TN-090-TUẦN XIII-thứ Sáu
ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
(St 23,1-4.19;24,1-8.62-67 / Mt 9,9-13)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Người ta thường đánh giá về tương lai với những từ như tươi sáng hay mù mịt hoặc đen tối. Tương lai tươi sáng là có những hứa hẹn cho hiện tại đang chuẩn bị cho nó và có những kế sách để thực hiện. Thật ra, tương lai thường ngoài tầm kiểm soát của con người, vì nó là điều chưa xảy ra. Có những dự tính cho tương lai, nhưng cuối cùng không đưa đến đâu. Nhưng đó không đúng cho mọi trường hợp. Để có một tương lai tốt đẹp, cần phải nghĩ về nó, cần phải chuẩn bị nó. Một trong những chuẩn bị cần thiết cho tương lai, đó là định hướng.
Để định hướng tương lai, cần phải có mục tiêu, nghĩa là phải biết mình cần làm gì, vạch cho mình những mục tiêu để phấn đấu. Nếu không có mục tiêu, sẽ biến cuộc đời như một chiếc thuyền không bánh lái, như một phi cơ không hoa tiêu. Không thể định hướng tương lai mà bản thân lại mông lung và mông lung cả về tầm nhìn. Một yếu tố nữa để định hướng tương lai, đó là dám liều, không sợ rủi ro, nghĩa là dám ước mơ. Cần phải có sự yêu thích và cả niềm đam mê mới có thể định hướng tương lai được.
Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay, qua câu chuyện của các nhân vật, như cho tôi nhìn thấy trong tâm tưởng họ, xuyên qua những lời nói và hành động, những định hướng tương lai. Và chính những định hướng này làm nên ý nghĩa cuộc đời của họ và của người khác. Trong bài suy niệm này, tôi sẽ đề cập đến việc “ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI”.
1. ÔNG ÁP-RA-HAM ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI CHO I-SA-ÁC
Chúng ta bắt đầu với câu chuyện cuộc đời ông Áp-ra-ham. Đây là một vài thông tin về gia đình ông. Bà Xa-ra, vợ của ông, qua đời lúc một trăm hai mươi bảy tuổi. “Ông Áp-ra-ham đến làm lễ chôn cất bà và than khóc bà…Bà đã được chôn cất trong hang của cánh đồng Mác-pê-la, đối diện với Mam-rê, tức là Khép-rôn, tại đất Ca-na-an”. “Ông Áp-ra-ham đã già nua tuổi tác, và Đức Chúa đã chúc phúc cho ông Áp-ra-ham trong mọi sự”.
Với năm tháng trôi qua, cậu I-sa-ác nay trở thành một thanh niên, với tuổi hai mươi sáu. Ông Áp-ra-ham phải nghĩ tới tương lai của con mình. Ông đã nhờ người lão bộc lâu năm – cũng là người quản lý mọi tài sản – đi tìm vợ cho con mình trong họ hàng của ông, nơi ông đã sinh sống trước khi ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, cách đây đã hơn năm mươi năm. Và đây là định hướng cho công việc tương lai này qua lời ông Áp-ra-ham căn dặn người lão bộc: “Coi chừng, đừng đưa con trai tôi về đó! Đức Chúa là Chúa Trời, Đấng đã đưa tôi ra khỏi nhà cha tôi, khỏi quê hương tôi, Đấng đã phán với tôi và thề với tôi rằng: “Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này”, chính Người sẽ sai sứ thần người đi trước mặt chú, để từ nơi đó chú cưới vợ về cho con tôi. Nếu người đàn bà không chịu đi theo chú, thì chú không còn buộc phải giữ lời thề với tôi nữa. Nhưng dù sao, cũng đừng đưa con tôi về đó.” Qua lời ông Áp-ra-ham, chúng ta nhận ra một vài điểm nhấn về định hướng tương lai của cậu I-sa-ác.
