Thứ bảy, 21 Tháng mười hai, 2024

Đọc và suy niệm Tin Mừng TUẦN III MÙA CHAY (Hiền Lâm)

 

CHÚA NHẬT III MÙA CHAYKết quả hình ảnh cho hình ảnh Chúa Giêsu xua đuổi kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ

 

THỨ HAI TUẦN III MÙA CHAY

 

THỨ BA TUẦN III MÙA CHAY

 

THỨ TƯ TUẦN III MÙA CHAY

 

THỨ NĂM TUẦN III MÙA CHAY

 

THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY

 

THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY

 

Các bài suy niệm: Hiền Lâm

 

 

 

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, NĂM B

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 2,13-22

Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? ” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? ” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

 

+ SUY NIỆM

“ĐEM RA KHỎI ĐỀN THỜ NHỮNG GÌ KHÔNG XỨNG ĐÁNG

Bài Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay (năm B) hôm nay, thánh Gioan kể về việc Chúa Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem, Người đã nổi giận xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta biết tôn trọng nơi thánh, đồng thời tôn trọng thân xác và tâm hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa ngự:

* Đừng biến Nhà Cha Ta thành nơi chợ búa.

Đền thờ Giêrusalem được nói đến đây là đền thờ thứ ba được vua Hêrôđê Cả xây dựng (đền thờ đầu tiên do vua Salômon, đền thờ thứ hai thời Esdra-Nơkhemia đã bị tàn phá) có ba phần bao gồm Nơi Cực Thánh, Nơi Thánh và Sân Chư Dân. Hằng năm, các dịp lễ lớn, người Do-thái từ khắp nơi về dự lễ, có cả những kiều bào và dân các thành khác. 

Xung quanh đền thờ, người ta đã lập các kios đổi tiền, buôn bán chiên bò và bồ câu, nhằm đáp ứng nhu cầu những người từ xa về dự lễ khỏi phải mang theo những thứ cồng kềnh. Họ đổi ngoại tệ để nạp thuế đền thờ, đổi tiền lẻ để dâng cúng; người giàu thì mua chiên hay bò, người nghèo thì mua chim gáy hoặc bồ câu để dâng lễ.

Giới tư tế đã nhân cơ hội chiếm dụng cả khuôn viên Chư Dân để lập ra các dịch vụ cho dòng tộc buôn bán trục lợi, làm cho nơi trang nghiêm thành ra chợ búa, nháo nhác tiếng dê kêu bò rống, la lối tranh cãi và có cả quân bảo kê móc túi…

Chúa Giêsu nhìn thấy cảnh lộn xộn của quân buôn và ô uế của súc vật, vì lòng nhiệt thành, Người đã xua đuổi chúng và nói:

“Đừng biến nhà Cha Ta thành chợ búa”.

Sự kiện này là bài học cho chúng ta, chúng ta ý thức đền thờ là nơi thánh không? Chúng ta có những chiếm dụng trái phép của thánh không? Chúng ta đã thật sự giữ trang nghiêm khi bước vào nhà thờ? Chúng ta có dành riêng nơi thánh để chỉ làm việc thờ phượng Chúa, hay là dễ dàng dùng nhà thờ để tổ chức những sinh hoạt khác không thích hợp?

Đền thờ là nơi để cử hành việc Phụng vụ. Vậy, hãy đem ra khỏi đền thờ những gì không xứng đáng, đem ra khỏi đền thờ những gì có nguy cơ gây chia trí và gây tục hóa, đem ra khỏi đền thờ những gì không thuộc về Phụng vụ. 

Đặc biệt, khi vào đền thờ, hãy chỉ để tâm hồn dành riêng cho Thiên Chúa, hãy để ở ngoài tất cả mọi toan tính tư lợi hay hận thù…

* Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa ngự.

Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. 

Khi Chúa Giêsu nói rằng: “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Tin Mừng giải thích rằng Chúa muốn ám chỉ về thân xác của Người bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh. 

Và cũng từ những chứng từ này, mà trong Bài Đọc II, thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô đã nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”

Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta vẫn tuyên xưng điều đó. 

Anh em là đền thờ của Thiên Chúa ngụ, vậy hãy đem hết những gì không thích hợp, hãy loại bỏ ra ngoài những ích kỷ tham lam toan tính hận thù. Đừng lạm dụng thân xác để làm điều tội lỗi. Thiên Chúa không thể ở chung với những gì thuộc ma quỷ, nên hãy mau loại bỏ tội lỗi ra ngoài và để cho Thiên Chúa thánh hiến “đền thờ” của Người.

