CHƯƠNG VII
Đức Cha sai cố Mới đến học tiếng và giúp Cha Giáo Thuận,
Cha Giáo Thuận đi giảng
Cấm Phòng Dòng Sư Huynh La San và Nhà Phước- Mấy tích truyện
Đức Cha thấy công việc cha giáo Thuận ngày một xúc tiến thì sai cố Mới đến giúp và học tiếng luôn thể. Cha hết sức nhã nhặn chiều ý cố Mới cũng như cha phó Việt Nam của ngài, cha viết thư cho song thân rằng: “Đức Cha sai một cố Mới đến giúp con và học tiếng, chiều nay con sẽ đi cửa Hàn đón Ngài, quý danh là Cha Rey(Cố Phú) thế là nay con đã nên cố già rồi, sắp phải gánh việc chỉ vẽ cho cố Mới, mau mau con phải sinh hoạt đứng đắn ra điệu cố già chớ. Con đã cho một người bổn đạo đi Huế học bếp Tây, kẻo cha Phó mới không chịu nổi bếp Việt Nam của con, lại là bếp Việt Nam nghèo túng. Hàng ngày con ăn cơm với chút cá lẹp và đĩa rau chấm nước mắm. Đôi khi cũng được miếng thịt heo, có khi được cánh gà rừng hoặc miếng thịt nai, hoạ hoằn cũng được cái cẳng voi, úi chà ngon tuyệt! Song có bữa chỉ có vài hột vịt lộn! Vậy thì nay con sẽ có bếp pha tây pha nam, song xem chừng hễ cố phó con chịu nổi bếp bản dân, thì con lại đưa Ngài về mốt Việt Nam, vì bếp Việt Nam là ngon nhất hạng.
Cố Mới này quê ở Haute-Loire, xuân thu mới có 26 đã đi lính hai năm; ngài khác tính con lắm, song con hy vọng ngài với con sẽ ý hiệp tâm đầu.
Thật vậy hai cố khác tính nhau, song cố Thuận ra sức chiều ý cố Phú, như chính thơ cố Phú viết cho chúng tôi: “tôi thú thật tôi không làm cho cố Thuận được hài lòng mấy. Tôi mới học tiếng Việt Nam được mấy tháng mà ngài muốn tôi nói xuôi sao được? Tôi nhớ sao nói vậy mà ngài cũng vui lòng luôn. Tính ngài nóng như lửa cháy, song cũng mau tắt. Ngài sắc trí lắm, nên mau hiểu sự lỗi của mình khi đã biết thì tự hạ cách đơn sơ khiêm nhường lắm.”
Cha giáo Thuận viết về cố Phú “Cha phó Rey của con đã biết tiếng Việt Nam đủ rồi; ngài lịch sự vui vẻ lắm, thật là một vị linh mục rất thánh, hằng tìm cách dấu ẩn các tài năng của mình, không bao giờ nói về mình hoặc về việc mình làm sự khó khăn mình chịu. Con tưởng chày kíp ngài sẽ làm cha sở Nước Mặn thay con. Phần con sẽ đi đâu mặc thánh ý Chúa, đi đâu ở đâu con cũng làm tử tế luôn.”
Hai năm sau Đức Cha thuyên chuyển cố Phú đi nơi khác, cha giáo Thuận viết: “Lạy mẹ rất dấu yêu, cha phó Rey đã bỏ con rồi, Đức cha đổi ngài ra Quảng Trị cách Nước Mặn một trăm cây số! Nay chỉ một mình con thì lại quay về bếp nam theo cảnh nhà nghèo, vì ăn “mốt” Việt Nam hợp tỳ vị con cách lạ. Hai năm nay con phải dùng bếp bán tây bán nam không hợp cho bao tử con chút nào. Từ nay mỗi bữa chỉ mỗi khúc cá con-con giầm chút nước mắm là đủ cho con nuốt trôi mấy đọi cơm khổng lồ kia.”
Thầy Michael chúng tôi, nghĩa tử của ngài, cũng kể một tích lại làm gương khiêm nhường cách lạ: Thường có thói quen các ngày chủ nhật chức việc các họ lẻ về xem lễ rồi vào hầu cha sở trình việc họ. Một hôm đến giờ cơm mà chưa xong việc, cố Thuận cứ ngồi nói tiếp. Các chú lên dọn bàn thì ngài bảo thủng thẳng đã. Các chú đi thưa cha phó Lược thì cha phó không bằng lòng. Một hồi lâu xong việc, dọn cơm lên mời cha phó sang dùng bữa. Làm phép bàn xong cha Lược cầm vịm cơm nói: “Cơm nguội như vậy ăn sao được? Họ nhóm mặc họ, đến giờ dùng bữa thì cứ đi, đợi họ làm cơm canh nguội cả!”
