Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Đọc và suy niệm Tin Mừng tuần III Thường Niên, 2018 (Hiền Lâm)

 

 TUẦN III THƯỜNG NIÊN, 2018

 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN, NĂM B   Hình ảnh có liên quan

THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN III THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Thánh Phanxicô Salêsiô, GMTS. Lễ nhớ

THỨ NĂM TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại. Lễ kính

THỨ SÁU TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Thánh Timôthê và Titô, GM. Lễ nhớ

THỨ BẢY TUẦN III THƯỜNG NIÊN

 

 Các bài chia sẻ: Hiền Lâm

———————ooo0ooo———————

 

 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN, NĂM B

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1, 14-20

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

 

+ SUY NIỆM

“ƠN GỌI VÀ LỜI ĐÁP TRẢ”

Bài Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên hôm nay tường thuật “Lời Rao Giảng Đầu Tiên” và việc Chúa Giêsu tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên để cộng tác với Người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Bốn Tông Đồ đầu tiên này là hai cặp đôi anh em ruột và cùng làm nghề đánh cá: Phêrô – Anrê và Giacôbê – Gioan. 

Qua cách thức gọi của Chúa Giêsu và lời đáp trả của các Tông Đồ, chúng ta cùng suy tư một vài điểm sau đây:

 

* Chúa gọi các Tông Đồ ở đâu và trong hoàn cảnh nào?

Tại bờ biển hồ Galilê, là nơi diễn ra cuộc sống kinh tế của dân. Chúa đến cách cụ thể trong cuộc sống bình thường của con người. Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể và trong bối cảnh xã hội đương thời. Chúa không phân biệt nghề nghiệp cao sang hay thấp kém, người trí thức hay bình thường. Điều này cho thấy, sứ vụ của người theo Chúa là rao giảng và sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đồng thời, Tin Mừng được loan báo nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không phải ý riêng con người.

 

* Chúa gọi như thế nào và gọi để làm gì?

Chúa gọi cách trực tiếp, Chúa gọi từng cá nhân với một mệnh lệnh là: “Hãy theo Thầy”. “Theo” trong ngôn ngữ Do Thái là “ở với”, là “gắn bó” với Thầy. Chúa gọi theo tính cách là người trên truyền lệnh, ai tự do tin nhận Người là chủ đời mình thì bước theo. Như vậy, Theo Chúa là gắn bó nên một với Người và ở với Người; giữ các huấn lệnh của Chúa, tin nhận và chọn Người làm chủ đời mình và sứ vụ được trao cho mình.

 

* Sứ vụ của người được gọi.

“Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người”. Nghĩa là, phải lãnh lấy một sứ vụ, một công việc mới, công việc của Thầy chứ không còn là công việc của mình nữa. Như vậy, theo Chúa không phải để trốn tránh việc đời, để an thân và lẩn tránh trách nhiệm, nhưng là phải ra đi đem Tin Mừng cho thế giới và đem về cho Chúa các linh hồn.

 

* Sự đáp trả và tinh thần từ bỏ?

Ngay lập tức, các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà theo Chúa. Hành động ngay lập tức (chứ không phải để từ từ và so đo tính toán nữa) nói lên một sự tín thác tuyệt đối vào Chúa. Đi sau sự đáp trả là từ bỏ tất cả, vật dụng làm nghề, bỏ cơ nghiệp, bỏ nghề nghiệp và bỏ cả liên hệ gia đình để đi theo Chúa. Điều này đòi hỏi một sự dứt khoát, không vương vấn và không để điều gì vướng bận cho sứ vụ mới. Theo Chúa là phải bỏ con người cũ để sống con người mới.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi rao truyền lời Chúa, không ỷ lại vào kinh nghiệm và khả năng riêng mình, nhưng biết luôn xin ơn soi dẫn, để vâng lời Ngài, chúng con dám can đảm đối diện và dấn thân đến những mảnh đất tâm hồn chai đá và nơi khó khăn nhất, để đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 3, 22-30

Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.

Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”

 

+ SUY NIỆM

Trong thời đại hôm nay nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý đang bị đảo lộn trong khắp các tầng lớp xã hội. Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta sẽ thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Bao nhiêu giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện, phái nào cũng mạo nhân là theo gót chân Chúa một cách trung thực. Ngay cả trong một giáo phái, cũng có sự chia rẽ và phe phái. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Kitô bị phân rẽ và tổn thương. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho người Do-thái kết án người là lấy quyền quỷ tướng để dẹp quỷ lính.

Chúng ta cùng dừng lại suy niệm hai lời căn dặn của Chúa Giêsu: Sự hiệp nhất và tội phạm đến Thánh Thần.

 

* Chia rẽ thì tiêu tan, kết đoàn sẽ bền vững.

Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ai Cập hay nơi các tộc ít người, người ta biết cách bùa chú để yểm hại người khác, để trừ được bùa yểm cần phải có một thầy pháp cao tay hơn kẻ yểm bùa. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng quan niệm này và vì sự ghen ghét mà một số người Do-thái đã độc miệng nói Chúa Giêsu dùng quyền của quỷ tướng để bắt nạt quỷ con. 

Thế nhưng Chúa Giêsu lại nhân cơ hội này để dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết, hay nói chính xác hơn là hiệp nhất.

Hình mẫu cho sự đoàn kết là tính hiệp nhất bởi Ba Ngôi Chí Thánh. Hội thánh Chúa từ khắp nơi trên thế giới đều hiệp thông và vâng phục một Đức Thánh Cha, cùng một cử hành phụng vụ, cùng một niềm tin, một phép rửa… Và có lẽ không tôn giáo nào có thể sánh được sự hiệp nhất đến mức duy nhất này. Và chính nhờ sự duy nhất này của Hội Thánh mà sức mạnh hoả ngục đã không thắng được, dù Satan đã dùng sự thù địch chia rẽ để chống lại.

Ngày nay, nơi này nơi kia trong Hội Thánh đang bị những thế lực thù địch bách hại, hơn lúc nào hết, mọi người Công Giáo trong tình liên đới, hãy đoàn kết với nhau, để cùng chung lời cầu nguyện…

Thế giới Kitô giáo ngày nay đã bị phân tán nhiều. Ngoài Giáo hội Công giáo, còn có Giáo hội Chính thống, các Giáo hội Đông phương và hàng trăm các giáo phái Tin lành khác nhau Việc phân tán giữa thế giới Kitô giáo là một cớ vấp phạm cho những người không tin Chúa, hoặc chưa tin theo Chúa.Vì thế, sứ vụ của người Kitô giáo là cầu nguyện cho việc hiệp nhất giữa những người tin theo Chúa.

 

* Tội phạm đến Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha” (Mc 3,28). Đây là một vấn nạn rất khó giải thích. 

Có hai cách hiểu: 

– Thứ nhất, theo đoạn Tin Mừng vừa nghe, thì đang khi Chúa Giêsu dùng quyền năng Chúa Thánh Thần để trừ quỷ, thì các biệt phái lại nói ngài dùng quyền “Tướng Quỷ – Thần Ô Uế” để trừ quỷ. Nghĩa là đã cố tình coi việc của Chúa là việc ma quỷ. Có thể nói, việc này đang xảy ra nơi một số người hiện nay, khi theo những nhóm này nhóm nọ, trong đó có nhóm “sứ điệp từ trời” coi Đức Thánh Cha do công nghị Hồng Y bầu lên là giả, coi công đồng Vatican II là do ma quỷ bày ra…. Mong là mọi người ý thức điều này để đừng bị Satan lừa gạt đi theo nó mà chống lại Giáo Hội do Chúa Kitô lập.

– Thứ hai: Chúa Thánh Thần là nguồn của bảy ân sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ được cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ thì Chúa cũng chịu vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustino từng dạy: “Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác. Chúa Thánh thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm đẩy Ngài ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được cứu độ?

