Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

CHƯƠNG V

Cha Denis xuống tàu qua Việt Nam – Học tiếng ở Kim Long – Làm giáo sư Chủng Viện An Ninh

 

Cứ theo tâm tình cha Denis mà luận thì từ ngay bước chân xuống tàu, hằng giây hằng phút cha những khát vọng thấy đất phước lạc đời đời sẽ nên quê hương thứ hai cho cha. Đầy lòng hoan hỉ cha bắt chước Á Thánh Ven (Bienhereux Théophane Venasd) chào mừng đất Việt Nam đã bao phen thấm nhuần máu đào các vị liệt thánh Tử đạo.

Cha Denis đến Đà Nẵng ngày 31 tháng Đức Bà 1903 gặp lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Vạn sự xuất ư thiên. Chúa quan phòng từ muôn thuở đã chọn cha Denis làm một việc đại sự trên đất con Rồng Cháu Tiên, là lập Dòng Đức Bà Việt Nam, xây đền thờ thiêng liêng cho Đức Chúa Thánh Thần ngự trong nhiều linh hồn, nên Chúa đã liệu cho cha tới Việt Nam ngày ấy thánh ấy. Cha phó thác cuộc đời trên giải đất Lạc Hồng trong tay Đức Mẹ, xin Người chuyển cầu Đức Chúa Thánh Thần cho được chu toàn theo mệnh lệnh Chúa.

Cha vào nhà chung Đà Nẵng nghỉ một ngày, thâu xếp đồ đạc xin cố giữ việc gửi ra Huế theo chuyến xà lúp hằng tuần, vì bấy giờ chưa có xe lửa xe hơi.

Hôm sau cha khởi hành ra Huế, tháng hè nắng chang chang mà cha cuốc bộ 40 cây số, từ sáng đến tối mới đến Lăng Cô, biên thuỳ địa phận Huế. May quá! Cha sở Lăng Cô khi ấy là cha cố giáo Nhơn (R.P. Mendiboure). Hai cha cùng nhau gặp gỡ tay bắt mặt hôn. Đàm đạo một lúc thì tới giờ dùng bữa tối, thế là bữa cơm Việt nam thứ nhất cha Denis dùng là của cố Nhơn hậu đãi. Các tin tức địa phận Huế cha biết được trước hết là nghe cố Nhơn nói, những cách thức phong tục Việt nam cha biết được lần thứ nhất cũng là nhờ cố Nhơn chỉ vẽ. Cha nghỉ đó mười ngày rồi xin cố Nhơn đưa ra Huế.

Thánh ý Chúa nhiệm mầu vô lượng! Ai ngờ cách 17 năm mà hai cha lại cùng nhau một nhà xum hiệp, không những mười ngày mà lại hơn mười năm. Cha Denis mang ơn một thì trả nghĩa mười, cách 17 năm sau cha lại nuôi nấng chỉ vẽ cho cố Nhơn là con thiêng liêng mình, như thánh Tổ Benađô đối với cụ thân sinh vậy. Khi Benađô xin vào dòng Xitô, ai ngờ Benađô sau lại lập dòng Claravalle và ông Tesceline thân phụ ngài sẽ vào dòng nhận con làm cha!.

Từ Lăng Cô đến Huế hai cha con phải đi dịch độ. Tới Nước ngọt ghé thăm cha Chánh, hôm sau đi đò từ Cầu-hai ra Huế. Cố Nhơn đưa cha Denis lên chào Đức Cha biểu hiệu Đức Cha Lộc (Monseigneur Gaspar) dinh thự ngài khi ấy còn ở Phú Xuân, Đức Cha đặt tên cho cha Denis là cố Thuận: “Thuận theo thánh ý Chúa!”. Như xưa thiên thần đổi tên Giacop là Israel (sức mạnh Chúa), thì cả hai: Israel và cố Thuận đã giữ trọn nghĩa “danh hiệu xứng kỳ đức”.

Gặp Đức cha rồi cố Nhơn, cố Thuận bắt tay từ giã: cố Nhơn trở về Lăng Cô, cố Thuận nghỉ tại dinh Đức cha mấy ngày rồi Đức cha sai đi giúp cố Chính Đăng và học tiếng ở Kim Long. Ngài khát vọng làm việc tông đồ nên đêm ngày cứ mải miết học tiếng Việt Nam.

Hai cố tận tình thiết nghĩa, cố Thuận tôn trọng cố Chính như cha, cố Chính thương mến cố Thuận như con. Song cố Thuận khi ấy còn thanh xuân, hay nói, thấy cố Chính tuổi tác ít nói thì tự nhiên buồn. Nên cố Chính hay tìm dịp cho cố Thuận vui. Ngài có tủ sách cũ, đôi khi đưa một quyển cho cố Thuận mà nói: “Tôi có quyển sách mới mua đây hay lắm, cha lấy mà coi!” song thật sự cũng cũ từ ông bành tổ nào, song cố Chính lú lẫn tưởng là mới. cố Thuận thấy cố Chính thương mình thì càng mến yêu ngài hơn, đôi khi ngài cũng đánh lừa cố Chính cho vui, là sách cố Chính đưa thì ngài coi qua loa, rồi chờ lúc cố Chính đi khỏi, đem trả lại trên bàn viết ngài, cách vài ngày cố Chính lại lấy cũng quyển ấy đưa cho cố Thuận mà rằng: “Tôi có quyền sách khá mới mua đây, cha lấy mà con hay lắm!”

Cố Thuận ở Kim Long ít tháng, Đức Cha thấy ngài khá tiếng Việt thì bổ đi làm giáo sư chủng viện An ninh. Trường này có bốn lớp, học tám năm, mỗi lớp hai năm. Cố bề trên Hoà (R.P. Gigard) cử cha giáo Thuận dạy lớp một là lớp Văn chương và Tu từ (Litterature et Rhétorique).

Theo chứng thơ các cha gởi đến, cha giáo Thuận là một vị giáo sư biệt tài, một tay anh hùng đại đảm. Với học lực uyên bác, cha cự điểm về nhiều phương diện xứng đối một nhà hiền nhân quân tử. Nhờ ngài mà Tiểu chủng viện An Ninh biết được nhiều khoa học khúc mắt như: Đại số học, kỷ hà học, vạn vật học v..v.v (Prosodic, latine). Ngài nói vấn đề nào nghe cũng xuôi, dặm chữ nào nghe cũng khéo, nói truyện mấy giờ nghe cũng không nhàm. Dạy món nào là quán xuyến món ấy, xứng câu “Thầy dạy nẩy vàng”. Ngài chịu khó dọn bài, chấm bài, cắt nghĩa kỹ càng, chuyên bề thực hành hơn lý thuyết.

Trong giờ học cha nói hay pha trò cho vui, khiến lớp học nên sầm uất hoạt động nhất là khi thấy học trò buồn. Trò giỏi thì không khen, trò nhác thì hay nói chua cay để sửa dạy, như rằng: “Trong lớp không mấy ai nhác mà chú là nhất hạng! Chú làm bài có được ba phút không? Người ta đã nhai cho rồi mà nuốt không vô! Văn chương chú đặt như khoai dở vô cùng, mấy thằng giữ trâu bò ngoài đồng có làm còn hơn chú!”. Nhưng xong giờ học lại vui vẻ như thường như không có truyện chi vậy. Bài làm phải lo kịp giờ không thì phải làm lại hết. Ngài quen nói: “thời giờ nó như cao xu, kéo ra chừng nào cũng được Vite! Vite! Ngài rất tằn tiện thời giờ cho ngài và cho học sinh, không bao giờ làm hư một giây phút. Học với Ngài ai cũng nhận thấy mình tấn tới gấp hai gấp ba so với các cha giáo khác, vì ngài hết sức áp dụng phương pháp sư phạm phổ thông.

