TIN MỪNG CHÚA NHẬT X TN NĂM B – Mc 3,20-35
Chúa Giêsu bảo trong Tin Mừng hôm nay Mc 3, 28-29: “Tôi bảo thật anh em: Mọi tội lỗi của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” Chủ đề con muốn chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ hôm nay là: MỞ RA CHO CHÚA THÁNH THẦN
Thưa anh chị em, tội phạm đến Thánh Thần là những tội nào? Tại sao tội nào cũng được tha riêng tội phạm đến Thánh Thần lại không được tha? Và chúng ta phải làm gì để mở ra cho Chúa Thánh Thần?
Một trong những câu chuyện kể về Satan là: Ngày nọ, vị linh mục thấy trong cộng đoàn có một chàng thanh niên đẹp trai. Sau giờ thờ phượng, chàng thanh niên ở lại để xưng tội. Anh ta xưng ra nhiều tội mà tội nào cũng hết sức khủng khiếp, khiến vị linh mục phải dởn tóc gáy. Ông hỏi “Chắc con phải sống lâu lắm mới phạm nhiều tội đến thế?”. Chàng thanh niên đáp “Tôi tên là Luxiphe, tôi đã trốn khỏi thiên đàng ngay từ lúc thời gian mới bắt đầu”. Vị linh mục tiếp “Cho dù như vậy chăng nữa, hãy nói là con rất hối hận, nói rằng con ăn năn, con sẽ được tha thứ”. Chàng thanh niên nọ trố mắt nhìn vị linh mục một hồi rồi quay lưng đi ra. Anh không chịu nói và cũng không thể nói như thế, do đó anh phải tiếp tục ra đi vào nơi hoang vu, để lại càng bị lên án, bị nguyền rủa nhiều hơn.
NHỮNG TỘI PHẠM ĐẾN CHÚA THÁNH THẦN
Kinh Thánh cảnh báo về sáu tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Trong đó có những tội chỉ có người không tin vi phạm, các tội khác thì những người tin cũng vi phạm.
Tác giả TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Harvest.org) nêu ra sáu tội như sau:
- Nói dối Chúa Thánh Thần
Nghĩa là sống giả hình, làm ra vẻ mình không như chính mình, tức là GIỮ ĐẠO mà KHÔNG SỐNG ĐẠO, sống đời sống Kitô hữu mà không thật lòng: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Is 29, 13).
- Làm phiền Chúa Thánh Thần
Nghĩa là làm cho Chúa Thánh Thần buồn phiền. Khi chúng ta vu khống hoặc nói xấu người khác là chúng ta làm đau lòng Chúa Thánh Thần: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4, 30–31).
- Dập tắt Chúa Thánh Thần
Việc không tin có thể cản trở công việc của Chúa Thánh Thần (x. Mc 6, 4–5). Tội này chúng ta có thể phạm khi Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta làm điều gì đó (chia sẻ niềm tin, cầu nguyện nhiều,…) nhưng chúng ta viện cớ để trốn tránh hoặc từ chối: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí” (1 Tx 5, 19).
- Chống lại Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần tìm cách nói trong tâm hồn người không có niềm tin để đưa họ đến với Thiên Chúa. Có những người tin sự thật của Phúc Âm, nhưng họ từ chối tin nhận Thiên Chúa: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần. Cha ông các ông thế nào thì các ông cũng vậy” (Cv 7, 51). Đó là lời của Thánh phó tế Stêphanô nói với những người cứng lòng tin, ngay trước lúc ngài chịu chết vì đạo.
- Xúc phạm Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần có nhiệm vụ giới thiệu công cuộc cứu độ của Đức Giêsu Kitô cho những người chưa được cứu độ. Người ta xúc phạm tình yêu của Thiên Chúa bằng cách tỏ ra không cần Ơn Cứu Độ, họ khăng khăng cho rằng cái chết của Đức Kitô trân Thập Giá là không cần thiết hoặc không thể cứu độ người khác. Chống lại lời mời gọi của Chúa Thánh Thần là xúc phạm Thiên Chúa và chối bỏ niềm hy vọng được cứu độ: “Kẻ đã chà đạp Con Thiên Chúa, đã xúc phạm đến Máu Giao Ước đã thánh hiến mình và nhục mạ Thần Khí ban ân sủng, thì anh em thử nghĩ xem, kẻ ấy đáng chịu hình phạt ghê gớm hơn biết mấy!” (Dt 10, 29).
- Phỉ báng Chúa Thánh Thần
Chúa Giêsu nói thẳng: “Tôi nói cho các ông hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12, 31–32).
Đây là tội nặng nhất trong số các tội phạm tới Chúa Thánh Thần, vì người phạm tội này không bao giờ được tha. Công việc của Chúa Thánh Thần là làm cho chúng ta nhận biết tội lỗi và đưa chúng ta đến với Đức Giêsu Kitô. Phỉ báng Chúa Thánh Thần là chống lại công việc của Ngài.
