Thứ hai, 14 Tháng mười, 2024

ĐỤNG CHẠM CHÚA GIÊSU- TUẦN XXIV-thứ Năm- VP Duyên Thập Tự

TN-167-TUẦN XXIV-thứ năm

ĐỤNG CHẠM CHÚA GIÊSU

( Lc 7,36-50)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Một trong những lợi ích của việc suy niệm Lời Chúa khi đặt bản thân vào trong bối cảnh của trình thuật, đó là giúp hiểu nội dung của Lời Chúa và rút ra được những sứ điệp mà Lời Chúa muốn chuyển tải. Khi đọc, nghe, và suy niệm Lời Chúa, chúng ta cần xác tín rằng Lời Chúa là dành cho chính bản thân chúng ta. Như thế, Lời Chúa mới thật sự sống động trong cuộc đời và trở thành ánh sáng dẫn đường chúng ta đi trên trần gian này.

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay, theo thánh Lu-ca chương 7 từ câu 36 đến 50, là một trình thuật mang lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cách hành động của các nhân vật trong trình thuật. Ngoài Chúa Giê-su là nhân vật chính, còn hai người nữa, đó là người Pha-ri-siêu mời Chúa đến dùng bữa và một phụ nữ tội lỗi trong thành không mời mà đến. Qua cách hành xử của hai con người này đối với Chúa Giê-su – những cử chỉ đã không được thực hiện cũng như những hành vi đã hiện thực – chúng ta nhận ra chính mình trong đó.

Điều tôi muốn dừng lại, đó là ý nghĩ của người Pha-ri-siêu mời Chúa dùng bữa: “Nếu quả thật, ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”. Qua ý nghĩ này, tôi nhận ra một động từ nổi bật, đó là “đụng vào”. Vì thế, tôi xin được chia sẻ về việc “ĐỤNG CHẠM CHÚA GIÊ-SU”.

 1. ÔNG ĐÃ CHẲNG…CŨNG KHÔNG…

Liên quan đến việc “đụng chạm”, trước hết, chúng ta xét đến thái độ của ông Pha-ri-siêu. Và đây là lời Chúa nói với ông: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng đã không đổ lên chân tôi… Ông cũng đã chẳng hôn tôi một cái… Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi…”

Qua nhận định của Chúa, chúng ta nhận ra nơi ông Pha-ri-siêu còn thiếu điều gì đó căn bản mà Chúa không tìm thấy nơi ông. Ông đã mời Chúa đến dùng bữa: ông có lòng tốt với Chúa và chắc cũng là một bữa ăn thịnh soạn. Khi Chúa trách ông không làm những cử chỉ kia, Chúa có quên mất là ông đã mời Chúa và đang khoản đãi Chúa không? Chúa không quên đâu. Nhưng, thế nào là thân tình? Phải chăng chỉ khoản đãi một bữa ăn, mà bữa ăn với các món ăn là do người khác làm, thực hiện. Dùng bữa là nơi, là lúc, của thân tình. Nơi ông Pha-ri-siêu này, chỉ dừng lại “xã giao”, “lễ phép” nhưng lại thiếu đi cái thân tình.

Những thứ có sẵn mà ông lại không thực hiện: nước luôn có sẵn, nhưng ông không dội lên chân Chúa một gáo nước nào. Ôm hôn trong tầm tay ông, nhưng ông lại không thực hiện. Dầu ô-liu có sẵn trong nhà, nhưng ông lại không sử dụng cho Chúa. Ông đón tiếp Chúa như một người khách xa lạ, giữ đúng lễ phép thôi. Ông không muốn “đụng chạm” Chúa, gần gũi Chúa. Dội gáo nước lên chân Chúa, thì cần mời Chúa lại gần. Ôm hôn Chúa là cần thân thiết thì mới thực hiện được. Đổ dầu ô-liu thì cần đụng vào đầu Chúa, để dầu chảy gọn gàng. Chuyện quá dễ! Nhưng lại quá khó đối với ông. Ông muốn “kính nhi viễn chi”: kính Chúa xa xa. Ông mời Chúa đến nhà ông dùng bữa, nhưng lại thiếu thân tình. Và đó là cái thiếu nơi ông, dù cỗ bàn đầy thức ăn ngon và có người hầu bàn lịch sự. Nơi ông, thiếu tình yêu thương đối với Chúa.