Theo khoa triết lý: ai sáng trí thì cũng nóng tính. Điều đó rất thật nơi cha giáo Thuận. Ngài hăng hái nóng nẩy như lửa thánh. Học ra học, chơi ra chơi. Chú nào bị phạt mà còn cãi thì ngài cứ phạt thêm hai ba lần, hết cãi mới thôi. Song cha rất thương học trò, xử đãi cách công minh không tây vị. Dầu Đức Cha Ngô Đình Thục anh tuấn lỗi lạc nhất, mà đối với ngài chú Thục khi ấy cũng như một chú đội sổ.

Đôi khi mệt nhọc đau yếu mà cha cũng gắng dạy học, có lần vừa đi vừa mửa, hễ nghe chuông là cắp sách chạy, không bỏ một giờ trả bài nào!

Cha giáo Thuận lại kiêm việc đờn hát ca nhạc. Đời ngài, tiểu chủng viện An Ninh nổi tiếng trong việc đờn hát nhất. Các ngày Chúa nhật lễ trọng hát âm nhạc ba bốn phần. Cha có tài tập hát, thích ca nhạc, hơi sai là biết, ngài xuất tiền mua hết các dụng cụ bát âm Việt Nam. Cha tập hát hăng nồng như lửa cháy, thích làm lễ hát như thơ ngài viết cho song thân có câu rằng: “Con thích làm lễ hát, vì hát thì dễ suy gẫm hơn đọc.  (Trích thư cha Lê Thiện Bá, Lễ Hữu Luyến, Bùi Văn Tịch, Cha Kinh, Cha Thuận.v.v)

Cha giáo Thuận chăm học tiếng Việt Nam, và Chữ Hán. Cố Mẫn (R.P.Maunier) đồng giáo sư với ngài chứng minh: “Chính tối hôm cố Thuận đến An Ninh, ngài tỏ ý muốn mượn sách gì hay để học tiếng Việt Nam. Tôi đưa cho ngài một tập thơ 40 trang, 21 bài. Ngài đêm về phòng thắp đèn mở sách, hai tay ôm đầu, đọc đi đọc lại hết rồi mới đi nghỉ, sáng sau lót lòng xong ngài đem trả lại. Tôi hỏi: “sao, không thích sao mà trả?- Đã coi hết rồi! Không tin, tôi cầm tập thơ hỏi mấy câu thì ngài đáp trơn ngay! Cái trí khôn thần tình chưa!”

Cố Thuận lại chuyên riêng chữ Hán, như thơ ngài gửi cho phụ mẫu rằng: “Kỳ niên giải này con định không đi chơi đâu cả, chỉ ở nhà đóng cửa đọc chữ Hán thôi. Cha mẹ không biết rằng: cái chữ Hán nó dở dang quá đi, phải quên nó 20 lần đã rồi mới nhớ được sao? Có lần ngài viết thơ cho cha mẹ ký tên bằng chữ Hán: Thuận ký. Bởi ngài vừa sáng trí vừa hiếu học nên đầu năm 1907 cố Bề trên cử ngài dạy Chữ Hán cả bốn lớp. Một ông Tây vừa dạy văn chương, tu từ, vừa kiêm cả đờn hát, vừa chuyện Việt ngữ, lại học chữ Hán có bốn năm mà dạy cả một trường danh tiếng như trường An Ninh, quả thật là sự hãn hữu! Hiếm có. (Chứng thư các cha)

Cố Thuận làm việc nhiều mà lại dùng vật thực rất ít và rất thanh đạm. Buổi mai chỉ vài ba củ khoai là xong. Món chi dọn trước mặt thì ngài dùng món ấy, thường là rau, măng. Ngài không dùng thịt, cá trứng trừ những hoàn cảnh đặc biệt khi ấy ngài cũng dùng ít hết sức, còn các thứ rượu và hút thuốc thì không bao giờ. Các chú biết ngài thích rau, măng, thì hay đặt những món đó gần ngài. Mười phút xong bữa cơm cố Thuận, một bát nước trà xuông kết liễu: thế là rồi! Đoạn cha vòng tay nghe sách hoặc suy gẫm, nếu là ngày nói chuyện thì ngài đem sách riêng mà xem. Mỗi đêm cha chỉ nghỉ 5 giờ, không có giờ nghỉ trưa; lúc đó cha vào nhà thờ viếng mình thánh. Các ngày thứ sáu quanh năm và trót mùa chay cả, ngài giữ chay rất ngặt. Bởi cha hãm mình quá nên ốm –o gầy- gò song không bao giờ sao nhãng việc nhiệm vụ. Học trò thấy cha hãm mình thì cũng bắt chước, sau cố Bề trên biết thì cấm hẳn.(Trích thư các cha; Lê Thiện Bá, Lê Hữu Luyến)

Cố Thuận theo gương cha mẹ, mến yêu đức khó khăn và khinh chê tiền bạc. Các cựu học sinh minh chứng: trong phòng ngài chỉ có một bàn viết xấu, vài ba cái ghế xấu, một giường nhỏ, không nệm, gối đầu bằng cục gỗ, một cái tủ đời thượng cổ, vài ba bộ quần áo vải thô, năm bảy quan tiền cho kẻ khó, một ghế quỳ nhỏ, một kệ để sách. Trên tường treo một mẩu ảnh thánh giá, một ảnh Đức mẹ chỉ bảo đàng lành, ngoại giả không thấy vật chi trao giồi mỹ thuật. Quanh năm cha vốn đi chân không mùa nào cha cũng chỉ mang một áo lót vải thô với một áo dài đen vải dù rất mỏng. Ngài quen nói: “Hai dư một”hễ hư mua cái mới vất cái cũ đi, trừ quần áo thì phải có cái thay đổi. Bao nhiều tiền lễ ngài gửi cho cha mẹ gần hết, chỉ để dư ít chút làm phước cho kẻ khó khăn. Đồ thờ phượng cha cũng ướp nực hương trần đức khó khăn: Cha giữ rất sạch sẽ tinh vi song không có chút chi là hào nhoáng.

Cha giáo Thuận giữ nết na nghiêm chỉnh lắm. Ngài giữ bậc khiêm nhường thứ XII trong luật thánh Tổ Bênêdicto kỹ lắm, bất kỳ đi đâu ở đâu, ngài quen giữ thái độ đầu cúi xuống, hai tay  tréo lại, cặp mắt ngó xuống, không trông ngang ngửa. Không bao giờ cha tiếp khách phụ nữ, dầu các bậc quý phu nhân, hay ra lẽ nọ lẽ kia kiếu không đi ăn tiệc, không chơi Dôminô, không tắm biển, ngồi ghế không dựa; dựa lưng vào ghế thì ngài cho là dong dưỡng xác thịt. Học trò thấy gương ngài thì bắt chước  như thơ ngài viết cho cha mẹ rằng: “tuần này học trò con vào phòng. Nếu cha mẹ thấy các chúng đi lại trong nhà thì chắc cha mẹ sẽ cho là những thầy dòng nhỏ, vì các chúng đi nghiêm trang mắt ngó xuống vừa đi vừa sốt sắng lần hột”

Ngài ra sức làm mọi việc hàng ngày tử tế để nên thánh, như thơ ngài viết:

An Ninh 18 tháng 10-1907

Vive Jesus par Marie!

