Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Đọc và suy niệm Tin Mừng ngày trong tuần XV Thường Niên.

 

THỨ HAI TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 10,34-11,1
“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
“Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giê-su rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.

II. SUY NIỆM.
Để theo Chúa, chúng ta sẽ bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Đức Giê-su đòi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên và thậm chí trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khoát chọn Chúa và bước theo Người
Lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay khẳng định sự chọn lựa dứt khoát ấy. Chúa mời gọi vượt qua mọi ràng buộc cá nhân để sống tương quan với Chúa bằng các tương quan đức ái với tha nhân:

 

* Sự chọn lựa của người môn đệ theo Chúa.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,34-36).
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng sự chia rẽ ở đây nói lên một sự lựa chọn cho người môn đệ. Những ai dám sống và hành động theo con đường Chúa Giêsu, thì thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét hoặc bị bách hại đủ kiểu. Vì thế, người đòi môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong các gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ
Sự giằng co chia rẽ xảy ra trong nội tâm từng người, đồng thời cũng trong cả tập thể xã hội. Có những người sẽ đứng lên chống báng một sự cứu rỗi mà họ cho là tiêu cực, là hạ đẳng, là ‘thuốc phiện của quần chúng’. Tin Mừng do đó không cho phép tồn tại một sự yên ổn bình thân.
Bình an theo đường lối Đức Giêsu là sự hiệp nhất có được do mọi người thuận theo thánh ý duy nhất của Chúa. Để có được thứ bình an này, con người phải can đảm cùng bước ra khỏi bóng tối sự dữ để đến với anh em, dám dứt khoát nói “không” với cám dỗ, dám lội ngược dòng với khuynh hướng thấp hèn. Đức Giêsu đến như ngọn lửa tạo ra vùng trời ánh sáng đó cho ta.

 

* Thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn.
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy (Mt 10,37).
Phải chăng Chúa Giêsu đặt ra một điều kiện của Chúa quá khó? Sở dĩ Ngài đưa ra điều kiện như vậy để nói lên một sự dứt khoát chứ không phải nửa vời. Người không khuyến khích việc vô ơn bất hiếu với cha mẹ, hoặc phải sống vô tâm vô tình với người thân, nhưng là Người muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên chọn Chúa là trên hết và Người đòi hỏi sự so sánh hơn kém khi phải chọn lựa. Nếu phải chọn lựa giữa Đức Giêsu với cha mẹ và người thân, thì những người quyết tâm theo Chúa phải dám chọn Chúa Giêsu là gia nghiệp.
Bỏ cha, bỏ mẹ, vợ con, anh em là bỏ những cái gì ngoài mình, nhưng Chúa còn đòi hỏi hơn nữa là dám bỏ cả mạng sống nếu phải làm chứng cho Chúa.

 

* Từ bỏ mình và vác thập giá theo Chúa.
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,38-39).
Thời bách hại mà các thánh tử đạo đã thực hiện trọn vẹn theo nghĩa chặt đã qua, nhưng ngày hôm nay, chính mỗi Kitô hữu cũng vẫn luôn phải đứng trước một chọn lựa: một bên là chọn Chúa và một bên là chọn những thứ thuộc vật chất.
Điều khó từ bỏ hơn cả là “bỏ mình”, nghĩa là bỏ chính cái tôi ngầm ý hay minh nhiên tham vọng địa vị và lợi lộc cho mình, muốn biến mình làm trung tâm và làm cho sự hướng thiện không còn chỗ đứng trong tâm hồn của mình nữa.
Chúa không đòi chúng ta phải vác thập giá của Chúa, cũng không buộc chúng ta phải vác thập giá của anh em, mà Chúa muốn chúng ta vác thập giá của chính, là trách nhiệm trong bậc sống của mình.
Từ bỏ không phải một lần là đủ, mà nó sẽ là một cuộc chiến liên tục trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta luôn bị cám dỗ tìm kiếm hơn là từ bỏ, thu tích, giữ chặt những gì chúng ta có, hơn là cho đi, chúng ta còn bị cản trở, níu kéo bởi bao nhiêu thứ tình cảm khiến chúng ta chưa sẵn sàng để theo Chúa.

