Thứ Tư, 11 Tháng Chín, 2024

Đọc và suy niệm Tin Mừng tuần II Mùa Chay (Hiền Lâm)

 Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

 

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY, NĂM B Hình ảnh có liên quan

 

THỨ HAI TUẦN II MÙA CHAY

 

THỨ BA TUẦN II MÙA CHAY

 

THỨ TƯ TUẦN II MÙA CHAY

 

THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY

 

THỨ SÁU TUẦN II MÙA CHAY

 

THỨ BẢY TUẦN II MÙA CHAY

 

  Các bài suy niệm: Hiền Lâm

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

 

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM B

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 9,2-10

Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.  Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

 

+ SUY NIỆM

“TA-BO VÀ Ô-LIU

Chúa Nhật II mùa chay, Phụng Vụ Giáo Hội cho đọc đoạn Tin Mừng tường tuật về biến cố Chúa Hiển Dung. Đây được coi là một biến cố then chốt trong hành trình cứu độ của Chúa Giêsu nhằm vừa khẳng định vừa nâng đỡ cho hành trình đức tin của các môn đệ và mội Kitô hữu chúng ta: Hiển Linh – Hiển Dung – Hiển Trị (tỏ mình bắt đầu sứ vụ, một sự mặc khải để nâng đỡ đức tin và tử nạn Phục Sinh).

 

* Biến cố biến hình vừa mang tính khẳng định lời Thánh Kinh, vừa bắt đầu đi vào Tử Nạn.

Một chi tiết giàu tính biểu tượng là sự hiện diện của hai khuôn mặt lớn trong Cựu ước: Môsê và Êlia, là hai nhân vật tóm tắt tất cả Lề Luật Môsê) và các ngôn sứ (Êlia). Hai nhân vật này tượng trưng cho Luật và các ngôn sứ, hai cánh cửa chính của Thánh Kinh trong đó đã loan báo Chúa Kitô phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Ngài. Sự hiện diện của các ngài là chứng cớ sống động rằng lời tiên báo của Đức Giêsu về tương lai của Người hoàn toàn phù hợp với Thánh Kinh. Môsê là con người của cuộc Xuất hành, của núi Si-nai và của cuộc vượt qua Biển Đỏ; còn Êlia tiên tri lớn đã phải chịu đau khổ vì Thiên Chúa và vì dân tộc trước khi được cất lên trong đám mây… 

Như một Êlia mới, Đức Giêsu cũng được mời gọi chịu đau khổ trước khi được “cất lên” (9,51) trong vinh quang thiên quốc, Người cũng là Môsê mới trong cuộc Xuất hành mới, trong lễ Vượt Qua mới của một Giao ước mới, sẽ vượt qua biển sự chết để giải phóng dân Người và dẫn đưa họ đến Đất sự sống đời đời.

 

* Núi Ta-bo và núi Ô-liu: Thiên tính và nhân tính

Việc biến hình liên quan mật thiết với cuộc thương khó và biến cố Phục Sinh. Trong vài tuần nữa, Đức Giêsu lại đem ba người theo Người, ba người bạn này đến vườn Ghếtsêmani (Mt 26,37; Mc 14,33). Gương mặt của Đức Giêsu mà họ sắp thấy rạng ngời vinh quang, lúc đó họ lại thấy thấm đầy mồ hôi và máu đỏ (Lc 22,44) bị vả tát, rồi phỉ nhổ (Mt 25,67).

Việc Chúa Giêsu biến hình đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời. Từ nay các ông sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu. Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa. Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang. Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn. Bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh. 

Sứ điệp này cũng liên hệ đến cuộc đời chúng ta là giống như Đức Kitô, mỗi người chúng ta cũng có hai chiều kích, một thuộc về nhân tính, một thuộc về thiên tính. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một nét giống Ađam và một nét giống Thiên Chúa.

Chúa Giêsu trong trong kiếp phàm nhân đã cảm nhận những phút vinh quang biến hình thì cũng đồng thời sau đó cảm nhận sự thê thảm của sự tủi nhục, thì cuộc đời Kitô hữu chúng ta cũng thế. Những lúc đó, hãy nhìn lên Chúa để cùng hiệp thông với Người, như thánh Phaolô nói: Nếu chúng ta cùng cam chịu như người, thì cũng sẽ chia sẻ vinh quang với Người.