Cha giáo Thuận vội đứng lên xin lỗi : “Nay lỡ rồi xin cha bỏ qua, tự hậu không dám nữa!” tật là gương khiêm nhường hiếm có, nhất là ngài dốc lòng mà giữ như vậy, vì từ đó đến ngày Chúa nhật chức việc các họ đến thì ngài cho ăn cơm, rồi mới bàn tính việc họ.
Ngài cho cha phó nói vậy rất phải, về sau ngài viết thơ khen cha phó ấy rằng: “… Cha phó Nam của con đã bỏ con rồi. Đức cha sai ngài đi giúp một cố đang đau nặng. Con tiếc ngài quá vì thật là một linh mục thánh. Cách ngài ăn ở làm gương sáng mưu ích cho người ta hơn lời người giảng dậy.”
Đức cha thấy cách cha giáo Thuận sinh hoạt nêu gương sáng cho mọi người thì dậy ngài đi giảng cấm phòng nhiều nơi, nhất là trường sư Huynh Lasan Huế và cho nhà Phước như thơ ngài viết: “ … Đức Cha dạy con đi giảng cấm phòng cho trường sư Huynh Lasan Huế. Con chưa giảng tiếng Pháp bao giờ, nay là lần thứ nhất, con phải giảng tất cả 12 bài. Đến tháng Đức Bà thì con lại đi giảng cho nhà Phước. Ôi khi con giảng bấy nhiêu bài mà con chưa sửa mình thì con sẽ bị phán xét nặng lắm!”.
Thơ khác rằng: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, con hối hả viết mấy chữ hầu cha mẹ trước khi con đi ngủ để ngủ cho ngon hơn. Mấy ngày nay con mắc dọn bài giảng để tuần sau giảng cấm phòng cho nhà Phước. Cha mẹ có biết Việt Nam có nhà Phước không? Con tưởng con đã nói chuyện với cha mẹ về nhà Phước Việt Nam rồi. Mặc lòng con nói lại. Trong cả địa phận Huế có 5 nhà, chừng 200 chị. Họ ăn mặc như người Việt Nam thường, song áo dài hơn và thụng tay, không để tóc, chỉ khác đàn bà thường bấy nhiêu thôi. Kẻ còn đang tập, thử, thì mặc áo trắng, kẻ tập thử rồi mặc áo đen. Nghề nghiệp của họ là làm tơ lụa và dệt vải. Tuy họ không khấn đức khó khăn. Song họ thật khó khăn lắm. Chừng 3-4 năm một lần chọn bà Bề trên lại, họ vâng lời bà Bề trên cũng khá lắm. Luật phép không nhiệm nhặt mấy; nố luật họ cho là nhặt hơn cả là không được nói ngoài giờ nói chuyện. Tuy họ chưa có ai là bà “đại thánh”, ít là con chưa thấy, song con chắc họ đẹp lòng Chúa lắm, đẹp mắt Chúa lắm. Họ không ở luôn trong luỹ cấm như nhà kín, vì có người phải đi bán thuốc và tìm kiếm kẻ ngoại đạo rình sinh thì mà rửa tội, lại có người đi bán lụa bán vải họ đã dệt. Xưa kia họ là nhà Phước Mến Thánh Giá, song nay chỉ gọi chống là nhà Phước thôi. Mỗi nhà được quyền tự chủ, không có bà Bề trên chung. À, con quên họ còn làm bánh lễ và giặt đồ lễ giúp các cha. Ở đây người ta đều kể họ là các bà thánh và cho là những ngươi thạo nghề buôn bán thượng hạng. Buôn bán là nghề quý nhất nơi đàn bà Việt Nam. Nên khi một anh chàng nào muốn hỏi vợ, thì tiên vàn tìm cho được một người biết mua rẻ bán mắc, hễ được điều ấy rồi thì cô ấy xấu như bẩy mối tội đầu, anh chàng cũng lấy vì đã mãn nguyện rồi! Hễ được người vợ như thế thì không sợ chết đói. Chính con cũng thấy ít nhiều đàn bà như vậy, lưng vốn họ chỉ có hai ba quan, buôn bán hằng ngày, mà đủ nuôi cả gia đình mấy miệng ăn đầu năm chí cuối. Thôi mười giờ rồi, con buồn ngủ quá! Lậy cha mẹ bonne nuit, bonne nuit!”
Tháng sau ngài viết: “Nay con soạn giảng cấm phòng cho trường Sư Huynh và nhà Phước lần hai. Xin cha mẹ cầu cùng Chúa cho nói về Người cho kha khá để các thầy các chị thêm lòng kính mến Người hơn nữa. Khi giảng cho nhà Phước con tưởng con đã nói giảo-hoạt khá vì khi ấy con đau không ăn chi được hết nên con đã giảng một bài về ích lợi sự ăn chay”.
