Thứ sáu, 27 Tháng mười hai, 2024

Đọc và suy niệm Tin Mừng ngày trong tuần XXV Thường Niên, 2017

 

THỨ HAI TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 8,16-18
“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

+ SUY NIỆM
Như hạt giống phải được gieo xuống ruộng đất, lớn lên và sinh hoa trái, nếu không sẽ nó trơ trọi hoặc thối nát và mất đi. Cũng thế, hạt giống đức tin, tài năng và cơ hội Chúa ban cho mỗi người, cần được gieo vào giữa lòng đời, để lớn lên và sinh hoa trái. Đó là nội dung Chúa Giêsu dạy mỗi người qua bài Tin Mừng hôm nay:

* Không ai đốt đèn mà lại để dưới đáy thùng…
Nghĩa là Đức Tin của chúng ta không phải “đạo tại tâm” giấu diếm, mà cần được toả sáng, để mọi người nhìn vào đó mà nhận ra Chúa.
Niềm tin cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể của một người có đức tin. Khi làm điều gì, người có đức tin vào Chúa sẽ hành động dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và lý tưởng đời sau. Còn người không có đức tin thì làm mọi cách kể cả thủ đoạn để đạt được điều hiện tại mà thôi.

 

* Không có gì bí ẩn mà không có ngày lộ diện.
Hiểu cả nghĩa tích cực và tiêu cực: Một người làm điều tốt thì ngay cả lúc này không ai biết, nhưng danh thơm tiếng tốt rồi sẽ được mọi người biết đến; ngược lại, kẻ làm điều xấu thì rồi cũng sẽ bị phanh phui và tiếng xấu để đời.
Hơn nữa, trước mặt Thiên Chúa thì mọi sự đều bị tỏ lộ ra. Vì thế, hãy luôn hành động dưới con mắt hiện diện của Thiên Chúa.

 

* Ai có sẽ được cho thêm…
Kẻ có được cho thêm, còn kẻ không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi, nghĩa là Chúa ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi. 
Chúa ban cho chúng ta niềm tin, cần sự thanh luyện và trau dồi để niềm tin lớn lên. Nếu không, vì không sống niềm tin thì một ngày nào đó, chính niềm tin ban đầu cũng sẽ nguội lạnh và mất đi…

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hằng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 8, 19-21
Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

+ SUY NIỆM
Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.
Thật vậy, chúng ta trở thành mẹ Chúa – bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Kitô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4:15)
Tuy nhiên, muốnn làm Mẹ Đức Kitô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình:

 

* Cưu mang Lời Chúa.
Đức Maria chính là hình ảnh của Hội Thánh, cách riêng các Kitô hữu, luôn làm cho Thiên Chúa được sinh ra nơi các tâm hồn, sinh ra cho thế giới mọi nơi và mọi thời, nghĩa là làm cho Thiên Chúa được muôn người nhận biết. Vấn đề này thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Galát đã viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi đã quặn đau sinh ra một lần nữa” (Gl 4, 19). Đức Maria đã sinh ra cho nhân loại chính Đấng Cứu Độ, Mẹ lại cùng với Đức Giêsu “quặn đau” sinh ra các Kitô hữu dưới chân thập giá và cả cuộc đời xin vâng của Mẹ đã làm cho Nước Chúa được hiển trị trên thế giới và cách riêng trong tâm hồn mọi người. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh theo nghĩa thiêng liêng, vì Người đã cộng tác với Chúa Giêsu, mà sinh hạ những người con trong đức tin cho Hội Thánh. Nếu thiên chức làm mẹ cốt ở việc làm phát sinh những mầm sống mới, thì Đức Maria là Mẹ các tín hữu vì cùng với Chúa Giêsu đem lại sự sống ân sủng cho họ. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh vì Người đã sinh ra Chúa Giêsu là Đầu Hội Thánh, và vẫn tiếp tục sinh các phần thân thể của Chúa Giêsu trong ân sủng đức ái và đức tin. Hay nói cách khác, Đức Maria vẫn tiếp tục làm cho Chúa Giêsu được sinh ra cho Hội Thánh và trong các tâm hồn.
Thật thế, muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bẳng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông. Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.