 

* Một biến cố của đức tin và niềm hy vọng.

Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng. Người cho các ngài nếm thấy trước vinh quang để chấp nhận con đường đau khổ của Người sắp trải qua.

Các môn đệ cần được nâng đỡ qua biến cố hiển dung này, vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi khác, lúc đó bầu trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu, sẽ đầm đìa mồ hôi và máu, quần áo của Người sẽ không còn chói sáng nữa, mà sẽ bị lột khỏi thân mình Người. Đức Giêsu sẽ có hai tên trộm cướp làm bạn đồng hành. Sẽ không có tiếng nói phát xuất từ trời nữa, nhưng chỉ có những giọng nói chế giễu và nhạo báng mà thôi. Các môn đệ sẽ bị tản mác, và không muốn tham dự vào những sự việc đang diễn ra.

Biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng, là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Tựa như học sinh kiên nhẫn và miệt mài đèn sách vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp, như nông phu thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa cấy cầy vì hy vọng vào mùa gặt bội thu… 

Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.

 

* Phải xuống núi.

Phêrô cứ muốn được ở lại trên núi. Ông muốn xây dựng một thiên đàng an toàn tại đó, cách xa khỏi tất cả những rắc rối và nguy hiểm. Nhưng mục đích của cuộc biến hình này không phải để khuyến khích họ trốn thoát thực tại, mà để khích lệ và củng cố Đức Giêsu và các Tông đồ nữa, để họ có khả năng quay trở lại, hầu đương đầu với những rắc rối và nguy hiểm mà họ đã để lại phía sau.

Phêrô muốn được ở lại trên đỉnh núi, muốn được khư khư giữ lấy ân sủng của cảm nghiệm này. Ông không muốn quay trở lại với cuộc sống hằng ngày và những thứ thông thường nữa, nhưng cứ muốn được mãi mãi ở lại trên vùng đất đầy niềm say mê phấn khích đó. Nhưng Đức Giêsu đã kêu gọi ông xuống núi, và đối diện với tương lai. Cảm nghiệm này không có ý tạo ra một sự trốn thoát khỏi cuộc đấu tranh đang nằm ở phía trước, nhưng là để giúp Người sẵn sàng đương đầu với cuộc đấu tranh đó. Giây phút đầy ánh sáng, là để giúp Người đương đầu với giây phút đầy bóng tối.

Cũng như Phêrô và các môn đệ trong biến cố biến hình hôm nay, mỗi người chúng ta ai cũng muốn được ở trên đỉnh vinh quang, nhưng lại không muốn đối diện với thực tế của cuộc đời, và muốn trốn tránh kiếp lữ hành trần thế, muốn trốn tránh thập giá là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh. Chúa Giêsu hôm nay vừa tỏ cho chúng ta thấy viễn cảnh Phục Sinh để nâng đỡ niềm tin cho chúng ta và cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh hằng, nhưng Người mời gọi chúng ta phải xuống núi: xuống núi vừa để giúp những người khác thêm niềm tin và hy vọng, xuống núi để tiếp tục cuộc lữ hành trần thế tiến về quê Trời.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa Nhật thứ II mùa chay thánh này, Chúa mời gọi chúng con nâng tâm hồn lên để được nên một với Chúa trong ánh sáng thần linh, đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng con dấn thân vào cuộc sống để sống trọn kiếp lữ hành trần thế trong ý Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và thực thi ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, với niềm hy vọng cuộc hiển dung cuối cùng trong vương quốc hằng sống của Chúa. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN II MÙA CHAY

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6,36-38

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay là lời dạy của Chúa Giêsu về việc xét đoán và sự tha thứ:

*  Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán”. 

Việc mình thì quáng, việc người thì sáng.

“Chân mình những lấm mê mê

Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”

Chúa Giêsu vạch rõ tính cách của nhiều người trong chúng ta thường thì không thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại xoi mói dò xét cái lỗi của người khác mà lắm khi cái lỗi của chúng ta còn lớn gấp trăm lần cái lỗi của tha nhân. Chúng ta dễ nói lên ý kiến, nhận định chủ quan về người khác, mặc dù chúng ta chẳng có trách nhiệm để làm việc đó, hay sẵn sàng rêu rao cho mọi người biết về những sai lầm, khiếm khuyết của người khác nhằm ngầm ý đề cao mình hơn. Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Vì anh em xét đoán thế nào thì cũng sẽ bị xét đoán như vậy; anh em đong đấu nào thì sẽ được đong bằng đấu ấy”. Người khẳng định về cách đối xử của chúng ta với anh em đồng loại sẽ được trả lời trong ngày sau hết, tại có khi sẽ xảy ra ngay tại đời này. 

