Chủ Nhật, 22 Tháng mười hai, 2024

ĐẾN VỚI NHAU- Thứ Bảy tuần XXTN- Vp. Duyên Thập Tự

TN-141-TUẦN XX-thứ Bảy

ĐẾN VỚI NHAU

 (R 2,1-3.8-11;4,13-17 / Mt 23,1-12)

 

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Mỗi ngày chúng ta đều đến với nhau nhiều lần. Mỗi lần có nguyên nhân và mục đích khác nhau, hoặc do công việc đòi hỏi, hoặc do tình cảm thúc đẩy hay những lý do khác, để nhắm tới những mục tiêu nào đó. Đến với nhau là một sự kiện, nhưng đến với nhau với tâm thái nào là điều cũng quan trọng như chính sự việc đến với nhau, nhiều khi còn quan trọng hơn.

Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay đề cập đến những tương giao mà con người kết dệt với nhau. Tôi chia sẻ với anh chị em về việc “ĐẾN VỚI NHAU” trong những tư thế tinh thần khác nhau, với mục đích là để xây dựng những mối tương giao trên những điều cơ bản.

Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 23 từ câu 1 đến 12, Chúa Giê-su đề cập đến những cách thức đến với nhau. Trước hết, Người nói đến trường hợp “những kinh sư và biệt phái ngồi trên toà Mô-sê mà giảng dạy”, vậy phải có thái độ nào đối với họ. Tiếp đến, Chúa mời gọi các môn đệ Chúa đến với nhau với tư thế và tư cách nào. Và cuối cùng, Người muốn họ cần có tinh thần nào để nối kết tương giao với nhau.

Trong trích đoạn sách Rút chương 2 từ câu 1 đến 3, từ câu 8 đến 11 và chương 4 từ câu 13 đến 17, trường hợp của cô Rút và ông Bo-át được nêu lên, như một điển hình của việc đến với nhau bằng những gì xây dựng nên ý nghĩa cuộc sống.

 1. ĐẾN VỚI NHAU BẰNG “NGÔN-HÀNH”

Chúng ta nói đến trường hợp thứ nhất, nghĩa là trường hợp những người biệt phái và kinh sư trong tư thế của những người giảng dạy – ngồi trên toà Mô-sê. Điều Chúa cho biết là nơi họ chỉ có “ngôn” mà không có “hành”. Họ nói mà không làm. Cần nghe lời họ giảng dạy, thi hành những điều tốt đẹp, điều ngay lành phát xuất từ lời họ nói. Nhưng không làm theo những hành vi của họ. Trước hết, vì họ “ngôn hành bất nhất”, việc làm không đi đôi với lời họ nói. Tiếp đến, là những hành vi của họ phát xuất từ sự ham mê danh tiếng với mục đích để cho người ta chú ý và để được đề cao. Khi nói những điều đó, Chúa Giê-su đánh giá họ không phải là những con người gương mẫu, không thể là những nhà mô phạm được. Và đó là điều rất đáng tiếc nơi họ. Đúng ra họ phải vừa là nhà sư phạm – giảng dạy – nhưng đồng thời là nhà mô phạm – nêu gương. Nơi họ khuyết điều căn bản là gương sáng, vì “lời nói qua đi, gương lành lôi cuốn”.

Vậy, khi nghe Chúa đề cập đến những người biệt phái và kinh sư “ngồi trên toà Mô-sê”, chúng ta suy nghĩ gì về phương thức chúng ta đến với nhau? Trước hết, chúng ta cần xác tín rằng chúng ta cần nhau trong hành trình cuộc sống. Chúng ta liên đới với nhau trong việc thực hiện những gì tốt đẹp, thánh thiện. Tiếp đến, chúng ta rất ảnh hưởng đến nhau: những lời nói và những hành vi của mỗi người đều có tác động trên người khác. Và cuối cùng, chúng ta cũng chịu trách nhiệm trên nhau. Những điều đó cho chúng ta khẳng định rằng việc chúng ta đến với nhau, với tư cách và phương cách nào đó rất quan trọng. Lời nói có thể mang đến cho nhau những điều tốt lành khi giúp nhau định hướng và sống đúng với căn tính, hợp với đời sống cụ thể; và những hành vi mang đến sự lôi cuốn mạnh mẽ về những điều tốt lành được thực hiện. Như vậy, chúng ta cần đến với nhau với “ngôn” và “hành”. Nếu có sự hợp nhất giữa ngôn hành, thì đó sẽ nơi xây dựng nên niềm tin và tạo nên những tiến bộ đáng mong ước. Chúng ta rất cần đến với nhau với “lời nói” và “việc làm” để giúp nhau trên hành trình xây dựng đời sống tốt lành và thánh thiện.

