Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

CHƯƠNG IX

 

Từ khi cha khấn tạm 21-03-1923

Đến khi khấn trọng 21-03-1926

 

Bấy lâu gọi mấy cha con là thầy dòng, song chưa phải thầy dòng thực danh theo giáo luật. Muốn được vậy phải khấn hứa, trước khi khấn phải tập một năm. Dòng nào muốn tập lâu hơn mặc ý, song ít là phải tập một năm theo giáo luật thì việc khấn hứa mới thành. Cha Benoit đã định tập ba năm: một năm Hội thánh, hai năm bản dòng. Nay cả ba năm đã gần xong (1920-1923), cha con cùng nhau sửa soạn khấn hứa.

Nhân dịp Đức Cha chủ sự lễ phép khấn, cha cũng tính xin ngài truyền chức linh mục cho hai thầy trong dòng và làm phép chuông luôn thể. Hay đâu khi ấy gặp ngay kỳ Đức Cha Lecroart Thanh Tra Toà Thánh miền Đông Dương đang ở Huế, thì Đức Cha địa phận cũng mời ngài ra viếng Phước sơn.

 Được tin, cha con vui mừng khôn xiết, lập tức dọn dẹp trang hoàng cả vật chất lẫn tinh thần. Theo luật phải cấm phòng mười ngày trước khi khấn. Cha Benoit vừa cấm phòng vừa giúp cấm phòng cho con cái, kẻ chịu chức người khấn hứa, kẻ lại lãnh áo dòng. Mọi người đều sốt sắng, nhưng chắc cũng lo ra vì phải dự bị cuộc nghênh tiếp Đấng Đại diện Đức Thánh Cha đến Việt Nam lần đầu tiên.

Chiều ngày 19 tháng 03, lễ thánh Giuse, toe toe mấy tiếng còi xe hơi, xoá tan làn không khí thâm u. Cha con hớn hở nhốn nhác trông nhau, vội vàng áo mão sắp hàng ra rước các vị thượng khách. Cuộc nghênh tiếp có vẻ tôn nghiêm khác nào năm 1131, thánh Tổ Bênado và các thầy Claravalle ra rước Đức Giáo Hoàng Innocentio. Trong hạnh thánh nhân có chép: “Khi Đức Thánh Ngài tạm ngự ở thành Auxerre, có ngự giá thăm nhà dòng Claravalle các thầy ra đón rước. Tiên phong là thầy cầm Thánh giá tiếp đến thánh Bề trên và các thầy đi hai hàng nghiêm trang hát thánh vịnh, cặp mắt chăm chỉ ngó xuống, dầu có Đức Thánh Cha và các Đức Hồng Y hộ giá, các thầy cũng chẳng trông xem, khiến các Đức Ngài phải động lòng đến sa nước mắt…”

Thế Đức Cha Thanh Tra và cha  ký lục có bị cảm kích đến ra lệ vì mấy thầy dòng Phước sơn chăng?–Không biết! Phần bản dòng không dám nhận, rước hai Đức Cha vào nhà thờ giữ lễ nhạc Hội thánh xong, thì rước hai ngài vào nhà hội chung hai Đức Cha an toạ rồi thầy nhạc trưởng ra giữa nhà hát hát bài Phúc âm, kể sự Đức Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm Giáo Hoàng tiên khởi, trao chìa khoá thiên đàng và ban quyền xét xử. Tất nhiên cha Tổ Phụ dòng Phước sơn có ý tôn xưng cách công khai: Đức Cha Thanh Tra là đại biểu tông toà, cha con đều hết lòng kính yêu tùng phục như chính Đức Thánh Cha hiện diện. Đoạn cả nhà quỳ rập sấp mình lạy hai Đức Cha, rồi hôn nhẫn ngọc thế là xong cuộc nghênh tiếp.

Ngày 21-3-1923, lễ thánh tổ Benoit, Đức Cha già Lý đã kính nhường Đức Cha Thanh Tra chủ sự mọi lễ nhạc. Trước hết làm phép chuông, sau đến cuộc khấn hứa. Thế là chuông vừa được chịu phép thánh bởi chính tay ngọc đấng đại diện Đức Thánh Cha, thì lần thứ nhất nổ tiếng vang dội báo hiệu mừng cha Bề trên Tổ phụ và mấy đệ tử đầu tiên dâng mình cho Chúa, nhận Chúa làm kỷ phần.

Lễ phép khấn cử hành tại nhà hội chung. Đức Cha Thanh Tra đóng phẩm phục, mão ngọc gậy vàng oai nghi ngự giữa, hai bên tả hữu có Đức Cha già Lý và cha ký lục, chung quanh thì quý khách và thân hữu các thầy dòng vô số, chú mục vào các lễ nghi, cha Benoit khiêm-từ bước ra, theo sau có cha quản lý Bernard và bảy thầy khác sắp hàng chữ nhất trước nhan Đấng chủ sự. Cha Benoit tiến lên đọc lời khấn, song thì cha quản lý và các thầy khác tiếp theo. Vinh hạnh thay “của lễ đầu mùa” thượng tiến Chúa do công khó nhọc cha Tổ Phụ gieo vãi vun  trồng! Nay cha con cùng nhau uống chén trường sinh.

Theo lê thường: đó là việc tình cờ gặp may, song thật Chúa đã xe định từ thuở đời đời, cho Đấng Đại diện Đức Thánh Cha nhận lời khấn của mấy thầy dòng tiên khởi tu viện Đức Bà Việt Nam trên núi Phước sơn.

Khấn hứa xong tiếp đến lễ phong chức cho hai vị linh mục tiên khởi bản dòng, quý hiệu là Mauro và Placido, hai cha này chúng tôi đã có lần nhắc tới. Ngày ấy hai cha cũng được lãnh áo dòng với bốn thầy khác, trong số ấy có thầy Martino Châu sơn đã qua đời. Lễ tất hai Đức Cha rời gót ngọc, cha con khởi sự cuộc đời mới.

Khấn hứa rồi cha con mở màn cho đời sống mới. “Mới” đây không phải về cách ăn ở bề ngoài, song là về cách thụ động bề trong bấy lâu khi có ơn nghĩa, làm việc thì được công đáng thưởng đời sau; nhưng từ khi khấn, mọi việc làm theo luật dòng lại được thêm một công mời về đức thờ phượng. Lời khấn làm cho người khấn trở nên người thánh, ắt công việc làm cũng phải làm đẹp mắt Chúa hơn, miễn là trung tín với chức bậc mình. Từ đó cha Benoit càng ra sức chăm chỉ giữ luật đúng từng phẩy từng nét, đồng thời thử xem có điều nào quá nhiệm nhặt cho môn đệ thì phải chế giảm tuỳ công ích.

Tiên vàn xét về luật làm thinh. Trước đã nói: thượng tuần tháng 11-1922, cha bắt thăm hỏi ý kiến các thầy có nên giữ miệng trọn đời hay là cuối tuần còn được nói chuyện nửa giờ. Kết quả: 14 phiếu ưng giữ miệng nhặt còn 7 phiếu nói chuyện giữa giờ, cha liền cho thử cả hai cách, đến khi khấn sẽ xét lại. Từ đó nhà tập giữ miệng nhặt, nhà thử được nói chuyện mỗi tuần nửa giờ. Nay khấn rồi cha lại bắt thăm hỏi ý kiến lần nữa. Song phen này ngược lại: số phiếu nói chuyện mỗi tuần nửa giờ nhiều hơn số phiếu giữ miệng nhặt, nên cực chẳng đã cha phải theo phần thắng số mà nhất định khoản luật này. Là từ đó các ngày Chúa nhật lễ trọng được nói chuyện sau cơm tối. Trừ trót mùa chay thì không.

Từ khi lập dòng cha con vẫn phải chăn trâu, bò, chiên, dê. Việc đó rất ích lợi về đàng thiêng liêng, song sự thiệt hại cũng không nhỏ, có khi lợi bất cập hại. Nên từ khi khấn rồi cha định việc chăn nuôi súc vật phải để lại cho gia nhân, các thầy giữ luật chung nội luỹ cấm cũng vừa rồi. Phần cha không những giữ luật vì ý cao thượng, vì đã khấn buộc mình lại còn để nêu gương cho con cái. Bấy nhiêu lẽ thúc bách ngài giữ luật đến bậc anh hùng.

Về sự dùng vật thực, cha ra sức giữ luật chung mọi đàng. Vốn lương thực của bản dòng đối với người Việt Nam không đến nỗi quá cực, hoặc có quá song không phải luôn, nhưng đối với người âu châu thật quá là một Thánh giá không nhẹ! Thế mà cha vẫn cố nhắm mắt nuốt ngon lành mau chóng cho xong bữa, dầu khi gặp cơm hẩm gạo nứt độn sắn, bắp, khoai, với quả cà mặn, dưa chua!

Thường ngày thứ bảy, thì ngài lại chỉ dùng cơm không. Trong luật thánh tổ Benoit dạy: những người già nua và kẻ niên thiếu không nên bắt giữ luật nhặt trong sự ăn uống. Cha đã theo sự hiền từ khôn ngoan và đức hiền từ thánh Tổ mà châm chước cho các cha Tây, song chính mình ngài thì không bao giờ dùng phép rộng ấy.

Lần kia xẩy ra một câu chuyện: thầy giúp bán có lòng tốt, song cha cho thầy làm cớ khiến ngài phạm luật chung và tội mê ăn, số là: luật dòng cho phép các ngày lễ trọng được làm bánh mứt theo cảnh nhà nghèo dọn ít nhiều cho mọi người bằng nhau. Một hôm gặp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, cha quản lý cho làm bánh sắn mỗi người một cái. Thầy giúp bàn theo lòng tốt tự nhiên yêu kính Bề trên, đặt cho ngài hai cái. Đến giờ dùng bữa, cha khoanh tay cúi đầu, cặp mắt ngó xuống đi vào nhà cơm, không hay trên bàn dọn chi, một hay hai bánh. Làm phép bàn xong khởi sự dùng cơm, bánh mừng lễ Dức Mẹ, bánh sắn không nhân chẳng ngon chi song muốn giữ trí ý Phúc âm, dọn chi ăn nấy, đã hai bánh thì ngài cũng dùng hai mừng lễ không ngờ anh em mỗi người chỉ có một! Dùng xong như mọi khi, cha đưa mắt nhìn xen con cái ăn uống thế nào, có giữ nết na chăng. Ngờ đâu! Trông thầy nào cũng chỉ có một chiếc bánh, mà mình thì đã dùng hai cái rồi! Khi ấy chắc máu nóng ngài bốc sôi nhưng cũng bấm bụng chịu vậy. Cơm xong ngài kêu mấy thầy giúp bàn phạt cho một bữa xiểng liểng vì làm cớ cho ngài lỗi luật và phạm tội mê ăn. Cha còn cứ dạy đi dạy lại: Bề trên chi, Bề trên hai cái bánh! Mà chưa hết đâu! Đến giờ hội chung ban tối, ngài còn giảng cho một bài đại thể để cất gương xấu và tội mê ăn!

Về sự ăn chay. Vốn tự nhiên ăn chay cực cho xác, nên người ta quen nói: phải ăn chay. Phần cha Benoit nói ngược lại: được ăn chay! Vì chẳng những ngài không sợ, lại ham thích trong các thơ cha nói mình cần phải ăn chay, phải ăn chay để rồi ăn cho ngon! Song đến bữa thì ngài lại dùng ít. Trong thơ ngài viết cho bà kế mẫu ngài nói mình ăn mạnh bằng bốn mươi người, song thật thì ngài chỉ dùng bằng một phần tư hay một phần hai anh em. Theo thói khi ấy, dọn cho mỗi người một đọi cơm hai bát úp một, ăn hết được tiếp thêm tuỳ sức. Phần cha không khi nào cho tiếp thêm. Các thầy giúp bàn thấy vậy lần thứ nhất lấy nhiều cho ngài, ngài biết ý thí không dùng hết lại còn la qưở: chúng con lấy cơm cho cha như lấy cho nhân công lực điền!

