Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Đọc và suy niệm Tin Mừng TUẦN V PHỤC SINH, 2018 (Hiền Lâm)

 

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, BKết quả hình ảnh cho hình ảnh Chúa Giêsu su nói: Ở lại và sinh hoa trái

 

THỨ HAI TUẦN V PHỤC SINH

THỨ BA TUẦN V PHỤC SINH

THỨ TƯ TUẦN V PHỤC SINH

 

THỨ NĂM TUẦN V PHỤC SINH

03/05: Thánh Philipphe và Giacobe TĐ

 

THỨ SÁU TUẦN V PHỤC SINH

THỨ BẢY TUẦN V PHỤC SINH

 

 

 Các bài chia sẻ: Hiền Lâm

 

——————–oooOOOooo——————–

 

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, năm B

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 15,1-8

“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

 

+ SUY NIỆM

“Ở LẠI TRONG CHÚA và SINH HOA TRÁI

Người ta vẫn cho rằng, cách suy tư của hai nền triết học Đông và Tây Phương vốn khác nhau, nghĩa là dù cùng tìm nghiên cứu vũ trụ và con người, nhưng Đông Phương thường theo lối tổng hợp, còn Tây Phương lại thiên về lối phân tích lý luận. Thế nhưng, gần đây người ta nhận thấy rằng có nhiều điểm khả dĩ giống nhau giữa hai nền triết học, mà một trong những điểm giống nhau đó chính là đi tìm một sự kết hợp giữa hai chủ thể để phát sinh một cái mới. Thật vậy, trong khi Dịch Học nơi triết học Đông Phương tìm giải thích xoay quanh hai nguyên lý âm dương kết hợp tạo thành vạn vật, thì Tây Phương -mà cụ thể là Kant và Hégel- đã xây dựng nên phương pháp biện chứng: đề, phản đề, rồi hợp đề để thành một đề mới và cứ thế tiếp tục. Nói một cách tóm tắt, nghĩa là luôn có hai chủ thể khác nhau, kết hợp lại và tạo thành một cái mới.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay xoay quanh hai điều kiện của đời sống đức tin ki-tô hữu, là phải “kết hợp” với Chúa và nhờ đó mà “sinh” hoa kết trái dồi dào:

– Bài đọc I, sách Tông Đồ Công Vụ kể chuyện thánh Phao-lô sau khi được ơn trở lại, đã lên Giê-ru-sa-lem “hiệp nhất” với các tông đồ, rồi mới đi truyền giáo cho các dân ngoại.

– Bài đáp ca là phần cuối của Thánh vịnh 22, nói về mọi người sẽ trở về với Chúa, rồi từ đó nói về Đức Chúa cho thế hệ tương lai… (x. Tv 22,28.31).

– Bài đọc II, thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ, nói đến việc “ở lại ‘ trong Thiên Chúa (x. 1Ga 24).

– Và đặc biệt trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, Chúa Giê-su nói rõ: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Minh họa cho điều này, Chúa Giê-su dùng hình ảnh cây nho và cành nho, mà trong đó, cành nho phải kết hợp với thân cây thì mới sinh hoa trái được.

Như thế, “Ở lại” và “sinh hoa trái” như là hai điều kiện của đời sống đạo mà Ki-tô hữu phải có. Nói theo cách nói của các môn học tự nhiên, đây là hai điều kiện cần và đủ. Ở lại hiệp nhất trong Chúa là điều kiện cần, nhưng còn phải có điều kiện đủ là phải sinh hoa trái cho Chúa.

Chúng ta cùng lần lượt suy niệm về hai điều kiện cần và đủ này:

 

* Ở lại trong Thầy Giê-su.

Khi yêu nhau, người ta muốn ở lại với nhau, nên một với nhau, hiệp nhất lòng trí với nhau. Cũng thế, Ki-tô hữu yêu Chúa thì phải ở lại trong Người.

Thế nhưng, làm thế nào để ở lại trong Chúa?

Chúng ta có lời Chúa Giêsu dạy: “Ai ĂN THỊT và UỐNG MÁU Thầy, thì ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Chỗ khác Chúa Giê-su cũng nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ LỜI Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy” (Ga 14,23). Như vậy, ở lại trong Chúa Giê-su là rước Thánh Thể Chúa và sống Lời Chúa.