Cha giáo Thuận tu chỉnh nhà thờ trị sở xong thì quay ra sửa chữa hoặc làm thêm các nhà thờ họ lẻ. Ngài hết lòng rộng rãi với Chúa thì Chúa cũng giữ gìn gìn giữ Ngài và công việc Ngài. Ba tích sau đây cha viết chứng minh:
“Tuần rồi một đàn voi 20 con đến ruộng họ con, may phước các ông đến muộn, lúa má cắt hái đã xong. Có bắn được một con bán 6$, tính ra mỗi gánh thịt giá một su! Thương hại cho Thuỷ Yên một làng kẻ ngoại gần đây, họ xây một cái chùa đẹp lắm, phí tổn mấy trăm bạc. Không biết vì sao ông thần dùng miệng một phù thuỷ cao tay bảo là: Ngài không ưng ở đó nữa, phải làm cái khác gần chân núi. Thời buổi cơ cận eo hẹp làng buồn quá song phải tuân ý ngài, bỏ tiền tay cất chùa. Song việc là rước bụt ra đặt yên vị. Hôm sau có một bác voi khổng lồ đến bẻ cửa, sô tường phá dường thờ lấy vòi quăng tượng bụt ra 100 thước. Làng thất kinh kéo nhau rước bụt về, làm lễ phạt tạ rồi quyên tiền sửa chùa lại, đặt bụt lên vị cũ. Hai tháng sau “xừ voi” lại đến phá cửa sô tường vặn gẫy cổ đức bụt. Tức giận vô cùng nhưng biết làm sao? Làng lại rước xác bụt và đầu về gắn lại, làm lễ thống hối rồi bỏ tiền sửa chùa lần thứ 3, khênh bụt đặt ngự toà vàng chổm chệ. Chú tượng ra không chịu thua, lại đến lần nữa, có khi tại chùa làm vứơng lối nó đi, lần này bác ta phá bình địa, mấy cái cột bẻ gẫy hết, tượng bụt thì chú đập tan không gắn lại được! Mà lạ! Ngay bên chùa ấy có một nhà thờ lợp tranh của họ lẻ con. Nếu bác tượng muốn phá thì chỉ dựa vào là xong, thế mà chúng không động chi đến. Tuần sau một đàn 16 con kếch xù lại kéo đến sân nhà thờ nghỉ mát mà không hại chi, dầu một cái tranh nhà thờ, hơn nữa dầu một lá rau cũng không động tới!”
Thơ khác rằng: “Tối qua con suýt bị lắn hổ đất cắn chết (rắn hổ đất là cobra- capollo, thứ rắn độc cắn chết người). Số là chung con nhà con có đào lãnh, ra vào đi qua cầu. Tối qua con ở nhà thờ về qua cầu như nghe tiếng chó gừ gừ muốn cắn, con tưởng chó dại. Về lấy súng và kêu thêm người nhà, chúng con tìm chung quanh một chập thấy một chú rắn đen thui cất đầu lên. Ai nấy sô nhau chạy, con chạy trước hết. Mọi người hô nhau về lấy đèn lấy gậy ra đánh chết con rắn kẻo không ai dám đi nhà thờ nhất là ban đêm. Tìm 15 phút không thấy, con kêu chó ra. Chú nhẩy ngay xuống hầm sung săng tả hữu song không thấy gì, mọi người tưởng bác xà đã thoát nên lửng thửng ra về. Không thất vọng, chó ta cứ chạy tìm. 5 phút sau nghe chó sủa dữ tợn, quả chú đang chạy quanh con rắn. Thấy đông người tới, chó ta thêm gan cắn ngay bác rắn vất lên bờ. Lập tức mấy chục cây gậy đón tiếp bác, con thân hành sử chảm! Bác rắn to độ 6-7 phân, dài một thước rưỡi. Họ nói nó cắn ai thì chết ngay, “ngay” của họ là hai ba giờ. Giết rắn song thì họ táng xác nó vào nồi. May không phải ngày thứ sáu, không thì phải giảng một bài ăn thịt ngày kiêng! Bên Việt Nam họ biết dùng của lắm, không bỏ phí cái chi. Dư luận công chúng nói: bị rắn cắn là điềm dữ, như bị trời đánh. Nếu một cha bị thì ô danh sự đạo. May con đã thoát!”
Chuyện thứ ba: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, Chúa nhật vừa rồi xuýt nữa con chết. Hôm ấy con đi thăm một cha để xưng tội. Trời nắng như thiêu, con cỡi ngựa, một tay cầm dù một tay cầm chuỗi lần hột, thả cương cho ngựa đi bước một. Bổng … huỵch một cái! Nó trượt chân bổ con cũng ngã theo, chúi đầu xuống hố sâu, dù đi đàng dù nón đi đàng nón, con nằm tơ hơ giữa trời, chân thì mắc trên bàn đạp đến hai ba phút mới gỡ ra. Con tưởng xế tai bể óc uất máu chết ngay. Song lạ thay con dậy bằng an không chi hết. Chắc là thiên thần bản mệnh đã gìn giữ con nên mới an toàn. Xin cha mẹ cám ơn Ngài thế con!”
