Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU – THỨ NĂM XXXIV TN – VP DUYÊN THẬP TỰ LÊ VĂN ĐOÀN

TN-236-TUẦN XXXIV-thứ năm

ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU

(Dn 6,12-28 / Lc 21,20-28)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Chúng ta đang ở trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ. Chỉ còn ba ngày nữa là khởi đầu của năm phụng vụ mới với chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng. Những ngày cuối năm phụng vụ, qua các bài đọc Kinh Thánh trong thánh lễ, nhắc đến thời kết thúc của lịch sử nhân loại và ngày Chúa Ki-tô quang lâm. Chúa đến lần thứ hai để đưa vũ trụ và con người đến sự viên mãn về mọi phương diện, như chúng ta đã đề cập đến trong những ngày qua. Trước khi xảy đến ngày Chúa Ki-tô quang lâm với chiều kích vũ hoàn, mỗi chúng ta, kẻ trước người sau, sẽ ra đi đón Chúa khi Người đến vào ngày chúng ta lìa bỏ cõi đời tạm này. Trong giờ phút gặp gỡ đó, đâu là thái độ quan trọng nhất mà mỗi chúng ta cần trang bị cho mình để đi gặp Chúa hoặc Chúa đến đón chúng ta?

Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 21 từ câu 20 đến 28, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta cần có thái độ căn bản được diễn tả qua tư thế “ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU”. Tư thế này, không diễn tả sự kiêu hãnh bản thân, nhưng diễn tả niềm tin và hy vọng. Đó cũng là thái độ của ông Đa-ni-en đứng trước những người bách hại và muốn giết chết ông vì ông trung thành phụng thờ Thiên Chúa bất chấp lệnh cấm của nhà vua, được viết trong trình thuật sách Đa-ni-en chương 6 từ câu 12 đến 28.

  1. ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU VÌ HY VỌNG ĐƯỢC CỨU CHUỘC

Chúng ta biết rằng đau khổ bởi những ngược đãi và bắt bớ là kỷ phần của những người môn đệ Chúa Ki-tô, như chính Chúa đã khẳng định trước đó: “người ta sẽ tra tay bắt bớ và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy” (Lc 21,12). Hôm qua – ngày 24 tháng 11 – chúng ta mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – các chứng nhân đức tin này là minh chứng rõ ràng nhất về lời Chúa tuyên bố. Tất cả những ai trung thành với Chúa và Tin Mừng sẽ bị bắt bớ.

Trường hợp ông Đa-ni-en, trong thời gian Cựu Ước và vào thời điểm dân tộc Do Thái đang bị lưu đầy tại Ba-by-lon, cũng cho chúng ta thấy rằng những ai trung thành phụng thờ Thiên Chúa luôn là đích nhắm của những người bách hại, những nhà cầm quyền ngoại đạo. “Ngày ấy, các tể tướng và thống đốc đổ xô lại nhà ông Đa-ni-en và bắt gặp ông đang cầu nguyện và thống thiết nài van Thiên Chúa của ông”. Ông trung thành phụng thờ Thiên Chúa, nghĩa là ông không phụng thờ các thần của dân ngoại, dân cư mà ông đang sống trong cảnh lưu đầy. Họ đã ép vua phải quăng ông vào hang sư tử để chúng xé xác và ăn thịt ông. Chúng ta cũng biết rằng vua Đa-ri-ô rất mến yêu ông Đa-ni-en, nhưng vì áp lực của các quan chức, những người nại đến sắc chỉ của chính nhà vua, nên vua đành phải hành động theo yêu cầu của họ. Nhưng trước khi quăng ông vào hầm sư tử, vua đã nói với ông Đa-ni-en: “Vị thần mà ngươi bền lòng phụng sự, chính vị ấy sẽ cứu ngươi”. Điều vua Đa-ri-ô nói lên diễn tả rất đúng niềm tin của ông Đa-ni-en. Ông hy vọng Thiên Chúa sẽ cứu ông, bằng cách nào là do Thiên Chúa quyết định. Và ông Đa-ni-en đã ĐỨNG THẲNG và NGẨNG ĐẦU trước thử thách lớn lao này.

