Thứ hai, 9 Tháng mười hai, 2024

HẠNH PHÚC NÀO HƠN – Suy niệm Thứ Năm, Tuần XI TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-075-TUẦN XI-thứ Năm

HẠNH PHÚC NÀO HƠN

(2Cr 11,1-11 / Mt 6,7-15)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Nếu lướt qua các trang mạng để tìm hiểu định nghĩa về hạnh phúc, chúng ta sẽ nhận ra rằng những định nghĩa đó thường dừng lại hai yếu tố, đó là cảm xúc và sung sướng hay thoả mãn. Hạnh phúc được nhìn như là cảm xúc sung sướng hay thoả mãn vì đạt được một ước nguyện nào đó. Định nghĩa đó phản ánh nhãn quan xã hội về hạnh phúc. Hạnh phúc, nếu là cảm xúc thoả mãn hay sung sướng, thì chỉ nói lên một phần, có khi là phần phụ thuộc. Thật ra, hạnh phúc khó định nghĩa cũng như tình yêu vậy. Đây là một yếu tố cấu thành của cuộc sống. Đó là cảm nghiệm. Đó là ý nghĩa của cuộc đời. Nếu có cảm nghiệm về những thứ hạnh phúc nho nhỏ, thì cũng có trải nghiệm về những hạnh phúc lớn. Nếu có những chất liệu vật chất làm nên một loại hạnh phúc nào đó, thì cũng có những yếu tố tinh thần làm nên những loại hạnh phúc cao hơn. Và, hơn thế nữa, đối với chúng ta là những ki-tô hữu, điều làm nên hạnh phúc viên mãn và trường cửu, đó chính là Thiên Chúa. Đây là hạnh phúc lớn nhất, cao nhất; nhưng không vì thế mà loại trừ các thứ hạnh phúc kia, trái lại, nó bao trùm chúng.

Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay mở cho tôi về thứ hạnh phúc lớn nhất đó, và như thế là giá trị nhất của cuộc đời tôi, cuộc đời ki-tô hữu của tôi. Tôi xin được chia sẻ với anh chị em về hạnh phúc với một lời thốt ra tự trái tim: HẠNH PHÚC NÀO HƠN!

 1. HẠNH PHÚC CÓ THIÊN CHÚA LÀ CHA

Chúng ta tiếp tục suy niệm về Bài Giảng Trên Núi trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Trong trích đoạn hôm nay, chương 6 từ câu 7 đến 15, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Trong những ngày trước, chúng ta đã có dịp nghe Chúa Giêsu nói về Chúa Cha khi Chúa mời gọi các môn đệ trở nên con cái của Cha và nên hoàn thiện như Cha. Chúa cũng khuyên nhủ hãy làm mọi việc lành phúc đức một cách kín đáo, vì Cha ở nơi kín đáo sẽ thưởng cho. Trích đoạn hôm nay – kinh Lạy Cha – nằm xen giữa hai phần, phần trước Chúa nói đến cầu nguyện và phần sau Chúa nói đến việc ăn chay. Qua lời Chúa dạy các môn đệ về việc cầu nguyện với kinh Lạy Cha, chúng ta có thể rút tỉa ra những yếu tố làm nên hạnh phúc của chúng ta.

– Thiên Chúa là Cha. Đây là một khẳng định của Chúa Giêsu, một khẳng định làm nên nền tảng cho mối tương giao giữa Thiên Chúa và chúng ta. Thiên Chúa là Cha chúng ta. Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa với Thiên Chúa là Cha, thì Người đã chia sẻ với chúng ta hạnh phúc của chính Người. Đó là hạnh phúc của người là Con của Cha. Trong Chúa Giêsu, chúng ta là con của Cha, chia sẻ với Người niềm hạnh phúc đó.

– Cầu nguyện với Cha. Đây là hạnh phúc của Chúa Giêsu. Cầu nguyện là gặp gỡ thân tình như giữa cha và con. Đây là bầu khí cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Chúa Giêsu thường thưa với Chúa Cha từ “ABBA”, nghĩa là tiếng nói của trẻ thơ với cha của nó, “ba ơi”, “cha ơi”, “thầy ơi”, “tía ơi”. Cầu nguyện là thời gian hạnh phúc, vì đó là sự gặp gỡ của tình yêu. Chúng ta đừng quan niệm và thực hành việc cầu nguyện như là một thứ gì gò ép, nặng nề với những thứ kinh kệ dài lê thê. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện, đừng có “lải nhải”. Đây là nơi của sự gặp gỡ giữa hai con tim: con tim của Cha và con tim của con. Là nơi gặp gỡ của hai cặp mắt, đôi mắt của Cha và đôi mắt của con: Cha nhìn con và con nhìn Cha.