* Hoa trái của lòng bác ái
“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy… Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu ” (Mt 10,40.42).
Chúa Giêsu khẳng định về chiều kích tương quan hàng dọc với Thiên Chúa dựa trên tương quan đức ái với đồng loại. Khi chúng ta làm điều gì cho anh em là chúng ta đang làm cho chính Chúa Giêsu và cũng đờng thời đang làm cho Chúa Cha.
Việc bác ái dù nhỏ nhất nhưng luôn có giá trị cứu độ. Thiên Chúa sẽ trả lẽ cho chúng ta trong nước của Người bằng với những gì chúng ta đã trao tặng cho tha nhân, dù chỉ là một bát nước lã thì Thiên Chúa cũng ghi nhận.
Con người không thể mang được bất cứ một thứ của cải vật chất nào theo mình về thế giới bên kia, bởi tất cả sẽ ở lại sau cái chết. Thế nhưng con người cứ lo vun vén và giữ khư khư nó, giữ lại đến mức dư thừa mà không chia sẻ cho người đói khát bất hạnh, lo thu tích để rồi lúc chết đi phải để lại cho người khác tận hưởng. Họ không ý thức được rằng, chỉ có lòng bác ái và những gì chia sẻ cho tha nhân vì tình yêu thương thì sẽ theo họ về cõi vĩnh hằng.
Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại ở việc cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này.

Lạy Chúa Giêsu, bước đường theo Chúa đòi hỏi chúng con một sự chọn lựa dứt khoát là chỉ chọn Chúa và sống tương quan với Ngài bằng tương quan đức ái với tha nhân. Xin cho chúng con biết từ bỏ sự lôi kéo mời chào hấp dẫn hào nhoáng giả tạo mà xã hội đang bày ra để làm lạc hướng chúng con, để biết sống có kỷ luật đối với bản thân, có trách nhiệm với chính mình và với gia đình và với quê hương giáo xứ chúng con. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,20-24
Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối:
“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

II. SUY NIỆM
Thiên Chúa không kết án ai lầm lẫn và thiếu hiểu biết không do lỗi của họ, nhưng Thiên Chúa sẽ xét xử những ai cố tình làm ngơ trước lời mời gọi hoán cải và kết án những kẻ cứng lòng tin vào Lời Chúa. Đó là lý do mà hôm nay trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lên án đích danh một số thành thị về sự cứng lòng và lối sống xa hoa của cả cư dân ở đó.

• “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa!
Khi lên án hai thành này, Chúa Giêsu kến án thái độ cứng lòng tin của họ trước Lời rao giảng và những phép lạ Ngài làm. Ngài cũng cảnh báo với họ là, đến ngày phán xét, họ sẽ không còn lý do gì để bào chữa nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đem ra một so sánh: “Nếu dân Tia và Xi-đôn xưa được chứng kiến phép lạ như họ thì những dân ấy đã ăn năn thống hối rồi”.
Đây cũng là một cảnh báo cho mọi người chúng ta, không ít trong chúng ta vẫn chai cứng trong tội lỗi, mặc dù mỗi ngày trong Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ, chúng ta được nghe rao giảng, được kêu gọi cải thiện đời sống, được chứng kiến bao nhiêu kỳ công của Chúa và những phương thế hữu ích nơi các bí tích và lề luật giúp ta sống đạo. Để rồi một ngày kia trước toà phán xét, chúng ta không còn lý do gì để bào chữa; chúng ta còn đáng án phạt nặng hơn những người ngoại không được nghe biết Tin Mừng…
Nhiều người vẫn chủ trương không cần theo đạo hoặc “tôn giáo đồng nguyên”, nên nhớ rằng, sở dĩ người không biết Tin Mừng Chúa Kitô (nhưng sống ngay lành) được cứu độ là không do lỗi của họ, nghĩa là do họ không được ai rao giảng cho biết, chứ không phải kẻ được nghe biết Tin Mừng nhưng lại không tin theo mà cứ lầm lạc trong những giáo thuyết khác. Cũng như hai thành Kho-ra-din và Bết-xai-đa, không phải vì dân cư ở đó lầm mà là do họ cứng lòng không chịu tin vào Lời và các phép lạ Chúa làm.

• Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!
Chúa Giêsu lên án dân thành Caphanaum sống phóng túng xa hoa và kiêu ngạo về sự giàu có của mình, và không mở lòng đón nhận Tin Mừng. Chúa cảnh báo dân thành nếu không hối cải thì sẽ bị lật nhào xuống âm phủ, nghĩa là tất cả sẽ sụp đổ hoang tàn.
Chính sự xa hoa phóng túng và kiêu ngạo làm cho chúng ta thờ ơ trước lời kêu gọi của Chúa và Giáo Hội qua những người có trách nhiệm giảng dạy. Giàu có và kiêu ngạo lấn át cả việc mở lòng ra đón nhận Lời Chúa. Giàu có thì đam mê của cải, lo bận rộn làm giàu không còn giờ cho dành cho Chúa…
Người ta nhầm tưởng rằng, có thể lấy tiền bạc của cải để mua Nước Trời, như khi dùng một số tiền nào đó để dâng cúng vào những việc xây dựng thánh đường hay là làm từ thiện, để rồi tự phụ kiêu ngạo và sống bê tha phóng túng.
Người ta cũng coi sự giàu sang như là một bảo đảm hạnh phúc và coi việc kinh nguyện sớm hôm là của các bà già hay của những người nghèo mới cần đến Chúa để xin xỏ… Họ không biết rằng, linh hồn họ đang “nhào xuống âm phủ” vì sự ỷ lại vào của cải chóng qua.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh của những thành Tia, Si-đôn và Xơ-đôm đã bị xóa khỏi mặt đất vì tội sa đọa của nó để cảnh báo những thành đang trong thời đại của Người. Chúa còn loan báo rằng ngày phán xét những thành kia sẽ được xử khoan dung hơn, bởi vì họ sống sa đọa vì không được ai rao giảng cho, còn những thành đương thời đã cố tình làm ngơ trước lời mời gọi của Người.

Tóm lại, cũng như Chúa Giêsu đã quở trách các thành Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um vì tội cứng lòng tin và lối sống xa hoa phóng túng, thì nay Người cũng đang khiển trách hết những ai ơ hờ với Lời Chúa và cứng lòng không tin vào Chúa và Hội Thánh của Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm, và sống Lời Người, để ngày phán xét, chúng con được Chúa xét xử khoan dung và thâu nhận chúng con vào nước vĩnh cửu của Người. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,25-27
Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”.

II. SUY NIỆM
Mọi Kitô hữu đều có quyền tự hào vì được nhận biết Thiên Chúa và được làm con của Người cách trọn vẹn ngay từ lúc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta không chỉ dừng lại ở niềm vui được giải thoát tội nguyên tổ, mà vui mừng hơn là vì được làm con Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội Công Giáo.
Hôm nay Chúa Giêsu vui mừng tạ ơn Chúa Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những tâm hồn bé mọn, là hết những ai đón nhận và tin vào Người:

* Mầu nhiệm Thiên Chúa được mặc khải cho người bé mọn.
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).
“Mặc khải” có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.
Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan thông thái với kẻ bé mọn để dạy mọi người cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Người chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Bởi vì, thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản người ta nhận ra những gì Thiên Chúa muốn mặc khải cho.
Để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, con người cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa chứ không phải ỷ vào sức mình.
Đức tin ở một cấp độ cao hơn lý trí, không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp; con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Chứ không phải biết được chút gì thì đã kiêu ngạo nhân danh khoa học để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc không hiểu được một vấn đề thì lại cho là vô lý mà không nhận ra cái giới hạn của mình.

* Biết Thiên Chúa
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27).
Biết ở đây không chỉ hiểu là nhận biết, mà còn là một sự liên kết thân thiết với nhau. Biết Đức Giêsu là ai là điều cốt yếu đối với chúng ta, vì điều mà Người ban tặng cho chúng ta là vô giá: đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu không đến từ Thiên Chúa và không là Thiên Chúa thì lời hứa đó chẳng có giá trị gì. Chính vì vậy mà phải khám phá ra cho được Đức Giêsu là ai, vì nhờ đó mà chúng ta tìm thấy ơn cứu độ.
Được biết Thiên Chúa và nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai thật không dễ dàng, bởi vì việc nhận biết Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu không phải do trí hiểu hay thực nghiệm khoa học, mà là một ân ban của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Chúa Con không mặc khải cho, và cũng không ai đến được với Chúa Con nếu Chúa Cha không lôi kéo họ”.
Mọi tín hữu khi nghe lời này của Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc khi được biết Thiên Chúa là Cha và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn yếu đuối với mình, mà năng đến với Thánh Thể mỗi ngày, để tâm hồn chúng con được bổ dưỡng sức thần thiêng mà vượt thắng mọi khó khăn trên đường lữ thứ trần gian. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,28-30
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