Từ khi Đức Cha giao họ Phước Sơn cho nhà dòng, như đã kể trong chương VIII, thì các ngày Chúa nhật cha xuống giải tội giảng dạy làm lễ xong mới về nhà dùng cơm. May đàng không xa mấy, chừng hơn nửa giờ. Khi trời đầm ấm mát mẻ có khá, chỉ như tiết đông thiên mưa dầm nắng hạn, chay lòng mà cuốc bộ chân không như thế không phải không cực! Ban đầu cha Bề trên  và cha quản lý cùng nhau thay đổi, sau công việc thêm nhiều và có thêm các cha thì ngài đã đặt cha phó coi họ Phước Sơn thay ngài. Cha Placido trạch đã giữ chức ấy nhiều năm.

Cha Benoit ái mộ công việc thủ công hơn nữa. Đừng kể công việc làm nhà như gánh đá, gánh vôi, cưa gỗ, còn việc thường nhật quanh năm, bất luận việc chi hễ anh em làm là cha không bao giờ bỏ, hoặc việc chung như xay lúa giã gạo, cuốc đất, gánh phân, đi rú, hoặc việc theo phiên tuần: rửa chén bát giúp bàn, giúp bếp, gánh nước. Nhiều lần cha còn phải sang tận Gia-bình, An khê mua lúa mua tre, đi về bốn tiếng đồng hồ. Người quen gánh vác còn cực, huống chi vai ông Tây, mà ông Tây gầy ốm. Một hôm gánh lúa qua chợ Yên-Gia, đồng bào đông vô số ai cũng kêu: ô hô! Kia coi ông Tây gánh lúa! Giỏi chưa đôi khi ngài cùng môn đệ chèo đò xuống cửa Tùng mua muối. Vào nhà ông thương chánh cân muối xong, cha ghé ngay vai gánh xuống đò. Thấy vậy bà đầm thương chánh kêu la gọi bồi ra gánh hộ đỡ!

Tuần giúp bếp thật cực vì có nhiều việc nặng nề. Một mình phải quây nước gánh đổ bể mỗi ngày hai lần, chừng vài chục gánh. Thấy ngài gánh nước thì vừa tức cười: đặt gánh nước lên vai nặng è cổ, nổi gân lên, mặt đỏ tỉa, nhiều khi đòn gánh đè phải râu đau méo miệng, thế mà đi ngay đâu, lại còn đứng rở bác vật tìm trọng lực (pesanteur), xê đi xê lại trên vai cho bằng nhau, không bên nào chúi xuống mới chịu đi cho! Thật là cụ tú già gánh nước! Gánh nước rồi phải đãi gạo, rửa rau, vác củi. Đến giờ thì rỡ cơm xúc vào hai bát úp một đặt cho từng thầy. Thầy đầu bếp nhiều khi tranh làm đỡ ngài mấy việc đãi gạo, rỡ cơm…vv song gánh nước vác củi thì ngài không cho ai giúp bao giờ. Nhiều khi củi hết, trên rú chưa xe về thì phải tự mình đi kiếm lấy chung quanh đồi…

Song việc đi rú chặt củi gay nhất. Thường mỗi tháng một lần vào ngày thứ sáu cả nhà đi làm củi, ngày ấy hát lễ dòng sớm hơn mọi khi. Xong mọi sự cha con sắp hàng một, lớn trước nhỏ sau, tay tả cầm dao cặp nách, tay hữu nếu rảnh thì cầm chuỗi lần hạt hay úp vào ngực chớ không được “Đánh xá” (vung tay). Cha đi trước hướng lộ, con đi theo sau như đạo binh hùng dũng theo quan tướng. Đến nơi, quỳ gối hát kinh chầu Mình Thánh Chúa, kêu xin Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse, Thiên thần bản mạnh và các thánh  bầu cử cho, rồi chia nhau mỗi người chặt mỗi ngả độ một giờ cha Bề trên vỗ tay làm hiệu, mọi người lại hát mấy câu kinh như trước. Lúc này nghe thật cảm động vì ai nấy ở xa nghe ngài hát cung giọng rôm rã thì cũng rán sức hát theo, vang một góc rừng. Gần trưa, các thầy ở nhà gánh lương thực đến, anh em nghe hiệu tựu họp đọc kinh giờ III giờ VI, rồi kẻ chặt lá làm chiếu, người rỡ cơm múc canh. Đến giờ, cha con ngồi lại theo đẳng cấp, đọc kinh làm phép bàn rồi ai nấy vừa dùng cơm vừa nghe sách, cơm sốt canh nóng, vui khoái mà trang nghiêm, như bữa tiệc cá nướng bánh khô mấy tông đồ ngư phủ ngồi xổm cầm thực với Chúa ở hồ Tiberiade. Cơm xong cha con các tán tìm chỗ nghỉ. Ngài nằm xõng xượt giữa rú, đầu gối khúc cây, úp mũ lên mặt tay cầm bộ chuỗi, không biết ngủ hay đọc kinh. Chừng một giờ, thì hội nhau lần chuỗi và đọc kinh giờ IX. Kinh xong, buổi sáng ai đã chặt được bao nhiêu thì kiếm dây bó lại xấp đống một nơi sau có xe trâu chở về. Việc này gay nhất cho mấy thầy bút nghiên: tìm dây đã cực, bó lại không rồi, sổ trước sụt sau, mà cha thì làm mau như chớp, bó đã tài vác cũng mạnh!

Còn một việc cực khổ hèn hạ nhất thì cha giữ cho mình lâu năm đó việc quét dọn vệ sinh. Ngài không cho cắt phiên, mãi đến khi gần lìa thế, nằm liệt một bề mới trối lại cho con cái. Ngày ngày sáng ra kinh lễ xong, cha xách bình xuống giếng lấy nước về quét dọn nhà vệ sinh rồi mới đi làm việc khác. Không ai tranh được, ai táo bạo thì bị quở liền, trừ khi cha mắc khách hoặc đi khỏi. Trong việc ấy ngài lại giữ đức khó khăn cách lạ, chính ngài đã nói và dạy vẽ con cái: ngài lấy nước về tưới dội chùi rửa nhà vệ sinh, nếu còn dư thì đổ luôn cho hết, rồi về cất bình, đem âu đi lấy nước khác rửa chân tay chớ không dùng nước còn dư vì ngài nói mình đã khấn đức khó khăn thì không được dùng bình chung lấy nước cho mình, phải theo luật chung, đem âu xuống giếng lấy nước. Có khi độc giả cho là quá nhặt, song cha quen giữ đức khó khăn hoàn toàn mọi nét để làm gương cho một số người lương tâm quá rộng!

Công việc đã vậy, còn sự ngủ nghỉ thế nào? theo luật thì tối tám giờ đi nghỉ, đêm hai giờ dậy, Chúa nhật lễ trọng thì dậy 01 giờ 30, hoặc 01 giờ 45 tuỳ nghi. Tất nhiên cha phải giữ luật không bớt ngủ được, song ngài ngủ thế nào? Lối năm 1928, ngài ra Bắc, đến Kẻ sở có gặp chung các thầy Thần học nói chuyện về việc Dòng. Ngài nói: “Trong anh em chúng tôi có nhiều người sốt sắng lắm, tôi làm tướng mà không theo kịp! Có thầy ban đêm ngồi mà ngủ!” vậy khi ấy trong các thầy có ai ngồi mà ngủ không?- không biết, nếu có thì có lẽ cha cũng vào số đó được, song không dám chắc, chỉ rõ một điều là trong mùa đông luật dòng cho dùng mền, mà cha không dùng bao giờ, chỉ dùng hai cái bao tạ, bề ngang sáu tấc, nếu đính lại với nhau thì còn khá, song ngài cứ để vậy: đắp dọc thì không kín, đắp ngang thì hụt đầu hụt đuôi, thành thử lạnh vẫn hoàn lạnh, nhất là tiết đông thiên mưa dầm gió bấc. Nếu cha không ngủ nhiều được, thành ho lao!

Về đức ái nhân, Cha Benoit đã học được đức tính quí hoá ấy nơi ông thân ngài ngay từ lúc non thơ. Mấy năm làm cha sở Nước mặn, Cha đã nên mọi sự cho mọi người như thánh Tông Đồ. Khi ấy Cha chỉ phụ trách phần hồn cho con chiên, lại nhiều kẻ vong ân bạc ngãi, mà ngài còn thương như vậy, phương chi nay làm cha nhà dòng cả xác lẫn hồn, lại thấy con cái đều tỏ tình mến yêu tín  phục, thì lòng âu yếm của cha nồng nàn đến thế nào? lúc bằng an khoẻ mạnh cha lo lắng đã rồi, nhất là khi ốm đau bệnh tật càng săn sóc hơn. Hiện nay cả ba nhà dòng: Phước Sơn, Châu Sơn, Phước Lý, các cha các thầy con cái cựu của ngài còn sống hai mươi lăm vị không một ai không khen ngợi tấm lòng cha đối với con tận tình thân ái.

Khi giúp bàn, ngài để ý xem thầy nào ít ăn thì ngài dạy ăn thêm hoặc bảo dọn đồ ăn cho khá, trái lại thầy nào kén ăn thì ngài la quở để chữa tật bệnh linh hồn. Như có lần một thầy kia không biết tại sao không ăn cơm cháy, xin đổi cơm khác, ngài biết thì la quở: “này chúng con xem, anh X… yểu điệu chưa, không chịu ăn cơm cháy, đòi cơm khác kia!” thầy ta thẹn đỏ mặt vội ra quì chùm hum giữa nhà cơm chịu lỗi, cha tỏ nét hiền từ nói: “thôi con lên ngồi ăn lại cho rồi!”

Lúc dòng mới sơ khai, cha con xuất hành phải dùng áo tơi Việt Nam. May nhờ cha quản lý Bernard vào dòng có đem theo một cái áo khoác (pélerine) còn mới, rồi có người ân nhân cho hai cái nữa một cũ một mới. Cha liền thêm vào hiến pháp câu rằng: “khi đi đàng thì được dùng áo khoác thâm”.

Một hôm trong tháng chạp 1930, trời mưa bụi, cha đi Huế đưa hai thầy đi học làm y tá Phòng y phục đưa ba cái áo khoác, tự nhiên phải đưa kính cái mới và dài. Song vào đến Huế ngài đổi lấy cái cũ, rồi trong mấy ngày ở đó, ba cha con cùng đi với nhau, cha đi trước mang cái áo đã cũ lại vắn, hai con theo sau, xúng xính mỗi người cái áo vừa mới vừa dài!

Thầy Leô Phòng, quê ở Búng, địa phận Phú Cường, đau nặng, cha đã hết sức lo lắng thuốc men cơm cháo, thế mà khi thầy qua đời rồi, ngài cứ phàn nàn; cha săn sóc cho anh Lêô chúng tôi chưa đủ, cha buồn lắm! Cha dốc lòng về sau ai đau nặng, thì lo lắng tận tuỵ hơn. Song ngài chưa được dịp thi hành điều dốc quyết thì đã nghỉ giấc trăm năm.

Khi ấy chưa có nhà thương, song dùng hai ba căn đầu nhà gia nhân rạp thợ làm nơi cứu thương cấp bách. Đêm kia họ khênh đến một bệnh nhân kẻ ngoại. Thầy khán hộ lo kẻ liệt ngoài vào trình cha, ngài liền bảo lấy thuốc kêu cả thầy y tá trong nhà ra, ba cha con xuống hì hục nhóm lửa nấu nước nóng đổ vào chai đặt chung quanh người liệt, không quản nhớp nhúa tanh hôi đêm hôm mất ngủ.