Chúng ta hãy lo trang hoàng đền thờ chúng ta bằng các nhân đức việc lành để xứng đáng cho Thiên Chúa ngự. Chứ đừng để cho “thần tài” ngự hoặc “súc vật” làm ô uế như người Do-thái xưa đã làm cho Giêrusalem.

Lại nữa, như lời thánh Phaolô dạy, không ai có quyền phá huỷ thân xác mình hay thân xác kẻ khác. Tự huỷ hoại thân xác mình hay làm hại người khác đều là tội giết người.

Cuối cùng, vì lòng nhiệt thành với Chúa, chúng ta không sợ kẻ giết thân xác mình, vì xác tín rằng, đền thờ thân xác chúng ta sẽ được Chúa xây dựng lại trong ngày chung thẩm.

 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức trang nghiêm mỗi khi bước vào nhà thờ, ý thức sự hiện diện của Chúa để sốt sắng cử hành phụng vụ thánh. Xin cũng cho chúng con biết quý trọng thân xác và tâm hồn mình là đền thờ của Chúa Ba Ngôi hiển ngự, để chúng con luôn giữ mình trong sạch và biết trang hoàng đền thờ tâm hồn bằng những nhân đức thánh thiện. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN III MÙA CHAY

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 4,24-30

Tại Na-za-rét, Đức Giê-su nói: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

+ SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay, tiếp theo việc Chúa Giê-su về quê, mang theo những kiến thức rao giảng Lời Chúa và năng quyền chữa bệnh. Tưởng chừng như thành công về Lời Rao Giảng, nhưng sau đó được coi như là một thất bại vì sự thành kiến và ghen tị của những người quê hương.

         Những người ở quê hương nhìn Chúa Giêsu với cái nhìn đầy thành kiến, vì họ biết quá rõ nguồn gốc nhân loại của Người, là con một bác thợ mộc Giuse nghèo nàn ở Nazareth, học hành chỉ ở trường làng, nhất là trong thâm tâm họ, Đấng “Kitô” phải là con cái trong hoàng tộc, sống nơi thành phố hoa lệ và được học hành nơi các bậc thầy danh giá… Chính vì thế, khi thấy Chúa Giêsu nổi tiếng giảng dạy thì bắt đầu họ gièm pha chê bai. Dứng như lời Chúa Giê-su tuyên bố: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.

Đây cũng là một thực trạng nơi mỗi quê hương chúng ta, chúng ta thường khinh miệt, yên trí và gièm pha những người con nơi quê hương chúng ta thành công trở về, vì trong chúng ta luôn bị cái tính thành kiến (yên trí) cha này, thầy nọ, soeur kia con ông này bà nọ không ra gì… Ngược lại, một vị nào đó từ nơi khác đến, dù xét về tài năng, về đạo đức, về giảng dạy đôi khi còn thua kém xa một người trong quê hương, thì chúng ta lại rất hồ hởi tung hô vì chúng ta không yên trí – thành kiến gì về họ.

Nhưng đó là một thực trạng mà Chúa Giêsu từng trải qua, thì những người môn đệ của Người cũng thế, hãy biết vui vẻ chấp nhận. Là cha, là thầy, là dì, là Giáo Lý Viên hay các cử nhân đại học… chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và luyện tập đức khiêm tốn…

Lại nữa, “gần chùa kêu bụt bằng anh”, khi người Nazareth quá gần gũi nên đã sinh ra lơ là và coi thường. Chúng ta cũng thế, thích đi hành hương nơi này, cầu xin nơi nọ, nhưng ngay nơi giáo xứ mình, chúng ta lại bê trễ việc đến gặp Chúa trong các Thánh Lễ và Giờ Kinh…

 

Lạy Chúa Giêsu, trò không thể hơn thầy, nhưng nếu được bằng thầy thì đã là có phúc. Xin cho chúng con, nếu có phải nếm trải những sự thành kiến, kỳ thị và ghen ghét mà Chúa đã từng trải qua, thì cũng biết vui vẻ khiêm tốn đón nhận, để trong tất cả mọi sự Chúa được vinh danh. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN III MÙA CHAY

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18,21-35

Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao! ” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? ” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

 

+ SUY NIỆM

Thánh sử Mátthêu trình bày một cách liên tục các Lời Giáo Huấn của Chúa Giêsu về  mầu nhiệm đức ái trong tương quan giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau: Thiên Chúa luôn tha thứ cho tội nhân và đi bước trước tìm kiếm họ trở về qua hình ảnh mục tử đi tìm con chiên lạc (x. Mt 18,12-14), con người tự tìm đến giúp nhau sửa lỗi cách nhân bản và tha thứ cho nhau (x. Mt 18,15-17), sự yêu thương tha thứ giữa con người chính là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ (Mt 18,35).