Tội nguyên tổ đã cắt đứt con đường giữa ta đến với Chúa, Chúa Giêsu đã nối lại con đường bằng cây cầu thập giá, nhưng nếu ta không chịu bước trên con cây cầu thập giá ấy thì vẫn xa lìa Chúa; giống như một người bị giam giữ bởi kẻ thù, có vị tướng đến mở cửa ngục dẫn ra, nhưng tù nhân cứ an than trong đó không chịu ra khỏi ngục thì vị tướng đến giải thoát kia cũng đành chịu thôi.

 

Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha. Xin Cha cho mọi người nên một trong Cha, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN III THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 3,31-35

Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! ” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?

“Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

 

+ SUY NIỆM

Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.

Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.

Thật vậy, chúng ta trờ thành mẹ Chúa – bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Kitô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: “Trong Đức Ki-tô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4:15)

Tuy nhiên, muốn làm mẹ Đức Kitô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình:

* Cưu mang Lời Chúa.

Muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bẳng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông.

Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên.

Khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.

* Đem Chúa đến cho tha nhân.

Chức năng làm mẹ nơi Mẹ Maria là, khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gioan Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Êlizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ.

Chúng ta cũng vậy, không ai có thể cho cái mình không có, vì như thế là ăn cắp và mạo danh. Nhưng, sau khi nhận ra Chúa – cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mới có thể mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa coi những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa như là bạn hữu, là anh em và là mẹ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được lớn lên và lan tỏa đến mọi người. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN III THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 4, 1-20.

Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:
“Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe! “

Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”

Người còn nói với các ông: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn? Người gieo giống đây là người gieo lời. Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến cất lời đã gieo nơi họ. Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay. Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì. Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.”

+ SUY NIỆM

Hôm nay Chúa Giêsu kể và chú giải dụ ngôn về “người gieo giống”, nhằm nói lên tầm quan trọng của thái độ đón nhận và thực hành Lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Người. Dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa có các môn đệ.

* Hạt giống và người gieo giống.

– Hạt giống là Lời Chúa và là chính Chúa Giêsu Kitô. Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.

– Thiên Chúa đã luôn luôn gieo vãi lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người gieo vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Người đối với chúng ta. Người không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Người không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân Sủng” vào tâm hồn mỗi người. Người gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Người gieo muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn. 

– Công đồng Vaticano II, dùng một hình ảnh phong phú đã quyết định rằng: “Kho tàng Thánh Kinh đã khai mở cách dư thừa và phong phú để cung cấp cho các tín hữu” (PV 51).

– Thiên Chúa là người đi gieo không biết mệt mỏi. Chúa Giêsu là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình. Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi.

* Những thửa đất khác nhau – thái độ đón nhận.

Việc giải thích dụ ngôn nhấn mạnh đến tính chất khác biệt của các thửa đất và phẩm chất đón nhận hạt giống. Tin vào hiệu quả của Lời Chúa không được làm quên đi trách nhiệm của những kẻ nghe lời:

Kết quả cụ thể của việc gieo hạt tuỳ thuộc vào thái độ đón nhận.

– Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đó là thái độ thờ ơ trước Lời Chúa, và vì không quan tâm đến Lời Chúa thì quỷ thần sẽ chiếm giữ linh hồn họ.

– Kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay… Là hạng người nhiệt tình theo Đức Kitô khi mọi sự dễ dàng xuôi chảy, và bỏ Người khi khó khăn, thử thách, đau khổ, ngược đãi ập đến. 

– Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt khiến Lời không sinh hoa kết quả gì… Đây là “người tín hữu không đạt đến sự chín muồi của đức tin”… Bởi vì người ấy bị tinh thần của thế gian giữ lại, bị bối cảnh vô tín xung quanh bao vây. Chúng ta cảm thấy rõ ràng đối với Chúa Giêsu đức tin là một công việc phát triển lâu dài, và phải chiến đấu chống lại mọi thứ trở ngại, chống lại những ảnh hưởng của thế gian chiếm quá nhiều chỗ trong đời sống.

– Cuối cùng kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục… Sinh hoa kết quả là điều mong ước mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện một đời sống tràn đầy, phong phú. Đối với Chúa Giêsu, điều kiện chủ yếu để đời sống chúng ta sinh hoa kết quả là Lời Thiên Chúa được lắng nghe và hiểu lâu dài. 