Trong trích đoạn Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nói đến tất cả những gian khó của thời gian trước khi xảy ra ngày Người quang lâm. Nhưng đó chỉ là sự chuẩn bị. Và đây Chúa đến: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sẽ được cứu chuộc”. Thái độ vững tin và tràn đầy hy vọng này đặt nền tảng trên chính ơn cứu chuộc. Là Ki-tô hữu, chúng ta luôn mong chờ được cứu chuộc. Suốt cuộc đời dương thế, chúng ta luôn sống niềm hy vọng được Chúa Ki-tô cứu chuộc. Chúa đã chết và phục sinh để mang ơn cứu độ cho nhân loại rồi, nhưng mỗi chúng ta cần thiết phải thủ đắc ơn cứu chuộc đó cho bản thân mình. Vậy, nếu cả cuộc đời, chúng ta mong chờ và hy vọng vào ơn Chúa cứu chuộc, thì khi Chúa đến với ơn cứu chuộc viên mãn đó, chẳng lẽ chúng ta lại không “đon đả” ra đón Người. Chúng ta cần ĐỨNG THẲNG và NGẨNG ĐẦU trong niềm hy vọng Chúa cứu chuộc mỗi ngày, để khi ấy, chúng ta mạnh dạn diễn tả niềm tin và hy vọng đó. Sự mạnh dạn đó chúng ta phải trang bị cho chính mình suốt hành trình dương thế này. Nhưng làm sao có được sự mạnh dạn đó?

  1. ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU VÌ CUỘC SỐNG KHÔNG CÓ GÌ ĐÁNG TRÁCH

Chúng ta quay lại với trường hợp của ông Đa-ni-en. Ông bị quăng vào hầm sư tử. Nhưng Thiên Chúa đã cứu ông. Ngay sáng sớm hôm sau vua Đa-ri-ô đã đến cửa hầm để biết tình trạng của ông. “Vừa tới gần, vua cất tiếng đau đớn gọi vọng xuống ông Đa-ni-en. Vua lên tiếng với ông rằng: “Hỡi Đa-ni-en, người tôi tớ của Thần hằng sống, vị Thần mà ngươi bền lòng phụng sự, có cứu được ngươi thoát hàm sư tử không?” Bấy giờ ông Đa-ni-en đáp lại: “Hoàng thượng, vạn van tuế! Thiên Chúa của thần đã sai thiên sứ đến khoá hàm sư tử khiến chúng không hại được thần, bởi vì trước mặt Người, thần đã được nhìn nhận là vô tội, và, tâu đức vua, ngay trước nhan ngài, thần cũng chẳng làm điều gì ác”. Câu chuyện của ông Đa-ni-en được Thiên Chúa cứu khỏi hàm sư tử và qua chứng từ của bản thân ông, cho chúng ta thẩm định tầm quan trọng của một cuộc sống tốt lành mà ông đã sử dụng hai kiểu nói “vô tội” và “chẳng làm điều gì ác”. Ông Đa-ni-en đã sống một cuộc đời thánh thiện qua việc ông trung thành phụng thờ Thiên Chúa và tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa: điều đó giúp ông mạnh dạn và tin tưởng vào Thiên Chúa. Ông sống thánh thiện, tốt lành, nên ông dám ĐỨNG THẲNG và NGẨNG ĐẦU.

Chúng ta cũng đã biết rằng nguyên tổ chúng ta – A-đam và E-và -, sau khi đã ăn trái cấm, phạm tội khi không tuân giữ lời Thiên Chúa, đã không còn dám đứng thẳng và ngẩng đầu, nhưng đã trốn chạy Thiên Chúa, chui vào bụi cây để che dấu mình. Khi sống “không đúng đắn”, con người sẽ xử sự “không đúng đắn”, nghĩa là không dám tự tin vào điều mình đã làm. Khi làm điều tốt, con người sẽ mạnh dạn vào điều tốt mình làm.

