Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

HÀNH TRÌNH CỦA BÌNH AN – Suy niệm Thứ Năm, Tuần XIV TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-096-TUẦN XIV-thứ Năm

HÀNH TRÌNH CỦA BÌNH AN

(St 44,18-22.23B-29;45,1-5 /  Mt 10,6-15)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Ai trong chúng ta cũng mong ước bình an. Bình an là điều rất cần thiết cho nhân loại trên mọi cấp độ: toàn cầu, quốc gia, gia đình và bản thân. Bình an cũng là hoà bình. Một thế giới hoà bình là điều mọi người đều mong ước, vì một thế giới hoà bình là một thế giới làm cho người ta sống hạnh phúc. Trái lại, chiến tranh gây nên khổ đau và bất hạnh trên mọi cấp độ. Nhưng để có thể xây dựng hoà bình, mỗi người cần có sự bình an cho chính bản thân. Bản thân bình an mới có thể gieo trồng sự bình an cho tha nhân và cho những không gian mình hiện diện. Như vậy, bình an cần có một hành trình: một hành trình qua lại giữa bản thân và tha nhân, giữa không gian của chính mình và không gian sống của người khác.

Hai bài đọc Lời Chúa hôm nay hé mở cho bản thân tôi nhìn thấy một hành trình của bình an nơi những con người trong cuộc. Đó là người đã kinh qua những khổ đau của cảnh loại trừ huynh đệ, để rồi, với thời gian, xuyên qua những biến cố, đã tìm thấy sự bình an bản thân, để rồi xây dựng bình an cho chính những người đã mưu hại mình trong quá khứ. Đó là những người được sai đến bất cứ nơi nào, để gieo trồng sự bình an bằng chính sự bình an của bản thân. Tôi xin được chia sẻ với anh chị em về “HÀNH TRÌNH CỦA BÌNH AN”. Vì là một bài suy niệm Lời Chúa với hai bài đọc Kinh Thánh của ngày trong tuần, nên tôi chỉ nêu lên một hai khía cạnh của hành trình này, không dám đề cập đến một cách tương đối đầy đủ, để chúngta cùng sống và xây dựng sự bình an.

 1. TỪ BÌNH AN VỚI CHÍNH MÌNH ĐẾN BÌNH AN VỚI ANH EM

Người mà tôi vừa nói đến trên kia, đó là ông Giu-se. Hôm qua chúng ta đã gặp ông đang thi hành quyền được Pha-ra-ô trao cho bằng cách giúp nuôi sống dân chúng Ai-cập và cả những dân tộc chung quanh, vì đang trong thời hạn hán, mất mùa, thiên tai bao trùm cả vùng đất rộng. Hôm qua, ông Giu-se cũng đã gặp lại anh em ông đến mua lương thực. Chúng ta đã không tìm hiểu cuộc gặp gỡ này. Nhưng hôm nay chúng ta đi sâu vào những cuộc gặp gỡ giữa ông và các anh em, sau một thời gian xa cách rất dài, mấy chục năm trường.

Ông Giu-se đã gặp anh em ông, nhưng họ không nhận ra. Cứ mỗi lần gặp gỡ xuyên qua chuyện mua bán lương thực, ông Giu-se đều tỏ ra hiếu khách bằng cách chiêu đãi anh em bằng những bữa ăn và bán lương thực đầy đủ và còn trả lại tiền một cách kín đáo bằng cách để những khoản tiền mua lương thực của mỗi người vào những bao lương thực của họ. Nhưng, mỗi lần gặp gỡ ông cũng lấy lý do nào đó để giữ lại một “con tin”. Phải chăng là để trả thù? Không phải, mà là giúp ông ra điều kiện để họ mang đứa em út đến gặp ông – đứa em cùng mẹ với ông là bà Ra-ken. Khi Ben-gia-min cùng các anh được cha là ông Gia-cóp cho đi – dù ông rất lo âu, vì sợ rơi cái chết như anh nó là Giu-se – thì ông Giu-se tìm cách giữ Ben-gia-min lại, và từ đó mới có thể đón cha sang và cùng chung sống. Tất cả những gì ông Giu-se hành động, đều có mục đích để dẫn tới sự hoà giải giữa anh em, đến sự nhận ra nhau trong tình huynh đệ chân thành.