Như vậy:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn “người gieo giống” hãy gieo một cách hào phóng, không sẻn so tính toán và không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện hiện đại để chuyên chở Tin Mừng, đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống và tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.

– Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng như thánh Phaolô “lúc thuận tiện hay không thuận tiện”. Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai, thất bại, nhọc nhằn. Hãy đi gieo yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu mà cả những mảnh đất sỏi đá gai góc, vì có tình yêu thương mãnh liệt mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi và biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.

– Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu chỉ dạy qua lời Thánh Kinh hằng ngày. Hãy tin tưởng và đón nhận Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Chúa Giêsu cũng mời gọi ta tự vấn chính mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi ? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho tâm hồn mọi người chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì chúng con có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Ngày 25.01: Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại. Lễ kính

 

ĐỌC TIN MỪNG: Mc 16,15-18

Đức Giê-su nói với các Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

 

SUY NIỆM

Để có một người cộng tác vào một công việc đặc biệt trong chương trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa có nhiều cách chọn gọi và nhiều đối tượng được gọi khác nhau: Có những cách gọi bằng cách tác động từ nơi trái tim do lòng mộ mến hoặc, hoặc tác động lên ý thức tìm đến ơn gọi bằng sự nghiên cứu truy tầm về Thiên Chúa; cũng có cách gọi bằng cách làm cho nhiều lý do ngoại cảnh khác nhau tạo nên sự thích thú của đối tượng tìm đến ơn gọi (thậm chí có cả sự tiêu cực như thích được thế này thế kia…). Đối tượng được gọi cũng thật phong phú: có người được chuẩn bị từ trong lòng mẹ, có người được chuẩn bị từ nhỏ nơi gia đình, có người thậm chí đến từ một sự thất bại nơi tình cảm hay xã hội và có người được gọi bằng cả những cú ngã đau trên đường đời… Có người được gọi ngay trên ghế nhà trường, có người được gọi ngay trên bàn giấy hay nơi công sở làm việc, có người học thức hay sang giàu và cũng có người xuất thân từ nghèo khó quê mùa… Chúa có cách của Chúa, dù đến với ơn gọi thế nào hay đối tượng nào, thì khi đã gọi, Chúa có cách của Chúa và điều quan trọng là đối tượng được gọi dám cộng tác với ơn Chúa thì Chúa sẽ biến đổi họ nên khí cụ của Người.

 

Trường hợp của thánh Phao-lô hôm nay là một trong những cách chọn gọi của Chúa, nhưng thật đặc biệt và lạ lùng. Thánh nhân được gọi bằng một cú sốc, bằng một cú “quật ngã” làm cho sáng mắt ra và chấp nhận quy phục đức tin.

 

Phao-lô được gọi trong bối cảnh không ai có thể ngờ: Ngài xuất thân từ một gia đình thế giá với hộ khẩu “công dân mẫu quốc Rô-ma”, có bằng cấp ăn học đàng hoàng với tiến sĩ luật Gamalien nổi tiếng, thông thạo đạo lý Do-thái Giáo, nhiệt thành với đạo và đang “thi đua lập thành tích” đi làm “công an nằm vùng” truy bắt “những phần tử lạc đạo”…  Đang hăng say thành công với con đường chọn lựa của mình, đùng một cái bị quật ngã và quay ngoắt 180o  trở lại quy phục Đấng mà bấy lâu nay Phao-lô tìm cách triệt tiêu.

 

Sự trở lại của thánh Phao-lô có thể nói là “không thể tin được”. Thật vậy, đang ở chiến tuyến bên này, đùng một cái sang chiến tuyến bên kia và sống chết cho vị chỉ huy chiến tuyến mới này, nên cả trong đạo lẫn đời thời đó phải nghi ngờ. Chuyện lạ như thế thật khó tin, chỉ trừ khi đó là “một phép lạ”. Và phép lạ đó được chính Phao-lô kể lại là “biến cố té ngựa”.

