HẠNH TÍCH CHA BENOIT
(R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)
Nihil obstat:
F.M. Bernard Mendiboure
Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn
Vĩnh Linh, Quảng Trị
Die 21 martii 1943
Imprimatur
Franciscus Maria Lemasle
Vtc. Apost. De Huế
Apud Huế, die 28 Junii 1943
Imrprimatur
- X. Trần Thanh Khâm
Episc. Aux. et Vic. Gen
Saigon ngày 15-4-1968
Ai đọc đến hạnh tích Cha Benoit Tổ Phụ dòng Phước Sơn, thì tự nhiên nhớ lại lời thánh Bernardino, nói về thánh Giuse rằng: “Trong những ơn riêng Đức Chúa Trời quen ban cho loài hữu trí, thì thường có luật chung này: “là khi ơn Chúa muốn chọn ai để làm một việc gì riêng hay là để nên một bậc nào trọng, thì Chúa ban cho người ấy mọi ơn, không những cần cho người ấy được làm nên việc Chúa phó và ở xứng bậc Chúa chọn, lại làm cho người ấy được vẻ vang trong đại vị mình”!
Nay ta thấy nơi Cha Benoit cũng như thế: trước khi Người tra tay lập dòng và lập dòng cho người Việt Nam thì: “đã có những điều chiếu lộ ra nơi tính tình tư cách của Người, không những sau sẽ nên một thầy dòng đích đáng, lại là một thầy dòng để rèn đúc nên thầy dòng xứng người Việt Nam. Chúa đã ban cho người từ thuở bé những xu hướng cùng tính tình thích hợp với bậc tu trì. Thích nói về Chúa, thích đọc kinh cầu nguyện, tính vốn hay nói, lại cũng nói hay; nhưng cũng thích một sự làm thinh lẳng lặng. Tính hăng hái lại cũng hiên ngang, cái gì đã ước muốn thì cố sao cho được, ấy là một tư cách cần phải có mới làm nên việc vĩ đại. Đối với đức hãm mình chịu khó, thì cha Benoit càng đặc biệt: lại sự chịu khó hãm mình trong đồ ăn áo mặc ở nơi cha Benoit thì rất hoạ hiếm ở nơi người Au Châu, nhưng đối với dân Việt Nam thì mới là thích hợp. Khi người toan lập một dòng khổ hạnh cho người Việt nam thì người quen nói rằng: “Đồ ăn áo mặc dòng khổ hạnh Trappe bên Tây thì sung sướng hơn nhà giầu bên Nam. Vậy nếu Việt Nam vào dòng Trappe theo luật phép bên Tây thì không còn gì là khổ hạnh. Cho nên phải có một dòng khổ hạnh riêng cho người Việt Nam mới đáng gọi là dòng khổ hạnh. Chúa đã ban cho người được chí khí, lại được một tì vị xứng với thực phẩm Việt Nam, để rèn đúc nên thầy dòng khổ hạnh Việt Nam.
Nhờ khuôn rất khôn khéo ấy, nên đã 25 năm nay, bởi hai nhà dòng Phước Sơn, Châu Sơn, đã rèn đúc nên nhiều thầy dòng bởi nòi giống Việt Nam, tu trì khổ hạnh xứng với người Việt Nam. Nay hai nhà ấy giống như hai nhánh bởi một cây đã trổ sinh hoa quả sum suê bởi một tổ phụ mà sinh ra con cái sum vầy, ắt ta phải mượn lời Thánh kinh mà cất tiếng lên rằng: “Trông xem dòng dõi phải hỏi đến tiền nhân mà ngợi khen vinh danh tổ phụ, Laudemus viros gloriosos et parentes nostros in generatione sua” (Eccl. 44,2) cho được ngợi khen vinh danh tổ phụ hai nhà dòng Phước Sơn, Châu Sơn thì không gì thích hợp bằng chép ra hạnh tích Người.
Ta trông rằng kẻ đọc hạnh tích này, dù ở bậc nào cũng động lòng mến đàng phúc đức và bắt chước được ít nhiều điều hay sự tốt.
Mong thay!
Bùi chu, ngày 20 juin 1943
Dominique Hồ Ngọc cẩn
Giám mục.