Chúa Giêsu không cấm chúng ta có những nhận xét khách quan, những nhận xét phân biệt phải trái, sai quấy. Nhưng khi chúng ta kết tội và lên án lương tâm người anh em, là chúng ta xâm phạm quyền chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Trong đời sống cộng đồng, điều này dễ xảy ra khi chúng ta có một chút gì hơn anh chị em mình thì dễ dàng dùng mình làm tiêu chuẩn để lên án người khác, hay những khi “suy bụng ta ra bụng người”, mắt mình dính bụi thì thấy mọi thứ đều bẩn.

*  Khi tha thứ là lúc được thứ tha.

Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ. 

Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai? 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy yếu đuối và giới hạn, để từ đó dễ cảm thông và không lên án tha nhân. Xin cũng cho chúng con luôn biết sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, để chúng con cũng được Chúa thứ tha tội lỗi. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN II MÙA CHAY

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 23,1-12

Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay là những lời lên án của Chúa Giêsu đối với các nhà thông luật Do-thái về cách sống tự tôn, giả hình và ngôn hành bất nhất của họ.

* Giả hình và tự tôn

Các người Pharisiêu với áo vàng mũ miện đai nịt màu mè, nhưng trong tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người Pharisiêu thích chiếm chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực. Chúng ta cũng dễ bị ảnh hưởng điều này, vì cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… 

Đó cũng là thái độ của không ít người trong chúng ta, tìm cách che giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm tốn đón nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự.

* Nói mà không làm

Lời trách mắng dành riêng cho người thông luật là: “Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”. Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do Thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ. 

Thật ra, điều này không xa lạ gì với chúng ta hôm nay, vẫn còn đó đây những vị này vị nó thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người” – chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người… Xin Chúa giúp chúng ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải biết làm gương trước – ngôn hành như nhất.

* Đừng gọi ai dưới đất là Thầy hay là Cha

Có lẽ không ít người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ thắc mắc, tại sao Chúa nói thế mà ngày nay mình vẫn gọi các linh mục là Cha và các tu sĩ hay GLV là thầy. Chúng ta cần hiểu rằng từ “gọi” hay “kêu” trong ngôn ngữ Phương Đông cách riêng người Do Thái hiểu là nhận người đó làm “chủ” đời mình, hay “lý tưởng” cuộc đời mình, hoặc “tôn thờ” như vị chúa của mình, rồi hoàn toàn lệ thuộc và phục tùng họ, giống như các đệ tử Khổng Tử sống hoàn toàn theo giáo thuyết của họ. Tóm lại “gọi” hay “kêu” ở đây là đệ tử sống theo giáo thuyết và học đòi lối sống của họ.

Hiểu như thế, có nghĩa là Chúa Giêsu chỉ muốn các môn đệ và cả chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, và noi bước theo một vị thầy duy nhất là Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Chúng ta gọi các linh mục là cha hay tu sĩ là thầy không phải để “tôn thờ” hay “lệ thuộc” các ngài, nhưng nhìn nhận các ngài như là tôi tớ của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi.

Mọi người chúng ta được Chúa mời gọi mỗi người mỗi công việc bổn phận trong Hội Thánh, chúng ta hãy học lấy tinh thần khiêm tốn và hăng say phục vụ vì lòng yêu mến, chứ không phải ham muốn chức quyền và danh vọng để được hơn người…
Khi có trách nhiệm lãnh đạo. Chúng ta cần có tinh thần phục vụ hơn háo danh, ý thức trách nhiệm của mình hơn đòi hỏi người khác. Ai làm lớn thì phải phục vụ anh em, ai làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người. 

