ĐỪNG GIẬN GHÉT
Suy niệm Tin Mừng: Mt 5,20-26, Thứ Năm, Tuần X, Thường niên
M. Lasan Châu Sơn
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó… đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.
Chúa dạy chúng ta làm hoà với anh em bởi vì tấm lòng yêu thương là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế”. Vì thế cho nên, người nào đi dâng lễ, dâng của lễ dù làm đúng theo Luật dạy mà không có lòng mến, thì đó cũng chỉ là sự giả hình, chẳng khác gì các Kinh sư và người Pharisêu, bị Chúa lên án.
Chúa là Đấng giảng dạy đầy uy quyền, Ngài đẩy Luật đến mức hoàn hảo, nhắm thẳng vào tâm lòng con người là nơi phát ra mọi hành động. Nếu Luật xưa dạy “Chớ giết người”, thì nay Chúa dạy chúng ta: đừng giận ghét ai, đừng chửi mắng ai. Chúa còn lên án mạnh mẽ những kẻ: giận ghét, chửi mắng, sỉ nhục tha nhân… là giết người không dao,“đáng bị đưa ra tòa án”.
Thực tế đời sống thường ngày của chúng ta, nhiều chuyện đau lòng đáng tiếc đã xảy ra do vội giận mất khôn: Người có lòng tốt đang cứu giúp ai đó bị tai nạn dọc đường, thì lại bị người nhà nạn nhân hùng hổ xông vào đánh chết. Trong gia đình đôi khi vì một chuyện gì đó mà vợ chồng nhục mạ, chửi mắng, đánh đập nhau, có khi giết nhau vì nóng giận quá độ… Điều ấy giúp ta nhận ra thân phận mỏng dòn của mình, đã có những lần ta nóng giận, mắng chửi người khác, hoặc đã từng bị ai đó đối xử như vậy. Bởi đó Chúa dạy chúng ta đừng giận ghét, đừng chửi mắng ai. Làm sao chúng ta có thể làm được điều này?
Chuyện kể rằng: Một bà cụ tính tình cau có, thích nổi đóa, hay thóa mạ hàng xóm vì những chuyện nhỏ nhặt. Vì thế bà bị mọi người xa lánh. Một hôm bà tìm đến một vị thiền sư danh tiếng mong thoát khỏi tình trạng đó.
Vị thiền sư im lặng nghe bà kể lể, chờ cho bà ấy nói hết, mới dẫn bà ta vào một thiền phòng, khóa cửa lại và bỏ đi.
Bà ta muốn có những lời chỉ dạy của thiền sư, nhưng không ngờ thiền sư đã nhốt bà ta vào phòng vừa lạnh vừa tối. Bà ta tức giận la hét, cũng như ngày thường, bà ta buông những lời nhục mạ quái ác. Nhưng cho dù bà ta có la hét, ở ngoài vẫn im lặng, thiền sư như không nghe thấy lời nào.
Khi không còn chịu đựng được nữa, bà ta thay đổi thái độ cầu xin thiền sư thả mình ra, nhưng thiền sư vẫn không chút động lòng, vẫn mặc kệ bà ta tiếp tục lải nhải.
Một hồi rất lâu, trong thiền phòng không còn tiếng la hét hay lải nhải của bà ta nữa. Lúc này, thiền sư hỏi: “Bà còn giận không?”
Bà ta giận dữ trả lời: “Tôi chỉ giận tôi, tôi hối hận sao lại tìm đến cái nơi quỷ quái này để xin ý kiến của ông.”
Thiền sư ôn tồn nói: “Bà tự tức giận chính mình thì trừ ai mà bà không tức giận chứ ?”
Một lúc sau, thiền sư lại hỏi: “Bà còn giận không ?”
Bà ta trả lời: “Hết giận rồi!”
“Tại sao hết giận !”
“Tôi giận thì có ích gì? Không phải vẫn bị ông nhốt tôi trong cái phòng vừa tối, vừa lạnh này sao?”
Thiền sư tỏ vẻ lo lắng: “Bà xử sự kiểu này đáng sợ hơn đấy, bà đã đè nén cơn tức giận của mình vào một chỗ, một khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt.” Nói xong, thiền sư lại quay đi.
Lần thứ 3 thiền sư quay lại hỏi bà ta… bà ta trả lời: “Tôi không giận nữa, ông không xứng đáng để tôi giận!”
Thiền sư nói: “Cái gốc tức giận của bà vẫn còn, bà cần phải thoát ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã.”
Sau một hồi lâu, bà ta đã chủ động hỏi thiền sư: “Bạch thiền sư, ngài có thể nói cho con biết tức giận là cái gì không ?”
Thiền sư im lặng bước vào, động tác như vô tình đổ ly nước bẩn trên tay. Lúc này bà đã hiểu hành động của thiền sư.
Hoá ra, mình không bực tức, thì làm gì có giận hờn ? Tâm hồn trống không, không chất chứa giận ghét ai, thì làm gì phải tức tối giày vò?
Để có thể sống yêu mến Chúa và tha nhân, trước hết, chúng ta cần đổ đi “chất bẩn” là thói kiêu căng giận ghét, nguyền rủa người khác và cần đong đầy lòng “muốn yêu thương”. Ngạn ngữ Pháp nói: “muốn là được”, lòng muốn yêu thương sẽ giúp chúng ta có những hành động yêu thương. Nhưng để có được trái tim yêu thương tự sức ta không thể làm được. Chúng ta cần ơn Chúa giúp. Cho nên chúng ta hãy khiêm tốn xưng thú tội lỗi với Chúa và tha nhân, để có tâm hồn trống rỗng cho Chúa đổ tràn ơn thánh của Ngài, biến chúng ta thành con người mới- con người biết yêu thương.
Bên cạnh đó, thinh lặng, hồi tâm, cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra rằng: nhiều khi có một phần lỗi của ta trong những sự tức giận của người khác. Điều đó thúc đẩy ta đi bước trước như Chúa dạy “để của lễ lại” về làm hòa với anh em. Tác giả Đường Hy Vọng khuyên ta: “Đừng tức tối vì người ta chỉ trích con, hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tồi tệ khác nơi con mà người ta chưa nói tới. Chúa nói: nếu ai làm mất lòng con, hãy để của lễ về làm hoà với người ấy trước: còn con, con làm ngược lại: cứ dâng của lễ và phóng thanh cho mọi người biết. Con không khuyết điểm tại sao lại tức tối và tấn công khuyết điểm của người khác”.
Vâng. Nếu ai cũng khiêm tốn nhận phần lỗi của mình và đi làm hòa với người khác thì cuộc sống này sẽ chan chứa tình yêu thương.
“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…” Amen.