CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN
Đức Mẹ đi viếng bà Elizabeth, Lễ kính
Các bài chia sẻ: Hiền Lâm
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28, 16-20
Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
+ SUY NIỆM
“HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ”
Mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả nhất mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho nhân loại. Đã hơn hai ngàn năm, nhiều học giả đã cố gắng đưa ra những ví dụ để giải thích như: ngọn đèn, ánh sáng và sức nóng cùng trong một cái đèn; ba cạnh ba góc bằng nhau trong một tam giác đều; ba đốt trong một ngón tay… nhưng tất cả chỉ là loại suy khập khiễng. Bởi vì đi tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì cũng như một đứa trẻ dùng cái vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang con còng với hi vọng làm cạn nước biển (x. Giai thoại của thánh Augustino). Nghĩa là trí óc con người bé nhỏ không thể nào tri hiểu được mầu nhiệm bao la vô hạn. Con người chỉ biết rằng, từ đời đời Chúa Cha đã đản sinh ra Chúa Con và Tình Yêu giữa hai ngôi dành cho nhau đã nhiệm xuy ra Chúa Thánh Thần, sự yêu nhau và hướng về nhau này đến độ duy nhất (Một Chúa ba Ngôi). Và vì thiêng liêng nên không thuộc thời gian và không gian, nên không thể có một cột mốc thời gian có từ lúc nào, vì vậy mà Ba Ngôi có cùng một lúc hiện hữu.
Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống được chọn để mừng Lễ Chúa Ba Ngôi đã được cử hành vào thế kỷ thứ bảy. Lễ kính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chiếm một chỗ xác định trong lịch phụng vụ, cuộc cử hành nầy dần dần được xem như một ngày lễ đặc biệt. Kể từ thế kỷ thứ X, có khá nhiều nhà thờ cử hành thánh lễ nầy một cách long trọng. Vào năm 1334, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII chuẩn nhận việc cử hành nầy ở Rô-ma và mở rộng đến Giáo Hội hoàn vũ.
Bài Tin Mừng về Lễ Chúa Ba Ngôi năm B là trích đoạn của thánh Mát-thêu về lệnh truyền của Chúa Giêsu:
- Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
- Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
- Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
- Lời hứa: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
* Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Cũng như Chúa Giêsu đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x.GKPV).
Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ và cộng đoàn.
* Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Nếu đem đối chiếu các trình thuật về làm phép rửa trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 19,5…) và các thư thánh Phaolô, có thể chúng ta không dám chắc là đã có một công thức đầy đủ về việc làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi như tường thuật Tin Mừng Mát-thêu, bởi ban đầu các tông đồ và môn đệ vẫn làm phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, còn việc nhân danh Ba Ngôi là sự tiến triển của thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng về sau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (gia nhập đạo) thì phải lãnh phép rửa. Phép rửa trở thành một điều kiện bắt buộc để được hưởng ơn cứu độ, vì qua Phép Rửa, tín hữu được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.
Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). Tóm lại, phải qua phép rửa mới được cứu độ dù là minh nhiên hay mặc nhiên.
* Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Những huấn lệnh của Chúa Giêsu chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.
Và giờ đây, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết.
Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu phép rửa rồi, Kitô hữu không phải nhận phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Kitô hữu vì đã chịu phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.
* Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt (Mt 1,23). Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giêsu hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).
Thầy ở lại với anh em, nghĩa là sau khi Phục Sinh, trong một cách thế hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn trong không gian hay thời gian nữa, mà ở trong niềm tin, lòng mến và sự trông cậy của các Tông Đồ: Rao giảng một niềm tin duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô, đặt tình yêu duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô và đặt tất cả niềm hi vọng vào Chúa Giê-su Ki-tô; bởi, “chính nhờ Người, với Người và trong Người, và mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Ki-tô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 10,17-27
Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? ” Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! ” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu? ” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”
+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một chàng trai trẻ đạo đức truyền thống nhưng lại hơi tham của. Anh giữ luật lệ đàng hoàng, nhưng lại thiếu đi lòng bác ái để sống trao ban; anh muốn được trở nên hoàn thiện, nhưng ước muốn ấy đã bị của cải vật chất ngăn cản.
* Theo Chúa phải biết từ bỏ và cho đi.