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm tốn trong bậc sống và trách nhiệm Chúa giao phó, để chúng con không tìm vinh quang cho riêng mình mà là Chúa được vinh danh trong chính cuộc sống của mọi người chúng con. Amen

 

 

THỨ TƯ TUẦN II MÙA CHAY 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 20,17-28

Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”

Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì? ” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? ” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

 

+ SUY NIỆM

Theo thứ tự tường thuật các Tin Mừng, thì đây là lần thứ ba Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh của Người. Lời tiên báo được thốt ra khi thầy trò đang tiến lên Giê-ru-sa-lem và các môn đệ hí hửng mang trong mình mong muốn thầy xưng hùng lập quốc để các ông được chia sẻ quyền lực, nên Chúa Giêsu một lần nữa lặp lại cho các môn đệ biết con đường Người sẽ đi để hoàn tất chương trình cứu độ, con đường: “qua thập giá đến vinh quang”.

 

* Con đường qua thập giá tới vinh quang.

Có thể nói,tội nguyên tổ như một quả bom nguyên tử được làm bằng thuốc nổ kiêu ngạo và bất tuân đã rơi xuống cắt đứt con đường nối con người với Thiên Chúa, con đường nối dương gian với quê trời, sức công phá của nó đã tạo nên một hố sâu lớn khiến cho không ai từ bên nhân loại có thể qua với Thiên Chúa được nữa. Bây giờ, Chúa Giêsu đến, Người bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi đó là thập giá, được làm bằng chất liệu gỗ khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào nước trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”.

Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Chúa Giêsu tự vác lấy thánh giá mình để đi trọn con đường cứu độ, nên Chúa cũng muốn mọi người vác lấy thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

 

* Muốn làm đầu phải hầu thiên hạ.

Tin Mừng tiếp tục kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em con nhà ông Giê-bê-đê xúi mẹ “đi đêm” với Chúa Giêsu để được quyền cao chức trọng. Thật ra, không phải để nói xấu quý ngài mà là nói lên bản tính của con người vốn ham mê quyền lực, nhưng điều quan trọng là sự biến đổi thành thánh nhân bằng con đường phục vụ và hiến mạng sống mình vì Chúa và tha nhân như thánh Gia-cô-bê và Gio-an.

Đâu chỉ riêng gì hai vị Gia-cô-bê và Gio-an, mà cả nhóm các tông đồ cũng tỏ ra tức tối về chuyện xin xỏ quyền lực này (x. Mt 20,24). Thật vậy, từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ, các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Trời. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ.

Cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… 

Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, các ngài từng hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài. Còn “hai vị kia” thì lo lót chạy trước hai cái ghế nhị tam ở bên tả và bên hữu Thầy.

Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hi sinh. Vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra điều kiện để vào Nước Trời trước đã: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Chén Thầy sắp uống chính là con đường thập giá và hi sinh để cứu độ. Kế đến Người mới đưa ra điều kiện để trở nên lớn trong Nước Trời chính là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Như vậy, chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị.

Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như bé nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.

Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hi sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

 

Lạy Chúa Giêsu, là những môn đệ được mời Chúa mời gọi bước theo Ngài, xin chúng con không ngại khó ngại khổ và can đảm bước trên con đường Chúa đã đi qua, là hi sinh vác thập giá với Chúa để cứu độ các linh hồn. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 16, 19-31

“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

“Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”

+ SUY NIỆM

Khi kể dụ ngôn về người giàu và Lazarô, trước hết Chúa Giêsu ám chỉ đến quan niệm sai lầm của các biệt phái, vì họ coi thịnh vượng đời này là dấu chỉ ơn lành của Thiên Chúa và nghèo nàn là dấu chỉ bị ruồng bỏ. Cái nhìn tôn giáo của họ xác tín rằng ở trần gian này người lành sẽ được thịnh vượng, kẻ ác gặp bất hạnh. 

Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu, thịnh vượng trần thế không minh chứng giá trị đạo đức và sự hậu đãi của Thiên Chúa; cũng như nghèo khó không minh chứng sự bại hoại luân lý và việc Thiên Chúa ruồng bỏ. Tất cả nằm trong chương trình của Thiên Chúa, điều mà Thiên Chúa muốn không ở tại ở chuyện giàu nghèo mà là sự tương quan giữa người với người.
Vì thế, qua dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng suy niệm 3 ý chính:

* Vô cảm trước đồng loại.