– Cầu nguyện cho công cuộc của Cha. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin cho “Danh Cha cả sáng”, “Nước Cha trị đến”, “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Đây là những gì liên quan đến Chúa Cha. Chúa Giêsu đã rất nhiệt tâm với công cuộc của Chúa Cha. Tất cả cuộc sống của Người, tất cả năng lực và sức lực của Người được đầu tư vào công cuộc của Cha. Khi dạy chúng ta cầu xin cho công cuộc của cha được thực hiện, là Chúa diễn tả niềm hạnh phúc của mình qua khao khát mong cho công cuộc của Cha được thực hiện và hoàn thành. Khi cầu nguyện với những lời này, chúng ta cảm nghiệm niềm hạnh phúc được cùng Chúa Giêsu với khao khát của Người để trở thành nỗi khát khao của chúng ta. Đây là lời kinh của Người Con Hiêu Thảo là Chúa Giêsu và của những người con hiếu thảo là chúng ta.

– Cầu nguyện Cha thực hiện những gì liên quan đến bản thân. Ba lời nguyện tiếp nối sau công cuộc của Cha: lương thực vật chất, sự tha thứ, sự gìn giữ, là những gì liên quan đến bản thân của những người con. Lời cầu nguyện cho những gì thiết yếu từ thân xác (lương thực) đến linh hồn (tha thứ) và an toàn cuộc sống (khỏi cám dỗ và sự dữ), diễn tả sự tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Cha. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin những điều này, Người nói lên rằng Chúa Cha muốn chúng ta thực sự hạnh phúc và sẽ làm tất cả để con cái của Người được như vậy. Cầu xin Cha như đứa con với Cha, chứ không phải đầy tớ với chủ. Hạnh phúc của người Cha là trao ban, hạnh phúc của con là đón nhận. Lời kinh này diễn tả niềm hạnh phúc kép đó. 

Như vậy, mỗi khi cầu nguyện với kinh Lạy Cha, lời kinh ngắn gọn và trọn đầy của Chúa Giêsu, chúng ta lại thêm một lần đi vào hạnh phúc của những người con cùng nhau đến với Cha Trên Trời, để cùng thưa “Lạy Cha chúng con”. Thật là hạnh phúc. Hạnh phúc nào hơn!

 2. HẠNH PHÚC CÓ CHÚA GIÊ-SU LÀ NGƯỜI YÊU

Nếu hạnh phúc của chúng ta là có Thiên Chúa là Cha của mỗi người và của tất cả, thì chúng ta cũng có niềm hạnh phúc nữa, đó là có Chúa Giêsu là Người Yêu.

Chúng ta tiếp tục suy niệm về nội dung thư thứ hai thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, mà chúng ta nghe trong bài đọc một. Trong trích đoạn thư hôm nay, thánh Phao-lô nói lên một số điều; nhưng tôi xin được dừng lại một vài câu quan trọng liên quan đến chủ đề “hạnh phúc”. Những câu đó như sau: “Anh em thân mến, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết”. Khi thoáng nghe những lời này, chúng ta có cảm tưởng thánh Phao-lô đang ngỏ lời với các nữ tu. Không phải! Thời đó chưa có các nữ tu. Ngài đang viết cho các kit-tô hữu của giáo đoàn Cô-rin-tô. Như vậy, những lời này áp dụng cho các anh chị em tín hữu, cho mọi ki-tô hữu, cho chúng ta. Chúng ta thấy gì nơi những lời này?

– Hạnh phúc của người đang yêu, đang “ghen”. Thánh Phao-lô đang “ghen”, “tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa”. Người nào yêu thì mới ghen. Không yêu thì không ghen. Tại sao ghen? Vì có người thứ ba. Thiên Chúa muốn cho chúng ta hạnh phúc, nghĩa là Người dành tình yêu của Người cho riêng mỗi chúng ta, không muốn cho ai chiếm được trái tim chúng ta. Hạnh phúc của chúng ta là Thiên Chúa, là dành tình yêu cho Người, chứ không cho một “ngẫu tượng” nào. Thánh Phao-lô muốn các ki-tô hữu hạnh phúc, nghĩa là dành trọn trái tim cho Chúa Giêsu Kitô, như Chúa đã trọn vẹn yêu trước và dành trái tim Người cho họ, cho chúng ta.