Nhìn lại cuộc sống của người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay, xem ra anh ta quả là một người đạo hạnh, vì tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa từ lúc còn nhỏ. Thái độ sống của anh khiến chúng ta phải kính nể, bởi thật là khó để sống được như thế. Do đó, ước muốn trở nên hoàn thiện của anh là một điều chính đáng. Tuy nhiên, khát vọng trở nên hoàn thiện không chỉ là những điều phải tuân giữ như anh ta nghĩ, mà còn phải thể hiện một cách mạnh mẽ hơn và triệt để hơn, đó là dám đánh đổi tất cả để được sự hoàn thiện ấy. Chúa Giêsu đã “đánh” vào điểm yếu của người thanh niên, khi Ngài đưa ra một cuộc “trao đổi” cho anh: bán tất cả tài sản để có một kho tàng khác; đổi cả một gia tài cả đời dành dụm để được một sự hoàn thiện, và đổi cái có trong tay để lấy cái không thấy được. Kết quả, anh ta đã không dám đánh đổi. Anh đành rút lui. Vâng, tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được sự thánh thiện.
Phương tiện Chúa Giêsu chỉ cho người thanh niên hôm nay đạt đến mục đích không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ là tuân giữ chay cứng những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện tình yêu Chúa và yêu người.
Là Kitô hữu, chúng ta chỉ chăm chăm giữ những điều luật mà thôi chưa đủ, vì như thế chỉ là mang tính hình thức và tiêu cực, và tự bản chất giữ luật như thế chỉ nhằm cho xong bổn phận, đôi khi để được khen và chọn luật làm cứu cánh cho đời mình như Biệt Phái Pharisiêu, cho rằng cứ giữ từng câu chữ lề luật là tự cứu độ mình, tự sức mình… Trong khi để đạt tới sự hoàn thiện cần có ơn Chúa, và trên hết cần giữ luật với một lòng mến Chúa và thương yêu tha nhân thật lòng thì mới xứng đáng đạt tới sự hoàn thiện. Bởi vì nếu chúng ta ăn chay, đi lễ, đọc kinh nhiều… mà chúng ta không quan tâm chia sẻ với những anh em bất hạnh, thì mọi sự chỉ là hư không.
Cách riêng đối với những ai sống đời thánh hiến, việc chọn đời tu để nên hoàn thiện, đòi hỏi một sự dứt khoát từ bỏ của cải vật chất để được siêu thoát khỏi mọi vướng bận để được hoàn toàn cho Chúa qua lời khấn khó nghèo. Đó cũng là điều mà bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở mọi anh chị em tu sĩ ý thức mỗi ngày về điều mình đã chọn.
* Tại sao người giàu có lại khó vào nước Thiên Chúa?
Nghèo tự nó không phải là một cái tội, nhưng sẽ là cái tội khi chúng ta chọn vật chất làm cứu cánh cho cuộc đời, để rồi lao vào “làm mọi cách” (vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay con người có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền, bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính) để được giàu sang đời này mà không còn đếm xỉa đến sự sống vĩnh cửu, như dụ ngôn hạt giống rơi vào bụi gai đã bị bóp nghẹt không thể phát triển được.
Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim là một ví dụ cường điệu (có lẽ là lỗ kim là một cái lỗ hình tròn vào đền thờ Giêrusalem chỉ vừa cho một người chui vào và những con vật người đó cưỡi như lừa, ngựa, lạc đà không thể chui qua được, để tránh phạm sự thánh, mọi người đến đó phải xuống ngựa để một mình chui qua), dù sao cũng cho thấy sự khó khăn để đạt được nước Thiên Chúa của người ham mê thế sự và bị của cải lấn át cả lý trí và lương tâm, khi chiếm đoạt bất chính và thiếu san sẻ cho đồng loại.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng, khi chọn bước theo Chúa trong ơn gọi làm Kitô hữu, chúng con không chỉ lo tuân giữ những điều luật bắt buộc, mà còn biết dùng những của cải vật chất Chúa ban mà san sẻ cho nhưng anh chị em thiếu may mắn, để chúng con được nên hoàn thiện như lòng Chúa ước mong. Amen
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 10,28-31
Khi ấy, ông Phê-rô lên tiếng thưa với Chúa Giê-su: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! ” Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”
+ SUY NIỆM
Các vị sư phụ khi nhận đệ tử, các công ty tuyển dụng nhân viên, hay các trung tâm tuyển sinh… đều luôn đưa ra một kết quả tươi sáng để hấp dẫn ứng viên. Đàng này, Chúa Giêsu khi mời gọi và tuyển chọn lại bằng một lời hứa có thể nói là sốc: “mất mạng…”.