Khi nói lên những nhận định trên về những cử chỉ mà ông Pha-ri-siêu không thực hiện, Chúa muốn nhấn mạnh rằng cần có tình thương mến trong tương giao với Chúa. Chúa cần tấm lòng được biểu thị qua những việc làm nhỏ nhưng mang đầy chất thân ái.

Trong đời sống Ki-tô hữu, chúng ta thường dừng lại nơi việc “giữ đạo”, nghĩa là chu toàn những việc làm cho phải đạo; nhưng lại thiếu “sống đạo”, nghĩa là sống thân tình, thân ái, với Chúa Giê-su. Những việc lớn chúng ta vẫn làm được – như ông Pha-ri-siêu mời và dọn bữa ăn ngon cho Chúa -, nhưng đó lại là những việc mà người khác làm sẵn, làm thay, thí dụ thánh lễ, các bí tích, các kinh nguyện; còn những gì nhỏ hơn do tự mình, chúng ta lại không làm được. Rõ ràng chúng ta còn xa Chúa lắm! Chúa vẫn ở xa và chúng ta cũng chẳng để Chúa “đụng chạm” đến và cũng không “đụng chạm” Chúa. Những lời Chúa nói với ông Pha-ri-siêu trên kia, cũng là những lời khiển trách Chúa dành cho mỗi chúng ta. Thật ra, Chúa không cần những cử chỉ kia, những hành động kia; nhưng Chúa muốn có và sống mối thân tình, yêu thương, để chúng ta có cơ hội diễn tả tình yêu đối với Chúa. Mỗi chúng ta, trong hoàn cảnh cụ thể, biết những gì diễn tả sự gần gũi, yêu thương, và thân tình với Chúa. Hãy làm cho Chúa ngay đi.

 2. CÒN CHỊ NÀY ĐÃ LẤY…ĐÃ KHÔNG NGỪNG

Tiếp đến là những gì người phụ nữ tội lỗi kia đã thực hiện. “Ông thấy người phụ nữ này chứ?… còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau… còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi…còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi”. Chúa đã đặt song song hai cách hành xử giữa ông Pha-ri-siêu và người phụ nữ tội lỗi.

Những cử chỉ và những vật dụng người phụ nữ này vượt trên những thứ có sẵn ở nhà ông Pha-ri-siêu theo giá trị khách quan và cả chủ quan: nước mắt phải hơn nước lã, hôn chân diễn tả sự khiêm hạn hơn hôn áp má; dầu thơm hơn dầu ô-liu. Và những cử chỉ của người phụ nữ tội lỗi này chỉ dừng lại nơi đôi chân của Chúa, nghĩa là đầy khiêm hạ. Những cử chỉ của người phụ nữ tội lỗi này “đụng chạm” Chúa: những giọt nước mắt rơi xuống chạm vào chân Chúa, mái tóc lau đụng chạm vào chân Chúa, môi đụng chạm vào chân Chúa qua những nụ hôn, dầu xức trên chân Chúa qua đụng chạm của đôi tay… Người phụ nữ tội lỗi này đã đụng chạm vào Chúa. Những đụng chạm này diễn tả sự đụng chạm vào lòng thương xót, lòng tha thứ của Chúa. Chị đã chạm vào trái tim Chúa, và chị đã dược tha nhiều, dù tội chị thật nhiều. Những diễn tả của chị là những cử chỉ của tình yêu thương chị dành cho Chúa, vì “chị được tha nhiều, nên chị yêu nhiều”. Chị đụng chạm Chúa đôi chân Chúa, nhưng Chúa đã đụng chạm tâm hồn chị trước.

Ông Pha-ri-siêu đã không hiểu thế nào là tình yêu tha thứ, thế nào là tình thương thân ái. Ông đã không thực hiện những cử chỉ thân mến, gần gũi, nên ông cũng không hiểu Chúa và thắc mắc tại sao lại để một người phụ nữ tội lỗi khét tiếng trong thành “đụng” vào mình.

Hành động của người phụ nữ tội lỗi mời gọi chúng ta can đảm “đụng chạm” Chúa, nhất là khi chúng ta phạm tội. Chúa ở đó để chúng ta chạm vào Chúa, chạm vào tình yêu của Chúa, chạm vào lòng thương xót thứ tha của Chúa. Chúa ở đây, giữa chúng ta, gần chúng ta, cốt để chúng ta “đụng chạm” Chúa. Đừng đứng xa Chúa. Đừng nhìn Chúa từ xa.