 

– Ở lại trong Thánh Thể Chúa

Như thân xác con người, lúc nào còn cảm thấy ăn ngon, tiêu hóa được và thức ăn được tuần hoàn chuyển thành máu thịt và dưỡng chất nuôi sống cơ thể, thì con người sẽ khỏe mạnh và phát triển, và ngược lại, nếu một lúc nào đó thân xác không còn muốn ăn, hay ăn vào không tiêu hóa được nữa thì coi chừng, thân xác sẽ èo ọt, bệnh tật và chết.

Cũng thế, khi linh hồn còn ao ước rước lấy Thánh thể Chúa, kết hợp với Chúa Giê-su, tan biến và nên một với nhau, thì linh hồn sẽ khỏe mạnh và tiến tới trong nhân đức, và ngược lại, khi linh hồn xa lìa Thánh Thể, hoặc đón nhận một cách hời hợt và Thánh Thể không còn là sinh lực và biến đổi linh hồn đó nữa, thì linh hồn đó đang chết dần theo tội lỗi. Và như vậy, thay vì ở lại trong Chúa, thì tìm ở lại trong thụ tạo:

– Một tu sĩ không còn mặn nồng với Thánh Thể, không còn kết hợp với Chúa Giê-su là tình yêu của mình, thì cũng không còn yêu mến cộng đoàn, và rồi họ sẽ tìm ở lại trong một đối tượng khác ngoài Chúa và cộng đoàn, dần dần đi tới mất ơn gọi.

– Một người vợ hay người chồng, khi không còn gắn bó với Chúa và nên một với nhau trong hiệu năng bí tích hôn phối, thì họ sẽ tìm ở lại trong một đối tượng khác, và sẽ đi đến sự phản bội và giết chết tình yêu ban đầu.

– Một Ki-tô hữu, khi chỉ sống đạo cách hời hợt, không hăng say tham dự thánh lễ và rước Thánh Thể Chúa, thì đời sống đạo sẽ mai một và chỉ là những Người Công Giáo hữu danh vô thực.

Một sự thật hiển nhiên là cành nho bị cắt đứt lìa thân cây chắc chắn sẽ héo khô và chết, vì nhựa sống của cành nho không tự có mà là nhựa sống được truyền từ cây sang cành. Khi sử dụng hình ảnh cây nho – cành nho này, Chúa Giêsu khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện hữu của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới tự hữu, còn con người chỉ hiện hữu lệ thuộc vào sự sống của Thiên Chúa.

 

– Ở lại trong Lời Chúa

Chúng ta còn nhớ câu chuyện cô Mác-đa-la, dù lúc khóc nhiều mờ mắt đến nỗi tưởng Chúa Giê-su là người làm vườn, nhưng khi nghe tiếng Chúa gọi tên mình, thì nhận ra ngay. Nghĩa là, khi yêu, người ta nhận ra tiếng của nhau, thậm chí hơi thở, tiếng ho, giọng nói, tiếng bước chân của nhau.

Nếu Thánh Thể là sự “trao thân” – trao chính con người cho đối tượng mình yêu có tính Bí Tích – giữa Đấng Lang Quân và nhân loại, thì Lời Chúa là “bức thư tình” là những lời nói của Đấng Tình Yêu dành cho Tân Nương là các Ki-tô hữu. Vì thế, nếu Ki-tô hữu nói ở lại trong Chúa mà không yêu mến Lời và lắng nghe Lời thì thật là thiếu sót, vì Chúa Giê-su đã khẳng định: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ LỜI Thầy” (Ga 14,23):

– Khi một tu sĩ không còn yêu mến Lời Chúa, không biết dùng Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời tu,  không còn biết vâng lời dạy của bề trên và không lắng nghe nhau, thì sẽ đi tìm “nghe” một đối tượng khác ở ngoài, và hậu quả là sống tách lìa với cộng đoàn, như cành lìa cây.

– Khi vợ chồng và con cái không còn biết lắng nghe Lời Chúa và không còn biết lắng nghe nhau, thì gia đình sẽ nên ngột ngạt và đi tìm sự cảm thông ở ai khác, hậu quả là gia đình tan nát đổ vỡ.

– Là một Ki-tô hữu mà không mộ mến Lời Chúa và muốn không nghe Lời của Đấng mà mình tôn thờ thì rõ ràng tâm hồn đã xa Chúa, đã tách rời với sự hiệp thông với giáo xứ và với tha nhân.

