Thứ Ba, 28 Tháng Ba, 2023

HÃY BƯỚC ĐI – Suy niệm Thứ Sáu, Tuần XII TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-083-TUẦN XII-thứ Sáu

HÃY BƯỚC ĐI

(St 17,1.9-10.15-22 / Mt 8,1-4)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Một trong những điều khác biệt giữa thực vật và động vật, đó là di chuyển. Thực vật không tự di chuyển, nhưng có thể bị hay được chuyển dịch. Trái lại, động vật tự di chuyển. Động vật có thể di chuyển bằng cách bò, trườn hay bước… Tất cả những tư thế đó có mục đích là chuyển động và di chuyển từ một nơi này đến một nơi kia. Con người, là một động vật, nên cũng có những tư thế di chuyển như các con vật khác; nhưng cách di chuyển thường xuyên nhất và làm nên đặc tính của con người, đó là bước đi. Người ta bước đi với đôi chân. Nếu có việc bước đi với đôi chân thể lý, thì cũng có thể bước đi với “đôi chân vô hình”, hay đúng hơn, với tư thế của tâm hồn, của trái tim. Trong đời sống tâm linh, trong tương giao với Thiên Chúa, con người có những tư thế bước đi khác nhau, và những tư thế đó diễn tả điều ẩn kín trong tâm hồn, điều chuyển động trong con tim.

Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay, qua các trình thuật khác nhau trong Cựu Ước và trong Tân Ước, như cho tôi thấy những bước đi, các tư thế bước đi, không những của đôi chân bằng xương thịt mà cả những nhịp bước đi của tâm hồn. Tôi xin mượn một lời được phát ngôn trong bài đọc Kinh Thánh hôm nay “HÃY BƯỚC ĐI” để chia sẻ với anh chị em về những bước đi và những nhịp bước trong đời sống ki-tô hữu của chúng ta.

 1. “HÃY BƯỚC ĐI TRƯỚC MẶT TA”

Chúng ta bắt đầu với bài đọc một, trích sách Sáng Thế chương 17 câu 1, từ câu 9 đến 10 và từ câu 15 đến 22. Chúng ta đang trên hành trình với ông Áp-ra-ham. Đã hai mươi bốn năm từ ngày ông rời bỏ quê hương để đi đến nơi Thiên Chúa chỉ cho ông. Ông ra đi lúc 75 tuổi và trích đoạn hôm nay cho biết bây giờ ông đã 99 cái xuân thu. Ông vẫn chưa có con từ lòng dạ bà Xa-rai. Với sáng kiến của bà Xa-rai, ông đã có con với nàng hầu của bà là Ha-ga và có đứa con tên là Ít-ma-ên. Nhưng Thiên Chúa cho biết, nó không phải là đứa con thừa tự, mà là một người con sẽ được sinh ra cho ông từ lòng dạ bà Xa-rai. Ông vẫn bước đi từ nơi này sang nơi khác, với niềm hy vọng có người con đó.

Và hôm nay, lời Thiên Chúa lại đến với ông một cách trịnh trọng, để mời gọi ông bước đi với tư thế nào. Thiên Chúa phán: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo”. Qua lời này của Thiên Chúa, ông Áp-ra-ham hiểu rằng từ nay – có thể cũng đã từ trước kia – ông cần có tư thế căn bản để bước đi và qua tư thế bước đi này, cuộc đời của ông sẽ thành toàn, nghĩa là đạt được, không những nguyện vọng của ông, mà là chính ước muốn của Thiên Chúa. Việc trở nên hoàn hảo là đích điểm luôn liên kết với cách thức của những bước chân dẫn đến đó. Tư thế bước đi đó, là “trước mặt Thiên Chúa”. Thiên Chúa vô hình, làm sao bước đi trước mặt Người đây? Người đâu có tỏ lộ dung nhan để đi tới đi lui trước mặt? Như vậy, đây không còn là những bước đi của đôi chân bằng xương thịt, mà là tư thế của tâm hồn. Vậy đâu là cách “bước đi trước mặt Thiên Chúa” nơi ông Áp-ra-ham? Chúng ta đâu biết được tâm hồn ông, vì thế cũng chẳng rõ những tư thế của trái tim của ông. Nhưng, vì là “cha của những người tin” – mà chúng ta là con cái ông, vì chúng ta là những người tin – nên cũng có thể suy đoán được một vài tư thế căn bản, mà chính Kinh Thánh nói cho chúng ta biết.