 

* Đem Chúa đến cho tha nhân.
Chức năng làm mẹ nơi Mẹ Maria là, khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gioan Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Êlizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ.
Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng. Đức Maria đã thực hiện trọn vẹn tinh thần đức ái khi hạ mình làm người tôi tớ phục vụ.
Dù được diễm phúc hơn mọi người phụ nữ vì đã cưu mang Con Thiên Chúa, cưu mang Đấng Cứu Thế mà cả dân Israel và muôn dân trông đợi, nhưng Đức Maria đã không tự coi mình cao trọng trong phẩm vị “Hoàng Thái Hậu” mà hạ mình để phục vụ, mà người đầu tiên được diễm phúc Mẹ Thiên Chúa đến phục vụ là bà Elisabeth. Nếu Đức Giêsu là Chúa và là Thầy mà đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ, thì trươc đó chính Mẹ Người là Mẹ Thiên Chúa đã hạ mình phục vụ một thụ tạo, và với một công việc rất thấp hèn suốt một thời gian ba tháng theo lời kể của Luca (x. Lc 1, 56).

Chúng ta cũng vậy, sau khi nhận ra Chúa – cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa coi những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa như là bạn hữu, là an hem và là mẹ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được lớn lên và lan tỏa đến mọi người. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9,1-6
Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

+ SUY NIỆM
Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành. Đó là nội dung của bài Tin Mừng hôm nay qua chân dung của một vị Tông Đồ khi được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng.

* Sứ vụ và năng quyền Chúa ban cho người rao giảng
Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.
Chức vụ đi đôi với sứ vụ, khi chúng ta lãnh nhận một chức vụ gì, không phải ngồi đó để thụ hưởng mà phải ra đi đến với những người chúng ta có trách nhiệm, để phục vụ và làm chứng về Chúa cho họ.
Cùng với việc rao giảng, các Tông Đồ nhận được năng quyền chữa lành để vừa củng cố niềm tin, vừa đẩy lui quyền lực của sự dữ và ma quỷ.
Có thể hiểu đến năng quyền được ban cho các mục tử qua các Bí Tích để sức mạnh của ma quỷ không thể cản trở được công việc loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, qua bí tích Hòa Giải, các mục tử chữa lành bệnh tật và thương tích tâm linh cho các tâm hồn.
Đời sống tôn giáo và sự phát triển xã hội là nét mới được khám phá nơi chủ đề Tin Mừng hôm nay: Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em.

* Tinh thần siêu thoát của người rao giảng
“Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.
Chúa Giêsu không bảo vô sản, không chủ trương tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình. 
Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.
Hơn nữa, loan Tin Mừng cốt yếu là làm chứng cho Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu đó đã sinh ra trong khó nghèo, sống kiếp nghèo và chết trong sự trần trụi trên Thập Giá. Vì thế, nếu đời sống của người rao giảng không thể hiện được tinh thần nghèo sẽ tự nó trở nên phản chứng.

Lạy Chúa Giêsu, như xưa Chúa sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng, xin cho mọi người chúng con hôm nay cũng biết sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ chúng con. Amen

 

 

THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9,7-9
Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! ” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? ” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

+ SUY NIỆM
Vua Hêrôđê vì một chút sỉ diện và ham mê nhục dục đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông đã phân vân lo lắng vì hành động của mình. Mới hay, đôi khi có những kẻ tìm kiếm Chúa không phải vì mến Người hay để xin theo Người, mà là vì sự phân vân lo lắng và lương tâm cắn rứt vì đã hành động tội lỗi:

* Tìm gặp Chúa vì phân vân.
Những ghi nhận của mọi người về Chúa Giêsu thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giêsu là Chúa: Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…), là Gioan Tẩy Giả (kêu gọi sám hối), là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).
Khi nghe những lời đồn đại về Chúa Giêsu, quận vương Hêrôđê đã phân vân và tìm cách gặp Người. Có thể cuộc gặp này để kiểm chứng thực hư, nhưng tiếc là ông ta không có cơ hội gặp, mà đến ngày Chúa bị kết án thì ông mới được Philatô giải đến cho gặp.
Còn chúng ta? Có bao giờ chúng ta dành ra những phút hồi tâm suy nghĩ về Thiên Chúa hiện hữu và tác động trên đời ta, qua những dấu chỉ cuộc sống, qua những gương chứng nhân, qua phụng vụ bí tích, qua đời sống đạo… để rồi chúng tìm đến gặp Chúa và tạ ơn Người không?