 2. ĐẾN VỚI NHAU VỚI “DANH-XƯNG” NÀO?

Chúa Giê-su ngỏ với các môn đệ: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất là cha của anh em,vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô”. Khi nói những lời này, Chúa Giê-su không có ý phá đổ mọi mối liên hệ giữa con người với nhau mà hai mối liên hệ căn bản là cha-con và thầy-trò. Chúng ta cần vượt qua những từ ngữ để hội ra ý nghĩa và nắm bắt thực tại xuyên qua kiểu nói trên.

Chúng ta đang nói về việc “đến với nhau”; và tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ cá nhân về những lời chúng ta vừa nghe Chúa nói. Đâu là căn bản để chúng ta xây dựng việc đến với nhau? Chúng ta thực sự là gì với nhau?

Nếu chúng ta đến với nhau chỉ với những “danh xưng” thì việc đến đó chưa có thể là việc gặp nhau thật sự. Người ta vẫn dừng lại mối liên hệ của những “danh xưng” thì đó vẫn là việc giữ những “vai trò” hơn là việc gặp gỡ đích thực. Khi Chúa nói đến việc “đừng để ai gọi mình” và “đừng gọi ai”, chúng ta cần hiểu xem đâu là “mẫu số chung” giữa chúng ta. Cái mẫu số chung đó liên kết, gắn kết, hơn là những vai trò hay danh xưng. Tôi đến với người anh em tôi, là tôi đến với họ với tư cách là anh em, là con người, hơn là với danh xưng bề trên-bề dưới, hay người dạy-kẻ được dạy. Một lần nữa, chúng ta không nên hiểu là phải phá bỏ mọi thứ tương giao tự nhiên rất cần thiết. Điều chúng ta cần để ý đến là chúng ta đến với nhau dựa trên nền tảng căn bản nào. Chúa Giê-su nhấn mạnh: tất cả anh em đều là anh em với nhau. Chúng ta là anh em với nhau trước khi chúng ta là gì với nhau trên những danh xưng và vai trò.

Nền tảng căn bản đó, Chúa Giê-su nói đến: “Cha trên trời, Đấng Ki-tô”. Khi Chúa nói đến “người Cha duy nhất là Cha trên trời”, “một vị chỉ đạo duy nhất là Đấng Ki-tô”, “một vị Thầy duy nhất”, Chúa muốn nói đến sự duy nhất, một sự duy nhất liên kết. Đấng Duy Nhất là Đấng liên kết mọi người, và mọi người hiệp nhất trong Đấng Duy Nhất đó. Tất cả chúng ta là con của Cha trên trời. Tất cả chúng ta là trò của Thầy Giê-su. Chúng ta bước đi dưới sự hướng dẫn của Vị Chỉ Đạo Ki-tô. Như vậy, danh xưng của Thiên Chúa – Chúa Cha và Chúa Ki-tô – là nơi qui tụ và là nơi kết dệt những tương giao giữa con người với nhau, giữa các môn đệ Chúa. Thiên Chúa là nền tảng của tương giao huynh đệ. Danh Chúa là nơi kết dệt những mối liên hệ anh em.