– BƯỚC ĐI TRONG PHÚC LÀNH CỦA THIÊN CHÚA. Ngay từ trước cuộc khởi hành của ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã kêu gọi ông và đã nói đến “phúc lành”, cho ông và ông trở thành mối phúc lành cho những người khác. Như vậy, bước đi trước mặt Thiên Chúa, là bước đi dưới phúc lành của Người. Và phúc lành đó mang bao nhiêu là thiện hảo như sự chở che, sự chăm sóc và quan phòng. Bước đi trước mặt Thiên Chúa với phúc lành của Thiên Chúa. Hai yếu tố căn bản của tư thế thứ nhất này là “trước mặt Thiên Chúa”, “với phúc lành của Thiên Chúa”, luôn song hành với nhau. Đời sống ki-tô hữu của chúng ta cũng thế, với “muôn vàn phúc lành tự trời cao” (x.Ep 1,3).

– BƯỚC ĐI TRONG ĐỊNH HƯỚNG CỦA THIÊN CHÚA. Tư thế thứ hai của việc bước đi trước mặt Thiên Chúa là luôn đi trong định hướng của Thiên Chúa. Trong đời sống của ông Áp-ra-ham, kiểu nói “đến nơi Ta sẽ chỉ cho” trở thành định hướng của cuộc đời ông. Bước đi trước mặt Thiên Chúa, là để Thiên Chúa dẫn đường, chỉ đường. Con đường của Thiên Chúa là hướng đi của ông Áp-ra-ham và cấu thành tư thế bước đi của ông. Đời sống ki-tô hữu của chúng ta không gì khác là bước theo Chúa Ki-tô, Đấng là Đường đi của chúng ta (x.Ga 14,6).

– BƯỚC ĐI TRONG TÍN THÁC. Hai yếu tố trên – phúc lành và định hướng – thuộc về Thiên Chúa. Vậy đâu là yếu tố nơi ông Áp-ra-ham để tạo thành tư thế bước đi? Đó là lòng tín thác, nghĩa là đức tin tuyệt đối. Sau này, trên đường đi hiến tế I-sa-ác, ông đã nói với con “Chúa sẽ liệu”. “Chúa sẽ liệu” là kinh nghiệm sống động mà ông Áp-ra-ham nhận ra và cảm thấy trên từng cây số hành trình. Tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa là bước đi trước mặt Thiên Chúa. Đó là tư thế căn bản, nền tảng, của ông. Là ki-tô hữu, chúng ta sống dưới chế độ đức tin, chứ không phải hưởng kiến, như tôi đã chia sẻ với anh chị em.

– NHỮNG BƯỚC ĐI HOÀN HẢO. Như Thiên Chúa nói trên kia “Hãy đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo”, ông Áp-ra-ham đã sống hoàn hảo, không phải một thứ hoàn hảo trong ý tưởng, mà hiện thực trong cuộc sống hằng ngày, trong mỗi nhịp bước đi. Khi thực hiện những bước đi trên kia, đời sống của ông ngày ngày dệt nên một hành trình. Một hành trình hoàn hảo là ông bước đi với Thiên Chúa, nghĩa là “Thiên Chúa có mặt” trong tất cả những gì xảy ra, trong tâm tưởng của ông, trong chọn lựa của ông. Sự hiện diện của Thiên Chúa là bảo đảm cho sự hoàn hảo của đời sống của ông.

Khi chúng ta – là con của Tổ Phụ Áp-ra-ham – đang theo dõi hành trình của ông, chúng ta cũng mong ước và hiện thực trong đời sống mình những bước đi như thế, những tư thế bước đi như vậy. Chỉ như thế, chúng ta mới nên giống Tổ Phụ của chúng ta. Đời sống ki-tô hữu của chúng ta là một cuộc sống thâm nhuần Thiên Chúa, nên giống Thiên Chúa, như Chúa Giê-su đã nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 28).

