TN-227-TUẦN XXXIII-thứ hai
KHÁT VỌNG SÂU XA
(Lc 18,35-43)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Từ vài ngày qua, chúng ta cùng Chúa Giê-su và các môn đệ của Người trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Đây là cuộc hành trình cuối cùng của Chúa lên thủ đô và cũng là trung tâm tôn giáo của dân tộc Ít-ra-en. Dọc đường Chúa Giê-su đã tỏ cho các môn đệ về ngày của Người, ngày Người quang lâm, qua các lời giảng dạy hoặc các dụ ngôn. Cuộc hành trình của Chúa có một điểm tạm dừng, đó là thành phố Giê-ri-khô. Nơi đây xảy ra chuyện gì vậy? Và câu chuyện xảy ra có mối liên hệ nào với chuyện Chúa lên Giê-ru-sa-lem và việc loan báo ngày quang lâm của Người?
Trong thời gian tạm dừng tại thành phố Giê-ri-khô, Chúa Giê-su đã gặp hai nhân vật hoàn toàn trái ngược nhau về cuộc sống vật chất: một người ăn xin và một người rất giầu có. Nơi hai con người này, về mặt thể lý, đều có điểm khiếm khuyết: một người bị mù và một người lùn. Nhưng, trong thâm tâm hai con người này, có một điều gì đó như là mẫu số chung, mà tôi tạm gọi là “khát vọng sâu xa” và “khát vọng thầm kín”. Họ khát vọng điều gì, và ai sẽ đáp ứng cho họ? Và việc họ gặp được điều đáp ứng khát vọng của mình có ý nghĩa gì đối với chúng ta với tư cách Ki-tô hữu đang trên con đường hướng tới “ngày của Chúa”, “ngày Chúa quang lâm”?
- MỘT CUỘC SỐNG KHÔNG CHÂN TRỜI, KHÔNG VIỄN CẢNH
Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 18 từ câu 35 đến 43, thánh sử trình thuật việc Chúa Giê-su chữa lành một người mù ăn xin bên vệ đường. Vào ngày chúa nhật năm B tuần XXX mùa thường niên, rơi vào ngày 24 tháng 10 năm nay, tôi đã suy niệm về trình thuật Chúa Giê-su chữa lành cho người mù ăn xin tên là Ba-ti-mê, dưới lăng kính “Nhìn Thấy Và Đi Theo”. Đây là đoạn văn song song với cùng một phép lạ trong hai Tin Mừng theo thánh Mác-cô và Lu-ca. Hôm nay, trong bối cảnh Chúa Giê-su đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem và dừng chân tại Giê-ri-khô, tôi muốn suy niệm trình thuật này dưới nhãn quan khác được diễn tả trong diễn ngữ “KHÁT VỌNG SÂU XA”.
Trở lại với người mù ăn xin bên vệ đường, chúng ta nhận ra trong cuộc đời người này có khiếm khuyết nào? Ngoài khiếm thị thể lý – đôi mắt bị mù – anh còn có một khiếm thị lớn hơn, quan trọng hơn, đó là cuộc đời anh “không chân trời, không viễn cảnh”. Anh sống trong mù tối – vì anh không nhìn thấy -, anh van xin sự bố thí của người khác – vì anh không thể tự lập -, anh không cùng bước đi với con người trên cùng con đường – vì anh không có tầm nhìn như họ. Cuộc đời của anh như thể “sống qua ngày” với việc mỗi ngày ngồi bên vệ đường ăn xin. Anh không thể nhìn xa, vì tất cả là tối tăm cho anh. Nhưng, trong sâu thẳm tâm hồn, anh nuôi một khát vọng – một khát vọng sâu xa; cho nên ngay khi được Chúa hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”, anh ta trả lời không một chút do dự hay chậm trễ “Lạy Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Đây là câu trả lời hoàn toàn khác với câu anh nói với những người qua đường khi anh xin họ một chút của bố thí.
Từ đáy lòng anh vọt thành lời điều là khát vọng anh ôm ấp từ rất lâu rồi. Anh chưa có dịp thốt lên. Hôm nay, anh nghe người ta nói đến một con người tên là Giê-su Na-da-rét đang đi qua, anh biết con người này – mà có thể anh đã nghe đồn về Người – sẽ đáp ứng khát vọng sâu xa của anh. Đối với những người khác, anh xin của bố thí; nhưng đối với ông Giê-su Na-da-rét – mà anh đã kêu to lên “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi” – anh tin là con người này đáp ứng khát vọng sâu xa của anh. Khát vọng của anh, không chỉ là nhìn thấy – đương nhiên với đôi mắt thể lý sáng nhìn thấy mọi sự – nhưng, hơn thế nữa, cuộc đời của anh sẽ đổi khác với chân trời và với viễn cảnh. Cuộc đời của anh không còn là bên vệ đường mà là trên đường đi, những con đường đưa tới các chân trời, dẫn đến các viễn cảnh. Đôi mắt sáng là mong ước lớn, nhưng cuộc đời tươi sáng là khát vọng sâu xa của anh. Và anh đã được toại nguyện như lòng mong ước, vì anh đã gặp Con Người làm được điều đó cho anh.