– Chính vì thế, khi viết “tôi đã đính hôn anh em cho một người độc nhất là Đức Ki-tô”, thánh Phao-lô nói đến hạnh phúc của ngài là làm “mai mối” giữa Chúa Kitô và anh chị em ki-tô hữu. Đây là hạnh phúc của người tông đồ, của môn đệ Chúa Giêsu. Đưa Chúa Kitô đến cho anh chị em mình là như đính hôn họ với Chúa Kitô. Xin Chúa cho chúng ta nghiệm thấy hạnh phúc được mang Chúa Kitô đến cho tha nhân, để họ hưởng tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy là những người nhiệt thành rao giảng Chúa Kitô.

– Như vậy, hạnh phúc ở đây là có Chúa Ki-tô, Đấng là người yêu của chúng ta. Thánh Phao-lô dùng ngôn ngữ tình yêu nhân loại, tình yêu hôn ước để diễn tả niềm hạnh phúc của người ki-tô hữu, của chúng ta. Thánh Phao-lô đã diễn tả tình yêu hôn ước này khi đề cập đến tình yêu Chúa dành cho Giáo Hội là hiền thê của Người (x. Ep 5,25-26). Cũng có thể hiểu chúng ta là hiền thê của Chúa Kitô. Hạnh phúc nào hơn!

– Và đây cũng là hạnh phúc của chúng ta như một trinh nữ thanh khiết được tiến dâng cho Chúa Kitô. Hạnh phúc mình là trinh nữ thanh khiết, nghĩa là trọn vẹn con người, bản thân chúng ta, dành cho Chúa Kitô. Mỗi ki-tô hữu đều là trinh nữ thanh khiết được dâng cho Chúa Kitô. Đó là phẩm giá làm nên hạnh phúc cho chúng ta. Còn gì hạnh phúc hơn!

 3. HẠNH PHÚC ĐƯỢC LÃNH NHẬN THẦN KHÍ

Có Thiên Chúa là Cha, có Chúa Kitô là người yêu, chúng ta còn được Chúa Thánh Thần làm năng động cuộc sống. Trong trích đoạn thư thánh Phao-lô hôm nay, ngài nói đến việc lãnh nhận, đó là lãnh nhận Thần Khí. Không có Thần Khí nào khác ngoài Thần Khí đã lãnh nhận khi lãnh bí tích thanh tẩy trong đức tin vào Chúa Kitô. Vậy Thần Khí nào làm cho chúng ta hạnh phúc?

– “Thần Khí Nghĩa Tử”. Thánh Phao-lô viết: “Thần Khí mà anh em lãnh nhận được, không phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên “Ab-ba! Cha ơi!” (Rm 8,15). Đây là Thần Khí Nghĩa Tử làm cho chúng ta hạnh phúc của người con đối với Chúa Cha. Hạnh phúc nào hơn!

– “Thần Khí Tự Do”. Thánh Phao-lô viết: “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2Cr 3,17). Đây là sự tự do của con cái Thiên Chúa. Đây là sự tự do mà Chúa Kitô mang đến cho chúng ta (x.Gl 4,4-7). Chỉ hạnh phúc khi tự do. Đây là tự do của Chúa Kitô. Tự do đó Chúa dành cho chúng ta. Hạnh phúc đó Chúa dành cho chúng ta. Hạnh phúc nào hơn!

Hai bài đọc hôm nay mở cho chúng ta bầu trời hạnh phúc. Chúng ta đang sống trong bầu trời đó, khung trời tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Ước gì đời ki-tô hữu của chúng ta là một cuộc đời hạnh phúc: hạnh phúc vì có Thiên Chúa ở với, ở trong và ở lại trong cuộc đời chúng ta.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...

Thứ 4 Tuần XXXIII TN – Lc 19, 11-20 Dụ ngôn mười yến bạc

DỤ NGÔN MƯỜI YẾN BẠC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Dụ ngôn mười yến bạc này được Đức Giêsu kể...