Cha bổn sở Nước Mặn đang tiến hành công việc thì Đức Cha cho biết ngài sẽ tái cử cha về chủng viện An Ninh. Bình tĩnh mà nói: cha giáo Thuận tự nhiên chán ngán, lo thâu xếp cho yên để đảm nhận chức khác. Xong trái lại, chẳng những không phế trễ, cha lại súc tiến mạnh mẽ hơn. Ngài viết:… “Con sắp đổi nơi, vì Đức Cha cho biết ngài sẽ sai con về tiểu chủng viện lại, song chưa tìm được cha nào thế con, nên con còn phải ở lại đây. Vừa được thơ Đức Cha con liền cho đòi chức việc họ mà bảo: Cha sở không đổi thì con chiên phải sửa, chớ chẳng khô khan như trước! Tức tốc họ sai xâu vác mỏ đi rao khắp làng: “chiềng làng nước quan viên thượng hạ, có lệnh cha sở chuyền đến Chúa nhật này hết mọi người nam phụ lão ấu phải đi lễ, nghe giảng những điều can hệ, bầu chức việc mới và xem lại bổn luật làng”. Cho chắc việc, họ sai xâu mời riêng từng nhà. Quả thật Chúa nhật họ đi đông vô số, bên đàn ông thì còn vừa vừa, bên đàn bà thì chật ních, chen nhau như cá nằm trong hộp, không bao giờ đông như thế. Quá cảm động nói không ra lời, lễ xong con mới giảng được. Đầu hết con trưng đức Khổng Tử: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo! Nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo: làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ, nếu chưa thưởng chưa phạt là tại thời giờ chưa đến!” con có ý bảo họ: nếu họ không muốn cho con bỏ họ, đi tìm con chiên trung tín hơn thì họ phải mau mau cải thiện đời sống mới đáng Chúa thương. Hôm sau chức việc hội đàm lấy tình thiệt nói với con: Thưa cha, xưa rày việc họ không được xuôi mấy, con họ không sốt sắng hăng nồng, có lẽ vì cha quá nhân từ không biết dùng roi, cha lại không để chức việc làm chi, một mình cha cáng đáng mọi sự! Thưa cha mẹ, con xin nhận lỗi và hứa cải quá, họ cũng dốc lòng canh tân. Con cho mỗi ông một chén rượu suông và cơi trầu làm tờ giao hảo. Thật vậy, từ ấy đến nay họ khá hơn nhiều. Xin cha mẹ cầu cho họ được bền đỗ, nhất là cho họ được thêm đức tin, vì họ biết đạo, song không tin cho đủ.”
CHƯƠNG VIII
Cha Giáo Thuận tái nhận chức Giáo sư- Mở mang việc học, việc hát- Đổi tính, bớt nóng- Ông thân ngài thường thụ huy chương- Đi Hồng Kông cấm phòng- Ông thân ngài qua đời- Đi thăm Đức Cha Eloy
Cha giáo Thuận ở Nước Mặn được năm năm thì Đức Cha tuyển ngài về nhận chức giáo sư chủng viện An Ninh lần thứ hai vào khoảng trung tuần tháng 2-1913. Ngài viết thơ đưa tin rằng: “ Lạy cha mẹ rất yêu dấu, một tin rất mới là con không ở Nước Mặn nữa, con đã về An- Ninh nhận việc con đã bỏ năm năm. Thế là cha mẹ không sợ con bị hùm ăn, cọp nuốt hoặc chết đói nữa. Bây giờ con được bằng an, ở trong phòng làm việc một ông giáo. Song khi con bỏ Nước Mặn yêu dấu của con thì con đã khóc hết nước mắt. Họ cũng vậy: mọi người đều khóc như mưa. Nam phụ lão ấu kéo đến từ giã và cám ơn con. Kẻ ngoại cũng đến, họ tỏ lòng thương tiếc con lắm, nhiều người muốn làm tờ ái mộ xin Đức Cha cho con ở lại. Mặc thánh ý Chúa! Phần con đã trình Đức Cha nếu đẹp ý ngài thì đừng sai con về nhà trường nữa, song ngài không theo ý con. Vậy thì càng tốt! Trong năm nay con ở Nước Mặn đã rửa tội hơn bốn trăm người dậy kinh bổn đạo lý một số rất đông con trẻ, sửa lại một nhà thờ ngói, và nhiếu nhà thờ tranh. Cám ơn Chúa! Con đã ở nhà trường năm năm rồi, bây giờ ở mấy năm nữa? Nếu Chúa muốn thì ngàn năm! Nếu đẹp ý Người thì một ngày sao cũng được! Con cám ơn Chúa luôn vì đã sai con đi truyền giáo và trong địa phận này.”