 

– Cụ thể là về thủ đô gặp các Tông Đồ  để xin “giấy phép” đi giảng, thì các sếp ở Giê-ru-sa-lem nghi ngại (biết đâu CS cài vào thì nguy), cho đến khi Phao-lô kể ra phép lạ, và sau đó do tiếng Chúa Thánh Thần phán xác nhận chọn Phao-lô và Barnaba (Cv 13,2).

– Sách Công Vụ Tông Đồ cũng nói đến việc khi Phao-lô giảng thì các tín hữu nghi ngờ, người Do-thái cũng nghi ngờ, và thậm chí cả những quan chức nhà nước như đại đội trưởng Claudio, tổng trấn Phê-lích và Phê-tô và tiểu vương Ác-gíp-pa cũng nghi ngờ lý lịch của Phao-lô. Và tất cả đều được Phao-lô biện luận bằng câu chuyện “phép lạ ngã ngựa” trên đường Đa-mát.

 

Có thể nói, bối cảnh diễn ra câu chuyện và những nghi ngờ xảy ra sau đó, và chính việc kể lại câu chuyện “phép lạ” đã giúp xóa tan nghi ngờ (x. Cv 9; 22; 26), chúng ta thấy có vẻ mang dáng dấp huyền thoại “bảy thực ba hư” trong một sự kiện có thật.

 

Chẳng hạn, người Việt chúng ta có giai thoại về Lý Công Uẩn, Lê Lợi, Mai Thúc Loan…:

– Tương truyền rằng, từ sau khi pháp sư Cao Biền của bọn Phương Bắc yểm bùa chặt đứt long mạch, thì ở Nước Nam không thể phát vương được nữa, và dân tin rằng họ sẽ mãi mãi làm nô lệ cho phương Bắc. Vì thế, để kêu gọi quân sĩ và dân ủng hộ, Lê Công Uẩn đã bày ra câu chuyện ông thấy một con rồng bay từ dưới sông Hồng lên trời, ý nói rồng vẫn ở Việt Nam, dân đã tin theo và Lý Công uẩn đã thắng Tàu, tuyên bố chủ quyền và lấy niên hiệu là Lý Thái Tổ, rồi ông đặt tên nơi thấy rồng là Thăng Long và tồn tại cho đến ngày nay.

– Rồi chuyện rùa thần trao bảo kiếm cho Lê Lợi…

– Hay chuyện Mai Thúc Loan từ anh nông phu đen trùng trục trở thành vua Mai Hắc Đế cũng vậy với truyền thuyết về con trâu đằm dưới kênh lên húc chết con hổ…

 

Chúng ta không loại trừ một chút huyền thoại trong câu chuyện “té ngựa” giữa trưa hè nóng bức, trên sa mạc khô cháy, khát nước hoa mắt xỉu té nhào, được mấy “bà phước” đưa vào chăm sóc làm tỉnh lại và ba ngày sau ăn uống khỏe mạnh… Rồi để thuyết phục mọi người về ơn gọi, Phao-lô cần sự kiện này được lồng trong một dấu chỉ phép lạ.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là nội dung câu chuyện, mà là ý nghĩa câu chuyện được ơn trở lại của Phao-lô. Câu chuyện ơn gọi của ngài để lại cho chúng ta những bài học:

– Phao-lô bị Chúa quật ngã khi đang bon bon trên đà danh vọng với những dự án toan tính của mình. Qua biến cố ngã ngựa, Phao-lô đã “mở mắt ra” khi cái vảy rơi khỏi mắt, và ngài đã thấy được cái sai quá khứ, mà bước theo ý Chúa muốn mình phải làm gì trong tương lai. Chúng ta cũng thế, khi đang tưởng chừng như thành công với những toan tính danh vọng, rất cần một cú sốc và cần đến những “Anania” giúp để mở mắt ra thấy mình đã sai và mau mắn trở lại.

– Và một khi đã được ơn trở lại, thánh Phao-lô đã để cho Chúa biến đổi nên Tông Đồ của Người và nhiệt thành làm chứng cho Chúa. Cũng thế, một khi chúng ta đã được Chúa gọi hay sau những vấp ngã, chúng ta biết đứng lên và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn và cộng tác với Chúa để loan báo lòng thương xót của Người.