Hai hình ảnh của hai con người trái ngược nhau ngay trong một căn nhà: kẻ ăn không hết người lần không ra. Một bức tranh tương phản, một khoảng cách rất gần mà lại rất xa, hai con người với hai cuộc đời, hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Từ trong nhà ông phú hộ đến chỗ người ăn mày Lazarô nằm ngoài hiên chỉ cách dăm ba bước, gần nhau về thể lý, nhưng tình liên đới thì ngàn trùng xa. 

Chúng ta không thấy ông phú hộ có những chuyện bóc lột, đàn áp, hay có lối sống bất chính; dụ ngôn không nói về bất cứ lỗi nào ông ta phạm, chỉ đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau khi sống và lúc chết. Như vậy, tội của nhà phú hộ kia chính là sự vô cảm và dửng dưng với người nghèo. Chúa không phạt nhà phú hộ vì ông ta giàu. Chúa cũng không cổ súy cho sự nghèo nàn của Ladarô. Nhưng Chúa mời gọi hãy sống có sự liên đới với nhau để người giàu không dư, người nghèo không đói. 

Điều này nhắm tới mọi người chúng ta là: Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết. Khi ta mở cửa lòng mình ra là lúc ta bắt đầu sống. Khi chỉ biết tìm kiếm sao cho có thật nhiều tiền, cặp mắt người ta sẽ bị che mờ đến nỗi không còn nhìn thấy Thiên Chúa và tha nhân nữa.

Cái tội Chúa cảnh tỉnh chúng ta hôm nay chính là tội thiếu sót, không chu toàn bổn phận yêu người, bàng quang trước những người bất hạnh xung quang chúng ta. Không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với anh em. Có người lại yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình thì khó.

Tiền bạc cũng như vật chất là những ơn huệ Chúa tặng ban. Chúng ta được phép sử dụng để bảo đảm cho cuộc sống và phẩm giá bản thân, đồng thời còn có bổn phận phải chia sẻ và giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ bần hàn túng thiếu. Chính những hành động bác ái yêu thương này sẽ có một giá trị vô song tạo cho chúng ta một kho tàng ở đời sau.

* Khoảng cách vô hạn.

Vì xa khi còn sống, nên chết rồi xa lại ngàn trùng xa. Vực thẳm chia cách giữa người được hưởng phúc trong lòng Abraham và kẻ phải chịu cực hình dưới địa ngục, thực ra chỉ là sự nối dài của vực thẳm đã được đào sâu giữa bàn ăn nhà phú hộ với chỗ hiên mà Lazarô nằm khi còn sống, một ranh giới ngày càng được đào sâu một cách vô hình cho tới một lúc tấm màn cái chết buông xuống với cả hai.

Khoảng các sau cái chết là vô hạn, không còn có chuyện qua lại giữa thiên đàng và hoả ngục. Vực thẳm lớn không thể vượt qua, biểu tượng cho tính dứt khoát của số phận của những người được hưởng hạnh phúc hay sẽ phải chịu đau khổ trong thế giới kẻ chết.

Khi sống, ông phú hộ đã không chịu bước vài bước đó, để cảm thương và giúp đỡ người hành khất, để khi chết rồi, vài bước vô tâm kia đã đưa tới cực hình vô tận. Khi còn sống ở trần thế, giữa hai người có một khoảng cách rất gần.Trong thế giới mai sau, khoảng cách giữa hai bên xa vời vợi. Hai thứ khoảng cách đó liên hệ mật thiết với nhau. Đắp con đường liên đới tới tha nhân đời này là xây cây cầu tới thiên quốc mai sau.

Vì thế, ngay từ khi còn sống trên trần gian này, chúng ta hãy gấp rút sửa mình để kẻo quá trễ như nhà phú hộ. Mọi chuyện sẽ có ngày phân định. Cái chết chính là lúc phân minh. 

Hãy hoán cải ngay từ bây giờ bởi vì giây phút hiện tại mới thực là quan trọng, nó chính là thời điểm duy nhất chúng ta có thể sống như chúng ta muốn và xây dựng cho tương lai vĩnh cửu một cách hữu hiện nhất, vì ngày mai phải được bắt đầu từ ngày hôm nay. Tình liên đới nếu không tạo lập ở thế gian, khi chết rồi sẽ không còn cơ hội nữa.

* Sự cứng lòng.