Cha giáo Thuận về đến An Ninh thì cha Bề trên lại cử ngài dậy lớp I và kiêm âm nhạc. Đờn hát là cái sở thích của cha. Khi lập dòng rồi có lần ngài nói: “Bỏ âm nhạc là một sự hãm mình quá lớn cho cha”. Ngài vận động mua thêm đờn thêm sách, các bài dạo đờn Ngài biết tập hát theo cung điệu mau chậm vui buồn. Các ngày Chúa Nhật lễ trọng đều có hai ba bài âm nhạc, ngài tập hát rất là kỹ càng, hai ba tuần trước. Tắt rằng: cha Thuận đã vẽ cho học sinh biết cách cầu nguyện khi hát xướng. Bis orat qui bene cantat: hát hay là cầu nguyện hai lần. Bài cha tập đầu tiên là bài ca nhập lễ Chúa Nhật: Laetare. Ngài bảo một chú xướng, rồi cả trường hát theo. Hát được vài câu ngài gõ bàn, quở: “các chú mớ, có phải hát mô có!” Rồi ngài nhẩy phắt ra giữa nhà, một tay ôm quần ngang bụng, một tay cầm sách, tự xướng tự hát: Laetare Jerusalem et conventum. Miệng hát, tay, đầu và nửa mình đánh nhịp giọng rôm rả tươi chon, thần sắc như phâng phâng lửa dậy, ai nấy như chết sống lại! (Trích thư cha Kinh.)
Cha giáo Thuận lại mở mang học vấn: mua thêm sách Việt Pháp, sách khoa học. Kỳ ngài ở trường An Ninh lần thứ hai này học trò lên một trình độ khá cao, biết rất nhiều điều. Nói được ngài là vị giáo sư kim thời, biết tiến triển theo phong trào học vấn. Năm năm cha ở Nước Mặn đã học thêm tiếng Việt, chữ Hán, nên giảng dạy thâm thuý, nói năng lợi khẩu, học trò tấn tới hơn nhiều. Có cha làm chứng: “Cố Thuận thông tiếng Việt, nói hay, hiểu tài không mấy người tha hương bì kịp. Một hôm gần tết ngài ra bài cho học trò viết thơ xin tiền. Lúc xuống trả bài chú nào ngài cũng chê, ví dụ rằng: “Chú nì, chú học tu từ rồi mà viết thơ như ri thì ai cho chú tiền? Mấy bác nhà quê họ không học chi mà nói hay hơn chú nhiều! Vì vậy mà cha ở Nước Mặn kỳ tết bao nhiêu tiền cũng hết, vì họ đến xin nói hay lắm, chi cũng phải cho!” Lần khác ngài bảo chú kia: “chú nì chú người Việt Nam, mà nói tiếng Việt Nam rứa đó.” Những lời ấy cho ta hay cha giáo Thuận là một vị giáo sư anh danh Pháp – Việt – Hoa. (Trích thư các cha Lê Thiện Bá, Lê Hữu Luyến, Bùi Văn Tịch.)
Kỳ này cha giáo Thuận dạy cách hăng nồng hơn, song cũng cầm mình bớt nóng hơn trước nhiều. Có cha rằng: cha Benoit kiêu ngạo và nóng nẩy quá lẽ, song bởi ngài chí quyết sửa mình và ổn định hai tính ấy cho được, nên Chúa thương cho ngài nên thánh, sau ra thiêm nhường hiền lành cách lạ, đến nỗi nhiều khi có chú cự lại, nói nhiều câu sóc óc ma ngài cứ làm thinh chỉ bắt vào nhà thờ chầu Mình Thánh, lại tha hết các hình phạt. Nghe các chú nói: Ngài đã quyết đi lập Dòng nên mới hãm dẹp tính nóng như vậy. Nhiều khi ngài kìm hãm tính nóng đến nỗi đỏ mặt tía tai, chân tay run rẩy. Chúng tôi học với ngài một năm mà sợ thất kinh, có chú sợ quá mắc bệnh. Thế mà 10 phần nóng đã bớt chín rối đó! Song có điều là người quở phạt rồi thôi không in trí, hết nóng lại tử tế với mọi chú như thường. Hễ ai nói ngài kêu ngạo thì dầu xung giận khó chịu mấy ngài cũng cầm mình lập tức vì nhớ lời cha mình dặn: “đi đâu thì đi mà đừng kiêu ngạo”. (Trích thư cha Thuận)
Tích sau đây chứng minh điều đó, chính cha Kinh thuật lại: “Ngày lễ Phục sinh hát bài Benedictus hai phần. Tôi làm solo, đến mấy dấu cao hát không nổi, luống uống hát bậy. Lễ rồi, ngài kêu cả hội hát lên phòng. Vừa thấy tôi ngài la: “chú nhác nhớn khinh thị không lo tập, cứ hát tầm bậy”. Tôi tính đáp lại: Thưa cha mai này con mắc giúp bài, phải ăn hối hả rồi tập đi tập lại, các chú nghe thấy cả, tại chú đánh đờn cao quá con lên không nổi thành hát bậy! Song tôi vừa nói được hai tiếng: “Thưa cha”, ngài liền tiếp: “chú chống cột một ngày” (chống cột là hình phạt khá nặng ở trường An Ninh) lẽ ra tôi phải làm thinh chịu, song tính kiêu ngạo chẳng chịu thua, tôi liền nói: “Thưa cha” ngài lại tiếp: “chú chống cột hai ngày”, cha chả! Nổi kiêu ngạo tôi nói gắt lên: “Thưa cha!” ngài thấy tôi kiêu ngạo thì nổi xung không cho tôi đáp, tiếp luôn: “chú chống cột 3 ngày!”. Tôi còn muốn cãi, song mấy chú đứng gần kéo lại. Ngài ra oai thịnh nộ quát to: “cái thằng bằng “hột mít” mà quá kêu ngạo!”. Đoạn ngài giao bài âm nhạc Regina caeli ba phần, dạy tập riêng chừng 15 phút rồi hiệp lại tập chung. Tôi làm đầu phần một, đem mấy chú phần ấy đến ngồi ngoài vách ngang cửa sổ bàn viết ngài. Tôi cố tập phần của tôi, cho mau rồi nói to lên: “Ai cũng kiêu ngạo cả, ai cũng muốn hơn, thì để cho người ta nói phải trái thế nào đã, có đáng tội rồi sẽ phạt, ỷ thế muốn phạt ai thì phạt sao?”
