KHI VẮNG BÓNG THIÊN CHÚA
(Bài Suy niệm Thứ 4 tuần XIII TN)
Đọc trình thuật Tin mừng hôm nay (trích từ Mt 8, 28-34) là cơ hội giúp chúng ta nhắc nhớ và suy nghĩ về một thực tại có thật, một vấn nạn đã có ngay từ lúc khởi đầu trong đời sống con người và vẫn còn tính thời sự đối với đời sống của chúng ta hôm nay. Chân lý ấy được tóm tắt trong một mệnh đề mà bất cứ ai thành tâm thiện chí cũng đều công nhận, rằng khi vắng bóng Thiên Chúa mọi sự tồi tệ nhất đều có thể xảy ra. Căn cứ vào nội dung của trình thuật Tin mừng này thử đi tìm nguyên do mấu chốt của vấn đề là gì.
Thứ nhất: Vùng đất Gađara thời Chúa Giêsu là vùng đất của dân ngoại. Tại nơi này người ta chưa có cơ may biết Chúa hay có thể đã có cơ hội nhưng từ chối chấp nhận Thiên Chúa. Ở đây chúng ta nghiêng về giả thiết thứ nhất hơn. Quả vậy, đối với người Do Thái, heo là giống ô uế. Miền đất Gađara này đầy heo vì đó là vùng của dân ngoại, nơi ngự trị của ma quỷ. Như vậy, một hệ luận tất yếu phổ quát có thể được rút ra ngang qua một vùng đất điển hình, với những con người cụ thể và đời sống tâm linh của họ, rằng: chưa nhận biết Chúa cũng đồng nghĩa với chưa tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Bao lâu Chúa còn ở xa thì thế giới của ma quỉ sẽ thống trị.
Thứ hai: Quỉ ám hai nạn nhân, họ từ trong mồ mả đi ra. Thế giới của những nơi Chưa có hay không có Thiên Chúa là vùng đất mầu mỡ của ma quỉ. Sức khống chế của ma quỷ rất mạnh, đến nỗi chúng đã lôi hai nạn nhân phải vào sống trong mồ mả, và “chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua lại đường ấy”. Số phận của hai người bị quỉ ám thật bi đát, cho thấy quyền lực cũng như tầm ảnh hưởng của ma quỉ trên con người thật khủng khiếp khi vắng bóng Thiên Chúa, nói đúng hơn Thiên Chúa chưa có chỗ đứng hay tệ hơn bị gạt sang một bên. Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI khi còn làm bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã khẳng định rằng: “một xã hội không Thiên Chúa sẽ tự hủy diệt mình” (Vatican, theo hãng tin Zenit, ngày 19/11/2004).
Đúng vậy, thế lực sự dữ thật đáng sợ: nhập vào người ta làm cho họ như không còn là người nữa. Còn nếu nhập vào đàn heo thì đàn heo phải nhào xuống biển chết hết. Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI khi còn làm trong bộ Giáo lý đức tin đã nhận định: “trong xã hội của chúng ta hôm nay, Thiên Chúa chỉ chiếm một chỗ ở bên lề. Trong đời sống chính trị, nói về Thiên Chúa là một điều vô duyên không thể chấp nhận được. Nó được coi như một sự vi phạm đến quyền tự do không tôn giáo. Thế giới chính trị có những luật lệ và con đường riêng của nó. Nhưng ngày nay nó loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài làm như là Thiên Chúa không thuộc về thế giới này. Trong lãnh vực kinh tế và ngay cả đời sống riêng tư, Thiên Chúa cũng chỉ có một chỗ đứng bên lề” (Vatican, theo hãng tin Zenit, ngày 19/11/2004).
Thứ ba: Cái nguy của con người là chỉ nhìn sự việc và sống với những gì trước mắt. Vì không tin nhận có thần thánh nên người ta dám làm tất cả. Đối với những người từ chối một quyền lực trên cao, không có thần thánh gì cả… nên cũng chẳng có đời sau, chẳng có thưởng phạt, vì thế cứ thoải mái, cứ hưởng, cứ chơi… Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng họ vẫn thấy trống trải vì trần gian này không bao giờ thỏa mãn khát vọng của con người. Ngay đời này họ đã không thỏa mãn, còn thấy thiếu vắng cái gì đó, có khi tự gây đau khổ cho mình và cho người khác.
Thời nào cũng vậy, con người thường bị cám dỗ đánh mất căn tính: không muốn làm người như bản chất được Tạo hóa dựng nên mà muốn trở thành thần thánh. Trở thành thần thánh nghĩa là tự định liệu cuộc sống mình, coi Chúa như không có hoặc muốn khước từ Thiên Chúa, loại bỏ Chúa ra khỏi cuộc đời này.
Cho đến hôm nay, người ta vẫn tiếp tục từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa, vì khi nhìn nhận có Chúa người ta phải hy sinh vất vả, mất tự do, mất quyền lợi, phải từ bỏ chuyện này chuyện kia, Chúa như là vật cản hay lên án đam mê hoặc tự do của mình.
Là Kitô hữu, những người đã được chịu phép Thanh Tẩy để thuộc về Thiên Chúa nhưng chưa chắc đã tin Chúa hoặc tin như là Chúa muốn. Đời sống chúng ta dường như lạc trôi vô định hay là thờ một Thiên Chúa không phải Chúa của Đức Giêsu mạc khải. Đã không ít lần chúng ta bị cám dỗ và đã sa ngã về đời sống đức tin vì tuyên xưng hay khước từ Thiên Chúa thì dễ còn sống theo giáo huấn của Chúa trong đời sống cụ thể của mình mới là khó. Đó là thách đố không ngừng của mỗi Kitô hữu chúng ta: thách đố không màng quan tâm, chối từ hay loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Hậu quả nặng nề của tình trạng này thì bất cứ ai cũng có thể mường tượng trước được.
Mai Thi