 

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con khi đã được Chúa mời gọi vào Giáo hội Chúa, thì cũng biết như thánh Phao-lô là hăng say làm chứng cho Chúa, để danh Chúa ngày càng được nhiều người nhận biết và tin theo. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Ngày 26.01: Thánh Timôthê và Titô, GM. Lễ nhớ

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10, 1-9

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:

Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! ” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

 

+ SUY NIỆM.

Phụng vụ Giáo Hội luôn có bài Tin Mừng riêng trong các lễ về vị thánh được nhắc tới trong Thánh Kinh, cụ thể là hôm nay trong ngày mừng kính hai vị thánh Giám mục là đồ đệ của thánh Phao-lô, Giáo hội cho đọc Tin mừng về việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi truyền giáo.

 

* Sự khẩn thiết truyền giáo

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ ra đi truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mù gặt sai thợ ra gặt lúa về.

Chức vụ đi đôi với sứ vụ, khi chúng ta lãnh nhận một chức vụ gì, không phải ngồi đó để thụ hưởng mà phải ra đi đến với những người chúng ta có trách nhiệm, để phục vụ và làm chứng về Chúa cho họ.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em.

Ngày hôm nay, cánh đồng truyển giáo còn rất bao la, Kitô Giáo chỉ mới bằng 1/6 dân số thế giới. Đặc biệt, ngày hôm nay, con số “thợ gặt” đang giảm tới mức báo động, nhất là ở các nước phát triển. Giới trẻ ngày nay đã không còn mặn mà với ơn gọi lên đường truyền giáo. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin “chủ mùa gặt” sai thợ đi gặt lúa về; nghĩa là hãy cầu nguyện nhiều cho ơn gọi linh mục tu sĩ, và hãy làm những gì có thể trong khả năng mình, để trợ giúp cho việc đào tạo các ơn gọi và đóng góp cho công cuộc truyền giáo.

 

* Chân dung vị truyền giáo

Tin Mừng hôm nay còn đặc biệt họa lên chân dung của một người môn đệ Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là: Tinh thần khó nghèo, đem đến sự bình an, và làm cho triều đại Thiên Chúa được hiển trị ngay giữa thế gian này:

– Tinh thần khó nghèo: Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.

– Đem bình an đến cho mọi người: “Bình an cho nhà này”. Dựa theo Thánh Kinh Cựu Ước, ta nhận thấy văn hoá giao tiếp vùng Trung Cận Đông thường dùng câu “bình an” để chào hỏi nhau khi gặp mặt. Sứ điệp bình an cũng được các thiên thần hát lên khi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Và bây giờ, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, tiên vàn hãy đem bình an đến cho mọi người. Sự xuất hiện của các chứng nhân Tin Mừng là đem đến cho con người sự bình an đích thực của Chúa, phá tan những lo âu, chia rẽ và hận thù.

– Làm cho Nước Thiên Chúa đến gần.“Hãy nói với họ rằng Nước Trời đã gần đến”. Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.

Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người chúng ta hôm nay cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ chúng ta.

 

Lạy Chúa Giêsu, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh gia đình chúng con, gần bên giáo xứ chúng con, ngồi bên cạnh chúng con nơi học đường, làm với chúng con nơi công sở… còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.

 

 

Ngày 26.01

THÁNH ROBERTO – ALBERICO – STEPHANO

TỔ PHỤ DÒNG XITÔ

(Lễ trọng dòng Xitô)

 

ĐỌC TIN MỪNG: Mc 10,24b-30

Khi ấy, Đức Giê-su nói cùng các môn đệ rằng: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu? ” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! ” Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

 

+ SUY NIỆM

Là Kitô hữu, chúng ta chỉ chăm chăm giữ những điều luật mà thôi chưa đủ, vì như thế chỉ là mang tính hình thức và tiêu cực, và tự bản chất giữ luật như thế chỉ nhằm cho xong bổn phận, đôi khi để được khen và chọn luật làm cứu cánh cho đời mình như Biệt Phái Pharisiêu, cho rằng cứ giữ từng câu chữ lề luật là tự cứu độ mình, tự sức mình… Trong khi để đạt tới sự hoàn thiện cần có ơn Chúa, và trên hết cần giữ luật với một lòng mến Chúa và thương yêu tha nhân thật lòng thì mới xứng đáng đạt tới sự hoàn thiện. Bởi vì nếu chúng ta ăn chay, đi lễ, đọc kinh nhiều… mà chúng ta không quan tâm chia sẻ với những anh em bất hạnh, thì mọi sự chỉ là hư không.