Trong các thư của mình, thánh Phao-lô thường khuyên các Ki-tô hữu sống”tinh tuyền, không có gì đáng trách” để nhờ đó họ có thể tự tin khi đến trình diện trước mặt Chúa Ki-tô vào ngày Người quang lâm. Thí dụ thánh nhân khuyên người môn đệ Ti-mô-thê “hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không gì đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta xuất hiện” (1Tm 6,14). Hoặc như ngài cầu nguyện cho các Ki-tô hữu: “Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm” (1Tx 5,23).

Thánh Phê-rô, cũng trong chiều hướng của thánh Phao-lô, khuyên nhủ các Ki-tô hữu luôn sống tinh tuyền, không có gì đáng trách: “Anh em thân mến, trong khi mong chờ ngày đó, anh em phải gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3,14)

Thánh Gio-an khuyên nhủ các Ki-tô hữu hãy ở lại trong Chúa Ki-tô, vì đó là bảo chứng chắc chắn để được ở trong Người trong ngày Người quang lâm: “Giờ đây, hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em hãy ở lại trong Người, để khi Người xuất hiện, chúng ta được mạnh dạn, chứ không bị xấu hổ, vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm”(1Ga 2,28).

Những lời khuyên trên cho chúng ta thấy tầm quan trọng của một cuộc sống “tinh tuyền, không gì đáng trách” cần thiết biết bao để chúng ta có thể ĐỨNG THẲNG và NGẨNG ĐẦU trước Chúa Ki-tô khi Người đến với chúng ta. Đây là một sự tự tin trong ơn thánh và của ơn thánh. Đây là sự tự hào, mà là sự tự hào trong Chúa. Tương lai là câu trả lời của hiện tại. Vậy, khi sống trong hiện tại, chúng ta, với ơn thánh Chúa, hãy sống thánh thiện, tinh tuyền, để Chúa Ki-tô nhận ra chúng ta không có gì đáng trách, trong ngày Người quang lâm. Đây là phần chúng ta cần thực hiện và chu toàn, trong khi vẫn luôn cậy trông vào lòng Chúa tín trung.

  1. ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU VÌ TRÔNG CẬY VÀO LÒNG CHÚA TRUNG TÍN

Thánh Phao-lô đã tuyên xưng một chân lý hết sức quan trọng làm nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta:

“Đây là lời đáng tin cậy:

Nếu chúng ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.

Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.

Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.

Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào từ bỏ chính mình” (2Tm 2,11-13).

Qua khẳng định này, chúng ta nhận ra bản chất của Chúa Giê-su Ki-tô: đó là trung tín. Trung tín là “bản thể” của Chúa Ki-tô: Người là chính sự trung tín. Điều này làm cho chúng ta an tâm khi đặt trọn vẹn niềm tin và hy vọng nơi Người. Niềm hy vọng đó không làm cho chúng ta xấu hổ, nhưng tràn đầy sức năng động để sống cho một tình yêu ngày càng trọn đầy với Chúa Ki-tô. Dù thân phận yếu đuối, mỏng dòn, mong manh, chúng ta có nơi cậy dựa vững chắc: đó là Chúa tin trung.

Lời Chúa hôm nay mang đến cho chúng ta niềm an ủi lớn, đó là ơn cứu chuộc. Chúng ta vững tin và hy vọng được Chúa cứu chuộc. Niềm tin và hy vọng đó giúp chúng ta mỗi ngày ĐỨNG THẲNG và NGẨNG ĐẦU vì đây Chúa Ki-tô đang đến và chúng ta được đón tiếp Người trong niềm vui. Hãy là những Ki-tô hữu lạc quan nhất, vì là những con người mang niềm hy vọng lớn nhất, niềm hy vọng được Chúa Ki-tô cứu chuộc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...