* Tìm gặp vì lương tâm cắn rứt.
Dân gian có câu:
“Hổ giết người hổ lăn ra ngủ,
người giết người thức đủ năm canh”
Thái độ thứ hai của Hêrôđê là hoang mang vì đã đổ máu người vô tội. Chính vì một chút sỉ diện và ham mê nhục dục mà ông đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông hoang mang muốn gặp…
Sự xuất hiện của Chúa đã làm phơi bày ra những tội ác của kẻ ác, và đặt mọi người vào thế đối diện với chính mình và phải tự vấn lương tâm.
Điều này cho thấy, khi chúng ta hành động tội lỗi, thì lương tâm sẽ cắn rứt và làm cho chúng ta mất bình an (trừ khi lương tâm đã ra chai đá). Để tìm lại được sự bình an, chúng ta hãy mau tìm đến gặp Chúa nơi Bí Tích Giải Tội, để được Chúa tha thứ và giúp chúng ta hoà giải với Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa Chúa chất vấn từng người chúng con về niềm tin vào Ngài là ai? Xin cho chúng con dám đối diện với chính mình xem chúng con có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng con nữa không? Hay là chỉ tìm đến với Chúa vì những lời đồn đoán và vì phân vân lo lắng những hành động tội lỗi chúng con bị phơi bày… Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN
Ngày 29-9: LỄ KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 1,47-51
Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! ” Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

 

+ SUY NIỆM
Tin Mừng Gioan không kể danh sách Nhóm Mười Hai, nhưng lại nói đến một vị được gọi khi đang ngồi trầm tư dưới gốc cây vả, đó là một kinh sư Do Thái tên là Nathanael. Mãi cho đến thế kỷ thứ XVI các học giả Thánh Kinh và Thần Học đồng hoá Nathanael mà Tin Mừng nhắc tới hôm nay chính là thánh Bartolomeo.
Ngày lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, Giáo Hội cho đọc bài Tin Mừng này, bởi vì qua câu chuyện Nathanael, Chúa Giêsu vừa mời gọi đến với Ngài (‘đến mà xem”), vừa mặc khải sự hiện diện của các thiên thần “hằng lên lên xuống xuống trên Người”.

 

* Đến với Chúa.
– Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta trước cả khi chúng ta tìm kiếm người. Mọi việc chúng ta làm dù ở đâu và lúc nào Chúa đều thấu tỏ. Nathanael dù có đức tin chưa trọn hảo nơi đạo cũ, nhưng với tấm lòng không gian dối và khát khao tìm chân lý, nên Chúa đã gọi ông theo làm môn đệ Người. Tuy nhiên, cách thế Chúa Giêsu gọi Nathanael không phải cách trực tiếp mà qua một trung gian là thánh Philipphe dẫn Nathanael đến cho Người.
– Ơn gọi làm Kitô hữu hay ơn gọi tu trì, đôi khi được Chúa gọi cách trực tiếp qua sự thôi thúc trong lòng, nhưng có lúc cũng cần đến những người khôn ngoan, những người đã đi trước hướng dẫn và giới thiệu chúng ta đến với đạo hay đến với đời tu. Cũng như thánh Philipphê khi đã gặp được Chúa, thánh nhân đã đi giới thiệu cho Nathanael và dẫn Nathanael đến gặp Chúa; chúng ta cũng vậy, sứ vụ của mọi Kitô hữu chúng ta là truyền giáo cho bất cứ những ai chưa nhận biết Chúa, giới thiệu về Chúa cho họ và đưa họ đến với đức tin.
– Việc biết Chúa không phải là chuyện bàng quang không thèm gia nhập đạo; theo đạo không phải là dửng dưng không quan tâm đến việc đạo đức, tham dự thánh lễ và cầu nguyện với Chúa; việc trở nên bạn hữu của Chúa không phải chỉ là chuyện nghe nói về Người… Nhưng cần sự gặp gỡ giữa ta với Chúa, không ai giữ đạo thay cho ta được, không ai tu thay cho chúng ta được, không ai đền tội hay lập công cho chúng ta được… Vì thế, cần một sự “đến mà xem” nghĩa là phải đến gặp gỡ Chúa qua các bí tích và đời sống đạo để được Người cứu độ.
– Trước khi gặp Chúa, Nathanael vẫn mang trong mình cái biết và cái thành kiến của một xã hội đã nắn đúc lên trong tư tưởng ông và không thể thoát ra được. Ngồi dưới gốc cây vả, ông vẫn tìm kiếm trong vô vọng về những gì dân Do-thái dựng nên trong đầu ông về một Đức Giêsu quyền lực và phải xuất thân ở một nơi danh giá, chứ không phải nơi một bác thợ mộc và quê nghèo Nazareth. Chính vì thế mà vừa nghe giới thiệu, ông phản kháng ngay: “Ở Nazareth nào có cái chi hay?” Tuy nhiên, ông vẫn dám bước ra khỏi cái thành kiến kia để đến gặp Chúa, và khi đã gặp Chúa rồi, ông đã tuyên xưng và được biến đổi trở nên người môn đệ. Chúng ta cũng thế, khi chưa gặp Chúa, chúng ta vẫn mang trong mình những thành kiến, những tư tưởng không tốt. Chúng ta chắc chắn sẽ hành động sai khi chúng ta thiếu đi sự cầu nguyện gặp gỡ xin Chúa soi sáng…