Đáng tiếc là ngày nay, phần lớn các bạn trẻ là Ki-tô hữu, biết làu làu các nhân vật minh tinh điện ảnh hay ca sĩ, nhưng không thể nhớ nổi tên của một vị thánh viết sách Tin Mừng.

Như thế, sự sống tâm linh của tín hữu sẽ không còn khi tách lìa với Đức Kitô là “sự sống” như Người từng tuyên bố: “Thầy là Sự Sống”. Như vậy, không thể có Kitô hữu nào mà lại không kết hợp với Chúa Giêsu, đặc biệt kín múc sự sống của Người từ bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa.

Đó là hai cách thế ở lại trong Chúa, nhưng ở lại thôi mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, mà còn phải sinh hoa trái.

 

* Sinh hoa trái.

Chúa Giê-su khẳng định: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,8). Thật vậy, chức năng của cành nho không phải là trơ trụi hoặc ra lá, mà là phải sinh hoa trái, sinh hoa trái tốt chứ không phải hoa trái xấu, nếu không thì phải bị cắt bỏ để khỏi làm tổn hại đến cây và các cành khác. Chức năng của Ki-tô hữu là phải sinh công phúc việc lành, phải làm phát triển Giáo Hội, phải truyền giáo mở rộng nước Chúa.

Con đường theo Chúa không chỉ là từ ngoài tiến vào đền thánh Giê-ru-sa-lem trong niềm vui, mà còn là cùng với Chúa từ trong thành tiến ra Núi Sọ trong hy sinh thánh giá:

– Đời tu không chỉ có việc chắp tay cầu nguyện mà còn có lao động, việc phụng vụ phải làm sao có giá trị cứu độ, sinh ơn lành cho thế giới.

– Không phải như ai đó hành hương nơi nào cũng đến, Đức Mẹ nơi nào cũng đi, nhưng về sống với gia đình thì không ra gì.

– Đời sống đạo không chỉ dừng lại ở nhà thờ, nhưng phải từ nhà thờ đi ra với cuộc sống và làm chứng cho Chúa trong phận vụ của mình.

= Cành nho muốn sinh hoa trái thì phải hút nhựa sống từ cây và phải chịu chủ vườn cắt tỉa: Đời sống đức tin của Ki-tô hữu đòi hỏi phải kết hợp và kín múc từ cây sự sống là Chúa Giê-su, đồng thời phải chịu cắt tỉa là những hy sinh mỗi ngày, bước theo con đường thập giá, để cộng tác với Chúa sinh hoa trái là ơn cứu độ tha nhân.

= Không sinh hoa trái: Có thứ cành nho vẫn hút nhựa sống từ cây, nhưng lại chỉ ra lá. Đó là tình trạng của những con người ích kỷ chỉ lo cho mình, được hưởng bao ân huệ của Chúa nhưng lại không chia sẻ cho tha nhân, nhất là thiếu đi tinh thần truyền giáo. Việc yêu mến Thiên Chúa thật tự nó sinh hoa trái, người luôn có sự sống thân tình với Thiên Chúa thì cũng đương nhiên có đời sống tương quan đức ái với mọi người.

= Sinh hoa trái xấu: Có loại cành nho lại sinh hoa trái xấu, có thể vì không hút được đủ dinh dưỡng từ cây, cũng có thể do bị sâu bọ cắn phá. Đó là những ai hời hợt với ơn Chúa, hoặc để cho những thứ tác động bên ngoài xâm nhập đục khoét tâm hồn, nên đời sống họ không thể sinh hoa trái công phúc việc lành cho Giáo Hội.

 

Tóm lại, qua những gì đã chia sẻ, đời sống đức tin của mọi Ki-tô hữu là phải ở lại trong Chúa và sinh hoa trái thiêng liêng cho Giáo Hội. Chức năng của cành nho là hút nhựa sống từ cây nho để sống và sinh hoa thơm trái tốt, thì chức năng của Kitô hữu là kết hợp với Đức Kitô để kín múc sự sống tự nơi Người, hầu làm cho Giáo Hội được triển nở…

 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết luôn ở lại trong Chúa qua việc kết hiệp với Chúa mỗi ngày nhờ Thánh Thể và suy niệm lời Chúa, để chúng con sinh hoa trái cho Chúa là ngày một lớn lên trong ơn nghĩa và đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN V PHỤC SINH

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 14,21-26.

Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian? ” Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

 

+ SUY NIỆM

Tình yêu không ai định nghĩa được, nhưng bất cứ ai cũng cảm nhận được nó khi yêu. Tình yêu được Thiên Chúa phú ban cho loài người và chỉ có loài người mới có để sống và yêu. Hai chữ “tình yêu” đã đi vào huyền nhiệm. Tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào.

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Tông Đồ Tađêô đã thắc mắc với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Câu trả lời của Chúa Giêsu chỉ đơn giản là vì ai yêu mến thì được Chúa tỏ mình cho. Nghĩa là, yêu mến chính là điều kiện cần và đủ để được Chúa tỏ mình và đến ở với chúng ta.

Khi hai người yêu nhau, họ dần dần khám phá ra nhau, cảm nhận được tình yêu dành cho nhau và thấu hiểu về nhau mà người ngoài không thể hiểu được. Cũng thế, Thiên Chúa tỏ mình cho những ai yêu mến Người.

Lời Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Nói một cách ngắn gọn, muốn được yêu thì phải yêu vì TÌNH YÊU ĐƯỢC ĐỀN ĐÁP BẰNG TÌNH YÊU.

Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì tình yêu đã có từ đời đời, nghĩa là có trước cả vũ trụ. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì tình yêu không lệ thuộc một không gian nào, nghĩa là tình yêu ở khắp mọi nơi. Tình yêu ở khắp mọi nơi nên đâu phải dày công đi tìm nó, nhưng tình yêu sẽ đến và ra đi tùy tâm hồn của mỗi người. Vì thế, không phải đi tìm nhưng là hãy phá bức rào chắn của tâm hồn để đón nhận tình yêu và trao ban nó cho đối tượng mình yêu.

Bài Tin mừng hôm nay, sau khi nói về điều kiện để được Thiên Chúa yêu, Chúa Giêsu nói đến sự ưu ái của Thiên Chúa Ba Ngôi (Cha Thầy – Thầy – Đấng Bảo Trợ) sẽ đến ở với những ai yêu mến và giữ lời Chúa Giêsu. Tình yêu Ba Ngôi là tình yêu có từ khởi thủy, phát xuất từ cái nhìn đầu tiên khi Chúa Cha – Chúa Con chiêm ngắm và yêu mến nhau vô cùng, đã phát xuất ra Thánh Thần Tình Yêu. 

Tình Yêu đó trào tràn trên nhân loại, và khi ai biết sống tình yêu mến dành cho Thiên Chúa và tha nhân, là phản chiếu hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa và nên một với Chúa Giêsu.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết yêu Chúa và yêu người như chính bản thân, để chúng con cũng được Chúa yêu và tỏ mình ra, hầu chúng con vui vẻ dấn thân làm cho mọi người cũng nhận ra tình yêu của Chúa mà chạy đến với Người. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN V PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 14,27-31a

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.

 

+ SUY NIỆM

Bình an. Đó là khao khát của con người mọi nơi và mọi thời. Người có được sự bình an thì  đáng quý hơn tất cả. Bình an vượt lên trên tất cả sự giàu sang, danh vọng, quyền lực…

Người có nhiều của cải ư? Lo lắng sợ bị mất… mất bình an

Người có quyền lực ư? Lo ngại kẻ thù… mất bình an

Không phải làm vua mà được bình an thư thái, vì sợ bị ám sát hay sợ bị lật đổ

Cũng không phải nghèo khó mà được tự tại an vui, vì lo lắng cho cái ăn cái mặc

Nhưng có một điểm chung của bất kỳ ai là đều mất bình an vì lo sợ tương lai. Tương lai sẽ ra sao và sẽ đi về đâu…

 

Oiralih nói rằng: “Khi đến với cung vua hay nơi sang trọng nhất là khi bạn mất bình an nhất, nhưng nếu muốn bình an thì bạn hãy bước vào tu viện”. Thật vậy, nơi các tu viện không phải vì đầy đủ cơm no áo ấm, mà vì nơi đó các tu sĩ sống an nhiên tự tại khi họ từ bỏ tất cả những lo toan vật chất để chỉ lo phụng sự Chúa.

