Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

LỜI ĐÁNG TIN CẬY – TUẦN XXIII-thứ Bảy – VP Duyên Thập Tự

TN-162-TUẦN XXIII-thứ Bảy

LỜI ĐÁNG TIN CẬY

(1Tm 1,15-17 / Lc 6,43-49)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Lời nói là đặc điểm riêng của con người. Lời nói diễn tả tâm trạng bên trong và kết dệt những mối tương giao bên ngoài. Lời nói là một trung gian cần thiết để con người hiểu nhau. Dầu vậy, nếu có những lời đáng tin cậy, thì cũng không thiếu những lời không đáng tin. Vậy, những yếu tố nào cần thiết phải hội tụ để một lời nào đó có thể tạo nên niềm tin nơi chính mình và cho tha nhân?

Hai bài đọc Lời Chúa hôm nay – Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 6 từ câu 43 đến 49 và thư thứ nhất thánh Phao-lô gửi môn đệ Ti-mô-thê chương 1 từ câu 15 đến 17 – gợi cho tôi một số yếu tố cần thiết để một lời nói nào đó mang chất tố đáng tin. Và đó cũng là những bài học cụ thể và ích lợi cho bản thân mỗi chúng ta trong cuộc sống này và nhất là trong đời sống Ki-tô hữu.

 1. LỜI NÓI THẬT LÒNG

Trong trích đoạn Tin Mừng, Chúa Giê-su đề cập đến hai loại lời nói: lời nói phát xuất từ lòng mình và lời nói thưa với Chúa.

Về lời nói phát xuất từ lòng mình, Chúa phân tích: “Người tốt thì lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng đầy, miệng mới nói ra”. Như vậy, trước khi lời trở thành âm thanh nghe được, lời đã được chứa đựng ở trong lòng dạ. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của tâm hồn, của nội tâm, của không gian bên trong. Chính nơi đây hình thành và phát xuất những ý nghĩ, những “lời nội tâm”, để sau đó mới phát ngôn nơi miệng lưỡi. Một lời chân thật khi nó phản ảnh điều cưu mang bên trong. Và đây là một yếu tố để nhận ra đâu là một lời đáng tin. Đáng tin hệ tại việc trong lòng xảy ra thế nào, thì ngôn từ diễn tả như vậy. Lòng đầy thì miệng mới nói ra. Qua ngôn từ sử dụng, chúng dễ nhận ra cho chính bản thân mình rằng kho tàng lòng mình chứa đựng những thứ gì, những thứ tốt hay xấu. Nếu ngôn từ đầy chất “đâm thọc”, thì chắc là lòng mình chứa đầy gai nhọn. Nếu “cay chua”, thì đó là lòng đầy dấm chua. Nếu ngôn từ đậm chất “xây dựng”, thì chắc là lòng mình có đầy trái thơm ngon như những chùm nho ngon ngọt. Nếu lời yêu thương, thì đó là lòng đầy tình mến. Điều này mời gọi chúng ta cần thiết phải thanh luyện và làm cho tâm hồn được nên tốt đẹp bằng việc nuôi dưỡng những tư tưởng tốt, tích cực, sự thật. Và một khi tâm hồn như vậy, lời chúng ta nói mới có khả năng xây dựng và liên kết tình yêu thương.

Nhưng, cũng có trường hợp lời nói không phát xuất từ tâm, từ lòng. “Khẩu phật, tâm xà”. Đây là những lời giả dối. Thật ra, những lời giả dối – lời không thật lòng – thì chính người nói biết rõ nhất; và nếu có lừa được người khác, thì chính bản thân cũng chẳng lừa được mình đâu. Tiếng lương tâm lên tiếng cảnh cáo! Những lời giả dối này gây nên nhiều tai họa cho chính người nói, vì sẽ hình thành nên một thói quen gian dối và lừa đảo. Chính vì thế, lời nói cần trung thực, vì chính sự trung thực là nền tảng của sự tín nhiệm, sự đáng tin cậy.

Thánh Phao-lô khuyên các Ki-tô hữu: “Một khi cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì anh em là phần thân thể của nhau… Anh em đừng thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe… Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4,25-32). Ai trong chúng ta cũng cần thống hối về những lời nói đã gây nên tổn thương cho tha nhân. “Tôi thú nhận…tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói…”

Là Ki-tô hữu, chúng ta cần phải trở thành những con người đáng tin, khi lời nói của chúng ta đi đôi với tấm lòng. Tấm lòng của chúng ta phải là kho tàng chứa những điều tốt, để khi lên tiếng, sẽ là những ngôn từ tốt cho sự thương yêu, tốt cho tương giao, tốt cho xây dựng. Và như thế, chúng ta trở thành những chứng nhân của Chúa Giê-su là Lời yêu thương của Chúa Cha.

 2. LỜI NÓI ĐẠO ĐỨC

Lời nói thứ hai mà Chúa Giê-su đề cập đến là lời thưa với Chúa: “Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”, mà anh em không làm điều Thầy dạy?” Nơi đây Chúa nêu lên trường hợp của những môn đệ – là các Ki-tô hữu, là chúng ta – thưa lên với Chúa bằng những ngôn từ cung kính, mà chúng ta có thể nói là “đạo đức”.

