ĐẦY TỚ TÀI GIỎI VÀ TRUNG THÀNH
(Bài Suy niệm Thứ 4 tuần XXXIII TN)
Đọc và suy niệm Tin mừng, chúng ta được nghe lời Chúa Giêsu dạy: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17, 10).
Tại sao chỉ là việc bổn phận?
Trước hết, như những tá điền làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa, mỗi chúng ta dù là ai cũng cần ý thức thân phận tôi tớ của mình, nghĩa là chúng ta không sống cho hay vì mình nhưng lệ thuộc vào Ông Chủ. Được sinh ra với sứ mạng riêng nhưng mỗi người được mời gọi sống cho và vì “một lý tưởng cao hơn”, theo ý muốn và sự sắp đặt của Đấng có quyền hạn trên vận mệnh đời mình. Là Kitô hữu, chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều đó cách dễ dàng khi dựa vào lời nhắn nhủ của thánh tông đồ Phaolô: “hãy bén rễ sâu trong Đức Kitô”. Bén rễ sâu trong Đức Kitô là gì nếu không phải để hoàn toàn tự do hướng tất cả cuộc đời chúng ta lên Chúa: sống và chết cho một mình Thiên Chúa. Đồng thời bớt đi những bận bịu cố hữu để thong dong hơn trong việc yêu thương và phục vụ anh chị em đồng loại. Đó là bổn phận kép nhưng qui chiếu thành một giới răn duy nhất, lớn nhất và trọng nhất của người tôi tớ Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, việc sống cho Chúa và tha nhân như người tôi tớ vô dụng theo tinh thần của Chúa Giêsu sở dĩ có thể thực hiện được là vì dám sống triệt để lời Người dạy trong Tin Mừng: “Hãy học với Tôi vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”. Lời khuyên này giúp chúng ta chu toàn bổn phận thân phận người tôi tớ trong địa vị cao cả của những con cái tự do trong đại gia đình Thiên Chúa.
Khi dạy chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường, chính Đức Giêsu đã sống trước nhờ đó nêu gương cho chúng ta. Đức Giêsu tự nguyện đảm nhiệm vai trò người tôi tớ để cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của mình. Cả cuộc đời của Người đến trần gian là để sống mầu nhiệm tự hủy hầu trả lại địa vị làm con cái tự do của chúng ta, nhất là chuộc lại sự sống đời đời của nhân loại vốn bị tước mất do tội lỗi. Thánh Phaolô đã diễn tả tư tưởng nòng cốt và tuyệt vời này trong thơ gởi giáo đoàn Philipphê (Pl 2), một thánh thi danh tiếng rất quen thuộc với chúng ta.
Cũng giống như Thầy Giêsu, khi chúng ta sống thân phận người tôi tớ của Thiên Chúa thì đương nhiên phần thưởng chúng ta nhận lại được là những đau khổ, thử thách, bất công,… ngay cả việc loại trừ hay bị giết chết. Thân phận người tôi tớ là vậy, và chỉ như thế mới có thể nhận được danh hiệu “người tôi tớ tài giỏi và trung tín”. Chính nhờ đặc tính này mà chân dung người tôi tớ được mạc khải Kinh Thánh hết lời ca ngợi.
Ngoài ra, người tôi tớ chỉ được coi là đã hoàn thành nghĩa vụ của mình khi người đó thực hiện đầy đủ và trọn vẹn nhiệm vụ mình cách siêng năng, trung tín và khôn ngoan: uy tín phải vượt hẳn các tôi tớ hèn nhát, lười biếng và bất chính khác. Trách nhiệm đương nhiên của người quản lý trung thành và khôn ngoan là lo lắng, săn sóc, phục vụ với thái độ khiêm tốn trong tinh thần sẵn sàng. Những nhiệm vụ và đức tính này như là điều kiện tất yếu để có thể được coi là xứng đáng, tiếp tục tồn tại và nên gương cho người khác noi theo. Phúc cho những đầy tớ nào nghe được lời ông chủ khen ngợi: “Hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành”.
Cuối cùng, người tôi tớ trung tín và khôn ngoan là kẻ biết ý chủ, làm theo và làm hết khả năng theo mong muốn của chủ mình. Cuộc đời của tôi tớ hoàn toàn lệ thuộc chủ của mình: mọi ân huệ, ngay cả sự sống cũng đều đón nhận từ trên ban cho, do lòng thương xót chứ chưa hẳn là do công lao xứng đáng của mình.
Tóm lại, từ tương quan giữa ông chủ và những tôi tớ thuộc quyền ông chúng ta có thể xét lại mối tương quan đời sống của mỗi Kitô hữu chúng ta với Thiên Chúa. Tôi có được thuộc về danh sách những tôi tớ trung tín và khôn ngoan hay là…. Ước gì mọi khả năng chúng ta đón nhận được từ Thiên Chúa được chúng ta đem xử dụng cách khôn ngoan và trung tín, để cũng được vui mừng hạnh phúc đón nhận phần thưởng Ngài vinh danh chúng ta trong cõi sống vĩnh hằng.
Mai Thi