Tương quan giữa người với người phản ảnh chính tương quan giữa con người với Thiên Chúa, khi con người biết tha thứ cho nhau thế nào thì Thiên Chúa cũng tha thứ cho con người như thế. Đó chính là nội dung của bài Tin Mừng hôm nay:

 

 * Tha thứ bao nhiêu lần là đủ?

Người ta vẫn thường nói: “Quá tam ba bận”. Nghĩa là thông thường người ta xem hạn định của sự tha thứ ba lần đã là tối đa. Trong Tin Mừng hôm nay, Phêrô còn đi xa hơn, hơn gấp đôi, ông lấy con số bảy là con số đủ của người Do-thái làm tiêu chuẩn và tưởng đó là một mức độ cao nhất, khi ông thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “. Đáp lại, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

Bảy mươi lần bảy ở đây không phải là bốn trăm chín mươi hay là một con số lũy thừa của số bảy mươi, nhưng mang một ý nghĩa tượng trưng hàm ý là tha mãi mãi – tha không giới hạn. Thật vậy, con người thường đưa ra cho nhau những hạn định trong mọi tương quan xã hội, kể cả phương diện đức ái. Con người đưa ra số lần tha thứ, đưa ra điều kiện để tha thứ, đưa ra mức độ nặng nhẹ để tha thứ và phân loại đối tượng được tha thứ… Còn Thiên Chúa thì chỉ biết tha thứ không giới hạn, bao nhiêu lần tội nhân chạy đến với Người là bấy nhiêu lần được Người tha thứ.

Tình thương Thiên Chúa thì vô hạn như bản tính vô hạn của Người. Sự tha thứ của Người không tính đến số lần hay phân loại. Bằng chứng là chúng ta cứ xưng hoài một tội tái đi phạm lại dù lần trước hứa với Người nhưng lần sau lại phạm còn nặng hơn, nhưng Thiên Chúa chỉ biết lúc chúng chúng ta đến với Người và tha thứ cho chúng chúng ta.

Hôm nay, lời Chúa Giêsu nói với Phêrô rằng “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”, thì Người cũng đang mời gọi mọi người chúng chúng ta biết sẵn sàng để tha thứ cho nhau, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

 

* Tha thứ là điều kiện để được thứ tha.

Liền sau lời mời gọi tha thứ không giới hạn là lời dạy của Chúa Giêsu về điều kiện để được Thiên Chúa thứ tha qua dụ ngôn “con nợ không biết thương xót”. Dụ ngôn phản ảnh bản tính của con người vốn muốn được tha thứ nhưng đến lượt mình lại khó tha thứ cho nhau.

Sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho con người được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng chúng ta thì đến lượt chúng chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau.

Khi không tha thứ cho nhau và mang trong mình sự hận thù, thì chính chúng ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi chúng ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản.  Tha thứ thì chúng ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Có thể nói, tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.

Tha thứ, thật ra là rất khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con đời cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy yếu đuối và giới hạn, để từ đó dễ cảm thông và không lên án tha nhân. Xin cũng cho chúng con luôn biết sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, để chúng con cũng được Chúa thứ tha tội lỗi. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN III MÙA CHAY

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,17-19

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.