Ai trong chúng ta cũng muốn mình đạo đức và cố gắng trở nên như thế. Cũng ước muốn người khác đánh giá mình đạo đức. Chúng ta đọc kinh, chúng ta luôn thưa với Chúa bằng cách xưng hô “lạy Chúa”. Đó là một ngôn từ thật đáng quí, vì diễn tả sự cung kính dành cho Chúa. Nhưng chúng ta cần xét mình xem mình có thực sự sống điều mình thưa với Chúa không. Chúng ta đọc kinh tin, cậy, mến; nhưng trong thực tế cuộc sống, chúng ta có thi hành điều mình thưa với Chúa. Chúa khiển trách: “mà anh em lại không làm điều Thầy dạy”. Thưa với Chúa “lạy Chúa” là nói lời yêu mến Chúa; nhưng yêu mến thật sự hệ tại chỗ thực hiện ý muốn của Chúa, và ý muốn của Chúa ở nơi điều Chúa nói, Chúa dạy, nơi Lời Chúa. Như vậy, nếu chỉ yêu nơi miệng lưỡi thôi, thì tình yêu chưa thật, chưa đáng tin. Chính việc thi hành Lời Chúa mới là tiêu chuẩn, là nền tảng để xây dựng nên một cuộc sống Ki-tô hữu đáng tin cậy. Nói về Lời Chúa, giảng về Tin Mừng – rất dễ, vì ai nói cũng được –, nhưng sống Lời Chúa, sống Tin Mừng mới minh chứng người môn đệ chân thật của Chúa.

Trong đoạn văn song song trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Chúa nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào thôi” (Mt 7,21). Từ tiếng thưa “Lạy Chúa” vang lên trong thánh đường, đến việc thực hành Lời Chúa trong đời thường, lúc đó mới là lòng đạo đức thật, mới là môn đệ thật của Chúa, mới là Ki-tô hữu chân thật. Ước gì chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu, hãy diễn tả lòng yêu kính của chúng ta với Chúa bằng lời và bằng hành động; để cuộc sống chúng ta trở nên đáng tin cho người chưa nhận biết Chúa, để qua cuộc sống đạo một cách chân thực, đáng tin của chúng ta, họ cũng đến tìm hiểu và tin mến, tôn thờ Chúa. Với lời nói đạo đức được chứng minh bằng cuộc sống đạo đức, chúng ta trở nên những chứng nhân đáng tin cậy của Giáo Hội.

 3. LỜI NÓI TUYÊN XƯNG

Còn thánh Phao-lô, trong trích thư gửi môn đệ Ti-mô-thê, đã viết lên những dòng chữ sau đây: “Anh thân mến, đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi”. Đây là một lời nói tuyên xưng: tuyên xưng tình yêu cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô. Đây là một lời tuyên xưng rất trang trọng. Đây là lời tuyên xưng mà mỗi chúng ta cần nói lên không những cho nhau mà cho những anh chị em chưa biết Chúa Giê-su Ki-tô. Nhưng, để lời tuyên xưng này không chỉ là sáo ngữ – nói cho đẹp -, cần phải có yếu tố minh chứng. Điều minh chứng đó là gì?

Điều minh chứng, đó là kinh nghiệm bản thân. Thánh Phao-lô đã nêu trường hợp của chính bản thân để chứng minh lời trên kia thật đáng tin và đáng mọi người đón nhận: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời”. Như vậy, lời đáng tin cậy là do có người đã được áp dụng vào lời đó. Nơi đây, thánh Phao-lô không tuyên dương mình như thể bản thân ngài xứng đáng; nhưng ngài nhấn mạnh đến lòng thương xót, lòng đại lượng của Thiên Chúa mà thôi. Ngài đã nói lên lời tuyên dương tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su Ki-tô.

Rồi cuối trích đoạn thư, một lần nữa ngài đã tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa bằng một lời tán tụng: “Kính dâng Vua muôn thưở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thưở muôn đời. Amen”.

Ước gì những lời tuyên xưng qua miệng lưỡi chúng ta cũng được hiện thực trong cuộc sống, để những lời tuyên xưng đó không trở nên những công thức chết, mà là sức sống mạnh mẽ vì đã được chứng nghiệm một cách cụ thể. Điều đó cộng tác rất nhiều và hiệu quả vào việc rao giảng Tin Mừng cho những anh chị em chúng ta và cho những người chưa nhận biết Chúa. Chúng ta cần trở nên những chứng nhân sống động của những gì chúng ta tuyên xưng.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống, nói và hành động làm sao, để lời rao giảng Tin Mừng của Chúa trở thành lời đáng tin cậy. Muốn được vậy, chính mỗi chúng ta và nếp sống cụ thể của chúng ta phải đáng tin cậy. Chúng ta đáng tin cậy, thì lời chúng ta cũng đáng tin cậy. Chúng ta cầu xin Chúa biến đổi chúng ta để trở nên giống Chúa hơn, trong lời nói cũng như hành động.  

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...