Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II.

CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ THÁNH GIA VIỆT NAM

1. Thiết lập nếp sống Đan Tu

Việc cha quay sang lập dòng đã khiến cho người đương thời thắc mắc: Phải chăng cố Thuận có tính hay thay đổi? Thực ra cha đã ôm ấp ý tưởng này từ rất lâu khi còn ở bên Pháp. Trong lá thư gửi cho cha Bề trên Mendhibour (cố Nhơn), ông bà Louvier viết: “Trước khi qua Việt Nam truyền giáo, cha Denis đã đến thăm chúng tôi và tỏ ý tốt lành là muốn làm thầy dòng và giúp đào luyện thầy dòng cho người Việt Nam” (Hạnh Tích tr.103). Sau hai lần viết thư bày tỏ ước nguyện với đức cha về việc lập dòng, đức cha bằng lòng và ban phép cho chọn nơi thích hợp. Cha vui mừng vào Huế xem sở đất nhà chung ở Ba Trục, nhưng cố Soái, chánh xứ Ba Trục sợ cố Thuận không dựng nổi cơ đồ nên từ chối.

Bĩ cực thái lai, cụ Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài, qua thư ngỏ của đức cha, đã nhường lại cho cố Thuận một cây số vuông ở vùng Phước Sơn. Ngày 5-7-1918, đích thân đức cha Allys, cha chính Chabanon cùng cố Thuận lên Phước Sơn tìm đất lập dòng. Cảnh Phước Sơn thật hùng vĩ nhưng phải vào tận sâu, cha mới tìm được vùng đất ưng ý thuận việc tác sinh lập nghiệp.

Từ ngày 25-7-1918, cha dùng ngựa lên Phước Sơn và cùng một ít công nhân khai phá khu rừng, đào gốc, đắp nền. Ngày 5-8, cha dâng thánh lễ đầu tiên trong cái nôi ban sơ gồm: ngôi nhà hai gian, hai chái, cột gỗ, kèo tre và vách đất nhồi rơm. Ngày 14-8, cha cùng người môn đệ thân tín (Thadeo Chánh) thu xếp đồ đạc lên hẳn Phước Sơn với gánh hành trang: một thúng gạo, một hũ ruốc và cái nồi, một con dao và một con gà trống báo hiệu. Ngày 15-8-1918, cha dâng lễ trọng thể chính thức khai mạc cuộc sống đan tu. Tiếng là trọng thể, nhưng chỉ có hai cha con và mấy công nhân nghèo.

Tựa người mẹ mang nặng đẻ đau, cha vui lòng gánh vác mọi khổ cực mong sao Phước Sơn sớm hình thành. Có khi hết tiền hết gạo, cha phải đánh liều vào Huế gặp Đức cha xin đi khất thực. Ngày 2-2-1920, cha lãnh áo dòng với tên gọi Biển Đức. Ngày 21-3-1923, lễ thánh Biển Đức, lớp tu sĩ đầu tiên của dòng Đức Bà Việt Nam tuyên khấn sơ khởi. Thật là một vinh hạnh cho cha Biển Đức vì được vị đại diện của Đức Thánh Cha là Đức Lecroart, khâm sứ Tòa thánh miền Đông Dương cùng đức cha Allys đến thăm và thánh hóa công trình của mình. Ngày 21-3-1926, cha tuyên khấn trọn đời cùng với cha quản lý Bernard Mendhiboure, thầy Giacobe Nghĩa và Thadeo Chánh.

Vì muốn thực hiện lời tiên báo của đức cha Allys: Phước Sơn sẽ tràn khắp địa phận vùng Đông Dương, cha đề ra cho cộng đoàn hai hướng tới: các giáo phận Việt Nam và dòng Xitô ở Châu Âu. Ở Việt Nam, cuối năm 1927 và đầu năm 1928, cha lên đường ra Bắc rồi vào Nam để quảng bá ơn gọi. Lời nói hấp dẫn, cử chỉ điệu bộ khiêm tốn của cha khiến nhiều người cảm phục và theo gót cha vào dòng. Để củng cố vị thế pháp lý của Hội Dòng trong tương lai, ban đầu cha gửi thư xin gia nhập Xitô nhặt phép nhưng họ viện lý do từ chối. Ngày 4-3-1930, cộng đoàn họp và quyết định quay sang Xitô chung phép. Nhận được thư thỉnh nguyện, cha Bề Trên Cả Jansens phúc đáp chấp thuận, yêu cầu cha gửi ngay bản hiến pháp và hứa sẽ cử vị thanh tra đến thăm tu viện. Trong khi chờ đợi vị thanh tra, cha đã tu chỉnh bản hiến pháp đồng thời thiết lập Tập Viện theo quy định của Giáo Luật.