- GẶP ĐƯỢC NGƯỜI MỞ RA TẦM NHÌN
Như chúng ta nói ở trên, Chúa Giê-su trên hành trình lên Gê-ru-sa-lem đã dừng chân tại Giê-ri-khô, và đây là cơ may cho anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Người ăn xin mù này mở rộng đôi tai, nghe rõ hết mọi sự, nhưng lại không thấy gì cả. Anh đã nghe nghe nói đến ông Giê-su Na-da-rét, và như thế là đủ cho anh. Anh kêu to – đúng hơn là anh đã gào lên lời xin người đó thương xót anh – và anh tiếp tục kêu to hơn nữa. Anh chỉ chú tâm đến ông Giê-su – dù không thấy – và vì thế, mặc cho đám đông la mắng bắt anh im lặng, anh như không nghe những lời của họ. Tiếng kêu xin của anh đã át cả tiếng của đám đông.
Chúa Giê-su dừng lại nhưng Người không đến bên anh. Người ta dẫn anh đến với Chúa. Điều nghịch lý ở đây là trước đó họ – nhất là những người đi đầu quát mắng bảo anh im lặng – thì đây họ lại dẫn anh đến với Chúa. Và Chúa đã mở mắt cho anh. Anh đã thấy, không những cảnh vật, mà cả “tầm nhìn” về cuộc đời, về ý nghĩa cuộc sống. Chúa đã mở cho anh tầm nhìn đó: đó là tầm nhìn của chính lòng tin. Lòng tin của anh đã chuyển hướng, đã có chân trời tươi sáng. Nếu lúc đầu, lòng tin của anh được diễn tả qua tiếng kêu xin, nài van xin Chúa thương xót, thì nay, khi Chúa mở mắt cho anh, lòng tin của anh đã chuyển từ lời van xin đến việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ đây, không phải là của bố thí là điều quan trọng của đời anh, mà là Thiên Chúa. Giờ đây không phải tiếng van xin là lời mang ý nghĩa cho đời anh, mà tiếng ngợi khen Thiên Chúa. Và đó là “tầm nhìn” mới cho anh và của anh. Chính Chúa Giê-su đã làm điều đó cho anh.
Và khi anh tôn vinh Thiên Chúa từ sâu thẳm đáy lòng qua lời nói, tác động lây lan đã hình thành: “toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa”. Đám đông không còn la mắng anh mù ăn xin như trước, mà giờ đây họ hợp lời với anh để ca ngợi Thiên Chúa, qua tình yêu của Chúa Giê-su, đã chữa lành cho anh. Đây là chân trời, viễn cảnh và tầm nhìn của một cộng đoàn đang trên đường đi với Chúa Giê-su. Đó cũng là chân trời của đời Ki-tô hữu chúng ta.
- HƯỚNG TỚI HƯỞNG KIẾN THÁNH NHAN
Câu chuyện người ăn xin mù loà được Chúa Giê-su chữa lành, gợi cho chúng ta nhiều bài học về những phương diện khác nhau. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh nơi đây, trong bối cảnh của việc Chúa Giê-su đang trên đường hướng về Giê-ru-sa-lem và chúng ta được mời gọi hướng tầm mắt về “ngày của Chúa”, đó là việc hưởng kiến Thiên Chúa.
Cuộc đời Ki-tô hữu nói riêng, cũng như đời sống con người nói chung, đó là đạt đến chỗ chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong Nước Trời, trong cuộc sống mai sau, nơi vĩnh hằng. Sách Khải Huyền được thánh Gio-an vết, cuốn sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh, được kết thúc bằng việc chiêm ngắm Thiên Chúa nơi thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời: “Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên sẽ đặt trong thành, và các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thưở muôn đời” (Kh 22,3-5).
Nhìn thấy và chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa Ba Ngôi là chân trời, là viễn cảnh của cuộc đời chúng ta. Đó phải là tầm nhìn của mỗi chúng ta. Cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta là đang trên hành trình hướng về chân trời đó, như thánh Gio-an đã khẳng định: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa… Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng Khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,1-2). Chúng ta đang tiến đến “ngày của Chúa”, ngày chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa trong hưởng kiến phước lạc. Chân trời của đời Ki-tô hữu chúng ta là vậy. Chân trời thật tươi sáng!