Ngài ngồi khít cửa sổ chắc là nghe thấy hết mọi lời tôi nói, song ngài làm thinh, thì ngài đã phải nhịn “ cái thằng hột mít này” dường nào! Chưa hết đâu! Đến khi cả 3 hợp lại, bài ấy láy lại tiếng ora ora, ora pro nobis nhiều lần, ngài thì không quen uốn lưỡi chữ “R”, nên ngài thường đọc “ oga pgo nobis”. Gặp dịp may tôi quyết làm nghịch, rán đốc phách chằn mạnh mấy tiếng: oga oga, oga pgo nobis… Lẽ ra sẵn quyển sách hát trong tay ngài nện cho năm bảy cái u đầu chảy máu. Mà không! Ai ngờ ngài lại rán sức uốn lưỡi đọc chữ R, song vì không quen nên đọc quá mạnh thành ra hai chữ R: orora, orora. Tôi lại được thêm một dịp: miệng cứ hát, mắt cứ liếc ngài còn hai tay thu dưới bấm bẹo mấy chú hai bên kẻo họ vô ý không nghe rõ mấy tiếng orora của ngài. Tập hát xong kéo nhau xuống nhà học, đi được mấy bước ngài ở trong phòng kêu tôi lại. Cả hội hát lo sợ thì thầm với nhau: chắc ngài cho lão này về. (Về là về thế gian.) ai ngờ tới phòng ngài nói cách êm dịu: thôi cha tha chống cột, đều chú phải vào nhà thờ đọc 5 kinh lậy Cha 5 kinh Kính mừng xin Đức Mẹ cho bớt kiêu ngạo nóng nẩy nghe! – Ôi! Nếu không phải ông thánh thì cũng là ông khác thường thế tục! Ngài đã tha cho tôi thật lòng, tha cách đại độ, vì cách mấy ngày tôi giúp kẻ liệt phải lên phòng ngài lấy thuốc, ngài lại chuyện vãn vui vẻ như thường và cuối năm không lấy “nốt” (note) về việc ấy! Và tôi làm linh mục đây.
Cũng cha Kinh kể lại luôn hai tích sau đây: “Lần kia đến phiên tôi giúp lễ cố Thuận. Dọn chén mở sách song ngài xuống khởi sự đọc Confessio: in nomie Patris… Introibo ad altare Dei – Tôi thưa: Ad Deum qui laetificat… đến câu thứ hai ngài đọc nhỏ quá tôi không nghe chi hết, không biết ngài đọc chi, đọc rồi chưa không biết phải thưa câu nào, nên tôi làm thinh, ngài cũng đứng sững. Khi ấy ngài có “tếch” cho một đá lăn đùng ra cũng phải chớ! Song không! Ngài cứ đứng yên chừng vài phút mới bảo lên lấy sách cho ngài coi rồi mới tiếp tục đọc, từ ấy về sau ngài đọc to hơn.”