Qua câu trả lời của Abraham cho người phú hộ trong dụ ngôn, cho thấy sự cảnh báo về việc sử dụng của cải đã hàm chứa trong Luật pháp Mô-sê và Lời Chúa do các ngôn sứ rao truyền, đủ thuyết phục mọi người sửa đổi thói ích kỷ và biết quảng đại với tha nhân. Vì thế nếu đã không hồi tâm sám hối, không phải vì họ đã không có đủ các phương thế giúp ăn năn hối cải, nhưng chỉ vì họ đã cố tình từ chối thi hành các phương thế ấy mà thôi. Bởi hoán cải là mở lòng đón nhận, tin vào Thiên Chúa và thay đổi cuộc sống. Do đó, nếu không nghe lời Môsê và các ngôn sứ, để hoán cải được thì việc người chết có hiện ra chỉ vô ích.
Không ít trong chúng ta cũng xem thường việc nghe Lời Chúa và tuân giữ lề luật Chúa và Giáo Hội, mà thích đòi hỏi những phép lạ rồi mới tin và hoán cải. Mỗi ngày chúng ta có nhiều cơ hội và nhiều phương thế để hoán cải, qua Lời Chúa, qua lề luật, qua bí tích và qua những dấu chỉ của cuộc sống; nếu chúng ta không quan tâm, thì đến ngày ra trước mặt Chúa chúng ta không có cớ để viện minh nữa.

Con đường chân chính duy nhất đến với đức tin không phải là một phép lạ nhãn tiền nhất mà là sự khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa. Nếu con tim đã trở nên đui mù và chai cứng vì ích kỷ, không mở lòng ra đón nhận Lời Chúa, không quan tâm đến người thân cận, thì các phép lạ và các sứ giả từ bên kia thế giới trở về cũng chẳng giúp lay tỉnh được.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con để đừng vô cảm trước những mảnh đời khổ đau, xin mở rộng bàn tay chúng con, để chúng con luôn biết san sẻ giúp đỡ những người bất hạnh… Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN II MÙA CHAY

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 21,33-43.45-46

Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta.” Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó! ” Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia? ” Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” Đức Giê-su bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.

 

+ SUY NIỆM

Dụ ngôn “các tá điền gian ác” mỗi lần được đọc lên thì có lẽ ai cũng hiểu ngay là Chúa Giê-su ám chỉ đến những nhà lãnh đạo Do-thái đã muốn tiếm quyền của Chúa trên dân Israel và đã ra tay giết các ngôn sứ mà Chúa đã gửi đến cảnh tỉnh họ, nhất là đã đóng đinh giết chết chính Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa. Để rồi, Nước Thiên Chúa đã được dành cho ai biết sinh lợi cho Chúa.

Vì thế mà bài chia sẻ này sẽ không tập chú phân tích về điều mà ai cũng đã hiểu đó nữa, nhưng tìm đi tìm ý nghĩa thời sự mà dụ ngôn vẫn tiếp tục cảnh tỉnh chúng ta ngày hôm nay.

 

* Ý nghĩa tá điền và vườn nho ngày nay.

– Vườn nho Giáo hội: Cũng như dân Israel xưa được ví như là vườn nho do Đức Chúa trồng và canh giữ, Giáo hội Công giáo là “dân mới” của Thiên Chúa (có thể nói như là sự thay thế dân Do-thái xưa sau khi họ bất tuân phản bội giao ước). Giáo hội – trên danh nghĩa hoàn vũ hay địa phương – thì cũng đều là của Chúa Giê-su. Thế nhưng, không thiếu những đấng bậc lạm dụng chiếm làm của mình, rồi thao túng Giáo hội (cộng đoàn, giáo xứ) theo sự vụ lợi hoặc tham danh cho mình; bảo thủ và phớt lờ những tiếng nói ngôn sứ, thậm chí bịt miệng những ai dám lên tiếng chỉ ra những lạm dụng và sai trái, và cuối cùng “giết chết một Chúa Giê-su đích thực” trong Giáo hội, và chỉ còn lại là sự xuống cấp về niềm tin và luân lý. Chính vì thế, Lời Chúa trong dụ ngôn “tá điền sát nhân” vẫn luôn thức thời và mời gọi cách riêng những đấng bậc trong Giáo hội từ cấp giáo hội địa phương đến các cộng đoàn giáo xứ hay tu trì luôn phải ý thức vai trò và cách thức mình đang phục vụ, có hợp với đường lối Chúa muốn hay không.