 

Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng của các môn đệ về tương lai bất định, nhất là việc Thầy sắp ra đi, nên Người đã trấn an các ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Thứ bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ là bình an đích thực, nghĩa là đặt niềm tin vào Chúa quan phòng, không lo sợ bất cứ điều gì từ bên ngoài tác động vì luôn có Chúa trong mình. Cũng như Chúa Giêsu luôn bình an, dù đứng trước mọi khó khăn chống đối, trước cuồng phong bão táp hay trước sự bách hại của vua chúa quan quyền; thì đây Chúa Giêsu cũng ban cho những ai buớc theo Người được sự bình an đích thực trong tâm hồn, khi luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

 

Trong Thánh Kinh, từ thời Cựu Ước, người ta dùng từ “bình an” để chào hỏi nhau lúc gặp gỡ. Còn ngôn sứ Isaia thì tiên báo Đấng Messia sẽ là “Hoàng Tử Bình An”. Khi Chúa Giêsu sinh hạ nơi hang đá Bêlem, các thiên thần cũng đã ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, BÌNH AN dưới thế cho người Chúa thương”. Như thế, Chúa Giêsu chính là sự BÌNH AN đích thực của Thiên Chúa, và sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống từ trời chính là ban bình an cho nhân loại.

 

Tóm lại, sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống trần gian qua lời thiên sứ hát mừng là “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”, thì nay khi sắp lìa bỏ những người Chúa thương mà trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng để lại ơn bình an ấy. Ơn bình an mà từ đây, những người theo Chúa thì không còn sợ hãi tội lỗi, ma quỷ và sự chết nữa. Thật vậy, khi có Chúa, Kitô hữu không chỉ được hưởng bình an ngay tự bây giờ, mà còn hi vọng được về “quê BÌNH AN” vĩnh cửu trên trời.

 

Lạy Chúa Giêsu, như trong thánh lễ mỗi ngày, chúng con nhắc lại lời Ngài phán với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin đoái thương ban cho gia đình chúng con, giáo xứ chúng con, hội thánh của Chúa, và quê hương đất nước chúng con được bình an. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN V PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 15,1-8

“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

 

+ SUY NIỆM

Vườn nho hay cây nho là hình ảnh rất quen thuộc của người Do-thái. Cây nho cho họ thứ rượu uống hằng ngày và trở thành thức uống không thể thiếu trong các buổi tiệc. Hình ảnh vườn nho hay cây nho cũng được ví như nhà Israel dưới ngòi bút của các ngôn sứ Isaia, Giêrêmia và Ezêkiel: Dân Israel là vườn nho của Chúa trồng lên và chăm sóc bảo vệ chúng, lắm khi chúng đã trở nên tan hoang và sinh nho dại.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tương quan của Người với các môn đệ. Như cành lìa cây sẽ bị héo khô và chết vì mất nguồn sống, thì những ai tách lìa khỏi sự sống duy nhất là Đức Kitô sẽ hư mất đời đời.

Cành nho sống được là nhờ hút nhựa sống từ thân cây, nhưng không phải hút để ra lá mà là để sinh hoa trái. Đó là nội dung chúng ta suy niệm hôm nay:

 

* Hút nhựa sống

Một sự thật hiển nhiên là cành nho bị cắt đứt lìa thân cây chắc chắn sẽ héo khô và chết, vì nhựa sống của cành nho không tự có mà là nhựa sống được truyền từ cây sang cành. Khi sử dụng hình ảnh cây nho – cành nho này, Chúa Giêsu khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện hữu của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới tự hữu, còn con người chỉ hiện hữu lệ thuộc vào sự sống của Thiên Chúa.

Cụ thể, sự sống tâm linh của tín hữu sẽ không còn khi tách lìa với Đức Kitô là “sự sống” như Người từng tuyên bố: “Thầy là Sự Sống”. Như vậy, không thể có Kitô hữu nào mà lại không kết hợp với Chúa Giêsu, đặc biệt kín múc sự sống của Người từ việc cầu nguyện, lãnh các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể…

 

* Sinh hoa trái.

Tuy nhiên, chức năng của cành nho không phải là trơ trụi hoặc ra lá, mà là phải sinh hoa trái, sinh hoa trái tốt chứ không phải hoa trái xấu, nếu không thì phải bị cắt bỏ để khỏi làm tổn hại đến cây và các cành khác.