Thật ngài đã nên cha kẻ khó khăn. Mấy năm làm cha Sở Nước Mặn, ngài cho hết tiền bạc rồi thì nấu cơm phát cho họ. Đã rõ khi ấy ngài chẳng những không giàu có, lại mắc nợ tứ tung. Song ngài có đức tin mạnh: cho kẻ khó là cho Chúa vay, Người sẽ trả cả vốn lẫn lời. Phương chi nay ngài làm cha một tu viện, buộc phải giữ thêm luật thánh tổ Benoit: “về khách khứa thì phải tiếp rước cho hết dạ, nhất là kẻ khó khăn, vì tiếp rước kẻ khó khăn thì tiếp rước Đức Chúa Giêsu hơn!” thầy Bathôlômêô (ở Châu Sơn) có gửi ba chữ làm chứng: “Khi con coi nhà khách, nhiều lần thấy ngài cho mỗi người một đồng(bạc 7 quan 50) hoặc năm ba giác, thế mà ngài cứ phàn nàn: “E cha chưa có lòng thương kẻ khó cho đủ, phải đánh ngực ăn năn!” mấy thầy khác cũng đồng một ý.

Phần xác còn vậy, phương chi phần hồn? Ngài lưu tâm cách riêng đến người ngoại giáo. Từ hồi bước chân sang đất Việt, trái tim cha đập một điệu với Thánh Tâm Chúa: cứu vớt sinh linh. Sáng lập chi dòng Phước Sơn, mục đích cầu nguyện cho đất Việt và cả thế giới trở về chính lộ. Trong một lá thơ gửi cho cố Bình (R.P. Radelet, sau vào dòng đội tên là cha Remis qua đời ở Châu Sơn) cha nhấn mạnh về vấn đề ấy. Trích bức thơ sau đây:

“Phước Sơn ngày mồng 1 tháng 8-1924. Lạy cha, mấy người cha muốn cho vào dòng thì con rất vui lòng nhận, vì chúng con sẽ không bao giờ kể là đông quá, con lại ước ao giảng cho khắp đất Việt nghe mấy lời thánh tổ Benađô rằng: sung sướng thì cheo leo cho đức sạch sẽ; lắm của thì dễ mất đức khiêm nhường; nhiều công việc thì bớt lòng sốt sắng; nói nhiều dễ lỗi đức thật thà; giữa thế gian điên đảo khó giữ được lòng kính mến; vậy anh em hãy tránh khỏi Babylon, hãy lo cho linh hồn mình được rỗi!” và con xin thêm rằng: hãy lo cho kẻ ngoại được rỗi nữa! Con thêm mấy lời đó vì mục đích chúng con ở đây là đem phần rỗi cho các linh hồn. Hàng ngày chúng con lần hạt ba chuỗi cầu cho kẻ ngoại. Các kinh chúng con đọc, việc chúng con làm, sự đau khổ chúng con chịu đều dâng lên trước toà Chúa qui về mục đích ấy cả. Mỗi ngày có một thầy trong chúng con chầu Mình Thánh Chúa một giờ, đi đàng thánh giá một lần và đánh tội vừa đánh vừa đọc một kính Miserere, cầu cho kẻ ngoại. Lại hàng tháng các ngày 15, chúng con dâng một lễ Misa, xem lễ và rước lễ cầu cho Viễn Đông trở lại..”

Cha Benoit nhiệt tâm cứu giúp sinh linh thế nào, cứ xem cách ngài hành động khi làm bổn sở Nước Mặn thì rõ. Cha thấy việc tông đồ bề ngoài xem ra ít hiệu lực thì đã vâng ơn Chúa lo nhốt mình trong chốn cổng kín tường cao để làm hậu thuẫn giúp đạo binh tiên phong, mở nước Chúa bằng sự hãm mình cầu nguyện. Cha có đặt một kinh cầu cho dân ngoại Việt Nam trở lại, kinh này đã bành trướng khắp các địa phận nước nhà:

Kinh cầu cho Việt Nam chưa Công Giáo:

“Lạy Chúa Trời lòng lành vô cùng hay thương xót linh hồn kẻ có tội, xin Chúa đoái thương dân Nước Việt Nam đang còn ngồi trong bóng tối tăm ngoại giáo mà đưa về đàng chính lộ  cho khắp nước đều thờ một Chúa mà thôi. Ớ Chúa tôi! Xin Chúa lắng tai nghe tiếng máu muôn vàn đấng tử vì đạo đã đổ rước khắp cả nước này hằng kêu đến cùng Chúa. Xin hãy làm cho những giọt máu ấy đặng trở nên hạt giống tốt lành trổ sinh con nhà có đạo  cho đâu đó đặng thờ Chúa sum vầy.

Lạy Chúa, thưở Chúa mới giáng sinh, Chúa đã kêu gọi ba vua Phương Đông đến thờ lạy Chúa. Lại Chúa cũng đã phán rằng: “Ngày sau sẽ có nhiều kẻ bởi Đông, Tây đến nghỉ ngơi cùng thánh Abraham trên nước Thiên Đàng”. Nay Nước Việt Nam cũng là một cõi phương Đông, đang còn nhiều kẻ chưa hề nhìn biết Đấng Chí Tôn; Xin hãy đưa về cùng Chúa, hầu ngày sau đặng nghỉ ngơi trên nước thiên đàng chúc tụng ngợi khen Chúa đời đời kiếp kiếp. Amen

Lạy Đức Bà Maria là Mẹ riêng Dòng chúng tôi, xin Mẹ nhậm lời chúng tôi nguyện, việc chúng tôi làm, mà đưa lên trước toà Chúa, xin Chúa chịu lấy mà ơn cho dân ngoại giáo Nước Nam đặng trở lại Đạo thánh, làm tôi Chúa cùng làm con Đức Mẹ ở đời nầy, hầu ngày sau  đặng về cùng Chúa và Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng. Amen

 

CHƯƠNG X

 

Từ khi khấn trọn (21-03-1926)

đến khi qua đời (25-07-1933)

Qua 3 năm khấn tạm, nay ngày Tận hiến trọn đời đã đến. Trong suốt ba năm Cha đã chuẩn bị với bao lễ vật hy sinh để cùng với toàn thân của Cha hôm nay hiến tế trên bàn thờ Chúa.

   Thật là một ngày đại lễ, cảnh cô tịch của núi Phước cũng không khỏi đượm màu tưng bừng náo nhiệt. Rất đông các quan khách khắp nơi tới dự lễ gồm nhiều Linh mục Thừa sai và bổn quốc trong địa phận, cả những vị trước kia nhầm tưởng rằng tính Ngài hay thay đổi khó thành đạt, nay thấy rõ công việc Chúa làm, tỏ vẻ hối hận, cùng nhau đến chia vui và cảm tạ Chúa.

   Hôm ấy, lễ Thánh Tổ Benedecto (21–03-1926). Đúng 8 giờ sáng, một hồi chuông ngân vang báo hiệu giờ lễ, mọi người tề tựu tại Nguyện đường Tu Viện. Cố Chính Giáo (T.R.P. Chabanon). Đại diện Đức Cha làm Chủ tế nhận lời khấn sau bài Phúc Âm,Cha Tổ Phụ Dòng Xitô Việt Nam tiến lên trước Vị Đại diện Chúa, lớn tiếng tuyên thệ lời Tận hiến toàn thiêu, trong bầu không khí trang nghiêm và thánh thiện. Từ giây phút này, Cha được đóng ấn danh hiệu tu sĩ đích thực trước mặt Chúa và Giáo Hội. Tiếp đó Cha Quản lý Bernard và hai thầy Niên trưởng: Giacobe Nghĩa và Tadeo Chánh cũng được diễm phúc tận hiến trọn đời kính Chúa.

   Vào thượng tuần tháng Tư năm ấy (1926) Đức Khâm Mạng Ajuti và Đức Cha già Lý thân hành tới thăm Dòng. Xe hơi vừa tới, thầy giữ cổng rất đỗi vui mầng, hoảng hốt chạy vào báo tin mà quên mở cổng khác nào chị Rô-dê xưa, khi nghe tiếng Thánh Phêrô gọi thì mầng quýnh vội chạy vào báo tin mà quên mở cửa cho Thánh nhân (Act.12,13). Sau đó cả cộng đồng Tu Viện, hớn hở áo mũ chỉnh tề hân hoan đón tiếp hai vị Thượng Khách cách trọng thể theo nghi lễ Dòng. Cảnh khổ tu trên Núi Phước đã đem lại cho Đức Khâm Mạng niềm cảm khái vô song. Cha Bề Trên Benoit hết tình con thảo quỳ dưới chân Ngài trình bày mọi sinh hoạt của Tu Viện. Trông hệt như bức ảnh chị Thánh Théresa Hài Đồng Giêsu quỳ dưới chân Đức Giáo Hoàng Léo, xin phép vào nhà kín khi mới 15 tuổi.Trong dịp nầy Đức Khâm Mạng hứa ban cho Dòng một bộ Hài cốt các Thánh để rước kiệu, sau đó ngài đã gửi cho.

   Kể từ ngày thành lập, dòng Khổ tu Phước sơn chỉ được mấy địa phận Trung – phần biết tới, nhưng theo ý định Cha là lập Dòng chuyên bề hãm mình cầu nguyện cho cả giòng giống Lạc Hồng. Bởi vậy cuối năm 1927 sang năm 1928, Cha ra Bắc để giới thiệu bản Dòng. Cuộc hành trình này, cùng đi với Cha có Cha Roberto Trụ (Hà nội tức Cha Roberto hiện ở Châu sơn, Bắc-Việt). Trừ những quãng đường phải đi xe lửa, còn thì hai Cha con cứ cuốc bộ và tự mang lấy hành lý, trừ khi mệt quá mới thuê xe tay chở hành lý, rồi hai Cha con theo sau khoanh tay lần hạt; đi tới đâu người ta cũng đua nhau ra xem, vì thấy các ngài ăn mặc kỳ dị, đầu đội nón lá, đi chân không, trông thật cảm động. Tới mỗi địa phận, Cha thường viếng thăm Nhà Chung và các Chủng Viện. Tới Đại Chủng Viện Kẻ Sở (Hà nội), khi gặp gỡ các thầy, Cha thanh minh ngay; mình tới giới thiệu Bản Dòng chứ không phải cổ võ hoặc quyến rủ các thầy vào dòng, tuy nhiên ai được ơn Chúa soi dẫn thì theo. Còn hồ nghi thì cứ ở bậc Chúa đã kêu gọi: “In-dubio melior est conditio possidentis”.

   Tới Hà-Nội, Cha vào nhà thờ chánh toà, mấy “Bà đầm” rất đỗi ngạc nhiên trước dung mạo một cố Tây thân hình gầy guộc, ăn mặc vải thô nghèo khó, đi chân không… Đến Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên, nhằm tuần cấm phòng các thầy Giảng, Cha Bề Trên nhà trường có nhã ý mời Ngài giảng và Ngài đã giảng một bài về 12 bậc khiêm nhường theo quy luật thánh tổ Benedicto. Nghe xong một thầy nói: “Bấy lâu chúng con chỉ nghe tiếng khiêm nhường với khiêm nhường mà chẳng hiểu gì, khác nào như vịt nghe sấm, một bực mà chưa hiểu phương chi 12 bực leo trèo bao giờ cho thấu”

   Lúc đi đường Cha không giữ tiền bạc, không đeo đồng hồ, tất cả đều giao cho thầy Roberto giữ. Đâu đâu cũng được tiếp đãi niềm nở và chu đáo: phòng ngủ chiếu đệm, mùng màn, xà bông thơm.v.v. đủ mọi tiện nghi. Song có đấng thuật lại: “Ngài không nằm ngủ trên giường đệm, bèn nằm dưới sàn mà ngủ”. Cha cũng không dùng xà bông thơm; trái lại thầy Roberto quen thói các thầy nhà trường đi đâu người ta dọn chi dùng nấy, nên thầy dùng xà phòng rửa mặt nức mùi thơm, Ngài liền la quở: “Con theo thói thế gian.”