CÙNG ĐỘC GIẢ
Phương ngôn rằng: mẹ hát con khen. Trúng lắm! Mẹ hát dở con cũng khen, phương chi mẹ hát hay, con không khen, sao tròn chữ hiếu?
Viết cuốn hạnh tích Cha quí yêu tổ phụ chúng tôi, chắc không khỏi bị tiếng phẩm bình: mẹ hát con khen. Mặc dầu, đứng trên phê phán, với nét bút bình dân, ôm mối hy vọng đền đáp muôn một: “Công cha như núi Thái sơn” chúng tôi không ngại ký chép tập nhỏ này. Nó thoát thai bằng những kiến văn cảm tưởng phác hoạ bức chân dung tuy không hoàn bị, song đích thực của Đấng đã trải nắng gội mưa, hao tâm tổn tứ để tái sinh chúng tôi trong đời sống mới.
Không dám sánh mình với môn đệ Chúa đã dùng ngòi bút vô ngộ chép thánh sử Ngài, chúng tôi chỉ xin mượn lời thánh Gioan nói về Chúa Giêsu để áp dụng vào Đấng Tổ Phụ chúng tôi.
Ông thánh viết: “Những sự xảy ra từ kỳ thuỷ, ta đã tai nghe mắt thấy, đã nhận định rõ ràng, tay ta đã đá đến Lời hằng sống, tính hạnh Ngài đã biểu lộ, ta đã mục kích và minh chứng”[2].
Nay chúng tôi cũng có thể nói được: Những sự xảy ra ngay từ đầu tiên, thì nhiều người trong chúng tôi hiện còn bình sinh[3] đã tai nghe mắt thấy, đã nhận định rõ ràng, tay chúng tôi đã đá đến Đấng lấy Lời hằng sống Phúc Am mà di dưỡng chúng tôi trót 15 xuân trường. Tính hạnh Ngài, cách Ngài hành vi cử chỉ, đã bày tỏ trước mắt chúng tôi. Kẻ ít người nhiều, ai cũng đã được nghe Cha lành thuật lại truyện cũ tích xưa, nên bây giờ chúng tôi chứng kiến.
Lại những chứng thơ quí hoá do các Đấng quen biết Ngài, hoặc cựu giáo sư, hoặc đồng nghiệp giáo sư hay cựu sinh viên của Ngài đã gửi đến chứng thực những điều các Đấng đã mục kích.
Hơn nữa, nhờ có 265 bức thơ Ngài đã viết cho ông cụ thân sinh và bà kế mẫu, hai ông bà còn giữ lại cả. Khi Ngài mệnh chung rồi, linh mục Golliot, Đấng đã nhận Ngài làm con thiêng liêng lại gửi các thư ấy cho chúng tôi. Thật là những tài liệu quí báu giúp chúng tôi quá phần nửa trong công cuộc này.
Mấy lời thánh Gioan viết trên đây chưa hết ý, ông thánh còn nói thêm: “Sự ta đã mục kích và minh chứng cùng đưa tin cho anh em được sống đời đời nơi Đức Chúa Cha…vv… cho anh em được cùng ta bầu bạn, là bầu bạn cùng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Giêsu Kitô…. và ta viết các sự ấy để anh em được vui mừng”[4].
Những lời đó rất thích hợp, với nguyện vọng tha thiết của chúng tôi khi viết cuốn tiểu sử này là:
Chúng tôi nguyện ước cho cuốn hạnh tích Cha Benoit lọt vào tay anh chị em chưa Công giáo, để nhờ ơn Chúa cảm kích, anh chị em thấy tấm lòng Cha chúng tôi nhiệt liệt yêu thương mà qui thuận tòng giáo cho được “sống đời đời”.
Cùng anh chị em công giáo, ước chi mấy trang sách này đến với ơn thánh triệu thúc đẩy anh chị em vào tu các dòng nam nữ, để cùng “bầu bạn mật thiết với Chúa Kitô bạn Chí Thánh”.