= Không sinh hoa trái: Có thứ cành nho vẫn hút nhựa sống từ cây, nhưng lại chỉ ra lá. Đó là tình trạng của những con người ích kỷ chỉ lo cho mình, được hưởng bao ân huệ của Chúa nhưng lại không chia sẻ cho tha nhân, nhất là thiếu đi tinh thần truyền giáo.

Việc yêu mến Thiên Chúa thật tự nó sinh hoa trái, người luôn có sự sống thân tình với Thiên Chúa thì cũng đương nhiên có đời sống tương quan đức ái với mọi người.

= Sinh hoa trái xấu: Có loại cành nho lại sinh hoa trái xấu, có thể vì không hút được đủ dinh dưỡng từ cây, cũng có thể do bị sâu bọ cắn phá. Đó là những ai hời hợt với ơn Chúa, hoặc để cho những thứ tác động bên ngoài xâm nhập đục khoét tâm hồn, nên đời sống họ không thể sinh hoa trái công phúc việc lành cho Giáo Hội.

 

Tóm lại, chức năng của cành nho là hút nhựa sống từ cây nho để sống và sinh hoa thơm trái tốt, thì chức năng của Kitô hữu là kết hợp với Đức Kitô để kín múc sự sống tự nơi Người, hầu sinh hoa kết trái dồi dào cho Giáo Hội.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết kết hiệp mật thiết với Chúa, để được thông truyền sự sống thần linh, hầu chúng con được sống, được hiện hữu và sinh hoa trái cho Chúa là các linh hồn. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN V PHỤC SINH

Ngày 03/05: Thánh Philipphe và Giacobe Tông đồ

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 14,6-14

Đức Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

 

+ SUY NIỆM

Khao khát được biết Thiên Chúa Cha là khát vọng chính đáng của con người, và cùng đích của con người chính là được đời đời chiêm ngưỡng thánh nhan Cha. Chính vì thế mà sau khi Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa Cha, tông đồ Philípphê đã không ngần ngại thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con đã mãn nguyện”.

 

Thấy Thiên Chúa Cha ư? Con mắt phàm tục không thể nhìn thấy Thiên Chúa. Đó là điều được nói đến trong Cựu Ước, rằng không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống: Môsê phải che mặt khi đối diện, Êlia chỉ được nhìn thấy phía sau, các tổ phụ, thẩm phán và ngôn sứ chỉ được thấy Chúa qua các thiên sứ hoặc các biến cố như mây, lửa… Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng phải nhờ Chúa Con mặc khải cho”.  Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

 

Như thế, chỉ có Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa Cha. Câu trả lời cho Philípphê hôm nay chứng mình điều đó, đồng thời mạc khải chắc chắn về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi vừa hiện hữu tại thân vừa hiện hữu hướng về đến duy nhất, như Chúa Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”.

 

Trong lịch sử đã xảy ra nhiều lạc thuyết tìm cách tách rời tính duy nhất này và Giáo Hội đã có nhiều công đồng để lên án và tuyên tín. Về sau này và càng gần đây xuất hiện nhiều cái gọi là mặc khải tư hay sứ điệp này nọ mà ông này bà kia tự xưng là “thị nhân” “con gái yêu” nói rằng được Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần hiện ra cho biết. Giáo Hội luôn dè dặt và không ủng hộ những điều đại loại như thế, nhưng chính những thứ đó lại gây hoang mang cho nhiều người, thậm chí cả những anh chị em thuộc giới tu hành tin và phổ biến.

Điều đáng buồn là một số người người những Giáo Huấn chính thức của Giáo Hội được Chúa Kitô trao quyền bảo vệ đức tin thì không theo, lại chạy theo những thứ “chui cửa sau” mà không qua Giáo Hội.

Chính vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, xin hãy ý thức cho rằng:

  • Không phàm nhân nào nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống.
  • Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, trừ khi Chúa Con mặc khải cho.
  • Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.
  • Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Chúa Cha, nên tất cả mọi mặc khải khác đều phải quy về Chúa Giêsu và vâng phục Giáo Hội.
  • Chúa Giêsu làm tất cả những gì mọi người cầu xin với Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu.