Ngày 11-2-1931, đặt cha Anselmo làm giáo tập xong, cha xuống ga Tiên An đón vị thanh tra của Bề Trên Cả. Sau cuộc thanh tra, ngày 17-2-1931, cha hội ý anh em và chính thức đặt tên cho Hội Dòng mình là Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.

Ngày 13-7-1933, cảm thấy trong người bất ổn, cha nói với thầy y tá: “E rằng cha phải đi nhà thương như con nói, kẻo sau này các bác sĩ trách cha con mình liều mạng” (Hạnh tích tr.228). Ngày 15-7-1933, bác sĩ Mormet chuẩn đoán xong thì lắc đầu nói: “C’est perdu” (hỏng hết rồi). 14giờ 15-7, thấy bệnh tình của cha thêm nặng, đức cha Giáo ban phép xức dầu bệnh nhân và hai ngày sau ban phép các thầy đem kẻ liệt về nhà dòng. Vừa thức dậy lại nghe tiếng bóp còi inh ỏi, biết điềm không lành, anh em đổ tuôn ra cổng đón người cha thân yêu. Thầy y tá định đưa cha vào phòng khách nơi có đủ tiện nghi, nhưng cha xin đựơc ở nhà liệt chung vì cha không chấp nhận một ưu tiên nào, kể cả lúc đau ốm.

 

2. Những giây phút cuối đời

Chiều ngày 24-7, tiên cảm giờ ra đi sắp đến, cha Tổ Phụ xin đổ tro trên đất và đặt nằm trên đó. Miệng ngài luôn thầm thĩ: “Bao giờ con sẽ được diện kiến thánh nhan”(Tv 41,25). Một hồi lâu chưa thấy cha tắt thở, anh em lại đưa ngài lên giường. 6giờ30 sáng 25-7-1933, cha trở bệnh, tay cha với lấy ảnh Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, miệng kêu: “Mẹ ơi, mẹ ơi, cứu con với”. 7giờ 30, cha quay mặt về phía thầy y tá, méo miệng, mạch đứng. Thế là cha đã về với Chúa.

Dù cha mất nhưng cộng đoàn Phước Sơn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cha: một người cha nhiệt tâm với phần rỗi các linh hồn, một nhà sáng lập dám thí thân để cho đời đan tu được thành hình, một bậc thầy thiêng liêng mà ai có dịp tiếp xúc đều cảm được như đụng chạm tới Thiên Chúa.

 

3. Một di sản thiêng liêng

Trước khi nhắm mắt lìa trần, cha Tổ Phụ không để lại điều gì cao quý hơn ngoài lời trối vàng ngọc. Lời trăn trối không dài (chỉ có 207 chữ), nhưng đó lại là tinh hoa của một kinh nghiệm tiếp xúc với Thiên Chúa cách sống động. Kinh nghiệm đó được diễn tả qua đời sống và lời giáo huấn của cha. Lời ao ước sau hết của cha là mong muốn con cái cha trở nên một thầy dòng thật, một thầy dòng thánh thiện có ích cho Giáo Hội và nhân loại.

Muốn được thế, đan sĩ phải tuân giữ luật dòng cho trọn. Việc giữ luật dòng tựa như “sợi dây” gắn chặt đan sĩ với ơn  gọi, không cho phép đan sĩ tự đánh mất bản chất của mình và giúp thăng hoa đời sống qua việc kết hiệp với Chúa và yêu thương anh em. Với cha, sống kết hiệp với Chúa là bổn phận hàng đầu của người đan sĩ, vì “lòng Người yêu thương chúng tôi nên buộc chúng tôi phải kính mến Người” (Lời Giáo Huấn số 6); còn việc yêu thương anh em là dấu chỉ minh chứng rõ nét về lòng kính mến Chúa: “Muốn biết chúng tôi có lòng kính mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có yêu thương anh em không. nếu chúng tôi có, ấy là dấu chúng tôi có lòng kính mến Chúa. Vì sự kính mến Chúa có lẽ lầm được, còn sự yêu thương anh em thì không lầm được” (Lời Giáo Huấn số 6). Quả thế, cha Tổ Phụ không muốn các đan sinh của người là những Pharisiêu giả hình để lừa dối thiên hạ, nhưng là những chứng nhân hữu ích cho công cuộc loan báo Tin Mừng, vì Chúa đã nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).

 Alberto Vũ Bá Đạt, Plý

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...

KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN...

NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHA TỔ PHỤ

NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHA TỔ PHỤ Cách...