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,34).
Có lẽ vì vậy mà Phêrô và các môn đệ hoảng hồn, để rồi hôm nay Phêrô đại diện cho cả nhóm đặt thẳng vấn đề với Thầy: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”, nói toạc ra là: “Chẳng lẽ bỏ hết cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp… để theo Thầy rốt cục mất cả chì lẫn chài sao? Chứ sao nữa, Phêrô bỏ vợ, Gioan bỏ bố, Mátthêu bỏ nghề… để rồi ‘bỏ mạng” ư?
Câu trả lời của Chúa Giêsu lại là: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.
So với thực tế, thì câu trả lời này thật khó hiểu. Vì vậy, trước hết cần đặt vào bối cảnh ra đời của các sách Tin Mừng: Tin Mừng được viết sớm nhất cũng vào khoảng sau năm 60, thời gian này có các cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, nơi đây mọi người thành một gia đình lớn Kitô giáo, cùng có chung một cha trên trời, cùng là anh em với nhau, cùng một thầy là Đức kitô… và mọi tín hữu bán ruộng đất để làm của chung. Tuy nhiên, mọi tín hữu đều bị ngược đãi từ phía nhà cầm quyền và dân Dothái thời đó.
Nói đến đây, người viết nhớ tới câu chuyện của một vị linh mục kể lại thời Cách Mạng khi ngài còn là chủng sinh mà chủng viện bị đóng cửa, nhiều chủng sinh bị bắt và truy tìm. Khi đó, lúc bơ vơ trốn chui trốn lủi, ngài được một người phụ nữ giàu có tài sản hơn 200 cây vàng cùng với việc bảo đảm an thân khỏi phải trốn nã, nếu ngài chịu bỏ ơn gọi để lập gia đình với cô ta. Thế nhưng lựa chọn của ngài là không trở lại với những gì mà ngài đã quyết từ bỏ trước đó.
Vậy thì, chúng ta phải hiểu thế nào đây với câu trả lời trên của Chúa Giêsu?
Thứ nhất: Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì việc bỏ cha mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa và ruộng đất mà theo Chúa xem ra không bình thường, thậm chí còn mất tính nhân bản, hay đi ngược lại với nền giáo dục gia đình nữa. Thực ra, từ bỏ ở đây không phải là “loại trừ”, nhưng là cần đến một sự ưu tiên hơn trong lựa chọn. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta luôn biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, còn những điều khác là thứ yếu. Những gì ở đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Chúa Giêsu không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất, tiền bạc để rồi khước từ Nước Thiên Chúa. Nói tóm, là đặt lên bàn cân giữa Chúa và những liên hệ khác thì cần chọn bên nào trọng hơn, chọn vĩnh hằng hay chóng qua.
Thứ hai: Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần. Phần thưởng sự sống đời đời mai sau là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của sự sống hạnh phúc đời sau. Cũng như, một vận động viên vất vả bỏ công sức tập luyện cùng mọi thứ dụng cụ đắt tiền chỉ để đạt được “huy chương”, mà giá trị vật chất của chiếc huy chương chỉ đáng giá mấy trăm đôla so với hàng ngàn phí tốn mà vận động viên đã bỏ ra, tuy nhiên, điều quan trọng là ý nghĩa tinh thần của chiếc huy chương là vô giá.
Tóm lại:
Là một Kitô hữu, khi chọn vào trong một gia đình Giáo hội, chúng ta tin nhận con cùng một Cha trên trời và là mọi người là anh em với nhau trong một niềm tin, một phép rửa và một cùng đích là Nước Trời. Vì thế, chúng ta được Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi phải chọn ưu tiên cho việc sống đạo vượt trên những thứ hạ đẳng mà mọi người khác tìm kiếm. Nghĩa là trong khi xây dựng cuộc sống nơi trền thế với công việc sinh nhai, thì cũng luôn biết ưu tiên cho những thực tại trên trời, là sống chu toàn những gì luật Chúa và Hội thánh dạy.