 

Đó là tất cả những gì được nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Đó là đức tin tông truyền của Giáo Hội, vì thế không có con đường chui nào khác mà không qua Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất. Những linh đạo qua Đức Mẹ và các thánh đều quy hướng về Chúa Kitô. Mọi điều lớn lao mà các Kitô hữu làm được không phải do công chính mình, mà là do niềm tin vào Đức Kitô.

Chúa Giêsu khẳng định Người là con đường duy nhất dẫn đến cùng Chúa Cha. Lời rao giảng của các tông đồ cũng luôn tuyên xưng như thế: “ngoài Chúa Giêsu ra, dưới gầm trời này không ai có thể đem lại ơn cứu độ”. “Thầy là đường”, chữ “Đường” ở đây không chỉ có nghĩa là Chúa Giêsu chỉ dùng giáo huấn mà dẫn ta đến sự sống, mà chính Người là con đường dẫn đến Chúa Cha nữa. Vì chính Người là mạc khải Chúa Cha (Ga 12,45 và bởi Chúa Cha mà đến rồi lại về với Chúa Cha (Ga 7,29-33). Chỉ trong Chúa Giêsu trung gian duy nhất, chúng ta mới thấy được Thiên Chúa như thế nào, và chỉ một mình Người đưa chúng ta đến với Thiên Chúa mà chúng ta không phải sợ hãi và xấu hổ.

Khi nghe Chúa Giêsu nói “Thầy là đường”, chúng ta cũng nhớ lại một chân lý bất biến là “qua thập giá vào vinh quang”. Đó là con đường duy nhất mà Chúa Giêsu đã đi, để tiêu diệt sự chết và đi vào cõi sống đời đời. Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu, là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt. Vì thế, muốn đạt đến Nước Trời, Kitô hữu cũng phải bước theo con đường đó.

Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa, bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời. Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ. Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu. Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa. Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, với niềm khao khát như thánh Philípphê, xin cho chúng con được nhìn thấy Thiên Chúa Cha hiện hữu trong mọi nơi mọi lúc, đặc biệt trong mọi biến cố cuộc đời, để chúng con sống trọn niềm thảo hiếu với Người. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN V PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 15,12-17

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ một giới răn mới, là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nói là giới răn mới không phải vì Mười Giới Răn trong lề luật cũ chưa nói tới, nhưng mới ở đây là “Yêu Như Chúa Yêu”, là tình yêu lớn nhất khi sẵn sàng hi sinh tính mạng vì người mình yêu.

 

* Tình yêu lớn nhất.

“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Khi hai người yêu nhau, những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều họ cần chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí Tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Ngài quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Ngài. Những lời nói, hành động của Ngài để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Ngài cho con người?

 

* Tương giao bạn hữu.

Khi đặt mình trong tương giao bạn hữu, Chúa Giêsu phải hạ mình từ một Thiên Chúa cao vời khôn ví xuống làm một con người bình thường để có thể làm bạn với con người.

Khi thổ lộ cho ai về cảnh ngộ cá nhân hay gia đình, ngay cả những tâm tư và bí mật của đời mình là dấu chỉ mình tín nhiệm người đó kín đáo, muốn gần gũi với người đó và muốn mở lòng để người đó đi vào đời mình. Ðó là cách thế Ðức Giêsu đã làm để trở nên bạn hữu với ta: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”.

 

* Chính Thầy đã chọn anh em.

Chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Không ai đến được với Tôi nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”. Rõ ràng, ơn đức tin là một ơn ban chứ không phải dễ dàng mà có đức tin được.

Ơn gọi không phải bắt đầu từ con người, mà là do tác động từ Thiên Chúa trước. Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với Phêrô khi ông tuyên xưng Người là Đấng Kitô: “…Không phải là xác thịt mà là do Chúa Cha đã mặc khải”. Thật vậy, nhận biết Chúa Giêsu Kitô là một ân ban yêu thương đến từ Thiên Chúa Cha. Mọi nỗ lực của con người không thể thay thế hồng ân Chúa ban khi tuyển chọn họ, kêu gọi họ nhận biết Người theo đúng chân lý.

Trình thuật các Tin Mừng đều cho thấy chính Chúa Giêsu đến kêu gọi các môn đệ, chứ không phải các môn đệ đến chạy theo Người. Chúa Giêsu không chọn rồi để đó mà là cắt cử các môn đệ đi để họ mang lại hoa trái. Thật vậy, chọn bước theo Chúa không phải là để được an nhàn thư thái mà là để trao ban và phục vụ, để sinh ích cho các linh hồn.