Tích nữa: Hễ cố Thuận vào nhà thờ thì quỳ gối hai tay chấp hoặc vòng lại, đầu cúi xuống, chăm chỉ một bề không máy động. Lòng trí cha đầy đức tin, cậy, khiêm nhường, kính mến Chúa tha thiết, tắt rằng đầy sự sống bề trong. Bởi đó dễ hiểu ngaì đố kỵ sự cười chơi vô phép trong nhà thờ. Một lần hát kinh cầu làm việc tháng Đức Mẹ tôi làm solo. Các câu khác thì dấu cao, đến câu Regina sine labe originali concepta, phải hạ cung xuống mà lủi một sạc dài 12 tiếng; vừa đến tiếng Nali tôi cười bùng lên, cả nhà thờ các cha các chú đều cười hùa theo, chỉ có một mình cố Thuận là không lại buồn giận vì sự vô phép trước thánh nhan Chúa. Làm việc tháng Đức Mẹ song ngài ra đứng trước cửa nhà thờ chờ sẵn, tôi vừa ló đầu ra ngài đón ngay một câu; “chú chống cột một ngày!”. Ngài có ý định phạt tôi vô phép mà ước chừng có ý thử xem cái thằng “hột mít” đã hết cái tật “cung cò” chưa. Song phen này tôi “cụt vốn” lại cũng “thất náy”, nên đành làm thinh đi bầu bạn với cột nhà lầu đang khi các chú chơi đùa ngoài cổng. Có chú đi qua nhạo tôi: “phen này đã chịu chưa.” Song cha Bề trên Girard thương hại vì cho là đồ con nít nhẹ dạ nên ngài đi tìm cố Thuận nói chuyện một hồi, nửa giờ sau cố Thuận kêu tôi nói; thôi cha tha, chạy chơi với các chú! Mầng quýnh tôi vội ra nổng, có mấy chú lại nói: răng mà ra đó? Tôi nói phách ngay: thì cái tài ngoại giao của ta chớ răng.
Chung quy: Cố Thuận xem bớt nóng nhiều, tính nết ra thuần hậu, ít phạt, ít lấy nốt, vì đã quen chịu khổ cực ngoài họ, thấy sự khác biệt giữa sự vâng lời của học trò và bổn đạo nên biết thương học trò. Ngài nói: đối với bổn đạo và chầu nhưng thì các chú là thiên thần. Ngài viết “Con không dấu cha mẹ, thật con yêu mến các chú con lắm, thương hết tình, hết sức con, con cảm ơn Chúa đã cho con lại về nhà trường ở với các chú.”
Cha giáo Thuận tái nhận chức giáo sư ít tháng thì được tin chính phủ Pháp ban khuê bài huy chương trọng thưởng ông Denis đã hao tổn sức lực trong việc binh đao kỳ Pháp – Đức chiến tranh 1870. Hết lòng mừng rỡ cha giáo Thuận viết thơ chia vui cùng song thân: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, con được tin nhà nước ban khuê bài thưởng công cha khó nhọc kỳ đại chiến 1870, con lấy làm hạnh phúc vô cùng. Song thấy nhà nước biết rõ huân – nghiệp cha tiên phong mặt trận Borny bắn hết 28 bao đạn rồi bằng an nghỉ giữa chốn chiến trường không kể đạn bắn vi vu súng nổ đì đùng vang trời dậy đất, ắt còn thưởng cha bội hậu hơn nữa. Nhưng được hoa mừng hoa, được nụ mầng nụ: muôn năm nước Pháp! Con đã kính tiếp thơ và bóng của cha. Con lật đật đem cho các cha và học trò xem rồi gặp ai khoe nấy, đoạn con gấp vào sách kinh và coi đi coi lại luôn. Mẹ nói bức ảnh cha con bộ – diện coi xảo quyệt à!- không, con thấy tướng mạo cha con tử tế lắm, tử tế mọi đàng! Con chỉ biểu đồng tình với mẹ một chút là coi trong mắt và mép cha con có chút síu bắt hồ nghi là người xảo quyệt tí chút. Song không hề chi: sự mọi người và con đều thấy, là cha con đầy lòng nhân hậu, dáng điệu thông minh cặp mắt hiền từ bình an lắm. Bức ảnh cha tuyệt trần nhất là cái huy chương càng thêm duyên cho bức ảnh, khác thể một vị đại tướng hồi hưu! Mặc lòng con cũng xin phê bình đôi chút là cái nền bức ảnh trắng quá, mà hình cha thì lại quá đen có lẽ tại cái tường trắng quá phải, còn cái ghế cha toan ngồi thì như cái đế tượng hay cái cột “lomet” bên đường! Cha Girard bề trên nhà trường gửi lời mừng cha, xin cha cầu nguyện cho ngài và học trò ngài.
Cha giáo Thuận viết thơ mừng ông thân sinh ngày 01 tháng 06 năm 1913 thì ngày sau được phép Đức Cha đi Hồng Kông cấm phòng. Hỡi ơi! Cuộc đời thay đổi, đổi thay, hôm, qua vui khoái hôm nay lại buồn! Cha giáo Thuận vừa tới Hồng Kông hạ tuần tháng 6 thì được ai tín ông thân sinh ly trần! Ngài vội chia buồn với bà kế mẫu: “Thưa mẹ rất đáng mến thương và yêu dấu của con, bức ai tín rất buồn sầu cho con mới tới. Con xin cúi đầu thuận theo ý Chúa phân định. Con đã ở nhà thở chót buổi chiều nay đễ cầu nguyện cho cha rất yêu dấu của con. Sáng mai 18, các cha ở đây đều làm lễ cho linh hồn người. Riêng phần con sẽ làm một tháng lễ Gregoriana, rồi khi về nhà trường sẽ xin cho cha một lễ mồ trọng thể nữa.