Lời sau ông thánh kết rằng: “Ta viết cho anh chị em được vui mừng”. Cũng vậy, chúng tôi viết tập nhỏ mọn này không ngoài mục đích chia vui cùng chư tôn độc giả, nhất là với các quí vị ân nhân bản Dòng. Thấm thoát thoi đưa, nay đã vừa 50 xuân chẵn kể từ khi Cha Tổ phụ chúng tôi tra tay trồng cây cải nhiệm trên núi Phước (năm 1918-1968), rồi cha Bernard Tu Viện trưởng đệ thứ tỉa nhánh đem trồng ngoài Châu Sơn Núi Ngọc Bắc Việt năm 1936 đến 1951, nhánh thứ hai ở Phước Lý miền nam. Mà quí vị ân nhân chúng tôi chúng tôi các Ngài đã đóng vai vai những cụ Apollo mới, đầy lòng quảng đại, giơ tay ngọc tưới thứ nước mầu, nhờ ơn Chúa ban cây cội cây nhánh rườm rà đua nở, ngành là sum sê, chim trời ríu rít. Ngạn ngữ rằng: “An trái nhớ kẻ trồng cây” thế là vui. Mặc dầu thánh Phaolo nói: “tôi trồng, Apollo tưới, kẻ trồng kẻ tưới không kể là chi, mọi sự đều nhờ ơn Chúa ban cho cây phát triển[5].
Nhưng ông thánh lại tiếp ngay: “kẻ trồng kẻ tưới đều được công riêng tuỳ huân lao mình”[6].
Bởi đó chúng tôi viết ra hạnh tích Cha Tổ Phụ chi Dòng, trước là để tỏ tình đoàn con hiếu thảo, sau là cùng chia vui với các ngài, quí vị ân nhân, chứng tỏ tấm lòng chúng tôi ghi ân nhớ nghĩa.
Nguyện xin Chúa nhân lành trả công vô cùng ở trên trời cho các ngài vậy.
PHƯỚC SƠN
FF.M.E.
Danh sách các cha, các thầy được diễm phúc sống với Cha Tổ Phụ, thuộc ba nhà:
Nhà PHƯỚC SƠN
Tên Ngày vào dòng
Fm. MICHAEL Trần văn Biện 14-9-18
Fm. J. BAPTISTA Nguyễn Văn Toán 06-8-24
Fm. JOACHIM Nguyễn Văn Cẩn 6-1-25
Fm. HIERONYMUS Trần văn Năm 10-1-26
RRDD. EMMANUEL Chu Kim Tuyến 21-3-28
Fm. CAROLUS Lê văn Mẫn 7-6-28
Fm. JACOBUS Võ văn Mậu 26-1-29
Fm. HILARION Nguyễn Văn Lan 29-1-29
Fm. BARNABAS Lê văn Thạc 21-5-29
Fm. ALOYSIUS GONZAGA Lê vinh Diện 29-6-29
Fm. BRUNO Trần năng Thiện 8-9-29
- ALBERRICUS Trần văn Nhơn 21-6-32
Fm. ALBERTUS Nguyễn văn Liên 21-9-32
Fm. STEPHANUS HARDINGUS Nguyễn văn Ban 19-8-33
Nhà CHÂU SƠN (Bắc)
Tên ngày vào dòng
Fm. PETRUS Nguyễn văn Hồng 1924
- ROBERTUS Vũ xuân Trụ 1925
PLRP. PHILIPPUS Trần văn Năng 1929
Nhà CHÂU SƠN (Nam)
Tên ngày vào dòng
Fm. BARTHOLOMEUS Đinh Văn Khoá 1922
Fm. ANTONIUS Nguyễn văn Tấn 1924
- BERCHMANS Nguyễn văn Thảo (vào Đệ tử 1931).
Nhà PHƯỚC LÝ
Tên ngày vào dòng
- AUGUSTINUS Nguyễn văn Cựu 2-2-24
RRDD. STANISLAUS Trương đình Vang 8-9-24
Fm. VINCENTIUS Nguyễn văn Tình 25-12-24
Fm. PAULINUS Trần quốc Công 19-3-30
Fm. PASCHALIS Võ Mạnh 31-9-31
Fm. CLEMENS Trần văn Nhân 19-8-33
HẠNH TÍCH CHA BENOIT
Chia làm hai phần:
Phần I: Từ khi cha Benoit sinh ra đến khi lập Dòng: 1880-1918.
Phần II: Từ khi Ngài lập dòng đến khi qua đời: 1918-1933.
Phụ thêm phần III: Từ khi qua đời đến bây giờ: 1933-1968.