TN-230-TUẦN XXXIII-thứ năm
HỤT HẪNG
(Lc 19,41-44)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Những bước chân hành hương đưa Chúa Giê-su cùng với các môn đệ và đoàn người đông đảo đến gần Giê-ru-sa-lem. Họ là những người trẩy hội lên đền thánh vào dịp lễ Vượt Qua. Bầu khí thật phấn khởi vì mỗi dịp lễ Vượt Qua, một lễ quan trọng nhất trong lịch phụng vụ Do Thái, các đoàn người hành hương đổ về thành thánh, cùng với những lễ vật. Dịp trẩy hội lễ Vượt Qua lần này còn mang sắc thái phấn khởi vì sự hiện diện đặc biệt của Chúa Giê-su, mà trên đường đi, Người đã kể những dụ ngôn ám chỉ về ngày của Chúa, ngày cứu độ, ngày tận cùng của lịch sử… Họ tưởng rằng đây là thời điểm Thiên Chúa viếng thăm dân Người và giải thoát dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rô-ma. Càng tiến gần Giê-ru-sa-lem lòng dạ họ càng nao nức chờ đợi biến cố.
Nhưng, khi vừa chợt nhìn thấy thành Giê-su-sa-lem, Chúa Giê-su đã có động thái gây ngạc nhiên lớn, làm cho họ hụt hẫng. Người khóc thương Giê-ru-sa-lem. Tại sao Người khóc? Qua những giọt lệ, Người mong muốn gì cho thành Giê-su-sa-lem và dân cư của thành? Và đâu là sứ điệp mà chúng ta có thể nhận ra cho chính bản thân khi suy niệm về trình thuật này trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 19 từ câu 41 đến 44?
Chúng ta như cảm nhận hai tâm trạng đối nghịch nhau: một bên là sự phấn khởi nơi đoàn người hành hương, và bên kia là những giọt lệ của Chúa Giê-su.
- NIỀM VUI LÊN ĐỀN THÁNH
Đoàn người trẩy hội lên đền thánh Giê-su-sa-lem vào các dịp lễ, đặc biệt lễ Vượt Qua, họ vừa đi vừa hát những thánh vịnh: đó là những ca khúc lên đền. Chúng ta có thể mường tượng bầu khí hân hoan, náo nhiệt, của hoạt cảnh này, và như nghe được những câu thánh vịnh được hát lên với tất cả niềm vui.
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: “Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!”
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân.
Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn.
Từng chị tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh Chúa, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.
Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đa-vít.
Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
rằng : “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn, lâu đài dinh thự mãi an ninh”.
Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng : “Chúc thành đô an lạc.”
Nghĩ tới đền thánh Chúa, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.(Tv 122 (121).
Đó là những gì người ta mong ước cho thành đô Giê-ru-sa-lem, như là biểu tượng của tất cả dân tộc Ít-ra-en. Họ cầu chúc cho thành đô, là họ cầu chúc cho dân tộc họ và cho chính bản thân của họ. Khi yêu ai, người ta cầu chúc những điều tốt đẹp nhất. Nơi những lời cầu chúc trên, chúng ta nhận thấy những từ ngữ như “thái bình”, “thịnh đạt”, “yên ổn”, “an ninh”, “hạnh phúc”: đó là những điều tốt lành và là những ân huệ Thiên Chúa ban. Họ yêu quí thành Giê-ru-sa-lem, họ trân trọng đền thánh là trung tâm của thành, và họ đến đó với những lời cầu nguyện, cầu chúc, cùng với những lễ vật dâng lên Thiên Chúa để ghi nhớ những kỳ công Người đã thực hiện cho dân Người suốt dòng lịch sử.
Chúng ta cũng dễ nhận ra những nụ cười thân ái họ dành cho nhau, vì họ sống tình dân tộc, một dân được Thiên Chúa tuyển chọn, cùng chung dòng dõi Áp-ra-ham. Nhưng lịch sử của họ không phải lúc nào cũng mầu hồng, và dân riêng của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng trung tín: họ đã từng vấp ngã và có lúc như thể bị diệt vong. Họ đã không nhận biết Thiên Chúa viếng thăm họ qua các sứ giả Người sai đến, các ngôn sứ của Người, đặc biệt Đấng Mê-si-a mà chính họ hằng mong đợi.
- NHỮNG GIỌT LỆ KHÓC THƯƠNG
Đang khi đoàn hành hương vui vẻ, phấn khởi, thì Chúa Giê-su lại có một phản ứng lạ lùng: Chúa khóc thương thành Giê-su-sa-lem. Đâu là nội dung của những giọt lệ Chúa rơi xuống gò má Chúa và rơi xuống trên mảnh đất của dân tộc Người?
“Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tứ bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và không còn để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm.”