Cách riêng với những người sống đời thánh hiến, như lời thánh Biển Đức dạy: “Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô”, một khi đã chọn bước vào tu viện hay qua từng bước khấn dòng, chúng ta xác tín chọn Chúa là tất cả, là ưu tiên số một và đừng dần dần lại tìm bù trừ thu góp lại những gì mà chúng ta đã quyết từ bỏ từ đầu.
Lạy Chúa Giêsu, trong hành trình bước theo Chúa, chúng con chấp nhận những mất mát đau thương vì sự từ bỏ. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng, chỉ có Chúa là trên hết và là gia nghiệp đời đời cho chúng con, để dù sống giữa thế sự thăng trầm chúng con vẫn luôn vững bước. Amen
+ ĐỌC TIN MỪNG
Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”
Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? ” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? ” Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
+ SUY NIỆM
Theo thứ tự tường thuật các Tin Mừng, thì đây là lần thứ ba Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh của Người. Lời tiên báo được thốt ra khi thầy trò đang tiến lên Giê-ru-sa-lem và các môn đệ hí hửng mang trong mình mong muốn thầy xưng hùng lập quốc để các ông được chia sẻ quyền lực, nên Chúa Giêsu một lần nữa lặp lại cho các môn đệ biết con đường Người sẽ đi để hoàn tất chương trình cứu độ, con đường: “qua thập giá đến vinh quang”.
* Con đường qua thập giá tới vinh quang.
Có thể nói, tội nguyên tổ như một quả bom nguyên tử được làm bằng thuốc nổ kiêu ngạo và bất tuân đã rơi xuống cắt đứt con đường nối con người với Thiên Chúa, con đường nối dương gian với quê trời, sức công phá của nó đã tạo nên một hố sâu lớn khiến cho không ai từ bên nhân loại có thể qua với Thiên Chúa được nữa. Bây giờ, Chúa Giêsu đến, Người bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi đó là thập giá, được làm bằng chất liệu gỗ khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào nước trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”
Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Chúa Giêsu tự vác lấy thánh giá mình để đi trọn con đường cứu độ, nên Chúa cũng muốn mọi người vác lấy thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.
* Muốn làm đầu phải hầu thiên hạ.
Tin Mừng tiếp tục kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em con nhà ông Giê-bê-đê xúi mẹ “đi đêm” với Chúa Giêsu để được quyền cao chức trọng. Thật ra, không phải để nói xấu quý ngài mà là nói lên bản tính của con người vốn ham mê quyền lực, nhưng điều quan trọng là sự biến đổi thành thánh nhân bằng con đường phục vụ và hiến mạng sống mình vì Chúa và tha nhân như thánh Gia-cô-bê và Gio-an.
Đâu chỉ riêng gì hai vị Gia-cô-bê và Gio-an, mà cả nhóm các tông đồ cũng tỏ ra tức tối về chuyện xin xỏ quyền lực này (x. Mt 20,24). Thật vậy, từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ, các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Trời. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ.
Một trong những cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…
Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, các ngài từng hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài. Còn “hai vị kia” thì lo lót chạy trước hai cái ghế nhị tam ở bên tả và bên hữu Thầy.
Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hi sinh. Vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra điều kiện để vào Nước Trời trước đã: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Chén Thầy sắp uống chính là con đường thập giá và hi sinh để cứu độ. Kế đến Người mới đưa ra điều kiện để trở nên lớn trong Nước Trời chính là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Như vậy, chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị.
Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như bé nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.
Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hi sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.
Lạy Chúa Giêsu, là những môn đệ được mời Chúa mời gọi bước theo Ngài, xin chúng con không ngại khó ngại khổ và can đảm bước trên con đường Chúa đã đi qua, là hi sinh vác thập giá với Chúa để cứu độ các linh hồn. Amen.
Ngày 31/05: LỄ ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG
+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1, 39-56
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
+ SUY NIỆM
“MẸ SỐNG ĐỂ PHỤC VỤ, MẸ ĐI ĐỂ TRAO GIÊSU”
Con Thiên Chúa, từ ngày truyền tin, lại còn là con Đức Maria. Hồng ân ấy, Đức Maria không giữ cho riêng mình, Người đã vội vã lên đường, đi thăm người bà con để chia sẻ cho nhau.
Biến cố gặp gỡ giữa Maria và Elisabeth đã làm nổi bật lên hai đặc trưng: Đức tin và sự trao ban – phục vụ.