Theo thiển ý của tôi, ánh nhìn này quan trọng khi chúng ta sống với nhau, khi chúng ta hoà giải với nhau và khi chúng ta cùng nhau xây dựng. Chúng ta là anh em, chúng ta là con của Cha trên trời, chúng ta là môn sinh của Thầy Giê-su. Như vậy, tất cả chúng ta và mỗi người cần sống tình con thảo với Chúa Cha, mỗi người cần thụ giáo nơi Thầy Giê-su, cần được Chúa Ki-tô hướng dẫn. Điều đó sẽ giúp tránh những thái độ hơn người, hống hách, những thứ chủ nghĩa như “giáo sĩ trị”, “ân nhân chủ nghĩa” hay “đặc quyền da trắng”, “chủ nghĩa ưu tuyển”… Trái lại, tương giao huynh đệ được xây dựng trên tình nghĩa, trên sự phục vụ khiêm hạ.

3. ĐẾN VỚI NHAU VỚI “TÌNH-NGHĨA”

Chúa Giê-su đã đưa ra một nguyên tắc sống và hoạt động cho những ai muốn làm môn đệ Người, đó là: “Trong anh em, người làm lớn hơn, phải là người phục vụ anh em”. Làm lớn hơn, nghĩa là có những “danh xưng”, “vai trò” lớn hơn, thì lại càng phải sống thái độ “cúi xuống sâu hơn”, vì phục vụ là việc của người đầy tớ, nô lệ. Như vậy, phải có “tỷ lệ nghịch”, chức tước càng cao lại sống và hành động càng khiêm hạ. Khi sử dụng từ “phục vụ”, Chúa muốn nhấn mạnh đến “tình nghĩa”, như chính Chúa đã đến để phục vụ. Đến với nhau, với tư cách là môn đệ Chúa, là đến với tình nghĩa. Nếu có tình, có nghĩa, sẽ không để ý đến “cao thấp”, “sang hèn”; mà chỉ là dành cho nhau tình yêu thương. Điều đó chúng ta thấy nét phác hoạ nơi tương giao giữa ông Bo-át và nàng Rút.

Như chúng ta đã biết, nàng Rút là con dâu của bà Na-ô-mi. Bà là một người Do thái định cư tại Mô-áp là nơi đất dân ngoại. Chồng bà qua đời và con trai bà cũng qua đời. Bà trở về quê hương, và nàng Rút cũng về với bà, vì nàng nói: “Mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con”. Chúng ta nghe những lời này trong bài đọc một hôm qua. Hình ảnh này cho chúng ta nhận ra hai con người này đến với nhau, sống với nhau bằng tình nghĩa. Và tình nghĩa này đẹp biết bao. Trích đoạn hôm nay nói đến việc nàng Rút đi mót lúa, và “may mắn gặp được thửa ruộng của ông Bo-át”. Ông đã đối xử với nàng dâu hiếu thảo này với “tình” chứ không phải với “danh xưng” hay “vai trò” của một ông chủ giầu có. Ông nói với nàng Rút: “Này con, con có nghe không? Đừng đi mót ở ruộng nào khác, cũng đừng rời khỏi đây, nhưng cứ theo sát các tôi tớ gái của ta. Con nhìn thửa ruộng chúng ta gặt và cứ đi theo chúng. Nào ta đã chẳng ra lệnh cho các tôi tớ của ta là không được đụng tới con sao? Chừng nào con khát thì đã có những bình nước các tôi tớ ta đã múc sẵn, con cứ tới đó mà uống.” Lời nói và thái độ của ông Bo-át đối với nàng Rút đậm đầy tình thương, nhân nghĩa. Phải chăng đó cũng là bài học cho chúng ta khi chúng ta đến với nhau.

Lời Chúa hôm nay mở cho chúng ta thấy đâu là những yếu tố căn bản trong việc chúng ta đến với nhau hằng ngày. Ước gì đời sống mỗi chúng ta – từ ngôn hành đến tình nghĩa – mang đến cho nhau niềm vui sống và xây dựng tình huynh đệ tốt đẹp giữa mọi người.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...

Thứ 4 Tuần XXXIII TN – Lc 19, 11-20 Dụ ngôn mười yến bạc

DỤ NGÔN MƯỜI YẾN BẠC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Dụ ngôn mười yến bạc này được Đức Giêsu kể...