Lạy cha mẹ yêu dấu!

“Một giờ rưỡi đồng hồ vừa rồi, con đã kêu đủ thứ tiếng: Pháp, Việt, Hán, La… Vừa hết giờ dạy học, con vội về nghỉ,nói chuyện với cha mẹ đôi chút. Xin cha mẹ lo giữ mình cho khoẻ, cha mẹ biết rằng: nếu cha mẹ liều mình để phải đau yếu thì lỗi đức thương yêu nặng nề như núi! Phần con không cần chi phải giữ cho khỏi phạm tội ấy, vì dầu con gầy còm như con tu hú, con còn khoẻ như cái cầu mới, và mạnh bằng nửa tá người Thổ – Nhĩ – Kỳ rất lực lượng! Không chút bệnh tật chi trong mình con, dầu hơi đau, dầu một chút cũng không!”

“Hằng ngày con cứ làm chút việc thường thường của con một cách thủng thẳng bằng an như cha mẹ đó, nghĩa là con liệu đi nghỉ sớm, độ 9 rưỡi, 10 giờ, có khi đến 11 giờ. Rồi mai sớm gà gáy lần thứ I độ 3 rưỡi, tư giờ, con dậy nguyện gẫm, nghĩa là cầu xin với Chúa, nói chuyện với Ngài. 6 giờ kém 15 con đi làm lễ, cám ơn, đọc kinh, xem sách thiêng liêng. 7 giờ rưỡi lót lòng rồi dọn bài; dậy học rồi lại dọn bài khác, dậy giờ sau xong là đến giờ cơm. Cơm trưa rồi, con vào nhà thờ chầu Mình Thánh nói truyện với Chúa đó là lúc con nói truyện với Ngài về cha mẹ. Song, con về dọn bài dậy buổi chiều, dậy rồi con lại vào nhà thờ đọc kinh nhật khoá và đi đàng thánh giá tuỳ ngày. Khi các chú làm việc thủ công thì con làm thuốc cho kẻ liệt. Lúc đó hết các thứ bệnh đến tìm con; chú thì ghẻ, chú thì đau mụt, chú thì đau rét, chú khác đau mắt, chú khác nữa đau bụng, vân vân thôi, mà ít khi con không tìm được cách nào chữa họ, cám ơn Chúa! Rồi kẻ liệt ngoài cũng đến xin thuốc. Mỗi ngày con làm bác sĩ chừng nửa giờ hơn kém tuỳ ngày. Làm thuốc xong con đọc sách thánh ít phút, đoạn chấm bài tập hoặc bài thi, thế là tối đến giờ cơm. Cơm xong con lại xem sách, đọc kinh rồi đi nghỉ. Đó là hết một ngày cuộc đời của con. Xin cha mẹ cầu cho con luôn”

Con yêu dấu của cha mẹ:

Henri Dennis ký.

Một đặc điểm nơi cố Thuận là yêu mến người Việt Nam. Điều ấy hiển hiện trong các thơ ngài gửi cho song thân, như rằng: “Xin cha mẹ cầu nguyện nhiều cho người Việt Nam yêu dấu của con. Càng ngày càng thương mến người Việt Nam của con, không khi nào con nghĩ đến sự bỏ Việt – Nam mà về Pháp. Con mới đến Phủ – cam giúp giải tội. Xứ Phủ – cam toàn đạo cũ, được linh 2.500 nhân danh,  mà không ai bỏ rước lễ mùa Phục sinh, hầu hết xưng tội một tháng hay hai tuần một lần. Oi vạn tuế cho Việt Nam! Việt Nam muôn năm!”

Cha lại rất ưa thích thói tục Việt Nam, chăm xem lịch sử địa phận Huế và Việt Nam. Ngài đội nón lá, đi dép quai chéo, vắt khăn trên vai, nhất là ưng áo tơi lá Việt Nam. Ngài viết thư rằng : “ Thưa cha mẹ, kỳ này mưa quá sức, không lẽ đi ra ngoài một bước là không ướt đến xương, dầu cầm dù, dầu mang áo tơi cũng ướt, chỉ có áo tơi lá của Việt Nam là không ướt. Có lẽ thứ áo có sơn dầu của lính thuỷ Boulogne không ướt, song con cũng không thích bằng áo tơi lá Việt Nam. Muôn năm áo tơi lá Việt Nam! Muôn năm Việt Nam nữa !

Thơ khác rằng : “Lạy cha mẹ yêu dấu, con xin chúc mừng tân xuân cha mẹ, thế là cha mẹ thấy con Việt Nam hoá ngày một hơn. Tết Tây không vui khoái cho con nữa, con chỉ cảm thấy sự vui trong ngày xuân thủ Lạc Hồng. Khí hậu Viết Nam nóng lắm, người ta hay ốm đau, hay mắc bệnh bần – huyết ( anémie ). Mặc lòng dầu ốm đau, dầu bần – huyết, dầu nóng lạnh, dầu chi chi đi nữa thì Việt Nam cũng là xứ tốt nhất thiên hạ; còn trường An – Ninh thì lại là nơi vui nhất dưới gầm trời, chỉ trừ ra cái phòng nhỏ của cha mẹ ở Boulogne ! Mùa hạ thì ở đây nói được là bị nướng. Đêm vừa rồi gió tây thổi như bão; chính là một thứ nóng quá sức, thở không được. Mặc lòng cũng muôn năm cho nước Việt Nam !”

Bởi cha giáo Thuận yêu mến nước Việt Nam như vậy nên cũng ưng thích đi giảng đạo cho người Việt Nam như sẽ kể sau đây.

 

CHƯƠNG VI

Cha Giáo Thuận coi xứ nước mặn – Theo Đức Cha đi kinh lược miền Thượng Du – Nhận xứ  nước mặn – Lẽ tấn phong Đức Cha Lý – Dùng năm phương pháp để mở đạo – Rửa tội họ Lập – Yên – Trùng – Tu Nhà Thờ Nước Mặn.

 

Theo chứng thơ các cha gởi đến, thì cha giáo Thuận ước ao đi mở nước Chúa hơn làm giáo sư chủng viện. Nhất là từ kỳ niên giải năm 1906, Ngài theo Đức Cha đi kinh lược miền rừng cho đến Lao –Bảo, gặp nhiều người đồng bào Thượng chưa tòng giáo, ngài động lòng thương muốn qui thuận họ về cùng Chúa. Ngài viết thơ cho cha mẹ rằng : “Lạy cha mẹ yêu dấu, con gặp vô số người Thượng, họ sợ ma quỉ quá trí tưởng tượng : đau đầu một chút thì họ cho là ma bóp, đau chân là tại ma làm, đau bụng là tại ma vật. Nếu gặp hùm, cọp, tây – ngưu thì liền vội về cúng ma lạy quỉ kẻo khốn. Bởi vậy nếu có ai gieo rắc hột giống Phúc âm thì chắc được kết quả trăm phần trăm ! Mới đây đã có 20 người xin theo đạo trời cho khỏi ma quỉ khuấy – khuất”.