 

* Đời sống thiên thần.
Các tên gọi dành cho các vị Tổng Lãnh Thiên Thần chỉ là phẩm tính và sứ vụ được danh hoá mà thôi: Michael theo tiếng Hípri nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”, Raphael có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa” và Gabriel dịch là “Quyền năng của Thiên Chúa”; tương đương với ba sứ vụ của ba vị đại thần trong triều đình nhà vua là: Tổng thần, Y thần và Sứ thần.
Nơi vị tổng thần Michael, chúng ta ghi nhận được sự khiêm tốn suy phục Thiên Chúa qua lời tuyên xưng “Ai bằng Thiên Chúa”, cùng với sự can đảm chống lại thế lực của Satan và sự dữ;
Nơi Y thần Raphael, chúng ta tìm thấy sự săn sóc, phục vụ và an ủi tha nhân;
Nơi Sứ thần Gabriel, chúng ta cùng mang trên mình sứ điệp đem Chúa đến cho mọi người.
Trong bài giảng ngày phong bậc Tiến Sĩ Hội Thánh cho thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Đức TC Gioan Phaolo II nói rằng: “Đời sống của thánh nữ Têrêxa với các nhân đức trong sạch như các thiên thần”. Chính Chúa Giêsu cũng từng khẳng định: “Ngày sống lại người ta sẽ như các thiên thần, không còn chuyện dựng vợ gả chồng”. Như thế, điều trước hết khi sánh ví về các thiên thần, mọi tác giả (kể cả những người ngoài ngoài công giáo) đều nói đến sự trong trắng thanh cao.
Còn Stephano Hardingo gọi đời sống tu trì là đời sống thiên thần (vita angelica), bao gồm các chức năng là: trung gian, sứ giả, Seraphim (ca hát) và Cherubim (hộ giá – phục vụ).

Tóm lại: Mừng lễ các thiên thần hôm nay, vì các ngài vô hình nên chúng ta không thể học đòi noi gương, nhưng chúng ta có thể hoạ lại phẩm tính và sứ vụ của các ngài:
Là Michael, chúng ta khiêm tốn suy phục Thiên Chúa và chống lại sự dữ.
Là Gabriel chúng ta được sai đi đem Chúa đến cho mọi người.
Là Raphael, chúng ta biết cảm thương an ủi và chữa lành những ai đau khổ.
-Là trung gian khi các thiên thần như một cầu nối dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa và các ngài lên lên xuống xuống trên con người. Chúng ta đang hoạ lại sứ vụ trung gian chuyển cầu đó.
-Là sứ giả khi các thiên thần truyền tải các sứ điệp của Thiên Chúa đến cho chúng ta. Chúng ta cũng là những sứ giả của Tin Mừng.
-Là Xêraphim (thần sốt mến) các ngài ngày đêm ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Sứ vụ này hoạ lại nơi đời sống cầu nguyện của chúng ta rõ nét nhất.
-Là Cherubim (thần hộ giá) các ngài túc trực hầu cận Thiên Chúa và ở với Người. Chúng ta cũng thế, chúng ta là những tôi tớ ngày đêm hầu cận Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đến với Ngài để được gặp Ngài, nhờ đó chúng con được biến đổi nên trong sạch, xứng đáng được luôn ở bên Chúa và phụng sự Ngài như các thiên thần ngày đêm ca tụng Chúa trên trời. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9, 44b-45
“Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng chỉ có hai câu, nhưng mang một sứ điệp rõ ràng của Chúa Giêsu bảo các môn đệ “Hãy lắng tai mà nghe cho kỹ: CON NGƯỜI SẮP BỊ NỘP”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nổi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không hỏi lại Người về lời ấy.