II. SUY NIỆM
Trên hoặc dưới Nhà Tạm trong một số nhà thờ Công Giáo thường ghi dòng chữ: “VENITE AD ME OMNES QUI LABORATIS”. Đó chính là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Người cũng mời gọi mọi người: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

* Những gánh nặng

*Gánh nặng lề luật là thời Chúa Giêsu, Do-thái giáo có bộ luật phải giữ chi li hơn 600 điều mà Biệt phái chất lên cổ dân. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu mời gọi dân theo Người vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabát’ đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần Khí.
*Gánh nặng cuộc đời là: Gánh nặng gắn liền với phận người, gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác; gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng của yếu đuối hiện tại, gánh nặng lo âu cho tương lai… Gánh nặng vì bi quan thất vọng và lo âu, gánh nặng của khó khăn chán chường và mệt mỏi. Gánh nặng của ham muốn vật chất, của đam mê xác thịt, của các tật xấu kìm hãm con người ta… Chúa mời gọi chúng ta hãy tìm về với Bí Tích Giao Hoà, tìm về với giây phút lắng đọng bên Thánh Thể, tìm về với của ăn tinh thần là Mình Máu Chúa trong thánh lễ, để được người nâng đỡ và bổ sức cho.

* Mang lấy ách của Chúa
Như đã nói ở trên, ách của lề luật và cuộc đời đã đè nặng trên chúng ta, bây giờ chúng ta được mời gọi mang lấy chính Chúa. Chúa không vác thay chúng ta, nhưng cùng vác với chúng ta và nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.
Hình ảnh cái ách, tức là cái được đặt lên trên cổ con bò, con trâu, con lừa hay con ngựa để nó kéo xe hoặc kéo cày. Nói lên một kiếp nô lệ và vất vả, nhưng cũng là đầu kéo mọi thứ tiến lên hoặc làm cho một thửa đất tơi xốp phát sinh nhiều hoa trái mới. Chúa Giêsu đã tự huỷ hạ mình xuống làm thân nô lệ (x. Pl 2,6-11). Chúa chấp nhận kiếp người để cùng mang lấy cái ách lề luật của xã hội với chúng ta và cùng mang lấy kiếp lầm than vất vả của chúng ta. Và Chúa cũng kéo chúng ta tiến về phía trước là Nước Trời, làm cho chúng ta phát sinh hoa trái trong Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời; kết hợp với Ngài để được bổ sức và cùng Ngài vượt lên, chứ không phải tìm cách né tránh để rồi tuyệt vọng và hư mất. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 12,1-8
Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát! ” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. – Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

II. SUY NIỆM
Bộ luật của người Do Thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Môisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – kinh sư – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

Có câu chuyện kể rằng, hôm ấy một Rabi Do Thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên Rabi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực và cướp ngựa phóng đi tiếp tục hát thánh ca.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa thì họ đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu chuyện trên, Rabi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa… Luật đối với họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người.

Hôm nay, trước cảnh các môn đệ Chúa Giêsu đói bụng, bứt mấy bông lúa vò ‘ăn trắt’, nhân cơ hội này người Pharisiêu bắt bẻ Chúa Giêsu về luật sa-bát, bởi vì:
– Người Pharisiêu chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.
– Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là một ngầm ý đề cao về mình và che giấu sự giả hình của mình.
– Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.

Còn chúng ta là người Công Giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do Thái đã được thay thế bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giêsu Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:
– Tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?
– Làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
– Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?

Lạy Chúa Giêsu, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Ngày 22/07: Lễ kính thánh nữ Maria Mácđala

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,11-18
Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? ” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! ” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? ” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a! ” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni! ” (nghĩa là “Lạy Thầy”). Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”.” Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

 

II. SUY NIỆM
Hai giác quan giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin là thị giác và thính giác (mắt và tai). Mắt và tai tiếp nhận rồi truyền vào tri thức và trái tim để biện phân và đặc biệt là giúp hồi tưởng về ký ức.