Và đây, những lời của Chúa đụng chạm đến tận sâu thẳm cuộc đời chị: “Tội của chị đã được tha rồi”. Thật là một lời giải thoát khỏi tất cả gánh nặng của quá khứ tội lỗi. Lời Chúa đã “đụng chạm” đến tận linh hồn chị. Và Chúa nói thêm: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”. Lời Chúa không những lời giải thoát khỏi quá khứ, mang lại tự do, mà còn là lời mang lại bình an và khích lệ cho tương lai. Lời Chúa đã “đụng chạm” đến toàn bộ cuộc sống của chị.

 3. ĐÍCH THÂN, ĐÍCH THỰC

Lời Chúa hôm nay, mời gọi tôi, mời gọi tất cả chúng ta, sống với Chúa Giê-su một cách “đích thân, đích thực”. Sống với Chúa đích thân là việc chúng ta đến với Chúa với tất cả con người thật của mình, dù đó là con người đầy tội lỗi. Sống đích thân với Chúa là chính bản thân diễn tả những gì là yêu thương, là trìu mến, là thân ái. Hãy sống với Chúa với bản chất của mình, với bản thể của mình, chứ đừng như một thứ vay mượn hay một loại bản sao. Sống đích thực với Chúa là sống với những gì rất thật của bản thân, như dòng nước mắt của tâm hồn sám hối.

Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều cơ hội “đụng chạm” Chúa Giê-su: nơi sâu thẳm nội tâm của mình, nơi tha nhân là hình ảnh của Chúa, nơi tất cả những thụ tạo.

Lời Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta trước lựa chọn: ai được tha nhiều, thì yêu mến nhiều; còn ai được tha ít thì yêu mến ít. Chúng ta hãy đến với Chúa, “đụng chạm” Chúa và thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, con muốn được Chúa tha cho con nhiều, vì con đã phạm tội nhiều – như chúng ta tuyên xưng trong kinh cáo mình – để con có thể yêu mến Chúa nhiều hơn nữa. Amen.”

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 2 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,29-32 Dấu lạ diệu kỳ vĩ đại

 DẤU LẠ DIỆU KỲ VĨ ĐẠI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Có lẽ vì tò mò hay hiếu kỳ, dân...

Thứ 7 Tuần XXVII Thường Niên – Lc11,27-28 Hạnh phúc thật

HẠNH PHÚC THẬT Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Trước cử tọa thật đông đảo đang nghe Đức Giêsu giảng dạy với những...

Thứ 6 Tuần XXVII Thường Niên – Lc 11,15-26 Đức Giêsu đầy quyền năng và nhân ái

  ĐỨC GIÊSU ĐẦY QUYỀN NĂNG VÀ NHÂN ÁI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Giữa bao thử thách gian truân và đau khổ...

Thứ Năm Tuần XXVII Thường niên (Lc 11,5-13) Chẳng lẽ Chúa cũng “xin” “cho”?

Thứ Năm Tuần XXVII Thường niên (Lc 11,5-13) Chẳng lẽ Chúa cũng “xin” “cho”? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay là những...

Thứ 5 Tuần XXVII Thường Niên – Lc 11,5-13 Kiên trì cầu nguyện

  KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau khi Đức Giêsu dạy thể thức cầu nguyện với Kinh Lạy Cha,...

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên (Lc 10,38-42) Phục vụ Chúa hay phục vụ tôi?

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên (Lc 10,38-42) Phục Vụ Chúa Hay Phục Vụ Tôi? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay cho...

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên – Lc 10,38-42 Gia đình Bêtania đón tiếp Chúa

GIA ĐÌNH BÊTANIA ĐÓN TIẾP CHÚA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Lời Chúa hôm nay tường thuật cho chúng ta việc Đức...

Thứ 7 Tuần XXVI Thường Niên – Lc 10,17-24 Niềm vui và hạnh phúc đích thực

  NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau cuộc thực tập ra khơi với bao thành quả...

Thứ 2 Tuần XXVI Thường Niên – Lc 9,46-50 Ai là người lớn nhất

  AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong giai đoạn Đức Giêsu...

Thứ 7 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9, 43-45 Con Người sắp bị nộp

  CON NGƯỜI SẮP BỊ NỘP Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau thời gian, Đức Giêsu công khai loan báo Tin Mừng Nước...

Thứ 6 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9,18-22: Thầy là ai?

  THẦY LÀ AI? Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Câu hỏi: Đức Giêsu là ai? Được đặt ra không phải chỉ trong thời...

Thứ 5 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9,7-9 Hai con người

  HAI CON NGƯỜI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Với đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thật quá vắn, vỏn vẹn...