Kỳ niên giải năm sau là 1907, cha sở họ Trài bị đau đi nhà thương điều dưỡng, xin cha giáo Thuận đến giúp một tháng rưỡi. Ngài rất bằng lòng, vội vàng đến dạy kinh bổn đạo lý, chăm cho trẻ rước lễ vỡ lòng, như thơ ngài viết :

“Con khởi sự dạy kinh bổn đạo lý, song có nhiều đứa dốt quá lẽ, vừa đây có đứa nói; Chúa bị đau rét mà chết: Đức khác rằng : Thiên đàng có quỉ, hoả ngục có các thánh! Đứa khác nữa rằng : Phạm tội trọng rồi thì không khỏi được nữa! Phải nói đi nói lại một điều trăm ngàn lần mà nó chưa nhớ, khổ quá đi mất cha mẹ ạ, có khi con phát – xung phát – gắt mà cũng không xong, song con trông cậy thế nào nó cũng hiểu đủ cho được lên thiên đàng, thế là con không mất thời giờ vậy.”

Thơ sau rằng : “Địa phận Huế bây giờ trống ngôi : Đức Cha Gaspar ngoạ bệnh về Tây điều dưỡng, thầy thuốc bảo phải thôi việc hẳn, nên ngài đã xin Toà Thánh cho từ chức. Đức Thánh Cha nhận lời. Nay địa phận Huế đang mong một vị tân Giám mục, khi đó chắc các cha sẽ thuyên chuyển nhiều, con hy vọng sẽ được ra ngoài mở nước Chúa, song ở đây hay ở đâu con cũng lấy làm tử – tế luôn. Con xin thú với cha mẹ rằng con không tiếc vì đã sang Việt – Nam, mà lại nếu con được chọn nơi ở, thì con chọn nơi truyền bá Phúc âm thôi. Cố Chính biết con ước ao lo việc truyền giáo nên hỏi con có thật lấy sự ở nhà trường làm ngại chăng. Con trả lời : “Như con nghĩ, con lấy sự ở nhà trường làm tốt lắm, song nếu cha sai con đi giảng đạo thì con rất bằng lòng !”

Từ đó Cha giáo Thuận còn ở nhà trường nửa năm nữa, đến lễ sinh nhật năm ấy (1907) ngài viết thơ cho cha mẹ rằng : “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, thương hại thay cho người ngoại giáo, lễ Sinh nhật năm nay cũng còn chưa phải cho họ! Chúa xuống thế đã gần 2000 năm, mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người! Khi con suy sự ấy, thì cái phòng giáo sư của con đây nên như cái ngục cho con! Con ước ao mở miệng là hết sức về Chúa cho những kẻ chưa nhận biết Người được trở lại kẻo sa hoả ngục thì tội nghiệp quá! Chắc năm sau đây con sẽ được làm cố đi giảng đạo, hoặc cho người chợ hay người thượng, được vậy, con thoả lòng biết bao! Thế nhưng nếu Chúa muốn con cứ ở lại nhà trường thì con cũng rất bằng lòng. Xin  Cha mẹ cầu nguyện cho con và cho kẻ ngoại .”

Chúa thấy cha giáo Thuận nhiệt tâm cứu vãn sinh linh như vậy không thể cầm mình được, nên chẳng đợi được năm sau, bèn là vừa sang tháng Giêng năm 1908, Chúa đã soi lòng cố chính Ý đang làm bề trên địa phận bấy giờ sai cha Thuận đi coi họ Nước Mặn (Thừa Lưu ).

Cầu được ước thấy, bấy lâu cha giáo Thuận chỉ những khát vọng làm tông đồ truyền giáo, nay được phép thì vui mừng khoái lạc như cá gặp nước. Cha vừa được bài sai thì tức tốc bỏ khảo hạch các chú, dọn đồ trong ba tiếng đồng hồ rồi xuống đò đi ngay.

Tới Nước Mặn thượng tuần tháng giêng 1908. Đến nơi ngài chịu khó học thêm tiếng Việt Nam, uốn giọng uốn lưỡi cho ra kiểu cách người bổn xứ. Ai cũng minh chứng ít thấy người Âu nói sõi tiếng Việt như ngài. Ngài nhờ sách “Lục súc tranh công” của vua Tự Đức mà học tiếng và dịch quyển sách ấy ra Pháp văn.

Từ khi cha giáo Thuận đến Nước Mặn, công việc xảy ra thể nào chắc ngài cũng viết thơ kể chuyện cho song thân, nhưng không biết vì sao trong các thơ cha Golliot gởi cho chúng tôi thì không có những thơ cha giáo Thuận gởi từ tháng Giêng đến tháng 5 tức là gần năm tháng.

Lá thơ đề 30 tháng 5, 1908 thì rằng : “Đức tân Giám mục địa phận Huế ngọc hiệu là Đức Cha Lý (Monseigneur Allys) mới thụ phong, do Đức Cha Mossart địa phận Saigon chủ sự, Đức Cha Boushut địa phận Cao Mên và Đức Cha Marcou địa phận Phát Diệm thụ phong. Lễ tấn phong cực kỳ lộng lẫy. Ba ngày trước khắp thành Huế pháo nổ đì đùng, có diễn kịch và thiết tiệc cho tất cả mọi đấng bậc quý khách đến dự. Hầu hết các ông Tây thành phố Huế đều hiện diện, các quan tứ trụ thượng thơ Nam Triều cũng túc số. Cuộc lễ linh đình rất kích động tâm hồn kẻ ngoại, vì xưa các đấng giảng đạo phải ẩn lánh nơi nọ nơi kia, các giáo hữu phải hiệp nhau trộm vụng trong hang cùng ngõ hẻm, mà nay khác xa biết chừng nào !

Đức tân Giám Mục nói đi nói lại ngài sẽ thúc giục các cha chuyên lo việc truyền giáo. Vấn đề ấy hầu như mới, vì Đức Cha Gaspar chỉ khuyến khích các cha liệu cho giáo hữu nên tốt. Chung qui : Đức Cha cựu thì muốn cho các cha nên cha bổn sở, còn Đức Cha tân thì lại muốn cho các cha nên vị thừa sai. Điều ấy rất thích hợp với chủ đích của con. Xin cha mẹ cầu nguyện cho địa phận con, nhất là cho họ con, xem ra khô – khan nhất, song con sẽ nỗ lực cải – tạo họ.”

Thật vậy, cha giáo Thuận áp dụng rất nhiều phương thế nào việc truyền giáo, đây xin kể ít nhiều phương thế chính.

Cha giáo Thuận thi hành phương pháp của thánh Tông đồ : Bởi nghe mà tin :  “Fides ex auditu”  nên tiên vàn ngài chịu khó dạy kinh bổn đạo lý, khi thì trẻ con lúc thì chầu nhưng. Thường ngài dạy từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối và từ 8 giờ tối đến 11 giờ khuya, tất cả chừng 11 hay 12 giờ. Ngài viết thơ kể truyện ấy :

“ Lạy cha mẹ rất yêu dấu, con đang dạy 62 người kẻ ngoại để chịu phép Thánh tẩy và dọn một lớp trẻ rước lễ vỡ lòng. Tuần trước con đã rửa tội một bà lão 85 tuổi. Bà đến xin trở lại mà rằng : Trời bắt tôi phải tòng giáo! Song rủi trời không cho bà thính tai, muốn nói chi với bà phải la lối hết sức. Mặc lòng nhờ ơn Chúa bà đã thuộc đủ điều cần cho được lãnh phép Thánh Tẩy. Con cũng dạy một bà lão khác 82 tuổi mê muội lắm, song may không điếc như bà trước. Việc dạy kinh bổn và đạo lý là việc không vui mấy, hoạ mới được một ngày vui. Con mới rửa tội được 6 người lớn và mấy đứa trẻ, đó là ít trận con thắng được với con cựu xà.

“Con viết thơ này giữa một lũ 60 đứa trẻ, chúng nó đang học kinh bổn om – sòm chung quanh con và nhờ lúc con mắc viết đây mà tập võ ngầm với nhau dưới bàn con. Con nói một lũ trẻ vì ở đây người lớn nhiều khi cũng ăn ở như trẻ con, nếu không coi luôn thì người lớn cũng chơi như con nít : các bà thì cãi nhau về giá lúa, giá gạo, các ông thì hỏi nhau về giá thuốc, thuốc ngon thuốc lạt. Đang cãi lẫy chuyện trò với nhau mà thấy bóng cha sở đến thì họ lại la kinh bổn om sòm. Nếu quở trách họ sao làm vậy thì họ trả lời : Bẩm không ạ, chúng con có nói chuyện chi đâu, chúng con cãi lẽ đạo với nhau đó thôi!

Cái phòng con dạy học đây trường khoát vuông vức 5 thước tây, ở giữa có bàn ghế con ngồi, còn họ thì ngồi dưới đất, đàn ông bên hữu đàn bà bên tả, con nít thì bận áo da “mốt Adong Evà”, chạy quanh khắp chỗ, rúc cả vào gầm bàn con, có đứa rung chân bàn, có đứa làm việc tự nhiên xông mùi khó chịu khắp cả nhà. Các ông thì hút thuốc, khói bay cuồn cuộn chung quanh con, các bà thì ăn trầu nhổ nước cốt đỏ lòm như máu. Đó cha mẹ xem cái phòng dạy học của con khác xa phòng khách các ông hào phú, các vị tước công biết chừng nào! Thế nhưng trong phòng tồi tàn này, con với những người nghèo khó bàn nhau về những điều hệ trọng gấp mấy những truyện nói trong các phòng khách lộng lẫy! Con không thể bộc lộ được sự vui sướng khi thấy họ mở mắt nhìn con, ngạc nhiên vì nghe con nói Chúa lân mẫn vô cùng đã từ trời cao xuống đất thấp, chết ô nhục trên khổ giá để cứu với sinh linh mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người!

“Công việc chiếm nhiều thời giờ nhất của con là dạy kinh bổn cho giáo hữu tân tòng, song than hỡi ! họ không sáng trí mấy! Nhất là có ba bà lão già quá 70 tuổi! tội nghiệp các bà, phải chịu hết các sự khó thế gian này mới thuộc được mấy kinh! Khi con dạy kinh bổn cho họ hơn 10 tiếng đồng hồ rồi thì con chạy chung quanh bên tả bên hữu một chặp cho khuây. Thấy mình mệt muốn nghỉ thì con tự bảo : Hỡi Henri Denis, nếu mày không làm thầy cả thì mày phải làm anh hàng bánh, nên mày phải làm việc cho gắt, phải làm việc đi, nghỉ chi mà nghỉ! Vạn tuế các cha bổn sở, và cũng vạn tuế các ông hàng bánh nữa!”

Phướng pháp thứ hai: cha giáo Thuận quen làm để giảng đạo là năng đi thăm viếng các sở, các họ như chúa chiên tỉnh thức canh giữ đoàn chiên. Ngài viết thơ cho cha mẹ rằng:

“Không khi nào con mắc việc bằng kỳ này, con phải đi thăm các họ, hôm nay ở Lập – Yên, tối mai con sẽ ngủ ở Phú – Gia. Tội nghiệp cho con ngựa của con, chắc có ngày cả nó cả con sẽ đổ! Đến đâu thì con khuyên bảo họ năng xưng tội rước lễ, khi con về thì lòng đầy vui sướng !”

Ngài lại đi thăm riêng từng nhà để trực tiếp an ủi như thơ ngài viết : “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, con đi thăm bổn đạo, con đến từng nhà một. Mỗi nhà con cho một ảnh Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, tràng hạt áo Đức Bà, đoạn con nói ít lời an ủi họ. Gần nhà con có một trường học cho trẻ con học kinh bổn. Thường ngày có năm sáu mươi trẻ đến học, con dạy nó học khá rồi : nào kinh tối sang ngày thường, ngắm đàng thánh giá, nào là lần chuỗi Môi khôi, chuỗi Bẩy sự, kinh cầu.v.v.., chắc trẻ con người lớn bên Tây không thuộc nhiều kinh bằng trẻ nhỏ của con đâu! Có đứa thuộc lòng cả sách kinh bổn từ đầu đến cuối. Muôn năm Việt Nam! Xin cha mẹ cầu nguyện cho Việt Nam yêu dấu của con!”

Phương pháp thứ ba : Cha giáo Thuận quen làm thuốc cho kẻ đau yếu bất kỳ lương giáo. Ngài viết thơ rằng : “Lạy cha mẹ thân mến, nhà con ở càng ngày nên như nhà thương, hơn bù kém mỗi ngày ít nhất cũng có 50 người đến xin thuốc, phần nhiều là mụt nhọt ung thư, máu mủ thối tha thôi hám lắm, nên thường khi làm thuốc rồi con phải thay đồ. Con tốn rất nhiều thuốc cho họ, phần nhiều là bệnh nhân ngoại giáo, nên khi con chữa bệnh phần xác thì con xin Chúa chữa tật linh hồn họ. Chắc lời cầu xin của con không ra vô ích, xin cha mẹ cũng cầu nguyện cho các bệnh nhân của con.”

Một thầy trợ giáo cựu nghĩa tử của ngài làm chứng: “Thường ngài hay mua thuốc về cứu giúp bệnh nhân, ai đau thương tích gì đến xin ngài làm thuốc thì chính tay ngài múc nước chùi rửa làm thuốc một cách rất chu đáo.”

Khi ốm đau ngài chữa thuốc như vậy, đến lúc chết có khi ngài thân hành liệm xác và cho tiền mai táng như chứng thơ rằng: “Họ con nay phải dịch thiên thời thổ tả, chết mất mười người, con cũng bị song nhờ ơn Chúa đã khá. Người ta thất kinh đến nổi không an dám liệm xác kẻ chết, chính tay con phải ôm xác bỏ vào quan tài, đậy nắp đóng đinh rồi bỏ tiền thuê người đem đi chôn!”

Phương thế thứ bốn : Cha giáo Thuận thương giúp kẻ nghèo khó, Ngài thật đã nên cha kẻ khó khăn. Về diều ấy các cha nhiệt liệt tán dương, như rằng : “Cố Thuận ra làm bổn sở thì giúp đỡ con chiến đến nỗi hết tiền. Nhiều lần trong tủ không còn “Một trự ăn sáu”, mà người ta cứu đến xin mãi, ngài phải thâm nợ nhà chung 1.000$, khi lập Dòng rồi còn mắc 300$ (Trích thơ các cha: Cha Thắng, cha Bá, cha Kinh, cha Luyến.)

Thầy Micael chúng tôi, nghĩa tử của ngài chứng minh: Người thương yêu kẻ khó khăn hết sức. Hằng ngày kẻ khó đến xin luôn mà chưa hề thấy cha để ai về tay không. Có nhiều lần ngài bố thí hết không còn một trự, đầu bếp đến xin tiền chợ thì ngài bảo ra xóm mượn đỡ. Trong họ có ông biện năng cho ngài vay lúc năm ba quan như vậy. Khi đi làm các phép sau hết ngài cũng bỏ hai ba quan tiền vào tráp để có gặp nhà nghèo khó thì giúp đỡ. Một người kia rước ngài đi kẻ liệt, làm cho chính ngài cũng phải tức cười. Vốn nhà ấy đã quen đến xin ngài giúp, xin mãi sợ hổ ngươi, nhân lúc trong mình hơi mệt sai con đi rước cha xức dầu. Ngài vội vã bỏ hai quan tiền vào tráp ra đi. Đến nhà ngài hỏi kẻ liệt đâu! Trong nhà trả lời : Mới đi ra đó! Ngài bỡ ngỡ, ngồi một lúc thấy kẻ liệt đi đâu về. Ngài an ủi đoạn mở tráp cho hai quan tiền, chúc bằng an ra về, cười mưu sâu kẻ liệt!

Chính ngài cũng viết thơ rằng : “Con viết thơ này trong phòng tối, con phải đóng cửa lại kẻo họ khuấy  con luôn. Một đôi khi con biết rõ thất nó giả đò túng thì con từ chối không cho, song thường thì con cứ cho luôn. Con đã hao tốn nhiều lắm. Con không tiếc chi cả song có khi con buồn vì bị “khánh kiệt”, tức thì Chúa lại giúp con ngay, như mới hôm qua có người vô danh gửi cho con 50$, trước đây mấy tháng cũng có người nặc danh gửi cho con bằng ấy. Thế tất là Chúa chứ ai? Muôn năm Chúa. Vậy thì cha mẹ biết muốn có tiền phải làm gì? Phải làm hai việc : Đừng tiêu tiền bạc vô ích và khinh chê nó tận đáy lòng. Phần con hằng tận tụy giữ hai điều ấy.

Chung quanh con đầy những người nghèo túng, họ đến xin con giúp. Từ sáng đến giờ mới hai tiếng đồng hồ mà con đã cho hết bốn năm quan tiền rồi. Có nhiều người muốn trở lại, song nghèo túng quá, con phải giúp họ ăn học, mà con cũng quá túng phải vay mất hơn 1000 phật lăng. Xin cha mẹ đừng nói với ai vì thường người ta không thích kẻ mắc nợ. Hiện nay có nhiều người xin trở lại, song con không dám nhận nữa vì không có tiền trợ cấp cho họ.”

Thơ khác Ngài viết : “ Lạy cha mẹ rất yêu dấu, bổn đạo con càng ngày càng đói, họ phải tha hương cầu thực. Con phải đóng cửa phòng lại không cho ai vào nữa vì hết tiền rồi! Ai đến xin con bảo họ xuống bếp cho mỗi người hai chén cơm thôi. Không thiếu người xin trở lại, song 10 người con chỉ nhận một. Dầu thế càng ngày con càng mắc nợ, nếu sang năm Đức Cha không đổi con đi thì con cũng phải xin kẻo chết mà đem theo hai ba ngàn bạc nợ thì khổ quá. Cha mẹ biết con đã khởi sự bạc đầu rồi không? Năm ngoái còn bạc ít năm nay đã trắng phớ ra rồi. Còn râu con thì nó rụng rồi nó lại mọc, mọc rồi nó lại rụng, thế là nó cũng kỳ cục như con! Con mới dịch xong một quyển sách, cũng kiếm được ít xu. Nhà in họ hứa cho con được năm hoặc tám chục, bấy nhiêu không là bao song cũng giúp con đút – nút ít nhiều lỗ nợ. Con còn dọn hai ba quyển nữa bằng tiếng Việt – Nam hoặc chữ Hán và dịch sử ký nhà Nguyễn, song dài lắm, con mới dịch xong một phần về đời XVII thôi. Làm các việc ấy chẳng vui đâu, cực chẳng đã con mới phải làm để kiếm tiền giúp kẻ bần hàn kẻo nó chết đói. Ôi cuộc đời con nó buồn dường nào! bao giờ con được về Thiên đàng cho vui chút!”

Cũng vì uốn cứu trợ kẻ khó và mua vui cho họ mà cha giáo Thuận hay mở cuộc lễ linh đình, hoặc dọn tiệc cho người ta ăn uống: đó là phương pháp thứ năm. Thường niên dịp lễ Sinh nhật ngài quen cho bổn đạo ăn tiệc ban đêm mừng Chúa Hài Đồng, như thơ ngài viết : “Lạy cha mẹ yêu dấu của con, lễ Sinh nhật ở họ con vui lắm, Lễ nửa đêm được 190 người rước lễ, lễ tất con cho họ ăn mừng Chúa Hài Đồng có 310 người ăn, không kể đàn bàn con nít. Con đã hạ 1 trâu, 1 heo và 15 thúng gạo xôi.”

Cha cũng dốc sức dọn hang đá máng cỏ, làm các thứ đèn, đốt cây bông cây hoa. Trong thơ viết cho song thân ngài nó : “lạy cha mẹ rất yêu dấu, bên Pháp người ta đi đạo từng mấy thế kỷ rồi nên dầu nhà thờ không trang hoàng lộng lẫy, cờ xí xanh đỏ thì người ta cũng đi nhà thờ, song ở họ con đây hầu hết là bổn đạo tân tòng cả, họ mới đi dạo hôm qua, nên rất cần sự trọng thể bề ngoài kẻo bên lương họ chê cười; Bên đạo buồn quá! Con đã mua 400 cái nồi đất và mồ hóng để đốt cây bông cây hoa, con bắt làm đèn giấy ngũ sắc lớn nhỏ đủ thứ. Lễ Sinh nhật, các trung nam trung nữ hát vãn hay vô cùng. Họ thay đổi nhau hát trót ngày thâu đêm. Hang đá làm bằng tre trát đất, trồng cây cối rêu cỏ chung quanh giống hệt hang thiên tạo ngó thần tình lắm! Năm nay lễ Sinh nhật trời nóng quá lẽ, có cha giáo Nhơn (R.P. Mendiboure) giáo sư trường thần học đến chơi, con mời ngài hát lễ nửa đêm mà ngài đổ mồ hôi như tắm. Ôi! Thế những khối tuyết bên Pháp bây giờ ở đâu mà ở đây nóng thế này ?”

Khi Đức Cha đến kinh lược thì Cha giáo Thuận đón rước linh đình lắm, như thơ rằng “Tuần vừa rồi, Đức Cha đến kinh lược họ con, con đã cho bổn đạo ra đón tận nhà ga. Đám rước dài kể mấy cây số, có lính 200 người sắp hàng ngũ, nào cờ quạt gươm trường, nào bát âm phường trống, nào lọng xanh, lọng vàng  tàn quạt che rập trời, trống chiêng đánh vang cùng trời đất. Bốn trống đại cổ, mỗi cái hai người khiêng nặng, đánh gióng đôi với bộ chiêng cồng, điểm theo tiếng pháo nổ đì đùng kinh thiên động địa.

Đức Cha an tọa rồi dọn bữa tiệc đại thể mầng Ngài, bữa tiệc kể ngàn món, xin cha mẹ nghe cho rõ : 2 bò, 2 heo, 25 thùng gạo tẻ, 10 thúng gạo xôi. Các làng ngoại giáo phụ cận cùng với chánh, phó tổng lý – trưởng cùng mang đồ lỡi đến mầng Đức Cha. Một sự đáng khen nhất là đám đông người ăn như thế mà không một tiếng cãi nhau vì con đã cấm không được uống rượu, đe nếu ai uống rượu thì phạt rất nặng, trừ ra kẻ ngoại thì con cho uống ít nhiều. Khi Đức Cha trẩy rồi con mới cho mấy ông chức việc có đạo mỗi ông một chén nhỏ thôi. Đức Cha thỏa lòng lắm, lúc họ đến mừng, Ngài nói không đâu nghênh tiếp Ngài long trọng bằng họ chúng con đây. Đức Cha nói vậy cũng có lẽ, Tạ ơn Chúa!”

Cha Giáo Thuận về Nước Mặn được hơn một năm thì họ Lập Yên xin tòng giáo. Ngài vui sướng như gặp trân châu. Dầu họ ấy ở về miền sơn lâm chướng khí, lại thêm hùm, beo, khái, cọp, thì Ngài cũng thân hành để dạy, ôm theo một nguồn khoái trá như thơ Ngài viết : “Lạy cha mẹ rất dấu yêu, con đang ở một nơi sơn cước, giữa những thú dữ hùm, beo, lợn lòi, nai, mang, nhưng con không ở một mình đâu, có 20 người ở với con, họ mới trở lại đang học đạo. Cái nhà con đang ở đây trường 6 thước, ngang 5 thước, cao 4 thước, vừa làm nhà thờ, nhà ngủ, nhà cơm, nhà bếp v.v… mọi sự đều ở trong nhà đó cả, trên lợp tranh chung quanh ghép sậy, đây con vẽ bản đồ cho cha mẹ xem: Gian giữa làm bàn thờ, giường con nằm ở dưới sập bàn thờ, bên tả có giường cho đàn ông, góc trong để hòm đồ lễ, bên hữu kê giường cho đàn bà, xó trong thì làm bếp .v.v… Thật là một đền đài nguy nga rực rỡ, cha mẹ tìm khắp nước Pháp cũng không gặp được đền nào như vậy, thế nhưng cha mẹ cũng không tìm được ai có phước hơn Henri  của cha mẹ bây giờ. – Trót ngày từ sáng đến tối con chỉ nói với họ về Đức Chúa Trời mà thôi. Con thấy họ lần lần đổi nên kẻ có đạo một cách trông thấy. – Mà cha mẹ đừng lo về con, con ở đây có đủ mọi sự cần, muốn chi được nấy. – Vạn tuế Chúa, cám ơn Chúa ! Hằng ngày con ăn đồ mỹ vị như vua thượng vị, như sáng nay con ăn cơm với nấm, trưa hôm nay thì cơm với cá mắm, trưa bữa qua thì cơm với thịt thỏ rừng, sáng hôm qua thì cơm với gà rừng, hôm kia thì ăn cơm với thịt vịt trời, thế nhưng tối hôm nay thì sẽ ăn cơm với cơm thôi. Ha ! ha !  Cha mẹ lầm to, tưởng con ở đây chết đói ư? Không, con không chết đói mà con lại sắp vào sổ những người cân nặng 100 ký, chỉ thiếu 46 ký nữa thôi!

Thôi, từ giã cha mẹ, con đi nói với họ ít lời về Đức Mẹ. Chớ gì con được lòng mến Đức Mẹ Maria, họ đạo mới này con sẽ dâng kính Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành. Con yêu của cha mẹ. H. Denis.

Ngài ra sức dạy kinh bổn, ít tháng đã rửa tội được. Ngày họ chịu phép Thánh tẩy, cha làm trọng thể hết sức cho sáng danh Chúa để chinh phục lòng dân ngoại.  Ngài viết thơ rằng “Con đã rửa tội họ Lập Yên rồi. Con làm linh đình số một : Có phường bát âm, hai người thổi quyển, một người thổi kèn quân (clairon) bằng gỗ, một người đánh trống, một người đánh tam, người khác gõ nhịp bằng sừng trâu hay ho nhịp nhàng như hội kèn Chính phủ vậy. Rồi con lại thuê máy hát Việt Nam. Máy hát đó là của một người Việt Nam con rước đến. Cho anh ta một bữa cơm và ba quan tiền, thế là bổn đạo con được nghe hay tuyệt ! Song, còn một điều vui hơn nữa là con đã hạ thủ một xừ heo, nấu năm thúng gạo xôi, còn trầu cau thì nhai như ý!  Nhà thờ thì con trần thiết màn ảnh cờ xí đỏ xanh con đã mượn của Cha “La Force” (Cha La Force là cha Lực, ngài dịch theo chữ Hán) con mời Ngài và Cha Droit (Cha Droit là Cha Chánh) cả ba chúng con đã đánh một bữa tiệc đại thể, nhất là có ba củ khoai tây ở Huế người ta gửi cho con làm giống thì hai Cha bàn với con đem trồng nó vào nồi, thế là mưa gió mấy cũng không sợ mất giống. Rồi các hương chức cũng đến chia vui, họ biếu cho ít chục trứng, con đã hộ một bữa tiệc phỉ chí, có mười chén mười đĩa, Thế là Lập yên nay đã thành họ đạo. Nguyện xin cho hạt giống ấy đâm rể nảy mầm, trong vai năm nữa cả làng đều tòng giáo.

Rửa tội Lập Yên rồi, cha giáo Thuận lo tu bổ nhà thờ Nước Mặn. Trong việc này Ngài còn tỏ lòng nhiệt thành hơn nữa: Chẳng những quyên tiền, sắm sửa vật liệu, điều khiển nhân công, lại chính Ngài cũng thân hành đi rú làm săng. Ngài viết thơ: “Lạy cha mẹ rất dấu yêu, con đã nhận được 50 quan tiền tây cha mẹ gửi, con xin hết lòng cảm ơn. Con sẽ dùng tiền ấy mà sửa chữa nhà thờ. Con đã mua 4 vạn ngói, mỗi vạn 32$ cả đài tải thành 35$. Giáo hữu đã góp được 200 thúng vỏ hầu để nấu vôi, song còn phải mua ít là chừng ấy nữa, lại phải mua ít là 10$ than. Săng thì họ mới làm được 50 phiến, còn phải mua chừng 30 phiến !”

Thơ sau rằng: “Con mắc coi thợ sửa nhà thờ: Thợ mộc, thợ nề vô số, phải luôn luôn để mắt kẻo họ làm sai. Con vừa làm ông đốc công vừa làm người thầu khoán, vừa là cai “culi” và nhiều khi làm “culi” nữa. Thợ mộc Việt Nam có hơi kém, song thợ nề giỏi lắm, còn thợ chạm thì đặc biệt. Trước, con định sửa lại thôi, nay mới biết phải làm lại hết vì mối ăn sạch cả. Ngày mai con sẽ cùng với 20 người đi rú làm gỗ, chúng con định làm 30 súc. Chính phép phải nộp thuế cửa rừng mất 125 quan tiền tây, song con đã xin phép kiểm lâm cho chặt nhưng không!”