Cuộc giới thiệu này đã mang lại kết quả đẹp, nhiều người xin gia nhập Bản Dòng, Địa Phận Hưng Hoá có: Cha Cúc, ông Giáo Nghị, Thầy Bốn Khoa; Bắc Ninh có anh Tư; Hà Nội: thầy Lêo Trác, thầy Vinh Sơn Chu Kim Tuyến, thầy Maximo Hậu, Cha Phao lô Nhân, thầy Conrado Kỳ, Cha Silvestern Niên; Hải Phòng: Cha Chrisôgno Cương:thầy Raphael: Phát Diệm: thầy Alphongso Khải, thầy Raphael Mẫn và thầy Pio Trí (hai thầy này sau gia nhập Dòng Mỹ Ca, thầy Raphael bị tai nạn bom đã qua đời, còn thầy Pio tức Cha Alberico cựu Bề trên Mỹ Ca). Đặc biệt nhất là địa phận Bùi Chu, Cha được cố Bề trên trường các thầy giảng (cố Tràng Gia) tiếp đón niềm nở và ban phép cho nhiều thầy Giảng vào Dòng, như các thầy: Luca Cát, Sabba Thân, Giaxintô Tín, Bruno Thiện, Barnaba Thạc, Athanasio Triệu… đa số hiện còn sống. Còn hai thầy Felix Thạnh và Simon Vượng đã qua đời tại tu viện Châu sơn (Bắc Việt). Riêng địa phận Vinh có nhiều thầy vào từ trước, như thầy Martino Khanh(sau thụ phong linh mục làm Bề trên Châu Sơn, đã qua đời sau khi đi tù về), Thầy Augustino Cựu (tức cha Quản lý dòng Phước Lý), thầy Phêrô Hồng (hiện còn sống ở Châu sơn Bắc việt).v.v.. và còn về sau thì vào rất nhiều: cha Marcô Châu sơn, cha Hoan, cha Huệ, cha Lâm, cha Hậu, các thầy các chú vô số.

Hạ tuần tháng Hai (1928), Ngài trở về Dòng vừa đúng ngày Ngân Khánh Thụ Phong Linh Mục (7-3-1903-1928 ) và đồng thời chuẩn bị tuần cấm phòng cho ba thầy khấn dịp lễ Thánh Tổ Bênêdicto (21-3-1928), hai thầy khấn tạm: Gioan Bapt. Toán và thầy Stalislao Trương đình Vang (tức Đức Viện Phụ đương kim Tu Viện Phước Lý) và nhất là thầy Michael Biện khấn trọn đời (như chúng tôi đã có dịp nhắc tới nhiều lần, thầy là nghĩa tử yêu dấu đã được cha nuôi từ nhỏ khi còn ở xứ Nước Mặn, cho vào Tiểu Chủng Viện An Ninh học hết lớp ba, rồi khi Cha đi lập Dòng lại xin đi theo Ngài). Cũng ngày hôm ấy hồi 7 giờ sáng thầy Vinh sơn Chu Kim Tuyến Đại chủng sinh Kẻ Sở mặc áo Thỉnh sinh.

Lẽ nhân dịp ngài ra Bắc, danh tiếng đã đồn thổi mãi tới Vân Nam bên Tàu, nên hạ tuần tháng 4, chúa Nhật III sau lễ Phục Sinh, Cố Letourmy thuộc Dòng Thừa sai Paris truyền giáo bên Vân Nam tới gõ cửa tu viện và lãnh áo thỉnh sinh.

Ngày 15-8 năm ấy, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời kỷ niệm Thập chu niên Dòng thành lập, rất đông quan khách tới dự lễ tạ ơn, trong đó có vị thượng khách là cụ Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài với cậu Ấm Nguyễn Hữu Giải.

Hồi 7 giờ có nghi lễ mặc áo nhà tập cho Cố Letourmy, nhận thánh hiệu là Audomarô, và ba thầy nữa: thầy Paulô Liệu, Thomas Chiêu địa phận Vinh, thầy Emmanuel Chu Kim Tuyến Hà Nội. Tiếp đến một việc đáng ghi nhớ; số là thượng tuần tháng 5, một ông thông phán Ty Bưu Điện, ấm tử Cụ Ưng Trình. Phủ Doãn, Thừa Thiên Phủ, đến nhà Dòng xin tòng Giáo và xin vô dòng nữa. một ơn thiên triệu đặc biệt: một ông công chức người lương, con Quan Lớn, thuộc Hoàng Phái, không những xin trở lại, mà còn xin vào dòng nữa. cha Bề Trên hết sức vui mừng nói: nếu có thể rửa tội cho ông được ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời năm nay thì hay quá, kỷ niệm 10 năm lập Dòng, ngày ấy sẽ có Cha Letourmy và một lớp anh em mặc áo nữa. Vì vậy Cha thân hành giúp ông thông phán học giáo lý. Cám ơn Chúa! Ong đã thạo Pháp văn, lại trí tuệ thông minh, kinh bổn đạo lý ông thuộc mau lắm. Thể là được như cha Bề trên mong muốn. Sau lễ phép mặc áo cho cha Audomaro Letourmy và mấy anh em tập rồi thì tiếp nghi lễ ông thông phán chịu phép Thanh Tẩy độ tên thánh Bonifacius và cho mặc áo Thỉnh Sinh. Song tiếc thay trong một năm tập thầy Bonifacius bị chứng tê thấp, đành phải từ biệt Phước Sơn với lòng đầy luyến tiếc. Về sau thầy vào dòng Đaminh tỉnh Lyon, du học Au Châu và thụ phong linh mục là Cha Bửu Dưỡng. Hôm đó sẵn có thầy phó tế Tadeo Lê Hữu Từ tới cấm phòng quyết định ơn thiên triệu tu dòng, cha Bề trên đã mới thầy làm Phó Tế Đại Lễ và giúp làm phép Thánh Tẩy cho thầy Bửu Dưỡng. Cách tháng sau cũng ngày 15 (tháng 9), lễ Bẩy Sự Thương Khó Đức Mẹ, thầy sáu Lê Hữu Từ vào Dòng lãnh áo Thỉnh sinh: trong buổi lễ có cha Lê hữu Luyến bào huynh và thầy Lê Hữu Huệ bào đệ tham dự. Ngày 19 tháng 12 năm ấy (1928), thầy thụ phong Linh Mục tại Huế do tay Đức Cha Thành (Mgr-Marcou) địa phận Phát Diệm vì Đức Cha Già Lý bị loà mắt. Khi ấy nào ai lưu ý đến chương trình Thiên Chúa quan phòng, 17 năm sau cha Lê Hữu Từ sẽ thăng quyền Giám Mục đệ tứ địa phận Phát Diệm nối quyền Đức Cha Phùng. Lễ truyền chức xong Đức Cha Thành ghé thăm Phước sơn, trong nhà hội, Đức Cha nói một câu ngàn năm bất diệt : “Ecce elongavi fugiens et mansi in solitudine. Exxpectabam eum qui salvum me… fecit quoniam vidi iniquitatem et contradictionem in civitate (ps.54)

“Này tôi chốn xa lên ở trên rừng. Trông ơn Chúa làm cho tôi được rỗi vì ở thành thị tôi thấy chỉ bất lương với bất hoà”.

Ra Bắc rồi, Ngài lại muốn vào Nam. Thượng tuần tháng 10 năm ấy Cha đem theo thầy Lêô Phòng quê miền Nam, làng Búng nay thuộc địa phận Phú Cường. Sang cho tới địa phận Nam Vang (Cao Miên). Đức Cha Antôn Thiện (đương kim Giám Mục Vĩnh Long) có thuật lại ít lời: “Khi ấy tôi là học sinh tiểu chủng viện Cù lao Giêng nhớ một câu Cha Benoit nói: “Dô” Dòng là để tìm Chúa ai gặp được Chúa thì “dui”, ai không gặp Chúa thì buồn nên xin “dề” mà “dì” ít người ra sức tìm Chúa nhưng không gặp, “dì” thế những những người xin “dề” thì nhiều lắm”.

Lần giới thiệu này kết quả không mấy, địa phận Qui Nhơn có thầy Gonzaga Liêm thầy Celestino Drouai (tức Cha Coelestino hiện ở Châu Sơn), thầy Salêsio Chước. Địa phận Sài gòn có thầy Tìm, thầy Aloysio Lê Vĩnh Điện.

Khi đi giới thiệu trong Nam, ngoài Bắc, thường Ngài đến thăm các Nhà Chung và các trường Đại Tiểu Chủng Viện; nay còn Tiểu Chủng Viện An Ninh địa phận nhà, thầy vì đến thăm, thì Cha tính nhân tiện mầng Cha Tadêô Lê Hữu Từ cựu chủng sinh nhà trường mặc áo Tập sinh đổi thánh hiệu là Anselmo. Hôm ấy ban giáo sư và chủng sinh Trường An Ninh hát lễ, dưới quyền điều khiển của Cha Giáo Thi (tức Đức Tổng Giám Mục Urrutia hiện thời). Sau bài Phúc Am Cha Larousse Dòng Chúa Cứu Thế giảng bài hùng hồn, tiếp đến lễ nghi khấn trọn của thầy Martino Khanh (tức Cha cựu Quản lý và Bề trên Châu Sơn)

Khi Đức Khâm Mạng Ajuti qua đời rồi thì Đức Drayer thuộc Dòng Phanxicô sang thế. Năm 1929, Chúa Nhật II sau Phục Sinh, Đức Cha Già Lý mời Ngài ra thăm Phước Sơn; dọc đàng từ Tiên An về Dòng, Đức Tân Khâm Mạng và Cha Bề Trên Phước Sơn cùng nhau bàn tính muốn cho Phước Sơn nhập Dòng Trappe hay Dòng nào bên Tây kẻo không bao lâu nữa Đức Cha Già Lý quá vãng;, sau về quyền Đức Cha mới không biết sẽ ra sao; song hai đấng không giám nói thẳng với Đức Cha Già Lý sợ mất lòng Ngài, nhưng khi tới nhà Dòng chính Đức Cha Già Lý lại khai mào trước hai Đấng kia thừa cơ nhấn mạnh vào yếu điểm, thế là sự việc đã đi tới thành công.

Lễ nghi long trọng rước hai Đức Cha vào nhà Hội như thường lệ. Đức Khâm sứ nói một câu rất đáng ghi nhớ: “Levavi oculos meos in montes,unde veniat auxilium mihi”(ps.120): Tôi đã ngước mắt nhìn xem núi thánh, bởi đó Chúa sẽ ban ơn xuống giúp tôi”. Đức Ngài ám chỉ xin Phước sơn cầu nguyện cho Ngài.

Hôm ấy buổi sáng nghỉ việc xác để dọn dẹp sửa soạn rước Đức Khâm Sứ. Buổi chiều, hát giờ IX xong, 3 giờ vác cuốc sắp hàng đi làm cỏ sắn. Trời nắng tháng ba, hai Đức Cha thấy ngó bộ động lòng thương, nên nói với Cha Bề Trên cho các thầy nghỉ một buổi và cho nói chuyện chung; Cha Bề Trên liền gọi thầy Roberto (lo phòng khách) bảo ra tin cho anh em Đức Cha ban phép nghỉ và cho nói chuyện chung đến tối để mầng Đức Khâm Sứ. Thầy Roberto khác nào Giuse được lệnh Cha già Giacob sai đi thăm các anh ở Sichem, vội vã ra đi với nét mặt hớn hở, thấy thầy tới, thay vì nói “kìa lão chiêm bao đang đến”, thì có thầy đã tiên đoán: chắc Đức Cha cho nghỉ, anh Roberto ra gọi về. Đúng thế, thầy Roberto la to: “Đức Cha cho nghỉ và nói chuyện chung đến tối mầng Đức Khâm Sứ”. Đồng thanh reo vang “Deo gratias) tiếp theo một tràng pháo tay ròn rã, cười vui chưa bao giờ có.

Đức Khâm Mạng từ giã Phước Sơn rồi; hôm sau Cha Bề trên hội các thầy hỏi ý kiến muốn nhập Xitô hay Dòng nào bên Tây, hầu hết xin nhập Trappe; Ngài nói: trước đã xin gia nhập, họ không nhận, nay thử lần nữa.

Khi được thơ Dòng Trappe trả lời không nhận thì ngày 04-03-1930, Ngài hội anh em làm đơn xin nhập Xitô Trung-Phép, nhận được đơn Cha Bề- trên Cả Francois Janssens vui lòng chấp thuận và bảo gởi cho Ngài bản Hiến Pháp, Ngài sẽ cử một Viện-Phụ sang tuần viếng khám xét công việc, rồi chờ Đại- Hội quyết định.

Tháng Tư năm 1930, hai Cha người Trung Hoa địa phận Tứ Xuyên xin vào Dòng, là Cha Mạch Đại Quang 52 tuổi và Cha Vương Công Đức 26 tuổi, mới chịu chức. Rủi quá, cách hai tháng Cha Mạch bị bệnh kiết lỵ phải đi nhà thương Huế điều trị  và qua đời tại đó ngày 17 – 6: chính Cha Bề Trên đã vào trông nom săn sóc và thuê đò đưa linh cữu về an táng tại dòng như Hiến Pháp dạy: “Anh em sống có nhau thì chết cũng không rời nhau.” Sau đó  Ngài soạn giảng phòng cho cả nhà và các thầy khấn dịp lễ Cha Thánh Bernardo là thầy Augustino Nguyễn Đình Cựu, thầy Roberto Trụ khấn trọn đời Cha Anselmo Lê Hữu Từ và thầy Emmanuel Chu Kim Tuyến khấn tạm: Cha vương Công Đức (Trung Hoa) mặc áo tập sinh đổi thánh hiệu Thomas; tiếc thay tập được một năm Ngài xin lui bước về Tàu.

Từ khi lập Dòng Cha vẫn kiêm cả chức Tập Sư, và nhà tập viện cũng chưa làm, nay Cha Anselmo khấn rồi, Ngài tính giao cho chức Tập Sư nên phải lo xây cất Tập Viện. Ngài hội anh em khấn và nói: “Bấy lâu chưa có người, Cha phải kiêm cả chức Tập Sư, nay Chúa thương cho thêm anh em mà theo Giáo Luật Tập Viện phải biệt Nhà Khấn, nên chúng tôi phải lo xây Tập Viện” Cha quản lý Bernard nghe  nói vấn đề tiền thì khó chịu, vì trong nhà túng quá, liền nói ngay: “Thì vị chi không tiền mần răng mà xây Nhà Tập, lấy tiền ở mô?” biết tính Ngài đơn sơ cả hội cười âm lên, Cha Bề trên dịu dàng đáp “xin Cha cứ lo khởi công đặt săng gỗ Chúa sẽ cho tiền.” rồi Ngài dạy Thầy Phêrô cắm nền thuê thợ làm 20 phòng. Hay đâu thầy đo thế nào xây nền xong, tính ra 40 phòng, với hai chái thành 48 phòng. Thầy đi thú lỗi với Cha Bề Trên, Ngài cười và nói thánh ý Chúa muốn đó con, thì cứ làm cả 48 phòng.”

Làm Nhà Tập xong, Cha Quả lý  Nhà Chung giữ hoá đơn cho biết Phước Sơn mắc nợ Nhà Chung 2000 đồng vì mua vật liệu làm nhà Tập. May quá, cách ít lâu chính Cha Quản Lý cho biết có người nặc danh đã dâng Phước Sơn 2000 đồng, thế là vừa đủ trả nợ.

Khi Nhà Tập đã hoàn thành, Cha Bề Trên định ngày 18 tháng 2 năm ấy(1931) lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhằm Tết Nguyên Đán, sẽ cho anh em Tập Sinh sang khánh thành nhà mới. Ngờ đâu chiều ngày mồng 10 tháng 2, cơm tối xong, có điện tín ở Tiên An đưa lên: “11giờ mai Đức Viện Phụ Dòng Lérin đến Tiên An”. Cha Bề Trên liền đổi ý không đợi đến ngày 18 tháng 2 nữa, và tuyên bố: “Mai Cha đi rước Cha Bề Trên Lérin đến tuần viếng, chúng con lo dọn nhà sạch sẽ anh em Nhà Tập dọn sang nhà mới, Cha Anselmo sang coi sóc anh em. Nhà may cũng dọn sang nhà mới, để nhà đó làm nhà kẻ liệt. Hai anh em đã học y tá nhận trách nhiệm lo cho kẻ liệt. Sáng hôm sau, (11/02/1931) nhằm ngày Lễ Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, Cha Bề Trên đi đò ra Tiên An rước Đức Thầy Lérin, quý hiệu André Drillon đại diện Bề Trên Cả Xitô đến thanh tra: Có nên cho Phước Sơn nhập dòng Xitô hay không. Mọi sự xẩy ra cách tự nhiên, song không ngoài thánh ý Chúa quan phòng. Thánh lễ đầu tiên trên núi Phước, khai sinh cộng đoàn bé nhỏ Phước Sơn là ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Hôm nay vị đại diện Chúa tới xét việc cho Phước Sơn nhập Tổng Dòng Xitô là ngày khánh thành Tập Viện cũng là ngày Lễ Mẹ. Tất cả những biến cố đó luôn luôn thúc đẩy con cái Phước Sơn hằng tin tưởng, cậy trông vào Hiền Mẫu Maria.

Quá 12 giờ, Đấng Thanh Tra đến, lại một lần nữa cuộc đón rước long trọng, trang nghiêm theo lễ nghi Dòng, lần này tâm hồn các thầy có vẻ vui mầng, phấn khởi đặc biệt hơn, nhất là khi thấy Cha Bề trên hạ mình khiêm nhường, lòng đầy đức tin, quỳ dưới chân Đấng Thanh Tra hầu chuyện một cách ngoan ngoãn, khiến cả cộng đồng thêm lòng kính tôn mến phục Đấng Đại Diện Chúa đến thăm Cha Dòng.

Ngay chiều hôm ấy, hai Đấng đã cùng nhau hội đàm thảo luận các vấn đề quan trọng. Dĩ nhiên Cha Tổ Phụ Phước Sơn khi lập Dòng đã thể theo tinh thần Thánh Tổ Benedicto: Ai vào Dòng trước là đàn anh ngồi trên, ai vào sau là đàn em ngồi dưới: không phân biệt giai cấp, phẩm trật, già trẻ; tất cả đều là anh em một nhà, ăn mặc, mọi sự đều như nhau,v.v… nhưng, như thế lại khác biệt với Xitô, vì thế cần sửa đổi ít điều: nghĩa là ở Ca Toà anh em Quy Sĩ không mặc áo như anh em ca sỹ nữa và tự nhiên anh em ca sỹ ngồi trên. Còn vấn đề chay kiêng: bấy lâu cách ngày chay, buổi mai không lót lòng chi hết, Đấng Thanh Tra bảo như vậy quá nhặt nên cho anh em lót lòng đôi chút gọi là “ frustulum” (petit morceaux), rồi ngài nói câu khôi hài với anh em rằng : “Phước Sơn hát “Do”cao quá, nên hạ xuống “si” hay là “la”, Lerin chúng tôi hát “sol” là vừa sức mọi người” Cha bề Trên rất đồng ý, ngài liền bảo Thầy nhà bếp, sáng mai nấu một nồi cháo. Đến sáng Thầy dọn một bình cháo lớn để giữa nhà cơm, ai muốn dùng thì múc một chén, đã sẵn có cái môi một bên là mực. Vậy sáng hôm ấy (ngày 17) hát Prima xong Cha bề trên xuống thẳng nhà cơm, cả nhà đi theo Ngài làm gương trước, múc một chén cháo đứng giữa nhà húp đàng hoàng rồi đi rửa chén. Chỉ có lần đó là ngài hát “si”, rồi cứ chay lòng hát “Do” tới khi hết hơi. Buổi chiều hôm ấy ngài hội anh em cho biết cuộc thanh tra đã kết liễu. Nhưng còn một điểm nữa là lấy tước hiệu nào để đặt tên cho chi Dòng Đức Bà mới này. Vì sau khi nhập Xitô, Dòng sẽ được đứng riêng thành một chi dòng. Ví dụ nay ta gọi là nhà Dòng Đức Bà Việt Nam, thì sau đứng riêng, chi dòng sẽ nhận tên nào? Cả Cộng Đồng ai ấy hớn hở đua nhau góp ý kiến: nào là chi dòng Đức Bà Vô Nhiễm nguyên tội, nào là dòng Đức Bà Cực Thanh Cực Tịnh, Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành, Đức Bà là Mẹ Đức Chúa Trời. Sau khi cả cộng đồng đã đề nghị rồi, đến lượt Cha lên tiếng. Ngài nói: Tước hiệu Đức Bà là Mẹ Đức Chúa Trời thật hay lắm, vì Toà Thánh ban sắc lập Dòng chính ngày lễ ấy (11-10), song Cha tưởng có tước hiệu khác hạp hơn, Dòng chúng ta không đi giảng, không đi dạy, không làm việc phước thiện cho đồng bào như: Giúp kẻ liệt, coi nhà thương chẳng hạn, chúng ta chỉ ở trong nhà chuyên môn đọc kinh cầu nguyện cho người ngoại giáo, noi gương Ba Đấng ở Nazareth xưa, nên ta nhận tước hiệu Chi Dòng Thánh Gia là hơn cả. Cộng đồng hoan hô ý tưởng cao thượng! Chúng con rất đồng ý. Đồng thời Ngài cho biết Đức Thanh Tra rất hài lòng về chúng tôi, nhưng còn đệ nạp Bề Trên Cả và chờ đại hội quyết định.

Sáng hôm sau lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (18-02) cũng là ngày Mồng Một Tết Nguyên Đán(1931) rước Đức Thanh Tra vào nhà hội chung chủ tọa lễ nghi nhận một lớp Đệ Tử vào Nhà Thử: Noberto Sư, Nicolao Tú, Pascale Thảo, Cyrillo Minh,Victor Châu.v.v.. và hai thầy Leo Trác Hà nội và Salesio Chước Tam Kỳ. Hai thầy nầy đã trọn phước nhà Dòng (thầy Leo Trác qua đời ở Châu Sơn, Bắc Việt; thầy Salesio Chước, đã lên đến chức phó tế, rồi bị bệnh qua đời, thầy là bào huynh Trung Tá Trần Thanh Chiêu), đến 9 giờ Đấng Thanh Tra hát lễ đại trào kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin các Ngài phù hộ cho công việc chóng thành tựu. Hôm sau (19-2) Cha Bề Trên tiễn chân Đức Thanh Tra ra Bắc lên Chappa tìm đất cho Lérin lập Dòng, song không tìm được, sau mới lập ở Mỹ Ca (Ba ngòi), rồi tiễn chân Đức Ngài vào Đà Nẵng và từ biệt  nhau.

Cũng năm ấy, Dòng Chúa Cứu Thế (Huế) mở cuộc đàm luận về Công Giáo tiến hành, mời các vị danh nhân đến diễn thuyết; và Cha Benoit được mời hai lần. Tiếng đồn Cố Thuận Bề Trên Phước Sơn diễn thuyết, các thính giả tấp nập đến nghe chật ních hội đường, nhất là các văn nhân, công chức. Từ đó thanh danh Ngài càng lừng lẫy: Tiếng lành đồn xa…

“Hội Khai Trí Tiến Đức” Nam Định cũng viết thơ mời Ngài song Ngài rất ái ngại và nói: “Nếu nay Cha vào thói quen đi giảng như thế, thì sau này anh em chúng con cũng bắt chước, mà Cha không muốn thế; việc đi giảng Cha muốn để  kính các dòng khác như: Đa-Minh, Phanxico, Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế v.v..; còn Phước Sơn chúng ta thì ở nhà âm thầm chuyên môn hãm mình cầu nguyện cho dân ngoại giáo. Hội thánh ví như cây Đại Thọ, các dòng khác như những ngành lá um tùm xum xuê, đầy hoa thơm, trái ngọt, chim trời liệng đến ríu rít trên cành, còn chúng ta đây là như rễ hút khí đất cho cả thân cây, rễ đâm càng sâu, càng hút được nhiều nhựa sống, mới bổ ích cho thân cây. Trái lại, nếu rễ nào “thò” ra ngoài, thì đã không làm ích cho cây, lại còn bị hư héo, Dị hình, như quy luật Thánh Tổ Biển Đức đã nói: “Sự ra ngoài không làm ích gì cho linh hồn các thầy” (Thánh luật đoạn 66). Nhưng vì họ viết thư mời đi mời lại, nên Ngài đành phải nhận lời, với chủ ý cuộc diễn thuyết này, có nhiều người tri thức còn ngoại đạo, trông cậy nhờ ơn Chúa, trở lại Đạo Thánh.