– Điều quan trọng nhất cho tương lai của I-sa-ác là không bao giờ trở về vùng đất mà cha cậu là ông Áp-ra-ham đã bỏ đi. Ông căn dặn đi căn dặn lại điều này, ngay cả khi không tìm được vợ cho I-sa-ác. Đây là một hướng đi dứt khoát mà ông Áp-ra-ham đã thực hiện, và ông muốn cho con ông cũng như dòng dõi ông. Không trở về chốn cũ. Nếu trở về nơi cũ đã bỏ ra đi, là bỏ rơi luôn tiếng gọi của Thiên Chúa và lời hứa của Người, cũng như những phúc lành Người ban. Trở về chốn cũ là bỏ cuộc, là không tiếp tục lên đường với Thiên Chúa, không phiêu lưu với Thiên Chúa nữa. Và khi từ bỏ tất cả những yếu tố đó, là đánh mất ý nghĩa cuộc đời, đánh mất tất cả. Đây là một vấn đề có tầm mức quyết định. Phải dứt khoát không trở về nơi cũ. Đây phải là định hướng tương lai dưới dạng tiêu cực, nghĩa là “đừng đưa con trai tôi về đó”.
– Điều quan trọng thứ hai là phải đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa và lời thề hứa của Người. Đây là một định hướng quan trọng. Đi theo tiếng Chúa gọi, chứ không theo lời mời của con người. I-sa-ác phải đặt lời của Thiên Chúa lên trên, chứ không phải của một phụ nữ nào đó ở chốn cũ mà đi đến đó. Phải đi theo hướng của lời Thiên Chúa, hướng của Thiên Chúa chỉ cho, “đến nơi Ta sẽ chỉ cho”.
– Yếu tố thứ ba trong việc định hướng tương lai cho I-sa-ác, đó là sự hiện diện của Thiên Chúa, nghĩa là “Thiên Chúa sai sứ thần đi trước”. Thiên Chúa nhập cuộc, vì thế, người lão bộc hãy tin mà tiến bước để lo công việc. Thiên Chúa sẽ liệu. Điều đó là cần thiết để đạt được mục tiêu. Nếu người phụ nữ không chịu theo về, người lão bộc không phải giữ lời thề, nghĩa là ý muốn của Thiên Chúa quyết định tất cả, vượt trên sự ràng buộc con người.
Một vài yếu tố liên quan đến sự chuẩn bị tìm vợ cho cậu I-sa-ác, trong câu chuyện của Ông Áp-ra-ham, gợi cho chúng ta một số suy nghĩ:
– Điều ông định hướng tương lai cho con ông, chính là điều ông đã định hướng cho cuộc đời ông. Ông ra đi và không bao giờ trở lại. Ông dứt khoát trong định hướng và định hướng đó chi phối mọi chọn lựa của ông.
– Ông muốn con ông và dòng dõi ông là một cộng đồng tiến bước với Thiên Chúa, tiến tới quê hương đích thực, quê hương mà Thiên Chúa ban cho, chứ không phải do con người chọn cho mình. Định hướng mục tiêu tương lai. Tác giả thư Do-thái đã suy tư về vấn đề này khi nói đến ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra: “Và nếu quả thật họ còn nhớ quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời” (Dt 11,15-16).
Câu chuyện của ông Áp-ra-ham tìm vợ cho con là I-sa-ác với định hướng tương lai, gợi cho mỗi chúng ta những gì cụ thể cho đời sống mình? Trong đời sống thiêng liêng, hướng đi của chúng ta có rõ ràng, có mục tiêu rõ ràng không? Và những kinh nghiệm bản thân nào có thể soi sáng những định hướng tương lai của người khác?
2. CHÚA GIÊ-SU ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI CHO MÁT-THÊU
Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay theo thánh Mát-thêu chương 9 từ câu 9 đến 13, thánh sử nói đến ơn gọi của mình và qua đó, cho thấy đâu là định hướng tương lai của người môn đệ Chúa.
