văn Tin Mừng Của Thánh Gioan, 1964.

Chú Thích:

1 x. Trương Lập Văn, ĐẠO Triết Học Phương Đông, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1998, tr. 40-42.

2 x. Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, Tr. 365.

3x. Thánh Kinh Tân Ước, phần chú thích Lời Mở Tin Mừng Gioan, nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện, 1995.

4x. Kinh Thánh Tân Ước, phần chú thích Lời Mở Tin Mừng Gioan, nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ

5 x. Sđd .

6   NguyễnTrọng Viễn, Lịch Sử Triết Học Tây phương, Tập I, tr. 10

7 x. Alain Marchadour, Tin Mừng Gioan Chú Giải Mục Vụ, tr. 49.

8 x. Lucien Daloz, Chúng Ta Đã Được Nình Thấy Vinh Quang of Người, Desclée De Brouwer 1989, tr. 9 -10.

9 x. Lucien Daloz, Chúng Ta Đã Được Nhìn Thấy Vinh Quang of Người, Desclee De Brouwer 1989, tr. 9-12.

10 x. Alain Marchadour, Tin Mừng Gioan Chú Giải và Mục Vụ, tr. 46.

11 x. T. Hoàng Đắc Anh, dẫn nhập và chú giải Tin Mừng Theo Thánh Gioan, Sàigòn 1999, tr. 77-78.

12 x. Donatien Mollat Sj, Suy Niệm Theo Bản Văn Tin Mừng Của Thánh Gioan, 1994, tr. 12.

13 x. Lucien Daloz, Chúng Ta đã Được Nhìn Thấy Vinh Quang of Người, Desclée De Brouwer 1989, tr. 15-16.

14 x. Nguyễn Tôn Nhan, Lão Tử-Đạo Đức Kinh, Nxb Văn Học, 1998, tr. 155.

15 Trương Văn Huế, Ở Trong Hội Thánh và Huyền Thể Chúa Kitô, quyển I, Sàigòn 1962, tr. 9-14.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM