TN-225-TUẦN XXXII-thứ bảy
KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN
(Lc 18,1-8)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 18 từ câu 1 đến 8 thuộc phần thứ hai của sứ vụ Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, nghĩa là từ chương 9 câu 51 đến chương 19 câu 28. Phần thứ hai của sứ vụ này của Chúa Giê-su mang đậm dấu ấn của việc Chúa lên đường hướng về Giê-ru-sa-lem, và trong hành trình đó, Chúa dạy các môn đệ một loạt những bài học trước khi Người chịu chết. Sự kiện Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem như hình ảnh của thời gian cuối cùng lịch sử của từng cá nhân và toàn thể nhân loại. Những lời dạy và những sự kiện xảy ra trong giai đoạn này của Chúa cần được nhìn và hiểu trong viễn tượng đó, viễn tượng cánh chung. Hôm qua chúng ta đã suy niệm về “ngày của Chúa”. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cũng được nhìn trong viễn cảnh trên.
Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể nhận ra cấu trúc như sau: trước hết, Chúa thông báo một câu chuyện – dưới hình thức một dụ ngôn – để nhấn mạnh đến sự kiên trì trong cầu nguyện. Tiếp đến là câu chuyện về quan toà bất chính và bà goá. Cuối cùng, câu hỏi về đức tin khi Con Người xuất hiện. Khi kêu mời các môn đệ phải luôn cầu nguyện, không được nản chí và lời tra vấn về đức tin, Chúa muốn đề cập đến việc cầu nguyện phải xuyên suốt chặng dài của thời gian, nghĩa là có khả năng kiên vững cho đến ngày Con Người ngự đến.
Đây là cơ hội tốt để chúng ta nhận định về việc cầu nguyện của chúng ta và được mời gọi có ánh nhìn nào về Thiên Chúa và thái độ của chúng ta đối với Người.
- KHÔNG ĐƯỢC THẤT CHÍ
Ngay đầu trích đoạn Tin Mừng, chúng ta đã có chìa khoá để hiểu trình thuật mà Chúa Giê-su sắp kể: đó là kiên nhẫn trong cầu nguyện và tỏ ra mình kiên tâm bền chí. Khi nói đến kiên trì trong cầu nguyện, điều đó muốn diễn tả gì? Tại sao lại nói đến kiên tâm bền chí trong cầu nguyện? Vấn đề gì ẩn chứa trong câu nói này? Điều gì đánh cược ở đây? Phải chăng đó là câu trả lời cho những người nghi ngờ về giá trị của sự cầu nguyện, bởi vì họ đã không đạt được điều mong muốn?
Chúng ta có thể hiểu câu nói của Chúa theo những kiểu như sau được không. Thí dụ khi nói đến việc kiên trì cầu nguyện, chúng ta nghĩ rằng mình cầu nguyện chưa đủ dài. Và như thể nhìn Thiên Chúa như một cụ già nặng tai, vì thế phải nói đi nói lại và càng ngày nói to hơn để Người nghe được. Chắc chắn không phải vậy! Hoặc là kiên trì cầu nguyện vì Thiên Chúa là một người khó làm xiêu lòng và chúng ta phải tốn nhiều công sức. Tôi nghĩ không phải vậy!
Như vậy, đâu là ý nghĩa của lời dạy của Chúa về việc đừng thoái chí trong cầu nguyện? Tại sao Chúa lại nhấn mạnh đến việc cầu nguyện trong mọi lúc và đừng chán nản, mà phải theo đuổi đến cùng? Chúng ta cần loại trừ tư tưởng cho rằng Thiên Chúa cần sự kiên trì này để làm cho Người xiêu lòng, vì nếu như thế, thì nói ngược lại với điều Chúa đã dạy: “Khi anh em cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,7-8). Nếu Chúa đã nói như vậy, thì tại sao lại phải cầu nguyện luôn và không được nản chí? Nếu Thiên Chúa biết rõ điều chúng ta cần trước cả khi chúng ta mở miệng, thì vấn đề không phải ở nơi con người, không phải ở nơi chúng ta, hay sao: nếu chúng ta nản chí và bỏ cuộc, không phải vì rằng chúng ta không nhìn thấy gì cả sao? Không phải vì rằng chúng ta không có con mắt đức tin để nhìn thấy hành động của Thiên Chúa sao? Và chính đôi mắt đức tin đòi hỏi phải có một sự biến đổi nội tâm sâu xa suốt cả cuộc đời.