* Đặc trưng niềm tin
Với khoảng cách giữa Nazareth và Ain Carem (khoảng 100km) với liên lạc thời đó, tin tức về một phụ nữ mang thai ở cách xa nhau như thế, Maria chỉ biết được nhờ tin vào Lời Chúa qua miệng thiên sứ Gabriel mà thôi. Niềm tin của Đức Maria được khẳng định khi Mẹ thưa “xin vâng” một cách dứt khoát và điều này được chính bà Elisabeth đã thốt lên lời ca ngợi “phúc cho bà là kẻ đã tin…” (Lc 1, 45).
Từng câu từng chữ trong lời ca tụng của bà Elisabeth đều mang đầy ý nghĩa, nhưng điều bà nói cuối cùng mới thực quan trọng: “Em thật có phúc, vì đã tin…” (Lc 1, 49) . Câu nói này có thể đặt cận kề với tước hiệu “đầy ơn phúc” trong lời chào của thần sứ.
Qua lời chào của thiên sứ Gabriel và lời tán dương của bà Elisabeth dành cho Đức Maria, cho thấy chân lý về Đức Maria hiện diện trong mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ vì Mẹ đã tin . Công đồng Vaticano II dạy: “Phải bày tỏ sự vâng phục của đức tin (Rm 16, 26; 2Cr 10, 5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải, nhờ đó con người hoàn toàn tự nguyện phó thác vào Thiên Chúa” . Cách diễn tả đức tin này đã được Đức Maria thực hiện nơi bản thân mình cách trọn vẹn. Giây phút quyết định là lúc truyền tin, và các lời của bà Elisabeth: “Em thật có phúc vì đã tin” được áp dụng vào giây phút chính xác đó . Với cả lý trí và ý chí, Đức Maria đã đáp lại tiếng Chúa bằng cả con người trọn vẹn đầy nhân tính và nữ tính, và lời đáp trả của đức tin nàybao một sự cộng tác hoàn hảo với hồng ân trợ lực của Thiên Chúa và một sự sẵn sàng trọn vẹn cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng dùng hồng ân của mình làm cho đức tin luôn hoàn hảo.
* Đặc trưng đức ái (trao ban và phục vụ)
Việc Đức Maria vội vã ra đi đến Ain Carem khi vừa được báo tin là người chị họ trong lúc tuổi già đã mang thai được sáu tháng, được thôi thúc bởi ba động lực là để chia sẻ niềm vui, trao ban “ân sủng” và tinh thần đức ái: Đức Maria đến chia sẻ niềm vui kép đôi vì vừa được cưu mang Chúa Giêsu, vừa vui mừng cho bà Elisabeth được Thiên Chúa cất đi nỗi nhục son sẻ của bà; Đức Maria đến để đem Chúa Giêsu đến cho Gioan được nhảy mừng và bà Elisabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần; và Đức Maria đến để giúp đỡ bà Elisabeth trong thời kỳ thai nghén. Tất cả được gói gọn trong một động lực duy nhất là đức ái tuyệt hảo của Mẹ Con Thiên Chúa.
Niềm vui trước hết và trên hết mà Đức Maria muốn chia sẻ chính là niềm vui được Thiên Chúa cứu độ. Được cứu độ là niềm vui lớn nhất mà bao thế hệ đợi chờ, chính vì thế mà Đức Maria, người được cứu độ đầu tiên, tràn ngập niềm vui, vừa cất tiếng chào thì Gioan trong dạ bà Elisabeth cũng nhảy lên vui sướng vì ơn cứu độ đã đến. Đức Maria mang đến cho gia đình bà Elisabeth ân sủng của Thiên Chúa, vì Mẹ tràn ngập ân sủng, nên ân sủng đó trào tràn trên bà Elisabeth làm cho bà cất lớn tiếng và ca ngợi Mẹ Thiên Chúa.
Đức Maria mang trong mình Đấng là ân sủng và được bao quanh bằng ân sủng của Thánh Thần, Mẹ hiểu rõ bản chất của ân sủng không cho phép tích trữ và giữ lấy như của riêng, mà cần phải trao ban, ân sủng không dừng lại nơi Mẹ mà được tặng ban cho con cái loài người. Thật vậy, nếu ân sủng là để phân phát, thì người làm đầu chỉ có thể là để phục vụ (x. Mt 23, 11), và thế giới ân sủng còn là thế giới của tình thương.
Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng.
Tóm lại, qua biến cố Đức Maria thăm viếng bà Êlizabeth, Chúa muốn dạy chúng ta sống tinh thần của Mẹ Maria là sống trong ơn nghĩa của một tâm hồn đầy Chúa, cưu mang Chúa trong trái tim mình, để rồi mau mắn đem Chúa đến cho tha nhân. Đặc biệt cụ thể hoá việc làm chứng cho Chúa qua chính đời sống phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin phó thác, để chúng con biết xin vâng như Mẹ; xin cũng tăng thêm cho chúng con đức ái, để chúng con biết sống trao ban và phục vụ như Mẹ. Nhờ đó, cùng với Mẹ Maria, chúng con xứng đáng là những người con thảo của Cha trên trời. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 11,11-26
Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! ” Các môn đệ đã nghe Người nói thế.
Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! ” Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.
Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: “Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi! ” Đức Giê-su nói với các ông: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: Dời chỗ đi, nhào xuống biển! , mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. ( Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em).”
+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô ghi lại cách tóm tắt nhiều sự kiện và lời dạy của Chúa Giê-su: Người nguyền rủa cây vả không sinh trái, xua đuổi quân buôn ra khỏi đền thờ, giáo huấn về sức mạnh của niềm tin, giá trị của lời cầu nguyện và lời mời gọi sống tha thứ để được thứ tha.
Qua những sự kiện và lời giáo huấn của Chúa Giê-su, chúng ta cùng suy tư ba điểm:
* Tôn trọng nơi thánh thiêng.
Đền thờ Giêrusalemcó ba phần bao gồm Nơi Cực Thánh, Nơi Thánh và Sân Chư Dân. Hằng năm, các dịp lễ lớn, người Do-thái từ khắp nơi về dự lễ, có cả những kiều bào và dân các thành khác.
Xung quanh đền thờ, người ta đã lập các kios đổi tiền, buôn bán chiên bò và bồ câu, nhằm đáp ứng nhu cầu những người từ xa về dự lễ khỏi phải mang theo những thứ cồng kềnh. Họ đổi ngoại tệ để nạp thuế đền thờ, đổi tiền lẻ để dâng cúng; người giàu thì mua chiên hay bò, người nghèo thì mua chim gáy hoặc bồ câu để dâng lễ.
Giới tư tế đã nhân cơ hội chiếm dụng cả khuôn viên Chư Dân để lập ra các dịch vụ cho dòng tộc buôn bán trục lợi, làm cho nơi trang nghiêm thành ra chợ búa, nháo nhác tiếng dê kêu bò rống, la lối tranh cãi và có cả quân móc túi…
Chúa Giêsu nhìn thấy cảnh lộn xộn của quân buôn và ô uế của súc vật, vì lòng nhiệt thành, Người đã xua đuổi chúng và nói: “Đừng biến nhà Cha Ta thành chợ búa”.
Sự kiện này là bài học cho chúng ta, chúng ta ý thức đền thờ là nơi thánh không? Chúng ta có những chiếm dụng trái phép của thánh không? Chúng ta đã thật sự giữ trang nghiêm khi bước vào nhà thờ? Chúng ta có dành riêng nơi thánh để chỉ làm việc thờ phượng Chúa, hay là dễ dàng dùng nhà thờ để tổ chức những sinh hoạt khác không thích hợp?
* Sức mạnh của niềm tin.
Chúa Giêsu nói: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển! , mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý”. Nói như thế, Chúa Giêsu không muốn nói rằng đức tin có khả năng làm phép lạ như một sức mạnh phù phép, bùa chú, hiểu theo nghĩa đen là “chuyển núi dời non”. Nhưng Người muốn nói: đức tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn, phi thường mà nếu không có lòng tin, chúng ta không dám hành động. Bởi vì, người có lòng tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải bằng khả năng giới hạn của mình.
Nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt ta vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường. Một ví dụ cụ thể là: Hiệu quả đức tin của các Tông Đồ vốn là những người không có ảnh hưởng, quyền lực, phương tiện tài chính, tổ chức, báo chí, truyền hình… thế mà các Tông Đồ đã thay đổi dòng lịch sử.