Cách riêng đối với những ai sống đời thánh hiến, việc chọn đời tu để nên hoàn thiện, đòi hỏi một sự dứt khoát từ bỏ của cải vật chất để được siêu thoát khỏi mọi vướng bận để được hoàn toàn cho Chúa qua lời khấn khó nghèo. Đó cũng là điều mà bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở mọi anh chị em tu sĩ ý thức mỗi ngày về điều mình đã chọn.

 

* Tại sao người giàu có lại khó vào nước Thiên Chúa?

Nghèo tự nó không phải là một cái tội, nhưng sẽ là cái tội khi chúng ta chọn vật chất làm cứu cánh cho cuộc đời, để rồi lao vào “làm mọi cách” (vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay con người có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền, bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính) để được giàu sang đời này mà không còn đếm xỉa đến sự sống vĩnh cửu, như dụ ngôn hạt giống rơi vào bụi gai đã bị bóp nghẹt không thể phát triển được.

Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim là một ví dụ cường điệu (lỗ kim là một cái lỗ hình tròn vào đền thờ Giêrusalem chỉ vừa cho một người chui vào và những con vật người đó cưỡi như lừa, ngựa, lạc đà không thể chui qua được, để tránh phạm sự thánh, mọi người đến đó phải xuống ngựa để một mình chui qua), dù sao cũng cho thấy sự khó khăn để đạt được nước Thiên Chúa của người ham mê thế sự và bị của cải lấn át cả lý trí và lương tâm, khi chiếm đoạt bất chính và thiếu san sẻ cho đồng loại.

 

* Phần thưởng cho người dám từ bỏ.

Các môn đệ khi nghe Chúa Giêsu nói việc vào nước Thiên Chúa thật khó, nên Phêrô phải đại diện cho nhóm hỏi thật với Chúa: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?”

Khi nói tới hai chữ “từ bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng, hoặc là “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Thánh Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta: Từ bỏ mọi sự, theo Ngài chúng con sẽ được gì?

Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì có thể là tốt, có thể là xấu thì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến, đó là phải có lợi, có lời.

Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời này cộng với sự ngược đãi, nhất là được sự sống đời đời mai ngày.

Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần. Phần thưởng sự sống đời đời mai sau là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của sự sống hạnh phúc đời sau.

Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì việc bỏ cha mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa và ruộng đất mà theo Chúa xem ra không bình thường, thậm chí còn mất tính nhân bản, hay đi ngược lại với nền giáo dục gia đình nữa. Thực ra, phải hiểu là Chúa Giêsu mời gọi chúng ta luôn biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, những điều khác là thứ yếu. Những gì ở đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Chúa Giêsu không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất, tiền bạc để rồi khước từ Nước Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, trong hành trình bước theo Chúa, chúng con chấp nhận những mất mát đau thương vì sự từ bỏ. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng, chỉ có Chúa là trên hết và là gia nghiệp đời đời cho chúng con, để dù sống giữa thế sự thăng trầm chúng con vẫn luôn vững bước. Amen

 

 

THỨ BẢY TUẦN III THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 4,35-41

Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi! ” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? ” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! ” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? ” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? “

 

+ SUY NIỆM

Câu chuyện thầy trò Chúa Giêsu và các môn đệ vượt biển đã gặp phải cuồng phong đe dọa, cho chúng ta hình ảnh một Đức Giêsu Con Thiên Chúa đầy quyền năng trừ phong dẹp vũ, trong một con người Giêsu mệt mỏi nằm ngủ trên thuyền sau một ngày làm việc vất vả.