Hai sự tiếp nhận này có phần không giống nhau giữa hai phái nam và nữ, vì như người ta thường nói: “Mắt con trai, tai con gái”. Đàn ông thường yêu bằng cái nhìn về bạn đời, nhưng phụ nữ lại thích nghe những lời nói yêu thương hơn…

Lần lượt các tường thuật về biến cố Phục Sinh, các Tin Mừng cũng làm lộ rõ hai khả năng tiếp nhận và cảm nhận về Đấng Phục Sinh dựa theo hai giác quan là thính giác và thị giác. Cụ thể là mắt các ông môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh khi thấy Người bẻ bánh và dâng lời tạ ơn; còn chị em thì nghe Thầy gọi tên thật thân thương là nhận ra ngay và ôm lấy chân Thầy.

Trong ngày mừng lễ thánh nữ Maria Mácđala, Giáo Hội cho đọc bài Tin Mừng kể chuyện Maria Mácđala, có lẽ vì quá đau đớn vì Thầy đã chết và khóc quá nhiều nên mắt hoen mờ, nên đã không nhận ra Đấng Phục Sinh, thậm chí còn tưởng là người làm vườn. Tuy nhiên, với lời gọi thân thương: “Maria !!!” Cô đã không thể lầm được nữa, cô nhận ra Thầy ngay và ôm quàng lấy chân Thầy rồi thốt lên lời thân thương mà cô từng gọi Thầy biết bao lần trước đây: “Thầy !!!”

Có thể nói, tình yêu của cô Maria Mácđala mà văn chương Gioan xây dựng có một mức độ vượt trên tình cảm thông thường, gần như là một tình yêu “phái tính” khi Maria Mácđala thầm yêu Chúa như là Đấng lang quân của của cô.
Như trong sách Diễm Ca diễn tả: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (Dc 2,8). Khi người ta đã từng đồng hành với nhau hay là yêu mến nhau, thì ngay cả việc không thấy, nhưng ngồi nghe tiếng chân bước hay tiếng thở… cũng đủ giúp nhận ra nhau. Một người mẹ già bị mù, nhưng người con của bà từ xa về chưa kịp đến gần bà thì bà đã nhận ra bởi tiếng nói, cử chỉ… đã ăn sâu trong ký ức của bà, nhất là đứa con lại là đối tượng yêu quý nhất của bà.
Từ việc nghe đã tác động lên ký ức giúp hồi tưởng lại, Maria Mácđala đã cảm nhận được tiếng nói của Thầy những lần ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe, và được nghe Chúa gọi tên nhiều lần trong những tháng ngày theo Chúa. Giờ đây, dù lúc đau thương không còn đủ tỉnh táo, mắt thể lý bị hoen mờ vì khóc qua nhiều, nhưng tiếng nói đầy yêu thương của Thầy thì Maria Mácđala không thể lầm vào đâu được.

Như vậy, chủ ý của việc tường thuật biến cố Phục Sinh, các tác giả Tin Mừng đã cho chúng ta nhiều cái nhìn để củng cố đức tin qua nhiều cách tiếp thu và cảm nhận của cả hai phái nam và nữ. Đấng Phục Sinh đã dùng chính cách tiếp thu giới hạn của con người mà cho họ được biết Người, rồi từ đó họ đi rao giảng – làm chứng về những gì mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận.

Nghe và thấy đều thuộc dấu hiệu khả giác của bí tích. Bí tích có mô thể và chất thể -lời đọc và cử chỉ- cả hai chuyển tải Đấng Hiện Diện trong bí tích được trao ban cho thụ nhân. Hiệu quả tròn đầy của bí tích phụ thuộc nhiều ở lòng yêu mến. Hôm nay Maria Mácđala là một bằng chứng cho sự yêu mến đó, và cô đã được gặp chính Đấng Phục Sinh là đối tượng mà lòng cô khao khát và yêu mến.

 

Lạy Chúa Giêsu, có lẽ không ít người trong chúng con chưa thực sự gặp được Đấng Phục Sinh nên tâm hồn chúng con chưa được đổi mới, bởi vì chúng con chưa đủ khao khát và lòng mến của chúng con dành cho Chúa chưa thật mặn nồng. Xin Chúa ban cho chúng con một con tim hết lòng khao khát và yêu mến Chúa hơn. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...