* Không hiểu được.
Các môn đệ đang say sưa và hãnh diện về Lời Rao Giảng và Quyền Năng của thầy mình, thì đột ngột Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó sẽ xảy đến cho Ngài làm các ông ngỡ ngàng và không thể hiểu được.
Tại sao thầy uy quyền, làm được những phép lạ lớn lao như thế thì ai có thể bắt được?
Tại sao thầy chỉ làm những việc thiện và cứu mọi người lại bị nộp?
Nếu thầy bị bắt thì sứ mạng Đấng Cứu Thế ở đâu?
Bởi vì từ lúc chọn theo Chúa Giêsu cho đến lúc trước Phục Sinh, các môn đệ chỉ nhìn Ðức Giêsu với cái nhìn của con người. Họ nghĩ Ngài mang sứ mệnh chính trị, dùng quyền lực giải phóng Israel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, lên ngôi vua Israel. Từ đó các mô đệ cũng được chia phần vương giả.
Chính vì thế mà Chúa Giêsu dần dần dạy các ông hiểu về con đường cứu độ của Ngài là giải phóng toàn nhân loại khỏi ách nô lệ của ma quỷ, khỏi tội lỗi và sự chết. Con đường cứu độ này chỉ được thực hiện bằng giá máu.
Đây cũng là thái độ của nhiều người chúng ta khi đi theo Chúa, chúng ta vẫn thích một sự thành công vật chất, ưa thích quyền thế, mong được kính trọng hơn là một sự chấp nhận hy sinh vì Chúa để cứu độ các linh hồn. Nên chúng ta dễ oán trách khi gặp thất bại, dễ nghi ngờ khi gặp thử thách và dễ thoái lui trước những đau thương.

* Không dám hỏi.
Khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó, các môn đệ không hiểu nổi nhưng lại không dám hỏi, vì các ông sợ phải đối diện với sự thật về đau khổ.
Thật vậy, trong mắt các môn đệ vẫn là một tương lai rạng ngời về quyền lực đang rộng mở, một chân trời mới giàu sang đang chào đón khi Thầy lên ngôi hiển trị. Làm sao có thế chấp nhận được một kết cục như thế, chẳng lẽ Thầy bị giết là mọi hoài bảo của mình tan tành mây khói sao? Điều đó là không thể được.
Cũng vậy, ngày hôm nay khi chọn theo Chúa, không ít các bạn trẻ mang trong mình hoài bảo đổi đời, được chia sẻ chức vị, được kính trọng… Nếu được cảnh tỉnh thì họ không dám đối diện với sự thật là phải dấn thân hy sinh và tìm vinh quang cho Chúa chứ không phải cho mình.
Là Kitô hữu, chúng ta vẫn thích một sự dễ dãi hơn là những hy sinh sớm tối. Gặp khó khăn chúng ta không dám đối diện với sự thật mà tìm cách né tránh; gặp đau khổ thì dễ than trách hơn là nhẫn nhục lập công phúc trước mặt Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, là những môn đệ được mời Chúa mời gọi bước theo Ngài, xin chúng con không ngại khó ngại khổ và can đảm bước trên con đường Chúa đã đi qua, là hi sinh vác thập giá với Chúa để cứu độ các linh hồn. Amen.

 

Hiền Lâm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60)

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60) Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôn qua, chúng ta đã long trọng mừng kính...

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...