ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ
Email: dvphuocly@yahoo.com
Website: danvienphuocly.com
Viện phụ: M. Bảo Tịnh – Nguyễn Đức Chánh
Viện phó: M. Placido Vũ Quốc Bảo
A. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Trở về cội nguồn
Năm 529: Thánh Biển Đức khai lập dòng Đan Tu Chiêm Niệm tại Monte Cassino (Italia).
Năm 1098: Từ Đan Viện Biển Đức Molèsme, thánh Roberto, thánh Alberico và thánh Stephano Hardingo đã khai lập Đan Viện Xitô đầu tiên tại miền Cỵteaux (Pháp). Xitô phát triển nhanh chóng và đạt tới đỉnh cao từ thời thánh phụ kiệt xuất Bernard
Năm 1918: Cha tổ phụ Henri Denis (Linh mục thừa sai Paris) lập dòng “Đức Bà Việt Nam” tại núi Phước Sơn (Quảng Trị – Việt Nam)
Năm 1934: Dòng Đức Bà Việt Nam (sau này được gọi là Đan Viện Phước Sơn) gia nhập Dòng Xitô thế giới.
2. Từ thành lập Phước Lý đến hôm nay
23/10/1950: Từ Đan Viện Phước Sơn, cha Casimiro Hồ Thiên Cung cùng với 20 anh em đến lập dòng mới tại Vĩnh Kim –Trà Vinh.
01/05/1952: Cha Stanilas Trường Đình Vang (sau này là Viện Phụ Tiên Khởi Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý) di chuyển cộng đoàn từ Vĩnh Kim (Trà Vinh) về Phước Lý (Nhơn Trạch – Đồng Nai)
15/08/1953: Toà Thánh châu phê Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý vào danh sách các dòng tu của Giáo Hội.
1954: Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý được nâng lên hàng tự trị (prioratus sui juris).
05/03/1964: Công bố Sắc Chỉ Toà Thánh nâng Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý lên hàng Đan Phụ Viện.
08/12/1973: Thành lập Nữ Đan Viện Xitô Vĩnh Phước tại Bàu Sen (Phước Lý);
08/06/1991: di chuyển Nữ Đan Viện Xitô Vĩnh Phước về Ngọc Đồng (Biên Hoà – Đồng Nai).
21/03/1978: Cha Montfort Nguyễn Vinh (sau này là Viện Trưởng Đan Viện từ năm
1989-1995) cùng với 4 anh em đi lập tu sở mới tại Xuân Sơn (Châu Đức – Bà Rịa Vũng Tàu). Tu sở này hiện nay đã giải thể vì diện tích đất quá nhỏ không thể phát triển.
Cũng trong năm 1978: Cha Ignatio Trần Ngân (sau này là Viện Phụ thứ II của Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý từ năm 1995-2008) cùng với 5 anh em lập tu sở mới tại An Phước (Long Thành – Đồng Nai). Cộng đoàn An Phước đã được nâng lên hàng Đan Viện tự trị (30/08/2006)
19/03/2008 : Cộng Đoàn thành lập tu sở Phước Hiệp tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, thuộc giáo phận Bà Rịa. Sở đất Phước Hiệp này do viện phụ Iganatio Trần Ngân đã mua trước đó.
13/05/2014 : Cộng đoàn Phước Hiệp đã được Tổng Hội Hội Dòng Xitô Thánh Gia năm 2014 nâng lên hàng Đan Viện Đơn Lập.
3. Nhân sự hiện nay (năm 2014):
Gồm 157 thành viên (26 linh mục, 5 phó tế, 88 tu sĩ khấn trọng, 08 tu sĩ khấn tạm, 06 tập sinh và 24 thỉnh sinh) cùng với cộng đoàn nhà con là Đan Viện tự trị An Phước và Đan Viện đơn lập Phước Hiệp (Bà Tô – Vũng Tàu).
B. NHỮNG NÉT ĐẶC THÙ CỦA ƠN GỌI XITÔ
Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý là một dòng chiêm niệm, thuộc Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, sống ơn gọi chiêm niệm và truyền giáo trong cô tịch và hy sinh hãm mình để cầu nguyện cho nhân loại, đặc biệt cho những người chưa nhận biết Chúa.
1. Phụng vụ
Phụng vụ là ưu tiên hàng đầu của đời sống chiêm niệm, đan sĩ cử hành Thánh Lễ, cử hành Kinh Phụng Vụ chung mỗi ngày bảy lần, lần hạt và suy gẫm… để cầu xin ơn Chúa xuống cho mọi người (TN 6).
2. Lao động
Với tôn chỉ: Cầu nguyện và lao động, theo gương Thánh Gia Nazareth và các bậc tiền bối đan tu, đan sĩ tìm gặp Chúa qua lao động, như một phương thế tham dự vào công trình sáng tạo và cứu độ. Lao động bao gồm học hành và công việc đồng áng (TN 11).
3. Lectio Divina
Đan sĩ hằng ngày chuẩn bị tâm hồn đón nhận ánh sáng Chúa, chuyên cần suy niệm các chân lý vĩnh cửu, đọc và nghiền ngẫm Lời Chúa, để đạt tới tri thức tuyệt vời về Chúa Kitô (TN 8).
4. Đời sống cộng đoàn
Ngoài các lời khấn khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh, đan sĩ Xitô còn khấn vĩnh cư và canh tân nhằm nói lên tinh thần gia đình và thánh hóa bản thân trong tình huynh đệ, yêu thương, tôn trọng và phục vụ nhau theo lý tưởng Tin Mừng.
5. Thinh lặng
Bầu khí tĩnh lặng trong Đan Viện là một sự thinh lặng sống động, tràn ngập bình an và thánh thiện vì được kết hiệp với Chúa và tâm sự với Người về mọi nhu cầu của hết mọi thành phần dân Chúa và thế giới (TN 10).
6. Hy sinh
Sự vâng phục và chu toàn kỷ luật hằng ngày thể hiện tinh thần hy sinh từ bỏ, vừa có giá trị giáo hóa, hoàn thiện bản thân, vừa để xây dựng cộng đoàn (TN 12).
7. Đón khách tĩnh tâm
Đan sĩ không bôn ba trong việc mục vụ, nên việc đón tiếp khách tĩnh tâm tại đan viện là một việc tông đồ. Vì thế, Đan Viện luôn sẵn sàng đón tiếp mọi người tìm đến với khung cảnh Đan Viện để tìm lại những giây phút lắng đọng và bình an cho tâm hồn qua việc gặp gỡ trong cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa.
Biên tập : Hiền Lâm
Email: dvphuocly@yahoo.com
Website: danvienphuocly.com