KHAO KHÁT ĐƯỢC THIÊN CHÚA CHỮA LÀNH
(Bài suy niệm Thứ 5 tuần VIII TN)
Lời kêu xin của anh mù với Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay (Mc 10, 46-52) trở thành lời cầu nguyện mẫu cho mọi thời đại: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10, 48). Tại sao lại khẳng định như thế? Thưa bởi vì nó phát xuất từ đáy lòng của con người ý thức mình bất lực, đang trong tình trạng khốn khổ; đồng thời tin chắc rằng lời xin của mình sẽ được Thiên Chúa đoái thương chấp nhận. Đó là lời cầu nguyện đẹp nhất của thụ tạo, là tiếng rên xiết được Thiên Chúa lắng nghe, là tiếng gõ cửa được ông chủ là Thiên Chúa nhiệt tình giúp đỡ.
Có lẽ từ bao nhiêu năm nay kẻ ăn xin mù lòa đáng thương thành Giêricô ấy mỗi ngày phải nói kể lể, kêu van, cả đến năn nỉ ỉ ôi với mong muốn kẻ qua người lại đoái thương bố thí những đồng bạc lẻ hay ít cơm cháo để có thể sống qua ngày. Khi mở lời xin sự giúp đỡ của kẻ qua người lại anh chỉ dám hy vọng có tạm đủ lương thực cho cuộc sống qua ngày, và người ta cũng chỉ có thể ban phát cho anh của ăn phần xác để xoa dịu cơn đói. Anh kêu nhiều, kêu hoài mà lại được sự giúp đỡ ít ỏi. Trái lại, khi đối diện với Đức Giêsu, khi nhận ra sự hiện diện của Thần linh ở giữa thế trần, anh không xin cái ăn qua ngày, anh không dùng công thức bấy nay vẫn sử dụng mà anh đã tha thiết xin “lòng thương xót Chúa”: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi”.
Đối diện với Đức Giêsu, anh mù trước hết nhận ra thân phận bi đát của mình trước tình thương vô biên của Thiên Chúa. Còn Thiên Chúa lại ghé mắt đoái thương anh và đang mong chờ có cơ hội giang tay nhân từ chữa lành cho anh.
Gặp Đức Giêsu anh mù không xin của ăn nuôi sống thân xác, nhưng anh đã biết xin cái quí nhất trên đời đó là lòng thương xót Chúa. Anh đã tin và làm tất cả theo tiếng thúc bách của linh hồn, bất chấp mọi cấm đoán của những kẻ có mặt, vì tin rằng lòng thương xót Chúa có thể cho anh được thấy. Và kết cục là lòng thương xót Chúa đã cứu anh, dựa vào đức tin mãnh liệt của anh: Đức Giêsu đã đáp ứng khát khao mãnh liệt của anh, Người trao tặng anh món quà vĩ đại chưa ai làm được.
Khi Đức Giêsu hỏi anh mù: “Anh muốn tôi làm gì cho anh” (c. 51a) điều đó muốn nhấn mạnh việc Người muốn thẩm định lòng tin của anh trước khi đáp ứng khát mong của anh. Cơ hội tốt nhất đã đến với anh khi “giờ” của Đức Giêsu đã đến. Anh mù không những xác tín với niềm tin mạnh mẽ nơi Đấng mang danh “Con vua Đavít” nhưng đồng thời anh cũng “bám chặt” lấy Người với niềm hy vọng sẽ có sự thay đổi ngọan mục trong lần gặp gỡ định mệnh này. Thật là tuyệt vời khi lời Đức Giêsu khẳng định với người Do-Thái đã được thực hiện cho kẻ ngoại đạo là anh mù thành Giêricô: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8, 12).
Nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Những dấu lạ Đức Giêsu thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Không có gì nơi Người thiếu vắng lòng thương xót.” (x. Misericordiae Vultus, số 8), thì ngay lúc này đây Chúa cũng đang nói với chúng ta “Anh muốn tôi làm gì cho anh”; đồng thời đang chờ chúng ta cho Ngài cơ hội thực hiện những dấu lạ trên cuộc đời chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có nhận mình là các tội nhân, người nghèo khổ, người bị gạt ra bên lề xã hội, bệnh nhân và người đau khổ như Đức Giáo Hoàng nói tới hay không. Và trên hết có muốn được Chúa chữa lành không, có muốn ra khỏi tình trạng tối tăm mù lòa khi vắng bóng ánh sáng vĩnh cửu của Chúa không. Cùng với lòng tin cho dù còn rất yếu kém, nhất là tâm tình và quyết tâm trong năm thánh lòng thương xót này, chúng ta được mời gọi mượn lại lời kêu xin của anh mù để khiêm tốn thân thưa với Chúa mỗi ngày: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10, 48).
Mai Thi