Trích đoạn hôm nay, sách Sáng Thế chương 44 từ câu 18 đến 21 từ câu 23b đến 29 và chương 45 từ câu 1 đến 5, thuật lại việc ông Giu-se tỏ mình ra cho anh em ông. Đây là một bất ngờ gây sửng sốt cho tất cả các anh em ông. Trong câu chuyện, chúng ta thấy ông Giu-se “oà lên khóc và người Ai-cập nghe được, triều đình Pha-ra-ô cũng nghe thấy”. Chắc chắn ông khóc to lắm. Phải chăng là những tiếng khóc uất nghẹn trào tuôn? Không phải. Sau khi nghe ông Giu-đa phân trần và xung phong ở tù thay cho Ben-gia-min để đứa em út về với cha – mà chúng ta biết là ngày xưa chính ông Giu-đa đã có ý kiến bán Giu-se -, ông Giu-se đã oà khóc. Đây là những giọt nước mắt của niềm vui. Sau đây là những hành động mà ông Giu-se làm để hoà giải với anh em ông.

– Ông nói: “Tôi là Giu-se đây!”. Ông nói đến tên mình. Ông không xưng hô “tôi là tể tướng” hay “ân nhân”. Ông nói đến con người với tương giao. Tên gọi của ông trong gia đình, là nơi của tương giao huynh đệ. Tôi là em của các anh đây! Ông muốn bình an trong tương giao chân thật, với những gì thật của những con người thật.

– “Hãy lại gần tôi”. Ông muốn gạt bỏ tất cả những khoảng cách. Ngày xưa, khi còn trẻ, ông có những giấc mơ để mong anh em lạy ông, và lạy là phải ở xa, là cung kính. Nay hoà giải là phải lại gần nhau. Bình an là đến với nhau, đến gần nhau.

– “Tôi là Giu-se, đứa em mà các anh đã bán sang Ai-cập”. Ông Giu-se nói đến chuyện ngày xưa. Ông không dừng nơi đó, ông nói tiếp như để giải thích: “Nhưng bây giờ, anh em đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em”. Thật là một câu nói diễn tả sự bình an của ông Giu-se. Thiên Chúa nhập cuộc trong sự việc ngày xưa và ngày nay, Người biến tất cả thành tốt cho sự sống. Anh em bán tôi đi = Chúa gửi tôi đến. Đó là công thức tài tình Thiên Chúa đã viết lên trong sự việc này. Cho nên, đừng buồn và đừng hối hận về chuyện ngày xưa. Xong rồi. Bây giờ là hiện tại, là sự sống được bảo đảm. Đây là tiếng nói từ một tâm hồn bình an và muốn gieo trồng bình an.

Một vài chi tiết trên, chúng ta nhận ra là ông Giu-se đã tìm được sự bình an cho bản thân và qua cuộc gặp gỡ này, ông muốn trao cho anh em mình sự bình an. Những đau khổ, những nước mắt và cả uất nghẹn ngày xưa, đã hoàn toàn chấm dứt; và giờ đây là sự bình an của bản thân ông. Từ sự bình an bản thân – nghĩa là ông bình an với chính mình – ông gieo vào lòng anh em sự bình an cho chính họ, họ phải được bình an với chính họ và của họ. Và đó là sự hoà giải chân thực, sự bình an chân thực. Đó cũng là hành trình của sự bình an.

Câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa ông Giu-se và anh em ông là bài học cho mỗi chúng ta nếu chúng ta muốn tạo nên chung quanh mình sự bình an, nền hoà bình. Trước hết phải bình an với chính mình. Không để những vết thương của quá khứ lên tiếng, nhưng là tiếng nói của hoà giải, của niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng rất tài giỏi biến đổi mọi sự nên tốt lành (x.Rm 8,28). Đó là hành trình từ bình an với bản thân đến bình an với tha nhân. Đây là một hành trình giải thoát, dẫn đến tự do. Đó cũng là hành trình cam go, rất đòi hỏi, nhưng lại đưa đến những điều tuyệt vời cho cuộc sống, cho những tương giao tốt đẹp.

 2. BÌNH AN CỦA MÌNH TRỞ THÀNH BÌNH AN CHO THA NHÂN

Bây giờ chúng ta đến với Chúa Giê-su. Chúa đang gặp các môn đệ và dặn dò họ những điều cần thiết trước khi lên đường đi rao giảng Nước Thiên Chúa. Trích đoạn hôm nay nối tiếp đoạn Tin Mừng hôm qua trong “Bài Giảng Về Sứ Mệnh Truyền Giáo”. Đây là bài giảng thứ hai sau “Bài Giảng Trên Núi” mà thánh Mát-thêu cấu trúc sách Tin Mừng của ngài bằng các bài giảng. Trong trích đoạn hôm nay, chương 10 từ câu 6 đến 15, Chúa Giê-su đề cập đến nhiều yếu tố. Chúng ta dừng lại lời nói của Chúa liên quan đến đề tài “bình an” mà chúng ta đang suy niệm. Chúa nói: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em”.