 

Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thực là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán thiệt hơn, mà là YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU khi sẵn sàng hi sinh cả tính mạng vì bạn hữu.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu và yêu đến cùng khi trao ban đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, xin cho chúng con cũng biết yêu thương, hi sinh và trao ban cho nhau một cách không so đo tính toán, để chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa, là BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA  ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG CON. Amen

 

 

THỨ BẢY TUẦN V PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 15,18-21

Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.

 

+ SUY NIỆM

Người Việt có câu tục ngữ:

“Yêu nhau yêu cả đường đi

Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra một lời tiên báo: “Nếu thế gian ghét anh em, thì anh em hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước”. Điều này cho thấy, môn đệ cùng chung một số mệnh như Thầy Giêsu, khi môn đệ sống và thực hiện những gì Thầy Giêsu đã làm.

Trong ngôn ngữ của Tin Mừng Gioan: Thế gian không có nghĩa là toàn thế giới, vì vũ trụ là công trình tác tạo do tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng thế gian ở đây là thế lực của sự dữ, của tất cả những gì đối nghịch cùng Thiên Chúa.

Tin Mừng  khéo trình bày sự đối lập của yêu và ghét: Một loạt diễn từ dài nói về tình yêu trào tràn từ Chúa Cha xuống Chúa Con và từ Chúa Con xuống cho môn đệ. Thì hôm nay, một loạt các từ nói về sự thù ghét của thế gian đối với Chúa Giêsu và các môn đệ Người. Như thế, có một sự phân cách rõ ràng, với Chúa thì yêu và với thế gian là ghét.

Chính Chúa Giêsu đã đến thế gian, Người đã bị thế gian lên án và giết chết. Do đó, tất cả những ai là môn đệ của Người cũng phải chịu đồng số phận một sự bách hại và đối xử bất công.

Điều này dễ hiểu, vì Chúa Giêsu là ánh sáng đã làm lộ ra những sự mờ ám của con người, là Sự Thật đã phơi bày ra sự giả dối của con người, là lối đi Tin Mừng vạch trần những hướng đi lầm lạc của con người… Chính vì thế mà con người tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình.

Cũng thế, Kitô hữu thuộc về Chúa Giêsu, sống giáo huấn Chúa Giêsu dạy, là bước đi trong ánh sáng, tình yêu và sự thật. Thế gian chống lại Thầy Giêsu thì cũng chống lại những ai bước theo Người, vì thế gian thích ở trong bóng tối để mờ ám và giả dối. Thật vậy, lý do họ ghét Thầy và cũng ghét trò của Thầy là: “Vì thế gian yêu những gì là của nó” (Ga 15,19).

Thế gian coi tiền bạc trọng hơn đạo đức, lọc lừa nhiều hơn là chân thật, ích kỷ lo cho bản thân, thậm chí chà đạp lên người khác… Đời sống chứng nhân theo Chúa Giêsu của kitô hữu tự nó như là một sự xét xử vạch trần lối sống thế gian, nên bị thế gian ghét bỏ.

Khi bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, mặc nhiên người môn đệ đã chấp nhận dấn thân vào một đối đầu không khoan nhượng. Trong đó, họ sẽ lãnh lấy phần thua thiệt để phải hy sinh cả mạng sống. Ðiều này không chỉ xảy ra trong Giáo Hội thời sơ khai, nhưng mãi mãi cho đến hôm nay vẫn luôn còn bị bách hại.

Như thế, bị thế gian thù ghét không phải là điều bất thường đối với kitô hữu; cái bất thường của kitô hữu chính là cuộc sống dễ dãi, thỏa hiệp, buông theo dòng thác của thế tục. Nhưng trong mọi sự, chính việc chịu thù ghét bất công lại làm cho tín hữu nên giống Thầy Giêsu hơn vì được đồng số phận với Người.

 

Lạy Chúa Giêsu, khi chọn bước theo Chúa, sống đức tin của người Công Giáo, xin cho chúng con dám lội ngược dòng, là không dễ dãi thỏa hiệp với lối sống ngược với giới răn Chúa, dù phải chịu nhiều bách hại và đối xử bất công, để chúng con được nên giống Chúa. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...