– Vườn nho tâm hồn: Mỗi người cũng được ví như một vườn nho mà Chúa đã trồng và giao cho việc tự quản lý và sinh hoa lợi cho Người. Thế nhưng, lắm khi chúng ta đã coi thường tiếng nói của lương tâm, phớt lờ những lời dạy dỗ và sửa đổi của những người có trách nhiệm, bỏ qua lề luật Chúa và Hội Thánh, hững hờ với việc nghe Lời Chúa, và cuối cùng là “giết chết” Chúa Giê-su hiện diện trong tâm hồn – bỏ đạo và hư đi đời đời… Lời Chúa mời gọi mỗi người luôn ý thức về mình để biết trông giữ tâm hồn và làm sinh lợi cho sự nghiệp nước Chúa.

 

* Nước Thiên Chúa sẽ bị lấy đi và trao cho dân tộc xứng đáng…

“Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43).

Người làm vườn làm không đạt mà còn quậy thì đương nhiên ông chủ sa thải và giao vườn cho những người khác làm tốt hơn. Cũng thế, khi Nước Thiên Chúa được trao cho cộng đoàn hay cá nhân mà không biết làm phát triển và sinh hoa kết quả cho Chúa, thì việc bị cất đi và dành cho dân tộc hay cá nhân xứng đáng hơn âu cũng là điều phải lẽ. chức năng của cành nho không phải là trơ trụi hoặc ra lá, mà là phải sinh hoa trái, sinh hoa trái tốt chứ không phải hoa trái xấu, nếu không thì phải bị cắt bỏ để khỏi làm tổn hại đến cây và các cành khác.

Chúa ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi. 

Chúa ban cho chúng ta niềm tin, cần sự thanh luyện và trau dồi để niềm tin lớn lên. Nếu không, vì không sống niềm tin thì một ngày nào đó, chính niềm tin ban đầu cũng sẽ nguội lạnh và mất đi…

Lại nữa, như vườn nho vẫn hút nhựa sống từ “đất”, nhưng lại chỉ ra lá. Đó là tình trạng của những con người ích kỷ chỉ lo cho mình, được hưởng bao ân huệ của Chúa nhưng lại không chia sẻ cho tha nhân, nhất là thiếu đi tinh thần truyền giáo.Việc yêu mến Thiên Chúa thật tự nó sinh hoa trái, người luôn có sự sống thân tình với Thiên Chúa thì cũng đương nhiên có đời sống tương quan đức ái với mọi người.

Có vườn nho lại sinh hoa trái xấu, có thể vì không hút được đủ dinh dưỡng từ “đất”, cũng có thể do bị sâu bọ cắn phá. Đó là những ai hời hợt với ơn Chúa, hoặc để cho những thứ tác động bên ngoài xâm nhập đục khoét tâm hồn, nên đời sống họ không thể sinh hoa trái công phúc việc lành cho Giáo Hội.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hằng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN II MÙA CHAY

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 15, 1-3.11-32

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

“Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

 

+ SUY NIỆM

Chủ đề chính của bài Tin Mừng hôm nay là Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và chờ đón nhận tội nhân trở về.

Trái ngược với cái nhìn loại trừ của các kinh sư Do Thái, khi họ bàn tán xầm xì với nhau về việc Chúa Giêsu đã đón nhận và đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi, Chúa Giêsu trả lời các kinh sư bằng dụ ngôn “người cha nhân hậu” (người con phung phá).

Dụ ngôn “người cha nhân hậu” là dụ ngôn mà có lẽ chúng ta được nghe đến thuộc lòng, được chú giải đến hàng trăm lần, thậm chí đã được viết ra thành kịch bản để diễn trong những buổi văn nghệ nơi nhiều giáo xứ.

 

Phần lớn, khi nói đến dụ ngôn này, người ta có hai cách chú giải, tương đương với hai cách đặt tên cho dụ ngôn, đó là “Người Cha Nhân Hậu” hoặc “Người Con Phung Phá”.

Hôm nay chúng ta cùng suy nghĩ thêm một chút về một nhân vật thứ ba trong dụ ngôn. Đó là người anh Cả:

– Trong khi người cha tha thứ và vui mừng vì con mình trở về, thì anh lại giận dỗi loại trừ em mình.