Lần đi ấy, trên xe lửa Ngài gặp ông Chánh án Tỉnh Quảng Trị ông biết Ngài, mà Ngài không  biết ông. Khi Ngài qua đời rồi, ông mới viết cho chúng tôi ít lời thuật lại như sau: “Hồi năm 1931, tôi hân hạnh được gặp Đức Cha Bề Trên, trên xe lửa, cả buổi mai xe chạy, Ngài cứ ngồi hai mắt lim nhim, miệng lẩm bẩm tụng kinh, tôi muốn mà không dám lại gần hỏi chuyện, mãi đến trưa thấy Ngài mở mo cơm nắm ra “thời” (ăn). Than ôi! Nắm cơm đã đỏ lại khô Ngài bẻ ra từng miếng với đôi đũa tre gắp chấm chút muối mè mà “thời” coi bộ ngon lắm. Ngài “thời” xong, tôi lại gần, kính chào và vô phép hỏi: thưa Ngài. Ngài “thời” cơm rứa có ngon không? “ngon lắm chứ, Ngài trả lời, nhất là khi đói thì càng ngon.” -Than ôi! Phần tôi phải  thuê người bếp, mỗi tháng trả 20 đồng mà nấu tôi ăn không được, ngài có phước quá! Thế rồi tôi tự giới thiệu tôi là Án Sát Quảng Trị, tức thì Ngài niềm nở truyện vãn rôm rã vì Phủ Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị là bà con với chắc.”

 Ngài đi giảng thuyết cho hội Khai Trí Tiến Đức về, thì Cha già Chỉnh Địa Phận Phát Diệm vào Dòng. Vốn Cha xin vào Dòng đã lâu, nhưng Đức Cha chưa cho nhân dịp cố Bề trên Phước sơn ra Nam Định giảng thuyết cho “Hội Khai trí Tiến Đức” danh Ngài lừng lẫy khắp nơi, nên cha càng khẩn khoản xin Đức Cha, lần này Đức Cha chấp thuận. Khi ấy cha đang làm cha sở xứ Thiện Dưỡng, chịu chức linh mục đã được 30 năm, và vào dòng đổi Thánh hiệu là Thomas và đã sống thánh thiện, khiêm nhường chịu lụy, hơn 10 năm về cuối đời cha lãnh công tác đúc bánh lễ. Cha đã an giấc ngày 29-3-1948.

Cha Gilbert Barnabé (hiện bí thư cha Bề Trên Cả Xitô ở Rôma) khi chưa vào Dòng, còn làm quản lý địa phận Thanh Hoá, có vào Phước Sơn cấm phòng đã lưu bút tích như sau: “Hồi tháng 6-1932 tôi đến cấm phòng ở Phước sơn nhiều ngày, cha Benoit dầu bận nhiều công việc song ngày nào cũng gặp tôi lâu giờ hoặc nói chuyện trong phòng, hoặc đi bách bộ ngoài đường, với các cha khác cũng vậy. Ngài nói nhiều câu rất cảm kích: “Luôn luôn thấy ngón tay Chúa trong hết mọi sự, bất luận xuôi thuận hay trắc trở, khi gặp điều trái ý chớ hành động ngược lại, phải phục tùng thánh ý Chúa. Đó là lời ngài hằng nói với những người bị chuyện rủi ro đến xin an ủi. Cha kể chuyện một đấng kia được nhiều tiền bên Tây gửi cho muốn xây nhà trường, nhà thương, song Đức Cha không cho thì buồn, cha Benoit trấn tĩnh ngài vui lòng theo ý Chúa.  Cái bí quyết: “Mọi sự đều do Thánh Ý Chúa” xem ra hằng ở luôn trong trí não cha Benoit. Bất luận việc gì Ngài hằng nhìn nhận quyền phép Chúa tham dự vào trước thế đã rõ  ngài theo môn Thomiste, đến nỗi Ngài nói một câu ai vừa nghe cũng bỡ ngỡ, Ngài rằng: một người theo môn Molli niste không bao giờ nên thầy dòng, mà cũng không thể hiểu thầy dòng được; bất luận việc gì  ngoài việc kính mến Chúa, thì không đáng cho thầy cả, Thầy Dòng dây mình vào hoặc để trí tới. Ngài hiểu Kinh Thánh rất sâu xa. Sách Phúc Âm Ngài đọc kỹ lắm. Ngài chia thế gian ra làm ba hạng:

1)- Người xác thịt chơi bời, đầu đọc Phúc Am cũng không hiểu đạo lý Chúa giảng trên núi Bát Phúc;

2)- Người văn- thân tài tử thông thạo việc đời, có tài ngoại giao, thông thạo lý đoán, họ cứ cãi vặt từng chút (coupeurs de cheuveux en quatre), xét nét lý sự tranh biện lẽ cao, thành thử hiểu sai Phúc Âm, họ mở sách đoán ra mà phạm tội.

3)- Sau hết là hạng người đơn sơ, đọc Phúc Am thì hiểu theo nghĩa Phúc Am, rồi ra sức ăn ở theo trí ý Phúc Âm.

Đầu năm 1933 ngài cho xây bệnh xá để giúp đỡ đồng bào. Thật ra bấy lâu Nhà Dòng vẫn phát thuốc cho đồng bào, nhưng chưa có nhà cửa hẳn hoi, các nhân đau nặng còn phải nằm tạm ở “rạp thợ” nay mới xây một bệnh xá có nơi ăn chốn nghỉ, vừa phát thuốc, vừa điều trị bệnh nhân. Song chỉ cho Nam giới mà thôi.

Vì tự nhiên nhà thương làm trong luỹ cấm, thì theo giáo luật phụ nữ không được vào.

 Một hôm, ngài nói với anh em: “Các Dòng bên Tây có thói quen cấp tờ “obedientia” (sự vụ lệnh) cho các thầy đi đường. Vì thế khi đi xe lửa được bớt nửa tiền. Khi Cha đi giới thiệu trong Nam, Đức Cha Địa Phận Sài Gòn(Mgr.–Dumortier) đã cho Cha một tờ “obedientia”, nên Cha đi khắp miền Nam được bớt nửa tiền. Vốn Hiến Pháp chúng ta đã có khoản nói về điều ấy. Thầy nào đi đâu phải lãnh chứng thư của Bề trên, trong thư chỉ rõ nơi đến và thời hạn đi về” (N.294). Bấy lâu cha chưa thi hành chính thức nay anh em đã khá đông và nhiều khi có việc phải xuất  hành, nên không những phải lo làm sẵn chứng thư đi đàng mà phải phát tờ “OBEDIENTIA”  cho từng người phụ trách từng công tác hàng ngày nữa, cứ 6 tháng phát một kỳ vào dịp Lễ hai Thánh Tổ  Benedicto và Bernardo. Như vậy thản hoặc có ai lãnh nhận những trách vụ không kham nổi, hoặc vì những lý do khác, sẽ tiện dịp thay đổi; bằng nếu xuôi thuận thì cứ để vậy phát lại. Nội dung tờ lãnh công tác đó như sau:

OBEDIENTIA

Frate Maria Mỗ… con yêu dấu

Nhân danh Chúa Giêsu, cha dạy con…

Và ngài bảo sẽ bắt đầu thi hành vào dịp Lễ Thánh Tổ Bênedicto sắp tới (21-03-1933). Từ đó Cha Tập sư Anselmo Lê Hữu Từ phụ trách viết các tờ công tác đó rồi để nạp cha Bề Trên để Ngài điền thêm chức vụ  tuỳ ngài sẽ phát cho ai chức vụ nào.

Vậy đến ngày áp Lễ Thánh Tổ Benedicto (20-3) anh em tổ chức trang hoàng ghế Ngài ngồi ở nhà hội  rất oai nghiêm, trên có phương du và đính theo biểu ngữ với hai câu kinh thánh: “VIR DEL” “HOMO DEL” (người của Chúa): dưới chân, trải thảm và gối đệm quỳ (thường trang trí khi rước các Đức Cha) bảy giờ tối điểm hồi chuông ngân vang triệu tập cả cộng đồng tu viện tại nhà hội Cha Bề trên nghiêm trang bước vào thấy dọn toà oai nghi ngài dừng lại một giây và bình tĩnh nói: “Nimis honorati sunt amici tui Deus”, rồi bái Thánh Giá và lên ngai an toạ. Tiếp đó Cha Tập sự Anselmo Lê Hữu Từ thay mặt cha phó Bề trên và cả cộng đồng đứng ra đọc bài chúc mừng Lễ Bổn Mạng của Ngài  ngày mai. Vì bấy lâu Cha không cho tổ chức mừng Lễ Bổn Mạng mình đặc biệt hơn chỉ muốn theo luật chung như lễ bổn mạng các anh em là ngày áp lễ sau kinh tối, cộng đồng hát bài Ubi Caritas, cha phiền tuần đọc ba lời nguyện. Sáng hôm sau thầy ấy được nghỉ và khỏi giữ chay Dòng, ở nhà cơm có dọn bình bông.

Nhân hôm ấy đã dọn toà để Ngài phát tờ OBEDIENTIA lần đầu tiên, thì Cha Tập Sư đã bàn với Cha Bề Trên II và các Cha, rồi đánh bạo ra đọc bài chúc, tự nhiên Cha Bề Trên làm thinh và đáp từ ít lời tỏ dạ ưu ái  hết tình Cha con thân mật.

Tối hôm sau, ngày Thánh Tổ Benedicto, tức Lễ Bổn Mạng Ngài, ngày đáng ghi nhớ, ngày thành lập thói quen phát tờ “OBEDIENTIA” (vâng lời)

Đến giờ cộng đồng an toạ rồi, Cha Bề Trên cầm tờ “OBEDIENTIA”(vâng lời) thứ nhất và kêu: Rev. De Pater Bernarde, đồng thời Ngài lấy chân  đun cái đệm quỳ lui ra có ý cho anh em đến lãnh tờ “obedientia” thì quỳ trên đó), Cha Bernard nghe kêu, chổi đậy đến trước mặt Ngài, bái sâu và quỳ xuống đất không quỳ  trên đệm, Cha Bề Trên làm thinh đọc tờ “vâng lời”: “Con yêu dấu nhân danh Đức Chúa Giêsu, Cha dạy con làm Bề trên II…. Làm quản lý và dạy khoa Thần Học phần Tín Lý v.v..” và cứ tuần tự kế tiếp nhau, các Cha rồi đến các anh, ai tới cũng không quỳ trên đệm, sau 4,5 người như vậy, đến lượt người thứ năm. Thì Ngài lại đẩy cái đệm lui ra hơn, nhưng anh ấy cũng quỳ lui xa hơn, cả nhà đều cười và Ngài cũng cười và nói: “Cha cười vì có tích: xưa có vị Đô Đốc Hải Quân, có bệnh hay “khạc nhổ” bạ đâu nhổ đó, triều thần đã biết, nên khi ông vào chầu Vua, thì sai lính cầm  sẵn bình phóng bằng vàng phòng khi ông khạc nhổ đâu thì đem đến song khi đưa đến thì ông lại nhổ ra ngoài, một lúc sau ông lại toan khạc nhổ, lính vội đưa bình phóng đến. Ông nói ngay: “Mi để đó, tao nhổ vô cho mà coi…”. Cả nhà cười ầm lên.

Từ khi lập dòng anh em có việc đi Huế hoặc đi nhà thương thì trọ nơi Nhà Chung nhưng không tiện mấy: ngài tính liệu cho có trụ sở riêng thì ông Hội Nghi sẵn lòng dâng một mảnh đất trong vườn và xây cho một nhà nhỏ có đủ tiện nghi: nhà nguyện, phòng ngủ.v.v . để làm trụ sở cho Dòng. Và ông bà lại sẵn lòng luôn luôn đài thọ cho nữa.