Cuộc đời người thu thuế tên là Mát-thêu sẽ chẳng được nhắc tới trong Kinh Thánh và cũng chẳng có cuốn Tin Mừng mang tên Mát-thêu, nếu một ngày kia, Chúa Giê-su không đi ngang qua một trạm thu thuế nơi người này đang làm việc và gọi ông đi theo Người. Cũng chẳng có những điều trên, nếu có tiếng gọi của Chúa mà ông không đáp trả bằng thái độ dứt khoát từ bỏ tất cả để theo Chúa. Nhưng những điều trên chỉ là giả thiết và không thiết thực, vì đã xảy ra là Chúa kêu gọi ông Mát-thêu và ông đã đi theo Chúa. Tương lai mở ra cho ông từ nay là môn đệ Chúa Giê-su.
Từ nay định hướng tương lai của ông không phải trở thành người thu thuế ngày càng thâm niên và giầu có, mà là người môn đệ của Chúa Giê-su để “ở với Người và được Người sai đi rao giảng” (x.Mc 3,14). Đây là định hướng tương lai rõ ràng của ông Mát-thêu. Định hướng tương lai này đặt trên chính kinh nhiệm cá nhân của ông khi nhận ra ánh mắt và nghe lời nói của Chúa Giê-su.
Khác với các môn đệ, ông Mát-thêu đã chiêu đãi một bữa tiệc, chắc là thịnh soạn, để chào từ biệt các người thân và đồng môn của quá khứ, cũng như chiêu đãi Chúa, Đấng đã gọi ông và các môn đệ, những người sẽ cùng đồng hành với ông trong tương lai. Trong bữa tiệc này lại xảy ra sự cố là có những người Pha-ri-siêu – họ rình thấy hoặc có thể vô tình thấy sự kiện – nói với các môn đệ Chúa rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và tội lỗi?”. Và câu trách cứ Chúa lại trở thành cơ hội cung cấp chất liệu cho định hướng tương lai cho các môn đệ và cho riêng Mát-thêu. Vậy, đâu là chất liệu? Đó chính là câu trả lời của Chúa Giê-su: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Đây là định hướng tương lai của người môn đệ. Riêng đối với ông Mát-thêu, định hướng tương lai này được hình thành trên chính kinh nghiệm của con người ông. Và điều đó thật ngọt ngào, để từ đây ông sẽ hành động theo định hướng đó. Định hướng tương lai này của ông được xây dựng trên chính định hướng của Thầy Mình là “kêu gọi người tội lỗi” mà hôm nay ông là đối tượng.
Câu chuyện về ơn gọi của người thu thuế Mát-thêu gợi mở cho chúng ta về những gì làm nên nội dung của định hướng tương lai của chúng ta với tư cách là ki-tô hữu, nghĩa là môn đệ của Chúa? Mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm về lòng thương xót của Chúa Giê-su đối với quá khứ tội lỗi của mình và niềm tin Chúa đặt nơi chúng ta khi người kêu gọi chúng ta làm môn đệ Chúa: chính những kinh nghiệm đó cung cấp cho chúng ta chất liệu để định hướng tương lai.
3. CHẠY THẲNG TỚI ĐÍCH
Mỗi chúng ta đều có những dự tính và những kế hoạch cho tương lai về nhiều phương diện và phạm vi đời sống. Điều đó cần thiết. Nhưng, với tư cách là ki-tô hữu, chúng ta rất cần định hướng cho đời sống thiêng liêng. Nếu một đời sống thiêng liêng mà không có mục đích, nếu một đời sống thieng liêng mà mông lung và không có ý lực cũng chẳng có nhiệt tâm và đam mê, thì sẽ chẳng đi đến đâu. Vẫn sống đó, nhưng không tiến và chỉ dậm chân tại chỗ hay, đúng hơn, là thụt lùi, là lui bước về chốn cũ. Chúng ta cần được soi sáng cho chính mình định hướng của thánh Phao-lô đặt ra cho chính bản thân: “Tôi đang gắng chạy tới…Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Ph 3,12-13).