 

+ SUY NIỆM

Bộ phim “Tôn Tử Đại Truyện” kể lại cuối thời Xuân Thu (khoảng sau năm 540 trước Công Nguyên), có ông Tôn Võ nước Tề, lánh qua nước Ngô sinh sống. Ông đã soạn thảo ra 13 cuốn luận về cách dụng binh – trị quốc, quen gọi là “Binh Pháp Tôn Tử”. Tôn Tử đã dùng binh pháp đó giúp Ngô Vương (lúc đó là Hạp Lư) hưng Ngô hạn Sở một thời. Về sau, Tôn Tử về ở ẩn dưới núi La Phù, cùng với những kinh nghiệm chiến sự đẫm máu giết chóc, ông đã hiệu đính bộ Binh Pháp thành 82 cuốn, trong đó muốn quy hướng dụng binh – trị quốc về “nhân nghĩa – trung hòa”, và “binh vô chiến khuất nhân – thiện chi thiện giả”. Nghĩa là binh không chiến mà thành, không làm gì mà trị mới là cảnh giới cao nhất. Sau này, trong một lần được hạnh ngộ với Khổng Tử và Lão Tử, Tôn Tử trình bày Binh Pháp lấy cốt yếu ở “trung hòa là nguyên tắc của trời đất”, Lão Tử cho đó là cảnh giới cao nhất, có thể gọi là “Đạo”, nhưng Đạo thì vô hình vô tướng không thể diễn tả, và Khổng Tử giải thích rằng, Đạo đó thể hiện ra bằng “Thiên Đạo” và “Nhân Đạo”. Mà “thiên đạo” thì ‘kính nhi viễn chi’ nên quan trọng là sống “nhân đạo” bao gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Bộ luật Sinai mà Môisê công bố từ đầu có 10 điều, nhưng dần dà được các Rabi dẫn giải chi tiết thành hơn 500 điều lớn nhỏ. Bởi lẽ Dothái không đơn thuần là một tôn giáo mà là một nước Dothái giáo, vì thế luật Sinai không chỉ là luật tôn giáo mà còn là một bản Hiến Pháp bao gồm mọi khía cạnh chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội… thì đương nhiên cần sự công bằng và trật tự. Một điều luật nguyên thủy là tôn giáo, mà áp dụng cho cả việc xã hội thì chắc chắn có sự nặng nề và những bất cập khó dung hòa được giữa thế sự và tâm linh. Suốt chặng đường dài mấy ngàn năm, luật càng ngày càng thêm nặng nề cứng nhắc, bởi nó nặng về hình thức và bó buộc, cùng với những quan niệm sai lầm thần thánh hóa luật và biến nó thành cùng đích thay vì chỉ là phương tiện, từ đó người ta giữ luật chỉ vì sợ và giữ một cách máy móc hơn là để tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa.

Hôm nay Chúa Giêsu nói rằng Người đến không phải bãi bỏ luật Sinai mà là để kiện toàn. Kiện toàn ở đây không phải là một sự bỏ bớt hay bổ sung thêm (x. Mt 5,19), mà là đưa luật đến một cảnh giới cao hơn, cảnh giới đó là “mến Chúa yêu người”. Việc kiện toàn của Chúa Giêsu là thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn những gì Thiên Chúa hứa trong Sách Thánh. Người là điểm đến và ứng nghiệm những gì chép trong Cựu Ước. Luật không bị mất hiệu lực một chấm một phẩy nào, nhưng đạt tới sự viên mãn nơi Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.

Một chút loại suy, chúng ta có thể nói: xưa Tôn Tử tìm “vô chiến phục nhân” là “đạo”, mà đạo thì bao gồm “thiên đạo và nhân đạo”, nhưng thiên đạo thì “kính nhi viễn chi”, nên cuối cùng chỉ còn “nhân đạo”. Thì ở đây, chúng ta thấy luật cũ với bao nhiêu điều thì cảnh giới cuối cùng mà Chúa Giêsu nhắm tới vẫn là “Mến Chúa yêu người”, mà chính việc “yêu người’ quyết định tất cả, chứng tỏ cho thấy việc mến Chúa: “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20)..

Chung quy lại, việc kiện toàn của Chúa Giêsu bao hàm ít nhất mấy ý nghĩa sau đây:

Giữ luật vì yêu mến: Giữ luật cách tích cực, tránh điều xấu thôi chưa đủ, nhưng phải làm điều tốt. Giống như một người con làm thiện lánh ác vì nó thương bố, chứ không phải vì nó sợ bố đánh. Chúa Giêsu tóm tắt mọi luật lệ vào luật mới là yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).

Phân biệt chính yếu và tùy phụ: Thứ tự ưu tiên “mến Chúa – yêu người” phải đứng hàng đầu (x. Mc 12, 28-31). Luật Thiên Chúa phải trọng hơn luật của loài người, không được ‘dựa vào truyền thống mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa’ (x. Mt 15,1-9).