Còn phần mẹ thì sao, mẹ rất yêu dấu? Bây giờ còn một mình mẹ! Cúi xin Chúa nhân lành gìn giữ săn sóc mẹ hơn! Nhất là cho mẹ kính mến và làm tôi Người hơn khi nào hết vì chỉ một sự ấy đáng kể. Phần cha con bấy lâu không khi nào người giàu có, song chắc bây giờ người lên nhà đại phú rồi, ít là người sẽ được vậy. Xưa người đã làm việc nhiều thì bây giờ được nghỉ, đã chịu khó nhiều thì bây giờ được phước. Nên chắc người sẽ cầu cho mẹ con ta:” thơ sau rằng: “Không cần nói mẹ cũng hiểu: khi con suy gẫm và cầu nguyện, con hằng nhớ đến cha luôn. Con để bức ảnh người trên bàn viết con, khi con ra vào thì bái kiến người và cầu nguyện cho người một lời. Có lẽ bởi con yêu mến người quá nên con lầm, cho người thật là một ông thánh! Con thú thật với mẹ; bức chân dung người đặt trên bàn viết con có sức thúc dục con bứơc tới đàng nhân đức hơn hẳn vị thánh nào hết, trừ ảnh Chúa, Đức Mẹ. Lạy Chúa xin ban cho con được nên hiền lành khiêm nhượng, đầy lòng thương xót như cha con, xin ban cho mẹ con bằng lòng chịu khó và kính mến Chúa ngày một thêm hơn.”
Cha giáo Thuận cấm phòng một tháng thì đáp tầu về Việt Nam. Dọc đàng có ghé thăm đức cha Bắc (Mgr Eloy) Giám Mục địa phận Vinh, là cha phó xứ bản – quán ngài xưa: “Mẹ biết con đi thăm Đức Cha Eloy. Ôi! Thật là một vị Giám Mục hảo hạng, dung nhan đẹp đẽ hình vóc oai thể cao lớn, tướng mạo khôi ngô, bộ râu đã dài lại đen nhánh, các cha, các cố và con chiên bổn đạo thẩy đều mến phục lắm, chắc ngài làm ích cho địa phận nhiều, con đã hầu chuyện ngài lâu giờ… Rồi từ nơi ngài về đây con đường quan lộ 300 cây số cũng khá cực nhất là, 50 cây số sau hết, con phải cuốc bộ trên cát, trời nắng như lửa đốt, ối chà mệt hết sức mệt… hôm nay con đã khá rồi… Một chút sự cực đó làm cho con nhớ rằng: Mẹ con ta chưa phải ở thiên đàng, nhưng không bao lâu nữa, đang khi trông đợi thì ta hằng ra sức kính mến Chúa hết lòng, vì Người thương yêu ta chừng nào.
Về tới An Ninh cha được nhiều thơ kể việc từ trần của thân phụ, đọc các thơ xong, ngài viết cho bà kế mẫu: “ Lạy mẹ rất yêu dấu ai cũng nói ba con qua đời như một đấng thánh! Nếu vậy mẹ con ta không nên buồn vì người đang hưởng phúc lạc cõi tiêu diêu, còn chi mà buồn? Mẹ con ta chỉ phải cầu xin được lòng mến Chúa như Ba, chầy kíp cũng sẽ đồng vinh phước cùng người. Mẹ xem Chúa nhân lành thương ta dường nào! Người lo cho ta mọi sự. Nhà ta nghèo mà mọi người đều tỏ lòng thương đến dự đám cất xác ba. Người đã dược hưởng hết các đặc ân đạo thánh. Một người giáo hữu, phép đạo có thể làm gì cho, thì cha con đều được cả, thiết tưởng dầu Đức Thánh Cha băng hà thì cũng không thể làm chi hơn được. Phần xác thì có lương y đến chữa. Tuy bà con họ đương mình không bao lăm mà dám tống – chung đông vô số, nhất là đông các linh mục, tu sĩ nam nữ. Ôi cám ơn Chúa dường nào! Đến hai mươi tháng 6 này con sẽ làm lễ dỗ cho ba con, tự nhiên con sẽ nhớ đến mẹ cách riêng. Con năng nhớ đến Ba con hầu luôn luôn, nguyên sự nhớ đến người đủ giúp con cầu nguyện, làm việc, ở nhân từ, đơn sơ giúp con bằng lòng chịu mệt nhọc, chịu khó khăn thiết thốn. Oi bao giờ con mới được nên giống Ba con! Con cầu nguyện cho người, song con tin chắc người đang cầu bầu cho mẹ con ta. Mẹ ơi hãy can đảm, thiên đàng là của ta.”