Đi rú về Ngài viết “Con đã đi rú làm gỗ về đây, phải đi bộ 20 cây số, cả đi cả về 40 cây! một dịp đi dạo cũng khá! Tuy thương hại cho cái chân của con bị thứ đỉa cắn nát cả. Nó bám đầy trên ngọn cỏ, lá cây, không thể bước một bước mà không bị nó bám vào, nên cứ đi chừng 15 phút là phải đứng lại gỡ nó ra. Người ta trị thứ đỉa này bằng một thứ thuốc riêng chế bằng vôi và muối bỏ trong cái ống tre, lấy cai tăm bôi một chút vào miệng nó, nó liền nhả ra ngay. Giống đỉa này có cái tài riêng chui vào các kẽ ngón chân mà cắn, no rồi mới nhả ra, thấy máu chảy mới biết. Nó cắn không đau song hay sinh mụt lâu khỏi lắm. Hôm nay con đã thuê trâu đến rú kéo gỗ, phải thuê làm một đàng mới cho trâu kéo, làm con đàng ấy, con phải tốn mất 25 quan. Rồi từ chân núi tới nơi còn phải đi 12 cây số nữa. Công việc bề bộn, e con phải hư óc, nhất là hư bạc tiền. Có lẽ phải tốn đến 800$, tức là 200 quan tiền tây. Làm một nhà thờ mà tốn chừng ấy, một Cha sở bên Tây nghe vậy phải nực cười, song con không cười chút nào, mà con cũng không khóc đâu! Nhờ ơn Chúa, mấy ngày nay có nhiều người xin trở lại, toàn là những tay sừng sỏ cự phú và ghét đạo xưa nay. Cám ơn Chúa quá! Khốn nạn! mấy người làm săng gỗ cho con họ đo sai bậy cả, phải làm thêm 10 cái kèo khác. Thương hại cho cái ví tiền rỗng không của con, đã khó chó cắn thêm là vậy! Tội nghiệp quá!“

Cha giáo Thuận có bao nhiêu tiền đều đổ dốc vào việc tu bổ nhà Chúa, lại còn đeo thêm nhiều nợ, đến nỗi nhà chung không dám cho vay nữa. Nghe vậy, Đức Cha muốn đổi Ngài về tiểu chủng viện lại, song Ngài cứ bình thản không muốn ở chỗ này hơn chỗ kia. Đồng thời Chúa hé cửa lòng ngài cho thấy thoáng qua  việc Chúa sẽ uỷ thác sau này, như Ngài viết : “Thưa cha mẹ rất yêu dấu, có lẽ Chúa sắp kêu gọi con làm một việc khác, việc nào cũng được, luôn luôn vạn tuế Chúa!”. Cha giáo Thuận thấy túi rỗng không thì hoảng sợ, gia tăng việc dịch sách để thoát vòng cương toả. Khi ấy ngài đã dịch được hai quyền chữ Hán ra Pháp văn, mỗi quyển được chừng 200 phật lăng, đem chi dụng vào Nhà  thờ và đạo mới hết. Cha là tiếp tục dọn một cuốn sách tiếng Việt cũng giá trị 200 phật lăng; rồi dịch sử ký Việt Nam bằng chữ Hán ra chữ Pháp.

Đọc tới đây chắc đọc giả nghĩ: Ông Tây mà thông chữ Hán quá! Dịch nổi một pho sử, thì chữ Hán phải giỏi đến thế nào? Phải! Cha giáo Thuận sở trường chữ Hán ngay khi mới qua Việt Nam, khi làm giáo sư chủng viện An – Ninh ngài cứ tiếp tục học, sau về Nước Mặn cứ còn theo đuổi, nên đã biến thành một cụ đồ nho! với chữ Hán cha giáo Thuận mưu ích cho người ta rất nhiều. Ngài viết: “Lạy cha mẹ rất dấu yêu, tuần vừa rồi ở bờ biển Phú Hỡi gần nhà thờ họ con, thấy một chú Tàu ôm tấm ván dạt vào bờ đã thoi hóp gần chết. Họ chạy ra vớt lên đem về đổ hồ đổ cháo cho thì dần dần tỉnh lại. Chú ta không biết tiếng Việt Nam  đã rồi, con phải dùng chữ Hán mới biết công việc của chú.

Nguyên chú là người ngư phủ Quảng Đông, một hôm ngồi tấm ván bơi đi thăm lưới, chẳng may sóng đánh bạt đi, mười hai ngày lênh đênh trên mặt biển không chi ăn uống. Vợ chú mới chết để lại sáu đứa con thơ.v.v. Con bảo người ta đem chú đến quan công sứ trình bày công chuyện, quan truyền cho chú một cái thuyền nhỏ và lương thực để bơi về Quảng Đông.

Ấy cha giáo Thuận tốt dạ thương giúp người lương, kẻ giáo, phần hồn, phần xác mà có kẻ vong ân bội nghĩa, dĩ ân trả oán. Một thầy trợ giáo môn sinh của cha thuật lại: “Khi ngài coi sóc họ nước mặn đã nên gương nhịn nhục người khác thường. Ngài kiêm thêm ba họ nhánh là: Phú Gia, Phú Hỡi và Châu Mới. Một hôm đến phiên ngài đi làm lễ họ Châu Mới, cách nước mặn bốn cây số, phải đi qua một cái cầu tre. Khi ngài cưỡi ngựa đến cầu, trong làng có người ghét đạo biết ngài xuống làm lễ, nó chạy ra rút cầu quăng đi, song ngài cứ bình tĩnh đặt ngựa lội xuống, may nhờ nước cạn ngài qua được bình an rồi cứ đi thẳng tới nhà thờ không la quở một tiếng.

 Năm khác ngài đi làm lễ minh niên cũng cho họ Châu mới. Tối ba mươi rạng mồng một, thói quen kẻ ngoại hay lên nêu. Ngài dùng cơm tối đoạn ông Câu đến thưa: có một nhà trong họ có ý muốn bỏ đạo, lên nêu tại nhà nó. Nghe vậy động lòng thương con chiên xiêu lạc ngài bảo thắp đèn đi với ngài. Đến nơi cha an ủi khuyên lơn, dạy hạ nêu xuống, xong nó không nghe. Ngài bèn tìm dao chạy ra chặt cây nêu hai ba lát. Cả nhà chúng chạy ra lấy roi lấy gậy đánh ngài lu bù, quăng cái đèn ngài đi. Ngài cứ bình tĩnh tìm đèn thắp ra về. Bổn dạo vội chạy đến nhà thờ thúc trống kêu cứu. Chức việc làng Châu mới đến lạy thưa: con dại cái mang, dám xin cha đại xá. Đang ngày minh niên xử chưa được xin truyền lại qua dịp nguyên đán, làng sẽ sửa tội đứa ngỗ ngịch. Cha nghe vậy làm thinh, chỉ giơ tay bị trọng thương cho làng xem đoạn cho làng về. Sau tết không nghe ai nói đến, Ngài cũng bỏ qua; lâu lâu có người nhắc thì cha rằng: không can chi.

Hạnh tích ấy cùng nhiều tích khác chứng minh Ngài rất hiền lành, nhịn nhục.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Thứ 3 Tuần IV PS, Ga 10, 22-30: Chiên đích thực của Chúa

 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Chiên Đích Thực Của...

18 Tháng Mười Hai – Mt 1,18-24

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm M.Phêrô Khoa Lê...

19 Tháng Mười Hai – Lc 1,5-25

  TIN MỪNG CHO ÔNG BỐ VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI...

21 Tháng Mười Hai – Lc 1 39-46

  BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC MẸ THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM Lm M.Phêrô...

22 Tháng Mười Hai – Lc 1,46-56

  BÀI CA NGÀN TRÙNG MAGNIFACAT Lm M.Phêrô Khoa Lê Trọng...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...