Câu chuyện này gợi lại hình ảnh được nói tới trong Thánh Vịnh 78:

“Bấy giờ Chúa như người đang ngủ,

như tướng hùng đã thấm men say,

bỗng tỉnh giấc, đánh cho quân thù quay lưng chạy,

phải thảm thê nhục nhã muôn đời”.

(Tv 78,65-66).

 

Kẻ thù ở đây là biển cả cuồng phong. Theo não trạng người Do-thái, biển là biểu tượng của quyền lực ma quỷ. Mỗi ngày, biển cũng nhắc mọi người nhớ lại thời hỗn mang nguyên thủy: tại đây hải thần thủy quái vẫy vùng và chỉ có một mình Thiên Chúa Toàn Năng mới thách thức và chế ngự được chúng. Khi Chúa Giêsu thức dậy “ngăm đe gió và biển” như khi Người truyền cho ma quỷ ( x. Mc 1,25), cho thấy Chúa Giêsu chứng tỏ thần lực của Người trên quyền lực sự dữ.

Chúa Giêsu chứng minh sức mạnh và sự phát triển không có gì chống lại được của Nước Thiên Chúa. Người chứng tỏ điều này bằng một dấu chỉ quyền năng là phép lạ dẹp tan sóng gió trước khi đi vào miền đất dân ngoại, nghĩa là chiến thắng của Tin Mừng trên ma quỷ vượt ra ngoài biên giới Israel.

Khi đối mặt với mọi hình thức sự dữ đang tấn công con người trong các trận cuồng phong nó gây nên, đôi khi chúng ta tự hỏi: Phải chăng Thiên Chúa đang ngủ?

Thật vậy, cảm nhận của con người giữa biển đời lắm khi như Thiên Chúa ẩn mình hay vắng bóng. Và rồi giữa phong ba bão tố cuộc đời, con người lựa chọn đương đầu ít nhất với 3 cách:

–          Dùng sức mình để vật lộn với sóng gió để rồi thất bại tuyệt vọng,

–          Chạy đến với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc nên không bao giờ sợ hãi,

–          Gặp khi khó khăn mới chạy đến kêu cứu Chúa, nghĩa là coi Chúa chỉ như một phương thế giải quyết tức thời, mà thiếu đi đức tin thật sự và lòng yêu mến nồng nàn.

Trường hợp thứ ba này là trường hợp của dân Do-thái xưa, sách Xuất Hành và đặc biệt là sách Thủ Lãnh là một câu chuyện lặp đi lặp lại khi dân bị quân thù ức hiếp thì kêu cứu Chúa, Chúa giải cứu rồi lại tiếp tục phản nghịch Ngài…

Và có thể nói, đây cũng là thái độ của các môn đệ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, khi họ chưa có niềm tin và lòng yêu mến Thầy cho đủ, đến nỗi ngay khi chứng kiến phép lạ rồi vẫn ngỡ ngàng không hiểu Thầy là ai. Thầy Giêsu đang ở trên thuyền nhưng có vẻ như không có Người hiện diện, cho đến khi sóng gió bủa vây mà kinh nghiệm chống đỡ của dân làng chài như mấy ông đã bất lực mới chạy đến cầu cứu Thầy.

Đó cũng là cách sống và giữ đạo của không ít người trong chúng ta ngày nay. Khi an vui hạnh phúc chúng ta quên mất sự hiện diện của Thiên Chúa, đến khi gặp khó khăn thất bại mới tìm về cầu cứu Chúa. Sống đạo như thế là hời hợt, thiếu niềm tin đích thật và thiếu lòng lòng mến Chúa Giêsu. Cũng không thiếu những người ỷ lại vào khả năng mình mà thiếu đi lòng tín thác vào Chúa nên khi gặp sóng gió đã dễ ngã lòng kêu trách Người.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con luôn tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trên con thuyền cuộc đời chúng con giữa biển đời sóng gió. Để chúng con không bao giờ nao núng vì Chúa đã chiến thắng nên chúng con cũng sẽ chung phần chiến thắng và cập bến Nước Trời. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...