Tháng tư năm ấy 1933 Dòng Chúa Cứu Thế mở tuần Đại Lễ mầng nhị bách chu niên Dòng thành lập kính mời các Đấng danh nhân đến giảng. Cha Dominico Hồ Ngọc Cẩn Bề trên dòng Thánh Tâm, Cha Phêrô Ngô Đình Thục hiệu trưởng trường Thiên Hựu, cha Đỗ Khắc Mỹ giáo sư trường Thần Học, cha Lê Thiện Bá và Đức Cha Giáo, bài sau hết giảng tại nhà thờ Phủ Cam ngày 26-4 đặt kính Bề trên kính Dòng Phước Sơn, hôm ấy đến dự lễ có Đức Khâm Mạng Toà Thánh Mgr DREIER, cụ lớn Quận Công Nguyễn Hữu Bài và một số đông các vị tai mắt đạo đời, các sinh viên trường lớn, nhỏ, công tư: thường các quan viên, chức sắc ít khi đi nghe giảng nay được tin cố Thuận lên diễn đàn ai cũng đua nhau đi nghe. Ngài giảng hơn tiếng đồng hồ mà thính giả nghe không thấy chán còn muốn nghe nưã. Mấy ngày trước đó cha bị đau rét luôn, song đã trót nhận lời nên phải đi, giảng rồi mệt quá, cha về nhà ông Hội Nghi nghỉ, nhân khi ấy ông vừa làm xong trụ sở cho Dòng như đã nói trên, thì ngài làm phép nhà và nghỉ tại đó trước hết. Hai ngày sau Cha về Phước Sơn, từ đó Ngài bị đau nằm nhà liệt luôn cho đến khi qua đời.

Ngày 28-6 quãng 10 giờ có ba cố Hà Nội đến:Cố Huy (R.P Vuillard), cố Sang(R.P. Tardy),cố Hoà(R.P. Lebourdait, chủ bút báo Trung Hoà, nhân dịp đi Kom tum dự lễ tấn phong Đức Cha Jannin ghé thăm Phước sơn. Cha đang nằm liệt, thế mà vùng dậy lấy nước rữa mặt cầm nón ra tiếp khách dẫn đi coi nhà, truyện vãn vui vẻ như không đau đớn chi, có xem nét mặt xanh xao tái  mét mới biết là người đang đau quá nặng. Bốn giờ chiều quý khách trẩy, Cha lại nằm liệt và càng ngày càng liệt cho đến khi vào nhà thương Huế. Cha Lebourdait khi về Hà nội rồi, rồi được tin Ngài qua đời, đã viết ít lời khen ngợi Ngài như sau: “..Xét về phương diên chỉ giáo đàng thiêng liêng, thì cha Benoit nhất hạng. Hai lần tôi đến Phước sơn cắm phòng, thì nói được Ngài chỉ chăm lo riêng về tôi để tuần cắm phòng đem lại cho tôi nhiều mỹ quả; Ngài thấu hiểu tình cảnh linh hồn tôi rất mau chóng; một sự tôi cảm kích nhất nơi Ngài là Ngài hằng nhớ mình ở trước mặt Chúa luôn, hằng sẵn sàng tiếp ứng với Chúa mọi giờ mọi khắc, hằng nhắc lòng hằng kết hợp với Chúa Giêsu vượt mọi sự trần thế, ngài bảo tôi: “phải ở nhà lầu (nghĩa là phải nâng tâm hồn lên luôn). Cho được nhớ mình ở trước mặt Chúa thì ngài vẽ một phương thế rất giản dị là dùng lời nguyện tắt. Tôi nhớ có lần ngài nói: “con biết có linh hồn không quá 5 phút mà không nhớ Chúa, không than thở với Người, có linh hồn mỗi ngày bay lên cùng Chúa đến một ngàn, một ngàn rưỡi, hai ngàn lần” Ngài nói bay lên theo nghĩa bóng là kết hợp cùng Chúa. Thiết tưởng linh hồn ấy là chính Ngài. Cha Benoit có tài đặc biệt thích ứng với mọi linh hồn, đấng bậc nào ngài dẫn dắt cũng xuôi, như tôi đây lười biếng khô khan mà cũng hạp với Ngài. Nguyên sự được tiếp xúc với Ngài cũng đủ bắt mình phải ước ao nên trọn lành (trích thơ cố Hoà R.P.Lebourdait)

Như đã nói trên, sau cuộc tiếp đón ba cố Hà Nội, rồi Ngài đau càng ngày càng liệt. Thầy y tá đã nhiều lần mời Ngài đi nhà thương, Ngài bảo: “Không, con cứ gắng giúp Cha, trông cậy Chúa và Đức Mẹ”. Nhưng sáng ngày 13-7 ngài nói: “E Cha phải đi nhà thương như con nói, kẻo sau các bác sỹ trách Cha con mình liều mạng” tức thì các thầy soạn ghế cáng Ngài xuống bế Thánh Giá để đi đò vào ga Tiên An, song Ngài không chịu cho cáng, cứ chống gậy đi bộ một quãng đường gốc gác gồ ghề hơn nửa cây số. Thấy Ngài mặt xanh da vàng chỉ còn bộ xương như xác trong mồ ra ai cũng bùi ngùi sa lệ. Anh em vội đưa cái ghế mây dài xuống đò để khiêng Ngài từ bến lên “ga”, vì còn phải đi bộ hơn cây số nữa, chắc Ngài đi không nổi. Hôm ấy thầy Laurent Thơ và thầy Phêrô (hiện ở Châu Sơn) đi theo giúp. 5 giờ chiều đến nhà thương Huế, nhằm ngày 14-7 (Tết Tây) các bác sĩ không khám bệnh. Qua ngày sau (15 -7) bác sĩ khám thấy vô phương cứu chữa ông lắc đầu nói “c,est perdu” hỏng rồi: nghe tiếng cố Thuận Bề trên Phước Sơn vô nhà thương thì các bác sĩ đều đến thăm nhất là bác sĩ Giám Đốc (Docteur Général Normet đại danh sư, ông đã chế tạo ra thuốc bổ “Sérum Normet”): thăm bệnh Ngài rồi các ông đều thất vọng.

14 giờ ngày 15-7, thấy hiện trạng quá nguy ngập, Đức Cha Giáo làm phép xức dầu cho Ngài: tiếng đồn cố Thuận đau vào nhà thương có nhiều Cha Tây, Nam vội đến thăm yên ủi. Cũng ngày ấy Cha Phó Bề Trên Bernard cử cha Roberto vào Huế thăm Cha Bề Trên, nếu bác sĩ đã chê thì xin đem Cha về. Trưa ngày 17-7 Nhà Dòng mới được tin đau đớn “Cha Bề trên đã chịu phép Xức Dầu”, khi ấy đang giờ xem sách thiêng liêng, mọi người  nghe tin đều  rũ rượi ngao ngán trông nhau mà gạt nước mắt. Mặc dầu các bác sĩ đã chê song “còn nước còn tát” các ông vẫn nỗ lực điều trị, nhưng chiều ngày 17-7, Đức Cha thấy tình cảnh không hy vọng cứu vãn, lại có lẽ nguy, thì ban phép đưa kẻ liệt về. 6 giờ chiều ông Hội Nghi cho xe nhà đưa Cha về  Dòng.  2 giờ khuya kém 5 ngày 18-7 xe tới cổng nhà Dòng, còi bóp inh ỏi, thì vừa hay đến giờ chuông dậy. Mặc dầu là giờ làm thinh rất nhặt, anh em cũng cùng nhau trao đổi: “Cha Bề trên về, Cha Bề trên về”: Rồi đua nhau đổ xô ra cổng rước Ngài. Thầy y tá xin đưa Cha vào phòng Đức Cha để có đủ tiện nghi, song Ngài không chịu, truyền đưa vào phòng kẻ liệt như anh em. Đặt Ngài nằm yên rồi, anh em kính chào Cha để vào nhà thờ đọc kinh Dã Tụng, sáng, 6 giờ 30 chịu Mình Thánh rồi, Ngài nói với thầy y tá: “Nhờ chúng con cầu nguyện Cha đã thiếp đi được một chút, bây giờ nghe trong mình dễ chịu, con đi gọi Cha Anselmo (Cha Tập Sư) cho Cha. Song thầy y tá mời ngài dùng chén sữa đã, khi ấy ông Hội Nghi ở Huế ra, tùng hành có cậu Thoại (cựu bộ trưởng đời thủ – tướng Ngô Đình Diệm) với máy chụp hình để xin chụp bức ảnh Cha làm kỷ niệm… Ngài dùng sữa xong, thầy y- tá đến sửa soạn chung quanh đầu giường khăn gối cho tử tế, Ngài nói “Làm chi đó con”? Thưa: “Ông Hội ra có cậu Thoại đi theo, xin Cha ban phép chụp tấm ảnh làm di tích” ngài tỏ mặt nghiêm nói:

-Không, con! Cha rất không bằng lòng chụp hình Cha, con nói lại với ông cho tử tế.

Thầy vừa ra thì hai ông con bước vào. Đang mệt như thế, mà Ngài chỗi dậy niềm nở chào hỏi và cám ơn ông đã cho xe đưa về Dòng xin Chúa trả công vô cùng cho ông bà. Tôi sắp chết, song nhà Dòng còn ở trong sự giúp đỡ của ông bà, đó là dấu tích của tôi, không cần chụp hình tôi nữa… Hai ông con từ giã Ngài lần sau hết. Ông ra rồi Ngài lại bảo thầy y tá gọi cha Anselmo đem bút sang, Cha Anselmo đến có thầy y tá hiện diện, lúc ấy độ 8 giờ sáng, Ngài nói: Cha kêu con làm chút việc thế Cha Bề trên II, con lấy giấy bút cha đọc cho mà viết ít lời để tối đọc cho anh em cả nhà nghe kẻo cha không gặp chung anh em được nữa, mà gặp riêng nói nhiều thì mệt. Con viết:

“Cha gần về cùng Chúa, không biết chắc là ngày nào, song theo sự thường thì cha không còn ở thế gian này với chúng con lâu ngày nữa.

Cha khuyên chúng con hãy nhớ: Đàng nhân đức là tuân theo thánh ý Chúa, mà theo thánh ý Chúa là giữ luật Dòng cho trọn. Cha còn nói một lần nữa: chúng con muốn nên thánh thì hãy giữ luật Dòng, muốn nên thánh thì hãy giữ luật Dòng.

Còn phần Cha thì đi bằng an lắm. Cha không áy náy lo lắng chi hết, vì cha biết rõ Chúa là Cha chung, Chúa thương Cha và cũng thương chúng con, cho nên không sợ chi cho Cha và cũng không sợ chi cho chúng con.

Vậy xin chúng con hãy ở bằng an như Cha vì Chúa là Cha thương chúng tôi quá lẽ.

Chúng con muốn xin phép lạ, (cho ngài lành) thì mặc ý, còn phần Cha thì không xin, Cha xét: phó mình trong tay Cha lành là đều tốt hơn cả.

Vậy trong chúng con chớ có ai buồn, chớ có áy náy lo sợ, một đi chung cùng nhau vui vẻ theo thánh ý Cha chúng tôi. Cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ…”

Đoạn bảo thầy y tá: “Bây giờ đến lượt con nghe Cha nói, rồi viết tóm lại, không cần thứ tự: “Bác sĩ khám cha rồi nói: “c’est perdu” vì các bộ phận trong mình Cha đều hư cả, cha đau trái tim như con biết, mỗi phút nó đập hơn trăm lần; cái cật hư vì Cha đi tiểu ra máu; Cha đau phổi con cũng biết, ra máu nhiều lần, Cha ho luôn; tỳ vị cũng đau, ăn không tiêu hay mửa, nhất là bệnh trĩ, Cha đau đớn lắm, ba tháng nay sốt rét luôn vì có vi trùng sốt  rét, bác sỹ nói thêm: thế mà Cha sống được là một sự lạ, nhưng Cha nói là một ơn Chúa ban, nên nay Cha gần về cùng Chúa, con cho anh em biết bịnh tình mà cầu nguyện cho Cha được tuân theo thánh ý Chúa”.