* Tha thứ để được thứ tha.
“ Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em”. Chính Chúa Giêsu trên thập giá đã kêu xin Chúa Cha tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị ném đá cũng cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
Khi tha thứ là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tôn trọng nơi thánh, dám sống những gì chúng con tin và luôn quảng đại sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng con, để nhơ đó, chúng con xứng đáng là con cái Cha trên trời. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 11,27-33
Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy? ” Đức Giê-su đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi! ” Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy? Nhưng chẳng lẽ mình nói: “Do người ta”? ” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc “nhà cầm quyền tôn giáo” đến đòi kiểm tra “giấy phép hoạt động rao giảng Tin Mừng” của Đức Giêsu. Tiếc cho họ là bị Đức Giêsu bẻ lại một câu hỏi về phép rửa của Gioan Tiền Hô làm họ tiến thoái lưỡng nan rồi bỏ cuộc.
Qua sự kiện này, chúng ta đi tìm bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta về quyền rao giảng Tin Mừng không dành cho riêng ai, mà mọi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ đem Lời Chúa đến cho người khác tuỳ theo bậc sống của mình.
Có hai vấn đề được đặt ra, là đặc quyền và năng quyền.
* Đặc quyền rao giảng.
Điều đáng nói ở đây là người đặt vấn đề “giấy phép” với Chúa Giêsu không phải là nhà cầm quyền dân sự, mà là “các đấng các bậc” tôn giáo, là mấy ông “thượng tế, tư tế, ký mục” Do-thái.
Chính sự “đòi giấy phép” để rồi làm thui chột đi những sáng kiến truyền giáo và cản trở việc mở rộng Nước Chúa. Và đôi khi, sự cản trở lại đến từ chính các đấng các bậc bề trên của mình, vì những lý do quyền bính và lợi lộc, hơn là vì lý do Hiệp Nhất.
Ngày nay không thiếu những vị giữ cho mình cái đặc quyền nhân danh Chúa để loan giảng Tin Mừng, sợ “mất quyền lợi” hoặc “nhỏ đi miếng bánh” hay “ảnh hưởng đến thế giá” và ganh tỵ với những người khác, dù ai cũng có quyền làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế, mà không ngược với đức tin Kitô Giáo.
Đôi khi cộng đoàn này phản đối cộng đoàn kia, nhóm từ thiện này lên án nhóm từ thiện nọ, và ai cũng nhân danh Chúa để khiển trách các hoạt động của nhau.
Là người con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta không ganh tỵ với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân.
* Năng quyền rao giảng Tin Mừng.
Cần nắm vững rằng, “giấy phép” rao giảng Tin Mừng dành cho tất cả mọi Kitô hữu trong chức vụ ngôn sứ cộng đồng. Tuy nhiên, để có một Giáo Hội Hiệp Nhất và tránh những sai lạc đức tin, việc rao giảng Lời Chúa cần phải được đặt dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Đây là một điều khác biệt của đạo Công Giáo với anh em Tin Lành. Các anh em Tin Lành tự do chú giải và rao giảng theo những gì họ cho là được Thánh Thần soi sáng, nên ngày nay họ đã có đến hàng trăm chi phái khác nhau. Còn chúng ta, là con cái Giáo Hội Công Giáo, chúng ta đừng vịn cớ “tự do” này, nhưng cần biết vâng theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, để cùng hiệp nhất trong một đoàn chiên và một chủ chăn.
Tóm lại, là Kitô hữu, chúng ta có quyền lợi và nghĩa vụ đem Chúa đến cho mọi người, thực thi nghĩa vụ truyền giáo trong bậc sống của mình, từ vai trò ngôn sứ cộng động đến vai trò ngôn sứ thừa tác. Tất cả cho vinh quang sự nghiệp Nước Chúa và Tin Mừng được loan báo, chứ không phải vì vinh quang và chỗ đứng cá nhân.
Lạy Chúa Giê-su, khi lãnh Bí Tích Thanh Tẩy, chúng con đã nhận lấy sứ vụ ngôn sứ là rao giảng Tin Mừng, xin cho chúng con ý thức sứ vụ cao cả này, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận tiện hay không thuận tiện, chúng con vẫn làm chứng cho sự hiện diện của Chúa giữa trần gian. Amen.
Lm. Hiền Lâm.