- QUAN TOÀN VÀ BÀ GOÁ
Trình thuật đưa ra hoạt cảnh về hai nhân vật. Trước hết, đó là một quan toà được trình bày với những nét của một con người cứng cỏi không dễ gì mà hăm doạ được, vì ông ta chẳng coi ai ra gì. Ông ta “chẳng kính sợ Thiên Chúa”. Tính chất này có nghĩa gì? Chúng ta biết rằng người kính sợ Thiên Chúa là người đạo đức tuân giữ các giới điều của Thiên Chúa. Như vậy, quan toà này bất chấp mọi lề luật tôn giáo và bổn phận phải có lòng chạnh thương. Tiếp đến là một bà goá. Bà cần ông quan toà giải quyết cho bà một vụ tranh chấp. Ông quan toà không một chút quan tâm đến việc khiếu nại của bà goá, có thể vì bà là một người đàn bà và lại là một bà goá không có chồng, không con, để nương tựa. Bà là một người nghèo về vật chất cũng như về phương diện xã hội. Tình hình có thể khác đi, nếu đó là một người đàn ông danh tiếng và giầu có: quan toà sẽ rất mau chóng can thiệp.
Câu chuyện được tiếp diễn với việc bà goá này không bỏ cuộc, ngay cả khi không có chút cơ may thành công, nhưng bà vẫn kiên trì. Chính thái độ của bà goá này được nêu lên làm gương mẫu. Ngay cả quan toà không có trái tim cũng chẳng có nguyên tắc, nhưng rồi ông cũng phải can thiệp để ông được bình an và tìm lại sự thoải mái – vì bà goá này cứ quấy rầy ông ta. Chúng ta nhận ra trong khuôn mặt quan toà có điều gì đó là châm biếm. Nhưng cũng cần phải hiểu rằng đó là loại dụ ngôn muốn phóng đại những nét vẽ để hiểu rõ luận điểm của người kể. Trong trường hợp này, sự kiện bôi đen quan toà nhưng để nêu cao giá trị sức mạnh của bà goá.
Và còn một khó khăn, đó là trong các dụ ngôn, luôn có một sự so sánh: như…cũng như. Vậy là rất “chướng” khi so sánh Thiên Chúa với quan toà bất chính kia. Nhưng điều cần lưu tâm nơi đây là: cũng như quan toà cuối cùng cũng phải xét xử cho bà goá, thì Thiên Chúa, Đấng quan toà trên trời, lại không minh xét cho anh em sao. Chúng ta phải hiểu rằng: nếu một quan toà bất lương mà còn xét xử công minh, phương chi là Thiên Chúa trên trời, Đấng tốt lành, lại không xét xử công minh hay sao.
- CÒN LÒNG TIN NỮA CHĂNG?
Cuối cùng chúng ta nhận ra diểm then chốt trong lời dạy của Chúa Giê-su trong trình thuật này. Điều gì sẽ xảy ra nếu con người đánh mất lòng tin? Thật vậy, không có chuyện thay đổi về phía Thiên Chúa: Người đã hứa can thiệp để xảy ra một thế giới mới – trời mới đất mới – khi Người quang lâm; Người trung thành với lời Người hứa. Vấn đề là ở phía con người. Khi không còn tin thế giới mới đó sẽ đến, con người không những không có khả năng nhận biết thế giới đó đến, mà còn ngưng hoạt động cho thế giới đó đến và cũng không cầu nguyện cho thế giới đó đến. Người ta không còn cầu nguyện cho đến “ngày của Chúa”. Cầu nguyện, thay vì liên quan đến những sự việc bên ngoài, mà chính là sự biến đổi của bản thân con người chúng ta để làm việc cho một thế giới như Thiên Chúa mong muốn. Như vậy, cầu nguyện là đi vào chính nhãn quan, ánh nhìn, của Thiên Chúa về thế giới mới này. Cầu nguyện biến đổi chúng ta, nghĩa là biến đổi chúng ta thành con người mới như chính Chúa Giê-su Ki-tô, A-đam Mới.
Lời Chúa hôm nay gợi mở cho chúng ta về hành trình của chúng ta hướng về vĩnh cửu, hướng về ngày Thiên Chúa xét xử công minh cho những “kẻ Người đã tuyển chọn”. Như đã nói, dụ ngôn quan toà và bà goá cần được hiểu trong văn cảnh việc Chúa Giê-su sắp ra đi. Đây là cuộc ra đi cuối cùng lên Giê-ru-sa-lem. Dọc đường đi, Chúa dạy các môn đệ và mời gọi các ông đến lượt mình sống hành trình đó và chuẩn bị cho mình sống bằng lòng tin sự vắng mặt của Người. Nếu họ thật sự có đức tin, họ sẽ tiếp tục chờ đợi Triều Đại Thiên Chúa, Ngày của Con Người, mà không thất chí. Nếu họ có đức tin, họ sẽ mong chờ bằng sự kiên tâm bền chí cầu nguyện “Nước Chúa trị đến”. Trong mọi hoàn cảnh, các môn đệ, – cũng như chúng ta ngày nay – sẽ biết cậy dựa vào sự nâng đỡ chắc chắn và nhưng không của Thiên Chúa, mà không bao giờ nản chí sờn lòng, như bà goá trong dụ ngôn trên.