TỘI PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN, TỘI KHÔNG ĐƯỢC THA?
Tại sao tội nào cũng được tha riêng tội phạm đến Thánh Thần lại không được tha? Vì, tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội mang nội dụng sau đây:
+ Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng giàu lòng xót thương và tha thứ.
+ Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.
+ Phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người.
Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết, tội phạm đến Chúa Thánh Thần “không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói mà hệ tại sự từ chối nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền lực cây thập giá… Vì sự cứng lòng của nó sẽ dẫn nó đến sự hư mất đời đời” (Thông điệp Dominum et Vivificantem, 18/5/1986). Còn Đức thánh Gioan XXIII nói rằng: “Tội lớn nhất thời đại là đánh mất ý thức tội lỗi. Khi con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi cho điều thật là sai và cho điều sai là điều thật, hay như một số người Do thái, cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ. Tương tự, một khi con người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng còn cho cái gì là tội nữa, thì họ đâu cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người từ chối không nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ không có hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu Độ”. Đức Thánh Cha Phanxicô cắt nghĩa về tội phạm đến Chúa Thánh Thần trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Matta: “Ngay cả Chúa Giêsu là vị Thượng Tế mà cũng đã được xức dầu. Vậy lần xức dầu đầu tiên ấy là khi nào? Đó là khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Trinh Nữ Maria. Còn về việc nói phạm đến Chúa Thánh Thần thì là việc gì? Đó là nói phạm đến tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ và sáng tạo. Nếu thế, chẳng lẽ Thiên Chúa không tha thứ cho kẻ xấu hay sao? Không phải thế! Thiên Chúa tha thứ tất cả! Nhưng những người nói phạm đến Thánh Thần là người không muốn được thứ tha, họ đóng cửa lòng trước ơn tha thứ. Những người ấy thật là tệ hại, vì họ phủ nhận Đức Kitô vị Thượng Tế được Chúa Thánh Thần xức dầu để ban ơn tha thứ cho mọi người”.
MỞ RA CHO CHÚA THÁNH THẦN
Trong cuộc sống, chúng ta hay đóng kín tâm hồn, đóng kín con tim, đóng kín mọi sự và không để cho Chúa Thánh Thần hoạt động. Hãy mở ra cho Chúa Thánh Thần hoạt động. Như thánh Phaolo khuyên chúng ta: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Ðức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,14-17). Hơn nữa: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8, 26). Như thế, mỗi người chúng ta mới sinh được kết quả của Thần Khí: “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”. (Gl 5, 22- 23)
Chị Chiara nói rằng: “Trước hết chúng ta phải càng ngày càng ý thức hơn về sự hiện diện của Chúa Thánh thần trong ta: chúng ta mang trong tâm khảm của mình một kho tàng bao la; nhưng chúng ta không nhận ra đủ. Sau đó, để tiếng của Người được ta nghe và đi theo, ta phải khước từ những cám dỗ, bằng cách cắt bỏ ngay lập tức những đề nghị của chúng; chấp nhận những công việc mà Chúa đã trao phó cho ta; chấp nhận lòng mến yêu đối với mọi người thân cận; chấp nhận những thử thách và những khó khăn ta gặp… Làm như vậy Chúa Thánh thần sẽ hướng dẫn ta, ban cho cuộc sống Kitô của ta một hương vị, sức mạnh, sự quyết định, vẻ sáng ngời không thể thiếu, nếu ta sống thực. Lúc đó cả người gần gũi ta cũng sẽ nhận ra là ta không chỉ là con cái của một gia đình nhân loại, mà là con cái Thiên Chúa”.
CÂU HỎI XÉT MÌNH QUA TIN MỪNG HÔM NAY?
+ Bạn có coi ma quỷ cao hơn Chúa Giêsu, như các kinh sư nói Chúa phải dùng tới phép của quỷ vương Bendêbun để trừ quỷ, có tin vào quyền lực và những ai có quyền hơn Chúa không”?
+ Đã có lúc nào tôi xúc phạm nặng nề tới Thánh Danh bằng việc từ chối quyền năng và ơn cứu độ của Chúa, cụ thể từ chối các bí tích, không tuân giữ luật dòng, các giờ kinh, thánh lễ, xem thường ơn thánh chưa?
+ Tôi đã chai lì ngoan cố chống đối Thiên Chúa hay không để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời của tôi và của anh chị em chăng?
Ước gì qua đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật X thường niên hôm nay, chúng ta ý thức mình là con cái Thiên Chúa, hơn nữa được Chúa mời gọi bước theo Người trong ơn gọi đan tu chiêm niệm, nhất là để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày, đừng để mất những ân huệ của Ngài và luôn mở lòng ra để cho Chúa Thánh Thần hoạt động.
FM. Đaminh Minh Nguyễn Quốc Khánh,
Đan viện Thiên Phước