Buổi sáng mắc làm việc, rồi hát lễ cộng đồng, bấy giờ các cha, các thầy mới rảnh đua nhau đến xin thăm Ngài, ai lấy đều muốn được hân hạnh gặp Cha ít phút. Buổi chiều ngài cho mời cha Bề trên nhì Bernard và cha tập sự Anselmo đến để coi hiến pháp lại và làm bàn giao; thầy y tá vào phòng Ngài đem các giấy má lên, Ngài xem lại cả, cái gì đáng đưa và phải đưa thì trao lại cho hai cha, hai cha cũng đều coi lại, còn bao nhiêu thứ khác thì Ngài xé hết, ba ngày rưỡi làm như vậy; khi ấy nhà Dòng làm bánh sữa, sẵn có sữa tươi cứ mỗi giờ thầy y tá dọn cho Ngài một chén, thê là nhờ ơn Chúa ban cho Ngài hồi dương mà làm xong bàn giao, nhất là coi lại bản hiến pháp, xong mọi việc là chiều ngày 21-7.

Ngày 20-7, Ngài thấy trong mình dễ chịu hơn, Ngài nói với thầy y tá: “Con cất các đồ kẻ liệt đi chăn nệm.v.v. năm ngày nữa Cha giữ luật được (hay đâu năm ngày nữa Cha qua đời).

Ngày 22-7, lối 10 giờ sáng, anh em thấy ngài tỉnh táo vui vẻ, thì mời ngài xuống làm phép khánh thành nhà cơm mới xây xong. Các thầy dọn hầu Ngài ba quả trứng “lòng đào” để vui lòng các con, Ngài ép tình dùng một cái. Chiều hôm ấy thầy đầu bếp xin dọn cho Ngài chén “nước cá Bung” (xúp cá), Ngài vui lòng dùng, hay đâu nửa đêm đau lại, mửa hết, cả đêm không ngủ được, thế rồi cả ngày 23, 24 cứ đau đớn luôn, không ăn chi được nữa. Anh em đua nhau đến thăm, ai đến Ngài cũng hỏi: “Cha sắp đi chưa con?” nếu nói chưa thì Ngài buồn. Ngài năng than thở câu thánh vịnh: Quando apparebo ante faciem Domini (Ps.4l,25). Ngài trách thầy y ta không khuyên bảo Ngài đường thiêng liêng. Ngài bảo con không biết coi kẻ liệt. Cố Mẫn Cha sở họ Thuỷ Ba (R.P.Maunier) đến thăm ở với Ngài luôn hai ngày. Khi nào Cố Mẫn vào phòng thăm thì Ngài nói luôn: “Tôi đi, tôi đi cha ôi.” Cố Mẫn trả lời: “Chưa còn sống lâu”. Ngài buồn, chiều ngày 24 thấy trong mình quá mệt, ngài nói với Cố Mẫn: “Tôi đi thật cha ôi”. Cố mẫn nói: “chưa”. Ngài thở dài bảo thầy y tá: “Con đi gọi cha Bề trên Nhì” khi ấy đang hát kinh chiều (Vespere). Cha Bề Trên Nhì đến, Ngài nói: “Tôi đi, đổ tro xuống đất cho tôi nằm”, cha Bề Trên Nhì có tính đơn sơ, bảo chi làm nấy, Ngài bảo thầy y tá: “Thì đi dọn tro cho Ngài nằm cho rồi”. Hai thầy y ta đi lấy tro và rơm lên, rắc tro hình Thánh Giá giữa nhà Kẻ liệt đặt rơm lên trên, rồi Cha Bề trên Nhì làm phép tro theo nghi lễ, đoạn hai thầy y tá khiêng Ngài đặt nằm trên rơm tro. Thầy phụ y tá chạy đi đánh chuông “Hội tử”, khi ấy xong giờ kinh chiều, cộng đồng vào nhà cơm đọc kinh vừa xong, nghe chuông báo tử, ai nấy hồi hộp, tấp nập chạy đến nhà liệt, vừa đi vừa đọc kinh Tin kính theo luật. Than ôi! Đến nơi thấy Cha nằm sõng sượt trên rơm tro, mọi người đều bùi ngùi sa lệ. Bấy giờ cha Bề Trên Nhì tuyên bố: đọc kinh phó linh hồn cho cha Bề Trên, chúng con thưa song tiếng thưa kinh lẫn với tiếng khóc. Đọc chừng nửa giờ thì xong (kinh phó linh hồn của Dòng ngài), Ngài chưa tắt nghỉ lại khiêng lên giường rồi cả nhà đi dùng cơm. Cơm xong thầy Mathêu nói nhỏ với thầy y tá: “Em có món tiền, em xin dâng khấn bà thánh Thêrêsa Hài Đồng… nếu Cha Bề Trên lành thì sẽ dựng tượng Bà ở nhà Hội chung” (theo giáo luật khấn đơn còn có quyền sở hữu). Thầy y tá vào thưa với Cha Bề Trên, ngài nghĩ một hồi rồi nói: “Cũng được, nhưng đặt tượng ở đâu thì mặc ý Bề Trên” (vốn ngài kính mến chị thánh Thêrêsa lắm, nhưng không muốn đặt tượng “Bà Thánh” trong nhà Dòng). Bấy giờ thấy y tá trang hoàng một bàn thờ đặt tượng chị thánh Thêrêsa (sẵn có tượng các thầy làm để bán ở phòng làm tượng). Cũng như mấy đêm trước, các thầy luôn phiên nhau ở với Ngài và cầu nguyện. Sáng ngày 25, Ngài nói: “Cả đêm có thằng đen đen nào quỳ sấp mình trước bàn thờ bà thánh Thêrêsa, nó nói chi chi mô không biết, còn thằng khác thì thổi quyển sai dấu quá lẽ”. Có lẽ Chúa để ma quỷ cám dỗ Ngài tiếc âm nhạc vì Ngài sở trường về môn ấy.

Sáng hôm ấy là lễ thánh Giacobê Tông Đồ, hạng Ba không nghỉ, 6 giờ các thầy đi làm việc, 6 rưỡi Cha trở bệnh vào cơn hấp hối, đau đớn quá sức, tức thì một hồi chuông thê thảm báo giờ lâm chung, mọi người làm việc từ các nơi vội vàng chạy đến, kẻ khóc, người đọc kinh, đứng chung quanh phòng Cha: vòng trong, vòng ngoài. Thấy các con tới, Ngài kêu: “Cha đau đớn lắm chúng con ôi! Hãy cầu nguyện cho người hấp hối, vì kẻ đã bị rồi thì không trở về được mà nói lại, đau đớn lắm chúng con ơi”. Tay Cha cứ với Anh Đức Mẹ Chỉ Bào Đàng lành treo trước mặt Cha, miệng thì kêu: “Mẹ ơi, Mẹ ơi, cứu con với! Mẹ ơi, cứu con với!” cung giọng thảm thiết nức nở khóc. Cha Bề Trên Nhì liền xướng thi khúc đầu các giờ phụng vụ: “Deus in adjutorium meum intende: Lạy Chúa xin mau đến giúp đỡ con”. Thầy y tá đứng sát bên giường, luôn luôn cầm tay xem mạch ngài, thầy xướng kinh cầu Đức Mẹ, mọi người đọc theo, cung giọng thảm thiết. Đọc song kinh cầu thì Ngài nằm yên, thiếp đi nghe tiếng “ngáy”; sau 15 phút, lối 7 giờ rưỡi Cha quay mặt lại về phía thầy y ta mở mắt trông thầy, méo miệng, mạch đứng, thế là tắt thở, hồn Cha bay về cùng Chúa và Đức Mẹ…

Một bầu không khí u uất bao trùm cảnh vật. Các Cha các thầy nhìn nhau ứa lệ. Bấy giờ các thầy cùng nhau giúp tắm rửa sạch sẽ thi thể và thay y phục cho Ngài: Thầy thì vào phòng lấy giường Cha quen nằm là một tấm ván trần, hai cái “niễng kê” và cái gối gỗ, rồi đặt thi hài Cha lên, cùng rắc bông hoa chung quanh. Khi ấy ba Cha Tây giáo sự trường An Ninh đến thăm, vừa kịp thông công rước thi hài Cha ra nhà thờ đặt giữa ca toà, rồi các thầy chia nhau luân phiên cầu nguyện. Cha Bề Trên Nhì đánh điện tín và thơ loan báo các nơi định ngày hôm sau (26-7) sẽ cử hành lễ an táng hồi 9 giờ. Các thầy đạo huyệt để an táng Ngài giữa nhà hội chung. 5 giờ chiều Cố Chính Lễ đến, thấy khí trời quá nóng nực, để xác trần lâu bất tiện không hợp vệ sinh, ngài bàn với Cha Bề Trên nhì nên an táng ngay tối hôm ấy, hôm sau sẽ hát lễ Quy Lăng. Cha Bề trên Nhì hội ý các cha và cộng đồng, mọi người đều thoả thuận, thì hồi 19 giờ cố Chính Lễ chủ sự nghi lễ An táng, làm phép mồ ba lần theo lễ nhạc Dòng, tiễn đưa cha xuống mồ nghỉ giấc ngàn thu đợi ngày vinh quang sống lại.

Đức Khâm sứ toà Thánh Dreyer khi ấy đang ở Đà Lạt, không thể về được, nên phái cha Ký Lục đến phân ưu. Cha Ký Lục thấy đào huyệt sâu hai thước, thì nói: Đào sâu làm chi thế, một đấng nhân đức như vậy, chỉ mười năm là phải đào lên để phong thánh”. Giờ tống chung có hơn bốn chục cha Tây, Nam và nhiều giáo hữu đến dự. Sáng hôm sau ngày 26-7, Đức Cha Giáo, các Quan Tây Nam tỉnh Quảng trị và quý khách đạo đời mới đến, vì Cha Bề trên nhì đã loan tin sáng hôm ấy mới làm lễ “Quy Lăng”. Đức Cha cử hành đại lễ, lễ tất lại làm phép mồ ba lần theo nghi thức dòng, 1o, Đức Cha Giáo, 2o Cha Hồ Ngọc Cẩn, và 3o Cha Bề trên Nhì Bernard.

Lễ nghi làm phép mồ xong, rước Đức Cha và các chức vào phòng đồ lễ. Tiếp đến một nghi lễ đặc biệt, tưởng chỉ nguyên Chi Dòng Xitô Việt Nam có, do Đấng sáng lập Chi Dòng đã sáng kiến ra, để sau cảnh u buồn của ngày tang thương, thì anh em được hưởng ngày sự vui mầng long trọng của ngày đại lễ, là khi an táng một anh em rồi, cộng đồng trở vào nhà thờ đọc cho xong các kinh theo phụng vụ cho linh hồn kẻ mới qua đời, đoạn bàn thờ được trang hoàng trọng thể như ngày lễ hạng I, Ca toà hát kinh TE DEUM: tạ ơn Chúa, vì đã ban cho một linh hồn được trọn phước trong ơn kêu gọi, theo lời Chúa phán với thánh Phêrô: “Quả thật thầy bảo cho các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày sống lại, khi Con Người ngự trên toà uy nghi, các con cũng được ngồi trên mười hai ca toà mà phán xét mười hai chi tộc Israel. Lại tất cả những kẻ bỏ cửa nhà, anh chị em, cha mẹ, vợ con và ruộng đất vì danh Thầy sẽ được gấp trăm, và được sống đời đời (Mt.XIX,28-29).

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Thứ 3 Tuần IV PS, Ga 10, 22-30: Chiên đích thực của Chúa

 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Chiên Đích Thực Của...

18 Tháng Mười Hai – Mt 1,18-24

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm M.Phêrô Khoa Lê...

19 Tháng Mười Hai – Lc 1,5-25

  TIN MỪNG CHO ÔNG BỐ VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI...

21 Tháng Mười Hai – Lc 1 39-46

  BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC MẸ THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM Lm M.Phêrô...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...