Khắc luật vào tâm: Nghĩa là đưa lề luật vào nội tâm. Phải đổi mới từ chính trái tim. Luật không còn khắc trên bia đá cứng nhắc nữa, mà phải được khắc trong trái tim mình. Phải rửa bên trong để bên ngoài cũng được sạch (Mt 23, 25-26). Tránh mọi thứ hình thức (x. Mt 6, 1-6.16-18). 

Luật vì con người: Từ nay luật mang lấy một diện mạo mới là luật vì sự sống con người chứ không phải kềm hãm con người theo mặt chữ. Điển hình là luật nghỉ ngày Sabat. Chúa Giêsu đã đưa ra định hướng cho luật này: “Ngày Sabat vì con người chứ không phải con người vì ngày sabat” (Mc 2, 27). Vì thế, ngày sabat để cứu sống con người, để giải thoát con người, để làm điều tốt cho con người (Mc 3, 1-6).

Xác định vai trò của luật trong Ơn Cứu Độ: Đây là điểm quan trọng nhất của việc kiện toàn. Ơn Cứu Độ đến cách nhưng không từ Thiên Chúa qua công cuộc cứu độ của Đức Kitô, còn luật chỉ đóng vai trò người giám hộ, vai trò dẫn đường và chỉ là phương tiện đạt tới cứu cánh chứ không phải cứu cánh.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết vâng theo lời dạy của Chúa, để hân hoan giữ luật Chúa và Hội Thánh truyền trong tinh thần yêu mến và liên kết trong Người, hầu cho luật không còn là gánh nặng, nhưng giúp chúng con nên giống Chúa hơn. Amen

 

 

THỨ NĂM TUẦN III MÙA CHAY

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 11, 14-23

Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.

“Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

 

+ SUY NIỆM

Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ai Cập hay nơi các tộc ít người, người ta biết cách bùa chú để yểm hại người khác, để trừ được bùa yểm cần phải có một thầy pháp cao tay hơn kẻ yểm bùa. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng quan niệm này và vì sự ghen ghét mà một số người Do Thái đã độc miệng nói Chúa Giêsu dùng quyền của quỷ tướng để bắt nạt quỷ con. 

Thế nhưng Chúa Giêsu lại nhân cơ hội này để dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết, hay nói chính xác hơn là hiệp nhất.

Hình mẫu cho sự đoàn kết là tính hiệp nhất bởi Ba Ngôi Chí Thánh. Hội thánh Chúa từ khắp nơi trên thế giới đều hiệp thông và vâng phục một Đức Thánh Cha, cùng một cử hành phụng vụ, cùng một niềm tin, một phép rửa… Và có lẽ không tôn giáo nào có thể sánh được sự hiệp nhất đến mức duy nhất này. Và chính nhờ sự duy nhất này của Hội Thánh mà sức mạnh hoả ngục đã không thắng được, dù Satan đã dùng sự thù địch chia rẽ để chống lại.

Ngày nay, nơi này nơi kia trong Hội Thánh đang bị những thế lực thù địch bách hại, hơn lúc nào hết, mọi người Công Giáo trong tình liên đới, hãy đoàn kết với nhau, để cùng chung lời cầu nguyện…

“Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.

Đây là một sự lựa chọn dứt khoát cho chúng ta, là Kitô hữu, chúng ta không thể cứ sống cách nửa vời. Việc sống đức tin là có hoặc không? Chọn Chúa hay theo Satan; sống theo giáo lý và lề luật đạo, hay thoả hiệp với thế gian xác thịt…? Chứ không thể bắt cá hai tay, đạo cũng muốn mà đời cũng muốn.

– Không thiếu những người, đạo cũng muốn giữ mà vẫn cứ để mình sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp pháp.

– Lắm người tu cũng muốn mà tình lứa đôi cũng không dứt bỏ dứt khoát, khấn nghèo khó mà sống lại trưởng giả…

– Có những người đạo cũng muốn giữ mà vẫn thề thốt để được “kết nạp” và giữ được cái chức này, chỗ đứng nọ về thế quyền…

Lạy Chúa Giêsu, xin hiệp nhất mọi kitô hữu trên thế giới, để cùng quy tụ về trong một đoàn chiên duy nhất của Chúa. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 12,28b-34

Khi ấy, có một người trong các kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? ” Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! ” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc một tiến sĩ luật của Do Thái đến hỏi Chúa Giêsu về điều răn quan trọng nhất. Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp về giới răn nào trong thập điều, nhưng đưa ra hai điều gồm tóm tất cả mọi lề luật. Đó là mến Chúa và yêu người.