 2. NHỮNG NHỊP BƯỚC

Bây giờ chúng ta bước vào vùng trời Tân Ước. Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mat-thêu chương 8 từ câu 1 đến 4, thánh sử tường thuật cho chúng ta về phép lạ Chúa Giê-su chữa lành một người bị phong cùi. Trong luồng tư tưởng về bước đi, tôi như thấy nơi người bị bệnh này thực hiện những nhịp bước, làm nên ý nghĩa cuộc đời anh, và cũng là gợi ý tốt cho hành trình đời ki-tô hữu của chúng ta. Tôi như thấy những nhịp bước sau đây nơi anh.

– BƯỚC RA KHỎI VÙNG U TỐI. Như chúng ta biết, chiếu theo Luật Mô-sê, người bị phong cùi phải sống cách ly, xa cộng đồng xã hội. Và nếu có di chuyển, thì phải mang theo cái chuông nhỏ, lắc ra tiếng để báo động người ta tránh xa kẻo bị mắc ô uế. Hôm nay, một người bệnh xuất hiện ngay khi Chúa vừa xuống núi sau Bài Giảng Trên Núi. Anh đã ra khỏi vùng u tối của thảm cảnh cách ly, của xa cách, xa vắng cộng đồng. Đây là nhịp bước đầu tiên, rất cần thiết. Đời sống ki-tô hữu của chúng ta phải là một hành trình vượt qua, mà bước đầu tiên là ra khỏi vũng tối giam hãm, với bao u buồn của ô uế, tội lỗi.

– TIẾN TỚI GẶP CHÚA GIÊ-SU. Nhịp bước thứ hai là người bệnh phong cùi tiến đến gặp Chúa Giê-su. Anh không sợ bị người ta mắng nhiếc hay xua đuổi, vì Chúa Giê-su thu hút bước đi của anh. Anh tự “TIN” bước đến. Anh tin sẽ được khỏi bệnh. Đời sống ki-tô hữu của chúng ta là một hành trình đến với Chúa Giê-su mà không trở lực nào ngăn nổi. Đây phải là nhịp bước sống động, nhịp tiến cụ thể để tiếp cận Chúa Giê-su Ki-tô. Không có bước đi này, không có đời ki-tô hữu.

– MỘT NHỊP BƯỚC MỚI. Chúa Giê-su đã chữa lành người bệnh, với lời nói: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Chúa Giê-su muốn cho người bệnh được sạch, nghĩa là một giai đoạn mới trong cuộc đời anh, không giống ngày xưa. “Xưa ô uế, nay lành sạch”. Đó cũng là hiệu quả của Ơn Thánh Chúa trong cuộc đời ki-tô hữu của chúng ta. Một giai đoạn mới, với nhịp bước mới, con người mới. Con người mới bước đi trên con đường mới hát bài ca mới, bài tân ca.

– CÙNG BƯỚC VỚI CỘNG ĐỒNG. Sau khi đã chữa lành người bệnh phong cùi, anh đã được lành sạch, Chúa Giê-su nói với anh “đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”. “Cho người ta biết”, biết anh được sạch, chứ không cho biết ai chữa khỏi, vì Chúa đã khuyên anh đừng nói cho ai biết. Chúa ẩn mình đi. Điều quan trọng với anh là anh được hội nhập lại cộng đồng. Và đó là thành quả của việc Chúa làm. Từ nay, anh bước đi với cộng đoàn, trong cộng đoàn. Chúng ta cũng được Chúa chữa lành, và khi được chữa khỏi những cơn bệnh tâm hồn, chúng ta trở về với gia đình, với cộng đoàn, với Giáo Hội. Và nhịp bước với gia đình, cộng đoàn, với Giáo Hội, bao giờ cũng là nhịp bước an toàn nhất.