Chúng ta để ý đến điều Chúa nói về bình an. Vậy bình an này là của ai? Chúa nói “bình an của anh em”. Như vậy, người môn đệ Chúa ra đi rao giảng Nước Chúa phải là người mang theo bình an, bình an của chính mình, và đó là con người bình an. Điều này hết sức quan trọng, vì những gì người môn đệ sẽ rao giảng, sẽ nói, phải phát xuất từ cõi lòng bình an và bằng cung giọng bình an với những ngôn từ bình an. Tất cả phải phát xuất từ bản thân người môn đệ. Bản thân người môn đệ phải bình an.

Đi vào không gian nào, cũng gieo bình an nơi đó: “vào nhà nào, hãy chào chúc bình an cho nhà đó”. Lời chào “Shalom” – bình an – là lời chào của người Do-thái khi gặp nhau. Nhưng từ của miệng của người môn đệ, lời chào đó mang âm hưởng lớn hơn là tiếng chào xã giao. Đây là lời chào của người bình an muốn gieo trồng sự bình an. Người môn đệ Chúa luôn là người sử dụng ngôn từ bình an, phát xuất từ tâm hồn bình an, vì là con người bình an. Chính ngôn từ bình an làm cho người nghe cảm thấy “mát dạ” ngay lúc đầu và gây ấn tượng tốt để sau đó rao giảng những điều quan trọng về Nước Trời. Người môn đệ Chúa luôn sẵn sàng gieo sự bình an. Vậy, nếu người nghe đón nhận hay không, thì người môn đệ Chúa phản ứng ra sao?

Chúa Giê-su nói đến hai trường hợp: xứng đáng và không xứng đáng. “Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ”. Xứng đáng ở đây có nghĩa là “đón tiếp”, là “mở ra”, “mở lòng ra”. Trong trường hợp này, có một hiệu ứng “xuất-nhập”, nghĩa là bình an của anh em xuất ra từ anh em và nhập vào nơi đó, nghĩa là không gian đó và những con người ở đó. Như vậy, bình an của người môn đệ Chúa là quà tặng rất quí cho họ. Bình an của anh em sẽ đến với họ, cũng là chính anh em là quà tặng cho họ. Đây là kết quả của sự gieo trồng bình an.

Trường hợp thứ hai, là “không xứng đáng”, nghĩa là “không đón tiếp”, “không mở rộng”, thì người môn đệ Chúa chẳng mất gì. Đó cũng sẽ là hiệu ứng “xuất-nhập”, nhưng chỉ một phía, bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Người môn đệ Chúa chẳng mất gì, nếu người khác không chấp nhận lời chào bình an và sự gieo trồng bình an. Chẳng mất gì, nên cũng đừng tự ái mà “xổ” ra những lời khó nghe, những lời đánh mất sự bình an cho mọi phía. Sự bình an của anh em sẽ trở về với anh em, trở về một cách tốt hơn, nhiều hơn, mạnh hơn, vì đã kinh qua một chướng ngại. Bình an trở về với anh em, để anh em luôn là con người bình an, mà không có ai hay điều gì đánh mất sự bình an đó. Điều Chúa nói về bình an rất cần cho mỗi chúng ta trong cách hành xử hằng ngày, trong giao tiếp thường nhật, với người khác, nhất là với những anh chị em chưa biết Tin Mừng của Chúa Giê-su. Họ gặp chúng ta, họ tiếp xúc với chúng ta, họ thấy cách hành xử bình an với ngôn từ bình an, rồi với thời gian, Tin Mừng Bình An của Chúa sẽ thẩm thấu cách nào đó trong tâm hồn họ.

 3. PHÚC THAY AI XÂY DỰNG BÌNH AN

Trong “Bài Giảng Trên Núi”, Chúa Giê-su đã nói đến phúc cho những ai xây dựng hoà bình: “Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Như vậy, một đặc điểm hay đúng hơn một yếu tố làm nên bản chất của con cái Thiên Chúa,và như vậy cũng là môn đệ Chúa Giê-su, đó là xây dựng sự bình an. Đó là người đi gieo trồng bình an. Người bình an với bản thân, người xây dựng bình an cho tha nhân và cho mọi không gian, là người hạnh phúc, là người được chúc phúc. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết xây dựng bình an cho chính mình và cho tha nhân. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...