Thập điều được Chúa ban cho Môisen trên núi Sinai tóm gọn lại trong hai điều (mười răn ấy tóm lại hai điều này mà chớ…) là 3 điều trước tập chú về việc MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ và 7 điều sau nói đến bổn phận YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH TA VẬY.

Chúa Giêsu không chỉ gồm tóm thập điều thành hai điều căn bản mà còn nâng giới luật yêu thương lên tầm quan trọng ngang hàng với việc kính Chúa:

* Yêu mến Thiên Chúa HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN và HẾT TRÍ KHÔN.

– Hết lòng: Nghĩa là với cả cái tâm của mình, với cả trái tim của mình, nghĩa là với cả ý chí và tự do.

– Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong cầu nguyện tâm sự với Chúa, tham dự Thánh Lễ và các Giờ Kinh cùng những bổn phận trong bổn đạo.

– Hết trí khôn: Với cả tri thức và ý thức trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.

Như vậy, tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa.

* Yêu thương kẻ khác NHƯ CHÍNH MÌNH ngươi.

– Yêu như chính mình là gì? Trong Cựu Ước, sách Tobia đã nói tới nhưng còn mang vẻ tiêu cực là: “Những gì con KHÔNG MUỐN kẻ khác làm cho mình, thì cũng ĐỪNG LÀM điều đó cho người ta” (Tb 4, 14), nhưng sang Tân Ước, Chúa Giêsu dạy theo hướng tích cực: “Điều con MUỐN người khác làm cho mình thì HÃY LÀM cho người ta” (Mt 7, 12 // Lc 6,31).

– Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, mới thực sự nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu là agapê – vượt lên trên mọi so đo tính toán, chứ không như eros (chiếm hữu) hay philia (có qua có lại) theo cách phân tích của người Hy Lạp

Tóm lại: Mến Chúa và yêu người là hai tương quan của một nhân vị, vừa mang chiều kích tôn giáo vừa mang chiều kích xã hội. Con người sống tương quan hàng dọc với Thiên Chúa và tương quan hàng ngang với tha nhân. Kitô hữu sống mầu nhiệm đức ái bao gồm hai chiều kích này không thể tách rời nhau: Không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người, chính thánh Gioan Tông Đồ cũng đã khẳng định điều đó.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn thấy Chúa hiện diện nơi mọi người chúng con gặp gỡ, để khi thực thi đức bác ái yêu thương với đồng loại, chúng con biết rằng, chúng con đang làm vì lòng yêu mến Chúa và có sức cứu độ các linh hồn. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 18, 9-14.

Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay nói về tinh thần khiêm tốn khi cầu nguyện: 

Lời cầu nguyện của người Pharisêu nhằm đề cao “cái tôi”, trong khi lời cầu nguyện của người thu thuế nhắm đến “Thiên Chúa”. 

+ Sở dĩ người Pharisiêu không nhận được ơn sau khi cầu nguyện là:

– Ông phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình thánh thiện, đạo đức và tự đặt mình lên trên những người khác: “…vì không như tên thu thuế kia!”. Lời kinh của ông còn tồi tệ hơn khi tự hào cho mình là công chính để so sánh mình với đời sống bên ngoài của những người khác. 

“Đứng thẳng” kênh kiệu và ảo tưởng, khẳng định mình bằng cách phủ định kẻ khác, bằng cách dèm pha nói xấu bôi nhọ khinh chê người ta thì quả thật là trơ trẽn. Nội dung lời cầu nguyện của ông chỉ là những lời khoe khoang với Chúa và gây chia rẽ. Đó là những lời kết tội anh em, lỗi đức ái, không có chút gì tích cực xây dựng cộng đoàn và tôn vinh lòng nhân từ của Thiên Chúa. 

– Ông phô trương thành tích đạo đức của mình: “ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cho Chúa một phần mười thu nhập”. Ông tự cho rằng việc ông ta giữ luật là điều kiện buộc Chúa phải ban ơn, nhưng thực ra việc Chúa ban ơn hay không là quyền của Chúa. 