Những lời than khóc Chúa Giê-su khóc thương Giê-ru-sa-lem đối ngược với những lời cầu chúc mà chúng ta nghe được trong ca khúc thánh vịnh trên. Nơi đây, không phải là những lời cầu chúc suông, mà phải là một thực tại. Đây là thực tại đáng buồn. Điều đáng buồn trên hết mọi nỗi buồn, đó là “không biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm”. Thời giờ Thiên Chúa đến viếng thăm đã điểm nơi Chúa Giê-su, sứ giả của mọi sứ giả của Thiên Chúa. Trong bài ca “chúc tụng” – “Benedictus” – ông Da-ca-ri-a, thân phụ của hài nhi Gio-an Tẩy Giả đã nói về sứ mạng của Vị Tiền Hô này: “Hài nhi con hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời đến viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,76-79). Chính khi Thiên Chúa viếng thăm qua Chúa Giê-su, bình an được thiết lập, vì chính “Người là sự bình an” (x.Ep 2,4).
Như vậy, khi không nhận biết ngày giờ Thiên Chúa viếng thăm qua Con của Người – nghĩa là không đón nhận Người vì “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11) – thì những tại hoạ sẽ xảy đến. Những hình ảnh điêu tàn mà thành Giê-su-sa-lem phải hứng chịu, đó là lời tiên báo tai hoạ sẽ xảy ra vào năm 70, khi tướng Ti-tô vây hãm và triệt hạ thành Giê-ru-sa-lem.
Trong tiếng khóc nức nở của Chúa, có tiếng khóc than vì sự vô tình của dân Người, dân Ít-ra-en, vì sự hoang tàn của thành thánh Giê-su-sa-lem là “nơi thờ phượng của muôn dân”. Chúa khóc thương thân phận một dân tộc đã không nhận biết tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trao ban qua chính bản thân Người.
Sau này, khi trên đường lên Núi Sọ để bị đóng đinh vào thập giá, Chúa Giê-su đã ngỏ lời với những phụ nữ đang đi theo Người với những tiếng than khóc: “Hỡi chị em thành Giê-su-sa-lem, đừng than khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay những đàn bà hiếm hoi, những lòng dạ không sinh không đẻ, những kẻ không cho bú mớm! Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (Lc 23,27-31).
Những giọt lệ và tiếng nấc nghẹn của Chúa diễn tả tình yêu của Chúa đối với dân Người sâu xa, lớn lao, biết bao! Khi yêu ai, người ta muốn điều tốt lành cho người mình yêu. Và khi không đạt được điều đó, nỗi buồn sẽ xâm chiếm tâm hồn và dòng lệ sẽ tuôn rơi. Đây là dòng lệ tình yêu thương – khóc thương! – mà Chúa dành cho Giê-ru-sa-lem, như là biểu tượng của toàn nhân loại, trong đó có mỗi người chúng ta.
- NGÀY CHÚA VIẾNG THĂM
Trong những ngày qua, tôi đã nhắc đi nhắc lại những kiểu nói của Chúa Giê-su nhấn mạnh đến sự viếng thăm của Người qua các diễn ngữ: ngày của Chúa, ngày Chúa viếng thăm, Triều đại Thiên Chúa, ngày của Con Người, ngày cùng tận… Những kiểu nói đó phải khơi dậy trong chúng ta khao khát được đón tiếp Chúa vào ngày giờ Chúa viếng thăm. Chúng ta diễm phúc hơn những người Do Thái đồng thời với Chúa, vì chúng ta đã hiểu biết Chúa qua đời sống và Lời Người, qua các chứng nhân Tin Mừng và bao nhiêu điều Giáo Hội dạy dỗ, cùng với biết bao ân sủng và ân huệ được trao ban mỗi ngày. Chúa đã đến và Chúa sẽ đến, nhưng nhất là Chúa đang đến: Người đang đến với chúng ta mỗi giây phút, qua các biến cố và qua trung gian con người. Người muốn chúng ta nhận ra thời điểm Người viếng thăm: thời điểm này và nơi đây: “lúc này và nơi đây, “hic et nunc”. Và đó thời của hồng ân, thời của cứu độ.
Đời Ki-tô hữu của chúng ta thật hạnh phúc, vì có Chúa Giê-su và Người ở với chúng ta – Emmanuel – và mỗi giây phút cuộc đời đều ý nghĩa, vì thời giờ là của Chúa, là chính Chúa. Chúng ta đừng để “HỤT” mất cơ hội của việc Chúa viếng thăm, để phải “HẪNG” như rơi vào khoảng không, mất đi điều làm nên ý nghĩa và lý hữu của đời Ki-tô hữu chúng ta. Nhưng hãy tỉnh thức và mời Chúa ở lại với chúng ta, với gia đình, với cộng đoàn chúng ta.