– Trong khi người cha mở tiệc ăn mừng và phục hồi quyền thừa tự cho đứa con lầm lạc, thì anh ruột lại từ chối vào ăn uống với em và không nhận em.

– Trong khi ngươi cha tha thứ và quên hết chuyện quá khứ, thì anh cả nhắc lại và phân bì… 

– Người cha sống yêu thương con, nhưng đứa con cả lại sống như một người nô lệ (hầu hạ cha…).

– Người cha hạ mình để đến với từng đứa con, chạy ra ôm đứa con thứ, chạy đến mời con cả vào nhà. Trong khi người anh lại ganh tị và lấy mình làm chuẩn để phân bì. Người anh tự cho mình là tốt để rồi lên án em và trách cha không công bằng.

 

Còn chúng ta thì sao?

– Chúa sẵn sàng quên hết quá khứ của người tội lỗi, còn chúng ta thì bới móc lên, mang lấy thành kiến – yên trí cả đời.

– Chúa đón nhận, tha thứ và tạo cơ hội cho tội nhân trở về, còn chúng ta kết án và loại trừ người anh em, con cùng một cha trên trời.

– Có thể chúng ta cũng đang mang tâm trạng như người con Cả, chúng ta vẫn đi nhà thờ đi lễ, vẫn chu toàn các giới răn lề luật, không hề trái bao giờ, nhưng chúng ta lại không hiểu được lòng Cha, không cảm nhận được tình yêu của Ngài, lòng chúng ta đã xa Ngài, và điều khiến người cha đau khổ hơn nữa là khi thấy những người con không hòa thuận với nhau. 

– Có thể chúng ta cũng giống như người con Cả khi chúng ta trách móc Thiên Chúa không công bằng, khi chúng ta nhìn anh em xung quanh như là người xa lạ với mình như là người dưng nước lã và ghanh tỵ với những thành công của người anh em…

 

Cũng có thể, chúng ta như người con phung phá là người con quyết ra đi có chủ ý, dù không từ nhận cha mình, không cắt đứt với anh mình, nhưng nó muốn bỏ nhà cha và xa anh em để ra đi khẳng định mình bằng những gì mình mang theo (dù đó là của cha cho), muốn tự lập và tự do thoải mải ngoài luân thường đạo lý. Đây là mẫu người dù không từ chối Chúa và Hội Thánh, nhưng muốn tự mình giải thoát, tin vào khả năng mình (mặc dù khả năng đó là do Chúa ban), muốn vượt ra ngoài giáo huấn Tin Mừng và lề luật Hội Thánh để được tự do phóng khoáng và giữ “đạo tại tâm”.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa, luôn biết yêu thương, cảm thông, tha thứ và giúp đỡ tội nhân trở về với Chúa. Amen

 

Hiền Lâm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 22/8, Đức Maria Trinh Nữ Vương: Lc 1,26-38

Ngày 22/8, Đức Maria Trinh Nữ Vương: Lc 1,26-38 Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Trong một thị kiến Đức Mẹ nói với thánh nữ Fautina rằng:...

Thứ 6, Tuần XVIII TN, B, Mt 16,24-28: Điều kiện và kết quả

ĐIỀU KIỆN VÀ KẾT QUẢ (Mt 16,24-28) M. Nguyên Sỹ, Thiên Phước Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đặt điều kiện với những ai muốn làm...

Ngày 8/8, Thánh Đa Minh, linh mục, Mt 16,13-23: Nói với Chúa – Nói về Chúa

Ngày 8/8, Thánh Đa Minh, linh mục, Mt 16,13-23 Nói Với Chúa - Nói Về Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Các Lời nguyện trong Giờ Kinh...

Thứ Bảy Tuần XVII Thường niên, Mt 14,1-12: Làm chứng cho Chúa giữa đời thường

Thứ Bảy Tuần XVII Thường niên, Mt 14,1-12 Làm Chứng Cho Chúa Giữa Đời Thường Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ông Gioan nói với vua Herode: “Ngài...

Thứ Tư Tuần XVII, Thường niên, Mt 13,44-46: Đi tìm “kho báu”

Thứ Tư Tuần XVII, Thường niên, Mt 13,44-46 Đi tìm “kho báu” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ấy bán tất cả những gì mình có mà...

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...