– Ông đến cầu nguyện mà tự cho mình đầy dẫy nhân đức, nên chẳng còn chỗ cho Chúa đổ ân huệ vào. Lời kinh của ông khởi đầu bằng tâm tình tạ ơn rất đẹp, nhưng đã nhanh chóng trở nên xấu bởi có ý đồ níu kéo Thiên Chúa thỏa hiệp với lối sống chọn luật làm cứu cánh của ông. 

+ Người thu thuế được ơn lành là vì:

– Ông ý thức thân phận tội lỗi của mình quá lem luốc theo mắt nhìn thành kiến của người đương thời, ông chỉ có thể đợi chờ một sự gột rửa trong mắt nhìn của Thiên Chúa, bởi thấy mình đã bất chính trong vòng quay nghiệt ngã của nghề nghiệp bị coi là tội lỗi phản quốc hại dân.

– Ông đến với lòng thống hối và khao khát Chúa.

– Ông khiêm tốn cầu xin ơn tha thứ, xin Chúa hướng dẫn mình trở về với tình thương của Chúa, trở về với anh em mà mình đã xúc phạm.

“Nâng lên” chính là muốn khẳng định mình; tự coi mình là nhất. Đây là hành vi của những kẻ kiêu ngạo, là thái độ ham danh và ham quyền lực muốn được ở trên mọi người. Còn “hạ xuống” là thái độ của người khiêm nhường. Khiêm nhường là nhìn nhận mình còn thiếu, còn bất toàn để vươn lên, còn yếu đuối để sám hối. 

+ Tóm lại: Chúa dạy ta: 

– Luật lệ là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống, nếu qua lề luật người ta nhận ra bàn tay và tấm lòng của Thiên Chúa luôn dẫn đưa và giáo hóa con người. Giữ luật thì luật giữ mình, chứ không phải giữ “đạo tại tâm”, miễn là không coi luật là cứu cánh, mà là phương tiện giúp chúng ta đến với Chúa.

– Chúng ta giữ luật là vì yêu mến Chúa, chúng ta ăn chay, bố thí, dâng công đức… là vì bổn phận đối với Chúa và phục vụ tha nhân cũng như lợi ích chung, chứ không phải giữ để kể công và tỏ ra hơn người.

– Không ỷ vào địa vị mà vênh vang tự hào, không tự cho mình công chính hơn người vì giữ luật, nhưng quy về vinh quang Chúa, và nhìn nhận mình có là gì đều do ân huệ Chúa ban. Bởi trước mặt Chúa không phân biệt người có quyền cao chức trọng hay kể bần hàn cố nông, nhưng người cao trọng trong nước Chúa chính là hãy trở nên bé nhỏ, nghĩa là khiêm tốn.

– Đạo đức đích thực chính là dung hòa giữa nỗ lực và cậy trông. Nghĩa là vừa nỗ lực hoàn thiện vừa biết cộng tác với ơn Chúa, chứ không phải muốn tự mình khẳng định mình và bắt Chúa và mọi người công nhận mình là công chính. 

– Không “đứng thẳng” vỗ ngực ta đây như ông biệt phái. Con người chúng ta dễ phân biệt sang hèn, so sánh tài năng và thiểu trí… để rồi dễ bề khinh thường người thiếu may mắn. Nhất là khi chúng ta có điều gì đó hơn người, rất dễ tỏ ra kênh kiệu lên mặt và coi thường người khác dở hơn mình. Giàu thì chê nghèo, giỏi thì khinh dốt, đẹp thì khinh xấu… Chúa mời gọi chúng ta biết tôn trọng mọi người trong tinh thần của Chúa, là một Thiên Chúa tối cao đã không khinh chê con người tội lỗi thấp hèn. 

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết học lấy sự khiêm hạ thẳm sâu, là biết nhận ra sự yếu đuối bất toàn của mình, và rất cần đến lòng bao dung trắc ẩn của Chúa tha thứ. Xin cho chúng con cũng đừng quy mình là trung tâm và tự tôn mình là đạo đức, để rồi xét đoán và chê xấu anh em. Amen.

 

Hiền Lâm

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...

Thứ 4 Tuần XXXIII TN – Lc 19, 11-20 Dụ ngôn mười yến bạc

DỤ NGÔN MƯỜI YẾN BẠC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Dụ ngôn mười yến bạc này được Đức Giêsu kể...