 3. TÔI ĐANG ĐI NHỊP BƯỚC NÀO?

Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay gợi cho mỗi chúng ta những bước đi và những tư thế của bước đi. Chúng ta tự hỏi mình xem “tôi có bước đi trước mặt Thiên Chúa” không? Tôi có sống sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời tôi không? Sự hiện diện của Thiên Chúa có sống động và chi phối hoạt động mỗi ngày của tôi. Chúng ta hãy hát lên bài ca của người lữ hành đức tin: “tôi sẽ bước đi trước mặt Người trong cõi đất của người sống”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Ba, Tuần V MC, Ga 8,21-30: Chúa Giêsu là đại sứ của Chúa Cha

THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY Ga 8,21-30 Chúa Giêsu Là Đại Sứ Của Chúa Cha Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP Một tác giả vô danh...

Thứ Hai, Tuần V MC, Ga 8,1-11: Một người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình

THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY Ga 8,1-11 Một Người Phụ Nữ Bị Bắt Quả Tang Ngoại Tình Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP Tin Mừng...

Thứ 6, Tuần 4, Mùa Chay: Ga 7,1-2.10.25-30 – Nhiệt tâm thi hành sứ vụ

Thứ 6, Tuần 4, Mùa Chay: Ga 7,1-2.10.25-30 Nhiệt Tâm Thi Hành Sứ Vụ Lasan Ngô Văn Vỹ, O,Cist Tin Mừng hôm nay, cho ta biết Chúa...

Thứ Sáu, Tuần IV MC, Ga 7,1-2.10.25-30: Lễ Lều Tạm

THỨ SÁU TUẦN IV MÙA CHAY Ga 7,1-2.10.25-30 Lễ Lều Tạm Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu, một lần nữa, đi...

Thứ 5, Tuần 4, Mùa Chay: Ga 5,31-47 – Làm nhân chứng

Thứ 5, Tuần 4, Mùa Chay: Ga 5,31-47 Làm Nhân Chứng Lasan Ngô Văng Vỹ, O.Cist Đoạn Tin Mừng của ngày hôm qua, Chúa Giêsu khẳng định...

Thứ Tư, Tuần IV, Mùa Chay: Ga 5,17-31- Nên thánh nhờ Lời Chúa

Thứ Tư, Tuần IV, Mùa Chay: Ga 5,17-31 Nên Thánh Nhờ Lời Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Một lần kia, thánh Gioan Bosco hỏi các học...

Thứ Năm, Tuần IV MC, Ga 5,31-47: Nhân chứng cho Chúa Giêsu

THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY Ga 5,31-47 Nhân Chứng Cho Chúa Giêsu Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP Nhà triết học hiện sinh nổi tiếng...

Thứ Tư, Tuần IV MC, Ga 5,17-30: Công việc của Người Con

THỨ TƯ TUẦN IV MÙA CHAY Ga 5,17-30 Công Việc Của Người Con Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP Một tác giả vô danh đã có...

Ngày 21 Tháng 3, Di Cốt Thánh Biển Đức: Mt 19,27-29 – Bỏ để được

Ngày 21 Tháng 3, Di Cốt Thánh Biển Đức: Mt 19,27-29 Bỏ Để Được Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bài Tin Mừng chỉ vỏn vẹn có ba...

Thứ Ba, Tuần IV MC, Ga 5,1-16 (1-3.5-16): Chúa Giêsu chữa một người đau ốm tại hồ Bết-da-tha

THỨ BA TUẦN IV MÙA CHAY Ga 5,1-16 (1-3.5-16) Chúa Giêsu Chữa Một Người Đau Ốm Tại Hồ Bết-da-tha Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP Sức...

Thứ Bảy, Tuần III MC, Lc 18,9-14: Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế

THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY Lu-ca 18,9-14 Dụ Ngôn Người Pha-ri-sêu và Người Thu Thuế Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP Một bài báo có...

Thứ 6, Tuần 3, Mùa Chay: Mc 12,28-34 – Điều Răn trọng nhất

Thứ 6, Tuần 3, Mùa Chay: Mc 12,28-34 Điều Răn Trọng Nhất Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Luật tôn giáo Do Thái xưa có 613 điều, một...