HẠT LÚA ĐƠM BÔNG CÁNH ĐỒNG RẠNG RỠ
(Suy niệm Tin Mừng Ga 12, 20-33 – CN tuần V MC B)
M. Lasan Châu Sơn
Khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng ta ít khi nghĩ đến những hạt lúa đã phải nát tan đi, để dâng cho đời những cây lúa trĩu hạt. Lời Chúa tuần này nhắc nhớ chúng ta về một chân lý tự nhiên: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Có lẽ không riêng gì hạt lúa, đây là định luật chung cho hệ thực vật, động vất và cả con người. Chúng ta thường nghĩ chết đi, tan biến đi là thiệt thòi, là mất mát, nhưng có thực là như vậy không?
Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.
Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ. Cô tiến lại. Hạt giống sợ hãi kêu van. Nhưng hỡi ôi, cô mổ lấy, nuốt ngay.
Chúng ta hãy tự hỏi mình đang là hạt giống nào trong hai loại hạt giống trên?
Đã là hạt giống thì dĩ nhiên phải thối chết đi mới đâm chồi, lớn lên thành cây, rồi mới đơm hoa kết trái, mục nát đi mới sinh được nhiều bông hạt. Nếu hạt giống gieo xuống đất cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì. Qua hình ảnh hạt lúa, Chúa Giêsu mạc khải cho những người Hy lạp đang muốn biết về thân phận của Ngài rằng: Ngài sẽ phải tan nát trong cuộc khổ nạn, từ đó đem lại ân cứu độ viên mãn cho nhân loại.
Vì thế cho nên, Chúa Giêsu quả quyết: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Lời khẳng định này gợi lên cho chúng ta một sự khó hiểu: chẳng lẽ chúng ta không được yêu quý chăm sóc mạng sống mình? Chẳng lẽ chúng ta phải coi thường mạng sống mà chính Chúa đã ban cho chúng ta hay sao? Không, câu nói của Chúa nhắm chỉ ra cho chúng ta phải hành động một cách dứt khoát; chọn Chúa, chọn sống trong Chúa chứ không phải cho các đam mê ở đời này. Dĩ nhiên, khi chọn sống trong Chúa chúng ta có thể bị mất đi những lợi lộc vui thú ở trần gian và có khi mất cả mạng sống vì trung thành với Chúa. Nhưng điều nghị lý ở đây là, cái mất vì Chúa thì lại là cái được, còn cái được ở đời này thì lại là cái mất đời đời.
Thực tế, có nhiều người dành cả cuộc đời để theo đuổi quyền lực, tiền bạc, tình cảm… nhưng mà kết cục ra sao? Một Hitle đạt đến tột đỉnh quyền lực nhưng chết trong thất vọng ê chề. Có những người sống chỉ bận tâm kiếm tiền, đến khi có nhiều tiền thì gia đình tan vỡ, con cái vướng vào tệ nạn xã hội. Lại có một số người mê đắm trong tình dục để rồi đi đến hận tình, giết người, nạo phá thai… Những người đó tưởng mình được nhiều thứ ở thế gian nhưng thực ra mất trắng. Ngược lại, ai chọn mất ở thế gian thì lại được đời đời.
Năm 1939, Đức Quốc Xã xâm chiếm Ba Lan, cha Maximialo Kolbe bị bắt vào ngày 17 tháng 2 năm 1941 và được giam trong trại tập trung Auschwitz, với số áo tù là 16670. Vào ngày 31 tháng 7 năm 1941, một tù nhân trốn thoát, vị sĩ quan bắt mười người khác phải chết thay, theo quy định của trại; một trong số tù nhân xấu số đó kêu van khóc lóc, vì còn mẹ già con thơ không ai nuôi dưỡng. Thấy cảnh tượng bi thảm này, cha Kolbe đã tự nguyện chết thay cho anh. Ngài bước ra khỏi hàng và nói: “Tôi muốn thế chỗ ông kia. Ông ấy còn có gia đình, vợ con”. Lập tức cha bị giam chung với chín tù nhân khác trong một hầm thật tăm tối, để cho chết dần chết mòn. Thay vì kêu than, cha Kolbe lại hát thánh ca tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ. Tám ngày sau (14.08.1941) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Và tên cai ngục đã chấm dứt cuộc đời của cha bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay; xác cha được thiêu cháy vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đấng mà cha hằng tôn sùng và yêu mến.
Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nâng cha Maximiliano Kolbe lên hàng chân phước vào ngày 17 tháng 10 năm 1971, và thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong ngài lên bậc thánh tử đạo vào ngày 10 tháng 10 năm 1982.
Nguyện xin Chúa giúp chúng con Mùa chay thánh này biết chết đi cho tội lỗi, tính ích kỷ hư hèn để đơm bông kết trái tình yêu Chúa và tha nhân. Amen