GIÀU NGHÈO AI PHÚC HƠN AI?
(Suy niệm Tin mừng Thứ Tư, Tuần 23 – TN: Lc 6,20-26)
M. Lasan Châu Sơn
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng…”. Nghe những lời chúc phúc này chúng ta không khỏi kinh ngạc. Vì cái đói cái nghèo đã làm chúng ta phảithiếu thốn, khổ sở lắm rồi.Cho nên, ngày nay, chúng ta đang nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Thế mà, Lời Chúa lại tuyên bố: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo… có vẻ tiêu cực và không hợp thời nữa chăng?
Để tháo gỡ những thắc mắc trên đây, chúng ta cần phân biệt rõ sự nghèo khó theo quan niệm của con người và sự nghèo khó theo ý nghĩa Tin mừng.
Trước hết, chúng ta khẳng định với nhau Thiên Chúa không bao giờ tạo dựng nên sự nghèo khổ, trái lại Thiên Chúa sáng tạo mọi sự tốt lành cho con người được hưởng dùng. Nhưng tiếc thay con người đã sử dụng ngược với thánh ý Thiên Chúa. Thay vì sử dụng của cải để tôn vinh Chúa, để tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách thì nhiều người lại dùng tiền của để tôn vinh mình, làm điều tội lỗi và đối xử lỗi bác ái với tha nhân.
Giả như của cải trên trái đất này được phân chia đồng đều thì ai cũng có của ăn của mặc, được học hành thăng tiến. Nhưng thực tế, của cải đã nằm trong tay một số ít người. Thế nên, có “kẻ ăn không hết người lần không ra”.
Khốn thay, người giàu luôn khao khát có nhiều hơn, bao nhiêu cũng không đủ, vì thế mà sinh ra buôn gian bán lậu, làm ăn bất chính lường gạt, cho vay nặng lãi… họ ham tiền, coi tiền của như là “chúa” của mình, vì tiền mà mất ăn mất ngủ, mất anh mất em, mất hàng xóm láng giềng: “Anh em thì thật là hiền, chỉ vì đồng tiền mà mất lòng nhau”. Cuộc đời của họ cứ mãi loay hoay tích trữ tiền bạc, đất đai để khi nhắm mắt không mang được gì, giống như người đại phú ê hề của cải trong Tin mừng, mà bỏ quên linh hồn mình và cũng chẳng quan tâm gì đến tha nhân đang chết đói ngay trước cửa nhà mình. Những người này sống như không có Chúa và không cần biết quan tâm đến anh chị em mình. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nói: khốn cho hạng người giàu có.
Cùng tồn tại với người giàu là những người nghèo. Nhưng có những thứ nghèo con người tự tạo ra cho mình:nghèo do lười làm việc, nghèo do rượu chè cờ bạc, nghèo do ăn chơi vô độ… những người nghèo này lại thường giàu tính kêu căng, lòng ích kỉ, ghen ghét, bất cần đời… những cái nghèo như thế không được Chúa chúc phúc. Chúng ta cần phải xóa cái nghèo này ra khỏi giáo xứ, cộng đoàn chúng ta và sống cái nghèo đích thực của Tin mừng.
Sống nghèo khó theo Tin mừng là “gắng công làm việc để có của nuôi thân”, ăn ở khiêm nhường, hiền hậu, bác ái với mọi người.Những người nghèo của Tin mừng luôn mở rộng lòng chia sẻ với tha nhân trong hoàn cảnh của mình: có ít thì cho ít, có nhiều thì cho nhiều họ luôn sẵn lòng để chia sẻ, vui buồn, tài năng sức khỏe và của cải cho tha nhân. Trong cơn đại dịch covid-19 chúng ta đã chứng kiến bao tấm lòng quảng đại của những người nghèo của Tin mừng với những chiếc khẩu trang, những chai nước rửa tay miễn phí, những cây ATM gạo, những gói thực phẩm “ai cần thì lấy…” Họ quảng đai cho đi, bởi luôn kính mến Chúa trên hết mọi sự, một lòng tín thác nơi Thiên Chúa dù lúc sung túc hay khi thiếu thốn. Chính vì thế họ có phúc vì được cả Nước Thiên Chúa làm gia nghiệp.
Khi suy niệm về cái phúc của người nghèo, chúng ta được mời gọi cộng tác với ơn Chúa ban để làm sinh sôi nảy nở của cải vật chất cũng như tinh thần nhưng không để hưởng thụ ích kỷ mà để làm sáng danh Chúa và rộng rãi sẻ chia cho mọi người, nhất là những người túng nghèo, cô đơn không nơi nương tựa, không có tiền chữa bệnh, không có điều kiện học hành… đang cần chúng ta nâng đỡ bằng cả vật chất và tinh thần.
Chúng ta cần mặc lấy tâm tình như Chúa Giêsu, Ngài vốn giàu sang nhưng đã tự nguyện sống nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có. Ngài đã sinh nghèo nơi hang đá, sống nghèo không có nhà cửa, rồi chết nghèo trên thập giá vì quá yêu thương chúng ta. Vậy chúng ta hãy sống tinh thần nghèo khó của Tin mừng luôn tín thác nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh và quảng đại hy sinh phục vụ mọi người để được hạnh phúc ở đời này và hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.